27 February 2021

Cười tí tỉnh

 TRUYỆN CƯỜI XỨ ĐÔNG LÀO


Ông nông dân nọ nuôi được một con bò đực giống, dáng rất đẹp và khoẻ, gieo giống rất nhanh có kết quả, thế là cả xã ai có bò cái cũng đem lại gieo giống. Chú bò làm việc rất hăng, chủ tha hồ mà thu tiền, chả bao lâu ông nông dân trở nên khá giả.

Chủ tịch xã thấy vậy bèn ra lệnh trưng mua con bò đem về xã. Con bò được cột trong sân ủy ban xã với đầy cỏ non, rơm mới, nước trong ...

Từ nay dân trong xã ai có bò cái phải đem lại đó gieo giống, và xã thu tiền.

Nhưng lạ thay, ngày thứ nhất rồi ngày thứ hai rồi cả tuần, bao nhiêu bò cái đem đến nó chỉ ngúc ngoắc cái đầu rồi bỏ đi nằm ăn cỏ nhai rơm, ko chịu làm việc gì cả.

Chủ tịch xã tức giận gọi chủ bò cũ lại điều tra :

- Anh cho tôi biết anh đã làm gì với con bò này, tại sao về xã nó không chịu nhảy ?

Ông nông dân lại gần bò rồi hỏi :

- Này bò, cũng vẫn là đám bò cái cũ thôi, sao mày lại chê ?

Bò vẫy vẫy đuôi trả lời :

- Bây giờ tôi là cán bộ nhà nước rồi, thức ăn có người dâng lên sẵn rồi, tội chó gì mà phải làm việc nhiều cho mệt !

Fb AB Bùi sưu tầm

23 February 2021

Khoa học tìm ra bằng chứng xác thực sự tồn tại của Đấng Sáng Thế

Quý bạn yêu thích khoa học và cùng lúc ham tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến nguồn gốc vũ trụ có thể thấy ở bài viết dưới đây đăng trên Đại Kỷ Nguyên một số chi tiết thú vị về nguồn gốc sự sống.

Sau đây là toàn bài viết đăng trên Wébite Đại Kỷ Nguyên.

20 February 2021

Xem tranh ẢO ẢNH của A.C.La


Xem Tranh Mất Ngủ

Út đã "một đêm gần như không ngủ" sau khi xem tranh ẢO ẢNH! Thật lạ - đó là một cảm xúc chưa từng xảy ra cho Út khi xem bất kỳ một hoạ phẩm nào. Út đâu còn lạ lẫm gì với nét tranh hoạ sĩ A.C.La. Thế thì điều gì đã tác động đến cảm xúc ?!

Cảm xúc ấy cũng là Ảo Ảnh như tên của bức hoạ? Hay là một cảm xúc Thực ?

Phải chăng hình ảnh sa mạc trong bức hoạ đã hớp hồn người xem ?

Có thể nào Út đã bị quyến rũ bởi sắc đỏ như là gam màu chính của bức hoạ (vì Út rất mê màu đỏ, nó là màu của sự trẻ trung theo Út nghĩ ? ). Hay là Đàn Bà quả thật là Ảo Ảnh như hoạ sĩ A.C.La nói - mà mình cũng thuộc về phái nữ ?!

Vâng, tất cả đã quyện vào nhau như thế, để Út đã đi qua một đêm gần như thấy hình ảnh bức hoạ trước mắt dẫu đêm sắp tàn !!!

Thế có lạ không chứ hoạ sĩ A.C.La nhà mình?
Ta Ảo Ảnh hay người là Ảo Ảnh
Để cuộc đời là Sắc Sắc Không Không
Để Thực Hư sẽ đâm chồi nẩy nhánh
Để mai kia sa mạc hoá bóng hồng
Út Ít Như Thương
***
Đọc những dòng viết ra từ những cảm xúc thực của Cô Út, tôi cũng chẳng biết nói gì nữa cả. Đầu óc trống không thì nên yên lặng và xin nhường lời để quý anh chị có những giây phút thoáng mát chia sẻ với Như Thương.

Thân kính mến
A.C.La

10 February 2021

Chiếc Bóng Đêm Trừ Tịch, thơ

Dạo:
    Cuối đường chiếc bóng bơ vơ,
Biết còn chi nữa mà chờ với mong.


  Chiếc Bóng Đêm Trừ Tịch

Con phố muộn, khách bộ hành đã ngót,
Ánh điện đường vàng vọt bám sương bay.
Người ngồi chờ xe đón, dạ quắt quay,
Trên đất lạnh, chiếc bóng gầy cô quạnh.

Con chim nhỏ từ chân trời trốn lạnh,
Đáp cạnh người, xếp cánh tạm dừng chân.
Đèn khuya soi, hai bóng đổ thật gần,
Chim lặng lẽ, người âm thầm trăn trở.

                        *
                      *  *
Đã hơn bốn mươi năm qua từ thuở
Phải đau lòng lìa xứ sở ra đi.
Tử biệt tiếp sinh ly,
Lối vượt thoát xanh rì bao nấm mộ.

Biển xanh cuồng nộ,
Khốn khổ sao rơi.
Oán khí ngập trời,
Xương phơi khắp chốn.

Đất tạm trú, buồn vui lẫn lộn,
Chút an bình lẩn trốn nơi đâu.
Kỷ niệm về rúc rỉa suốt canh thâu,
Đêm thanh vắng, tiếng nhạc sầu rên siết.

Đường thiên lý một mình đi mải miết,
Chuyện ngày sau ai biết sẽ ra sao.
Nỗi oán hờn trong giấc ngủ xôn xao,
Mộng ước vỡ thì thào bên tóc rối.

Non nước lạ, thân miệt mài sớm tối,
Trời mênh mông, chân lạc lối bơ vơ.
Con tim đau chưa vợi hết mong chờ,
Thấm thoắt đã đến bên bờ thiên cổ.

Bất hạnh vẫn rình mò trên đất khổ,
Người dân lành không một chỗ dung thân.
Bao năm dài canh cánh đợi mùa xuân,
Mà xuân vẫn chưa một lần trở lại.

Nghe tiếng sóng giữa đêm dài trống trải,
Khẽ rùng mình, sợ hãi chuyện tương lai.
Lời thề nguyền theo tuế nguyệt tàn phai,
Gươm định mệnh có chừa ai cuối nẻo.

Cành hoa buổi chia tay dù khô héo,
Từng cánh còn lẽo đẽo chẳng chịu rơi.
Người có hay hoa vẫn nhớ thương người,
Nên nấn ná giữa chợ đời giông gió.

Hồn xanh xao bỏ ngỏ,
Chờ chuông mõ xứ xa.
Quá khứ thoáng nhìn qua,
Trang sử cũ xót xa từng nét chữ.

Nhọc nhằn đời lữ thứ,
Hiện tại buồn đầy ứ có nào hay.
Bạn bè xưa đang rơi rụng liền tay,
Đứa còn lại đếm từng ngày từng tháng.

Bình minh chưa tỏ rạng,
Tìm bóng dáng xuân đâu.
Mai kia khi quê hương hết cơ cầu,
Ai sống sót để cùng nhau đón Tết.

Tuổi trời cho sắp hết,
Bước lưu vong mỏi mệt trăm phần.
Cõi gian trần dần vắng bớt người thân,
Lửa hy vọng cũng lần hồi tắt ngấm.

Dòng máu loãng chẳng còn mang hơi ấm,
Người cam lòng chịu số phận đành hanh.
Từng đêm dài nhớ tiếng trống cầm canh,
Miệng lẩm bẩm hoài câu kinh cứu khổ.

                                *
                              *  *
Xe đưa đón đã thập thò cuối phố,
Trong sân chùa, tiếng pháo nổ rền vang.
Thêm một năm mới nữa lạnh lùng sang,
Hai chiếc bóng cùng bàng hoàng tỉnh giấc.

Con chim nhỏ vừa hết cơn gà gật,
Vụt quăng mình biến mất giữa màn đêm.
Người khách già chầm chậm gượng đứng lên,
Buồn bã ngắm bóng mình trên đất lạnh.

                        Trần Văn Lương
                           Cali, 1/2016

07 February 2021

Hiện Tượng “Đối Tượng” và “Ấn Tượng” Của Tiếng Việt Đổi Đời

Đào Văn Bình

Theo định nghĩa, “đối tượng” là người/ kẻ mà mình nhắm tới. Thí dụ:

a) Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Nguyễn Văn A là đối tượng (kẻ, người, thành phần) mà cảnh sát cần theo dõi.

b) Theo như tiêu chuẩn chọn chồng đã đề ra, thì cậu B là đối tượng (người) mà cô ta có thể nhắm tới.

Hiện nay trong nước, hai chữ “đối tượng” được dùng loạn xà ngầu và quái đản. Cái gì cũng “đối tượng”. Một người đang uống cà-phê bị một kẻ côn đồ tới gây sự cũng gọi là “đối tượng”. Rồi kẻ gian đập cửa kính vào tiệm bán nữ trang ăn trộm cũng gọi “đối tượng”. Cảnh sát rượt đuổi những kẻ lái xe nguy hiểm trên đường phố cũng “đối tượng”. Để cho mọi người có thể ngoạn cảnh Hồ Gươm biến thành “Để cho các đối tượng có thể tiếp cận Hồ Gươm.” Khám xét phòng trà ban đêm thấy một số thanh niên có biểu hiện (dấu hiệu) sử dụng ma túy cũng “đối tượng”. Hung thủ gây ra cái chết cho người ta cũng “đối tượng”. Rồi 15 phần tử gây rối ở Phan Rí bị truy tố cũng “đối tượng”. Rồi bắt kẻ trộm két sắt của công ty cũng “đối tượng”. Rồi hai nhóm côn đồ đánh nhau cũng “hai nhóm đối tượng”. Đúng là tiếng Việt đổi đời quái đản. Sau đây là một thí dụ về bệnh dịch  “đối tượng” đang lan tràn trong nước và nhiễm ô cả hải ngoại.

