05 August 2022

Nhớ Hoa Phượng Đỏ, truyện ngắn

"Một lúc, khi quen với ánh sáng dưới bàn, Ngôn muốn bật cười, cây bút chì nằm dưới bàn chân che lên của Kim Uyên. Ngôn cầm đôi bàn chân nhỏ, da trắng hồng trong bàn tay run run của anh. Một phút. Năm phút. Mười phút trôi qua. Anh không nhớ bao lâu". Đấy, mối tình dễ thương chanh cốm đã bắt đầu như thế, như một tình cờ, và cảm xúc rộn ràng sẽ đeo đẳng suốt đời một người! (Diễn Đàn)
**
* Xuân Đỗ 

   
Nhớ em hong nắng tóc gầy
    Nhớ hoa phượng đỏ rợp bay sân trường
    (Viên Ngoại Ng. Đ. Nh)

Ngôn ngừng xe,  đứng bên đường Võ Tánh ngày xưa, nay đổi lại đường Bùi Thị Xuân, nhìn vào trường Bùi Thị Xuân. Tất cả xa la như Ngôn chưa lần nào đến nơi này. Các lớp học hình như mới được xây cất thêm, dãy chính giữa xây thêm một tầng lầu. Các hàng thông trước sân trường và  hai bên hông trường, có lẽ đã già cỗi quá, đã bị đốn đi và được trồng thế vào các cây cối khác, Ngôn không biết tên.
 
Ngôn thở dài. Tất cả đều đổi thay. Không còn gì các dấu vết ngày xưa. Ngôn đưa tay lên túi áo, lấy bao thuốc, cầm một điếu, như một thói quen.
 
Khí hậu Đà Lạt mát mẻ, gió gợn lành lạnh. Ngôn bật que diêm, châm  điếu thuốc, lơ  đểnh nhả khói vào không gian tịch mịch của buổi sáng. Ngôn hít từng hơi thuốc dài, thơ thẩn bước lại chiếc xe gắn máy  mượn của đứa cháu, có lẽ chạy một vòng Đà Lạt, trở lại khu chợ Hòa Bình, vào quán nhâm nhi một ly cà phê. Cho hết một  ngày. Còn vài ba hôm nữa Ngôn từ giả cha già, xuống lại Sài Gòn để trở về Mỹ.
 
Khu chợ Hòa Bình cũng hoàn toàn thay đổi. Quán cà phê Tùng ngày xưa, không biết bây giờ  có còn không và nằm ở chỗ nào.  Ngôn gởi xe , đi bộ thay dọc hè phố, có nhiều tiệm bách hóa khá lớn. Ngôn bước vào một tiệm cà phê và điểm tâm nho nhỏ, ở góc phố. Nhìn lên tường, bảng hiệu " Kim Uyên " làm Ngôn giật mình.
  
Chọn chiếc bàn nhỏ , một chỗ ngồi bên cửa kính nhìn ra khu đồi thông  xa xa , còn ẩn hiện trong sương mù. Tô phở bốc khói và ly cà phê phin , nhỏ từng giọt tí tách, người chủ vừa bưng lên.  Ngôn gạ chuyện ông ta, quán có tên Kim Uyên hay hay. Ông ta cười, một thoáng buồn trên khuôn  mặt. Giọng nói nhỏ nhẹ như tâm sự:

 
 - Kim Uyên là tên của bà chị tôi. Chị mất hơn ba năm rồi. Tất cả đều đi qua.
  
Ngôn yên lặng nghe, chia một nỗi buồn với anh ta. Ngôn cầm ly cà phê uống một ngụm, nhìn lại anh chủ quán và  bắt gặp cặp mắt to, đen, buồn rười rượi. Đột nhiên Ngôn giật mình, quay lại hỏi:
   - Xin lỗi, anh tên  ... ?
  
Anh ta lúng túng, như mất bình tỉnh:
   - Dạ, tôi tên ... Hạo. Thưa còn anh... tôi trông ngờ ngợ...
  
Ngôn đứng lên. Anh cầm tay Hạo, như muốn la lớn lên :
   - Trời ơi! Hạo.   Và chắc Hạo cũng chưa quên tôi. Tôi là Ngôn. Anh Ngôn dạy Hạo và Kim Uyên hồi nhỏ ở Hội An. Gần bốn mươi năm rồi còn gì.
  
Hạo ôm chầm lấy Ngôn. Mắt Hạo hoen mờ trong thổn thức  .
  
Một toán du khách mở cửa bước vào. Tiếng cười nói lao xao, tiếng Việt pha lẫn tiếng Anh. Hạo xin phép Ngôn, đứng lên tiếp khách.
   - Chốc nữa em trở lại với anh.
 
Ngôn châm thêm nước nóng từ chiếc bình thủy vào ly cà phê đã nguội. Bầu trời bên ngoài cửa kính xám đục, gió nhè nhẹ đưa đẩy mấy ngọn thông bên đồi xa xa , vài ba cơn gió như đưa đám mây bay thật thấp, la đà trên các ngọn cây thông. Kỷ niệm một thời niên thiếu, theo các đám mây bay...

