26 May 2024

Tìm Lại Dòng Xưa, thơ

 

Ngôi Mộ Người Chiến Sĩ Vô Danh

Khi tôi lớn lên và học Trung học tại một thành phố thuộc vùng cao nguyên bụi đỏ, lúc đó vào khoảng giữa thập niên 60, núi rừng Ban Mê Thuột còn nhiều hoang dã. Trường tôi học là trường công duy nhất của thị xã nên học sinh nam nữ học chung, và cùng có một số ít học sinh thuộc sắc dân tộc thiểu số sống lâu đời ở đây. Những học sinh này học chung lớp với chúng tôi và được cho ăn ở tại một dẫy nhà nhỏ gần trường vì gia đình họ ở sâu trong buôn làng. Cuối tuần họ về thăm nhà và đôi khi mời vài bạn học sinh người Kinh  đến  thăm gia đình. Những người bạn này sau vài lần, biết đường đi lối về trong rừng hay trong thung lũng nên đưa các bạn cùng lớp đi  “thám hiểm“. Tôi với bản tính thích thiên nhiên và không sợ sâu bọ côn trùng nên thường được cho đi chơi chung, lang thang trong rừng hái hoa bắt bướm…

Trên con đường mòn trong thung lũng, vào sâu một chút gần con suối nhỏ, tôi thấy thấp thoáng có một nấm mồ, chắc cũng đã lâu vì cỏ mọc um tùm chung quanh như không có ai chăm sóc. Mới đầu thì tôi cũng hơi sờ sợ, không dám đến gần nhưng đi qua vài lần cũng thấy quen nên tò mò không biết mộ của ai mà lại bỏ hoang như thế. Nhân  một hôm thấy mấy người bạn trai vui vẻ khi hái được một số nấm mối gần đó nên rủ họ đưa tôi và một cô bạn gái vạch cỏ vào thăm mộ. Chúng tôi ngạc nhiên vì không tìm ra mộ bia, không biết người nằm trong mộ là ai. Anh chàng Quang, được coi như đầu nhóm vì có nhiều bạn người Thượng  và cuối tuần hay ở lại nhà bạn chơi nên hứa sẽ hỏi giúp vì thấy tôi cứ ngơ ngáo bên ngôi mộ.

Năm đó, Quang và tôi đang học đệ ngũ, nhà ở  trên  cùng một con đường đến trường nhưng thỉnh thoảng mới có dịp đi học về chung vì Quang hay ở lại trường chơi thể thao với bạn. Hầu như mọi gia đình học sinh ở đây đều nghèo, gặp khó khăn trong cuộc sống nên về miền đất mới tìm phương tiện sinh sống. Cả hai chúng tôi đều học trễ hai năm, đó là thông thường vì là người tứ xứ, gia đình luôn di chuyển  nên việc học của con cái gặp trở ngại, trong lớp tôi còn có anh Hải, anh cao lớn nhất lớn và đã 18 tuổi.!

Mãi đến mấy tuần sau, Quang rủ tôi đi vào rừng để thăm  ngôi mộ. Quang dặn tôi đem theo mấy nén hương, bật lửa và đừng cho bạn bè biết vì chỉ có tôi và Quang đi thôi. Tôi cảm thấy bồn chồn khắc khoải vì không biết ai trong mộ mà Quang có vẻ trịnh trọng như vậy. Lúc tôi đi ngang nhà Quang, anh ra và đi cùng với tôi, nhìn Quang tôi hơi ngạc nhiên vì đi vào rừng mà Quang mặc quần áo đàng hoàng cẩn thận như đi học. Quang đỡ lấy túi xách của tôi và yên lặng đi bên tôi cho đến khi chúng tôi đi đến con đường mòn vào thung lũng. Quang mới nói với giọng trầm buồn 

Thảo có biết anh Y San Uoi không? Anh ta học đệ tứ nhưng rất thân với Quang và Quang hay đến nhà Y San Uoi ở chơi cuối tuần nên đôi khi có nói chuyện với ba của Uoi. Khi Quang nhờ Uoi hỏi về ngôi mộ gần suối thì ba Uoi gạt đi, bảo là không nên hỏi về chuyện đó làm Uoi cũng ngạc nhiên vì ít khi ba làm như thế. Uoi  đến mấy chú bác ở gần đó hỏi thì họ cũng yên lặng, mãi về sau mới có một cụ già kể cho nghe

Độ gần hai năm trước, mấy người đàn ông trong buôn rủ nhau vào rừng săn thỏ và gà rừng, khi đuổi theo con thỏ chạy vào bụi rậm thì họ thấy một xác người, chết chắc cũng đã lâu và mặc quân phục của lính Cộng Hòa. Họ không biết phải làm sao, đoán là người lính này bị thương trong trận đụng độ với cộng quân ở vùng núi gần đó và cố lết về gần nhà dân để  nhờ giúp rồi chết. Họ không dám khai báo với chính quyền địa phương, sợ liên lụy và rắc rối, dù sao người lính cũng đã chết và cần được chôn cất cẩn thận. Mấy người đàn ông trong buôn vào rừng đốn cây  làm quan tài và chôn người lính ở gần chỗ chết. Không để bia mộ vì không muốn ai biết được người trong mộ là quân nhân, đi trên đường mòn không thấy được nấm mồ vì  cây cối che lấp. Ông cụ dặn dò không được cho ai biết ngôi mộ là của người chiến sĩ vô danh và cũng đừng nên vào khu vực đó, hãy để người lính yên nghỉ thảnh thơi vì họ đã làm xong bổn phận với tổ quốc.

Nước mắt tôi rơi theo những lời Quang nói… văng vẳng đâu đây  bài  Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm Duy mà   tôi yêu thích 

Mờ trong bóng chiều 

Một đoàn quân thấp thoáng 

Núi cây rừng lắng tiếng nghe hình dáng của người anh hùng 

Lạnh lùng theo trống dồn…

Quang  yên lặng đi bên tôi, dường như trong lòng anh cũng đầy u uẩn. Chúng tôi đến nơi có ngôi mộ, Quang cố gắng vẹt cỏ cẩn thận để không lộ ngôi mộ ra nhiều. Anh cúi xuống tìm hướng rồi bảo tôi

    - Thảo thắp hương đi, đây là đầu ngôi mộ.

Hai đứa chúng tôi đứng vái rất nghiêm chỉnh trước ngôi mộ rồi cắm  những cây hương trên đất cỏ… lòng đầy cảm khái và ngậm ngùi… xin anh an nghỉ nơi đây, chúng em không bao giờ quên ơn anh - người chiến sĩ vô danh - đã hiến thân để bảo vệ tổ quốc kính yêu của chúng ta.

Chúng tôi đứng yên bên mộ cho đến khi hương tàn, Quang lấy chân hương vùi vào đất trước mộ rồi vái tạ trước khi ra về…. Quang vuốt cỏ cho ngay lại để trông không thấy vết chân, như chưa từng có ai thăm viếng… trả anh lại với núi rừng của anh. 

Ra đến đường mòn, chỉ còn thấy rừng cây bát ngát. Quang ngậm ngùi.

    - Anh Hải tháng sau nghỉ học để nhập ngũ, anh đã 18 tuổi và không còn tuổi để được đi học nữa… biết đâu ngày nào đó anh Hải cũng nằm xuống như người lính nơi đây.

Quang thoáng nhìn tôi, bùi ngùi 

    - Sẽ có một ngày nào đó, Quang cũng nằm xuống… chiến tranh… có mấy ai trở về …

Tôi ngước nhìn Quang, mắt mờ đi vì giọt lệ lưng tròng… chúng tôi yên lặng đi bên nhau cho đến khi về đến nhà Quang và rồi chỉ còn một mình tôi đi trong gió bụi … lòng rưng rưng muốn khóc.

Từ sau ngày đi thăm ngôi mộ người chiến sĩ vô danh, tôi không theo bạn vào rừng chơi nữa và cũng ít có dịp đi học về chung với Quang. Học hành, thi cử và nghĩa vụ của trai thời chiến đã chia chúng tôi đi theo hai con đường khác biệt.

Đã hơn 60 năm qua, cứ đến ngày Chiến Sĩ Trận Vong thì hình ảnh ngôi mộ người chiến sĩ vô danh nằm cô đơn trong rừng lại về trong lòng tôi… tôi không biết trong hàng ngàn ngôi mộ vô danh của người lính VNCH vì mộ bia đã bị cộng sàn phá hủy có mộ của Quang trong đó không? Tôi được bạn bè cho biết Quang đã hy sinh trong chiến trận của mùa hè đỏ lửa năm 1972 và tôi không có cơ hội để tiễn anh lần cuối. Mỗi năm, đến ngày Chiến Sĩ Trận Vong,  xin được dâng lên nén hương lòng tri ân tất cả những chiến sĩ  đã  hy sinh để bảo vệ tổ quốc kính yêu và chút lòng tưởng nhớ đến người bạn chung lớp năm xưa.

Nguyễn Thị Dung, ts4

15 May 2024

Chuyện nên cảnh giác: Tráo hàng giả lấy hàng thật

Vào trước, môt người đàn ông Mỹ gôc Hoa, họ Dương ở thành phố Monterey Park, California, đã cho một du khách Trung Quốc (không rõ danh tính) mượn thẻ thành viên Costco. Ông đã bị cảnh sát đôt kích khám xét, bắt giữ và cáo buộc 3 tội danh: Lừa đảo, trộm cắp và làm hàng giả.

