17 October 2015

Các chế độ cộng sản còn lại sắp cáo chung

Bài xã luận viết trong tháng 8 đăng trên blog "Thông Luận", tuy vậy những ý nghĩ nêu ra vẫn còn đáng để chúng ta suy xét (TTR)
“…Làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tốc. Myanma và Cuba tỏ ra đã hiểu là phải tìm cách để chấm dứt chế độ toàn trị một cách an toàn. Còn Đảng Cộng Sản Việt Nam?...”
Những diễn biến thời sự đầu tháng 8 này tuy không lớn về tầm vóc nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng báo hiệu hồi cuối cùng của tiến trình đào thải của các chế độ cộng sản còn lại. Làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tốc.

Trái với nhận định của nhiều người, bốn nước Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên chưa bước vào giai đoạn hậu cộng sản. Điều đã chấm dứt chỉ là điều ít quan trọng nhất của các chế độ cộng sản: mô thức kinh tế Mác-Lênin. Chính Lenin đã từng đình chỉ nó khi gặp khó khăn và ngay cả khi được coi là có hiệu lực nó vẫn sống chung với một sinh hoạt kinh tế thị trường chợ đen song hành. Bản chất toàn trị và khủng bố, bất chấp luật pháp và đặt đảng cộng sản lên trên dân tộc vẫn còn nguyên vẹn. Làn sóng dân chủ thứ ba – mà cao điểm là sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989 - đã chấm dứt cuộc tranh luận về chủ nghĩa cộng sản nhưng đã chỉ xô ngã Liên Xô và các chế độ cộng sản Đông Âu. Bốn chế độ cộng sản còn lại vẫn sống sót nhờ chính sách đối ngoại thực tiễn của Hoa Kỳ và Châu Âu từ thập niên 1990. Giai đoạn ân huệ này đang chấm dứt.

Ngày 5/8 vừa qua tại Kualar Lumpur, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Sau đó Bắc Kinh thông báo là họ đã chính thức yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ về quân sự để tiêu diệt lực lượng mà họ gọi là "bọn khủng bố tại Tân Cương". Việc Bắc Kinh gác lại tự ái quốc gia để cầu viện Hoa Kỳ chứng tỏ tình hình an ninh của họ đã nguy ngập. Như để đáp lại Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan ngại trước những hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Một cách gián tiếp Hoa Kỳ đã cho biết sẽ chỉ cứu xét yêu cầu này nếu Bắc Kinh chấm dứt những hành động khiêu khích. Ngay hôm sau ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố rằng các hoạt động này đã chấm dứt. Quả là đầy thiện chí!

Hai ngày sau ông Kerry đến Hà Nội. Trong cuộc họp báo chung ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sớm bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Ngoại trưởng Kerry đã đáp lại một cách rất thẳng thắn rằng nền tảng cho một quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước phải là sự tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp trị và điều này chỉ tùy thuộc ở Hà Nội. Ông Kerry nhấn mạnh thêm rằng một cách cụ thể Hoa Kỳ không thể chấp nhận sự kiện có những người bị cầm tù chỉ vì bày tỏ lập trường của mình một cách ôn hòa. Hà Nội đã không hề tỏ ra khó chịu trước đòi hỏi này.

Rõ ràng là Hoa Kỳ đã cứng rắn hẳn so với trước đây trong khi cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều đã nhân nhượng, không còn đòi Mỹ "đừng can thiệp vào những vấn đề nội bộ". Không thể khác, họ đang ở trong thế yếu của kẻ cầu xin. Cả khối độc tài tàn dư cộng sản đều đang nguy khốn. Nga đã suy sụp và Trung Quốc cũng không còn che giấu được tình trạng khủng hoảng nữa. Ngoại thương Trung Quốc đã giảm 8,5% trong tháng 7-2015 sau khi đã giảm 12% trong năm 2014; thị trường chứng khoán Thượng Hải vừa sụt nặng và vẫn còn chao đảo dù Bắc Kinh đã bỏ ra 120 tỷ USD để cứu nguy. Trong ba ngày 11,12 và 13 tháng này đồng Nhân Dân Tệ đã ba lần bị phá giá, một hiện tượng chưa từng có trên thế giới. Dù kinh tế không phải là mối nguy lớn nhất của Trung Quốc.

Làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tốc. Myanma và Cuba tỏ ra đã hiểu là phải tìm cách để chấm dứt chế độ toàn trị một cách an toàn. Còn Đảng Cộng Sản Việt Nam?

Ban biên tập Tổ Quốc
(Nguồn: Thông Luận)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...