1)      Một bản văn điên khùng đầy “đối tượng”
“Bị rượt đuổi, bốn đối tượng tình nghi buôn bán ma túy trên chiếc xe bán tải  (xe pick-up) đã tăng tốc khủng  và đụng phải hai đối tượng đi xe đạp bên đường. Chưa hết, chiếc xe còn leo lên lề, đụng phải một đối tượng bán bún riêu và hai đối tượng đang nhâm nhi  cà-phê, húc đổ bảng quảng cáo của đối tượng chủ mặt bằng.  Thấy chuyện lạ, cả trăm đối tượng ở hai bên hè phố đổ ra xem khiến giao thông ùn tắc, các phương tiện không sao di chuyển được. Cảnh sát phải làm việc rất căng mới xử lý được sự cố, bắt giữ những kẻ tình nghi buôn bán ma túy, đồng thời yêu cầu các đối tượng giải tán. Tuy nhiên vẫn còn mười đối tượng không chịu tuân theo chỉ thị cho nên đã bị cảnh sát mời về trụ sở công an phường, phạt cảnh cáo mỗi đối tượng một triệu đồng rồi cho về. Tuy nhiên một số đối tượng không mang theo tiền cho nên phải gọi điện thoại để gia đình đối tượng mang tiền đến nộp phạt.”
Dưới đây là bản văn không điên khùng, không “đối tượng”:
“Bị rượt đuổi, bốn kẻ tình nghi buôn bán ma túy trên chiếc xe chở hàng nhà (xe pick-up) đã chạy vong mạng và đụng phải hai người đi xe đạp bên đường. Chưa hết, chiếc xe còn leo lên lề, đụng phải một bà bán bún riêu và hai người đang uống  cà-phê, húc đổ bảng quảng cáo của chủ cửa hàng.  Thấy chuyện lạ, cả trăm cư dân và khách bộ hành ở hai bên hè phố đổ ra xem khiến giao thông tắc nghẽn, xe cộ không sao di chuyển được. Cảnh sát phải làm việc vất vả mới giải quyết được sự việc, bắt giữ những kẻ tình nghi buôn bán ma túy, đồng thời yêu cầu bà con giải tán. Nhưng vẫn còn mười người ương ngạnh không chịu tuân theo chỉ thị cho nên đã bị cảnh sát mời về trụ sở công an phường, phạt cảnh cáo mỗi người một triệu đồng rồi cho về. Tuy nhiên một số không mang theo tiền cho nên phải gọi điện thoại để gia đình mang tiền đến nộp phạt.”
2)      Một bản văn với thảm họa “ấn tượng”

“Sau khi xem xong một trận đấu bóng chuyền rất ấn tượng. Trên đường về nhà, tôi thấy một số em bé đang ca hát ở công viên thật ấn tượng. Tôi dừng lại nói chuyện với các em và vò đầu một em bé. Một em bật nói, “Cô trông thật ấn tượng.” Thế là ngày hôm nay tôi có hai ấn tượng. Về đến nhà, bố tôi hỏi, “Con xem đấu bóng chuyền có vui không?” Tôi trả lời, “Ấn tượng lắm bố ạ.”  Bố tôi gật gù ra vẻ hiểu tôi muốn nói gì. Cùng lúc ấy bố tôi bật máy truyền hình đang chiếu một chương trình triển lãm tranh. Phóng viên của kênh truyền hình phỏng vấn một khán giả, “Ông cho biết cảm nghĩ của ông về  buổi triển lãm.” Vị khách trả lời, “Tôi thấy thật ấn tượng.” Vị khách vừa trả lời xong thì màn hình xuất hiện hình cô xướng ngôn viên bình luận, “Thưa quý vị khán giả. Buổi triển lãm rất thành công và tạo nhiều ấn tượng cho người xem. Rất mong trong tương lai sẽ có nhiều sinh hoạt nghệ thuật đầy ấn tượng như thế này.” Ngay lúc đó thằng em trai từ ngoài cửa bước vào. Bố tôi hỏi, “Buổi lễ khai giảng trường con có gì lạ không?” Thằng em trả lời, “Đầy ấn tượng bố ơi. Bài diễn văn nào cũng ấn tượng. Nhất là bài diễn văn của ông bộ trưởng giáo dục, ấn tượng hết ý.” Nghe nói thế, bố tôi bảo, “Các con ráng học, kỳ nghỉ hè này bố sẽ cho các con tham quan (du lịch) một nơi rất ấn tượng.” Ngay khi đó thì mẹ tôi từ ngoài cửa bước vào. Bà lên tiếng, “Ở bên ngoài, tao nghe bố con tụi bay nói rất là ấn tượng. Nhưng cái ấn tượng đó chẳng ăn thua gì tới nhà mình. Báo, đài hôm nay nói giá thịt, giá săng tăng rất là ấn tượng, đầy kịch tính và đúng kịch bản. Nếu cứ tiếp tục tăng một cách ấn tượng như thế này thì dân không có cháo mà ăn. Đầu vào thì nhiều mà đầu ra thì ít (input-output).  Thôi, đầu óc tao căng lắm rồi. Tao đang điên đầu vì ấn tượng đây!”

Thực ra bản thân hai chữ “ấn tượng” nó có nghĩa là tạo ra một hình ảnh, một ý nghĩ, một cảm xúc gì đó mà cần phải có “bổ túc từ” mới rõ nghĩa. Nếu nói, “Cuộc triển lãm thật ấn tượng” thì chẳng ai biết cuộc triển lãm ra làm sao. Trước đây Miền Nam chúng ta thường nói, “Tạo một ấn tượng tốt đẹp”, “Để lại một ấn tượng đẹp”  hoặc “Đáng ghi nhớ” v.v.. Ngày nay tiếng Việt đổi đời do những thành phần bát nháo, ít học nắm giữ ngành truyền thông đại chúng cho nên nó giết chết tiếng Việt truyền thống, nói như người điên mà không hiểu mình nói gì.

***
Tiếng Việt trong nước bây giờ vô cùng hỗn loạn, bát nháo, nhất là trang tin Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV)

-Input-output được trong nước dịch là “đầu ra-đầu vào” nghe thô tục quá. Trước  1975, GS. Nguyễn Cao Hách-Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn dịch là "Nhập lượng-Xuất lượng". Nay chúng ta có thể dịch là “Vốn-Sản Phẩm” hoặc “Đầu tư-Thành quả”.

-Extensive Care được trong nước dịch là “chăm sóc tích cực”. Chăm sóc bệnh nhân mà cũng có tiêu cực và tích cực nữa sao? Đúng là tiếng Việt quái đản. Extensive care là chăm sóc đặc biệt với nhiều y tá, bác sĩ của nhiều khoa. Do đó, một cách đơn giản và gần đúng nghĩa, có thể dịch là “chăm sóc đặc biệt”.

-Account trên facebook được trong nước dịch là “tài khoản” trong khi “tài khoản” là số tiền có trong trương mục ở ngân hàng. Đúng là râu ông nọ cắm cằm bà kia! Ở Mỹ này khi chúng ta ký giao kèo với nhà đèn, hãng điện thoại, truyền hình…thì người ta cho mình một “account number” tức là số giao kèo, số thỏa thuận…chứ không phải tài khoản. Như vậy “account” trên facebook là số giao kèo. Khi người ta chấm dứt là chấm dứt thỏa thuận hay khế ước/giao kèo với mình chứ không phải chấm dứt tài khoản. Chúng ta làm gì có tiền gửi ở facebook?

-Tài xế (driver) ở Việt Nam bây giờ đã chết và được thay bằng “lái xe” (driving). Chúng ta hãy xem một bản tin nói về APEC 2017 như  sau, “Các lái xe điều khiển dàn xe khủng để bảo vệ lãnh đạo tham dự APEC 2017”. Rồi VOV ngày 27/9/2018, “Lái xe taxi thiệt mạng vì ngã xuống cống…” Nếu “tài xế” trở thành “lái xe” thì phải hiểu câu nói này như thế nào ? “Các lái xe đang bàn chuyện lái xe.” Tài xế là danh từ. Còn “lái xe” là động từ. Hiện nay trong nước có “bệnh dịch” là dùng danh từ thay cho động từ! Thí dụ: Kỷ luật là quy tắc, quy củ phải theo, nay biến thành “trừng phạt”. Thí dụ: “Kỷ luật bí thư thành ủy…” tức trừng phạt ông bí thư thành ủy. Rồi “kỷ luật quân đội”, “kỷ luật học đường” ngày này biến thành trừng phạt quân đội, trừng phạt trường học! Đúng là tiếng Việt đổi đời!
-Thăm viếng, ngoạn cảnh, du ngoạn trở thành “tham quan”. Như vậy “tham quan ô lại” có nghĩa là đến thăm viếng, ngắm nghía ông quan tham nhũng hối lộ?

