07 October 2017

Chuyện Đêm

Người viết truyện thường có nhiều băn khoăn: Focus vào tâm lý hay triết lý? Giữ cốt truyện chặt chẽ hay buông thả cho nhân vật sống đời sống của hắn? Truyện có thể là một tạp bút trá hình? Nghiêng về huyễn tưởng hay hiện thực? Chuyện Đêm là một cách kể chuyện khác: Trao cho tài liệu chất tiểu thuyết và cho tiểu thuyết tính chính xác của tài liệu.  – Trần Vũ.

Achtung! Hund!

Ngày 2 tháng 10-1941 Liên lộ quân Chính tâm (Heeresgruppe Mitte) của thống chế Fedor von Bock tiến hành chiến dịch Bão Tố (Opération Typhoon). Mục tiêu: Tiến chiếm Mạc Tư Khoa. Mũi xung kích là Xa đoàn 2 Thiết kỵ (Panzergruppe II) của đại tướng Heinz Guderian, lý thuyết gia của chiến tranh thần tốc Blitzkrieg và là người khai sáng binh chủng thiết giáp Đức. Xa đoàn 2 bao gộp 14 sư đoàn kỵ binh và bộ binh cơ động đã hành quân sấm sét từ miền đông Ba Lan đến Smolenks, tiêu diệt hàng loạt các Tập đoàn quân Sô-Viết tại Bialystok, Vitebsk, Kiev… Mùa Hè 1941, chiến xa Đức bách chiến bách thắng.

Trong cùng ngày, bộ chỉ huy Quân đoàn 47 Thiết giáp (XLVII Panzerkorps) ra tiêu lệnh bắn hạ tất cả những con chó trên đất Nga. Một mệnh lệnh lạ lùng.


Hai ngày trước, nhật ký hành quân của Sư đoàn 267 Bộ binh của chuẩn tướng Friedrich-Karl von Wachter ghi nhận: Các bãi mìn phòng thủ của Trung đoàn 497 liên tục phát nổ trước khi quân Nga tấn công. Sau đẩy lui, binh sĩ phát hiện nhiều đầu chó, đuôi chó vung vãi trên mặt đất. Một ngày sau, thành phần tiền phương của Sư đoàn 3 Kỵ binh (3rd Panzer Division) của thiếu tướng Walter Model chạm trán vũ khí mới của Hồng quân. Thiếu úy Lohse dẫn đầu chi đoàn chiến xa chạy qua một rừng hướng dương, những cánh hoa mặt trời lấp lánh. Phía xa là những ngôi làng với nóc nhà thờ trắng. Hạ sĩ Eikmeier đột ngột la lớn: “Achtung! Hund!”. “Coi chừng chó!” Lohse từ trên pháo tháp nhìn thấy rõ hai con dobermann lao tới, trên lưng chúng quấn một sợi dây to bản với một hộp chữ nhật và cần ăng-ten bên trên. Lohse rút súng lục Luger nhắm bắn. Hụt! Lohse bắn phát thứ nhì. Hụt nữa! Con chó đã chui xuống gầm xe. Một nháng lửa và tiếng nổ ầm cùng lúc. Trên chiến xa phía sau, đại úy Peschke trông thấy rõ cảnh tượng, chiến xa 611 của thiếu úy Lohse vừa như bị hất tung lên với cột khói đen. Con chó thứ nhì đã chồm đến. Peschke nhắm bắn, con chó gục ngay tức khắc, nhưng nhiều con khác từ trong ruộng hướng dương lao ra. Hạ sĩ Müller nhô đầu lên khỏi vị trí hiệu thính viên, bắn bằng tiểu liên. Con chó trúng đạn vẫn phóng tới, lồng lên trước khi ngã dụi. Các con chó đều bị bịt mõm để không gây tiếng sũa.

“Achtung! Hund!”. “Chó mìn!”

Lúc này thì không còn có thể bắn từng viên được nữa. Hàng loạt chó lao tới. Peschke quát: “Đại liên! Khai hỏa!”. “Maschinengewehre! Feuer!” Đại liên MG-34 nhịp bắn 900 viên/phút tưới đạn chung quanh đoàn xe, bắn nát cánh rừng hướng dương. Binh sĩ tùng thiết quăng lựu đạn rồi khai quang bằng súng phun lửa. Súng phun lửa! Vũ khí hiệu nghiệm chống chó. Trước các vòi lửa, đàn chó thối lui làm mồi cho súng liên thanh. Lính của đại úy Peschke đếm được 108 xác chó của Đại đội Quân khuyển Nông trường Tuổi trẻ Lénine.


Là tài liệu phía Đức mà Paul Carell trích dẫn một phần trong Hitler và Mặt Trận Miền Đông, và trên những tập san quân sử Pháp, cũng như trong nhiều hồi ký của cựu binh. Phía Nga, Hồng quân Sô-Viết tránh nhắc đến Mìn-Chó, vì không mấy vẻ vang hay vì thấy thiếu nhân bản? Duy nhất một tập nhật ký ngắn của một cậu bé mang tên Ivanovich Korablev.

Một buổi sáng Viktor Korablev, cha của Ivanovich bị quy kết “phản động” và bị “tập trung cải tạo” tại Tây-Bá-Lợi-Á. Lý do Viktor làm cần vụ cho thượng úy Todorsky từng là tùy viên của nguyên soái Toukhatchevski bị thanh trừng 1937. Đợt thanh trừng vĩ đại: 3 trên 5 nguyên soái, 14 đại tướng trên 16, 8 đô đốc trên 9, 60 trung tướng trên 67, 137 thiếu tướng trên 199, 99 chính ủy cấp Tập đoàn quân trên 108, 11 phó chính ủy trên 11, 98 thành viên Tổng Quân ủy Trung ương trên 108, 43.000 sĩ quan trung cấp trên 107.000 bị hành quyết. [Jean Lopez & Lasha Otkhmezuri, Joukov: L’homme qui a vaincu Hitler, Nxb Perrin, 2013, Chương La Grande Terreur, Cao trào Khủng bố]. Thượng úy Todorsky nằm trong số 40% sĩ quan Hồng quân bị xử bắn. Cha của Ivanovich, Viktor Korablev bị vạ lây.