Gần đây, Costco đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm cấm các thành viên cho những người không phải là hội viên mượn thẻ thành viên.

 Sau khi điều tra, ông khai rằng, khi đi mua sắm ở Costco khoảng 1 năm trước, một du khách tự xưng là người Trung Quốc Đại Lục đã hỏi mượn thẻ thành viên của ông để thanh toán. Lúc đó, ông Dương cảm thấy việc này cũng không có gì to tát nên đồng ý, ông còn in biên lai riêng cho vị khách du lịch này.

Ông không ngờ rằng, sau đó người này đã trả lại chiếc đồng hồ Apple cho Costco và lấy lại tiền mặt. Apple phát hiện ra rằng chiếc đồng hồ này là hàng giả.

Kết quả là Costco đã gọi cảnh sát. Cảnh sát lần theo dấu vết và phát hiện Apple Watch được mua bằng thẻ tín dụng của ông Dương, nên họ đến nhà ông với lệnh khám xét.

Đây là hành vi lừa đảo, đổi hàng giả lấy hàng thật thông qua việc trả lại hàng.

 Mặc dù đã nộp tiền bảo lãnh và được trả tự do, nhưng ông Dương vẫn phải bồi thường cho cửa hàng và phải bị 3 cáo buộc của cảnh sát, gồm tội lừa đảo, trộm cắp và làm hàng giả.

Luật sư của ông Dương cho biết, tuy không phải ông mua hay trả lại chiếc đồng hồ, nhưng trên hóa đơn có số thẻ hội viên của ông, nên giờ đây mọi trách nhiệm đều đổ lên ông Dương.

Vụ việc này cũng gây luy ý đến một chiêu trò lừa đảo đang trở nên phổ biến trong cộng đồng người Trung Quốc trong những năm gần đây: Đổi sản phẩm Apple giả, lấy hàng thật.

Mới tháng trước, 3 người Mỹ gốc Hoa đã bị tòa án liên bang Hoa Kỳ kết án tù nặng. Họ bị cáo buộc mua một lượng lớn iPhone và iPad giả, sau đó sử dụng chính sách bảo hành của Apple để đổi lấy thiết bị chính hãng.

Theo báo cáo, 3 anh em người Trung Quốc là Liêu Chí Vĩ (Zhiwei Liao), Liêu Chí Mẫn (Zhimin Liao) và Liêu Chí Đình (Liao Zhiting) lần lượt bị kết án 51 tháng, 41 tháng và 41 tháng tù.

Theo cáo trạng của công tố viên, 3 anh em bị cáo buộc đã mua hơn 10.000 chiếc iPhone, iPad giả, sau đó dán những mã IMEI và số sê-ri thật và hợp lệ bị đánh cắp lên những thiết bị này. Tất cả đều còn trong thời hạn bảo hành.

Sau đó, họ thuê người mang những chiếc iPhone giả này đến các trung tâm dịch vụ của Apple để sửa chữa. 

Do chính sách đáng tin cậy của Apple, thông thường điện thoại di động bị lỗi sẽ được thay thế trực tiếp bằng điện thoại mới, điện thoại bị lỗi sẽ được gửi lại nhà sản xuất để sửa chữa.

Khi Apple phát hiện ra một lượng lớn iPhone và iPad giả, họ đã ngay lập tức gọi cảnh sát. Cảnh sát nhanh chóng bắt giữ 3 anh em nhà họ Liêu cùng 14 người khác có liên quan đến kế hoạch đánh tráo điện thoại này. 

Cuối cùng, 3 anh em này bị bỏ tù, hai biệt thự ở San Diego của họ bị tịch thu.

 trường hợp của ông Dương có liên quan đến những vụ lừa đảo này hay không, vẫn đang được điều tra.

 Sự việc này cũng nhắc nhở mọi người đừng bao giờ tùy tiện cho người lạ mượn thẻ thành viên.

Nếu hậu quả nhẹ, thì thành viên chỉ bị đưa vào danh sách cấm hoàn trả, nhưng nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến nguy cơ bị điều tra thuế, gian lận.

(Nguồn: Trần Văn Hoàng, ĐS 10)

10 May 2024

Chứng Tích, tranh A.C.La


 

Vài hàng về bức tranh

Thuở thơ ấu, tôi đã từng chứng kiến cảnh ngôi nhà nơi mình sinh ra và lớn lên bị đốt cháy đổ nát như thế này khi chiến tranh chống Pháp ở giai đoạn dữ dội. Một hôm tôi từ chỗ tản cư lánh nạn theo mẹ trở về thăm nhà thì thấy những căn nhà chung quanh thành tro bụi. Riêng nhà tôi vẫn đứng đó, nhưng sau đó không lâu những lọn khói nhỏ xuất hiện trên mái ngói rồi chẳng bao lâu một cột khói cuồn cuộn bốc lên và sau chót biến thành trăm nghìn lưỡi lửa chen nhau thoát lên trời cao. Tiếng khóc òa vỡ  của người mẹ tần tảo để xây dựng cơ nghiệp vẫn còn vang vọng trong tâm khảm. "Mai đây lấy chỗ nào mà ở hả con!" Câu nói ấy tôi mang theo suốt cuộc đời mình..

Trong thời gian làm việc ở một thành phố miền cao, tình cờ tôi lại khám phá ra một ngôi nhà đổ nát vì chiến tranh. Ngôi nhà nằm ở ngoại ô thành phố. Những lúc nhàn tản, tôi hay đến đó để ngắm nhìn. Tôi có nhiều cảm xúc khi nhìn ngôi nhà này vì nó là hình ảnh gợi nhớ dĩ vãng.

Chính ngôi nhà tòa tỉnh cấp để tôi tạm trú cũng là một ngôi nhà bị pháo kích trong cuộc tấn công của cộng quân trong Tết Mậu Thân. Vợ chồng chủ nhà gốc Pháp sợ hãi đã bỏ về cố quốc. Chung quanh nhà cỏ mọc tư do trên những khoảng đất chưa trải sỏi đá. Trước nhà vẫn còn lác đác nhiều bụi hoa. Một buổi sáng tinh sương tôi bất chợt có dịp ngắm nhìn một đóa marguerite nở trong đêm màu trắng đẹp lạ lùng. Đóa hoa phơi phới như không cảm thấy bơ vơ giữa bờ cỏ xanh lởm chởm. Ngôi nhà cha mẹ tôi xưa kia ở ngoài phố không có cây cỏ bao quanh như những ngôi nhà đổ nát tôi từng gặp. Nhưng dù sao chúng cũng đưa tôi trở về với kỷ niệm ấu thơ khó quên. Không biết chính dĩ vãng hay bản chất của một người thích cảnh tĩnh mịch khiến tôi hay đứng hàng giờ để ngắm những cảnh hoang vu.đổ nát như vậy....

... Đang mải mê ngắm nhìn cái vẻ đẹp hoang phế, bỗng nhiên tôi phát giác ra một cặp nai đứng xa xa ngó tôi nửa thăm dò, nửa hiếu kỳ. Chúng thật hiền từ và dễ thương. Trong cái cảnh hoang tàn một cặp thú hoang xuất hiện bỗng làm tăng thêm cảnh hoang dã. Chẳng hạn trong một khu rừng không người bỗng xuất hiện một con cọp,  lúc ấy cảnh trí trở nên hoang dại một cách đặc biệt.

Nhưng đồng thời cũng chính cặp nai ở đây lại đang mang đến cho cái cảnh cô liêu một cái gì sống động, một luồng sinh khí. Đứng một mình nơi đây vào một buổi hoàng hôn ít nhiều cũng thấy ngần ngại, sợ sệt. Một tiếng động nhẹ cũng có thể khiến giật mình. Chính cặp nai đã giúp xua đuổi cái cảm giác sợ sệt thường tình ấy. Chúng giống như những người bạn.

Văng vẳng đâu đây có tiếng ai kể lể:  "Trước đây một cặp vợ chồng đã từng làm chủ và sống trong ngôi nhà này. Người chồng là con một trong gia đình thừa hưởng gia sản cha mẹ để lại. Sau khi lập gia đình người chồng tiếp tục sống với vợ ở đấy. Ngày ngày họ theo nhau đi xuống vườn trồng trái dâu dưới sườn đồi. Dâu bán không hết, họ dùng chế biến thành mật: Mật Dâu. Họ là những người chăm chỉ, miệt mài làm việc và thật an vui với cái nghề trồng tỉa cha ông để lại". 

"Rồi chiến tranh lan tràn trên khắp đất nước, phá tan cảnh thanh bình như cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ này . Những tiếng đại bác từ xa vang vọng về hàng đêm mỗi ngày nghe một gần. Chiến tranh bây giờ có thể xẩy ra bất cứ nơi đâu, ở ngay trong cái thành phố du lịch và  nghỉ mát này không chừng".

"Quả nhiên đêm định mệnh đã tới. Ngôi nhà bị một trái pháo long trời lở đất và đã cướp đi hai mạng người, một cặp bài trùng đã thề hứa sống chết có nhau. Ngôi nhà kẹt giữa hai lằn đạn, làm mồi cho tàn phá".

Tiếng kể tiếp tục: "Một thời gian sau người ta thấy xuất hiện một cặp nai hay đến và quanh quẩn nơi ngôi nhà đổ nát này, có khi hai ba ngày mới bỏ đi. Chúng dẫn nhau tới khá đều đặn tuy không phải ngày nào hay tuần nào cũng có mặt".

