31 May 2022

Kẻ đã ra lệnh giết TT Ngô Đình Diệm

Tác giả bài viết dưới đây là Ông Đặng Kim Thu, cựu SVSQ/TVBDL/K19, cựu tùy viên của Đại Tướng Cao Văn Viên, cựu quận trưởng quận Chợ Gạo. Tóm tắt, vụ 1-11-1963 hoàn toàn do Mỹ chỉ đạo. Nhưng Mỹ không chủ trương giết anh em ông Diệm-Nhu mà chính là tướng Dương Văn Minh.
**

Đặng kim Thu

Từ đơn vị tác chiến (tiểu đòan 41 BĐQ), tôi được lệnh về làm Sĩ quan Tuỳ Viên cho Đại Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng vào cuối năm 1966. Vì tôi không có nhà ở Sài Gòn nên ông bà Đại Tướng cho tôi tạm ở trong tư dinh thời gian đầu .

Với công việc hoàn toàn mới lạ, nhiều bỡ ngỡ, cộng thêm sự gò bó ở trong dinh của Đại Tướng, mới đầu tôi hơi nản lòng, nhưng nhờ sự giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình của người tiền nhiệm của tôi là Quách tinh Cần K20//TVBQGĐL, và sự cởi mở của ông bà Đại Tướng nên tôi cảm thấy an tâm đôi chút.

Những ngày đầu về ở trong dinh của Đại Tướng, cứ sau bữa cơm tối ông xuống phòng tùy viên chỉ rõ cách sinh hoạt trong nhà, cách tiếp nhận đìện thoại từ bên ngoài gọi vào, an ninh vòng ngoài, an ninh vòng trong, và v.v…

Ông bảo tôi:

– Thông thường các tướng lãnh khác tôi đều tiếp họ tại văn phòng, ngoài giờ làm việc tôi không tiếp ai ở nhà riêng cả, nếu có vị tuớng tá nào muốn gặp tôi ngoài giờ làm việc, mà không có hẹn, chú không được mở cổng, mà phải báo tôi trước để tôi quyết định có tiếp họ hay không, đặc biệt chú phải quan sát, xem vị tướng đó có đem theo lính hộ tống hay không. Trong mọi trường hợp chú đừng cho lính hộ tống vào bên trong dinh, cổng phải luôn luôn khóa chốt . Nhưng đặc biệt có hai vị cựu tướng lãnh khi tới nhà muốn gặp tôi bất cứ lúc nào, chú cũng mở cổng mời vào phòng khách rồi báo tôi ra tiếp, không cần phải hỏi tôi trước, hai vị đó là trung tướng Trần văn Đôn và trung tướng Tôn thất Đính. Mà chú có bao giờ thấy hai vị tướng đó chưa?

Tôi trả lời “dạ chỉ biết qua hình ảnh trên báo chí”. Ông bảo: “Cũng tốt, vậy thi ráng nhận diện nếu hai vị đó tới.”

Xong ông nhìn tôi thấy có vẻ như tôi muốn tìm hiểu lý do nào mà hai ông cựu tướng này được đại tướng ưu ái như vậy.? Ông nói thêm:”chú muốn biết tại sao tôi đối xử với hai ông đó đặc biệt như thế chứ gì, được rồi để mai tôi kể cho chú nghe vì mai là chúa nhật có nhiều giờ rảnh hơn”.

Hôm sau ăn cơm trưa xong ông xuống phòng tôi và bắt đầu kể:

“Ngày 1 tháng 11 năm 1963 là ngày Lễ Các Thánh, quân nhân, công chức nghỉ buổi sáng khoảng 10 giờ sáng tôi được điện thoại của chánh văn phòng thiếu tướng Khiêm mời vào Bộ Tổng Tham Mưu họp ở phòng họp số 1, và phải có mặt trước 1 giờ. Tôi tới lúc 1 giờ kém 10 phút, thấy có đông các đơn vị trưởng sẵn đó rồi, nhìn mặt toàn là các sĩ quan thân tín của ông Diệm. Đúng 1 giờ. hai qưân cảnh ở ngoài đóng cửa phòng họp và khoá lại, mọi người trong phòng ngơ ngác nhìn nhau, đại tá Lê Quang Tung nói lớn:

– Họp hành khỉ mẹ gì, ai chủ toạ phiên họp sao chưa tới mà họ khoá cửa nhốt mình rồi, chuyện gì đây!
Vài phút sau đó có tiếng mở cửa, đại úy Nhung cận vệ của trung tướng Dương văn Minh đứng ngoài cửa nới với vào:

– Mời đại tá Lê quang Tung – Lực Lượng Đặc Biệt và đại tá Cao văn Viên Nhẩy Dù lên lầu gặp trung tướng Dương văn Minh.

Vì đại tá Tung ngồi gần cửa nên bước ra trước, tôi ở trong xa cửa hơn nên đi ra sau. Khi tôi ra khỏi phòng họp thì nhìn thấy đại tá Tung đã bị đại úy Nhung còng tay dẫn xuống xe, còn tôi cũng bị 1 sĩ quan khác còng nhưng mới vừa bị còng 1 tay thì tình cờ thiếu tướng Tôn thất Đính trên lầu đi xuống chợt thấy vậy, ông bảo tháo còng tôi ra, rồi sĩ quan đó cùng tướng Đính dẫn tôi lên lầu gặp trung tướng Minh .
Tướng Minh nói:

– Hôm nay “moi” và một số các tướng lãnh đảo chánh ông Diệm “toi” nghĩ sao?
Tôi trả lời:

– Chuyện quan trọng như vậy mà tới giờ này trung tướng mới cho tôi biết thì tôi đâu có quyết định được gì.

Lúc đó trung uý Trương ( hay Trần) Tự Lập sĩ quan tùy viên của trung tướng Minh lăm le khẩu súng carbine chĩa vào lưng tôi như sẵn sàng bắn tôi. anh ta hỏi tôi :

– Đại tá có theo Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng không?

Tôi đáp:

– Tinh thần của quân nhân thuộc binh chủng nhẩy dù không trả lời trước áp lực.
Thiếu tướng Đính thấy vậy bảo tên trung úy Lập đừng hỗn với cấp trên, rồi tướng Đính dẫn tôi về lại phòng sô 1 đóng cửa lại.

Vài vị sĩ quan đang bị nhốt chung trong phòng tới hỏi tôi chuyện gì vậy? Tôi nói họ đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Có người hỏi: “còn đại tá Tung đâu? tôi nói “bị còng dẫn đi chỗ khác rồi”.
Khoảng 15 phút sau tôi lại bị dẫn lên gặp Trung tướng Minh lần nữa, lần này Trung tướng Minh nói với tôi:

– Có một tiểu đoàn nhẩy dù theo “Chiến Đoàn Vạn Kiếp” của trung tá Vĩnh Lộc từ Bà Rịa về tới Sài Gòn, nhưng không chịu tấn công vào Dinh Gia Long, đòi phải được liên lạc trực tiếp với “toi”, vậy nếu “toi” chịu làm 2 việc như sau: Thứ nhất tuyên bố theo Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, thứ hai ra lệnh cho tiểu đoàn nhẩy dù ở Bà Rịa về tấn công vào Dinh Gia Long, khi thành công “moi” gắn lon thiếu tướng cho “toi” liền.

Tôi trả lời rằng chuyện của trung tướng làm, tôi không chống đối, nhưng bảo tôi phản lai “thầy” tôi thì tôi không làm, trung tướng thông cảm cho tôi (lời người viết: xin nói rõ thêm, trước khi chỉ huy lực lượng nhẩy dù, đại tá Viên là chánh Võ Phòng rồi Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng Thống);

Tôi được dẫn trả lại phòng họp số 1, các vị sĩ quan trong phòng lại hỏi, tôi trả lời chưa hết thì chánh văn phòng của thiếu tướng Khiêm xuống dẫn tôi lên văn phòng giữ riêng tôi ở đó.

Sau khi đảo chánh thành công tôi được cho về nhà, rồi hằng ngày tôi phải lên Bộ Tổng Tham Mưu chờ lệnh . Độ 5,6 ngày sau trung tướng Khiêm “lên trung tướng ngày 2 tháng 11 năm 1963” tự ý quyết định cho tôi trở về chỉ huy Lữ đoàn nhẩy dù như cũ, còn các vị sĩ quan bị nhốt chung với tôi đa số bị giải ngũ hoặc bị hạ tầng công tác.

Rồi sau đó không lâu tôi được trung tướng Đôn cho biết: sau khi tôi từ chối lời yêu cầu của trung tướng Minh thì trung tướng Minh bàn với trung tướng Đôn định đưa tôi theo số phận của đại tá Lê quang Tung, nhưng trung tướng Đôn không đồng ý và nói rằng:

– Trước khi tiến hành cuộc “cách mạng” anh” (ông Minh) có hứa với chúng tôi hạn chế tối đa vìệc gây đổ máu các sĩ quan cấp tá không ủng hộ chúng ta, anh đã cho giết đại tá Hồ tấn Quyền, giết đại tá Lê quang Tung, bây giờ anh muốn giết luôn đại tá Viên nữa sao? Hơn nữa dù “lui” không hợp tác với mình nhưng “lui” đâu có chống mình mà giết “lui”.

Tôi nghĩ dường như tướng Khiêm cũng biết ý định đó của tướng Minh nên mới ra lệnh đem tôi lên văn phòng của ông giao cho chánh văn phòng là đại úy Phạm Bá Hoa giữ riêng tôi ơ đó, rồi ông Khiêm bảo:”Ai muốn kêu đại tá Viên đi đâu phải có lệnh của tôi mới cho đi”.

Đấy là 3 người ơn cứu tử tôi đó !”

VAI TRÒ CỦA ĐẠI TÁ CAO VĂN VIÊN
TRONG CUỘC CHỈNH LÝ NGÀY 30-1-1964

Một lần tôi theo Đại Tướng Viên ra Đà Nẵng thăm các đơn vị thuộc Quân Đoàn I. Tối lại, ngủ ở Tòa Thị Chính Đà Nẵng, lúc đó trung tá Lê chí Cường gốc nhẩy dù làm Thị Trưởng.

Đầu hôm thời tiết còn nóng, thầy trò tôi chưa ngủ được nên Đại Tưóng kể chuyện Đảo Chánh, chỉnh lý cho tôi nghe. Giờ đây thì chuyện dù đã xa xưa, nhưng thiết tưởng còn nhiều người chưa biết rõ, hoặc biết không chính xác, không đầy đủ, nên tôi mạo muội thuật lại những gì Đại Tá Viên kể cho tôi nghe với ước mong giúp quí vị độc giả đánh giá được 1 phần sự thực của 1 giai đoạn của Đất Nước.