Một buổi sáng khác, gia đình Ivanovich nghe tin chiến tranh bột phát. Một tháng sau, công an xã đến tìm bà Korablev đọc lệnh trưng thu chú chó Alexe và yêu cầu bà Korablev ký giấy cho phép Ivanovich “tình nguyện” vào Quân khuyển. Ngược lại, xã sẽ phải báo cáo với Trên, là tại địa phương gia đình của phản động Viktor Korablev không phấn đấu. Misha, em gái của Ivanovich đã khóc chạy theo khi Ivanovich và chú chó Alexe bị giắt đi: “Moya lyubimaya sobaka!”. “Chó yêu thương của em!”

Ivanovich lên 15. Cậu bé được giải thích nếu cậu hoàn thành công tác Đảng giao phó, cha của cậu sẽ thôi nợ máu với nhân dân. Mỗi ngày Ivanovich phải tập cho chú chó Alexe ăn dưới gầm xe máy cày. Nếu chú chó Alexe tha cục xương ra ngoài, Ivanovich sẽ bị phạt. Rồi một hôm Ivanovich phải quàng lên lưng chó sợi dây nịch với một bao bì bên trong là một viên gạch. Chính trị viên đại đội bắt đầu cho nổ máy xe và huấn luyện cách bắt chó chạy từ tuyến xuất phát cho đến khi chui tụt xuống gầm xe. Phương pháp chính là bỏ đói con chó, cho đến khi con vật đánh mất mọi giác quan an nguy, chỉ còn biết đến thức ăn. Ban đầu tiếng động cơ và khói xăng làm chú sợ hãi. Chú co rúm thân và cụp tai, bấu cứng vào mặt đất. Ivanovich phải vỗ về, khuyên nhủ thì thầm vào tai: “Hãy cố lên, rồi cha chúng mình sẽ được về… Cố lên Alexe, chỉ vào ăn dưới gầm xe thôi mà… có gì đáng sợ. Hãy giúp cha được tha…” Ivanovich nuốt nước mắt, vì Alexe bị bỏ đói gầy nhom. Đêm khuya, tiếng Alexe cùng với những chú chó khác tru văng vẳng, Ivanovich nhận ra ngay tiếng tru nào là của Alexe, và hiểu chú đói lắm. Nhiều buổi tập Alexe nhất quyết không chịu phóng xuống gầm xe, nhất là khi sang giai đoạn cho xe máy cày chạy, xích sắt nghiến xuống mặt ruộng. Chiếc xe hùng hổ như khủng long làm Alexe run bần bật. Ivanovich bị gọi lên Khung kiểm điểm. Cậu chưa hoàn thành chỉ tiêu tập huấn, chưa thành khẩn đấu tranh sai trái, còn mang nặng tâm lý tiểu tư sản thương xót gia cầm. Chưa triệt để đứng về phía nhân dân chống Phát-xít. Khung sẽ phải tư về địa phương cúp phiếu thực phẩm vì gia đình chưa biết động viên con em thi hành nghĩa vụ. Mỗi lần như vậy, Ivanovich đều phải viết cam kết phấn đấu và rồi Alexe, vì đói, cũng chịu lao vào gầm xe nổ máy đang chạy, để giành giựt khúc xương treo lơ lửng. Ivanovich nhận tờ khen Tiên tiến. Cậu sung sướng nghĩ cha sắp được khoan hồng.

Một hôm chính trị viên thay bao bì với viên gạch bên trong bằng một hộp sắt có cần ăng-ten. Ivanovich thắc mắc thì được trả lời: “Bí mật quốc phòng.” Ivanovich chỉ biết đến sự thật ngày cậu và chú chó Alexe chuyển sang công tác ở Đại đội Quân khuyển Mạc Tư Khoa.

Ngày 14 tháng 10-1941 kết thúc song trận Viazma-Briansk. 2 Xa đoàn 3 (Panzergruppe III) và 4 (Panzergruppe IV) của 2 đại tướng Erich Hoepner và Hermann Hoth vây Phương Diện quân Timochenko (Army Group) với 6 Tập đoàn quân (Army) phía bắc, trong lúc Xa đoàn 2 (Panzergruppe II) của Heinz Guderian phối hợp Đệ Tứ Lộ quân của thống chế Hans von Kluge vây Phương Diện quân Eremenko với 3 Tập đoàn quân phía nam. 663.000 anh hùng quân đội nhân dân Sô-Viết bị bắt làm tù binh. 1242 chiến xa và 5142 đại bác Nga bị phá hủy hoặc tịch thâu. [Paul Carell, Opération Barbarossa, Nxb Robert Lafont, 1964]

241 cây số từ Viazma đến Mạc Tư Khoa. Cánh cửa điện Cẩm Linh bị mở toang. Trong 2 tuần lễ thống chế Von Bock chỉ huy Liên Lộ quân Chính tâm Đức đã tiến 168 km. Tuyến phòng ngự Mạc Tư Khoa từ xa đã bị chọc thủng. Joseph Staline lập tức ra lệnh: “Chết tại chỗ! Không một bước lùi! Xử bắn tất cả đào binh và thân nhân”. Mệnh lệnh sẽ do nguyên soái Gueorgui Konstantinovitch Joukov ký. Tung hết lực lượng, bằng mọi giá phải làm chậm bước tiến của quân Đức để mùa đông kịp phủ trùm chiếc áo choàng buốt giá. Mùa đông trên lục địa Nga nhiệt độ giảm xuống -50 độ F (-45 độ C) là bình thường. Ở nhiệt độ này xăng dầu đông đặc, họng súng phải đút than hồng và lính gác trên 45 phút trong hố cá nhân thành thịt đông. Tiêu thổ kháng chiến. Đốt nhà cửa dân để giữa đồng trống quân Đức không chỗ trú. 32 sư đoàn Tây-Bá-Lợi-Á từ phía đông rặng Oural được đưa về Mạc Tư Khoa ngay khi Staline biết tin Nhật Bản không tấn công Nga. Chưa đủ. Tung chó vào trận địa! Tất cả cho Vệ quốc!