Tiếng kể ngừng bặt để lại cho người nghe một suy nghĩ bắt buộc: Hai con nai chính là cặp vợ chồng trẻ năm xưa nay trở về để thăm chừng nơi họ đã quấn quít bên nhau trong những ngày hạnh phúc ngắn ngủi.trên dương gian....

Tôi đưa tay dụi mắt để biết rằng mình không mơ. Tôi đang đứng trước ngôi nhà hoang phế "quen thuộc". Tiếng nói thì thầm kia chính là của nàng tiên đang dẫn dắt tôi tạo một bức tranh mới để dâng tặng mẹ tôi và cặp vợ chồng trẻ nếu như họ có thật. Riêng kính tặng anh Hoàng Trọng Cang, ĐS1, cựu phó tỉnh trường Tuyên Đức, một huynh trưởng khả kính.

Qua "Chứng Tích" xin ghi lại cảm xúc về một chặng đường đã qua.

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

**

Tiếng nghẹn ngào trong cọ vẽ

Như Thương xem tranh CHỨNG TÍCH mà chạnh lòng nhớ đến ngôi nhà thân yêu ngày xưa - một chỗ ấm êm của tuổi thơ để đầy ắp kỷ niệm thuở nhỏ và một chỗ hạnh phúc của thời mới lớn để biết mộng mơ và ngắm trăng qua khung cửa sổ.

Đôi khi có những hình ảnh thường nhật mình đã vô tình không để ý rằng nó hiện hữu tận trong sâu thẳm thương yêu, mãi đến khi mình mất nó đi rồi thì lại nhớ ngẩn ngơ và cảm thấy mất mát ấy trở thành vết thương thật sự.

Một con ngõ đi về hai buổi quen thuộc, một góc tường quen, một căn phòng gần gũi bỗng dưng một hôm đổ nát và những dáng nét ấy đổi thay một cách bạo tàn !

Xót xa! Tiếc nuối! Ngậm ngùi! Để cõi lòng như hoang tàn trước Chứng Tích.

Mơ hồ trong trí nhớ và ký ức vẽ lại toàn bộ những hình ảnh xưa, không một viên gạch nào mất mát, không một bức tường vôi nào loang lổ, không một bụi cây ngọn cỏ nào điêu đứng ... thế là tâm trở về lại chốn bình an.

Dường như có tiếng nghẹn ngào trong cọ vẽ ... làm sao tìm lại được ngôi nhà xưa khi người họa sĩ đã đặt tên cho tác phẩm là CHỨNG TÍCH ? Phải chăng chỉ ngoại trừ khi nào hồn hoang của hai người trong ngôi nhà ấy tha tội cho chiến tranh ?

Như Thương

09 May 2024

Tháng Tư Quốc Hận: Máu và Nước Mắt


Kính dâng Anh Linh các Chiến sĩ Trận Vong VNCH
Viết để Tưởng Niệm Tháng Tư Quốc Hận 2024
Như Thương

Mỗi năm vào Tháng Tư, chúng ta se thắt lòng Tưởng Niệm những ngày tháng tang thương của đất nước khi Cộng quân tiến chiếm miền Nam Việt Nam. Khởi đầu từ 10 tháng 3 đến 30 tháng 4 năm 1975: Chỉ vỏn vẹn ngần ấy ngày tháng của biến loạn mà sao chúng ta không thể nào nguôi ngoai được những hình ảnh đau thương? Bao nhiêu hình ảnh “chạy giặc” trong trí nhớ lại trở về… Bút mực vẫn chưa cạn dòng và sẽ không bao giờ đủ để diễn tả những gì đã xảy ra vào Tháng Tư năm 1975, để rồi cuối cùng là khúc quanh nghiệt ngã của dân tộc vào ngày 30 tháng 4 đã đến.

Từ đó, từ ngữ Việt Nam có thêm những chữ mới, xin tạm liệt kê như sau:
-  "Tù cải tạo", trại "tù cải tạo", lán trại
-  Kinh tế mới
-  Đổi tiền
-  Hợp tác xã
-  Quốc doanh
-  Hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng
-  Chế độ tem phiếu thời bao cấp
-  Sơ yếu lý lịch
-  Biệt kích cầm bút
-  Vượt biên - Thuyền nhân
-  Diện H.O. - Diện ODP
-  Tù nhân lương tâm.
 
H.O. & O.D.P
H.O. (Humanitarian Operation) có tên chính thức là Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo).
”… The dream for a new life began in 1989 when the US program known as Humanitarian Operation began, allowing those who were imprisoned for their work with either the South Vietnamese or the American government to leave Vietnam….”
(Source: US Ends Era of Welcome For Vietnam's Refugees
https://www.csmonitor.com/1997/1014/101497.intl.intl.3.html?ref=luatkhoa.com
 
O.D.P. Là một chương trình của Hoa Kỳ và cho phép người Việt Nam tỵ nạn nhập cảnh vào Hoa Kỳ sau cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Chương trình này được tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Chương trình ODP từ đó có tên là Chương trình Tái Định cư Nhân đạo (tiếng Anh: Humanitarian Resetlement Program, viết tắt là HR).
 
Trại tù "học tập cải tạo"
“… Theo bộ Encyclopedia of the Vietnam War, sau năm 1975, số lượng sĩ quan, công chức và cán bộ VNCH bị bỏ tù khoảng hơn 1,000,000 người trên tổng dân số Nam Việt Nam lúc đó khoảng 20 triệu người. Tất cả bị giam tại trên 150 trại giam …”
(Source: Những trại tù "học tập cải tạo" sau ngày 30-4-1975 - Trần Gia Phụng)
 
Khi được hỏi về việc học tập cải tạo, tướng Lê Minh Đảo cho biết: "Nói cải tạo để dùng cái mỹ từ cho nó đẹp chứ đi đày tụi tôi chứ cải tạo cái gì? Sự thật là ai cải tạo ai? Bây giờ phải nói rằng trình độ tụi tôi với tất cả cuộc sống của tụi tôi có cần những người cải tạo để đưa tụi tôi từ một [mức] con người biết đầy đủ tất cả nhân phẩm xuống thành con thú vật đâu?"
 
Binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận
"... Con số 220.357 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận được Lewy dẫn từ tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính từ năm 1965 đến năm 1974. Cộng thêm con số tử trận trong giai đoạn 1974-1975 và trước đó cho ra ước tính khoảng 300.000 tử trận. Nhà sử học R.J. Rummel đưa ra con số ước tính cao nhất có thể lên tới 313.000 tử trận.

Theo thống kê chi tiết của Jeffrey J. Clarke thì tính từ năm 1960 tới 1974, Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 254.256 lính tử trận. Cộng thêm con số tử trận trong các năm 1956-1959 và năm 1975 thì số lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận ước tính là khoảng 310.000 người.

Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp úy, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các “đảng phái phản động”.
(Source: Đỗ Duy Ngọc - Vẫn còn nước mắt
https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/04/o-duy-ngoc-van-con-nuoc-mat.html
 
Vượt biên
"...Theo thống kê của cơ quan Tị nạn Liên Hiệp quốc thì có khoảng 500.000 người vượt biên đã bỏ xác ở Biển Đông...."
(Source: Đỗ Duy Ngọc - Vẫn còn nước mắt
https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/04/o-duy-ngoc-van-con-nuoc-mat.html
 
Kinh tế mới
“…Trong 5 năm 1975-80 Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa về nông thôn 832.000 người. Phương pháp cưỡng bức dân thành thị đi kinh tế mới gồm thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và các nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học khiến đối tượng phải di chuyển ra vùng nông thôn…
Chỉ tiêu là di chuyển 1.200.000 dân trong đô thành Sài Gòn ra ngoài thành phố. Con số đại thương gia còn lại ở Thành phố Hồ Chí Minh không được hơn 10% tổng số nguyên thủy….”
(Source: Vùng kinh tế mới sau 1975
https://www.facebook.com/namkycommunity/posts/v%C3%B9ng-kinh-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%9Bi-sau-1975-sau-n%C4%83m-1975-ngo%C3%A0i-l%C3%BD-do-kinh-t%E1%BA%BF-vi%E1%BB%87c-di-d%C3%A2n-ra-v%C3%B9ng-k/346669513487789/
 
Tù nhân lương tâm - Báo cáo Nhân quyền
Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2021-2022
https://www.vietnamhumanrights.net/viet/documents/Baocao_2020_2021_net.pdf
Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023
https://www.vietnamhumanrights.net/viet/documents/Baocao_2022_2023_net.pdf
 
Dòng nước ngọt lành của quê hương xuôi dòng trên những con sông, con suối và cả đại dương mênh mông sao lại pha màu huyết thẫm của xác người vô tội. Những cánh rừng xanh lá, những ngọn đồi cao thấp vang vọng lời ai oán chập chùng thấu Trời xanh khi con người cố bám víu lấy bóng đêm của rừng, hoang vu của đồi để ẩn náu hay đi tìm con đường sống.

À, thì ra cộng sản là thế! Bước chân của họ đi đến đâu là tang thương, chết chóc có mặt nơi ấy và mọi người đều lánh xa như tránh bầy quỷ dữ! Cộng sản là hung thần, tử thần như một định nghĩa rất xác thực.