                                                                             * *

Ngôn không phải là người của xứ lạnh, xứ  Đà Lạt. Ngôn theo gia đình , cha mẹ về Đà Lạt năm 1960 .Ngôn sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ bé, cổ kính, buồn hiu của xứ Quảng. Thành phố Hội An. Từ thuở bé, Ngôn chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ rời khỏi  thành phố rêu phong đó để đến ở một nơi khác.  Ngôi nhà Ngôn sinh ra ở phố Phan Bội Châu là ngôi từ đường của ông bà nội để lại cho cha mẹ Ngôn. Ngôi nhà trông thậ nhỏ ở mặt trước, nhưng sâu hun hút vào phía trong và vườn sau nhà rộng thênh thang, đầy cây cối ăn trái. Cam, quít, ổi, xoài, mãng cầu, mận, trần bì, bòng, bưởi...
  
Từ thuở bé, khi còn học trường tiểu học tại Chùa Bà Mụ, Ngôn và đám bạn bè thân, kéo nhau về nhà, tha hồ leo trèo, hái các trái cây chín để ăn. Đôi khi một vài tên nãy ra sáng kiến, hái một trái bòng lớn gần bằng quả bóng tròn, đem vùi vào lò tro nóng trên bếp độ nửa giờ, cho trái bòng mềm đi , để  làm trái banh. Cả nhóm chia nhau làm hai phe, quần nhau ở một góc vườn, hay ở cuối đường của dãy phố, cho đến khi mệt lữ, mồ hôi nhể nhại và trái bòng bể ra làm nhiều mãnh.
  
Những năm đầu vào trường  trung học Trần Quí Cáp, Ngôn và đám bạn bè cùng lớp, cùng phố gần nhau, vẫn tiếp tục các trò chơi trên. Một vài tên " sử giặc", kéo nhau đi ghe qua bên kia sông, chỗ Ty Thanh Niên đặt những bè lồ ô, bè cao su, để bơi lội, hụp lặn suốt các buổi chiều của những mùa hè nóng bức, oi ả.
  
Mười lăm tuổi, lên lớp đệ ngũ, Ngôn cảm thấy mình đã " nhổ giò ", tiếng nói cười không còn trẻ nít nữa, mà đã " bể tiếng ", ồm oàm như vịt đực. Áo quần đã bắt đầu chình tề, quần dài xanh, áo sơ mi trắng và đôi giày ba ta thay thế đôi " sân đanh " cà rếp hay đôi dép lẹp xẹp.  Trong lớp học khi có việc cần thiết giao tiếp với đám con gái, mượn hoặc cho mượn sách vở, Ngôn cảm thấy ngượng nghịu, mặt mày nóng bừng và chân tay luống cuống , dư thừa.
  
Đám con trai nghịch ngợm, trong những lúc chụm đầu nhau đấu láo, nói chuyện tào lao, đã xầm xì, con này đẹp, con kia " chung vô diệm ", con này có duyên, con khác có cái cười của "Fernandel ", bộ mặt của Dạ Xoa. Ngôn lắng nghe thích thú, nhưng không dám tham gia tích cực. Ngôn ngoan, học giỏi, chăm chỉ và sợ bị quở trách .
  
Một hôm Ngôn đi theo người anh, đến  phòng tập thể dục thẩm mỹ, do Ty Thanh Niên bảo trợ và phái huấn luyện viên đến chỉ dẫn cho mọi người tập luyện , hằng tuần. Ngôn say mê không khí vui nhộn và khỏe mạnh. Say mê nhìn những thân hình cân đối, nở nang. Một vài tấm hình lớn cở bích chương, các lực sĩ  đẹp thế giới và hình lực sĩ Nguyễn Công Án, một lực sĩ Việt Nam chiếm nhiều huy chương, không những ở Sài Gòn mà còn nỗi tiếng ở các nước ngoài Anh, Pháp, Mỹ ... trong các cuộc tranh tài  quốc tế. 
   
Ngôn muốn gia nhập vào phòng tập thể dục thẩm mỹ này. Điều làm Ngôn lưỡng lự, là phải đóng một phí tổn hằng tháng. Ngôn cũng như các  học sinh thời đó, chưa làm gì có tiền và cha mẹ cũng không dư dả lắm.
  
Buổi chiều về nhà, thơ thẩn ngoài vườn, Ngôn vẫn còn lưỡng lự, có nên xin tiền ba mẹ để gia nhập phòng tập thể dục thẩm mỹ hay không?  Ba  Ngôn ở trong nhà cũng vừa đi ra vườn. Ngôn đứng bên cha, nói chuyện về việc học ở trường. Nhân dịp tốt này, Ngôn nói với cha, về điều băn khoăn của mình. Ba Ngôn rất hiểu tâm trạng của con.
  