-Thản nhiên (Miền Nam còn gọi là tỉnh bơ) nay biến thành “vô tư” trong khi vô tư là công bằng, không thiên vị “chí công vô tư”. Nếu người dân cứ quen dùng “vô tư” là thản nhiên (không thèm để ý đến luật lệ, đến người khác) thì: Một ông luật sư ra tòa biện hộ cho thân chủ, nếu nói rằng, “Thân chủ của tôi làm việc rất vô tư..” thì chắc chắn bị can này tội sẽ rất nặng vì ông ta làm việc cẩu thả, không cần biết đến luật lệ, không cần để ý đến người chung quanh.

Tiếng Việt rất tế nhị và phong phú, dĩ nhiên phải cắp sách đến trường mới thấy sự phong phú của nó:
-Thản nhiên là làm mà không cần để ý đến người chung quanh, đến luật lệ. Thí dụ: Ông ta thản nhiên đổ rác ngay dưới tấm bảng “cấm đổ rác”. Ngày xưa Miền Nam còn nói, “Ông ta tỉnh bơ đổ rác ngay dưới tấm bảng “cấm đổ rác”.

-Hồn nhiên là hành động một cách ngây thơ như trẻ con, đẹp và dễ thương.
-Vô tư là không thiên vị (Chí công vô tư).
-Vô tư lự là không lo nghĩ.
-Vô tình có hai nghĩa. 1) Không cố ý. Thí dụ: Tôi vô tình/vô ý đánh rơi chiếc đồng hồ. 2) Không đáp ứng bằng tình cảm, không xúc động. Thí dụ: Nàng rất vô tình, không đáp lại lời van xin của tôi.
-Vô cảm hiện đang được dùng ở trong nước với nghĩa “lạnh lùng”, “không hề xúc động”. Hai chữ “vô cảm” hoàn toàn bịa đặt, không hề có trong tự điển Việt Nam, kể cả tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh.
-Hoàn thành/hoàn tất và hoàn thiện. Hiện trong nước không phân biệt được nghĩa của ba chữ này. Hoàn thành/hoàn tất là làm xong một công việc, công trình, dự án nào đó. Còn hoàn thiện là làm cho tốt hơn. Thí dụ: Hoàn thiện con người, tức là tu sửa để con người trở nên tốt hơn, đạo đức hơn. Một công trình đang xây cất không thể nói “sắp hoàn thiện” mà phải nói “sắp hoàn thành” hoặc “sắp hoàn chỉnh”.
-Nữ thủ khoa “kép”…Thật sự tôi không hiểu “thủ khoa kép” là gì. Sau khi đọc bài viết tôi mới hiểu cô này đậu thủ khoa cả hai đại học, nhưng lại được viết bằng loại văn vô cùng bát nháo mà cần phải có thông dịch viên tiếng Việt mới hiểu! Chữ “kép” (hai) chỉ dùng trong một số ít trường hợp, như  áo đơn”, áo kép, lãi đơn, lãi kép, tú đụp, tú kép (đậu Tú Tài hai lần kỳ thi Hương).
- “Cách gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng” (Yahoo Groups). Tôi thật sự không hiểu câu này nói gì và cần một thông dịch viên giải thích dùm!
-Nuôi và gây giống các loài tôm cá biến thành “nuôi trồng thủy sản”. Thật không thể tưởng tượng được người ta có thể “trồng” được tôm cá. Cả nước nói như những con vẹt mà không một ý thức phản tỉnh đúng-sai.
-“8 món ẩm thực kinh điển của người Nga” (VOV). Ăn uống mà cũng “kinh điển” nữa sao? Thực ra đây chỉ là các món ăn cổ truyền giống như bánh chưng, bánh giầy của Việt Nam nhưng lại viết dưới dạng bát nháo vì ít học.
-“ Nghi phạm giết nữ nhà báo” (BBC tiếng Việt ngày 11/10/2018).. Cả trăm năm nay người ta nói  nữ ký giả/nữ phóng viên chứ làm gì có nữ nhà báo? Trình độ tiếng Việt như thế mà cũng đòi cầm bút!

Đào Văn Bình
(Califorania ngày 20/10/2018)

06 February 2021

Năm Sửu Nói Chuyện Trâu

Phạm thành Châu


Thường niên đáo lệ, năm mới cầm tinh con nào thì nói chuyện con đó. Năm nay là năm Sửu, chúng ta đem chuyện con trâu ra "phân tích", xem có gì đáng nói không?

Ngay từ buổi đầu dựng nước Văn Lang, thời Hùng Vương đã biết dùng trâu, bò vào việc đồng áng. Trâu Việt Nam thuộc giống Karabao được thuần hóa từ trâu rừng, rất hiền lành và vâng lời chủ. Trâu Việt Nam thuộc nhóm “đồng lầy” chỉ có khả năng cày bừa chứ không cho sữa nhiều. Trâu thuộc nhóm “sông nước” ở Ấn Độ cho nhiều sữa hơn.  Theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh thì chữ Ngưu là bò, người Việt thì cho là trâu. Bộ Hán Ngữ Đại Tự xuất bản năm 1993 tại Thành Đô, Tứ Xuyên thì chữ Ngưu chỉ chung loại động vật có vú, đầu có sừng, chân guốc, đuôi có chùm lông dài, ăn cỏ nhai lại như trâu, bò, bò Tây Tạng… Để phân biệt, người ta gọi bò là Hoàng Ngưu, trâu là Thủy Ngưu, Bò Tây Tạng là Mao Ngưu, Tê Giác là Tê Ngưu. Nhưng nói theo tiếng Quảng Đông, gọi chung là “Ngầu”. Phở bò là Ngầu Phắng hay Ngầu Phảnh để chỉ món ăn nấu bằng hủ tiếu với thịt bò. “Ngầu Pín” là dương vật con bò. Các từ điển khác đều nói Ngưu là Trâu. Ngưu nhục là thịt trâu.

Trâu bò là loài thú nhai lại. Chúng có bộ máy tiêu hóa rất đặc biệt, có bốn ngăn, giữ bốn nhiệm vụ khác nhau. Khởi đầu, trâu, bò dùng lưỡi vơ lấy cỏ và cắt bằng răng cửa hàm dưới với lợi hàm trên, sau đó, lắc đầu cho đứt và nuốt vào mà không nhai. Cỏ vào bụng được chứa trong một túi lớn, kế đến chuyển vào túi tổ ong và giữ lại đấy. Lúc nghỉ ngơi cỏ được ứa lên mệng để nhai lại rất kỹ rồi cỏ từ miệng chuyển thẳng tới túi sách và được tiêu hóa nhờ các dung dịch từ dạ dày tiết ra. Sau rốt cỏ được chuyển tới túi cuối cùng để biến thành chất bổ dưỡng nuôi sống con vật. Do sự phức tạp trên nên trâu bò có ruột non và ruột già dài tới bốn mét để thích ứng với loài nhai li.

Ở Mỹ, với người Việt lớn tuổi thì ai cũng biết con trâu, nhưng bọn trẻ không hề thấy con trâu bao giờ. Lúc mới qua Mỹ được vài năm, một lần, thành phố tôi ở, có lễ lạc, kỷ niệm gì đó, ngoài thương xá gần nhà tôi có tổ chức vui chơi cho trẻ con. Đu quay, lái xe (trẻ con), hát hò...Tôi dẫn thằng con sáu tuổi ra tham dự. Thấy ở góc sân chơi có một con trâu nằm nhai cỏ, tôi không quan tâm, nhưng thằng con tôi lêu lên, kinh ngạc "Con dinosaur!" (khủng long). Hóa ra nó không biết đó là con trâu. Tôi đứng lại cho nó ngắm vừa giải thích, đó là con vật dùng để kéo xe, kéo cày ở Việt Nam cũng như ở các nước Đông Nam Á. Tôi còn nói "Nhà nông ở Việt Nam rất thương con trâu, đến nỗi người ta làm thơ ca tụng con trâu "Trâu ơi, ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta..." Ngâm xong, tôi phải dịch ra tiếng Mỹ nó mới hiểu. Tôi còn hát một bài về con trâu "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, ta sờ sừng trâu, rồi ta vuốt đuôi trâu..." như lúc nhỏ, tôi thường nghêu ngao với chúng bạn khi còn ở quê nhà. Ca nhạc Việt Nam thường bị xuyên tạc, nhưng tôi biết, có hát gì thằng bé cũng chẳng hiểu!

Nói linh tinh về chuyện trâu thì không bao giờ hết, thế nên tôi xin được ngắn gọn mấy chuyện sau đây.