Ivanovich vuốt ve chú chó Alexe, nước mắt trên má cậu đông nhanh thành một lớp thủy tinh rạn. Cậu đã biết sự thật, hộp kim loại chữ nhật là một quả mìn chống chiến xa nối với cần câu. Khi Alexe chui dưới bụng xe, cần ăng-ten gẫy gập, sẽ kích nổ. Ivanovich muốn nhường phần ăn của mình cho Alexe đừng đói, để mất tập quán chạy đến xe máy cày nhưng khẩu phần bị kiểm soát chặt chẽ. Cậu chỉ có thể ra khỏi lều với hai tay trắng và nhận chó dưới canh chừng của Đội Trực quản. Ivanovich bắt đầu thấy nhiều máy bay sơn chữ Thập bay qua đầu và nghe thấy tiếng đại bác mỗi lúc một gần. Tin tức từ chiến trường đầy những anh hùng nhưng mỗi ngày Phát-xít càng đến sát và pháo kích mỗi lúc một mạnh làm rung chuyển khu rừng. Ivanovich được phát tiểu liên Chpagina Ppsh-41 với băng đạn tròn 71 viên. Tuyết đổ chiều hôm trước, hãy còn là trận tuyết đầu mùa với một lớp bông nhuyễn và mịn nhưng chỉ ít hôm nữa sẽ thành một bức tường đá và mọi thứ sẽ nhọn sắc. Ivanovich nhớ những cánh hoa hướng dương đầu Hè, cậu biết chúng đã thối rữa trong bùn mùa Thu nhưng cậu vẫn ráng nhớ những ánh vàng lấp lánh, tựa tia mặt trời, cậu chưa bao giờ thấy gì đẹp như vậy. Chú chó Alexe bồn chồn. Chú đã nhịn đói bốn hôm, miệng chú xùi bọp mép và mắt long lên dữ tợn, cậu phải cố gắng lắm mới có thể kềm Alexe vào giữa hai đùi mình và thắt dây chung quanh mõm. Tiêu lệnh rất rõ ràng: Tuyệt đối không để lính Đức nghe tiếng chó sũa. Chỉ tiêu Một đổi Một. Những ai mang chó còn sống trở về sẽ bị xử lý.

Những lần tập, đôi khi Ivanovich cũng phải thắt mõm chó, nhưng đến khi Alexe chui dưới gầm là cậu huýt sáo rồi nhanh chóng tháo ra cho chú chó gặm xương. Còn những khi xe nổ máy và chạy, Alexe phải chui luồn qua đáy xe rồi mới được tháo mõm và phát khẩu phần. Chú chó hực lên liên tục, mỗi lúc một khó kềm. Chú đã nghe thấy tiếng động cơ xa xa, như tiếng chuông giờ ăn. Tiếng máy mỗi lúc một lớn. Ivanovich cũng bồn chồn, các thớ thịt trên mình cậu co giật. Lần đầu tiên cậu ra trận. Thung lũng thoai thoãi trước mắt, trĩu những tàng thông phất phơ trên mặt tuyết len những lớp bùn loang lỗ như một tấm da báo. Ivanovich nuốt nước bọt, cậu cảm thấy run trong bụng, vừa ý thức cậu đang đẩy Alexe vào chỗ chết. Cậu nhớ em Misha, làm sao giải thích cho em gái hiểu là chính tay cậu đã giết chú chó mà Misha thương mến? Ivanovich nghe các thớ gân trên hai tay mình co giật, cậu muốn bỏ chạy nhưng chính trị viên đại đội ở cách ba gốc cây vẫn không ngừng canh chừng. Đêm hôm trước, lệnh cho phép các chính ủy bắn những ai tháo lui được đọc to giữa đại đội. Ivanovich còn biết phía sau đơn vị lúc nào công an NKVD cũng chờ sẵn để chặn bắt chiến sĩ tháo lui không hoàn thành nghĩa vụ.

Tiếng động cơ chiến xa bây giờ ầm ĩ. Thiết đoàn 2 (Panzer-Abteilung II) của Sư đoàn 18 Kỵ binh của chuẩn tướng Walther Nehring, với tùng thiết là Trung đoàn Đại Đức Grossdeutschland. Ivanovich đã học tập kỹ nhưng hai bàn tay cậu vẫn run lên không làm sao giữ vững cương chó. Chú chó Alexe đang cào móng xuống mặt đất, lấy thế chuẩn bị tung chạy đến bữa ăn. Ivanovich bặm môi vì cậu đột ngột đổi ý: chỉ cần nói với Khung là chó đã bị Đức bắn chết, không ai có thể kiểm tra vì đại đội quân khuyển được lệnh rút khỏi trận địa ngay sau tấn công, trả vùng trách nhiệm cho Vệ binh của tướng Pétrov. Chỉ cần thoát khỏi đôi mắt của chính trị viên, sẽ có lúc lơ là. Chỉ cần cậu giữ Alexe trong tay cho đến lúc tình thế thuận lợi, thả Alexe chạy vào rừng… Ivanovich hụp xuống vì phía Đức bắt đầu khai hỏa. Từng chùm đạn phạt xéo trên đầu cậu và cày tung mặt đất phía trước. Ivanovich nằm dụi sát đất, hai tay bấu chặt vòng đeo cổ của chú Alexe. Những cành cây bị đạn phát ngang rụng xuống mình cậu liên tục, kêu lộp bộp. Ivanovich nhìn sang bên, chính trị viên đã biến mất lúc nào. Cậu nghe tiếng khuyến khích chó của đồng đội, tiếng thằng Boris hô “Diệt Phát-xít! Diệt Phát-xít” và tiếng chân chó huỳnh huỵch cùng tiếng liên thanh ròn rã, nhưng chưa nghe tiếng nổ mìn nào. Chú chó Alexe kích động tột bực, những buổi tập bằng đạn thật đã giúp chú quen với tiếng súng và nghĩ là âm thanh phát thức ăn. Miệng chú chảy nước giải trong mõm khóa, đuôi chú vung vẩy. Ivanovich căng mắt, chiếc tăng chỉ còn cách hai trăm thước. Nỗi sợ hãi bị đôi mắt Misha phủ lấp. Cậu hét lớn vào tai Alexe: “Chạy trốn vào rừng nghe không! Chạy vào rừng đừng chạy về phía xe.. Tao sẽ tìm mày…” Ivanovich chưa nói hết câu, cậu chỉ vừa kịp tháo khóa mõm, chưa kịp tháo mìn, Alexe đã lồng lên, thu hai chân sau đạp mạnh vào bụng cậu, giật bứt sợi cương phóng ra xa. Ivanovich hốt hoảng gào: “Trở lại! Trở lại!” Cậu hét: “Alexe! Alexe!” Nhưng Alexe chạy xăm xăm nhắm thẳng đến chiến xa đầu. Con chó phóng vun vút bất chấp đạn vạch từng đường.