Trước năm 1945, ông đã được cho ra Huế học. Sắp thi bằng thành chung thì cuộc chiến tranh dành độc lập bùng nỗ. Sau một thời gian lưu lạc, nhiều phen suýt bỏ mạng nơi rừng sâu. Năm 1952 ông trở về Hội An và trở thành một công chức ngạch thơ ký ở Tòa Tỉnh. Ông biết con trai, Ngôn, học giỏi, tính tình điềm đạm . Ông cũng hiểu , việc con xin một món tiền nho nhỏ để gia nhập vào phòng thể dục thẩm mỹ là một điều hợp lý, thật đáng khuyến khích. Nhưng ông cũng biết rằng, lương hướng  của ông, một thơ ký , thật khá khiêm tốn.  Vợ ông phải chi tiêu thật dè sẻn, tiện tặn mới đủ cho một gia đình hai vợ chồng và ba đứa con đang đi học. Ông chợt nhớ, một lần  ông Chủ Sự Phòng, cấp  chỉ huy trực tiếp của ông, có biết Ngôn, con trai của ông học giỏi, nên muốn hỏi ý kiến ông, cho Ngôn đến kèm cho con trai ông Phó Tỉnh, chuẩn bị thi vào lớp đệ thất, trường công lập Trần Quí Cáp. Ông chưa trả lời cho ông Chủ Sự. Ông không muốn con trai " làm kiếm tiền" khi tuổi còn quá nhỏ. Nhưng thật sự, điều làm ông e ngại, là không muốn con  " gần gũi " quá đến kẻ quyền thế, như một cử chỉ của kẻ xu nịnh. Ông ngần ngại không trả lời và cũng không nói cho con nghe chuyện này.
  
Bây giờ trước việc con xin tiền, ông nghĩ nên tạo cho con học tinh thần tự lập và cũng tránh tình trạng quá câu chấp, bướng bỉnh của mình. Điều  chính yếu  ông muốn con luôn luôn cảnh tĩnh, để không bị " dính líu " quá với kẻ quyền thế, để mọi người khỏi hiểu  lầm.
  
Ngôn trở thành " gia sư " của thằng bé con, con trai cưng chiều  của ông bà Phó Tỉnh. Mỗi tuần hai  buổi, tối từ sáu giờ đến tám giờ, thứ hai, đầu tuần, chuẩn bị cho một tuần học và thứ sáu, cuối tuần , kiểm soát lại mọi điều đã học trong tuần.  Điều Ngôn muốn thành công trong việc uốn nắn lại thằng bé sắp hư hỏng này là, đậu vào lớp đệ thất trường công và trở thành học trò giỏi, như lời yêu cầu của ông bà Phó Tỉnh.
   
Trong hai tuần lễ đầu , nhiều khi Ngôn thới chí, định bỏ cuộc, nhưng một chút tự ái nào đó không cho anh rút lui dễ dàng. Thằng bé thông minh, nhưng cứng đầu và đôi khi khá " mất dạy ". Thằng bé thử anh:
   - Thưa thầy, tên thầy là Ngôn hay Ngố?
  
Ngôn giữ thật bình tĩnh, nghiêm nghị , nhìn thằng bé, " uy hiếp tinh thần" nó bằng tia nhìn sắc lạnh:
   - Hạo ( thằng bé tên Hạo ), em không được hổn. Ba mẹ em đã cho phép tôi, có thể đánh em bằng roi, nếu em hổn láo. Tôi nhắc lại, em chỉ cần gọi tôi bằng anh, anh Ngôn, nhớ không?
  
Hai luồng  nhãn lực của anh và của thằng bé gặp nhau. Trong một tích tắc nào đó , luồng nhãn lực của Ngôn đã chế ngự được thằng bé. Từ đó Ngôn mừng thầm , đã thắng được một cuộc thử thách tuy nhỏ nhoi nhưng thật quan trọng. 
  
Một hôm Hạo xin phép anh, chạy vào nhà uống nước, sau khi đã làm xong các bài toán thật nhanh, thật đúng. Ngôn khen:
   - Hạo, em giỏi lắm. Em thông minh, chỉ cần chăm chỉ một tí, chịu làm bài vở, học bài cho thuộc, anh nghĩ em sẽ đậu vào đệ thất dễ dàng và trở thành học trò giỏi trong lớp.
  
Ngôn mỉm cười thật vui, khi thấy thằng bé vừa chạy vào nhà, vừa nhảy cửng lên như một chú bò con. Một lúc sau, Hạo đi ra, mang theo một tập vở, có bao giấy dầu xanh sạch sẻ. Hạo nói:
   - Anh Ngôn này, chị Lém nhờ anh làm dùm hai bài toán hình và đại số.
  
Thằng bé để tập vở trước bàn và chạy đi tìm mấy cái đồ chơi , nó dấu sau bàn học.  Ngôn nhìn tập vở sạch sẻ, có mùi thơm của nước hoa, Ngôn cũng buồn cười về cái tên Lém thằng bé mới nói. Ngôn có nghe đâu đó, ông bà Phó Tỉnh có hai người con, một gái và một trai. Cô con gái tên gì, Ngôn không biết. Chẳng lẽ tên Lém?
  
Ngôn xem qua hai bài toán. Cũng chẳng có gì khó lắm. Toán của lớp đệ ngũ. Bài toán hình , chỉ cần áp dụng vài định lý là giải  xong. Bài đại số, bài toán nhỏ, phương trình bậc nhất, chỉ cần thay ẩn số là giải được. Bài khác  áp dụng phương trình bậc hai, lấy số bình phương , giải xong , lấy căn số và có câu trả lời đúng.
   
Ngôn viết mấy bài giải bằng bút chì vào tờ giấy trắng và xếp sách lại, đưa cho thằng bé. Tới giờ học Anh văn.
   - Hạo , lại đây học một ít ngữ vựng tiếng Anh. Hôm nay em đã chơi nhiều rồi.
  
Thằng bé bỏ mấy cái đồ chơi trên sàn nhà, chạy lại :
   - Hôm nay em chơi nhiều vì em học giỏi. Tiếng Anh để dành lần sau đi anh. À, mà anh kêu tên em ở nhà là thằng Lĩnh, chứ đừng kêu Hạo.
   