Nguyên nhân đưa đến cuộc chỉnh lý 30-1-1964

Đại Tướng Viên kể rằng :

“ Trong nội bộ các tướng lãnh: sau ngày Đảo Chánh 1-11-1963 thành công, trong hàng tướng lãnh trụ cột của cuộc đảo chánh có những bất đồng ý kiến về việc thành lập chính phủ mới, về việc sắp xếp nhân sự và quan trọng hơn là sự tranh công tranh quyền giữa các tướng với nhau, cho nên dẫn tới sự chia rẽ.
Ngoài ra trung tướng Minh ỷ quyền là chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng nên tỏ ra độc đoán trong mọi quyết định.

“ Chẳng hạn như ông Minh muốn đưa ông Nguyễn ngọc Thơ nguyên Phó Tổng Thống của ông Ngô Đình Diệm ra làm thủ tướng, nhìều tướng lãnh không đồng ý, vì cho rằng nguyên Phó Tổng Thống của chính phủ vừa bị lật đổ ra làm thủ tướng của chính phủ mới thì thật là vô lý, nhưng ông Minh cứ làm theo ý ông.

“Về phía Tòa Đại Sứ Mỹ thì ông Đăi Sứ đề nghị với ông Minh nên cử ông Trần quốc Bửu Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công ra lập chính phủ với lý do ông Bửu có nhiều uy tín trong giới bình dân và hiện trong tay ông Bửu có hơn 20 ngàn doàn viên của Tổng Liên Đoàn Lao dộng là lực lượng hùng hậu sẽ hỗ trợ cho chính phủ. Ông Dương văn Minh chẳng những không nghe mà còn ra lệnh cho thìếu tướng Đỗ Mậu bắt giam ông Trần quốc Bửu với lý do rất mơ hồ.

Thêm nữa, ông Minh lại gọi 2 người đã rời khỏi quân đội hồi năm 1955 đang lưu vong bên Pháp( vì chống ông Ngô đình Diệm) trở về hợp tác, đó là thiếu tướng Nguyễn văn Vỹ và đại tá Trần đình Lan (phòng2) trong quân đội Liên Hiệp Pháp; đìều này có vài tướng trẻ mới được thăng cấp như thếu tưóng Nguyễn hữu Có, Đỗ Mậu, thiếu tướng Dương ngọc Lắm, trung tướng Trần thiện Khiêm đều không đồng ý, bởi các vị này cho rằng ông Nguyễn văn Vỹ và ông Lan đã lỗi thời và đã rời khỏi quân đội lâu rồi, không còn thích hợp với quân đội hiện giờ nữa. Các ông Khiêm, Có, Lắm cho ràng, hiện nay trong quân đội có nhiều cấp tá trẻ có nhiều năng lực và được đào tạo chánh quy, cứ mạnh dạn giao việc cho họ, chứ cần gì phải gọi 2 người đó về hợp tác.

Ông Dương văn Minh chẳng thèm nghe mà vẫn cứ hành xử theo ý riêng mình dựa trên tình cảm cá nhân.
“Phần tôi (đại tá Cao văn Viên) thì mỗi ngày trình diện ở Bộ Tổng Tham Mưu, nghe nói ông Minh định cho tôi giải ngũ, nhưng nhờ trung tướng Khiêm tự ý cho tôi trở về nhẩy dù ngày 6-11-1963 mà không hội ý với ông Minh, vì việc này nằm trong thảm quyền của ông Khiêm.

Về sau mới biết, sở dĩ ông Khiêm hành động như vậy vì ngày 5-11-1963, ông Minh nói với ông Khiêm rằng đại tá Nguyễn chánh Thi ở Campuchia sắp về, ông Minh sẽ cho ông Thi chỉ huy lại Lực Lượng Nhẩy Dù, diều này chính ông Khiêm không muốn, nên hành động trước một bước, vì nếu để ông Nguyễn chánh Thi chỉ huy nhẩy dù thì khi ông Khiêm muốn mưu đồ gì cũng không thể xử dụng lực lượng nhẩy dù được vì ông Khiêm với ông Thi không thân nhau, vả lại cũng còn ngờ vực không biết ông Thi còn ôm mối hận ngàỳ 11-11-1960 cách 3 năm trước hay không.

Ngày 8-11-1963 đại tá Nguyễn chánh Thi từ Nam Vang đi đường xe về tới Gò Dầu Hạ, được ông Khiêm cho trực thăng đi đón về Tổng Tham Mưu, sau đó ông Khiêm cử ông Thi làm chủ tịch Ủy Ban Điều Tra tài sản và tội ác của ông Ngô đình Cẩn, thế là ông Thi trở ra miền Trung làm việc.

Từ những việc như vậy đưa đến những xích mích giữa ông Khiêm và ông Minh, rồi một ngày vào hạ tuần tháng 12-1963, ông Minh cử ông Khiêm đi công du qua Nhật và Đài Loan, ở nhà ông Minh giao cho Trung tướng Lê văn Kim thay thế trung tướng Khiêm giữ chức vụ Tham Mưư Trưởng Liên Quân ( không làm lễ bàn giao), đến khi ông Khiêm trở về thì ông Minh chỉ định ông Khiêm làm tư Lệnh Quân Đoàn III chia bớt nhiệm vụ của trung tướng Đính đang kiêm nhiệm Bộ An Ninh. Thời gian này Quân Đoàn III còn nằm trong trại Lê văn Duyệt Sài Gòn chưa dời lên Biên Hoà. Vậy là ông Khiêm bị hạ tầng công tác nên ông Khiêm trở nên bất mãn.

Nguyên nhân bên ngoài

Ông Dương văn Minh gây cho Đại Sứ Mỹ cú “sốc” đầu tiên là không nghe theo đề nghị của Đại Sứ Mỹ đề cử ông Trần quốc Bửu làm thủ tướng mà ông Bửu còn bị bắt giam với tội danh mơ hồ.
Sau khi đảo chánh thành công, ông Minh thường liên lạc với đại sứ Pháp ờ Sài Gòn, hơn là đại sứ Mỹ, và có vài lần ông Minh mời Đại Sứ Pháp đến dinh “Hoa lan” của ông Minh dùng cơm tối, có sự hiện diện của ông Đôn, ông Kim, ông Xuân …mà không có sự hìện diện của viên chức Mỹ nào cả. Việc này không qua khỏi cặp mắt “cú vọ” của cơ quan CIA ở Sài Gòn khiến họ đâm ra hoài nghi. Ngoài ra mỗi khi có việc phải giao tiếp với viên chức của toà đại sứ Mỹ và Bộ Tư Lệnh M.A.C.V, các ông Minh, Đôn, Xuân, Kim …chỉ nói toàn tiếng Pháp mà không nói 1 câu tiếng Anh nào, điều này cũng gây khó chịu và tự ái đối với các viên chức Mỹ không ít, và họ nghĩ là các tướng có khuynh hướng thân Pháp.

Tổng hợp những chuyện kể trên đưa đến cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964.

Chỉnh lý ngày 30-1-1964

Chiều ngày 29-1-1964 tướng Khiêm mời tướng Khánh ở Đà Nẵng về Sài Gòn, nói có chuyện cần bàn với tướng Khánh, rồi tướng Khiêm gặp tôi (Đại tá Viên) chỉ thị cho tôi chuẩn bị lực lượng nhẩy dù đi bắt 5 vị tướng: Đôn, Kim, Xuân, Đính,Vỹ và người thứ 6 là thìếu tá Nhung (người đã giết ông Ngô đình Diệm và ông Ngô đình Nhu), thiếu tá Nhung đang ở trong nhà trung tướng Dương văn Minh.

Tôi đề nghị với trung tướng Khiêm nên giao người khác đi bắt ông Đôn và ông Đính, chứ tôi rất khó xử nếu phải đi bắt 2 người mà cách đây 3 tháng đã là ân nhân cứu tử tôi. Trung tướng Khiêm thấy đề nghị của tôi hợp lý nên giao cho tiểu đoàn 2 TQLC lúc đó do thiếu tá Cổ Tấn Tinh Châu làm TĐT đi bắt tướng Đôn và tướng Đính.

Lệnh tổng quát của trung tướng Khiêm cho 2 tôi và thiếu tá Châu là không được liên lạc hoặc tiếp xúc với bắt cứ ai cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thời gian này tất cả mọi đơn vị muốn vào lãnh thổ Biệt Khu Thủ Đô phải có lệnh của Tư Lệnh QĐIII, và riêng TĐ2/TQLC vì đang đóng quân bên ngoài lãnh thổ Biệt Khu Thủ Đô nên tr/t Khiêm ký sự vụ lệnh giao cho 1 đại úy thuộc QĐIII đem đến cho TĐT/TĐ2/TQLC để di chuyển tiểu đoàn vào BKTĐ mà không bị ngăn cản.

Tr/t Khiêm ra lệnh cho thiếu tá Phạm bá Hoa chuẩn bị 1 xe dodge truyền tin để theo dõi việc đi bắt 5 ông tướng mà chính t/t Hoa phải trực máy truyền tin.

Giờ xuất phát đi bắt là 23 giờ và các đường giây điện thoại ở nhà 5 ông tướng đã bị ông Khiêm cho lệnh cắt đứt hết rồi, không liên lạc được với ai cả.

Đúng 23 giờ tôi được lẹnh xuất phát để bắt 3 ông tướng : Mai hữu Xuân, Lê văn Kim và Nguyễn văn Vỹ, rồi sau cùng đến bắt th/t Nguyễn văn Nhung tại nhà của ông Dương văn Minh.

Tiểu đoàn 2/TQLC được giao nhiệm vụ đi bắt 2 ông tướng Tôn thất Đính và Trần văn Đôn , cả 2 đơn vị xuất phá cùng một lúc.

Đến khoảng 2 giờ sáng 5 vị tướng : Đôn, Kim, Xuân, Đính, Vỹ được đưa vô Bộ Tổng Tham Mưu, riêng th/t Nhung thì tôi đưa về trại Hoàng Hoa Thám bản doanh của lữ đoàn nhẩy dù.

Trung tướng Nguyễn Khánh ở Đà Nẵng được trung tướng Khiêm mời về Sài Gòn từ chiều, đang ở nhà chờ, đến bấy giờ mới được tướng Khiêm mời vào BTTM cho biết:”Nhiệm vụ của tôi(tướng Khiêm) tới đây đã xong, phần còn lại tôi giao cho anh (tướng Khánh).chuẩn bị sáng mai anh họp báo.

Tướng Khánh nói:”công của anh thì anh làm luôn đi”. Tướng Khiêm vẫn khước từ và gợi ý với tướng Khánh, khi họp báo cứ nói các ông đó cớ ý định “trung lập thân Pháp” nên mình phải ra tay ngăn chặn.

