07 February 2023

Tình yêu & Thi Ca

Tác giả: TXT

Nếu sông Gianh là biểu tượng của biên cương thống khổ:           

            “Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ
            Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam
            Nơi dòng sông, dòng máu Việt còn loang,
            Nơi cổ độ xương tàn xưa chất đống “

 thì  

Tương giang thể hiện yêu thương và ly biệt

            “Quân tại Tương giang đầu
            Thiếp tại Tương giang vĩ
            Đồng ẩm Tương giang thuỷ
            Tương cố bất tương kiến”

Mượn cảnh để tả tình, Nguyễn Du tiên sinh đã đã diễn tả tâm sự của đôi giai nhân, tài tử Kiều và Kim Trọng:

            “Từ phen đá biết tuổi vàng
            Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ
            Sông Tương một giải nông sờ
            Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”

Tình yêu và ly biệt như bóng với hình ”Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”. Thế rôi không biết “Chờ nhau, chờ đến bao giờ !  Mấy thu thuyền đã sang bờ”!.

Cao Bá Quát  cũng từng khắc khoải nhớ thương:

            “Giai nhân nan tái đắc
            Trót yêu hoa, nên dan díu với tình
            Mái Tây hiên, nguyệt gác chênh chênh
            Rầu rĩ lắm, xuân về, oanh nhớ
            Phong lưu công tử đa xuân tứ
            Trường đoạn tiên nương nhất chỉ thư
            Nước sông Tương, một dải nông sờ
            Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi!
            Bứt rứt mãi trăm sầu nghìn nỗi!
            Chữ  chung tình biết nói cùng ai ?

Thời gian vô bờ, đời người không bến, trôi dài với nhau làm tăng thêm “Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa”. Nhưng khi đã yêu thì “Tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, thập ngũ đèo cũng qua”.

 Sống trong mong chờ ”Từ khi xa anh, em vẫn mong và nhớ. Mà sao anh đi, đi mãi không về nữa” hay “Có những người đi không về… Xa xôi rồi quên ước thề!”

            “Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió
            Hỏi ngày về, chỉ độ đào bông
            Nay đào đã cuốn gió đông
            Tuyết mai trắng bãi, phù dung đỏ bờ”

hay

            Thư thường lại người không thấy lại
            Hoa dương tàn đã trải rêu xanh”

Ngọc Hân Công  Chúa đã khóc thương Quang Trung suốt cuộc đời còn lại

            “Buồn thay nhẽ, xuân về hoa nở
            Mối sầu nầy, ai gỡ cho xong”

Đông Hồ Lâm Tấn Phác cũng nhớ đến ý trung nhân với nỗi lòng cô quạnh

            “Cảnh năm trước, vẫn là năm trước
            Tình hôm nay đã khác năm xưa
            Nào sông, nào núi, nào hồ
            Mà người cùng ngắm bây giờ là đâu?”

Vua Tự Đức đã khóc Thị Bằng, một thiên giai nhân tri kỷ

            “Ới Thị Bằng ơi đã mất rồi
            Ới tình, ới nghĩa, với duyên ơi
            Mưa hè, nắng cháy, oanh ăn nói
            Sớm ngỏ, trưa sân, liễu đứng ngồi
            Đập vỡ gương ra tìm lấy bóng
            Xếp tàn y lại để dành hơi
            Mối tình muốn dứt mà không đặng
            Đeo mãi, đeo hoài thế mãi thôi”

Thi nhân là người cảm nghiệm và diễn tả được tình yêu

            “Ngán cho nỗi xoay vần thế cục
            Sum hiệp nầy cho bỏ lúc phân ly
            Hỡi ông tơ độc địa làm chi
            Bắt kẻ ở người đi mà nở được
            Thôi, đã trót cùng nhau nguyện ước
            Duyên đôi ta chẳng trước thì sau
            Yêu nhau, nhớ lấy lời nhau”

Phải chăng gặp gỡ để rồi chia ly, vui vầy để rồi đau khổ là định mệnh. “Khoái lạc và đau khổ là hai kẻ thù nghịch mà thần quyền không hòa giải nổi, nên đã trói lại với nhau và bắt làm bạn với nhau suốt đời”. Ở đời, khó mà thoát khỏi nhân duyên hệ lụy. Cuộc đời đã được xếp nếp như vết hằn trên lưng ngựa hoang, biết bao giờ gỡ nổi mối tơ mành!