Ngôn cười xòa trước cái liếng thoắng của thằng bé. Nhìn đồng hồ, giờ dạy đã xong. Ngôn dặn thằng bé, học các chữ ngữ vựng anh vừa viết , để lần sau, sẽ tập làm những câu ngắn và nói lên cho quen.
  
Ngôn đi về, ra lấy xe đạp , đến phòng tập thể dục thẩm mỹ. Nhớ hai cái tên Lém Lỉnh thằng bé nói lúc nãy, Ngôn chợt phì cười, chiếc xe đạp muốn lạng vào bờ lề.
  
Thấm thoát Ngôn đến kèm cho thằng bé đã được bốn , năm tháng.  Thằng bé học tiến bộ khá  rõ rệt. Với cái đà này, việc thi vào đệ thất trường công, Ngôn nghĩ không khó khăn  lắm. Một hôm Ngôn đến dạy, bà Phó ra ngồi nói chuyện, bà rất hài lòng thấy thằng bé học hành tiến bộ. Tính tình cũng khá thay đổi, vẫn còn nghịch ngợm nhưng đã ngoan ngoản và biết vâng lời. Bà  đề  nghị thêm, Ngôn chia thì giờ để kèm thêm cho cô con gái, chị của thằng bé, Kim Uyên.
   
Nghe bà nói tên Kim Uyên, Ngôn nhớ đến cái tên Lém, có lần thằng bé Hạo nói cho Ngôn biết. Thằng bé đã nhiều lần mang vở của Lém xuống cho Ngôn làm các bài toán, sửa các bài Anh văn. Ngôn chưa gặp, chưa thấy Lém. Đôi khi đi xe đạp đến, Ngôn ngước nhìn lên lầu, chỉ kịp thấy mái tóc thề vừa xoay lưng bước vào phòng. Đôi khi đang chăm chú chấm các các bài tập của thằng Hạo vừa làm xong. Thằng bé nhân dịp đó, chạy lên lầu và Ngôn nghe tiếng đuổi nhau, chạy huỳnh huỵch từ trên lầu vọng xuống.
  
Bây giờ nghe bà Phó đề nghị Ngôn kèm luôn cả cho Kim Uyên, Ngôn thấy một chút e ngại, một chút ngại ngùng. Bà nói :
   - Tôi và ông nhà tôi rất cám ơn cậu đã dạy dỗ được thằng bé nghịch ngợm Hạo. Bây giờ xin cậu giúp kèm thêm cho Kim Uyên, chắc sẽ mất thêm thì giờ học hành của cậu. Tôi và ông nhà tôi sẽ biếu thêm thù lao cho cậu.
  
Ngôn cảm thấy mặt mình nóng rang. Điều ngại  ngùng của Ngôn là phải kèm học cho một cô con gái, sẽ làm cho Ngôn không còn được tự nhiên như kèm cho một thằng bé ... ngỗ nghịch. Thằng bé nghịch ngợm, nếu không chịu học, Ngôn có thể trừng mắt, làm dữ cho nó sợ. Hoặc nó hổn láo, anh có thể đánh nó vài roi... nhè nhẹ cảnh cáo. Bây giờ phải kèm thêm cô con gái của ông bà Phó, Ngôn không niết xử sự làm sao. Giận quá, muốn đánh một cái, thì phải đi tìm ... một cành hoa, thì đâu còn giận nữa. Mà không hiểu sao, Ngôn lại nghĩ Lém - tên ở nhà-, Kim Uyên - tên đi học, lại đẹp. Điều này làm khổ cho Ngôn.
  
Thấy Ngôn lưởng lự, bà Phó đề nghị một giải pháp dung hòa :
   - Tôi hiểu cậu không có nhiều thì giờ. Cậu bận học quá. Nếu vậy, mỗi lần cậu đến đây kèm cho thằng Hạo  hai giờ, bây giờ cậu dành một giờ cho thằng Hạo, một giờ cho Kim Uyên nhé.
  
Ngôn rơi vào tâm trạng " cũng đành nhắm mắt đưa chân. Để xem ... cô bé Lém có làm khổ mình tới mô ". Hôm đó ở phòng tập thể dục, Ngôn thấy chiếc tạ như nhẹ hơn. Đêm về, trong giấc ngủ, Ngôn thấy mình đang chạy trong vườn hoa, những ngày cận tết ở Thanh Hà, đuổi theo thằng bé Hạo và Kim Uyên, đang chơi trò trốn kiếm trong các bụi hoa.
  
Buổi học đầu, thứ hai tuần tuần kế đến chậm chạp làm Ngôn hồi hộp. Chưa quá nửa giờ, thằng bé Hạo đã làm bài xong. Nó gấp sách vở lại, nói vội với Ngôn để chạy đi chơi :
   - Hôm nay phiên em xong rồi. Bây giờ tới phiên chị Lém. Em vào kêu chị Lém ra học  anh Ngôn nhé.
  
Ngôn định gật đầu cho xong . Nhưng anh chợt nhớ, nếu quá dễ dải với thằng bé, nó sẽ lười biếng trở lại. Anh dỡ tập sách, chỉ cho thằng bé thêm vài bài toán, để nó làm và kỳ sau, anh sẽ kiểm soát lại. Chỉ chờ có vậy, thằng bé ôm sách vở chạy mất.
  