Ivanovich vội vã rời chỗ nấp, chạy theo Alexe, sợi giây cương hãy còn lòng thòng kéo lê trên đất, tung lên từng chập ở mỗi cú nhảy của con chó. Cậu hy vọng rượt kịp, chụp được đầu dây ghìm Alexe lại. Ivanovich nghe tiếng quát tháo của chính trị viên sau lưng và tiếng đạn vút qua đầu, tiếng đạn xoáy vào thinh không nhưng cậu không còn biết gì nữa, cả cánh rừng xáo động như bị ai giật, bị bật gốc đổ nghiêng xuống đất. Cả một khoảng trời xoay tròn với cành lá um tùm lật nhào với ánh lửa cam nháng bùng lên trong mùi xăng nồng nặc.

“Achtung! Hund!”

Ivanovich thấy mình nằm trên đất, đau dưới chân và ở lồng ngực. Cậu muốn ngồi dậy nhưng miệng cậu ộc máu và hai bả vai từ chối nhúc nhích. Đột nhiên hai mắt cậu phủ mờ bởi một làn nước đông lại như những mảnh kính vỡ trên má. Ivanovich bị bắt làm tù binh.

Nhật ký của Ivanovich Korablev không có kết cuộc, nhưng tài liệu phía Đức ghi rõ: Chiến thuật Chó-Mìn không hiệu quả, vì phía Đức canh chừng cẩn mật và đã giăng thêm thép gai trước đầu xe tăng. Súng phun lửa trên chiến xa Panzer Mark III cũng khiến bầy chó hoảng sợ. Còn các đàn chó bị lùa qua bãi mìn thì không chạy tập trung tạo ra một hành lang trống sau khi tan xác, mà chạy tứ tung khắp nơi, để sót từng bãi đất chằng chịt mìn chưa nổ. Chó-Mìn và Chó-Gây-Nổ-Mìn, là một thất bại.

Nguyên soái Joukov không chấp nhận thất bại. Ngày 27 tháng 12 khi Sư đoàn 2 Panzer SS Das Reich của đại đoàn trưởng (Gruppenführer) Paul Hausser chỉ còn cách Mạc Tư Khoa 28 cây số, toán viễn thám đã nhìn thấy mái điện Cẩm Linh và chiếm trạm Métro của tuyến đường Komsomolskaia, Joukov tổng phản công mùa đông. Với 4 Phương Diện quân (Army Group), Joukov còn phát minh ra chiến thuật mới: Thay chó bằng các gia đình phản động bảo hoàng vẫn còn tiếc nuối Nga hoàng, hoặc cấu kết với Bạch Vệ Mensheviks, hoặc chống phá Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa. Thân nhân của những cá nhân phản động bị tập trung và bị các chính ủy, với súng lục Nagant cầm tay, cùng Hồng Vệ binh lùa qua những bãi mìn phòng thủ của Đức. Chiến xa T-34 của Hồng quân theo sau, chờ mìn nổ. Phần thưởng: Ai sống sót sẽ được “Phục hồi nhân phẩm”.

Có những chi tiết kinh dị, các phần tử phản động quá ốm yếu không đủ nặng để gây nổ mìn chống chiến xa, khiến nhiều tốp đàn ông phải kéo xe thổ mộ chất đầy gạch đá cho đủ nặng để kích nổ mìn đĩa. Khoảng cách tối đa hai thước từ tay cầm đến bánh xe không đủ giúp an toàn. Phụ nữ phản động phải giẫm lên mìn chống cá nhân để mở đường cho các anh hùng Sô-Viết tiến lên.

Các quân nhân Đức của quân đội Wehrmacht nghĩ gì?

Achtung! Kavallerie!

Ngày 16 tháng 11-1941 Quân đoàn 56 Thiết kỵ (LVI Panzerkorps) của thiếu tướng Ferdinand Schaal chiếm Klin. Ngày 17 tiến xuống phía nam hồ Volokolamsk, áp sát Moussino, một vị trí chiến lược cắt giao lộ nối Kalinine. Điện Cẩm Linh chỉ còn cách 100 cây số. Nhật ký hành quân của sư đoàn 6 Kỵ binh (6th Panzer Division) của chuẩn tướng Erhard Raus ghi lại một trận đánh thảm khốc.

Nhiệt độ xuống 5 độ F (-15 độ C). Ngày 17 là một buổi sáng ảm đạm mù sương. Mặt trời chỉ xuất hiện lúc 9 giờ sáng. Các tiền sát viên pháo binh đặt đài quan sát trên một cao điểm trông xuống Moussino. Chung quanh, trong chu vi 3 cây số là những cánh rừng đông đặc. Các tàng thông đông cứng thành những mũi nhọn thủy tinh. Khoảng cách giữa Tiểu đoàn Viễn thám (Aufklärungs-Abteilung) của sư đoàn với quân Nga là một cánh đồng ngập tuyết không tiếng động.

Binh sĩ đợi lệnh tấn công. Tất cả cùng hiểu tầm quan trọng của Moussino, án ngữ trục đường giữa Chelkova và Dorokovo. Chiếm Moussino là uy hiếp Mạc Tư Khoa từ phía bắc, tức vây 2 Tập đoàn quân Nga vào chiếc rọ Istra – Krasnaia Poliana. Tất cả binh sĩ đều nghe nhật lệnh của đại tướng Erich Hoepner: Sứ mệnh của Xa đoàn là làm ngừng nhịp đập của trái tim Sô-Viết!