Cờ Tang Rũ trên quê hương và cả trên xứ người đã gần nửa thế kỷ …Năm xưa, Tháng Tư lòng người hoảng loạn, thất thần trong kinh hoàng tột cùng. Chạy đi đâu để thoát tầm đạn pháo kích, chạy đi đâu để đạn bom không nổ chụp trên đầu người; vượt sông, vượt suối, vượt biển để chạy... Đôi chân người còn nguyên vẹn chạy rã rời và người tật nguyền cũng chạy … chạy trong hốt hoảng!!! Những chắt bóp, gầy dựng nhà cửa của cả một đời người nháy mắt trở thành đống gạch vụn. Những hạnh phúc sum vầy dưới mái ấm gia đình bỗng chốc là ly tan, ly biệt…

Có ai đếm được bao nhiêu nấm mộ vùi nông bên đường dọc suốt từ miền Trung đến miền Nam của đất nước trong Tháng Ba, Tháng Tư năm xưa không? Và có bao nhiêu xác người bị đạn bom lấp sâu vào lòng đất nâu, để rồi mãi mãi người thân không biết bới tìm nơi nao để nhận xác. Người sống thì hồn phi phách tán, người chết thì nấm mộ được chôn vội vàng không mộ bia, không nén nhang tạ mộ - có lẽ khói mù của đạn bom cũng nghẹn ngào thay cho hương khói nguyện cầu …

Dân tôi đã khóc nghẹn, khóc thầm vì những nấm mộ ấy bao nhiêu năm qua...Chỉ có những gia đình đã chết hết vì đạn pháo kích của giặc Cộng Bắc quân thì không còn ai để khóc!!!! Bao nhiêu "trại tù cải tạo" như 9 tầng địa ngục trải dài khắp quê hương từ Bắc vô Nam?

Cuộc chiến Việt Nam kết thúc bằng những trang sử đẫm máu như thế sao? Tại sao lại kết thúc một cách vô hậu như thế được? Nghiệp Tội nào đã buộc vào vận mệnh nước non, tròng lên đầu dân Việt như thế - đất nước chẳng có hồi chuông báo tử trong phút lâm chung để cầu nguyện?

Năm nay 2024 - đã gần hai thế hệ của ngày Cộng sản Bắc quân xâm chiếm miền Nam. Chúng ta "Mất Nước" sau hai chữ "Buông Súng"! Người lính Việt Nam Cộng Hòa ngơ ngác vì chưa được đánh giặc đến viên đạn cuối cùng...Chưa đánh sao buông súng? Khí phách, tinh thần binh sĩ chiến đấu, súng đạn còn đây... sao lại buông súng??? Khi nhập ngũ, nhận Số quân, quân trang, quân dụng thì các Anh đã thuộc nằm lòng câu "Cầm súng chiến đấu", không có bài học nào ở quân trường dạy các Anh buông súng cả! Người dân miền Nam bàng hoàng vì không tin đó là sự thật!

Vâng, đó đã là sự thật, chỉ có một điều duy nhất còn hiện hữu: MÀU CỜ VÀNG CHÍNH NGHĨA CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA vì đó là màu cờ chiến đấu để gìn giữ non sông gấm vóc thoát hiểm họa cộng sản, một hiểm họa triệt tiêu sự Nhân Bản, quyền Tự Do của con người, diệt vong một dân tộc mang nặng đau thương trong suốt chiều dài chiến tranh khốc liệt.

Xin cúi đầu thắp nén Tâm Hương trước Anh Linh Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã xả thân hy sinh vì Tổ Quốc.

Xin cúi đầu ngưỡng mộ khí phách oai hùng và bất khuất của các Danh Tướng VNCH đã tuẫn tiết trong giờ phút mệnh nước ngả nghiêng.

Xin tạ tội với Cha, Anh Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa đã phải cưu mang nhọc nhằn trên thân thể mình những vết thương chiến tranh bao năm tháng hay những mất mát của một phần cơ thể của "Dấu Ấn chiến tranh khốc liệt".

Xin Tri Ân những người Vợ Lính gánh gạo nuôi chồng trong các trại "tù cải tạo", những quả phụ tang trắng và những người con thơ dại đã một đời khốn khó, vất vả mưu sinh khi người chồng, người cha lên đường chiến đấu giữa lằn tên mũi đạn khi họ có thể đi biệt không về…

Xin nghiêng mình tưởng niệm những Vong Hồn chết oan khuất trong trận chiến Tháng Tư, 1975.

Xin được thắp nén hương muộn màng trước hàng vạn bia mộ người dân vô tội.

Và cũng có những người không nhận được xác người thân, cũng như không có một nấm mồ để viếng, chỉ còn lại một tấm hình trên bàn thờ để tưởng nhớ trong nỗi lòng rạn vỡ… Xin được cùng bạn đốt nén hương trầm tiếc nhớ và tiếc thương ngàn đời.

Nguyện xin Hồn Thiêng Sông Núi và Anh Linh Tiền Nhân giải oan cho Vành Khăn Tang của dân tộc Việt Nam tôi - một dân tộc có hàng triệu người chết không nhắm mắt, không kịp nói lời trăn trối bởi chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản vô nhân đạo!!!
 
Như Thương
(Tháng Tư Quốc Hận 2024)

07 May 2024

Cây Bồ Đề

Tôn Thất Tuệ

Sống ở Saigon ai cũng thấy rõ ngoài vùng phố xá buôn bán, phần còn lại của đô thị nầy chia làm hai: một bên chen chúc, một bên biệt thự kiểu Pháp trong những vườn lá rậm, những bãi cỏ cắt mịn...Ngoài đường trong vùng sang trọng, cây xanh um tùm che mát bờ tường cổ kính quét vôi màu vàng. Tôi thường đưa nhà tôi qua vùng nầy. Vợ chồng phân tích từng nét kiến trúc trầm trồ khen ngợi nhà nầy nhà kia; rồi cũng có lúc bực mình vì một nhà mới mọc nửa quê nửa chợ.

Sau mấy lần vượt biên không thành và mất hộ khẩu ở vùng quê, tôi về sống bất hợp pháp ở Saigon. Những lúc cần tránh công an khu ở mới, tôi thường đi lang thang với đôi dép chiếc đực chiếc cái vào khu kiểu cách ấy nhưng không còn ngắm các biệt thự mà cúi đầu. Phần vì buồn cho kiếp lưu đày trên quê mẹ, phần để tìm các mẩu thuốc lá khá dài như Hoa Mai, Đà Lạt mà người hút bực mình không cháy liệng xuống đất.

Những bờ tường xi măng còn đó dưới những hàng cây xanh. Vĩa hè rác rưởi khá nhiều. Không ai buồn sơn lại những bức tường kia. Chủ cũ đã đi, chủ mới bận nuôi heo nuôi gà, thèm chi chút thẩm mỹ bên ngoài. Rêu phong ăn dần màu vàng.

Những cây non xé bờ vôi, mọc ra lởm chởm như hàm râu không cạo. Đó là những cây bồ đề, cây sanh non trước khi thành cổ thụ. Những cây bồ đề vắt vẻo ở bờ tường, mùa nắng chỉ còn vài ngọn lá vàng. Những rễ phụ quá khô không bám nỗi vào vách, buông thả trong gió như sợi tóc lạc lõng. Mới trông như ai nhặt một cây bồ đề đâu đó, dán vào tường cho nó khô nó héo mà chơi.

Mỗi lần đi trốn công an như vậy, tôi chỉ có một đồng dính túi để đi xe buýt lúc tối về nhà. Một hôm khi đứng nhìn cây bồ đề héo hắt, tôi đánh liều ngồi ở quán cà phê đầu đường, loại quán bỏ túi bán chui bán chạy ở đô thành đổ nát nầy. Vừa pha cà phê cô hàng vừa nhìn đôi dép hai thứ của tôi với con mắt là lạ. Vì thế tôi đứng dậy trả trước một đồng, đồng bạc duy nhất. Và để khỏi bị mời, dù mời đưa, mua thuốc Samit hay Ba Số Năm, tôi móc túi để ra bàn mấy mẩu tàn thuốc mới lượm như đánh canh bạc xả láng cuối cùng với người đẹp.

Tôi đưa cốc cà phê lên uống, mắt mãi nhìn đằng kia. Nếu có ai chú ý, có lẽ nhìn đôi mắt tôi không cú vọ như công an nhìn người. Thật thế, tôi đang nhìn cây bồ đề trên tường nứt màu vàng chen vào rêu héo. Tôi ngồi xuống đánh canh bạc cuối cùng với cô hàng nầy vì cây bồ đề ấy thôi. Nào có thích gì đâu.

Xin cô hàng lon nước rửa ly, tôi đến cây bồ đề tưới nhẹ. Nước rút vào bức tường khô không còn một giọt rơi xuống đất. Dấu nước chảy dài rồi bé phía dưới, in rõ lên nền vôi như một nét bút lông thủy mạc. Tay trái cầm cái lon, tay phải chống vào tường, tôi nghiêng mình hướng về cây bồ đề đang giành giựt nước với bức tường khô.

Khi tôi trở về, thấy tôi làm công việc khá kỳ quái, cô hàng tỏ vẻ bớt nghi kỵ. Cô lại đùa khi chỉ vào gốc cây lớn:
- Khi cây nầy tàn lụi, cây bồ đề kia sẽ lớn lên che phủ khu nầy; tôi sẽ dời cái bàn nầy qua đó.
- À ra thế, tôi đáp, tôi vừa giúp cô đấy nhé. Sao cô không tưới nước cho nó?
- Mặc kệ, cô ta trả lời, cây ngô đồng không trồng cũng mọc.