Trung tướng Khánh liền gọi ra Quân Đoàn I Đà Nẵng dặn dò chuyện gì đó, rồi dại tá Thi nghe được lièn bay vô Sài Gòn kịp sáng sớm vào TTM ngồi họp báo chung với tướng Khánh, điều này khiến báo chí và dân chúng tưởng rằng ông Khánh và ông Thi làm cuộc chỉnh lý, chứ không biết rằng trong đêm 1 mình tướng Khiêm đích thân chỉ huy 2 vị sĩ quan cấp tá là tôi và thiếu tá Cổ tấn tinh Châu đi bắt 5 ông tướng và thiếu tá Nhung, xong rồi mới giao cho ông Khánh.

Tóm lại ông Khiêm dọn sẵn “mâm cỗ” cho ông Khánh hưởng.

Hôm saụ 5 vị tướng bị chỉnh lý được phi cơ chở ra Đà Nẵng rồi vài ngày sau lại chở vô quản thúc ở Đà Lạt. Ông Khánh lên làm thủ Tướng từ lúc đó.

Số phận của th/t Nhung

Đại Tướng viên kể lại rằng:

“Khi tới nhà ông Minh để bắt t/t Nhung thì tôi gặp ngay tướng Minh, ông hỏi lệnh của ai biểu bắt,
Tôi (đại tá Viên) trả lời: lệnh của tr/t Trần thiện Khiêm.

Ông Minh hỏi: ông Khiêm hiện giờ ở đâu?

Tôi trả lời: thưa trung tướng tôi không biết.

Ông Minh lại hỏi tiếp:vậy đại tá nhận lệnh của ông Khiêm từ lúc nào? lý do nào bắt cận vệ của tôi.
“Tôi đáp: xin tr/t hỏi ngay tr/t Khiêm, còn tôi chỉ thi hành lệnh.

Liền đó tướng Minh bốc điện thoại gọi ai đó, nhưng gọi không được, bèn dằn mạnh điện thoại xuống bàn, thấy vậy tôi nói :”điện thoại bị cắt giây rồi, trung tướng không gọi được ai đâu”, tôi chào tr/t Minh rồi dẫn th/t Nhung ra xe đưa về trại Hoàng Hoa Thám.

Tại đây tôi giao th/t Nhung cho sĩ quan an ninh nhẩy dù hỏi cung th/t Nhung, chủ yếu ở điểm: ai ra lệnh giết Tổng Thống Ngô đình Diệm và ông cố vấn Nhu? Sĩ quan an ninh nhẩy dù đưa giấy, viết bắt ông ta tự viết lời khai để làm chứng cớ. Sau khi lấy lời khai xong, khuya ngày hôm sau sĩ quan an ninh ( cấp bậc trung úy)cho người vô phòng giam bóp cổ Nguyễn Nhung chết rồi lấy giây giầy”saut” của chính ông Nhung thắt vòng treo cổ Nguyễn Nhung lên trần nhà.

Đêm đó tôi về nhà ngủ, sáng sớm hôm sau, sĩ quan trực ở trại Hoàng Hoa Thám đìện thoại báo cáo tôi: th/t Nhung thắt cổ tự tử chết rồi, tôi bảo sĩ quan trực gọi bác sĩ Văn văn Của, lúc ấy là th/t y si trưởng ND ráng cứu chữa ông ta coi có thể sống lại được không? .

Sau đó y sĩ thiếu tá Văn văn Của điện thoại báo tôi: “Thưa đại tá hết phương cứu chữa rồi” và ông Của làm bản báo cáo, y chứng xác nhận, thiếu tá Nhung đã chết do thắt cổ tự tử”. Cuộc điện đàm này tôi có cài máy ghi âm để thủ thân về sau này.

Trong lời tự khai của th/t Nhung, ông ta nói răng ông Dương văn Minh ra lệnh cho ông ta giết ông Nhu trướckhi đoàn xe về tới Bộ TTM, ngoài ra trên đường di chuyển nếu có sự bất trắc gì xẩy ra thì chỉ nghe theo lệnh của thiếu tướng Mai hữu Xuân mà thôi, khi ông Nhung đâm ông cố vấn Nhu thì bị ông Diệm chống cự quyết liệt nên buộc lòng ông Nhung phải giết luôn ông Diệm.

Ngoài ra khi khám tử thi của t/t Nhung, sĩ quan an ninh lấy ra được một mẩu giấy viết sẵn giấu trong quần, định tìm cách gửi về nhà, nhưng chưa gửi được. Nội dung như sau:”Em ơi! Bọn Diệm , Nhu sống lại rồi, chắc anh phải chết, nếu anh có mệnh hệ gì,em phải ráng nuôi các con cho khôn lớn, anh đang bị nhốt trong lữ đoàn nhẩy dù”.

Lời tự khai và cái thơ riêng gửi cho vợ của t/t Nhung được đưa cho trung tướng Khánh giữ.”

Nhận định riêng của người viết:

Về cái chết của thiếu tá Nhung,tôi nghĩ rằng vị sĩ quan an ninh nhẩy dù không dám tự ý hành động, mà phải có lệnh của 1 trong 3 vị: tuớng Khánh, tướng Khiêm hoặc đại tá Viên? Nhiều lần tôi muốn hỏi đại tướng Viên nhưng lại rụt rè không giám hỏi vì sợ tướng Viên giận và cho rằng tôi tò mò.

Theo tôi cuộc chỉnh lỷ 30-1-1964 chắc chắn phải có bàn tay “phù thủy” của Mỹ thúc dẩy cho tướng Khiêm thực hiện, mà nguyên nhân chánh là do trung tướng Dương văn Minh làm phật lòng người Mỹ, nhưng ông Minh không bị loại vì lúc bấy giờ dân chúng và khối phật giáo Ấn Quang vẫn còn xem ông Minh như người hùng ”cách mạng” nếu loại hẳn ông Minh sợ e có xáo trộn xã hội và sợ thượng toạ Thích trí Quang sách động Phật tử “xuống đường”ủng hộ ông Minh . Còn 5 ông tướng bị chỉnh lý vì thân tín với ông Minh nên bị làm vật tế thần, bị chụp lên đầu cái mũ”trung lập thân Pháp”, để chặt hết tay chân của ông Minh, biến ông Minh thành “con cua bị gẫy càng” ngồi đó nhìn ông Khánh tung hoành.

Phụ chú;
Những điều tôi thuật lại cho quý độc giả trên đây là tôi được nghe đại tướng Viên kể lại lúc tôi đang là sĩ quan tùy viên của ông. Sau này vào tháng 8 năm 2004, tôi từ Cali qua Virginia thăm đại tướng Viên trong  một nursing home, tình cờ có đại tướng Khiêm tới, ông Viên, ông Khiêm và tôi cùng ngồi nói chuyện chung, đây là dịp may hiếm có, tôi hỏi đại tướng Khiêm vài điều mà tôi ấp ủ từ lâu vì không biết hỏi ai cho chính xác.

Tôi hỏi:

-Thưa đại tướng, em nghe nói ngày đảo chánh 1-11-1963 có một người Mỹ ở trong phòng của đại tướng ngay từ giờ phút đầu để theo dõi cuộc đảo chánh, em muốn biết lời đồn đó co đúng không?

Đại tướng Khiêm nói:

– Lời đồn đó đúng, người Mỹ đó là trung tá Conein, ông ta ở trong 1 phòng nhỏ sát phòng làm việc của tôi sau tấm vách ngăn mà không hề bước qua phòng tôi trong thời gian tiến hành đảo chánh. Tôi cho chú biết thêm, ông Conein này là 1 sĩ quan trưởng của 1 toán tình báo Mỹ đã từng nhẩy dù xuống vùng Việt Minh kiểm soát ở miền Bắc, Việt Nam năm1945 để giúp Hồ chí Minh đánh Nhật, ông ta là người biết nhiều về Hồ chí Minh và mặt trận Việt Minh.

Tôi hỏi tiếp :

– Thưa đại tướng, em được biết, sau khi đại tướng làm cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964 thiếu tá Nhung đã khai, ông Minh ra lệnh cho ông ta giết ông Diệm, ông Nhu , lời khai đó chân thật không? Liệu sau lưng ông Minh có 1 thế lực nào khác thúc đẩy ông Minh làm chuyện đó không?
Đại tướng Khiêm trả lới:

– Chú nghe kỹ tôi nói đây:”trước ngày đảo chánh (1-11-1963) tôi đưa ra 1 điều kiện tiên quyết với ông Minh, liên quan đến Tổng Thống Diệm như sau : phải bảo đảm sinh mạng Tổng Thống Diệm và để T/T Diệm bình an xuất ngoại. Ông Minh và ông Kim đều đồng ý, sở dĩ có ông Kim vì mới đầu ông Kim có 1 nhóm riêng cũng âm mưu đảo chánh, về sau 2 nhóm mới kết hợp lại.

Khi biết ông Diệm , ông Nhu bị giết, lúc ấy tôi mới biết luôn đại tá Quyền, đại tá Tung và em của đại tá Tung là Lê quang Triệu cũng bị giết, còn ông này (ông Khiêm vừa nói vừa nhìn qua ôngViên) cũng bị còng tay, may mà ông Đính thấy kip chứ không thì cũng theo Hồ tấn Quyền và Lê quang Tung rồi (ông Viên và ông Khiêm cùng cười).

Ông Khiêm nói tiếp:

– Tôi ở văn phòng của tôi trên lầu. Còn ông Minh, ông Kim, ông Đôn ngồi ở phòng của đại tướng Tỵ, lúc đó đại tướng Tỵ đang dưỡng bệnh, nên ông Đôn làm quyền Tổng Tham Mưu Trưởng. Họ hành động lén lút, giấu không cho tôi biết rồi họ quyết định với nhau tôi có hay biết gì đâu.

Chú nghĩ coi: ông Diệm đã gọi đìện thoại bảo cho xe đến đón ông về TTM, như vậy nghĩa là ông đã đầu hàng rồi, tại sao lại giết người đầu hàng. Ông Minh, ông Kim độc ác quá! Cho nên tôi bất mãn với 2 ông ấy từ lúc đó.

Còn chú hỏi liệu có thế lực nào khác thúc đẩy ông Minh giết ông Diệm, tôi cho chú biết thêm chi tiết này: khi ông Conein ở trong phòng nhỏ bước ra phòng tôi, trung tướng Minh cho ông ta biết ông Diệm và ông Nhu chết rồi, ông Conein tỏ ra tức giận không nói với ông Minh một lời,ông quay trở vào phòng và thốt lên một câu:”Do a terrible thing”rồì một lúc sau ông Conein bỏ ra về. Thế đó chú tự suy nghĩ”.

Tôi cám ơn đại tướng Khìêm, rồi chúng tôi tiếp tục nói chuyện linh tinh khác suốt cả buổi sáng hôm đó.
Thân phận của một Quốc Gia nhược tiểu là như vậy.
 