“Cầu cho thời tiết ấm!” Binh lính thầm nghĩ. Duy nhất mùa đông băng giá có thể hãm bước tiến của quân Đức. Một Tiểu đoàn Viễn thám, gần như một chiến đoàn liên binh chủng, kết hợp hỏa lực của phòng không, pháo binh nhẹ, chiến xa, xe bọc sắt, với súng cối trên half track và bộ binh cơ động tùng thiết trên bán xích xa sdkfz251, đủ sức chiếm Moussino.

10 giờ sáng. Cùng một lúc tất cả ống nhòm đều quay về phía bìa rừng. Kỵ mã Nga phi nước đại vụt qua và biến mất sau doi đất.

“Panzer Alarm!” “Báo động chiến xa!”

3 chiếc T-34 sơn Sao đỏ trên pháo tháp gầm rú trên mặt băng. Kỳ quặc là không có bộ binh yểm hộ. Từ phía sau, phân đội Sát Thiết (Panzerjager) đã khai hỏa. Đại bác chống tăng 37 ly dội ngược trên vỏ thép. Phân đội Phòng không nặng FLAK 88 ly nhập cuộc. Trực xạ! Đạn xuyên phá Tungsten! 3 chiếc T-34 bật tung pháo tháp. Sắt thép chưa kịp rơi xuống đã vang lên báo động thứ nhì:

“Achtung! Kavallerie!” “Báo động! Kỵ mã!”

Kỵ mã thật sự. Từ phía bìa rừng bên phải cuồn cuộn như sóng. Ban đầu là từng đoàn kỵ sĩ phi nước kiệu, phân chia thành từng đội, khinh kỵ, giáp kỵ rồi kỵ binh nặng với kỳ mã cầm cờ và an ninh cạnh sườn, mỗi đội trên 200 quân kỵ, khoảng cách từng đội 100 thước. Tiềng kèn vút lên thinh không. Lập tức đoàn kỵ mã chuyển sang phi nước đại, tuyết tung lên dưới vó ngựa. Tức khắc một đoàn kỵ mã thứ nhì xuất phát khỏi bìa rừng, tiếp nối ngay phía sau, rùng rùng chuyển động. Các binh sĩ Đức im bặt, tê liệt trước cảnh tượng, gần như viễn mơ, làm sao có thể xảy ra ở vào thời đại của bom mìn, liên thanh, lựu đạn, một cảnh tượng của thế kỷ 19? Nhưng trung đoàn kỵ mã Nga có thật, hiện diện thật sự, đang lao đến. Các sĩ quan phóng ngựa đi đầu đã tuốt trần kiếm. Trong một khắc, cả cánh đồng sáng lừng lên sắc kim loại vì tất cả các kỵ mã cùng tuốt gươm. Ánh thép rạng trên băng giá của nền tuyết phản chiếu như một tấm gương. Mỗi thanh kiếm vút lên không trung một lấp loáng sáng rực kết thành một chuỗi thủy tinh chuyển động. Tiểu đoàn Đức bất động. Hình ảnh như trong một bức tranh. Một khúc phim. Lớp sóng thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm, liên tục tiếp nối, cuộn cuồn như một đại dương lởm chởm đá ngầm mà thủy triều cuốn theo những tảng băng. Cả một trung đoàn kỵ mã Cossacks!

“Elemente auf den ersten 2500 Meter!”
“Xa 2500 thước!” “2000!” “1500.”

Tiếng hô của tiền sát viên pháo binh và tiếng chuyển lệnh xạ điểm trên xạ bảng là chuỗi âm thanh cao duy nhất trên nền trầm đục của vó ngựa lún tuyết. Các xạ thủ đại liên đã tháo găng, tỳ bán súng. Thời gian ngưng lại cho đến lúc thêm một làn hơi thở, rồi thêm một làn hơi thở, vụt đứt quãng, vì là lệnh khai hỏa.

“Đạn nổ chụp! Xa 800!”

Bên kia ống liên hợp, sĩ quan tác xạ của Pháo đội 3, Tiểu đoàn 107 Pháo binh của Sư đoàn 106 Bộ binh tăng phái, lập lại các yếu tố hỏa tập: “Cao 8! Xa 800! Đạn Shrapnel!”

Cao 8, có nghĩa là trái đạn sẽ nổ cách mặt đất 8 thước, xa 800 là khoảng cách 800 thước từ vị trí tiền tiêu của bộ binh, và Shrapnel là đạn miểng.

Mặt đất hực lên một tia chớp. Như bị sét đánh. Sáng lòa với trần mây bị xé rách và cùng một lúc hàng kỵ mã đổ rạp. Súng cối 81 ly đệm vào như trống. Hàng kỵ mã thứ nhì chúi xuống. Đại bác phòng không 20 ly bốn nòng tự động bắt đầu trực xạ. Những vạch lửa xối xả. Hàng kỵ mã thứ ba ngã rạp. Hàng thứ tư, rồi thứ năm như bị một lưỡi hái vô hình cắt ngang. Thây người và đầu ngựa đứt đôi.

Tất cả diễn ra không quá 10 phút. Nguyên một trung đoàn Kuban Cossacks phủ ngập đồng. Lính Đức vội vã thay nòng đại liên, vì đã vang dậy tiếng báo động: “Achtung! Kavallerie! Linkes Holz!”

“Báo động! Kỵ mã! Hướng 11 giờ!”

Lần này là một trung đoàn kỵ mã Mông cổ, với cờ hiệu Tartar của vùng biển hồ Balkhash xứ Kazakhstan, phát xuất từ phía trái bìa rừng. Vẫn như trung đoàn trước, phi nước kiệu, dàn đội hình, rồi tiếng kèn xung phong. Vẫn như lần trước, lớp lớp sóng ngựa phi nước đại với ánh lam rực sáng. Vẫn như lần trước, phía Đức vẫn cùng những mệnh lệnh: “Đạn nổ chụp! Xa 800! Cao 8!” Khác biệt duy nhất là đại bác bộ binh tham gia với đạn nổ chống biển người. Các pháo đội Đức hủy diệt đợt tấn công thứ nhì còn nhanh hơn lần đầu. Cả một trung đoàn kỳ mã Mông cổ lềnh máu, chỉ có 30 kỳ binh thoát chết tiếp tục lao đến như tên nhưng bị kết thúc bằng trung liên. 30 trên 1000.