Ngôn ngồi chờ khá lâu. Có đến trên mười, mười lăm phút, vẫn chưa thấy cô bé ... Lém ra học. Ngôn không biết làm sao, đành ngồi chờ, nhìn ra cửa sổ. Khá lâu, có tiếng dép rụt rè, nhè nhẹ bước vào phòng. Ngôn cố giữ bình tĩnh, đọc trang sách ... không chữ. Cô bé đúng  bên góc àn học, để sách vở xuống nhè nhẹ. Hình như có tiếng lí nhí trong cổ họng. ".. thưa... " Ngôn nhìn lên, bắt gặp cặp mắt to, sâu, nhí nhảnh, bướng bỉnh. Ngôn có cảm tưởng như mình đang bơi lội trên dòng  nước biển mát lạnh ở Cửa Đại. Không như lần trước , với thằng bé Hạo, anh đã giữ cho làn nhản tuyến đàn áp được thằng bé nghịch ngợm. Lần này luồng nhãn tuyến của anh như bị cơn sóng đỗ ập đến, chơi vơi.
  
Trong một khoảnh lhắc nào đó , Ngôn lấy lại bình tĩnh, tự nhiên, hỏi cô bé:
   - Hôm nay có bài toán hình, đại số nào cần tôi chỉ dẫn hay làm dùm như mấy lần trước không?
  
Cô bé lắc đầu, ngồi xuống một mép nghế. Mái tóc đen, dài đỗ xuống ngang vai che khuất khuôn mặt như trong một nửa vòng bóng tối. Cô bé dỡ cuốn sách hình học, chỉ vào chương đang học :
   - Buổi sáng này thầy giảng chương này, Kim Uyên chưa hiểu gì hết.
  
Ngôn cầm cuốn sách hình học, đọc vội  và bước lại chiếc bảng đen, cầm phấn vẽ lên bảng, giảng lại cho cô bé. Ngôn lặp lại:
   - Hoc toán cần hiểu bài và thuộc các định lý, là làm được các bài toán.
  
Thằng bé Hạo chạy đến nói lớn :
   - Anh Ngôn, chị Lém làm biếng,  không chịu làm bài, anh cũng đánh  như anh đánh em vậy nhé. Như vậy mới công bằng.
  
Cô bé dơ nắm tay, dọa doạ thằng bé. Thằng bé thoắt một cái, chạy đi mất. Ngôn giảng lại bài hình học, ra thử một bài tập nhỏ cho Kim Uyên làm, để kiểm lại. KIm Uyên một tay vuốt tóc, một tay chống cằm, ngồi ngẩn ngơ. Ngôn giảng lại một lần nữa, lặp lại các định lý, lấy một vài ví dụ và giải bài toán trên bảng cho Kim Uyên theo dõi. Ngôn đôi khi muốn lắc đầu, không hiểu cô bé này có nghe không, có hiểu những lời anh giảng và các ví dụ anh viết đầy trên bảng. Nhưng may quá, cô bé đã làm được các bài toán nhỏ kế tiếp.. Ngôn thở ra nhẹ nhỏm. Ngôn khuyến khích :
   - Thấy không. Toán không khó lắm đâu. Đừng có sợ. Chỉ cần hiểu bài, thuộc các định lý, và nhanh trí một tí là làm được dễ dàng.
  
Ngôn đem trường hợp thằng bé Hạo ra làm ví dụ cụ thể. Kim Uyên bật cười:
   - Anh nhầm rồi. Thằng bé Hạo là chúa ba xạo đó. Anh đừng tin nó. Ba đặt cho nó là Hạo " lém lĩnh " Nó đem  " chia " cho em tên Lém, nó dành tên Lĩnh. Nó bảo Lĩnh là "  lĩnh kỉnh , liều lĩnh, phú lĩnh"
  
Ngôn phì cười trước lối nói chuyện của cô bé . Anh nghĩ, thằng Lĩnh Hạo chia cho cô chị tên Lém cũng  đúng lắm. Không khí buổi học trở nên thoải mái, vui vẻ vàcô  "học trò " của Ngôn vâng lời , chịu học, có   tiến bộ.
  
Thấm thoát năm học gần hết, nghỉ hè sắp đến. Tháng ngày tương đối rảnh rổi, dễ dàng của năm lớp đệ tam sắp chấm dứt. Ngôn chuẩn bị lên lớp đệ nhị, năm thi Tú Tài I. Thằng bé "lĩnh" Hạo sắp sửa thi vào lớp đệ thất trường công Trần Quí Cáp.
  
Ngày Hạo đi thi, ông bà Phó nhờ Ngôn chở thằng bé, đưa đón cho thằng bé. Thằng " liều Lĩnh' đi thi như đi chơi, như đi đá banh, đi tắm sông. Ngôn tin tưởng thằng bé học giỏi, chắc sẽ đậu. Nhưng trước sự lo lắng của bà Phó, Ngôn cảm thấy e ngại. Nhở thằng bé rớt, anh sẽ ăn nói làm sao vói ông bà. Anh sẽ là người chịu trách nhiệm và sẽ không có uy tín gì nữa.
  