Cựu Sĩ quan tùy viên Đặng kim Thu
Nguồn: Văn học Nguồn cội
(Cám ơn anh VLH giới thiệu)

27 May 2022

Tép Mòng, truyện đồng quê

Đúng là chuyên viên đồng quê, Hai Quẹo mô tả tới đâu, người đọc thấy mọi sự rõ như ban ngày tới đó. Cuối bài bỗng thấy nuối tiếc cái quá vãng trù phú và chân chất nơi đồng quê Miền Nam, rồi tự hỏi bây giờ làm sao có được mắm tép chua chân thật để ăn? Làm sao có được gáo nước ngọt như đường múc từ trong lu ra để uống... ừng ực? Đồng bào về thăm quê hương kể lại: Bây giờ không còn tép mòng cá mú nữa. Thuốc rầy, thuốc sâu, phân bón hóa học về theo "cách mạng" "đổi mới" phá hoại quê tui!! 

Hai Quẹo tuy không còn chia sẻ vui buồn của cuộc đời này với chúng ta nữa nhưng khi đọc lại những gì anh viết chúng ta cảm thấy như anh vẫn còn đâu đây, rất gần gũi. Xin mời quý anh chị đọc "Tép Mòng", một bài trong loạt bài viết về đồng quê Miền Nam của anh. (TTR)


1. Tôm và Tép.

Ở vùng quê tui người ta phân biệt hai loại tôm và tép dựa vào cái càng. Con nào có 2 cái càng thì mới kêu là tôm. Như con bự bằng cùm tay, sống ở nước ngọt, màu xanh xanh đẹp lắm, càng dài 2, 3 tấc, con nít khoái bẻ đem nướng ăn chơi, thì kêu là tôm càng. Bánh phồng tôm Sa-Đéc làm bằng loại này. Còn mấy con có càng mà sống ở biển thì được goi là tôm hùm, tôm tích. Ngoài ra dù là bự con cỡ nào cũng đều là tép ráo. Nếu nó sống ở biển hay ở sông nước mặn thì bị kêu là tép bạc, như tép bạc đất, tép bạc thẻ, tép bạc rằn v, v, mà tây gọi là king prawn, tiger prawn, banana brawn, school prawn. Rồi theo đà thương mại xuất cảng bây giờ người ta kêu hết trơn các loài tép bạc này là tôm. Đồng nuôi tôm thay thế ruộng vườn. Dân nhà quê thì vẫn kiên trì với tiếng Tép Bạc gia truyền. Bên cạnh, có một thứ hổng bị đổi tên, và tương đối thống nhứt từ Bắc vô Nam nối liền một tên, đó là con ruốc, như mắm ruốc Bà Giáo Thảo Vũng Tàu và phân ruốc (để bón dưa hấu, rất ngọt) ở quê tui.

Nhưng có một loại tép nhỏ bằng đầu đũa, màu xanh trong, sanh và sống ngay trong ruộng đồng nước ngọt, thường vào mùa mưa, cái con đĩ dân quê tui kêu là con Tép Mòng hay Tép Muỗi. Có vài nơi còn kêu là Tép Rong. Lạ quá hén. Mà cách bắt tép, ăn tép mòng cũng lạ chưa đâu có. Nhưng nhờ nó rất quen với tui và gắn liền với đời tui từ hồi còn con nít, nên tui mới dám kể cho bà con nghe chơi.

2 .Đặt Chà ngôm.

25 May 2022

Cưới tí tỉnh

MƯỜI ĐIỀU MẸ DẠY ... CON TRAI ! ! !

1. _ Kẻ thù lớn nhất của con là Vợ con .
2. _ Ngu dốt lớn nhất của đời con là không hiểu được nó .
3. _ Thất bại lớn nhất của đời con là không bỏ được nó .
4. _ Bi ai lớn nhất của đời con là phải sống với nó .
5. _ Sai lầm lớn nhất của đời con là quyết định lấy nó .
6. _ Tội lỗi lớn nhất của đời con là nghe lời nó .
7. _ Đáng thương lớn nhất của đời con là bị nó sai khiến .
8. _ Đáng khâm phục lớn nhất của đời con là vẫn chịu đựng được nó .
9. _ Tài sản lớn nhất của đời con là những thứ nó đang giữ .
10._ Khiếm khuyết lớn nhất của đời con là con không lấy được hai vợ .

Nghe xong , cậu con trai òa khóc . Bà mẹ ngạc nhiên hỏi :
_ Sao con khóc ?
Cậu con trai quệt nước mắt rồi mếu máo thưa :
_ Con thương Ba quá ... Chính vì thế mà Ba ... mất sớm ! ! !

19 May 2022

Thơ Tôn Thất Tuệ

Đạo

Bên tảng đá, một nông dân hiền thiện
tựa lưng gầy nằm ngủ hồn nhiên
một đứa bé thả câu ngớ ngẩn
quên móc mồi vì say gió bờ ao.

Ta gọi đạo hồn bay trong nắng
tiếng chim kêu bẻ gảy cây đàn
con nghé ngọ theo trâu học nói
ngọn cỏ xanh đính hạt sương vàng.

Ta gọi đạo nương chiều xế bóng
mẹ đứng chờ tin chị bên sông
lấy chồng lính năm năm không gặp
tiếng súng ngưng chẳng thấy ai về.

Gọi là đạo cái đạo vô duyên chưa từng có
chút nước thừa tô canh húp sạch
vì lắm lần xăn quần vén áo
mò đáy chảo mong tìm cọng cải
trong vô vọng xây nền hy vọng
đêm qua xuôi mai tính ngày mai.

Đạo vô duyên của những kẻ vô duyên
không gặp gỡ người hiền bậc thánh
nhưng cơn đói, những vết thương lở lói
nỗi nhớ nhà mất biệt tương lai
làm tạng điển gối đầu ngủ thiếp
khi chợt thức sờ lên tim tra hỏi
tim ơi tim, tim có biết đạo hay không?

tôn thất tuệ

Khuyến khích uống sữa

Quý ông càng ngày càng ít uống sữa tươi. Để khuyến khích, người Thụy Sỹ đã chế ra những bình đựng rất hấp dẫn, và dặn rằng sau khi mở nắp nhớ cất trong tủ lạnh. (SàiGòn Echo)


Nói leo: Cắt nghĩa theo khoa học, chắc là từ vạn cổ, những cảm xúc có với mẹ khi mới sinh đã thấm nhập vô gene trở thành bản chất thứ hai. Bản chất này nơi đàn ông mạnh hơn có lẽ vì họ tích lũy thêm kinh nghiệm trong cuộc sống sau này với ...nửa kia. (A.C.La)

17 May 2022

Như Thương với Chờ Em





Chờ Em

Chờ em lối cỏ vàng thu
Chờ em áo lụa, chợt ngu ngơ tình
Chờ em hương nhụy đóa quỳnh
Chờ em tóc thả dặm nghìn mây bay
Chờ em cười nụ, môi say
Chờ em tròn một vòng tay dịu dàng
Chờ em chân bước thiên đàng
Chờ em nét cọ thênh thang giữa đời

Út Như Thương

Lá thư từ bên kia thế giới

Bác sĩ Elizabeth Kübler-Ross, người tiền phong trong lãnh vực nghiên cứu về hiện tượng hồi sinh cho biết:

“Con người sợ chết như con nít sợ ma, họ đã nhìn cái chết một cách sợ hãi, ghê tởm và cố gắng phủ nhận nó vì nó làm gián đoạn sự liên tục của đời sống. Nhưng nếu họ biết chấp nhận sự chết một cách bình thản, giản dị thì họ sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên cũng như lúc sinh ra vậy. Bất kỳ lúc nào chung quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn. Lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân. Một hiện tượng tự nhiên và cần thiết như thế không lẽ lại chẳng bao hàm một ý nghĩa thâm sâu nào đó? Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống nếu họ không chịu chấp nhận sự chết, và đã đến lúc người ta phải nghiên cứu cặn kẽ các sự kiện này chứ không thể chấp nhận những lý thuyết mơ hồ nào đó được.”

Sau đây là tài liệu được trích lại từ cuốn La Revue Spirite:

**
Tình thương giống như đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thực sự, để họ tiến lại gần nhau, kế hợp với nhau. Nó là một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian.

Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động, vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà khoa học chưa giải thích được. Ông không tin rằng có một linh hồn tồn tại sau khi chết vì thể xác chỉ là sự kết hợp của các vật chất hữu cơ và trí thông minh chẳng qua chỉ là sản phẩm của các tế bào thần kinh. Khi thể xác đã hư hoại thì trí thông minh cũng không thể tồn tại. Một hôm khi bàn chuyện với các con về đề tài đời sống sau khi chết, ông hứa sẽ liên lạc với các con nếu quả thật có một đời sống bên kia cửa tử.

Cậu con trai Piere Desrives, cũng là một y sĩ, đã nói: “Nếu đã chết, làm sao cha có thể liên lạc với con được?”

Bác sĩ Henri suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Cha không tin có một đời sống hay cõi giới nào ngoài đời sống này nhưng nếu sau khi chết mà cha thấy được điều gì thì cha sẽ tìm đủ mọi cách để liên lạc với các con.”

Vài năm sau, bác sĩ Desrives từ trần, các con ông vì bận việc nên cũng không để ý gì đến buổi bàn luận đó nữa.

Khoảng hai năm sau, một nhóm nhân viên làm việc trong bệnh viện lập bàn cầu cơ chơi, bất ngờ cơ bút đã viết: “Xin cho gọi bác sĩ Piere Desrives đến vì tôi là cha cậu đó và tôi có mấy lời muốn nhắn nhủ với các con tôi.”

Được thông báo, bác sĩ Piere không tin tưởng mấy nhưng nhớ lại lời dặn của cha, ông bèn gọi các em đến tham dự buổi cầu cơ này. Một người cầm giữ đầu một sợi dây, đầu kia cột vào một cây bút chì và chỉ một lát sau cây bút đã tự động chạy trên các trang giấy thành bức thư như sau:

Các con thân mến,

Cha rất hài lòng đã gặp đủ mặt các con nơi đây. Gần một năm nay, cha có ý trông đợi để kể cho các con về những điều ở cõi bên này mà cha đã chứng kiến nhưng không có cơ hội nói lại cho các con biết.