Khoảng đồng trống lúc này ngổn ngang xác nhưng kinh dị nhất trong nhật ký hành quân của Sư đoàn 6 Panzer của tướng Schaal, là cảnh tượng của một trung đoàn thứ 3 rồi thứ 4 của Sư đoàn 44 Kỵ Mã Sô-Viết tiếp tục tiến công trên lưng ngựa, mặc dù từ bìa rừng đã trông thấy cái chết của đồng đội, vẫn tiếp tục phi nước đại, giẫm lên xác người-ngựa của những đồng chí mà ít giờ trước còn hàn huyên, như giẫm lên xác chết của chính họ, không một chút do dự.

Hết lớp sóng này đến lớp sóng khác, các xác ngựa ngã rạp kéo theo kỵ mã như những lượn sóng của một trận triều điên cuồng dập tới tấp vào một ghềnh đá, vỡ tung rồi lại dâng tràn cho đến khi mặt biển lặng. Phía Đức không một người lính bị thương, nhưng trong tiếng rống chói tai của bầy ngựa bị đứt ruột nằm la liệt trên mặt tuyết sẫm huyết, tất cả các binh sĩ Đức đều run rẩy, hai đầu gối đánh vào nhau lập cập. Tất cả đều tướp ướt mồ hôi trong khí quyển lạnh băng. Tiếng động va chạm đầu gối của họ vang lên như âm thanh của trí não thừa nhận sẽ thất trận trên đất Nga, vì không thể nào chiến thắng một đạo quân mà cấp chỉ huy khinh thường sự sống và xem sinh mạng của binh sĩ là vô nghĩa.

Joukov là một trong những cấp chỉ huy này.

Achtung! Schukow!

“Achtung! Schukow!” - “Coi chừng Joukov!” là lời cảnh giác thường vang lên trong các bộ tham mưu Đức từ 1941 đến 1945 giữa các sĩ quan quân báo và phòng hành quân, chính vì Joukov xuất hiện trên mặt trận nào là mặt trận ấy đột biến. Nhưng Joukov không chỉ là vị tướng của tấn công mà còn là vị tướng của tàn khốc.

G. Jukov
Gueorgui Konstantinovitch Joukov mà ký âm tiếng Đức là Schukow, tiếng Anh là Zhukov và tiếng Việt XHCN phiên âm thành Ghê-Oóc-ghi Can-Xtan-Chi-nô-vích Giu-cốp, là vị tướng nhiều huân chương nhất trong lịch sử Hồng quân. Sinh ra tại xã Ougodski Zavod, cách Mạc Tư Khoa 110 cây số, trong một gia đình bần hàn, cha làm thợ đóng giày và mẹ làm phu khuân vác đồng án, thiên mệnh của Joukov được ấn định qua tên cúng cơm Gueorgui, tức George The Victorious, vị thánh của chiến thắng.

Chiến thắng quan trọng đầu tiên là trận Khalkhin-Gol tháng 8-1939 tại Mãn Châu. Trong vòng hai tuần lễ Joukov đánh tan 2 sư đoàn 7 và 23 Bộ binh của đạo quân Quan Đông Nhật Bản (Kwantung Army), loại khỏi vòng chiến 17.700 lính Nhật. Phía Nga 9.703 chết, 15.952 bị thương. Nếu tổn thất đôi bên xấp xỉ thì đứng về phương diện chiến lược là một quả đấm đập vỡ tham vọng Bắc-Á của Thiên hoàng. Hơn một chiến thắng, một bất ngờ quân sự làm nên danh tiếng Joukov. Staline phong cho Joukov chức Tổng Tham mưu trưởng Lục quân ngay sau đó.

Ở chức vụ này, Joukov mang trách nhiệm của những thảm bại liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 12-1941, khi quân Đức tấn công. Trong 6 tháng, Hồng quân thiệt hại gần 5 triệu quân, gấp đôi số thương vong của quân Nga hoàng trong Thế chiến thứ nhất. Bên cạnh những sai lầm vì đã tập trung binh lực quá sát biên giới khiến các xa đoàn Đức dễ dàng bao vây sau đột phá, còn có chiến thuật biển người là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao. Chính trong giai đoạn này và kéo dài sang hết 1943, các sử gia tìm thấy chữ ký của Joukov bên dưới những Sát lệnh.

Quân lệnh ngày 16 tháng 8-1941, còn gọi chỉ thị no 270, xem các binh sĩ Hồng quân bị Đức bắt là phản quốc. Thân nhân các quân nhân này bị tập trung quản chế. Đối với các sĩ quan và binh lính không đầu hàng nhưng tháo lui trước kẻ thù, là án tử hình, gia đình bị cúp tem phiếu thực phẩm.

Chất sắt máu tăng dần với những thất trận. Tại mặt trận Léningrad, đích thân Joukov soạn thảo 3 quân lệnh “bổ túc”: Các bí thư xã phải xử lý những gia đình cộng tác với Đức, bắn vào những ai chạy theo Đức bất kể giới tính và tuổi tác [Quân lệnh 19 tháng 9-1941]. Những hộ chứa chấp đào binh sẽ ra Tòa án Mặt trận. Các địa phương hành quyết tức khắc những gia đình có bộ đội đầu hàng [Quân lệnh 28 tháng 9-1941]. Các chính ủy phải bắn chết ngay lập tức những binh sĩ nào cất giữ truyền đơn của Đức trong mình [Quân lệnh 5 tháng 10-1941].

Chính trong những ngày này mà đại tướng Dmitri Pavlov, tư lệnh Phương Diện quân phía Tây (Army Group West) bị xử giảo, chỉ vì đã thảm bại tại Minsk. Trường hợp trung tướng Katchalov, tư lệnh Tập Đoàn quân 28 Sô-Viết (28th Army), là một bi thảm. Toàn thể gia đình, thân nhân của Katchalov, từ vợ con đến cha mẹ, anh chị em và cháu đều bị hành quyết mặc dầu trung tướng Katchalov đã tử trận khi cố gắng phá vây. Quả phụ Nina Tukhachevsky, vợ của nguyên soái Mikhail Tukhachevsky bị thanh trừng 1937, cũng bị lôi ra thắt cổ để làm gương. Joukov từng là thuộc cấp thân cận của Tukhachevsky và được đích thân Tukhachevsky hướng dẫn, đào tạo về chiến lược. Trong sáu tháng, nửa triệu lính Nga bị tình nghi “phản bội” bị đày đi Tây-Bá-Lợi-Á và trên 15.000 binh lính cùng sĩ quan bị xử tử. Phải đến 1956 những người này mới được phục hồi. Bàn tay Joukov thấm máu của chính đồng đội mình.

