23 October 2017

Vài điều cần phản biện với ‘The Vietnam War’

Bùi Tín

Sau khi xem bộ phim dài nhiều tập «The Vietnam War» của 2 nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tôi thấy có 2 vấn đề cần phản biện vì các tác giả không thể hiểu rõ ràng, đầy đủ về Việt Nam nên đã đưa ra những nhận xét không thích hợp với thực tế.

Trước hết bộ phim tỏ ý tiếc rằng hồi 1945, ông Hồ Chí Minh đã có thiện chí gửi đến 6, hay 8 bức thư và điện cho tổng thống H.S. Truman để kêu gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với cuộc đấu tranh dành độc lập của Việt Nam chống thực dân Pháp. Nhưng đáng tiếc là phía Hoa Kỳ không đáp ứng, sau đó còn giúp vũ khí và tài trợ cho Pháp rồi thay chân Pháp tham chiến ở Việt Nam.

Bộ phim còn nói lên thiện chí của ông Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ trong bản Tuyên Ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 ở Hà Nội.

Điều này phản ánh suy nghĩ của nhiều người cho rằng nếu hồi đó Hoa Kỳ đáp ứng lời chìa tay hữu nghị của Hà Nội thì chiến tranh có thể không xảy ra, Việt Nam được độc lập như Ấn Độ, Miến Điện… mà không phải đổ máu.

Cũng theo luồng suy nghĩ này, nhiều người cho rằng hồi 1945, ông Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa yêu nước, có chú tâm giành độc lập dân tộc, do Hoa Kỳ không đáp ứng lời kêu gọi ủng hộ và kết thân mà ông Hồ phải buộc lòng quay sang tìm sự ủng hộ của Trung Cộng và Nga Xô, ngả vào lòng thế giới cộng sản.

Trên đây chính cũng là lầm lẫn của tôi từ khi ở trong nước, được tự đính chính sau khi nghiên cứu nhiều hồ sơ lịch sử ở Moscow, Paris, London, Washington DC, trong các kho tư liệu của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản ở Nga, của «Phòng Nhì» và thư viện Montpellier / Pháp, của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ…

Ngay từ khi còn ở trong nước, tháng 5/1990, tôi gặp ông Archimede Patty tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ ở hội trường Ba Đình, chính ông A. Patty từng ở trong tổ Con Nai của tình báo Mỹ đột nhập Việt Bắc để bắt liên lạc và giúp huấn luyện quân sự bộ đội Việt Minh, cho tôi biết rằng ông không tiếc gì việc lỡ làng mối quan hệ Mỹ - Việt, vì sự thể ắt phải như thế. Theo ông tìm hiểu, hồi đó, tổng thống F.D. Roosevelt và tổng thống H.S. Truman cùng các ngọai trưởng E. Stentinius và J. Byrns nắm rất chắc lý lịch của ông Hồ, qua trao đổi tin tức rất đầy đủ kịp thời giữa tình báo Pháp, Anh và CIA. Từ đầu năm 1945 họ đã thông báo cho nhau rằng ông Hồ là cán bộ quốc tế ăn lương của Quốc tế Cộng sản, được huấn luyện kỹ ở Moscow từ năm 1924, cầm đầu Đảng Cộng sản Đông Dương và sớm muộn sẽ thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, Lào và Cam-bốt.


Năm 1992 tôi cùng nhà sử học Stanley Karnow gặp các nhà ngoại giao Mỹ tại trụ sở bộ ngoại giao, khi trao đổi về vấn đề này, các bạn Mỹ cho rằng cả 6 bức thư của ông Hồ gửi tổng thống Truman đều được nghiên cứu nhưng cố tình không trả lời, vì chả lẽ lại nói rằng chúng tôi đang thực hiện «Chiến lược be bờ ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản» - «Containment Strategy», mà các ông đích thị là cộng sản trá hình, không thể chơi với nhau.

Các bạn nhà báo Pháp, Anh, Đức, Nhật của tôi được trao đổi về vấn đề này cũng chung một ý nghĩ là ông Hồ là con người rất khôn ngoan, nhiều mưu mẹo, rất «già jeu» về chính trị. Ông có thủ thuật «lạt mềm buộc chặt» là thế.

Năm 1945, khi thế chiến II kết thúc, phe xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Cộng sản vừa phôi thai ở châu Âu, ở châu Á chưa có nước nào theo chủ nghĩa cộng sản, đảng cộng sản Trung quốc chưa nắm được chính quyền, nên ông Hồ phải che dấu thật kỹ bản chất cộng sản của mình. Ở trong nước số đảng viên cộng sản chỉ có 1 vài nghìn, yếu ớt lắm. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 với các khẩu hiệu cực đoan, bạo động «đả trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ» không được lòng dân, còn gây phản cảm mạnh trong mọi giới.

Ngay từ năm 1941 phong trào Việt minh – «Việt Nam độc lập đồng minh» do đảng cộng sản chủ trương đã dấu kỹ bản chất cộng sản, tất cả các tỏ chức của Mặt trận đều mang tên «Cứu quốc». Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Binh sỹ Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc… với tiêu chí giành độc lập dân tộc, không nói gì đến giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Cuối năm 1946 đảng cộng sản Đông dương còn giả vờ tuyên bố tự giải tán để cố tập họp các nhân sỹ, quan lại cũ, trí thức tham gia kháng chiến, học đòi thủ thuật của Staline giải thể Đệ tam quốc tế cộng sản năm 1943 để bắt tay với thế giới dân chủ chống phát xít.