Ngôn dắt xe đạp ra ngồi bên gốc cây phượng để chờ thằng bé. Mùa hè đã đến, hoa phượng nở đỏ cả một góc sạn trường. Đôi khi vài nhánh hoa rơi rụng trên vai, trên cuốn sách Ngôn đang đọc. Có tiếng cười khúc khích thật gần. Ngôn nhìn lên. A, cô bé Lém đi đâu vậy.
  
Kim Uyên hỏi :
   - Anh đọc chi mà mê mẩn rứa hỉ ?  Em  đến đây cả trên năm, mười phút mà anh không biết chi mô hết.
  
Cô bé Lém này hôm nay "lém" quá, nhí nhảnh đủ điều và xài giọng Huế " đặc quánh" thế này. Ngôn gập cuốn " Dòng sông định mệnh" của Doãn Quốc Sĩ, nhìn cô bé, hôm nay trông lớn hẳn, một thiếu nữ  ... đẹp quá, làm anh ngẩn ngơ.
   - Kim Uyên  cũng  đi mô rứa?  Sao không ở nhà học bài , làm các bài tập tôi đã chỉ dẫn. Kim Uyên phải lo học, nghe không ?
   
Kim Uyên nủng nịu :
   - Anh ni, ông thầy chi mà khó rứa. Dị hợm quá. Me biểu Kim Uyên, xuống đây xem thằng " Lĩnh" có làm mít ướt sút cùi không? Có rớt cái bịch không ?
  
Ngôn phì cười. Cô chị này , miệng mồm ăn mắm, ăn muối, nói " xui " quá. Cô bé xoay qua phía sau xe đạp, lấy cái gói, đưa cho Ngôn:
   - Me biểu đem bánh cho anh ăn, để khỏi đói  bụng, chờ thằng Lĩnh. Mà nè, anh nì, trong đó có mấy cái bánh " su sê " em dành riêng cho anh đó.
  
Ngôn lại ngẩn ngơ. Anh đâu có đói bụng. Còn sớm quá. Mới chưa tới 11 giờ. Ngôn cũng không hiểu bánh " su sê " là bánh gì. Định hỏi lại cô bé, Kim Uyên đã quày quả đạp xe như chạy. Ở bên kia đường vài ba cô bạn của Kim Uyên đang đi xe đạp đến.
  
12 giờ trưa. Tiếng trống vang dội một góc trường. Bốn giờ thi buổi sáng vừa xong. Một chốc sau, học trò ở các phòng thi , chạy ra, cười nói ồn ào. Hạo chạy ra gốc cây phượng, nơi Ngôn đã dặn trước. Ngôn chưa hỏi, Hạo đã oang oang :
   - Em làm đúng hết anh Ngôn ơi. Toán có tới bảy câu, hơi khó nhưng em làm đúng hoàn toàn. Trước giờ nạp bài cả nửa  giờ. Em dò lại , đúng hết. Bài luận dễ quá. Em viết hay lắm. Còn mấy bài khác , em làm đúng hết. Anh đừng lo. Em học giỏi lắm mà.
  
Ngôn mừng và cũng tức cười. Ngôn chỉ gói bánh và hỏi thằng bé, có đói bụng không? Hạo lắc đầu:
   - Em khát nước. Em đải anh uống nước dừa nhé. Em có tiền, Me cho.
  
Thằng bé vừa nói vừa vỗ vỗ vào túi quần. Ngôn buồn cười:
   - Thôi Hạo lên xe đạp anh chở đến quán Tân Tân uống nước dừa. Em làm bài giỏi, đúng hết, chắc hy vọng đậu. Anh đải em uống nước dừa hôm nay.
  
Nhìn thằng bé uống nước dừa, đỗ ra cả áo, miệng nhai các miếng dừa nạo "lạo rạo " trong mồm. Ngôn thấy vui vui. Ngôn dục thằng bé, về sớm, kẻo ba mẹ trông. Thằng bé khệ nẽ uống hết ly nước dừa mới chịu đứng lên.
  
Ngôn thắng xe, thằng bé nhảy xuống chạy ập vào , ôm  choàng lấy mẹ, đang đứng ngóng chờ bên cửa. Ngôn lửng thửng bước đến.
   - Thưa bà, Hạo giỏi lắm. Các bài thi khá khó , nhưng em làm đúng cả. Như vậy tôi hy vọng em sẽ đậu. Không chừng  em sẽ đậu cao nữa.
  
Thằng bé rời mẹ, chạy vào nhà, nhảy sầm sập lên thang lầu. Có tiếng " léo mhéo " vọng xuống " Lĩnh mít ướt sút cùi, rớt cái bịch, bể cái đích " . Và  tiếng chân ví đuổi nhau rầm rập  trên lầu.
  
Ngôn định chào bà ra về. Bà vẫn còn lo lắng:
   - Thật cám ơn cậu đã dạy dỗ cho thằng bé. Tôi cũng hy vọng nó đậu, chẳng cần đậu cao, đậu thấp, kẻo mang tiếng. Nhưng nhìn vào con số học sinh dự thi, gần 400 và chỉ có nhận vào 120 đứa đậu thì tôi lại lo ngại quá.
  