Như các con đã biết, hôm đó sau khi ở bệnh viện về, cha thấy trong người mệt mỏi lạ thường, cha bèn lên giường nằm và dần dần lịm đi luôn, không hay biết gì nữa. Một lúc sau cha thấy mình đang lơ lửng trong một bầu ánh sáng trong suốt như thủy tinh. Thật khó có thể tả rõ cảm tưởng của cha khi đó, nhưng không hiểu sao cha thấy trong mình dễ chịu, linh hoạt, thoải mái chứ không bị gò bó, ràng buộc như trước. Các con biết cha bị phong thấp nên đi đứng khó khăn, vậy mà lúc đó cha thấy mình có thể đi đứng, bay nhảy như hồi trai tráng. Cha có thể giơ tay giơ chân một cách thoải mái, không đau đớn gì. Đang vẫy vùng trong biển ánh sáng đó thì bất chợt cha nhìn thấy cái thân thể của cha đang nằm bất động trên giường. Cha thấy rõ mẹ và các con đang quây quần chung quanh đó và phía trên thân thể của cha có một hình thể lờ mờ trông như một lùm mây màu xám đang lơ lửng. Cả gia đình đều đang xúc động và không hiểu sao cha cứ thấy trong mình buồn bực, khó chịu. Cha lên tiếng gọi nhưng không ai trả lời, cha bước đến nắm lấy tay mẹ con nhưng mẹ con không hề hay biết và tự nhiên cha ý thức rằng mình đã chết. Cha bị xúc động mạnh, nhưng may thay lúc đó mẹ con và các con đều lên tiếng cầu nguyện, tự nhiên cha thấy mình bình tĩnh hẳn lại như được an ủi. Cái cảm giác được đắm chìm trong những lời cầu nguyện này thật vô cùng thoải mái dễ chịu không thể tả xiết. Lớp ánh sáng bao quanh cha tự nhiên trở nên sáng chói và cả một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như trên màn ảnh. Từ việc gần đến việc xa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm cũng như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha thấy sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà đáng lẽ ra cha không nên làm. Cả một cuốn phim đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi như người buồn ngủ.

Cha ở trong tình trạng vật vờ, nửa ngủ nửa thức này một lúc khá lâu cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình vẫn lơ lửng trong một bầu ánh sáng có màu sắc rất lạ không giống như màu ánh sáng lần trước. Cha thấy mình có thể di chuyển một cách nhanh chóng, có lẽ vì không còn xác thân nữa. Cha thấy cũng có những người đang di chuyển gần đó nhưng mỗi lần muốn đến gần họ thì cha lại có cảm giác khó chịu làm sao. Một lúc sau cha đi đến một nơi có đông người tụ họp. Những người này có rung động dễ chịu nên cha có thể bước lại hỏi thăm họ một cách dễ dàng. Một người cho biết tùy theo các rung động thích hợp mà cha có thể tiếp xúc được với những người ở cõi bên này. Sở dĩ cha không thể tiếp xúc với một số người vì họ có sự rung động khác với “tần số rung động” (frequency) của cha. Sự giải thích có tính cách khoa học này làm cha tạm hài lòng. Người nọ cho biết thêm rằng ở cõi bên này tần số rung động rất quan trọng, và tùy theo nó mà người ta sẽ lựa chọn nơi chốn mà họ sống. Cũng như loài cá ở ngoài biển, có loài sống gần mặt nước, có loài sống ở lưng chừng và có loài sống dưới đáy sâu tùy theo sức ép của nước thì ở cõi bên này, tùy theo tần số rung động mà người ta có thể tìm đến được các cảnh giới khác nhau. Sự kiện này làm cha cảm thấy vô cùng thích thú vì như vậy quả có một cõi giới bên kia cửa tử và cõi này lại có nhiều cảnh giới khác nhau nữa.

Khi xưa cha không tin những quan niệm như thiên đàng hay địa ngục nhưng hiện nay cha thấy quan niệm này có thể được giải thích một cách khoa học qua việc các tần số rung động. Những tần số rung động này như thế nào? Tại sao cha lại có những tần số rung động hợp với một số người? Người nọ giải thích rằng tùy theo tình cảm của con người mà họ có những sự rung động khác nhau; người có tình thương cao cả khác với những người tính tình nhỏ mọn, ích kỷ hay những người hung ác, không hề biết thương yêu. Đây là một điều lạ lùng mà trước nay cha không hề nghĩ đến. Cha bèn đặt câu hỏi về khả năng trí thức, phải chăng những khoa học gia như cha có những tần số rung động đặc biệt nào đó, thì người nọ trả lời rằng, khả năng trí thức hoàn toàn không có một giá trị nào ở cõi bên này cả. Điều này làm cho cha ít nhiều thất vọng. Người nọ cho biết rằng cái kiến thức chuyên môn mà cha tưởng là to tát chẳng qua chỉ là những mảnh vụn của một kho tàng kiến thức rất lớn mà bên này ai cũng có thể học hỏi được.

Người nọ nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là con người biết làm gì với những kiến thức đó. Sử dụng nó để phục vụ hay tiêu diệt nhân loại? Sử dụng nó vào mục đích vị tha hay ích kỷ? Sử dụng nó để đem lại niềm vui hay để gây đau khổ cho người khác? Thấy cha có vẻ thất vọng, người này bèn đưa cha đến một thư viện lớn, tại đây có lưu trữ hàng triệu cuốn sách mà cha có thể tham cứu, học hỏi. Chưa bao giờ cha lại xúc động như vậy. Có những cuốn sách rất cổ viết từ những thời đại xưa và có những cuốn sách ghi nhận những điều mà từ trước tới nay cha chưa hề nghe nói đến. Sau một thời gian nghiên cứu, cha thấy cái kiến thức mà mình vẫn hãnh diện thật ra chẳng đáng kể gì so với kho tàng kiến thức nơi đây. Đến khi đó cha mới thấm thía điều người kia nói về khả năng trí thức của con người và bắt đầu ý thức về tần số rung động của mình.

Nơi cha đang sống có rất đông người, đa số vẫn giữ nguyên tính nết cũ như khi còn sống ở thế gian. Có người hiền từ vui vẻ, có người tinh nghịch ưa chọc phá người khác, có người điềm đạm, có kẻ lại nóng nảy. Quang cảnh nơi đây không khác cõi trần bao nhiêu; cũng có những dinh thự đồ sộ, to lớn; có những vườn hoa mỹ lệ với đủ các loại hoa nhiều màu sắc; có những ngọn núi rất cao hay sông hồ rất rộng. Lúc đầu cha ngạc nhiên khi thấy những cảnh vật này dường như luôn luôn thay đổi, nhưng về sau cha mới biết cảnh đó hiện hữu là do sức mạnh tư tưởng của những người sống tại đây. Điều này có thể giải thích giống như sự tưởng tượng ở cõi trần. Các con có thể tưởng tượng ra nhà cửa dinh thự trong đầu óc mình, nhưng ở cõi trần sức mạnh này rất yếu, chỉ hiện lên trong trí óc một lúc mà thôi. Bên này vì có những rung động đặc biệt nào đó phù hợp với sự rung động của tư tưởng làm gia tăng thêm sức mạnh khiến cho những hình ảnh này có thể được thực hiện một cách rõ ràng, chính xác và lâu bền hơn.

Các con đừng nghĩ rằng những người bên này chỉ suốt ngày rong chơi, tạo ra các hình ảnh theo ý muốn của họ; mà thật ra tất cả đều bận rộn theo đuổi các công việc riêng để chuẩn bị cho sự tái sinh. Vì mọi tư tưởng bên này đều tạo ra các hình ảnh nên đây là môi trường rất thích hợp để người ta có thể kiểm soát, ý thức rõ rệt hơn về tư tưởng của mình. Vì đời sống bên này không cần ăn uống, làm lụng nên người ta có nhiều thời giờ theo đuổi những công việc hay sở thích riêng. Có người mở trường dạy học, có kẻ theo đuổi các nghành chuyên môn như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn chương thơ phú, v.v...

Tóm lại, đây là môi trường để họ học hỏi, trau dồi các khả năng để chuẩn bị cho một đời sống mai sau. Phần cha đang học hỏi trong một phòng thí nghiệm khoa học để sau này có thể giúp ích cho nhân loại. Càng học hỏi, cha càng thấy cái kiến thức khi xưa của cha không có gì đáng kể và nền y khoa mà hiện nay các con đang theo đuổi thật ra không lấy gì làm tân tiến lắm nếu không nói rằng rất ấu trĩ so với điều cha được biết nơi đây. Hiển nhiên khoa học phát triển tùy theo khả năng trí thức của con người, mỗi thời đại lại có những sự phát triển hay tiến bộ khác nhau nên những giá trị cũng vì thế mà thay đổi. Có những giá trị mà thời trước là khuôn vàng thước ngọc thì đời sau lại bị coi là cổ hủ, lỗi thời; và như cha được biết thì những điều mà ngày nay đang được người đời coi trọng, ít lâu nữa cũng sẽ bị đào thải. Tuy nhiên cái tình thương, cái ý tưởng phụng sự mọi người, mọi sinh vật thì bất kỳ thời đại nào cũng không hề thay đổi, và đó mới là căn bản quan trọng mà con người cần phải biết. Càng học hỏi cha càng thấy chỉ có những gì có thể tồn tại được với thời gian mà không thay đổi thì mới đáng được gọi là chân lý. Cha mong các con hãy suy ngẫm về vấn đề này, xem đâu là những giá trị có tính cách trường tồn, bất biến để sống theo đó, thay vì theo đuổi nhũng giá trị chỉ có tính cách tạm bợ, hời hợt.

Cha biết rằng mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động đều có những rung động riêng và được lưu trữ lại trong ta như một cuốn sổ. Dĩ nhiên khi sống ở cõi trần, con người quá bận rộn với sinh kế, những ưu phiền của kiếp nhân sinh, không ý thức gì đến nó nên nó khép kín lại; nhưng khi bước qua cõi bên này thì nó từ từ mở ra như những trang giấy phô bày rõ rệt trước mắt. Nhờ vậy mà cha biết rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều do chính ta tạo ra và lưu trữ trong mình. Cuốn sổ lưu trữ này là bằng chứng cụ thể của những đời sống đã qua và chính nó kiểm soát tần số rung động của mỗi cá nhân. Tùy theo sự rung động mà mỗi cá nhân thích hợp với những cảnh giới riêng và sẽ sống tại đó khi bước qua cõi giới bên này. Do đó, muốn được thoải mái ở cõi bên này, các con phải biết chuẩn bị. Cha mong các con hãy bắt tay vào việc này ngay. Các con hãy rán làm những việc lành, từ bỏ những hành vi bất thiện. Khi làm bất cứ việc gì, các con hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu nó có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính những điều hơn lẽ thiệt mà hãy tập quên mình. Đời người rất ngắn, các con không có nhiều thời giờ đâu.