Nuôi trâu để làm gì? Ai cũng nói "Để cày ruộng". Nhưng ông Lão Tử nuôi trâu để cưỡi đi khắp nơi. Tôi nhớ (không bảo đảm lắm), hễ ai nói gì chướng tai thì Lão Tử ta lấy quạt mo che "cái dưới đuôi trâu" lại. Người thượng cao nguyên Việt Nam nuôi trâu để làm của. Nhiều trâu, nhiều chiêng, cồng là giàu. Dân buôn làng vi phạm "lệ làng" thì bị phạt trâu, gà. Theo quốc lộ 14, những khoảng trống ven đường, dưới thung lũng, những dân tộc Mạ, K ho, M nông…thả trâu ăn cỏ khắp nơi. Gặp một người đàn bà Mạ đang chăn hàng chục con trâu, chúng tôi hỏi “Có ai hỏi mua trâu không?” Chị ta nói “Có nhiều lắm. Họ hỏi mua về làm thịt. Nhưng không bán. Ôi! Tội con trâu lắm. Không bán đâu!” Tôi xem DVD thấy người Thượng làm lễ đâm trâu rất đáng sợ. Họ cột một con trâu vào cọc, dùng dao nhọn phóng vào chỗ quả tim con trâu, rồi họ chặt nhượng chân sau cho con trâu quị xuống, rồi lại đâm tiếp. Con trâu ngơ ngác, không hiểu vì sao, người ta đâm mình, chặt chân mình rồi cắt cổ mình, lấy máu uống? Con người mà tự nhiên bị đập đầu chôn sống hoặc đâm chém, cắt cổ... kiểu đó tất phải gào thét, khóc la ghê lắm. 

Người Thượng rất thương yêu trâu. Khi con trâu của mình bị đưa ra làm lễ “đâm trâu”, bà chủ thương tiếc, khóc than rất cảm động.

Mời trâu ăn lá cây lần cuối.
Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi!
Ta không thể giúp gì cho trâu được.
Trâu hãy rung cho ngã cọc nêu.
Trâu vùng vẫy cho đứt chùm dây.
Người ta sắp xẻ thịt trâu rồi đấy!
Thôi ta vĩnh biệt trâu ta từ đây.
Trâu hãy ăn nắm cỏ này lần cuối.
Trâu hãy ăn trước khi trâu chết…”

Các xứ ở Châu Á nuôi gần 140 triệu con trâu. Các nước  Âu, Mỹ nuôi trâu trong sở thú để thiên hạ xem cho biết con trâu ra sao. Nhiều nước nuôi trâu để giết thịt, có nơi thịt trâu bán ra nhiều hơn thịt bò. Như Ấn Độ mỗi năm sản xuất gần một triệu tấn thịt trâu, Pakistan, gần nửa triệu tấn. Việt Nam cũng ăn thịt trâu, nhưng thường là trâu già, trâu bịnh. Không ai nỡ giết trâu mình nuôi "Con trâu là đầu cơ nghiệp", nhờ nó cày bừa mới có hạt cơm cho gia đình.

Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trước đây, ruộng vườn đều là của hợp tác xã, mọi người là xã viên, làm ăn "công điểm". Trâu hợp tác xã không ai săn sóc (nhiều sãi không ai đóng cửa chùa) trâu "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" mà không cho ăn no, kiệt sức, được đưa vào nhà bếp bỏ vô chảo rồi chui vô bụng xã viên, nên khi nào cần cày ruộng thì phải thuê máy cày bên hợp tác xã cơ khí nông nghiệp. Muốn anh thợ máy cày cầy ruộng hợp tác xã cho tốt, ban chủ nhiệm phải đãi đằng, thịt rượu anh ta mới chịu làm. Không cho anh ta ăn nhậu, không phong bì bỏ túi thì máy cày tất phải hỏng hóc. Cày bữa đực bữa cái, hết thời gian hợp đồng, anh ta lái máy cày về, kịp thời vụ hay không đâu phải chuyện của anh ta. Thế mới có câu "trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ (máy cày màu đỏ) ăn gà".

Tranh Đông Hồ có vẽ một thằng bé chăn trâu, ngồi trên mình trâu thổi sáo, con trâu thì vểnh tai lên nghe. Ý xỏ xiên chi đây chứ trâu có biết gì âm nhạc kịch nghệ đâu? Bằng chứng là câu "đàn gãy tai trâu". Tranh nầy có từ thời xưa được lưu hành cho đến sau nầy.

Sữa trâu, tốt hơn sữa bò, không phải dành riêng cho con nghé như Việt Nam ta mà còn làm thức uống cho người. Á Châu sản xuất 41 triệu tấn sữa mỗi năm, nhiều nhất là Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Philippine...

Ở Mỹ có loại trâu rừng gọi là Bison. Toàn nước Mỹ có khoảng 350,000 con. Có ích lợi gì thì không biết, nhưng đến mùa đông phải lùa chúng vào những nơi "tạm trú", sẵn rau cỏ, nước nôi cho chúng xơi, khi trời ấm lại cho ra rừng. Người Tây Tạng, ở xứ lạnh, có nuôi một loại trâu, gọi là trâu lùn, lông rất dày để che gió lạnh, họ chế biến sữa trâu thành "dầu tô", thắp đèn ở các đền, chùa thờ Phật, không có khói. Ở Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ không có cây làm củi, họ phải lượm phân trâu về phơi làm chất đốt. Các bà, các cô gái đi nhặt phân trâu về, trộn với rơm rạ, nắm thành từng cục cỡ nắm tay, đem phơi khô, đốt thay củi nấu nướng. Xem thế, thân thể con trâu, không bỏ cái gì cả. Lông trâu dùng làm bàn chải, làm cọ hoặc bút lông cho mấy ông đồ già viết câu đối đỏ, sừng trâu làm lược chải đầu cho quí bà và làm tù và để thổi, da trâu nấu mãi thành "a dao", trộn với vôi để xây nhà, quét tường, trộn với màu để vẽ tranh sơn dầu không hư, da trâu còn làm mặt trống, làm giày, dép, bóp, xách tay. Da trâu có thể xắt nhỏ, cỡ ngón tay, thui trên lửa cho cháy sém, đập cho mềm, ăn thơm thơm, béo béo.

Miền Nam Việt Nam ta, đến mùa nước nổi, khắp nới ngập nước, không có cỏ cho trâu ăn nên chủ trâu giao trâu cho một toán người chuyên nghiệp, họ nhận hằng trăm con trâu, lùa đến các vùng cao, đồi núi, có cỏ cho trâu ăn. Hết mùa lụt, lùa trâu về trả lại chủ, lãnh tiền công. Đó là nghề "len trâu". Chuyện xảy ra thời trước kia, nay có máy cày, ít người nuôi trâu, vì bắt đứa nhỏ chăn trâu thì không thể đi học được.

Bạn biết thuốc chủng ngừa đậu mùa chế biến từ đâu không? Từ con trâu. Có một loại đậu mọc trên cơ thể trâu, bò, gọi là "ngưu đậu". Người ta trích mủ "ngưu đậu" nhân giống loại vi trùng nầy rồi làm yếu đi, chế biến thành thuốc chủng ngừa đậu mùa cho người. Trên thế giới, hiện nay bịnh đậu mùa gần như không còn, nhưng một số nước vẫn còn "nuôi" con vi trùng đậu mùa, để dành. Khi có chiến tranh thì nhân giống lên, đem thả xuống nước thù địch, cho cả nước bị đậu mùa chết hết. "Mánh" nầy lấy từ lịch sử. Chuyện kể rằng, ở Châu  u, vào thời trung cổ, có một  nước kéo quân vây thành trì nước nọ, khá lâu mà không chiếm được thành, bèn nảy ra sáng kiến, vất vào trong thành một xác chết bị bịnh dịch hạch. Cả thành, già trẻ lớn bé đều bị bịnh dịch hạch chết ráo! Vậy là "bất chiến tự nhiên thành". Nhưng bên thắng cuộc không dám chiếm thành. Thời trung cổ, châu  u gồm nhiều nước rất nhỏ, do một ông hoàng nào đó làm chúa đất, đánh nhau lung tung để giành đất, chỉ người dân là khổ. Cũng giống như bên Tàu, thời Đông Châu Liệt Quốc, trước Công Nguyên, có đến hàng trăm tiểu quốc, thường xuyên chém. giết nhau “lấn đất giành dân”, trăm họ đồ thán!

Đó là chuyện bên tây. Bên Việt Nam ta, như đã nói, nhà nông rất quí trọng con trâu. Đến nổi nhà vua ra luật "ngưu quyền", nghĩa là con trâu được luật lệ bảo vệ đàng hoàng. Theo Quốc Triều Hình Luật (luật Hồng Đức), ban hành đời nhà Lê, thế kỷ 15. Mua bán trâu phải làm giấy tờ, làm thịt trâu phải xin phép, phải được chính quyền địa phương xác nhận trâu già, trâu bịnh mới được xẻ thịt. Tội trộm trâu, giết trâu bị phạt rất nặng. Năm Đinh Dậu (1117) Vua Lý Thánh Tông xuống chiếu định rõ lệnh cấm giết trộm trâu, nếu vi phạm, chồng bị phạt 80 trượng cho vào quân đội làm lao công (đồ khao giáp), vợ 80 trượng, đưa vào sở chăn tằm. Hàng xóm biết mà không tố cáo, bị phạt 80 trượng (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) Có một điều luật rất chi tiết "Khi hai con trâu của hai nhà húc nhau, con nào chết thì cho hai nhà mổ thịt (chia nhau), con còn sống thì hai nhà cùng cày bừa (dùng chung). Ai trái luật thì bị phạt 80 trượng"

Trâu thuộc về định chế nghi lễ. Tế Xã Tắc ở kinh đô do vua đứng làm chủ tế, cũng như tế Trời ở Đàn Nam Giao triều Nguyễn phải có lễ Tam Sanh (trâu, heo và dê). Trâu là chính yếu. Giết trâu (thường là con nghé) ngay bên lễ đàn, thui nguyên con đem tế.