                                               ***
Tôi ngồi yên lặng. Tôi nhớ hồi bé khi đi thăm ông bà nội, tôi thích hòn non bộ đặt trên bể cạn, với những tiều phu, những tiên ông, những chiếc cầu nho nhỏ, con cá, con ốc... bằng sứ tráng men. Những thứ ấy ẩn hiện trong rừng cây nhỏ bé, có thác, có ghềnh, có sơn, có thủy. Những cây bồ đề vóc dáng sần sù thả chùm rễ râu xanh xuống nước để nuôi thân. Cả một cây cổ thụ nay chỉ thu nhỏ bằng gang tay, thân khẳn khiu với thời gian, với sương gió.

Cây cổ thụ tượng trưng sức mạnh vô biên phủ cả một góc trời mà thu lại trong tâm can, trở thành nhỏ bé vừa tầm của mọi người, mọi vật, len lỏi vào con tim của ai ai. Cây bồ đề lá nhỏ như quả tim. Thu rút lại mà không khắc khổ, trổ lá xanh tươi như nụ cười mà không nham nhở. Tuy nhỏ mà cây bồ đề vẫn tung ra cánh tay che con đường cheo leo nơi hòn non bộ hay phủ kín một nhịp cầu ước mơ.

Dưới khối núi với cỏ cây trùng điệp trong hồn nhiên tự tại, dưới đó là nước mát. Cá đỏ lội tung tăng hay nằm lững lờ như diều ngưng cánh buông thả trong gió chiều. Những con cá đứng yên như cây bồ đề đứng yên bên trên.

Giây phút bên bờ đường với cây bồ đề khô héo đưa tôi lạc cõi nào, không hiểu nằm đâu trong cung bực của thời gian và không gian, làm tôi quên bẵng cảnh lưu đày trên đất mẹ. Cây bồ đề nhỏ bé lọt lòng tay giờ đây nó an ủi tôi, nó làm bài học của lòng tôi.

Từ trước đến giờ, tôi chỉ làm việc để tung hoành, để bung ra để bành trướng và mãi mãi thêm lên. Vì thời cuộc đã khựng lại, khựng lại trong khung cửa hẹp của nhà tù, khựng lại trong đôi dép hai thứ, khựng lại trong sự săn đuổi của công an.

Cây bồ đề cổ thụ ngắn hơn gang tay, tích tụ cả gió sương thu lại thành sức mạnh, sức mạnh của yếu hèn, sức mạnh của con tim, sức mạnh của nguyện cầu. Cây bồ đề tượng trưng cho sự chuyển hoán tư thế trước những cục diện khác nhau mà tâm hồn vẫn là một. Nếu sự vươn ra đã là khó thì sự trở về với bản thể con người còn khó hơn nữa.

Từ hôm ấy tôi nhặt những cây bồ đề mọc ở vách tường mới lớn hay đã có hình thù cổ quái đem về trồng trong những phiến đá nhỏ ghép vào nhau, chưng trong nắp khạp nắp lu. Cứ mỗi sáng ra nhìn rễ trắng chạy trên đá hay thả xuống nước. Tôi uốn cành cong lên cong xuống, uyển chuyển theo mốc đá. Trong số những cây trồng, tôi thích nhất cây có gốc to bằng nắm tay mà chỉ có mầm lưa thưa, lá lại xanh như đôi mắt tinh khôi, khối lòng rộng mở. Tôi khen ngầm cây ấy chỉ biểu lộ bấy nhiêu sức sống.

Những cây bồ đề không mất tiền nầy là nguồn vui không riêng gì cho tôi mà cho cả gia đình. Mấy đứa con có quyền thêm một hòn sỏi, một viên bi hay một cành rau nước. Một hôm tôi đi về thấy một hình người bằng plastic ngồi dưới gốc cây. Tôi tưởng như một hiền nhân toạ tĩnh, tôi vái chào với tất cả cung kính. Tôi thấy mình nhỏ bé lại.

Gạt bỏ tính cách triết lý trong cây cảnh Đông phương, những cây bồ đề nhỏ bé trước mắt cho tôi một bài học kiên nhẫn, thu mình để giữ lại sự hiện hữu trước bão táp của cuộc đời. Mỗi cành cây uốn cong tượng trưng cho một u uẩn của lòng tôi. Chuẩn bị một tư thế vươn ra, một vùng đất soạn sẵn để trở về. Tôi chấp nhận sự lắng thinh để cố giữ thành trì cuối cùng làm tư duy thầm kín, một tự tại của cõi lòng. Không để cho nó nát tan.

Trước một bối cảnh của quê nhà như vậy, làm sao ta cố đừng điên lên mà giữ cho lòng thật yên, cho thật lắng cho dù có lao lung tả tơi. Rất nhiều lần vợ chồng tôi thấy như đang ở trong nhà thương điên. Báo chí Tây phương chỉ trích việc đưa vào dưỡng trí viện những nhà tư tưởng, những nhà khoa học mà họ không biết sau bức màn kia là một nhà thương điên rất lớn. Chỉ khác ở chỗ không có bác sĩ tâm thần.

Phải tự chữa lấy cho qua cơn khủng hoảng nầy. Chữa bằng những công việc đơn giản. Ở Nhật Bản, khoa xếp giấy thành hoa quả, chim muông là một phương pháp trị liệu tâm thần rất tốt.

Ngày ở quê, những lúc trời mưa không làm việc được, tôi rất đau buồn nhìn công việc bỏ bê mà khoai củ trong nhà đã hết. Mưa vẫn nhiều; mái tranh dột nát. Một bức bách tâm thần không tránh được. Tôi giải quyết bằng cách chú tâm tuyệt đối vào các thanh tre, những sợi lạt, những đóm thuốc lào tách nhẹ qua cái rựa bén trên tay. Những sợi lạt mềm nhủn dẻo kẹo, những đóm thuốc lào đều đặn xinh xinh xếp trước mắt như những tư tưởng mạch lạc trở về trong trật tự trước bức bách ngoại cảnh, của hiện tại chua xót, của tương lai mờ mịt.

Khi tôi trở về sống ở Saigon, những cây bồ đề thu hút cả chú tâm của tôi. Tôi đặt vào đấy cả cuộc sống và tìm từ đó sự lắng yên của tâm hồn trước sức công phá của thời cuộc đổi thay. Hình ảnh đạo sĩ bằng plastic nhỏ bé ở gốc bồ đề nhắc tôi một câu nguyện mà tôi xem như một thế liên hoàn chân vạc:

"Xin cho tôi ba điều: 1. Đủ sáng suốt để phân biệt thiện ác, xấu tốt. 2. Đủ bình thản chấp nhận những gì không thể thay đổi được. 3. Đủ can đảm làm những gì có thể làm được."

Thưa đạo sĩ, tôi đã bình thản như những cây bồ đề trước mắt. Tôi đủ can đảm chấp nhận mọi thứ để ra đi, ra đi một mình. Và nay nếu quyết định nầy đưa đến kết quả, chắc chắn tôi sẽ để lại sau lưng mấy cây bồ đề nầy và...và...

Những cây bồ đề được tưới mát săn sóc không làm tôi quên cây bồ đề héo hắt nơi bờ tường kia, cái cây cô hàng cà phê mong mỏi sẽ lớn lên che tàng bóng mát. Sau mấy lần xuống miền Tây vượt biên thất bại, tôi trở về Saigon. Một hôm có tin đi, tôi đưa nhà tôi dạo phố theo kiểu nhà nghèo. Chở nhau trên chiếc xe đạp đến góc đường mà tôi đã đánh canh bạc cuối cùng với người đẹp bằng mấy mẩu tàn thuốc lá mới lượm giữa đường. Đến quán tôi chỉ gọi một cốc ca phê đen, nhà tôi không uống gì. Giây lát sau, tôi đưa nàng lại cây bồ đề khô héo kia. Tôi đứng trong tư thế như lần trước.

Đó là ngày cuối cùng trước khi tôi đi. Tôi sờ cây bồ đề như ai mới dán vào tường. Với tất cả ngậm ngùi tôi nói:
- Hy vọng lần nầy anh đi được. Anh để lại cho em cây bồ đề héo hắt nầy.

Nhà tôi đứng buồn. Một lúc sau nàng nói:
-  Anh còn ngại gì mà không nói thẳng rằng anh để lại đằng sau một người vợ héo hắt. Nói quanh nói co làm gì cho buồn thêm.

Tôi đáp:
- Anh không can đảm nói thẳng như vậy. Nhưng thật ra anh còn để em lại với đống rác kia. Cái đống rác mà mỗi ngày con chúng ta đào xới tìm bao nylon bán ký, những mãnh chai sắc nhọn, những vật ngộ nghĩnh mà chúng làm đồ chơi. Anh để lại cho em tất cả, những dòng chữ yêu thương từ hồi em còn mười bốn. Anh để lại tất cả, kể cả cái héo hắt của cây bồ đề nầy. 

-Thái Lan 1982

06 May 2024

Chuyện 30 tháng Tư: C. Cô Hồn L. Nhà Nước !!!