Khi còn sống, đã có lúc cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây giờ cha biết rằng mình đã lầm. Một khi qua đến bên đây, các con không thể mang những thứ đó theo được. Danh vọng, địa vị, tài sản vật chất chỉ là những thứ có tính cách tạm bợ, bèo bọt, đến hay đi như mây trôi, gió thổi, trước có sau không. Chỉ có tình thương mới là hành trang duy nhất mà các con có thể mang theo mình qua cõi giới bên này một cách thoải mái, không sợ hư hao mất mát. Tình thương giống như đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thực sự, để họ tiến lại gần nhau, kế hợp với nhau. Nó là một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian. Chắc hẳn các con nghĩ rằng người cha nghiêm nghị đầy uy quyền khi trước đã trở nên mềm yếu chăng? Này các con, chỉ khi nào buông xuôi tay bước qua thế giới bên này, các con mới thực sự trải nghiệm được trạng huống của mình, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, thích hợp với cảnh giới thanh cao tốt lành hay những nơi chốn thấp thỏi xấu xa. Hơn bao giờ hết, cha xác định rằng điều cha học hỏi nơi đây là một định luật khoa học thật đơn giản mà cũng thật huyền diệu. Nó chính là cái nguyên lý trật tự và điều hòa hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để sống trong cảnh giới mỹ lệ đẹp đẽ hay tăm tối u minh đều do những tần số rung động của mình mà ra cả và chính mình phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình hay lựa chọn những nơi mà mình sẽ đến.

Khi còn sống cha tin rằng chết là hết, con người chỉ là sự cấu tạo của các chất hữu cơ hợp lại, nhưng hiện nay cha biết mình đã lầm. Cha không biết phân biệt phần xác thân và phần tâm linh. Sự chết chỉ đến với phần thân xác trong khi phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Hiển nhiên cá nhân của cha không phải là cái thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh vẫn tiếp tục hoạt động này, do đó cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà cha đã hứa với các con khi xưa. 

Cha nghiệm được rằng sự sống giống như một dòng nước tuôn chảy không ngừng từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau nó sẽ bị ảnh hưởng những điều kiện khác nhau; và tùy theo sự học hỏi, kinh nghiệm mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thực sực của nó. Cũng như sóng biển có đợt cao, đợt thấp thì đời người cũng có những lúc thăng trầm, khi vinh quang tột đỉnh, lúc khốn cùng tủi nhục, nhưng nếu biết nhìn lại toàn vẹn tiến trình của sự sống thì kiếp người có khác chi những làn sóng nhấp nhô, lăng xăng trên mặt biển đâu. Chỉ khi nào biết nhận thức về bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý thức được tính cách trường cửu của sự sống. Từ đó các con sẽ có một quan niệm rõ rệt rằng chết chỉ là một diễn tiến tất nhiên, một sự kiện cần thiết có tính cách giai đoạn chứ không phải một cái gì ghê gớm như người ta thường sợ hãi. Điều cần thiết không phải là trốn tránh sự chết hay ghê tởm nó, nhưng là sự chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách thoải mái, ung dung vì nếu khi còn sống các con đã đem hết khả năng và phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài thì lúc lâm chung, các con chẳng có gì phải luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm cả. 

Trước khi từ biệt các con, cha muốn nói thêm rằng hiện nay cha đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lạc chứ không hề khổ sở.

Nguyên Phong dịch 

09 May 2022

Tưởng Nhớ Anh Tô Đồng

Nguyễn đắc Điều

Vợ chồng tôi ngồi trong nhà quàn Pacific View Memorial Park&Mortuary thuộc thành phố Corona Del Mar nghe tiếng đàn dương cầm êm dịu, nếu không có mùi hương thơm ngạt ngào thì tưởng như đang dự buổi nhạc thính phòng tại nhà một thân hữu nào đó. Nhưng chung quanh chúng tôi quy tụ toàn giới khoa bảng y nha dược sĩ với những câu nói rầm rì nhắc đến tên vị giáo sư khả kính: Anh Tô Đồng. Chiều nay, chủ nhật 26 tháng 8 năm 2012, là buổi lễ phát tang Anh và cũng là buổi thăm viếng đầu tiên dành cho thân hữu, môn sinh của Anh đến tiễn chào Anh lần cuối, trước khi Anh qua thế giới bên kia.

Giáo sư Tô Đồng, nguyên Khoa trưởng Đại học Dược khoa Sài-Gòn (1974-1975), đã tạ thế vào ngày 23 tháng 8 năm 2012 tại Newport Coast, California.Hưởng thọ 80 tuổi.

Tôi biết tiếng chị Nguyễn Loan, hiền thê của Anh, khi chị học trường Chu Văn An năm đệ nhất niên khóa 55-56 cùng với các người đẹp khác như PM Linh, HC Qui, CXC Phố…Thuở ấy, bài Sớ Táo Quân trong tờ báo Xuân có nhắc đến Chị:

Trước hết, xin kể
Cô Yến Madame
Rồi đến Nguyễn Loan
Trọng tâm của lớp
Mắt luôn luôn chớp
Dáng điệu thướt tha
Áo tím áo hoa
Tiếng cười son trẻ
………

Sau Chu Văn An chị lên học dược và nhanh chóng nổi tiếng là hoa khôi của trường. Có rất nhiều chàng dòm ngó, những bó hoa tươi đẹp treo trước cửa nhà chị trong hẻm Cao Thắng đều khô héo, không ai ngó ngàng. Bất thình lình, một chàng trai trẻ tốt nghiệp tiến sĩ từ trời Âu trở về nước và rước chị về dinh, trước những cặp mắt ngỡ ngàng của những người ái mộ vô danh khác. Người trẻ tuổi tài hoa đó là Anh Tô Đồng, và tên Tô Đồng được gắn liền với tên Nguyễn Loan từ đó. Mọi người đã quen với tên mới: bà Tô Đồng.

Tôi nghe tiếng sang sảng của cựu nghị sĩ Hoàng Xuân Hào ngỏ lời cám ơn giáo sư Tô Đồng, người đã đào tạo 3 người dược sĩ trong gia đình Anh, nhất là đã làm chủ hôn cho người em trai dược sĩ của Anh kết duyên cùng một dược sĩ. Chính hiền thê của Anh cũng là môn sinh của giáo sư Tô Đồng. Rồi dược sĩ Vương Lan Hương, quả phụ cựu đại tá Hoàng Đạo Thế Kiệt vừa từ Dallas bay về, để phụ lo tang lễ lên đọc bài viết sẵn của dược sĩ Phạm Ngọc Lân, sinh viên lớp dược niên khóa đầu tiên giáo sư Tô Đồng diễn giảng tại trường Dược Khoa từ Trần Quý Cáp mới dọn về trụ sở mới vào năm 1963. Với giọng trầm ấm, dược sĩ Hương đã đọc bài viết ngắn gọn mô tả tình thầy trò, chí khí và viễn kiến của người thầy từ đào tạo môn sinh ở Việt Nam cho tới tái huấn luyện hành nghề dược sĩ tại Hoa Kỳ.

Tôi hồi tưởng mấy chục năm về trước khi cùng Anh Tô Đồng tham dự Đại Hội Cộng Đồng người Việt vùng Bắc Mỹ/Canada do Anh Nguyễn Huy Hân, cựu Tổng Giám Đốc Thuế Vụ dưới thời Tổng trưởng Tài Chánh Châu Kim Nhân, tổ chức tại Michigan. Những buổi tham luận kéo dài không dứt để bàn về những phương thức giải phóng Việt Nam, phát triển kinh tế cho người tỵ nạn và những chương trình văn hóa xã hội cho Cộng đồng son trẻ người Việt trên đất tạm dung…. Anh Tô Đồng được Đại hội đề cử làm Trưởng Ban Văn Hóa Xã Hội. Xong Đại Hội Anh Tô Đồng, Nguyễn Sĩ Anh, Đoàn Danh Tài và tôi, trở về San Diego. Chúng tôi đã không hẹn mà gặp lại Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh tại phòng đợi của phi trường. Giáo sư Vinh cho chúng tôi coi cuốn sách giáo khoa do Giáo sư viết được một nhà xuất bản ở Đài Bắc in để dùng làm sách giảng dạy cho các trường Đại học ở Đài Loan. Giáo sư Vinh cũng kể những giai thoại vui khi tham dự các buổi hội nghị quốc tế về không gian tại Mỹ và Âu châu. Anh Tô Đồng tâm sự, thủa nhỏ Anh rất thích toán nhưng Anh vô tình chọn học một ngành liên quan đến y, mà sau này Anh mới biết hợp với môn theo lá số tử vi cụ thân sinh đã lấy cho Anh. Nhưng Anh vẫn tiếc nuối không có duyên nợ với môn toán. Đoàn Danh Tài kể hồi đi học ở hậu phương Anh Tô Đồng đã nổi tiếng là thần đồng, thầy giáo thường dùng câu “Đi xách dép cho Tô Đồng” để mắng các học sinh kém không giải nổi đề toán. Nhân vui câu chuyện, Anh Tô Đồng thuật lại hồi mới định cư tại Mỹ, Anh ra bưu điện mua mấy con tem, trong lúc anh bưu tá đang dùng máy để tính số tiền thối lại thì Anh đã nói ngay số tiền làm cho anh bưu tá ngạc nhiên ngắm nhìn người tỵ nạn trung niên có tài làm tính nhẩm nhanh hơn máy. Về đến phi trường San Diego gặp hai dược sĩ Nguyễn Loan và Tố Minh (vợ Nguyễn Sĩ Anh) rủ nhau đi cắt tóc ra đón hai vị phu quân đi họp xa về. Khi bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy nghe được chuyện này thì bà nói: ”Cái bà Loan này làm hỏng Ông chồng”. Tôi không dám hỏi lại, vì thật ra tôi cũng thầm mong ước được như vậy. Giáo sư thạc sĩ y khoa Nguyễn Ngọc Huy, Viện trưởng Viện Đại học Sài-Gòn, đã bổ nhiệm giáo sư Tô Đồng giữ chức vụ Khoa trưởng Đại học Dược Khoa.

Tôi lại nghe thấy giọng nói cao vút của dược sĩ Trần Thị Danh, góa phụ bác sĩ Bùi Xuân Mẫn, thông gia của Anh Chị Tô Đồng, đọc một bài viết sẵn với tư cách một môn sinh. Bài viết đã tóm gọn cuộc đời, sự nghiệp công cũng như tư của giáo sư Tô Đồng, trong đó có nhắc tới vai trò của chị Nguyễn Loan, “Đằng sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng người đàn bà”, và nhất là Quỹ học bổng “The Dr. Dong To Scholarship Fund” thiết lập tại trường dược khoa Skaggs thuộc đại học UCSD. Học bổng này do chính trường UCSD tự thiết lập vì danh tiếng của giáo sư Tô Đồng với môn sinh và với Cộng Đồng người Việt trên toàn thế giới.