            “Cho hay là giống đa tình
            Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong”

Mối tơ mành đó như sợi xích thằng vương vấn suốt cuộc đời

            “Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”

Vì là giống đa tình nên thường lao đao trong trường tình bể ái

            “Từ thuở xa em, phòng anh lạnh
            Bút rỉ, hồn ta, rách bụi ngầu
            Mực đã khô và tim cũng héo
            Can trường bổng chịu vết thương đau”

Thương đau cũng vì

            “Cùng một kiếp bên trời lận đận
            Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
            Từ xa kinh khuyết bấy lâu
            Tầm Dương đất trích, gối sầu hôm mai”

Tuy vậy, dẫu lâm vào hoàn cảnh nào chăng nữa, tâm hồn vẫn phải sống trong hy vọng

            “Còn non, còn nước, còn dài
            Còn về, còn nhớ đến người hôm nay”

Yêu, đúng là cái  “nghiệp của khách tình si. Ham vẻ đẹp muôn hình, muôn thể “ . Dù khổ, con người  vẫn nuôi hy vọng đạt thành nguyện ước

            “Câu thần, chú thánh, người tiên
            Hay đâu, rồi chẳng phỉ nguyền trăm năm”

Nhưng tình là gì mà phải sầu thương, khóc nhớ

            “Tình là cái chi chi?
            Dẫu chi chi cũng chi chi với tình
            Đa tình là dở, đã mắc vào đố gỡ cho ra!

Dẫu là cái chi chi đi nữa, ái tình thật có mãnh lực thúc đẩy con người “Tam tứ núi cũng trèo. Thất bát sông cũng lội. Thập ngũ đèo cũng qua”.

            “Đã gọi người nằm thiên cổ dậy
            Lại đưa hồn trong lúc ngủ canh đi
            Nực cười thay, lúc phân kỳ
            Tuy chẳng nói, biết bao nhiêu biệt lệ”

Biêt lệ và  thương cảm như Huyền Kiêu trong  “ Tương Biệt Dạ “

            “Đã tắt lò hương, lạnh phiến đàn
            Thư phòng sắp sẵn để cô đơn
            Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng
            Một giải vương theo mấy dặm buồn”.

Với  Xuân Diệu  thì

            “Đố ai cắt nghĩa được tình yêu
            Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
            Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
            Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu “

Đặc tính của tình yêu

            “Tình yêu lấp lánh tựa trăng sao
            Bởi vậy thi nhân mới tự trào”


            “Tình yêu trân trọng như châu ngọc
            Mà mở ra xem có chuyện sầu “

Cái sầu của mối tình Đồng Khánh là trái sầu thơ mộng

            “Răng mà cứ theo tui hoài rứa?
            Cái anh ni, mới dị chưa tề
            Sáng, chiều, trưa ba buổi đi về
            Đưa với đón làm chi không biết

                        Ôi đôi mắt tình si tha thiết
                        Đừng nhìn theo, gượng bước tui đi
                        Cánh thư hồng, anh gởi làm chi
                        Thầy, me biết rầy la tui chết!

Nhưng sự kiên nhẫn sẽ cảm hoá được tâm hồn

            “Thư anh viết, ui chao tha thiết
            Đọc xong rồi, đầu óc bâng khuâng
            Anh với tui, chưa nói một lời
            Răng anh lại thương tui dữ rứa!”

                        Vào trong lớp đọc thư anh nữa
                        Tim tui, anh đã chiếm trọn rồi
                        Tuổi học trò, tình đẹp quá đi thôi
                        Thương với nhớ, chừ tui mới biết”

Khi đã yêu thì cả bầu trời lấp đầy tính ái.

“Sầu ai lấp cả vòm trời
Biết chăng, chăng biết hỡi người tình chung
Xuân sầu mang mang tắc thiên địa
Giống ở đâu vô ảnh, vô hình.
Cứ lò mò quanh quẩn bên mình
Khiến ngẫn ngẫn, ngơ ngơ đủ chứng”. 

Hay “Ta muốn ôm

                        Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
                        Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
                        Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
                        Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
                        Và non nước, và cây và cỏ rạng
                        Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng
                        Cho no nê thanh sắc một thời tươi
                        Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi “.

Tình yêu là hương sắc làm cho mộng đời thêm thi vị, hướng thượng tâm hồn, khiến cho thân không tật bệnh, tâm không phiền não, nhất là tình yêu chân, thiện  mỹ (ultimate good).

Thiếu tình yêu sẽ làm cho cuộc đời mất ý vị, vì người không tình yêu như cây không nhựa vậy.

TXT 
_______________
Tranh phụ hoạ: "Miền Quá Khứ", sơn dầu, A.C.La

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...