Năm 1977 sau khi “cải tạo” ở tỉnh Chương Thiện về, tôi đến công ty in ấn TP/HCM rủ ông bạn đang là họa sĩ làm việc ở xưởng in này đi uống café. Tôi thấy có một chị nói giọng Bắc 75 đang nói chuyện với anh một cách quá thân mật tại bàn làm việc của anh. Ra quán café khi chỉ còn 2 người, tôi hỏi ai vậy, anh cười cười nói: ”cái bà này có hỗn danh là Cặc Cô Hồn – Lồn Nhà Nước, bà có chồng đi bộ đội sau ngày cưới 3 tuần lễ, rồi anh chồng tử trận trong Nam mà đơn vị cũng không biết đích xác là nơi nào (có lẽ cả đơn vị bị ăn bom B52).

Làm việc ở đây nhưng bà cặp bồ với những người có tiền của Sài Gòn vì thân hình của bà cũng còn “chiến“ lắm. Anh thủ trưởng ở đây muốn cặp với bà ấy, nhưng bà ấy chê vì “bọn chúng từ Bắc vào Sài Gòn chỉ xách 2 hòn dái chứ làm đếch gì có tiền”.

Một hôm thủ trưởng và đảng ủy họp để tố khổ bà ta về cái tội “quan hệ  tình cảm linh tinh”. Suốt hơn một giờ bị đấu tố, bà ấy không nói nhưng cái mặt câng câng nhìn vào mặt những tên lên đấu tố với cái môi bĩu ra tỏ vẻ khinh thường những tên cán bộ ấy. 

Sau khi không còn ai đứng ra đấu tố, tên thủ trưởng kêu bà ấy ra đứng trước “vành móng ngựa” để nhận tội. Bà ấy không nói gì  về tội trạng mà lại hỏi một câu làm thủ trưởng và toàn thể chi bộ Đảng Cộng Sản “tá hỏa” : “Bây giờ tôi hỏi thủ trưởng và chi bộ Đảng trả lời cho tôi biết (vừa nói vừa vỗ …lồn) cái lồn này là của tôi hay của Nhà Nước ?”. 

Ngập ngừng mãi, chắc là cỡ 5 phút trôi qua, tên thủ trưởng mới run run nói “ Cái lồn là của bà… ”. 

Không đợi thủ trưởng nói hết câu, bà ấy phát biểu ngay lập tức: ”Thế thì buổi đấu tố ngày hôm nay vô giá trị, chỉ khi nào thủ trưởng và chi bộ Đảng đưa ra được chứng từ xác nhận cái lồn này là của Nhà Nước, thì mới cần có buổi họp này. Đàng này cái lồn này là của tôi, tôi hoàn toàn có quyền sử dụng và quản lý vật sở hữu của tôi theo ý của tôi, không ai có quyền lời ra tiếng vào gì hết”. (Internet)
_____________
TTR: Câu chuyện trên đây có thể tin được, hay ít ra là biểu tượng của những chuyện có thật. Gần 40 năm qua đã cho thấy đại đa số văn nghệ sỹ, trí thức Miền Bắc trước 1975 e ngại, sợ hãi trước quyền lực của Đảng Cộng Sản mà chạy theo ma đạo hoặc, khá hơn, giữ im lặng để được yên thân, để mặc cho ma vương tung hoành. Nhưng với dân chúng, chẳng còn gì để mất, ngay cả mạng sống cũng đã thành vô nghĩa, nên nhiều trường hợp đã thẳng thừng chửi như tát nước vào mặt cán bộ đảng và nhà nước. Quần chúng sống trong chăn, nên thấy chăn đầy rận và rồi ngay với quỷ ma nếu bị đánh trúng nhược điểm cũng ngại ngùng chùn bước. 

03 May 2024

Tiếng Nói Vì Dân Đã Tắt

(Một vài kỷ niệm với anh Lê Tấn Trạng)
 Trần Bạch Thu

Năm 1967 sau khi thi đậu Tú Tài I, tôi đến văn phòng quận Châu Thành, tỉnh Đinh Tường (Mỹ Tho) để khai “Lược Giải Cá Nhân”, một giấy chứng nhận rất quan trọng để sau nầy đình kèm theo đơn xin dự tuyển vào các trường cao đẳng hay đại học. Cô nhân viên văn phòng quận giải thích đơn giản và thực tế  hơn “em thuộc tài nguyên sĩ quan”, cô bảo chờ chút xíu, đợi ông Phó quận ký tên. Đó là lần đầu tiên tôi biết anh Lê Tấn Trạng.

Từ sau đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và biết về ông Phó Quận, còn rất trẻ với những hoạt động gây chú ý trong giới học sinh, ông là người đã vận động thành lập đoàn “Văn Sinh Đất Lành” qui tụ hầu hết các học sinh Trung học trong tỉnh để phát động các phong trào dọn vệ sinh đường phố Mỹ Tho vào những dịp nghĩ lễ hay cuối tuần, thành lập ban văn nghệ trình diễn trong các buổi cắm trại của học sinh ...

Hầu như giới trẻ ở Mỹ Tho lúc bấy giờ rất ngưỡng mộ ông Phó Trạng, rất bình dân và gần gủi với mọi thành phần trong xã hội. Đăc biệt là hiếm khi sử dụng công xa, anh thường di chuyển, đi lại bằng chiếc xe gắn máy đàn ông hiệu Honda, đời cũ màu đen.

Ngoài các sinh hoạt văn nghệ, xã hội, đoàn Văn Sinh Đất Lành còn là một tổ chức khuyến học duy nhất tại Mỹ Tho có thuyết trình, hướng dẫn chi tiết cho học sinh biết về các trường cao đẳng và đại học ở Sài Gòn, có những điều kiện như thế nào để thi tuyển nhập học. Lần đầu tiên tôi mới biết, muốn làm Phó Quận thì học ở trường nào, thời gian mấy năm và có gì hay hơn so với Bác Sĩ, Dược Sĩ hay Kỹ Sư v..v... Anh nói:

- Học ngành nào cũng được, miễn mình thích là tốt nhất.

Hai năm sau, tôi thi đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, ban Đốc sự khóa 17 và gặp lại anh Trạng vừa mới thất cử Nghị viên Hội đồng tỉnh Định Tường bèn về trường ghi danh theo học Cao Học khóa 6. Xin được nói thêm về điều nầy, anh Trạng tốt nghiệp Đốc Sự khóa 11 với thứ hạng cao nên được quyền ưu tiên, khỏi thi, về học Ban Cao học kể từ sau 2 năm ra trường.

Tuy là Phó Quận nhưng khi ra ứng cử chức Nghị viên anh đã thua 2 ứng cử viên khác là ông xã Huỳnh, rất khôn ngoan trong chiến dịch tranh cử, ông lấy dấu hiệu tranh cử là chiếc nón lá và kín đáo phát cho dân chúng trong địa phương, ngay ngày bỏ phiếu ông còn cho rãi nón lá hai bên đường ở địa điểm bầu cử để nhắc nhở cử tri. Người thứ hai là chỉ huy trưởng Thám sát tỉnh, Huỳnh Hoa. Điều nầy nói lên sự công bằng và giá trị thật sự của lá phiếu bầu cử.

Tuy về trường học lại, nhưng hình như là anh đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử khác, chúng tôi ở chung với nhau trong “Ký Túc Xá” của Học Viện, chưa đầy 6 tháng theo học lớp Cao học 6, anh nói với tôi là sẽ trở về Mỹ Tho ra tranh cử chức Dân biểu đơn vị Thị xã Mỹ Tho. Tôi im lặng vì thấy hơi khó, vì vừa mới thất cử Nghị viên chưa đủ thời gian chuẩn bị lấy lại tinh thần, hơn nữa ứng cử viên tranh chức Dân bIểu thị xã Mỹ Tho lại là người bà con của Bà Thiệu (Phu nhân của Tổng Thống), hiện đang là Chánh Sở Học Chánh tỉnh Định Tường. Anh nói:

- Hai phương diện bầu cử khác nhau, hai thành phần cử tri cũng khác nhau, một là vùng dân cư hổn hợp và một là vùng dân cư tương đối có trình độ chọn lọc. Thị xã Mỹ Tho có truyền thống chuộng người trí thức và cử tri biết đến các hoạt động của một ông Phó Quận nhiều hơn.

Thật vậy, năm 1971 anh Trạng đắc cử chức Dân biểu đơn vị Thị xã Mỹ Tho một cách vẻ vang, mặc dù đối phương được sự ủng hộ tối đa của chính quyền, cụ thể là nhân viên công lực vận động đến gõ cửa từng nhà trong thị xã. Nhưng anh Trạng có các đoàn thể học sinh (Văn Sinh Đất Lành), nghiệp đoàn lao động, nhất là đảng phái đang lên lúc bấy giờ (Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến) nhiệt tình ủng hộ, các em học sinh đi gõ cửa từng nhà, mang biểu ngữ vận động tranh cử dán khắp thị xã.

Tại diễn đàn Hạ Nghị Viện, anh Trạng có tài hùng biện và được bầu làm Tổng Thư Ký khối Dân Quyền (đối lập) mà đa số trong đó là thành viên của Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến. Anh là tiếng nói mạnh mẽ về các chương trình dân sinh và tranh đấu cho người dân bị ức hiếp. Điển hình qua vụ kiện tham nhũng nổi tiếng trên cả nước được mệnh danh là “Ông già Bến Tranh.”