Trên mặt quân sự nếu tổng phản công mùa đông của Joukov cứu thoát Mạc Tư Khoa, đẩy lui quân Đức, thì tổn thất phía Nga gấp ba phía Đức. Sang 1942, với 5 Tập Đoàn quân nhưng Joukov thất bại không tái chiếm được Rjev do 1 Lộ quân Đức trấn giữ (9th Army của tướng Walter Model). Tháng 5-1942, Joukov không thể ngăn thống chế Erich von Manstein với Lộ quân 11 Đức (11th Army) hạ pháo đài Sébastopol trên bán đảo Crimée và bắt sống 90.000 tù binh Nga. Tháng 7-1942, Joukov thảm bại trong trận sông Volkhov không thể giải vây Léningrad, tệ hơn nữa trung tướng Andrei Vlassov chỉ huy Tập Đoàn quân Xung kích số 2 (2nd Shock Army) ra hàng rồi hợp tác với Đức thành lập Quân đội Quốc gia Nga chống Cộng sản. Ngôi sao của Joukov chỉ tỏa sáng từ trận Koursk tháng 7-1943 (chiến thắng Stalingrad tuy từ ý niệm phản công cạnh sườn của Joukov nhưng do Eremenko và Koniev thực hiện). Kể từ đây, thiên mệnh của Gueorgui Joukov, George The Victorious, hoàn thành. Cao điểm là cuộc hành binh Bagration vào tháng 6-1944 hủy diệt Liên Lộ quân Chính tâm (Army Group Centre) của thống chế Đức Ernst Busch rồi kết thúc với chiến thắng Bá Linh.

Joukov là một thiên tài quân sự? Có thể trả lời tuy bền bỉ, quả quyết, năng động và nhạy bén, Joukov không tinh vi bằng Von Manstein, không táo bạo bằng Rommel và chưa thần tốc bằng Guderian. Lý do chiến thắng nằm trong nhiều yếu tố: Nhân lực vô giới hạn của Hồng quân. Từ 1943, một quân nhân Đức đương đầu với 5 rồi 7 chiến sĩ Sô-Viết, sang đến 1944 là một lính Đức chống 10 lính Nga. Tương quan pháo binh là 1/11. Tương quan chiến xa là 1/8. Tương quan máy bay là 1/3. Tất cả các sử gia Tây phương đều chuẩn thuận phải 130 lính Mỹ mới có thể đối đầu 100 lính Đức, 5 xe tăng Sherman bị phá hủy mới hạ được một xe tăng Đức, phía Nga là 300 lính Nga để đương đầu 100 lính Đức, 7 xe tăng T-34 bị hủy mới bắn cháy một chiến xa Panzer. Vậy, vì sao Joukov chiến thắng? Tháng 6-1944 Liên quân Anh-Mỹ đổ bộ Normandie, 10 sư đoàn thiết giáp Đức chuyển sang phía Tây, thống chế Ernst Busch không còn quân cơ động và Bộ Tổng Tham mưu Đức không còn trừ bị. Thêm vào yếu tố ngoại vi: Franklin Roosevelt từng tuyên bố “Hoa Kỳ là kho đạn của các nền Dân chủ!” Trong thực tế, Hoa Kỳ là kho đạn khổng lồ của Staline. Trong suốt thế chiến, qua 2 ngã Bắc Băng Dương và Ba Tư, Roosevelt cung cấp cho Staline 12.000 chiến xa, 22.000 máy bay, 376.000 quân xa, 35.000 mô tô, 51.500 xe jeep, 5.000 súng chống chiến xa, 473 triệu viên đạn, 350.000 tấn thuốc nổ [B. Schofield, Les Convois de Russie, Nxb Presses de la Cité 1965]. Chính khối lượng vũ khí này đã giúp Joukov phản công mùa đông, cứu vãn Liên-Xô đã nguy ngập, cũng chính 376.000 quân xa sản xuất từ cơ xưởng xe vận tải Studebaker ở tiểu bang Indiana đã giúp cơ động hóa Hồng quân. Roosevelt không ngây thơ mà tính toán. Bên cạnh lời hứa của Staline giúp đánh Nhật, Roosevelt muốn triệt hạ hai đế quốc Anh-Pháp giành vị trị thống trị cho Hoa Kỳ. Trong một thế giới lưỡng cực Nga-Mỹ, các quốc gia phi Cộng sản sẽ lệ thuộc Hoa Kỳ. Roosevelt đã cấm giao vũ khí cho Pháp khi Đức tấn công, dù Pháp đã thanh toán bằng vàng, cấm bán vũ khí cho chính quyền Decoux khi Nhật vào Đông Dương. Thỏa thuận “Lend-Lease” cho phép Anh mua vũ khí trả góp, sẽ khiến đế chế Anh phá sản không còn ngân quỹ duy trì thuộc địa sau thế chiến. Thế giới chuyển từ tay Anh-Pháp sang tay Mỹ, là một thành công ngay cả khi phải chia đôi với Staline.

Trở lại với thiên mệnh của Joukov, một thiên mệnh lên đến tột đỉnh vinh quang khi Joukov nhận đầu hàng của thống chế Wilhelm Keitel ngày 8 tháng 5-1945. Những thước phim truyền hình còn lưu trữ giây khắc lịch sử. Những thước phim đem Joukov, vị anh hùng Sô-Viết, đến toàn nhân loại. Các sử gia cùng đồng thuận: 600 sư đoàn Đức trên tổng số 700 tiêu hao trên đất Nga. Chính Hồng quân thu hút chủ lực Đức. Công trạng của Joukov là có thật. Cũng không tướng lĩnh Đồng Minh nào chỉ huy nhiều quân, ở vị trí tối cao và trong thời gian lâu bằng Joukov. Eisenhower khi đổ bộ lên đất Pháp chỉ huy duy nhất 2 Liên Lộ quân, 21th Army Group của thống chế Bernard Montgomery và 12th Army Group của đại tướng Omar Bradley. Danh tướng Patton chỉ chỉ huy 1 Lộ quân (3rd Army), trong lúc Joukov từng chỉ huy cùng lúc từ 4 đến 6 Phương Diện quân (Army Group). Khi ký kết văn kiện đầu hàng, Joukov ngồi chính giữa Eisenhower và Montgomery, cho thấy vị trí cùng vinh hiển của Joukov.