Nhà Lê Trung Hưng, hàng năm, Phủ Chúa Trịnh, còn gọi là Phủ Liêu tổ chức Lễ Xuân Ngưu. Đây là đại lễ quốc gia. Trâu được làm bằng cốt tre, phủ đất, rước từ Phủ Chúa qua cung Vua, ở điện Vạn Thọ. Đám rước theo nghi lễ long trọng, sau đó con trâu giả nầy được thả xuống sông ở đông Hà Môn.

Tục chọi trâu. Sử ghi. Năm Mậu Tý (1048), vua Lý Thái Tông xuống chiếu định phép chọi trâu về mùa Xuân. Riêng vùng Đồ Sơn (Hải Phòng) tổ chức vào tháng tám âm lịch “Dù ai buôn đâu, bán đâu, nhớ ngày tháng tám chọi trâu thì về”. Tổng Đồ Sơn có 14 thôn, các thôn đều có nuôi trâu để chọi. Trâu chọi thường từ 8 đến 10 tuổi. Trước ngày hội, có cuộc đấu loại giữa trâu 14 thôn, chỉ giữ lại 6 con vào “chung kết”. Trâu được cho uống rượu rồi đưa ra đấu từng cặp. Chọi nhau cho đến khi một con bỏ chạy hoặc bị húc chết. Trâu thắng trận được võng lọng đón rước tưng bừng. Nhưng dù thắng hay thua, sáu con trâu đều bị làm thịt cúng thần rồi bán cho dân làng.

Lễ Tịch Điền đầu tiên ở nước ta là vào năm Thiên Phúc thứ 8 đời tiền Lê do vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) thực hiện. Vào đầu xuân, quan Hữu Ty chọn ngày tốt đắp đàn tế. Vua vào tế Thần nông, cầu cho mưa thuận gió hòa rồi tự tay cầm cày, cầy ruộng. Trâu cày phải là trâu đực, còn trẻ, mạnh khỏe và được phủ gấm vóc trên lưng. Vua cầy ba đường tượng trưng, sau đó các quan thay phiên nhau xuống ruộng, cũng cầy mấy đường. Ruộng đó trồng lúa, loại ngon nhất đem dâng vua gọi là gạo ngự.

Vì con trâu rất quan trọng cho nhà nông nên việc mua trâu phải rất cẩn thận. Nhiều lái trâu, đem trâu miền núi, không biết cày ruộng, về bán cho nhà nông. Miệng lái trâu rất dẻo nên nhiều người bị lầm, "Lái trâu, lái lợn, lái bè, trong ba anh ấy chớ nghe anh nào". 

Người mua trâu, phải biết gốc gác con trâu, phải biết xem tướng trâu "sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi. Mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn" hoặc "Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu thì tậu liền tay" là trâu tốt. Câu xem tướng trâu "Khô chân, gân mặt, đắt mấy cũng mua", hình như các bà cũng dùng câu nầy để xem tướng người giúp việc. Hóa ra con người cũng bị xem ngang hàng với con trâu! 

Tiếp theo đây là mục mà quí ông, bà tuổi Sửu nên đọc kỹ. Tức là mục xem tướng số những người tuổi con trâu. 

Sách tướng có nói rằng "Người tuổi Sửu (tuổi con trâu) thường cần cù, chịu khó, ít ba hoa, khoác lác. Bề ngoài trầm tĩnh, điềm đạm nhưng có khi cũng nổi cục, mà nóng lên thì rất dữ! (trâu điên!). Tuổi trẻ có vất vả, nhưng trung niên và tuổi già cũng được an nhàn. Về đường nhân duyên, không nên lập gia đình sớm, vì có thể gặp trắc trở. Trên hai mươi tuổi mà lập gia đình thì trên thuận dưới hòa, gia đạo yên vui, con cái nên người, có hiếu với cha mẹ, anh chị em thương yêu nhau. Tuổi Sửu hợp với tuổi Tỵ, tuổi Dậu". 

Tử vi, tướng số kiểu đó thì ai mà không nói được. Cứ đem con trâu ra mà "phản ánh" cho người tuổi Sửu. Trâu phải cày bừa, đương nhiên là vất vả rồi, lúc về già ốm yếu, hom hem, chủ nhớ ơn nên không bán hay xẻ thịt mà vẫn nuôi dưỡng, săn sóc. Như thế tuổi già thong dong, an nhàn. Theo cách đó thì người tuổi Ngọ (con ngựa) phải dời chỗ ở luôn luôn, chạy ngược, chạy xuôi suốt đời, mà vẫn không đủ ăn. Người tuổi Hợi (con heo) thì sướng lắm "tuổi Hợi nằm đợi mà ăn", chẳng cần bon chen, lo lắng gì mà lộc trời cứ ban cho mãi, nhưng số nầy coi chừng bị bất đắc kỳ tử, thường bị tai nạn, có thể bị mổ xẻ (bị làm thịt). “Người mập, da trắng, mắt híp, má xệ, lười biếng là tướng con heo. Yểu mệnh” Người tuổi Mùi (con dê) thì "ham chơi bời", không chịu lao động, thấy gái thì mắt la, mày lét. Người "tuổi Mẹo là con mèo ngao, hay cấu hay cào, ăn vụng quá tinh"...

Thế nên, xin quí vị đừng tin mấy ông, bà lốc cốc tử nầy mà tốn tiền, tốn thì giờ. Tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện. Đừng cướp của, giết người, làm chuyện bất lương, phạm pháp. Cứ ăn ở nhân đức thì con cháu hưởng phước.

Đã xong chuyện bên tây và Việt Nam ta rồi. Để chấm dứt bài nầy, mời bạn nghe kể chuyện bên Tàu.

Trước Công Nguyên hàng nghìn năm, ở bên Tàu có nhà Chu xưng vương đóng đô ở miền Thiểm Tây, gọi là Tây Chu (1134 - 770 BC), sau vì rợ Khuyển Nhung quấy phá nên dời đô qua phía đông (Lạc Dương- Hà Nam) nên gọi là Đông Chu (770 - 221). Thời Đông Chu lại chia làm hai thời kỳ: Xuân Thu (722 - 479) và Chiến Quốc (479 - 221). Thời Tây Chu có trên một nghìn chư hầu, các chư hầu đánh nhau, tiêu diệt nhau, đến thời Đông Chu còn trên một trăm chư hầu. Qua thời Chiến Quốc số chư hầu chỉ còn trên một chục, tiếp tục đánh nhau, tiêu diệt nhau, dân lành tiếp tục chết. Sử sách Tàu có ghi lại những chuyện chém giết nhau túi bụi đó trong bộ Xuân Thu Chiến Quốc. Trong bộ truyện đó, tôi rút ra một đoạn, đoạn nầy có nhắc đến chuyện những con trâu. 

Vào thời Chiến Quôc, nước Yên (vùng đông bắc nước Tàu) đem quân đánh nước Tề (nằm ở bờ biển phía nam nước Yên). Tướng Yên là Nhạc Nghị, trong vòng sáu tháng, hạ được 70 thành của Tề, chỉ còn hai thành Cử Châu và Tức Mặc đang bị bao vây rất ngặt. Tướng giữ thành Tức Mặc là Điền Đan cùng quân dân chống trả quyết liệt. Vây suốt ba năm mà không hạ được thành, Nhạc Nghị lui quân 9 dặm (hơn 5 cây số). Điền Đan cho người phao tin trong triều đình Yên là Nhạc Nghị muốn tự lập làm vua nước Tề. Vua Yên cho quan đại phu là Kỵ Kiếp ra thay Nhạc Nghị. Nhạc Nghị sợ bị giết, bỏ trốn sang Triệu. Điền Đan lại cho phao tin rằng quân Tề sợ nhất là bị cắt tai. Kỵ Kiếp bắt được quân Tề là xẻo tai khiến quân Tề trong thành rất căm phẫn. Điền Đan lại phao tin rằng dân trong thành sợ nhất là mồ mả (ngoài thành) bị đào bới, Kỵ Kiếp cho đào tất cả mồ mả, vất xương khắp nơi. Dân trong thành tức giận, thề sống chết với kẻ thù. Rồi Điền Đan đem vàng bạc đút lót các tướng bên quân Yên và xin thương lượng để đầu hàng (dâng thành). 

Trong lúc đó điền Đan họp dân quân trong thành, chuẩn bị chiến đấu. Ông gom tất cả trâu trong thành lại, phủ lên mình trâu những tấm vải vẽ những hình kỳ dị, sừng trâu được cột gươm dao bén, đuôi trâu cột đồ dẫn hỏa...

Nửa khuya, Điền Đan kích động dân quân trong thành "Chỉ còn con đường sống là phải tiến lên. Xã tắc mất rồi, hồn phách phiêu bạt, biết quay về đâu?" Rồi mở cửa thành, đốt lửa ở đuôi trâu, thúc trâu chạy trước, quân sĩ theo sau, dân trong thành ùa theo, vừa reo hò vừa gõ bất cứ vật dụng gì để gây tiếng động uy hiếp tinh thần đối phương. Trâu bị đốt sau đít, nóng quá, đâm đầu chạy về phía quân Yên, gặp gì chém nấy. Quân Yên tưởng quân nhà trời, sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Điền Đan thừa thế, xua quân đánh tiếp, chiếm lại được tất cả 70 thành trì của Tề bị mất trước đây. 