Ngôn chào bà để ra về. Bà bảo chờ bà một chốc, lại bàn lấy chiếc phong bì, đưa cho Ngôn :
   - Ông nhà tôi bảo gởi biếu cậu chút đỉnh để cám ơn cậu đã kèm kẹp đuợc thằng bé. Tôi có nghe nói, phải chờ khoảng hai tuần lễ mới có kết quả kỳ thi. Thôi cậu cũng nghỉ ngơi., chuẩn bị cho năm học đi thi của cậu. Trong hai tuần lễ này, cậu cho hai đứa được " nghỉ hè " và sau đó , xin cậu đến dạy lại cho hai đứa như cũ.
  
Ngôn dắt xe ra về, ngước nhìn lên lầu. Trên balcon Lém nhìn xuống, đưa tay vẩy vẩy và chỉ vào cây phượng đầy hoa đỏ ở  đầu  đường.  Ngôn nhảy lên xe đạp, lạng quạng suýt đụng vào bà bán chè , đang gánh gánh chè đi bán rong trên đường.
  
Tin Hạo đậu và đậu khá cao, hạng thứ ba trên tổng số 120 , lại do chính ... thằng bé, đạp xe đến nhà cho anh biết, trước ngày có kết quả chính thức.  Hạo đạp xe đến, gỏ cửa. Mẹ Ngôn mở cửa. Thằng bé thưa :
   - Thưa bà, cháu là thằng Lĩnh, học trò của anh Ngôn. Bác cho cháu gặp anh Ngôn để báo tin, cháu đậu vào lớp đệ thất rồi. Đậu hạng ba.
  
Ngôn ở phòng học chạy ra. Ngạc nhiên nhìn thằng bé, ngạc nhiên trước các tin vui thằng bé mang đến. Ngôn hỏi :
   - Ba me em mừng lắm không?
  
Thằng bé gật đầu :
   - Me mừng lắm. Nhưng ba thì " xùng " lắm. Đúng lý ra, em đậu đầu kia. Nhưng mấy thầy bên trường Trần Quí Cáp, sợ mang tiếng thiên vị, nên để em đậu hạng ba. Còn bà Lém thì nói em " chó ngáp mhằm ruồi ".
  
Ngôn khen thằng bé, hỏi :
   - Sao em biết nhà anh mà đến ?
   Hạo cười khì khì :
   - Ở Hội An này chỗ nào mà em không biết.Thượng Chùa Cầu, hạ Âm Bổn này. Từ Bờ Sông ra đến Xóm Mới này. Từ Trại Nông qua đến Cẩm Phô. Chùa Ông, chùa  Tàu, chùa Phước Kiến, chùa Bà Mụ... chỗ nào bọn em cũng đến được hết.
  
Ngôn lắc đầu. Anh hỏi thằng bé :
   - Em thích ăn trái cây không? Ra vườn sau chơi. Anh hái cho mận, trần bì, ổi ... hoặc bất cứ trái cây nào em thích.
  
Chưa kịp chỉ cho Hạo, thoắt một cái, , thằng bé " biến " đâu mất. Ngôn cầm cái túi, nhìn tìm thằng bé ở trên cây nào.
   - Hạo ơi, cẩn thận. Xuống đây cầm cái túi này để đựng trái cây em hái được.
  
Thằng bé " sà " xuống, cầm cái túi, mang vào cổ, lại " biến " đâu mất. Ngôn mệt quá. Anh ngồi xuống gốc cây, đọc lại các chương trong cuốn sách toán đã soạn trước. Khá lâu thằng bé đã chán, tuột xuống.
   - Em về.
  
Ngôn ngạc nhiên :
   - Hạo, em không mang những trái cây em vừa hái được đem về nhà hả ?
  
Thằng bé lắc đầu :
   - Em đem về, me biết em xuống anh, trèo cây, me "mét " ba , bị đòn.
  
Ngưng một chố, thằng bé lại " liếng thoắng " :
   - Hay là anh lên nhà với em. Anh hái cho ... bà Lém. Bà Lém mê ổi, trần bì chua dữ lắm. Bửa nào em rủ bả xuống trèo cây với em, để thử bả dám trèo không ?
   Ngôn bật cười. Đi với Hạo lên gặp bà Phó. Bà thật mừng và vui vẻ báo tin mừng cho Ngôn và để thưởng cho  thằng bé học giỏi, đậu cao, Hạo được về Huế chơi vài ba tuần, rồi trở vào lại Hội An học hè.
  
Ngôn vẫn đến dạy hè cho Kim Uyên như thường lệ. Thằng bé chen vào câu chuyện :
   - Bà Lém bị ba phạt đó anh Ngôn. Bả không được về Huế chơi.
  
Nói xong thằng bé chạy lên lầu và tiếng chân lại đuổi nhau, chạy sầm sập vọng xuống.
  
Các buổi học hè chỉ có một mình Kim Uyên, trở nên thoải mái. Kim Uyên thông minh, đã chịu học, và tiến bộ cũng thật nhanh.Ngôn không còn e ngại một xáo trộn nào của cuộc sống bình lặng ở một thành phố bé nhỏ , cổ kính, thầm lặng, rêu phong này. Một buổi chiều, bên ngoài cửa kính, gió mưa đổ xuống trong tiếng sấm chớp. Ngôn giảng một bài toán, hình như bài đại số. Ngôn viết chi chít trên giấy bằng bút chì. Kim Uyên nghe có vẻ lơ đãng, như mơ mộng, như ở một cõi đất trời nào đó.
  