Vụ án như thế nầy, ông già Bến Tranh tên thật là Lê văn Duyên, người dân xã Tân Lý Tây, Bến Tranh (Định Tường) khởi kiện ông Quận trưởng tham nhũng và hối mại quyền thế, bức hại dân lành có chứng cớ, nhưng cấp trên không xét xử thỏa đáng nên ông đã lên tận Sài Gòn nhờ các cơ quan công quyền giúp đỡ. Lúc bấy giờ phong trào chống tham nhũng đang rầm rộ qua các phương tiện truyền thông, báo chí nên đã làm lung lay chiếc ghế của ông Quận trưởng. Để bảo vệ, ông Quận cho người ngầm cảnh cáo ông Duyên, nhưng không có kết quả. Sau cùng, ông Duyên bị ám sát chết tại nhà, không bắt được thủ phạm.

Sự việc gây chấn động trong cả nước và anh Trạng vào cuộc đòi công lý cho ông Duyên, mặc dù cũng có lời hăm dọa của kẻ thủ ác. Thời gian kéo dài, có lúc gần như vô vọng vì các thế lực yểm trợ cho ông Quận trưởng rất lớn, nhưng Dân biểu Lê Tấn Trạng đã kiên trì tranh đấu bằng nhiều phương tiện hợp pháp để đưa vụ kiện ra ánh sáng. Cuối năm 1974 sự thật được phanh phui, bắt được hai kẻ sát nhân và ông Quận trưởng đã bị giáng cấp, bị bắt giam vào Quân Lao ở Cần Thơ chờ ngày ra tòa lãnh án.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhóm Dân biểu thuộc thành phần thứ ba, thân cộng như Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba đã tiếp xúc và can thiệp với chính quyền mới cho một số đồng viện được cải tạo tại chỗ, ngắn ngày trong đó có dân biểu Lê Tấn Trạng. Mặc dù được chính Mai Chí Thọ ngưỡng mộ qua vụ án ông già Bến Tranh gợi ý nên tham gia vào tổ chức Mặt trận Tổ quốc cùng với Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, nhưng anh đã từ chối và trở về quê sinh sống như người dân thường.

Cho đến tháng 10 năm 1976 anh Trạng bị bắt trong đêm tại nhà, làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh vì tội tham gia tổ chức “Sư Đoàn Tiền Giang” chống lại cộng sản đương thời.

Tháng 8 năm 1977 cộng sản mở một phiên tòa tại Mỹ Tho xử một vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, tổ chức có danh xưng là “Sư Đoàn Tiền Giang.” Tuy luôn luôn nói là công khai nhưng không có thân nhân bị cáo tham dự, cũng như không có phóng viên báo chí theo dõi hay tường thuật, kể cả báo chí trong nước. Phiên tòa chỉ đọc cáo trạng trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Không có Luật sư bào chữa, nhân viên pháp lý cũng như bồi thẩm nhân dân đều do chính quyền chỉ định.

Tất cả bị can không có kháng án. Hoàng văn Ngãi, Tư lệnh sư đoàn, tử hình. Hai anh em Trương văn Thân (Bí danh Trần Minh Dũng), Tham Mưu Trưởng và Trương văn Dậy (Mười Dậy) Chỉ Huy Trưởng khu căn cứ Long An, mỗi người lãnh án 10 và 20 năm tù khổ sai. Khoảng hơn 20 người khác bị kết tội phản động và lãnh án từ 5 đến 10 năm tù giam. Tất cả đều bị bắt tại nhà Trần Minh Dũng vào buổi chiều tối ngày 10 tháng 10 năm 1976 đem về Trung tâm Thẩm vấn (Tân Mỹ Chánh) nhốt vào xà lim hay biệt giam. Sau đó từng đợt được chuyển lên khám đường cũ ở số 2 đường Lãnh Binh Cẩn, thành phố Mỹ Tho.

Riêng anh Trạng bị biệt giam ở Trại chấp pháp cả năm trời và bị xử kín không có ra tòa cùng với một số người khác, có người cho đến nay không biết còn sống hay đã bị thủ tiêu.

Sau đó, anh được chuyển xuống trại giam mới xây để tiếp tục tạm giam vì cho đến lúc nầy, công an cũng chưa bắt hết các thành viên của sư đoàn cũng như các cảm tình viên vẫn còn lẫn trốn. Cộng sản qui cho anh là chính ủy của sư đoàn nên canh chừng rất nghiêm ngặt.

Cho đến một ngày, nhờ gia đình lo lót cho cán bộ trại giam, anh được ra ngoài lao động làm cỏ, dọn vệ sinh xung quanh trại giam. Anh có người chị ruột trông duyên dáng và lanh lợi luôn thăm anh ở trại giam, lợi dụng sự tín cẩn của cán bộ, có hôm còn cho phép anh về thăm nhà trong ngày, chị Ba đã nhanh chóng tổ chức cho anh vượt biển thành công.

Anh không có lập gia đình, sống độc thân cho đến khi qua đời. Ước nguyện của anh, sống không về Việt Nam khi còn cộng sản, chết đem tro cốt về quê cũ làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh chôn bên cạnh mồ mã của song thân. Chỉ vậy thôi.

Nhớ đến anh tôi viết ít dòng về anh trong niềm thương tiếc khôn nguôi. Chúc anh thượng lộ bình an và cám ơn anh đã để lại cho đời tiếng nói vì dân thật mạnh mẽ của một con người yêu nước chân chính.

Trần Bạch Thu

"85 Năm Đời Ta Có Đảng" !?!

Thế là đã “85 năm đời ta có Đảng”! 85 năm “chứng minh cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta…” như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói hôm lễ kỷ niệm 03 tháng 02.

Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt ấy của Đảng thể hiện qua việc Đảng đã dạy dỗ ta những lối hành xử tuyệt vời, để thành đạt cho Đảng và cho ta câu chủ yếu trong Quốc tế ca mà ta vẫn hứng khởi hát lên khi các đồng chí ta cùng nhau hội họp: “Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình”. (Hình trên: Chủ nghĩa Cộng Sản: Ảo tưởng và bi kịch. (RFA)). 

1- Về phương diện luân lý, ấy là phải có đạo đức cách mạng, luôn sống theo nguyên tắc: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, “Tất cả những gì có lợi cho cách mạng, cho đảng, cho lãnh tụ đều là thiện hảo: dù đó có thể là cái thiên hạ bảo là dối trá (nhưng đảng ta gọi là mưu trí), bảo là tàn ác (nhưng đảng ta gọi là chuyên chính). Đạo đức cách mạng này (chưa từng có trong lịch sử dân tộc) còn là phải xây dựng cho mình đảng tính bên cạnh nhân tính, đặt đảng tính bên trên nhân tính, và tình thân bên dưới tình đảng. Có như thế thì mới được hưởng ơn của đảng ban tặng!

Ngay từ nguyên thủy, đảng đã cho ta những gương sáng tuyệt vời. Bác Hồ cùng các lãnh đạo tiền bối của đảng ta như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, dù đã được bà Cát Hanh Long nuôi nấng che chở, nhưng khi thấy ích lợi của cách mạng -do Mao Chủ tịch chỉ rõ- là phải đem con mụ đó xử tử trước tiên, như phát súng mở màn cho cuộc Cải cách Ruộng đất, thì các vị đã không chút do dự. Trước hết, bác Hồ ta, dưới bút danh CB, đã sáng tác ra một bản cáo trạng hùng hồn, sấm sét mang tên “Địa chủ ác ghê”, khoác cho con mụ đó đủ thứ tội ác đáng nguyền rủa. Sau đó Bác và đồng chí Trường Chinh hóa trang đi dự phiên xử tử con mụ. Cũng qua cuộc cải cách này, đảng ta phá tan luân lý cổ truyền, đạo đức gia phong, cơ cấu làng xã (con tố cha, vợ tố chồng, tớ tố chủ, thôn dân tố lý trưởng) ngõ hầu chỉ còn có uy lực của đảng và nền đạo đức kiểu đảng.

Tấm gương đặt đảng tính lên trên nhân tính thì bác có nêu qua vụ cô Xuân. Dù đã có con với cô (mà từ trên chiến khu bác đã nhận làm nghĩa nữ), nhưng vì uy tín của một lãnh tụ chỉ biết phục vụ đất nước, không màng bản thân gia đình, nên bác đã thuận cho đồng chí bộ trưởng công an đập vỡ đầu cô, rồi tạo một tai nạn giao thông giả, tiếp đó đẩy đứa con cho thư ký nuôi nấng. Chu Văn Biên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Nghệ-Tĩnh, cũng là một gương sáng về chuyện này. Đồng chí ấy đã nói với thân mẫu: “Tao với mi không mẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì nhất định sẽ chống lại...” Bà mẹ nhảy xuống giếng tự tử... và Chu Văn Biên được đảng cho làm thứ trưởng nông nghiệp!