Điền Đan đã sử dụng trâu như những chiếc xe tăng có "bộ binh tùng thiết" thời hiện đại.

Sau đây thêm một chuyện của mấy ông vua phịa bên Tàu. Mời quí bạn đọc chơi.

Đời xưa, bên Tàu có Hứa Do là người hiền, sống ẩn dật ở Bái Trạch. Vua Nghiêu nghe tiếng muốn nhường ngôi, nhưng bị Do từ chối. Sau đó Do lui về ở ần tại núi Trung Nhạc, phía nam sông Dĩnh Thủy, vua Nghiêu lại tìm đến cố mời ông làm vua. Hứa Do không muốn nghe nên ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai. Sào Phủ đang dắt trâu xuống sông uống nước, thấy Hứa Do đang rửa tai, hỏi nguyên do. Do nói “Không muốn nghe đề nghị làm vua, bẩn tai”. Sào Phủ nghe nói, dắt trâu lên phía trên cho trâu uống nước. Do hỏi tại sao. Phủ đáp “Sợ trâu ta uống nước bẩn của tai anh”. Sào Phủ lại hỏi Hứa Do. “Tư cách, đạo đức anh cỡ nào mà vua Nghiêu phải nhường ngôi cho anh?”

Đến đây là chấm dứt “Chương trình của ban Tùng Lâm”. Chúc bạn một năm con trâu, khỏe như trâu, suốt năm kéo cày mệt nghỉ!

Phạm thành Châu

04 February 2021

Xem tranh CHỜ EM của A.C.La

Cái phông màu tím

Tôi không phải là người phê bình tranh thứ thiệt như A.C.La cho là đã gặp được, vì tự thấy vốn hiểu biết của mình còn thiếu nhiều lắm, chỉ thỉnh thoảng thoạt nhìn một bức tranh, thấy bị thu hút mạnh, mới xem đi xem lại vài lượt, rồi thử « mao tôn cương » vài câu cho vui vậy thôi.

Tôi cũng đồng ý với A.C.La là dạo nầy ông ấy rất sung sức, sáng tác rất mạnh, trong vòng chưa đầy hai tháng, tháng 10 và 11, ông đã vẽ xong một hơi 5 bức sơn dầu : 3 bức tranh phong cảnh và 2 bức diễn tả nội cảm (xin quí vị tha lỗi cho tôi vì chữ mới chế nầy).

Điều làm tôi chú ý ngay khi nhìn bức tranh CHỜ EM là cái phông màu tím với nhiều sắc độ đậm nhạt hoà quyện với nhau, như diễn tả nổi xôn xao trong lòng thiếu nữ, và xoắn lại như tâm của cơn lốc ngay sau lưng thiếu nữ, đẩy người con gái như lướt tới trước, chân không chạm đất.
Tôi thích cái phông màu tím nầy, màu của nhớ nhung, nó diễn tả được cái tâm tình rộn ràng, nhưng nhẹ nhàng pha một chút e ấp của thiếu nữ, không phải cái nét sôi nổi của các màu nóng vàng và đỏ ; nó cũng rất hợp với màu trắng thanh thoát của chiếc áo dài trên người cô gái. Tà áo trắng tinh khôi từ thuở « em tan trường về, anh theo Ngọ về », « ...tóc dài tà áo vờn bay » sao vẫn quấn quít trong ký ức của hoạ sĩ. Đây là lần thứ ba trong một khoảng thời gian không dài lắm, người xem tranh A.C.La thấy lại cũng người con gái với vóc dáng mảnh mai, thon thả trong chiếc áo dài trắng trinh nguyên.

Với ÁO TRÙNG DƯƠNG, người xem tranh đã thấy người con gái với tà áo dài trắng, tóc lộng gió, chân trần, một mình lang thang trên bờ biển, bình thản nhìn sóng xô đập vào bờ đá, bọt nước tung toé.

Trong TÂM SỰ, cũng người con gái dáng dong dỏng trong chiếc áo dài trắng, tà áo phất phơ theo gió, ngồi tựa nhẹ bên bờ đá, mặt nhìn nghiêng, dõi mắt theo mặt biển bao la hướng về chân trời xa tắp, như mong chờ ai.

Và bây giờ là CHỜ EM. Ở đây người xem tranh mới thấy rõ mặt người con gái trong mộng của ai đó. Toàn thân thiếu nữ từ đầu tới chân chiếm hết 3/4 chiều cao bức tranh, riêng chiếc áo dài trắng từ vai tới chân choán 3/5 chiều cao tranh, chẳng những không mất cân đối, mà gần như còn được kéo dài thêm một chút nhờ độ tương phản ( le contraste ) của màu vàng bụi cỏ và màu tím đậm phủ lên màu nâu của phiến đá bên đường. Một chút ánh sáng mặt trời phả vào vạt áo dài phất lên theo đà chạỵ của thiếu nữ làm cho màu trắng trên toàn thân như sáng hơn và bồng bềnh hơn ; tiếp tục chiếu sáng cho bụi cỏ reo vui dưới chân thiếu nữ, niềm vui được chuyển tiếp thành vẻ hớn hở trong ánh mắt và làn môi hé mở thay cho lời gọi thảng thốt là tựa của bức tranh.

Tiếng gọi không cần phát ra thành lời, nhưng được chăm chút diễn tả qua màu tím tràn ngập nhớ nhung của cái phông, qua màu trắng đầy ắp kỷ niệm của chiếc áo dài, qua dáng đi bươn bả như chạy, chân không kịp chấm đất, qua niềm vui rạng rỡ trên nét mặt của người con gái, người xem tranh thấy hoạ sĩ đã dành cho một lời đáp là vòng tay ấm đang chờ người con gái.

Trước khi rời mắt khỏi bức tranh, người xem tranh cảm thấy có một điều gì hơi vương vướng. Cánh tay trái duỗi thẳng ra sau của người con gái ở cuối đà vung tay dường như hơi ngưng đọng, làm giảm nét linh hoạt trong động tác chạy hối hả của cô (Điểm này đã được sửa lại trên bức tranh - A.C.La). Tuy nhiên điều đó không làm mất vẻ đẹp toàn thể của bức tranh.

NQMINH Paris

MONG, thơ

Ôi người láng giềng 'tốt bụng'!

Đòn Xâm Lược Bẩn Thỉu của Tàu Cộng 
Vũ Cao Đàm

Giới thiệu vài dòng tiểu sử của GS. Vũ Cao Đàm:

"... Gần hết cuộc đời, tôi đã nuôi trong lòng tình hữu nghị cao cả với đất nước quê hương của Đức Tổ họ Vũ của tôi. Tôi có lai lịch là người gốc Trung Hoa. Đức Tổ khai sinh ra dòng họ Vũ của tôi là một người thuộc dòng họ Vũ xã Long Khê, huyện Phúc Điền, tỉnh Phúc Kiến, bên Trung Hoa. 
Đức Tổ của tôi là Vũ Hồn, được Vua Đường Vũ Tông cử làm An Nam Đô hộ sứ cai trị xứ An Nam trong khoảng thời gian 841-843 theo Tây lịch.

Nhưng rồi vì thất sủng với Nhà Đường, Vũ Hồn đã về sống ẩn dật với người vợ An Nam ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc tỉnh tỉnh Hải Dương sinh cơ lập nghiệp, dựng nên dòng họ Vũ ở Việt Nam ngày nay.

Tôi nuôi những tình cảm ấm áp với người Trung Hoa từ cuối những năm 1930, khi tôi mới 3-4 tuổi, ở một vùng quê rất xa thành phố. Đó là châu Dực Yên thuộc tỉnh Hải Ninh ngày xưa, mà hôm nay vẫn còn giữ nếp sống bằng lặng, yên bình, ngay sát thành phố Móng Cái, ở đó, vẫn còn dấu ấn của hàng xóm là những người Hoa chất phác, đôn hậu, tắt lửa tối đèn cùng gia đình chúng tôi chia sẻ từng bát cháo hoa ăn với chao và trứng muối…"

** 

Lướt nhanh trên mạng những ngày này, chúng ta luôn tìm được nhiều thông tin đắt giá: 

Thương lái Trung Quốc (dân thường nói ngắn gọn, là bọn Tàu) về các chợ nông thôn Việt Nam thu mua móng trâu với giá rất cao, thậm chí những cái móng từ 4 chân của một con trâu được bọn Tàu mua với giá hơn hẳn một con trâu. Thế là nông dân Việt Nam và bọn “trâu tặc” ra sức chặt móng trâu đem bán… vẫn còn lãi một con trâu thịt mang bán ở chợ. Chỉ một thời gian rất ngắn, bọn chúng đã triệt phá tan hoang sức kéo của nông dân nghèo Việt Nam. Tiếp đó, dân loan tin cho nhau, hàng lũ lái trâu từ bên Tàu tràn qua biên giới để “tiếp thị” bán trâu. Trong cái lũ thương lái mới này còn có cả kẻ tiếp thị bán trâu sắt (máy kéo). Dân tình vỡ lẽ: Thì ra chúng thu mua móng trâu là vì như thế!