Chỉ sau khi nối liền biên giới với đảng cộng sản Trung Quốc đã nắm được chính quyền tháng 10/1949, đảng Cộng sản Đông dưong mới bắt đầu hé lộ bản chất cực đoan phi dân tộc, bè phái của mình, qua cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, chống Nhân văn giai phẩm, qua vụ án xét lại chống đảng, thải loại các nhân sỹ trí thức trong 2 đảng Xă hội và Dân chủ, nắm trọn chính quyền về mình không chia xẻ cho ai, dẫn đến sự thoái hóa, rồi tha hóa toàn diện, phụ thuộc làm tôi đòi cho đảng cộng sản Trung quốc, bế tắc, mất trọn niềm tin của xã hội như hiện nay.

Bài học rút ra từ vấn đề trên đây là Việt Nam hiện nay nếu muốn có nền độc lập chân chính, trọn vẹn, hòa nhập với thế giới hiện đại để phát triển vững chắc mang lại phồn vinh hạnh phúc cho toàn dân, chỉ có một con đường là từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội mù mờ, từ bỏ con đường chia rẽ dân tộc, hèn với giặc ngoại xâm ác với dân, tham nhũng lan tràn bất trị, hòa nhập trọn vẹn với thế giới dân chủ, thật lòng thực hiện đòan kết hòa giải dân tộc, không có con đường nào khác.

Vấn đề thứ hai cần phản biện là trong cuốn phim và trên các mạng thông tin từng đưa ra con số thổi phồng quá đáng về số quân nhân Trung Quốc có mặt ở Việt Nam trong thời chiến. Có nơi đưa ra con số 320.000, cứ như quân Tàu có mặt khắp nơi để Quân đội nhân dân đổ vào Nam hết. Không có gì gian dối bằng!

Tôi từng ở bộ Tổng tham mưu trong thời chiến. Con số quân nhân Trung Quốc luôn được cập nhật để có các đoàn thăm viếng quà cáp khi có ngày lễ lớn của mỗi bên. Số lượng, tên đơn vị, địa điểm đóng quân ghi rõ trên bản đồ để cho Cục Tuyên huấn hàng tháng cử tổ chiếu phim đến phục vụ bộ đội "bạn", và đôi khi cử Đoàn văn công quân đội của Tổng Cục chính trị đến múa hát cho "bạn".

Phần lớn là các đơn vị phòng không sang để luyện tập, học hỏi kinh nghiệm chiến trường. Khi cao nhất là 22 tiểu đoàn gồm có chừng 140 ụ súng, với quân số từ 8.000 đến 12.000. Họ đóng quân trong rừng, nhà gỗ ở tạm, tránh quan hệ với nhân dân địa phương, xa các thị trấn. Chỉ ở vài tỉnh thuộc quân khu 1.

Còn ở phía Nam sông Hồng, ở các Quân khu 3, 4, 5, 7, 8, 9, vào miền Trung và Nam bộ, - chừng 92% diện tích thì tuyệt nhiên không có 1 quân nhân Trung Quốc nào.

Đây là kiểu thống kê gian xảo của Trung Quốc. Mỗi đợt quân Trung quốc được luân phiên phái sang chỉ 3 dến 4.000, thời gian mỗi đợt chỉ có 3 đến 4 tháng, nếu cộng lại trong 10 năm là 120 tháng, có 40 đợt cộng lại mới là 160.000 người. Họ tùy tiện thổi phồng lên 2 hay 3 lần nữa cho có vẻ đông đảo lắm. Anh Tàu hay ngoa ngôn, phóng đại, thổi phồng là thế!

Nên hồi đó trong cả nước, rất ít người thấy, gặp mặt lính Trung cộng. Phòng tùy viên quân sự trong Sứ quán khi đông nhất chỉ có 130 người.

Vài tỉnh phía Bắc thuộc quân khu 1, người dân rất vui nhộn khi thấy các đơn vị phòng không Trung quốc bắn máy bay Mỹ, đó là họ bắn vô tội vạ, không hề tiết kiệm, bắn từ rất xa, có khi chưa nhìn thấy máy bay, một tay bấm cò một tay giơ cao Mao tuyển bìa đỏ chót; miệng đọc lời ông Mao thuộc lòng như đọc kinh. Và có hạ được chiếc nào đâu, dù vãi đạn lên trời. nếu hạ được 1 chiếc họ đã khoe khoang hết mức.

Họ ngủ dậy là đọc Mao tuyển, trước khi cầm đũa ăn cơm, trước khi đi ngủ đều đọc Mao tuyển, làm nhà, đào hầm hố đều niệm Mao tuyển…

Quả thật phía Trung Quốc có lần yêu cầu để cho họ vào tham gia vận chuyển trên đường Hồ Chí Minh, nhưng lãnh đạo Việt Nam không chịu, vì biết rằng họ vào dễ, trở về thì khó, sẽ bị mắc mưu thâm.

Đó là điều cảnh giác đáng khen, không như hiện nay mở toang cửa cho tràn ngập vào trên mọi địa bàn, tận Tây Nguyên, Nam bộ, với các phố xá, hàng giả, hàng độc hại tràn vào khắp nơi.

Trên đây là 2 điều thực tế cần phản biện qua bộ phim «The Vietnam War» để tránh những hiểu sai, hiểu lầm về cuộc chiến này.
__________________________

Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.
(Nguồn: VOA Tiếng Việt)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...