Cây viết chì trên tay Ngôn tuột rơi xuống sàn. Ngôn cúi xuống để lượm. Lạ thật, cây bút chì mới rớt xuống, biến đâu mất.  Ngôn quờ quạng tay trên sàn để tìm, vẫn chẳng thấy đâu. Ngôn phải cúi xuống để tìm. Vẫn chẳng  thấy đâu.  Một lúc, khi quen vói ánh sáng dưới bàn, Ngôn muốn bật cười, cây bút chì nằm dưới bàn chân che lên của Kim Uyên. Ngôn cầm đôi bàn chân nhỏ, da trắng hồng trong bàn tay run run của  anh. Một phút. Năm phút. Mười phút trôi qua. Anh không nhớ bao lâu. Thành phố Hội An bình lặng ngàn đời , như xáo trộn tất cả. Dòng sông Thu Bồn  chảy qua, đổ về biển Đông như cuồn cuộn nỗi sóng. Ngôn bơi lội trong dòng sông đó với Kim Uyên, bơi về Cửa Đại, tìm về đại dương.
  
Mới ba tuần lễ, thằng bé ồn ào, phá phách trở về. Các buổi học như ngắn ngủn. Mối tình " chân " phải e dè, " mắt trước, mắt sau " . Có những buổi chiều thằng bé đèo bà chị Lém đến hái trái cây sau nhà Ngôn. Thằng bé lại được dịp ,trèo tọt lên các cành cây, từ cây này  qua các cây khác. Thằng bé biến mất, để lại Kim Uyên va Ngôn tự do thơ thẩn trong vườn. Ngôn tìm thấy mái tóc Kim Uyên thơm mùi hoa chanh. Thơm ngọt ngào. Mắt Kim Uyên sáng long lanh như các tia nắng xuyên qua các cành ổi, các nhánh trần bì. Môi Kim Uyên thơm nồng, hồng phơn phơt  như các quả mận ngọt lịm. Vòng tay Ngôn chằn chịt như các ngọn thiên lý quấn quanh thân mít tố nữ Kim Uyên. Say mê. Ðắm đuối.
  
Một hôm khác, thằng bé vụt biến, rồi không biết bao lâu sau, vụt hiện ra, từ cành cây nhảy đánh bịch xuống phía sau lưng Ngôn và Kim Uyên. Vòng tay Ngôn chưa kịp thu về. Khoảng cách bên nhau chưa kịp xê ra. Ngôn lúng túng, Kim Uyên ú ớ. Thằng bé không còn đùa cợt, vui cười nữa , mà lặng lẽ ra lấy xe đạp đèo bà chị về nhà.
  
Chiều thứ hai tuần kế, đạp xe đạp đến dạy học, Ngôn thấy xe như muốn trật giây sên. Hồi hộp quá. Chỉ hy vọng "thằng con nít " không biết gì. Đến nhà bấm chuông, không có thằng Lĩnh chạy ra la lối dành mở cửa. Không có Lém đứng lấp ló trên lầu nhìn xuống. Chị người làm mở cửa rồi quay đi vào nhà. Khá lâu bà Phó mới bước ra. Không vui cười , lịch thiệp như mọi lần. Bà nói :
   - Ông nhà tôi có ý định tự ông kèm kẹp cho hai đứa nhỏ. Chúng tôi cám ơn cậu. Ông nhà tôi cũng có nói chuyện với ba cậu rồi. Vã lại, năm này cậu cũng cần thì giờ để học hành., đi thi.
  
Bà đưa cho Ngôn chiếc phong bì. Ngôn nuốt nước miếng mấy lần cũng không nói được lời cám ơn. Đạp xe về nhà, lại lạc ra chùa Tỉnh Hội. Quày xe trở về đường bờ sông, qua rạp chiếu bóng Hòa Bình, đang chiếu phim " Le Sombre Dimanche " . Khóc cho một mối tình tan vỡ. Rêu phong phố cổ như buồn thảm hơn. Ban đêm tiếng giun dế, tắt kè như ai oán vọng vào phòng học. Tiếng sóng biển Cửa  Đại vọng về  theo gió thoảng như tiếng gọi ra đi một nơi xa xăm nào để tìm quên. Ngôn viết xuống tập vở trên bàn hoc, như tĩnh như mê, " tìm quên trong học vấn. Đi xa ".

**

Quán đã thưa khách. Hạo đi thay bình thủy nước nóng mới cho Ngôn. Hạo pha cho Ngôn ly cà phê mới. Hạo như muốn nói riêng với Ngôn :
   - Em không ngờ trong đời còn gặp lại anh. Em vẫn còn bị dày vò trong ân hận. Tất cả  đều đã đi qua như một cơn ác mộng,
  
Ngôn cầm ly cà phê nóng nghe hơi ấm trong tay . Ngôn nói như nói với chính mình:
   - Thôi, quá khứ, hãy để cho nó yên nghỉ. Anh mừng gặp lại Hạo, như gặp lại hình bóng mình , một thời niên thiếu.
  
Ngôn uống ngụm cà phê. Bên  ngoài  cửa kính, sương mù tan dần, ánh nắng trong ngày vương lên./.

XUÂN   ĐỖ
(Trích trong Tập Truyện ngắn “Từ Vết ThươngÐến Giấc Mơ”. Hoài Bão xuất bản 2001)

No comments:

Post a Comment