Ở một nơi khác, thương lái Tàu đi các chợ thu mua rễ hồi, thế là những bọn “hồi tặc” mở chiến dịch triệt phá rừng hồi, một dược liệu quý hiếm của Việt Nam; chúng mua râu ngô non, xúi giục nông dân triệt phá nương ngô mang bán, đánh vào trúng cái dạ dày của những người mà bọn Tàu gọi là “đồng chí tốt” Việt Nam; chúng thu mua mèo nhằm triệt phá một nguồn trừ chuột cắn lúa; rồi chúng mua ốc bươu vàng, xúi giục nông dân nuôi ốc bươu vàng tràn ngập đồng ruộng phá hoại mùa màng, tấn công vào chiến lược an ninh lương thực của quốc gia “láng giềng tốt” Việt Nam.

Hàng tốp thương lái Tàu xuất hiện từ Hà Giang cho đến Lâm Đồng để thu mua chè vàng, là thứ chè chặt thô phơi tái, không cần chế biến. Thương lái Tàu mua chè vàng với giá rất cao, kích thích nông dân chặt trụi đồi chè mang bán. Thế là thương lái Tàu đã triệt hạ vùng nguyên liệu cho các nhà máy chè Việt Nam. Không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp chè Việt Nam phải sang mua chè nguyên liệu từ Trung Quốc. Đến khi nông dân Việt Nam cần trồng lại đồi chè, thì các “đồng chí tốt” từ bên kia biên giới, vì tình quốc tế vô sản lại lọ mọ xuất hiện, “giúp” mua giống chè từ Trung Quốc chở qua cho nông dân Việt Nam.

Thâm độc hơn, chúng mở chiến dịch thu mua dây đồng vụn với giá cao “trên trời”, đẩy từng đoàn “đồng tặc” lùng sục chặt trộm dây đồng từ các đường điện cao thế, băm nát mạng lưới điện quốc gia của nước “láng giềng tốt” để nước này đốt đèn dầu đi theo họ “hướng tới tương lai”. Có nơi, bọn “đồng tặc” lẻn vào kho ăn cắp từng cuộn dây đồng mới “coong” mang bán, thì “các đồng chí tốt” lên mặt đạo đức: “Ấy chết, cái ngộ không mua cái cuộn dây tôồng ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa của các tôồng chí tâu lố!” (Chúng tôi không mua cái cuộn dây đồng ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa của các đồng chí đâu nhé).

Cho đến khi bọn thương lái Tàu đi thu mua cáp quang phế liệu, thì các nhà đương cục của chúng ta mới được phen ngớ ra, không hiểu bọn chúng mua cái “của nợ” này để làm gì. Vì mua dây đồng thì còn có thể hiểu là chúng lấy nguyên liệu, nhưng cáp quang thì thật không thể hiểu được chúng mua để làm gì? Đến khi dân nghèo lặn xuống biển chặt phá mạng cáp quang viễn thông, thì mới “ngã ngửa” ra, là chúng đang phá hoại con đường huyết mạch thông tin của Việt Nam… Chắc là các “đồng chí Việt Nam” nghĩ mãi không biết xử thế nào với những người “đồng chí tốt” bên nước vô sản Trung Hoa, đành phải đưa ra tòa vài thằng dân nghèo “trót dại” lặn xuống biển chặt trộm cáp quang.

“Láng giềng tốt” giúp… xây dựng các công trình thủy lợi

Sau 1954, Việt Nam được Trung Quốc giúp xây dựng nhiều công trình thủy lợi. Tôi đã tiến hành một cuộc phỏng vấn với Giáo sư TTA, Viện trưởng một viện nghiên cứu thủy lợi ở Hà Nội về sự giúp đỡ thủy lợi của người “đồng chí tốt”, vị Giáo sư kéo tôi vào phòng làm việc và cho xem một video clip quay suốt dọc dòng sông biên giới Việt – Trung.

Trời ơi, chúng ta không thể tưởng tượng được, người “đồng chí tốt” đã làm những trò gì đâu! Các “đồng chí” xây 120 cái kè chắn chéo dòng nước trên các dòng sông biên giới, tạo những luồng nước xoáy để làm sạt lở bờ phía Việt Nam, ăn cắp đất mang về phía đất nước “láng giềng tốt” bên kia biên giới. Đất bồi sang phía bắc đến đâu, các đồng chí xây nhà cao tầng và kéo giai cấp vô sản quốc tế Trung Hoa đến đó.

Xem xong clip của Giáo sư TTA, tôi bàng hoàng… Tất cả các triều đại Đường, Nguyên, Tống, Minh, Thanh, chưa có bất kỳ một triều đại nào trước Triều đại cộng sản Trung Hoa sử dụng những biện pháp tồi tệ như vậy với Việt Nam.

Việt Nam đã đối đầu với những đế quốc lớn, đã đối mặt với đủ loại thủ đoạn tàn bạo của nhiều loại đế quốc, nhưng có lẽ đây là ngón đòn xâm lược thâm hiểm và bẩn thỉu nhất của một loại đế quốc mới nổi: Đế quốc Trung Cộng.

Tôi hỏi Giáo sư TTA: “Ông có thể cho biết, có công trình thủy lợi nào mà Cộng sản Trung Hoa giúp Việt Nam không chứa đựng những “yếu tố đểu” tương tự như vậy không?”. Ông chau mày trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu…

“Tôi khó trả lời anh quá”, Giáo sư nói với tôi như vậy.

Đến hành vi gây ô nhiễm môi trường “gien” Việt Nam
Trên đường phố và sân bay Việt Nam hôm nay tràn ngập người Trung Quốc. Tôi vừa ngồi ở sân bay Đà Nẵng. Tôi đến hơi trễ, hỏi anh bạn ngồi bên phải tôi: “Máy bay Hà Nội gọi vào chưa?”, thì nghe câu hỏi lại bằng tiếng Tàu “Shen ma?” (Cái gì?). Tôi quay bên trái hỏi, thì lại nghe “Shen ma?”. Tôi quay phía sau hỏi, lại thấy “Ni shuo shen ma?” (Ông nói cái gì?)… Tôi ngỡ ngàng, tưởng mình lạc vào sân bay Bắc Kinh.

Làng sinh viên HACINKO (Phố Ngụy Như Kontum) không còn chỗ cho thuê vì hơn 500 người Trung Quốc đã “trấn” ở đó. Họ chen lấn trong thang máy và trong nhà ăn, thậm chí chiếm đứt thang máy để chơi đùa leo lên leo xuống, không cho bất kỳ ai sử dụng thang máy. Người Tàu đến đó mở hàng ăn, hàng bán quần áo, mua bán tấp nập như một chợ Tàu. Tối tối sinh viên Tàu trượt patin và la ó huyên náo một góc phố… Họ làm cho tôi liên tưởng tới hai mươi vạn quân Tàu Tưởng tràn vào Việt Nam năm 1945,… ghẻ lở, bẩn thỉu, ngông nghênh và láo xược.

Sao mà người Trung Quốc thắng thầu lắm thế? Chuyện bauxite Tây Nguyên đã có quá nhiều người nói rồi. Tôi đơn cử vài chuyện vặt vãnh khác: Chỉ ở một tỉnh ở rất gần Hà Nội thôi, Trung Quốc chưa làm xong Nhà máy điện HB, hàng ngàn công nhân Tàu chưa kịp rút, thì Tàu đã thắng thầu làm Nhà máy điện MK, và hàng ngàn công nhân Tàu lại xuất hiện. Những người Tàu từ các cơ sở sản xuất này lan tỏa khắp nơi để gieo rắc “hạt giống đỏ” cho cách mạng vô sản Trung Hoa, đỡ cho các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam và các công ty môi giới hôn nhân khỏi phải xuất con gái qua Tàu… Tôi có dịp trao đổi với các chị phụ trách hội phụ nữ ở mấy tỉnh Tây Nguyên, thì được biết, các chị đang rất lo ngại, chưa biết xử lý thế nào với nạn con gái Tây Nguyên có bầu với công nhân Tàu (!).

Chúng ta nhìn thấy một cảnh tượng đang đến gần: Đội quân thứ 5 của Trung Cộng đang ngày càng được mở rộng. Cần cảnh báo: Khi Trung Cộng mới sáp nhập Tân Cương vào Trung Quốc, dân Hán ở đây chỉ chiếm chừng 4-5%. Sau nửa thế kỷ, dân Hán đã lên tới 45%. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, chúng ta có thể rất cần đặt câu hỏi: “Bao giờ dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thiểu số trên chính đất nước mình?”.

Và rồi xoa dịu bằng mấy công trình văn hóa?

Gần đây chắc là Trung Nam Hải đã nhận ra sự phẫn nộ của dân chúng Việt Nam trước những hành vi xâm lược của họ, họ đã “kỷ niệm” cho dân Việt Nam mấy pha ngoạn mục: Trước hết là 30 triệu USD xây dựng ký túc xá cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để đào tạo cán bộ cho Đảng. Tiếp đó là Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Trung, chắc rồi đến Viện Khổng Tử… và rồi không biết còn những thứ gì nữa.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ cái thời lớp thanh niên chúng tôi say mê theo các nghệ sỹ ca ngợi… những cánh hoa mộc miên bay tới đâu, tình hữu nghị của dân tộc Trung Hoa lan tỏa đến đó… Sao mà lãng mạn.