Bảy thập niên sau, các báo chính thống trong nước tiếp tục ca ngợi và xưng tụng Joukov, nhưng tránh nhắc đến hậu chiến.

Gueorgui Joukov, 4 huân chương Sao vàng Anh hùng Liên-Xô, 6 huân chương Lénine, 2 huân chương Chiến thắng, 1 huân chương Cách mạng Tháng Mười, 3 huân chương Quân kỳ Đỏ, 2 huân chương Suvorov hạng nhất và 16 huy chương anh hùng khác…. chưa đầy một năm từ lúc Đức đầu hàng, bị cách chức. Đang là Đại Nguyên soái, Phó Ủy viên Nhân dân Quốc phòng, Phó Tổng Quân ủy Trung ương, Đại diện Đại Bản doanh Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Stavka Sô-Viết, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vùng Giải phóng, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Khu ủy Đông Âu, giữ ngôi vị thứ hai sau Staline về quân sự, Joukov 49 tuổi đột ngột bị cho về làm quân trấn trưởng Odessa mà quân số địa phương chưa đến một trung đoàn. Nhiệm vụ mới của Joukov: chặn bắt buôn lậu cập cảng Odessa!

Napoleon

Jean-Louis David, Nã Phá Luân

Yakovlev, Chân dung Joukov
Lý do? Joukov phạm tội khi quân. Sau chiến thắng, Joukov sai họa sĩ Yakovlev vẽ nhiều bức chân dung mình cưỡi ngựa, tương tự như các bức tranh vẽ Nã Phá Luân khải hoàn. “Khinh mạn và sàm báng!” Staline đã đập tay lên mặt bàn trong datcha, tư dinh tại Kuntsevo. Khi quân: Ngày chiến thắng, duyệt binh trên Hồng trường, Joukov đã oai vệ diễu binh trên ngựa trắng làm Staline khó chịu. Hắn không biết trên đất Nga chỉ có một Sa hoàng là Staline? Khinh mạn: Vì sao Joukov dám kết bạn tâm giao với Eisenhower và Eisenhower không tiếc lời ca ngợi Joukov? Vì sao Joukov chấp nhận cho báo Nhân Dân Pravda xem Joukov là “Người học trò xuất sắc nhất của Lénine” mà không đính chính Staline mới là “học trò xuất sắc nhất”? Sàm báng: Joukov giành hết chiến công cho bản thân mà quên Staline là vị thầy tư duy đánh bại Hitler. Những tấm tranh như trêu ngươi, vực lên trong lòng Staline ý nghĩ Joukov có khả năng thống lĩnh quân đội đảo chánh. Triệt đi để không di họa.


Thiên mệnh của Joukov chậm rãi an bài. Các nguyên soái Koniev, Eremenko và đại tướng Golikov đồng loạt tố cáo Joukov tham nhũng, lạm quyền và tư lợi, cướp bóc sản vật cho chính bản thân trong những vùng “giải phóng”. Phải nhìn ở đây lòng ghen tỵ, hay chỉ thị của Staline hoặc sự trả thù cho những đồng đội đã bị Joukov hành quyết? Có thể cả ba. Joukov nín thở, vì mỗi một làn hơi thở bất cẩn là một làn hơi thở của thần chết. Mỗi tháng Joukov đều viết thư cho Staline xin minh oan, thề thốt trung thành và tự nguyện “hoàn trả cho nhân dân” tranh cổ, tượng quý, cổ vật mà Joukov đã “mua sắm” quá tay…. Staline không hồi âm cho đến khi Joukov bị xử kín.

Thoát chết nhưng Joukov mất hết tất cả phẩm hàm, quân tịch, chức vụ và bị đồ sang Tây-Bá-Lợi-Á trông coi một phân khu khiêm nhường. Gia sản Joukov bị tịch biên. Bộ Công An trưng thu 320 áo lông gấu, 50 áo da khỉ, 60 áo da rái cá, 70 viên kim cương, 740 bộ dao nĩa bằng bạc, 60 bức tranh lấy từ các bảo tàng viện Áo-Hung-Đức, 3700 thước lụa quý, 194 món đồ cổ, nhiều mươi đồng hồ vàng, một trâm nạm ngọc và một vương miệng của nữ hoàng Augusta-Victoria mà Joukov tặng cho con gái. [Jean Lopez & Lasha Otkhmezuri, sđd, chương La Disgrâce(Thất sủng), Nxb Perrin 2013]

Cho đến khi Staline chết, tên Joukov bị gạch đi trong quân sử Hồng quân. Mãi cho đến khi Nikita Khrouchtchev lên cầm quyền, Joukov mới được phục hồi vì Khrouchtchev cần Joukov giết đối thủ Béria, cần quân đội trấn áp công an để giành lấy guồng máy khủng bố. Khrouchtchev tấn phong cho Joukov làm bộ trưởng Quốc phòng và Joukov sẽ gửi chiến xa sang Hung Gia Lợi đàn áp cuộc nổi dậy của dân Hung muốn thoát khỏi quỹ đạo Cộng sản. Đến 1957, Joukov bị cho về hưu vĩnh viễn rồi chết trong âm thầm lặng lẽ. Vị nguyên soái vĩ đại nhất của Hồng quân không hề hay biết ở một phương trời xa, bên Viễn Đông, có một vị đại tướng họ Võ đã học chữ “nhẫn” cho mình.

Trần Vũ
Chuyện đêm cho Mây, Jung và Đạm Tiên
5 tháng 6 – 2017
________________
Nguồn: Da Màu
(Via Blog Sầu Đông)

No comments:

Post a Comment