Nhớ lại ngày đầu tiên, vợ chồng tôi tới thăm nhà Anh Chị trong khu Parkdale thuộc vùng Mira Mesa thành phố San Diego, tôi thật choáng váng về hòn non bộ và vườn cây cảnh do chính Anh Tô Đồng xây dựng và chăm sóc. Anh nói: ”Tôi xây hồ bán nguyệt này cho nàng rửa chân ”: có cả hoa sen, có cây quỳnh và cây dao trồng chung quanh. Anh Chị có cho vợ chồng tôi vài cành dao mang về trồng tại vườn của chúng tôi. Mối thâm tình của hai gia đình ngày càng thắm thiết khi tôi có dịp làm chung sở với Chị Nguyễn Loan trong một thời gian. Khi Anh Chị Tô Đồng có cháu ngoại lớn, Anh Chị đã dọn lên khu Newport Coast để tiện trông nom và gần gũi con cháu nhất là vui tuổi già với khí hậu trong lành của biển cả. Cũng tại địa chỉ mới này, Anh Chị hâm nóng lại tình bạn cũ với Anh Chị Hoàng Đạo Thế Kiệt. Mà cũng chỉ vài năm sau, Anh Kiệt ra đi vĩnh viễn và dược sĩ Hương phải dọn sang Dallas sống gần con cháu.

Các chị: Chân, Nguyễn Loan, Trung, Thu, Châu. Các anh: Bảo, TÔ ĐỒNG, Điều
(Hình do anh Tô Đồng chụp ngày 21 tháng 4 năm 2012)

Trong một ngày của cuối tháng 4, 2012 một số bạn từ San Diego có hẹn trước để lên thăm Anh Chị vì từ ngày Anh Chị bỏ San Diego chưa một lần hàn huyên thỏa chí vì chỉ gặp trong những buổi tiệc tùng ngắn ngủi. Vui chuyện, Anh nhắc những mộng ước dang dở của Anh Nguyễn Huy Hân mà nay chỉ còn lại bút hiệu Toàn Không. Tôi nói, không ai hiểu rõ Nguyễn Huy Hân bằng Đỗ Tiến Đức vì Anh Hân đã giao cho Đức thi hành chúc thư của Anh. Tiện thể, tôi gọi Đỗ Tiến Đức để Anh nghe tiếp chuyện Nguyễn Huy Hân mà tôi không biết rõ. Anh cho biết đang viết một đoạn đời của Anh Hân và Anh hỏi tôi về ngày tháng chính xác giải báo chí học đường. Anh tỏ ra rất thận trọng về những chi tiết trong bài viết. Không nhớ rõ thì hỏi đúng người, đúng việc. Đây là một đặc tính làm việc của một giáo sư đại học. Tôi phải thú nhận với Anh, hồi đó tôi có ký tên thay thế Anh Hân những bằng giải thưởng báo chí, đặc san xuất bản tại các trường UCLA, LBSU, UCSD và SDSU cho Ban Đại diện sinh viên của các trường đó do chính Anh Đỗ Tiến Đức tích cực đứng ra tổ chức, mà tôi chỉ là một thành viên thụ động. Tôi chỉ nhớ có 2 sinh viên lên lãnh bằng do tôi phát là Lưu D Sĩ và Hồ VX Nhi, vì một anh là con người bạn ở San Diego và một anh sau này hoạt động năng nổ trong cộng đồng người Việt ở Orange County.

Sau bao năm xa vắng, tôi thấy Anh vẫn vậy, vui vẻ với bạn bè với những câu chuyện về mọi lãnh vực, chuyện Anh Chị họp y nha dược sĩ tại Canada và được tác giả Trà Lũ tặng cuốn “400 chuyện cười” mà Anh kiếm trong tủ sách gia đình để tặng lại tôi vì tôi vừa tặng Anh cuốn “Nụ cười xã hội chủ nghĩa” của Tâm Thanh. Anh cũng lục ra bằng được cái tripod để chụp chung một tấm ảnh có đầy đủ mọi người. Vì không quen dùng tripod để chụp tự động nên Anh loay hoay mãi mới chụp xong. Chụp xong, Anh cười nói ”Mình độ này không quen dùng 3 chân nên cứ lấn cấn. May mần mò ra xài, cũng tạm dùng được”. Đây cũng là một đặc tính của Anh: không làm thì thôi, nhưng khi đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn.

Nhân dịp này, Anh cho biết để khuyến khích môn sinh, Anh cũng dự thi lấy bằng hành nghề dược sĩ tại Hoa Kỳ.

Trong một lần đến chơi nhà Anh Chị tại San Diego, tôi có nghe Anh nói chuyện qua điện thoại với một bạn dược sĩ hiện đang làm chủ nhân ông một Viện Bào Chế dược phẩm ở Việt Nam, cố nài kéo Anh về trông coi lại Viện Bào Chế như trước năm 1975. Tôi nghe giọng Anh nhẹ nhàng nhưng cương quyết từ chối lời mời gọi cộng tác của một người bạn chí cốt đã từng gắn bó từ thời Đại học xá sinh viên Minh Mạng.

Rồi Anh lái xe dẫn đường từ nhà Anh ra khu chợ thuộc thành phố Irvine để đãi chúng tôi một chầu phở. Tôi hứa lần tới, tôi sẽ trổ tài nấu cơm tây mời Anh Chị ăn tại nhà để khỏi phải đi đâu xa, hơn nữa ăn cơm tây và được nghe tiếng đàn dương cầm của Chị hoặc của các cháu ngoại của Anh Chị mới đúng điệu Tản Đà. Anh Chị gật gù tán đồng.

Bẵng đi hơn một tháng, Chị điện thoại cho tôi nhờ hỏi cách trị bệnh ung thư gan của Từ Công Phụng. Tôi hơi ngại vì có quen thân vợ chồng Từ Công Phụng nhưng nghe rồi thuật lại sợ không chính xác. Cũng may, một tuần trước khi làm show “50 năm Tình Ca TCP”, Phụng có về Little Sài-Gòn dự đám cưới người cháu, tôi giới thiệu Từ Công Phụng nói chuyện trực tiếp với Chị Loan trong vòng hơn một giờ. Tôi vẫn đinh ninh Anh Tô Đồng đã chữa khỏi bệnh rồi vì trong lần lên thăm thấy Anh an nhiên tự tại và rất khỏe. Có thể, Chị Loan muốn chữa thêm ngoại khoa theo cách của TCP cho chắc ăn mà thôi. Vì vậy tôi không theo dõi nữa, và cũng không còn nhớ đến lời hứa nấu cơm tây ăn theo phong cách Tản Đà.

Cho đến khi nhận được tin Anh Tô Đồng đã mất, thật đúng như lời Lê tất Điều viết trong Email “Tin sét đánh” và rất tiếc “Lúc cụ Tô Đồng đau nặng, tôi không biết gì để thăm hỏi. Tệ quá”. Tôi trả lời “Cụ không biết tin tức ốm đau nên sửng sốt là phải, chứ tôi mới lên thăm trong tháng 4 đây còn sét đánh gấp trăm lần Cụ”.

Khi vợ chồng tôi đến chia buồn, Chị Loan cho biết thêm khi Chị nói chuyện với Từ Công Phụng cũng là lúc Anh Tô Đồng đang phát bệnh trở lại, nhưng Anh từ chối chữa ngoại khoa theo cách chỉ dẫn của TCP.

Tiến sĩ Lê Phục Thủy, người điều khiển chương trình tang lễ, với lọn tóc bạc buộc sau lưng, dáng dấp như một đạo sĩ cho biết giáo sư Tô Đồng, người am hiểu rất tường tận các đạo giáo phương Đông nhưng trong lễ phát tang hôm nay không có tăng ni Phật tử tụng kinh. Anh yêu cầu các thân hữu, môn sinh lễ bàn thờ Phật trước khi lễ vong giáo sư. Vợ chồng tôi lên lễ Phật rồi đứng bên Anh. Tôi nhớ câu kinh Bát Nhã “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tất thị không, không tất thị sắc”. Mới ngày nào trông thấy Anh, mà nay không còn thấy nữa. Bây giờ trông thấy Anh đây, mà như không thấy Anh đâu cả. Tôi niệm câu chú Bát Nhã để tiễn đưa Anh: “Yết đế, yết đế/Bala yết đế/Bala tăng yết đế/Bồ Đề, Tát bà ha.”(Arrive, arrive/Tout arrive/Tout arrive sur l’autre rive/Glorieux Bodhi).

Theo Phật giáo bờ bên kia là bờ Giác ngộ, là Niết Bàn.

Thông thường chúng ta sống theo hai phần đời. Phần đầu chúng ta sống theo Bám/Buộc. Cố giữ lấy những gì ta có bằng mọi giá, nhưng phần sau của cuộc đời chúng ta phải biết Buông/Bỏ để người thân của chúng ta thanh thản ra đi và cũng để chúng ta thanh thản sống nốt quãng đời còn lại.

“Người trước kẻ sau không phân biệt tuổi tác sẽ cùng nhau trải nghiệm được 4B của cuộc đời: Bám/Buộc-Buông/Bỏ”.

KHOẢNH KHẮC 10 NĂM SAU:

Tuần đầu tiên của tháng 4-2022, tôi nhận điện thoại của chị Tô Đồng-Nguyễn Loan mời lên chơi cùng với một nhóm thân hữu San Diego.

Sáng ngày mùng 10 tháng 4-2022, anh chị Phùng Quốc Bảo-Lê Minh Châu cùng chị Lương Chân ghé nhà tôi để vợ chồng tôi lái xe lên Newport Coast thăm chị Tô Đồng.

Vừa vào đến nhà chưa kịp chào hỏi, chị Tô Đồng đã thốt lên: “Đã 10 năm rồi đó, nhanh không?”. Và, chúng tôi cũng chợt nhận ra ngày chúng tôi lên thăm anh chị Tô Đồng lần trước cũng vào tháng 4 năm 2012. Ngày đó anh Tô Đồng đã chụp kỷ niệm với chúng tôi một bức ảnh nhưng chỉ vài tháng sau anh đã đi về miền Viên Miễn.

- “Các anh chị vào đây coi tấm poster tôi treo trong phòng ăn”, giọng ấm áp trong trẻo của chị kéo chúng tôi về hiện tại và chúng tôi líu ríu theo chân chị. Tấm poster khổ lớn lay-out bài viết “Tưởng Nhớ Anh Tô Đồng” đăng trên báo Thời Luận của anh Đỗ Tiến Đức được trịnh trọng treo trước bàn ăn.

- “Tôi treo tại đây để hàng ngày được nhìn thấy nhà tôi mỗi bữa ăn”, tiếng chị Tô Đồng nhẹ nhàng như cơn gió lướt qua.

Tôi lặng người, ngắm bài viết của mình được in cách đây 10 năm và cũng đã được trân trọng treo tại đây 10 năm rồi.

Tôi mời chị Tô Đồng đứng cùng tôi để nhà tôi chụp một tấm hình ghi lại lòng trân quí của chị với anh.
Xong, chị kéo chúng tôi ra ngồi tại phòng khách: những kỷ niệm xưa lại ùa về. Cũng tại chỗ này, anh Tô Đồng đã chụp một tấm hình cho cả nhóm, nay thấy vắng anh và cô Thu, em ruột tôi cũng là vợ Đoàn danh Tài đã mất năm 2020. Chị Tô Đồng nhờ thứ nam chụp tấm ảnh thiếu vắng 2 người thân.