 Đời ta có đảng và nhờ đảng mà có lợi, nên nguyên tắc luân lý nói trên đã khiến ta đầu quân vào lực lượng công an, để trở thành thanh gươm bảo vệ đảng, lá chắn che chở đảng, luôn tâm niệm “còn đảng còn mình”, sẵn sàng đánh cướp bọn “rận chủ” tơi bời dù chúng chỉ có đi thăm nhau, sẵn sàng trấn áp bọn nông dân để đoạt đất cho đảng và đảng ủy, sẵn sàng hành hung bọn xuống đường phản đối đảng thầy vĩ đại. Đời ta có đảng, nên dẫu đánh chết bọn dân đen trên đường hay trong đồn, ta cũng vẫn an lành, hay có ngồi tù thì chỉ vài năm thôi, đang khi đó thì hưởng biết bao quyền và lợi. Cũng vì mong ơn đảng, ta đầu quân vào lực lượng dư luận viên, sẵn sàng dối trá bịa đặt, ngụy biện quàng xiên, chửi bới thô tục, bất chấp liêm sỉ, bất cần sự thật, để bênh vực cho đảng trước sự tấn công của bọn “báo lề trái”. Đôi lúc ta cũng cố leo lên hàng dư luận viên cao cấp, viết sách để tới tấp khen đảng, cái gì đảng ta nói, đảng ta làm đều đồng nghĩa với cái đẹp. Ví dụ Cải cách Ruộng đất là đẹp, đánh Nhân văn Giai phẩm là đẹp, căm thù giai cấp địa chủ tư sản là đẹp… Có như thế mới được đảng coi như thần tượng trí thức và biểu tượng văn hóa chế độ, anh hùng lao động thời mới, được đảng tặng câu đối: "Triết gia trong cách mạng - Nghệ sĩ giữa Anh hùng", “Sơn hà linh khí tại - Kim cổ nhất hiền nhân”!

2- Về phương diện chính trị, lời dạy tuyệt vời của đảng là phải có tinh thần cách mạng tiến công, luôn nhập tâm nguyên tắc: “Đảng phải nắm quyền cai trị độc tôn, tuyệt đối, vĩnh viễn”, luôn xác tín chân lý: “Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài đảng Cộng sản, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang” (lời của Tổng Trọng hôm 03-02).

Chính vì thế, ngay từ đầu, đảng ta đã cướp chính quyền từ tay một chính phủ hợp pháp, rồi thay vì cùng với các chính đảng khác dùng ngoại giao để như các nước nhược tiểu chung quanh, giành lại độc lập từ tay Thực dân vốn đang có chủ trương bỏ dần chế độ thuộc địa, thì lại tìm cách tạo ra một cuộc chiến đẫm máu, tàn sát các đảng phái quốc gia, để nắm độc quyền lãnh đạo. Chiếm được nửa nước rồi, thì thay vì đua tranh phát triển để làm lợi chung cho cả dân tộc, đảng ta lại đẩy cả giang sơn vào một cuộc chiến tương tàn, để thực hiện giấc mộng bá chủ đất Việt. Và giấc mộng ấy đã thành cách đây 40 năm, với xương máu của 4-5 triệu đồng bào, với hoang tàn của cả đất nước. Nhưng nhờ vậy đảng ta trở thành hoàng đế nắm quyền sinh sát gần cả trăm triệu thần dân, có dưới tay 3 lực lượng chính trị: lập pháp, tư pháp, hành pháp, 2 lực lượng vũ trang: công an, quân đội, 2 lực lượng tinh thần: trí thức gia nô và tôn giáo quốc doanh, 1 lực lượng công luận: báo chí nhà nước. Nay nhờ ơn đảng, nhờ có đảng, đa số đảng viên ta từ to đến nhỏ, từ cao xuống thấp, trở thành những ông trời con tung hoành địa phương, những vị lãnh chúa hùng cứ một cõi. Cảnh sát của ta, công tố của ta, tòa án cũng của ta; mọi cuộc trấn áp bọn thảo dân ta đều hơn, mọi phiên tòa xử bọn thảo dân ta đều thắng. Do vậy ta tha hồ tuyên bố vung vít, từ trên: “Hiến pháp chẳng qua chỉ để thể chế hóa đường lối chính sách của đảng!”, “Quốc hội của ta là quốc hội do đảng lãnh đạo”, “Đảng ta là đảng cầm quyền”, “Chủ nghĩa Mác-Lênin mãi mãi là con đường đúng đắn”, “Chủ nghĩa xã hội mãi mãi là khát vọng loài người”, “Quốc hội là của dân, do dân bầu ra, quốc hội làm sai thì dân ráng chịu, kiện ai, phạt ai?”; xuống dưới: “Chạy chức, chạy quyền là chuyện bình thường! Obama cũng còn chạy vào Nhà Trắng, Poutine cũng chạy vào ‘nhà đỏ’ nữa là…”, “Đầu tư 10 tỉ, thất thoát 1 tỷ thế là tốt lắm rồi!?” hoặc “Nghèo mà sao không chịu chỉ dùng… một bóng đèn, dùng cả tủ lạnh, tivi nhưng thấy tiền điện tăng là kêu ca ầm ỹ!” hoặc “Nghèo cũng cần xem pháo hoa cho quên đi nỗi nghèo đói!” v.v và v.v… Đếch sợ bọn thảo dân kêu ra trị tội!

Nay bên cạnh đảng ta, có đảng thầy vĩ đại đang nuôi mộng bành trướng, lấn lướt đảng ta ngày càng hung dữ. Nắm chặt mục tiêu: “Đảng ta phải trường trị trên đất Việt”, nên nhớ lại ân tình đảng thầy đã giúp đảng ta chiếm trọn miền Nam, rồi nhớ lại thực tế đảng thầy là chỗ dựa duy nhất còn lại, đảng ta sẵn sàng đưa nước ta gia nhập Cộng hòa Liên bang Trung Hoa, chấp nhận trở thành tỉnh Âu Lạc trong tương lai gần, thực hiện từng bước chương trình sáp nhập toàn diện mà lãnh đạo đảng ta đã cam kết với đảng thầy tại Thành Đô năm 1990. Trước mắt, để đảng ta được củng cố về quyền lực đang chao đảo trước ngọn triều nhân dân, về kinh tế đang suy sụp do ngu dốt tham nhũng, ta cho đảng thầy tha hồ vào đất nước, chiếm các chỗ trọng yếu về quốc phòng, ngon lành về thương mại, lũng đoạn nền chính trị, xâm nhập nền văn hóa, miễn là đảng ta an lành dưới bàn tay che chở của thiên triều, giữ vững chiếc ngai thái thú, không bị nhân dân lật đổ.

3- Về phương diện kinh tế, lời dạy tuyệt vời của đảng là phải chiếm cho được toàn bộ tài nguyên quốc gia. Thành thử ngay từ đầu, bác Hồ và các lãnh đạo tiền bối ta đưa ra chủ trương Cải cách ruộng đất, nói là để thể hiện lời hứa “Người cày có ruộng” vốn từng lôi kéo hàng triệu nông dân theo đảng kháng chiến thắng lợi. Bác và đảng phóng tay phát động quần chúng, cho cốt cán xâm nhập thôn làng, “thăm nghèo hỏi khổ”, tạo ra những cuộc đấu tố long trời lở đất, giết cả nửa triệu người, để cuối cùng biến tất cả ruộng đất thành sở hữu của đảng trên thực tế (trước khi trên pháp luật kể từ Hiến pháp năm 1980 và mãi đến Hiến pháp hiện hành).

Chưa hết, tới thời mở cửa kinh tế, chấp nhận thị trường tự do (để khỏi phải chết chùm dưới hố bại sản), đảng ta lại có sáng kiến chứng tỏ “đỉnh cao trí tuệ” là thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, lại có chủ trương bộc lộ “thiên tài thao lược” là khẳng quyết “kinh tế nhà nước nắm phần chủ đạo”. Từ đó, đảng ta ồ ạt tước ruộng vườn nông dân, đất đai thị dân để gọi là quy hoạch đô thị, xây khu chế xuất, góp vốn cho ngoại quốc đầu tư; đảng ta ồ ạt thành lập các đại công ty nhà nước, đại tập đoàn quốc doanh để gọi là tạo ra những nắm đấm kinh tế. Nhưng nhờ thế mà đảng viên ta mau chóng thành địa chủ mới, tư bản đỏ một cách dễ dàng. Không dễ sao được khi có luật đất đai chỉ cho bọn thảo dân cái quyền sử dụng mà ta có thể tước đi bất cứ lúc nào; khi có luật kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của đảng ta, người nhà đảng ta tha hồ xài phí, bỏ túi tiền thuế nhân dân, ngân khố quốc gia, viện trợ ngoại quốc; khi cả đám tay chân (công an, dân phòng, côn đồ) sẵn sàng hỗ trợ đảng ủy ta chặt cây, ủi lúa, phá nhà, đánh đập, bỏ tù bọn nông dân và thị dân không chịu ra đầu đường mà ở; khi cả đám bồi bút (phóng viên, dư luận viên) sẵn sàng bênh vực, nói tốt cho đảng ta, bảo đó là vì ích quốc lợi dân, phát triển xã hội. 

Hãy cứ nhìn xem cơ ngơi huy hoàng của các đại gia đảng ta mà “Chân Dung Quyền Lực” (đã bị bịt miệng) và “Người Cao Tuổi” (đang bị xử lý) đã “giới thiệu” cho ta học tập và cho bọn thảo dân lác mắt: từ phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từ Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh tới Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, từ nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tới nguyên tổng thanh tra nhà nước Trần Văn Truyền… Đấy là chưa kể những tấm gương làm giàu nhanh không phải bằng cách bán sản phẩm trí tuệ mà bằng cách bán giấy phép và lạm dụng quyền lực của các vị trung ương đảng ta, thậm chí các vị huyện ủy, xã ủy.

Đúng là đảng ta “đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của công cuộc Đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” (lời Tổng Trọng). Hạnh phúc thay 85 năm đời ta có đảng! Ôi! Con xin cảm ơn Người, Đảng quang vinh !!!

BAN BIÊN TẬP
Bán Nguyệt San TDNL
(Nguồn: Trí Nhân Media) 

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...