Chuyện vãn một hồi, chị mời chúng tôi đi ăn tại một nhà hàng Việt Nam gần khu chị cư ngụ và cũng là nhà hàng chị thường ăn với bạn hữu của chị mỗi khi họ ghé thăm chị, nhưng chị nói “đặc biệt hôm nay tôi tự lái xe dẫn đường đưa quí vị đi ăn, chứ mọi lần tôi được đưa đi”. Nhà tôi được ngồi cùng xe với chị, còn tôi lái xe đi theo sau. Khi vào đến nhà hàng, nhà tôi la lên:

- Xe chị Loan đi hơn 10 năm mà mới có 29 ngàn miles. Đạt kỷ lục xe chạy ít nhất của nước Mỹ.

Điều đó nói lên chị Loan quí mến chúng tôi đến chừng nào vì nếu chị đi với nhóm bạn khác chị đâu có phải vất vả lái xe đi lòng vòng trong thành phố du lịch biển Corona Del Mar đông nghẹt xe cộ của du khách rất khó tìm một chỗ đậu xe.

Chị tỏ tiếc đã quên không mời vợ chồng Lê Tất Điều lên chơi. Tôi chữa cháy bằng câu “Chị ơi! cụ Điều Lê độ này mãi mê tranh luận với các khoa học gia về thuyết tương đối của Einstein nên ít ra khỏi nhà, để lần sau tôi cố kéo lên”. Trong câu chuyện xưa chị có nhắc đến bà giáo sư bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, cựu Viện trưởng viện Đại học Sài Gòn và anh Nguyễn Huy Hân, cựu Tổng giám đốc Thuế vụ.

Sau nhà hàng, chị dẫn chúng tôi về lại nhà để ăn tráng miệng đồng thời nghe tiếng đàn piano của cháu ngoại và tâm sự thêm đến tận 4 giờ chiều mới vãn chuyện. Và, để dễ dàng giã từ, chúng tôi phải khất lại những chuyện dang dở đó cho lần…họp mặt sau.

Những khoảnh khắc như chụp hình hay nói chuyện với anh chị Tô Đồng-Nguyễn Loan chỉ xẩy ra một thoáng trong cuộc đời nhưng đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai lạt, để mỗi khi nghĩ đến, lòng không khỏi bùi ngùi với những nỗi buồn nuối tiếc khôn nguôi như thi sĩ Khánh Hà cư ngụ tại Na-Uy, một đồng Môn QGHC, từng viết “Đôi khi khoảnh khắc cũng là thiên thu”.

Nguyễn đắc Điều
Ghi lại khoảnh khắc ngày mùng 10 tháng 4 năm 2022 tại Corona Del Mar.

Cười tí tỉnh: Nên phục hồi "Suối Đồi Thi Phái"

Gặp Em
(Thơ Vui)

Chào em đi dạo phố phường
Hỏi thăm sức khỏe bình thường hay không?
Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông
Buồn vui mấy lượt, sầu đong mấy tầng?

Ta từ lạc bước gian truân
Làm thơ thế thái muôn phần chứa chan
Bởi mơ đến một thiên đàng
Mà sao chỉ thấy ngổn ngang ê chề.

Bởi mơ nhan sắc dầm dề
Mà sao chỉ thấy sơn khê cạn giòng
Này em! Có thật hay không
Mỹ nhân tự cổ một lòng thủy chung?

Em rằng: Do mỗi tâm hồn
Sao không đổi dạ thay lòng trắng đen
Không vì so sánh sang hèn
Mà khi tối lửa tắt đèn có nhau.

Đường trần ai có qua cầu
Sẩy chân một bước thương đau cả đời
Dẫu cho thơ viết ngậm ngùi
Gặp nhau chỉ để thương rồi lại quên.

Nghe em ăn nói dịu hiền
Hình như em chính là tiên giáng trần
Nên chi ta rất ngại ngần
Muốn hôn em lại phập phồng lo âu.

Dương Quân
**
Đọc xong bài thơ bèn nuối tiếc "Suối Đồi Thi Phái" (A.C.La)

03 May 2022

“Giải phóng miền Nam”, ôi hãi hùng...

Có nhiều chuyện người ta không muốn nhớ nhưng không thể nào quên được. Những mẩu chuyện như bài viết dưới đây, chỉ là lọn khói giữa một đám cháy kinh hoàng. Bài viết đơn sơ, có sao nói vậy nhưng người đọc cảm nhận sâu xa mối hệ lụy bi thảm của cái đám cháy kinh hoàng hoàng kia, cái đám cháy được những kẻ thắng cuộc gọi là "giải phóng". (TTR)

Sau 1975, ngoài việc bỏ tù những người quân nhân chế độ VNCH thì chính quyền mới có chủ trương “đánh tư sản” kéo dài gần 10 năm. Cuộc đánh tư sản tại miền Nam diễn ra khốc liệt y như cuộc cải cách ruộng đất ngày nào ngoài Bắc. Nhà ai to là mất, dù họ chỉ là doanh nhân, không hề tham gia vào bộ máy chính quyền cũ. Ai nhiều nhà cũng mất. Không giao, không hiến tặng thì cách mạng buộc họ đi “kinh tế mới” và nhà đó rơi vào tay cán bộ cách mạng. Đi kinh tế mới là gì? Là vào rừng sâu khai hoang, mỗi gia đình nhận 1 bao gạo  rồi sống đời sống thú rừng. Không điện, không nước, không nhà thương, không trường học….

Tôi còn nhớ năm tôi lớp 1, tôi có cô bạn tên Duyên, chúng tôi thân lắm. Ba Duyên là thiếu tá và phải đi tù  miền Bắc. Ở nhà, mẹ Duyên nuôi 5 anh chị em rất khốn khổ. Rồi một ngày Cách mạng lấy nhà, tống hết mẹ con Duyên ra đường dù đó là căn nhà duy nhất. Họ buộc mẹ con Duyên đi kinh tế mới. Họ ném quần áo tư trang của gia đình ra đường và lấy nhà. Tôi và cô giáo chủ nhiệm tới thăm gia đình Duyên, thấy mấy anh chị em Duyên ngồi ngoài đường, đói khát giữa cái rét căm căm của mùa đông Đà Lạt. Chúng tôi ôm nhau khóc nức nở... Sáu tuổi biết nỗi đau chia ly. Sau này tôi không còn gặp Duyên lại nữa. Không biết bạn ấy sống chết thế nào.... 

Nhà ông bà ngoại tôi ở Trà Vinh thì cũng thuộc dạng khá giả. Thế nhưng đêm đêm cán bộ mang súng cứ xông vào nhà lục soát và lấy đi những món đồ có giá trị. Sách thì họ đốt, bảo văn hóa đồi trụy. Ông bà tôi biết trước nên giấu sách và tài sản đi. Một kho sách thì lấy củi me che chắn hết. Ông ngoại còn đào một cái hầm dưới gốc cây mai để giấu những chén dĩa quý giá. Xong ông lấy lá lấp lên. Ông cứ sống trong nơm nớp lo sợ cán bộ xông vào nhà như thế. Ông sợ họ ghê lắm, ra đường ông chỉ dám mặc áo quần thật rách rưới, thủng gối thủng vai, vá chằm vá đụp thôi…. Vậy mà ông từng là hiệu trưởng một trường cấp 3 mà người ta gọi ông là ông Đốc đó chớ....

Ông cậu họ của tôi làm lò bánh mỳ và có một khách sạn lớn ở Trà Vinh. Cách mạng ép ông làm giấy tờ nhường khách sạn cho họ. Ông không đồng ý. Một đêm tối đen, họ xông vào, hai cán bộ cầm súng đứng hai bên nên ông phải viết giấy “hiến” khách sạn luôn. Vài ngày sau họ đòi ông “hiến” luôn lò bánh mì. Ông đã chuẩn bị vượt biển, ông liền lấy a xit chế lên toàn bộ máy móc và…. biến mất. “Cách mạng” tức điên, viết giấy truy nã ông dán khắp nơi. Nhưng ông đã đi rồi, nếu như ông xui rủi, bị bắt lại, coi như ông chết.

Người bà con khác của tôi, nhà ông bà rất to xây kiểu Pháp. Ông bà buôn bán nên giàu từ thời Pháp tới lúc “giải phóng”. Cách mạng thấy nhà to quá, bắt người con trai lớn, làm áp lực bắt hiến nhà. Cậu tôi không hiến. Họ đánh cậu chết, rồi cũng tròng vô cổ một dây thừng, bảo là tự tử. Gia đình mang xác về nhà, thấy trên cổ cậu in những ngón tay….

Nhà ông bà họ ngoại cũng có một khu mồ mả to. Xung quanh những nhà mồ còn có vườn cây, ao cá. Cán bộ phường thấy ham quá chiếm dụng luôn. Thậm chí họ tự ý khóa hết nhà mồ lại, xem như của họ, ai đi thắp hương phải xin phép thì họ mở cửa.  Sau đó, linh hồn người chết nhát nhiều quá, họ trả lại nhà mồ còn vườn thì họ chiếm hết rồi bán dần đi. 

Cô bạn tôi có cha làm cán bộ Công thương, ông ta tay trắng ngoài Bắc vô. Bỗng nhiên từ hai bàn tay trắng mà phút chốc giàu sụ vì ti vi, tủ lạnh, xe máy lấy của người ta mang về chia cho nhau cả. Tôi hay qua nhà bạn chơi, biết quá rõ.  

Ừ thì “giải phóng”. “Giải phóng” tức là lấy của cải người giàu trong Nam làm của mình. Ai từng tham gia chính quyền chế độ VNCH thì cho đi tù, lao động khổ sai, một số bị đánh chết,  một số đói chết, một số bệnh mà không có thuốc uống nên chết…. không biết là bao nhiêu. Nhà cửa những quân nhân VNCH nếu to thì lấy luôn, con cái họ thì không mong gì vào đại học. Nếu trong một cơ quan xí nghiệp thì con cái người làm cho chế độ VNCH có giỏi có tài thì cũng là “lính quèn”, là nhân viên. Con của cán bộ cách mạng ngu như con trâu cũng làm lãnh đạo. Chế độ này “ưu việt” cũng nhờ như thế, “rực rỡ” cũng nhờ thế. Hỏi sao người dân miền Nam không uất hận mà rời xa quê hương, thà chết trên biển chứ không thể ở lại. Bởi ở lại thì có khác gì chết?

Bây giờ đất nước tan nát, nợ công tăng ngất trời phải vay nợ để trả nợ thì thủ tướng VN sang Mỹ để “lắng nghe khúc ruột ngàn dặm”. Thật quá hài hước ….

Bảo Nhi Lê 

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...