Ngẫu nhiên, tôi ngồi để hồi tưởng tâm tình lãng mạn theo những “Cánh hoa mộc miên” với Giáo sư Phạm Huy Tiến, một nhà địa chất, cũng có thời đi tu nghiệp “tiến tu Giáo sư” ở Học viện Địa chất Bắc Kinh (đối diện Học viện Khoáng nghiệp của tôi). Giáo sư Tiến cười rũ ngắt lời tôi: “Các bố nhầm hết rồi. Các nghệ sỹ cũng nhầm rồi. Cánh rừng mộc miên khi xưa nằm trên đất Việt Nam. Bọn địa chất chúng tôi lăn lộn ở đó quá nhiều. Cả đỉnh thác Bản Giốc nữa, cánh địa chất chúng tôi từng lên đó nấu cơm ăn… Nhưng rồi Trung Quốc lấn chiếm, nuốt toàn bộ cánh rừng mộc miên vào lòng Tổ quốc Trung Hoa”… Và thế là những cánh hoa mộc miên lại hồn nhiên bay “từ đất Trung Hoa”, lan tỏa tình hữu nghị “vạn cổ trường sinh” giữa hai dân tộc.

Ấy thế mà, trong khi tôi được nghe các bạn nghệ sỹ của chúng ta ca ngợi “Hoa mộc miên mọc đến đâu, lan tỏa tình thữu nghị của dân tộc Trung Hoa đến đó”, thì, trong một trang mạng nào đó, tôi lại nghe những người cộng sản Bắc Kinh lập luận: “Hoa mộc miên bay đến đâu gieo hạt đến đó; Cây mộc miên mọc ở đâu, đất trung Hoa ở đó. Việt Nam chỉ có cây tre, làm gì có cây hoa mộc miên!”.

Trung Hoa là một đất nước có một đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Như vậy có thể suy luận, mà không sợ sai lầm: Tất cả những sự kiện nêu trong bài viết này đều do các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đưa đường chỉ lối.

Chính những người cộng sản Trung Hoa đã làm tan vỡ hoàn toàn tình cảm nồng ấm của những người thuộc thế hệ chúng tôi với một đất nước đã sinh ra Đức Tổ Vũ Hồn của dòng tộc của tôi, một đất nước, mà có thời tôi đã coi là Tổ quốc thứ hai của mình.

Vũ Cao Đàm
(HNG, Toronto, giới thiệu)

Cười tí tỉnh

SAI

Một chàng trai trên đường về nhà đi ngang qua nghĩa địa. Bỗng anh ta nghe tiếng gõ lốc cốc từ đâu đó trong nghĩa địa vang ra. Anh ta hoảng hốt, tưởng là có ma, nhìn vào nghĩa địa anh ta mới thấy một ông già đang đục khoét trên một mộ bia.
- Lạy chúa, ông làm tôi hết hồn cứ tưởng là ma. Ông đang làm gì ở đây... vậy?
Ông già trả lời:
- Chán thật, đứa nào khắc tên tao sai.
(NT lượm lặt)

02 February 2021

Để trả lời một câu hỏi . . .

Có lần mình đã gặp một anh người Bắc, nói năng nho nhã cũng thuộc dạng trí thức, anh đã hỏi mình một câu như vầy:

“Em người miền nam sống ở Sài Gòn từ nhỏ, anh hỏi thật em trả lời đúng sự thật với suy nghĩ của người Sài Gòn nhé. Tại sao cũng là người Bắc, nhưng Bắc 54 di cư vô miền Nam, tới giải phóng là 21 năm. Anh vô miền Nam năm 75 đến giờ là 42 năm gấp đôi dân 54.

Thế nhưng tại sao người Sài Gòn. Lại coi Bắc 54 là một phần của họ gặp nhau tay bắt mặt mừng như ruột thịt, anh để ý riêng bản thân anh thôi nha. Có thân lắm có vui lắm dân Sài Gòn vẫn luôn mang một khoảng cách khi tiếp xúc với anh, nếu họ biết anh đến với Sài Gòn năm 75”.

Trời một câu hỏi khó cho thí sinh à nha!

Em trả lời thật anh đừng giận em nói. Tách riêng 2 phần chính trị và văn hoá nghệ thuật ra đi ha.

Phần chính trị, thật ra khi giải phóng vô em mới có gần 15 tuổi thôi về quan điểm thắng, thua em chưa đủ trình độ nhận xét.

Nhưng nếu nói về cuộc sống của thời trước, và thời sau 75 khác nhau nhiều lắm sướng khổ rõ rệt. Má em chỉ là công chức nhỏ của tổng nha kiều lộ, bây giờ mấy anh gọi là cầu đường đó, nhưng hồi nhỏ em rất sướng đi học toàn trường dòng, em không biết ngoài Bắc, anh có không chứ thời đó mà học nội trú là mắc lắm đó, nhà em không giàu, cậu đi lính ngụy, dì và ông ngoại đều dân Kiều lộ, nhưng sống rất thanh thản, mặc dầu lúc đó chiến tranh tràn lan, khắp nơi.

Thời đó người Bắc di cư vô Nam, thường sống từng vùng do chánh phủ chỉ định, rồi từ từ lan ra, người miền Nam học được người Hà Nội nhiều điều: Cần kiệm, lễ giáo, nếp sống thanh lịch quý phái và tri thức.

Người miền Bắc vô Nam học được của người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung: Sự giản dị, chân thật, tốt bụng, phóng khoáng. Không câu nệ bắt bẻ, hay khó khăn.

Và cả hai miền học được của miền Trung cái chịu thương chịu khó. Cái đùm bọc tình đồng hương.

Cả ba miền hoà nhập với nhau, ảnh hưởng nhau lúc nào không hay… Hồi đó em đi học gặp mấy đứa bạn Bắc Kỳ rốn vẫn hay chọc tụi nó là Bắc kỳ con bỏ vô lớn kêu chít chít mà tụi nó cũng không giận, chọc lại em mày nam kỳ ga guộng bắt con cá gô bỏ dô gổ kêu gột gột, rồi lại khoác tay nhau chơi bình thường, trẻ con thì như vậy người lớn gặp nhau ba miền chung bàn nhậu là dô đi anh hai mình, là tay bắt mặt mừng. Em nói dài dòng để cho anh hiểu rõ hơn vì sao Bắc 54 trở thành người miền Nam.

Chưa kể đến cái tình nha anh. Tình đồng đội khi chiến đấu chung. Ngoài anh chắc gọi đồng chí, trong đây em nói quen tiếng dân Sài gòn xưa, lúc chiến tranh mà đi lính thì cũng phải đi chung cả ba miền gặp nhau giữa lúc thập tử nhất sinh thân nhau là chuyện bình thường, đó là lính, còn người dân giữa cái tang tác đau thương chạy loạn lạc chết chóc hầu như từ mũi Cà Mau đến sông Bến Hải nơi nào không có. Từ đó người ta thương yêu nhau và không ai nghĩ miền nào là miền nào. Người ta gọi đó là tình đồng bào, tình quân dân cá nước nói theo kiểu miền Nam của em.

Đó là nói hơi thiên về chính chị chính em đó nha!

Bây giờ bàn hơi sâu văn hoá nghệ thuật thời đó nha!

Em nói với anh ngay từ đầu rồi nhé. Lúc đó em chỉ mới 15 tuổi làm sao đủ tư cách phê bình văn học. Em chỉ kể cho anh nghe theo cái hiểu biết nhỏ bé của em thôi.

Người miền Bắc 54 vô miền Nam đem theo được gì nhỉ? Người thì chắc cũng không có của cải gì nhiều rồi, đi giống như đi vượt biên mà có gì! Sao anh cười? Em nói thiệt mà, nhưng có một di sản khổng lồ. Mà người miền Bắc 54 đã đem cho miền Nam, đó là văn hoá, nghệ thuật. Nếu xét kỷ nhà văn thời đó của người Nam bộ vẫn ít hơn người Trung và Bắc.

Những tác phẩm giá trị, từ dịch thuật đến thơ văn hầu như tác giả người Hà Nội, người Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn v.v… toàn những tác phẩm để đời...

Em xin lỗi giải phóng 42 năm rồi, nhưng nếu ai có hỏi em đã đọc được cuốn sách nào để lại ấn tượng trong em chưa.... Xin chào thua giận em, em chịu, vì có đọc đâu mà nhớ. Chả có gì cho em ấn tượng, chắc một phần do em dốt anh ạ nên không hiểu nổi văn học thời này thôi.

Nói đến nghệ thuật. Cái này thì em thích ca thích hát nên hơi rành một chút. Chắc anh không ít thì nhiều cũng phải có nghe Khánh Ly, hay Sĩ Phú, Duy Trác, Tuấn Ngọc… những người con Hà Nội, hát trước 75. Nói về văn học có thể anh không biết chứ hát hò anh phải biết sơ thôi.

Vâng, Hà Nội 36 phố phường để lại cho người miền Nam nhiều ca khúc để đời của Phạm Duy, chắc anh không biết bài Việt Nam, Việt Nam, bài Tình ca, Con đường cái quan của bác ấy? Em nói nhiều về Pham Duy vì đúng là dân Hà Nội 45 đó anh.

Oh, anh biết nhiều về Phạm Duy, như vậy chắc anh cũng biết rõ những nghệ sĩ nổi tiếng trước 75, đến bây giờ vẫn ăn khách, những người ca sĩ mà anh biết không, cái thời ngăn sông cấm chợ, muốn được nghe phải thức canh đài BBC hay đài VOA vừa nghe vừa khóc vì quá xúc động. Đó là lý do tại sao ca sĩ hải ngoại khi về nước người ta đi đón rân trời, một cái vé có khi nữa tháng lương người ta vẫn cắn răng để nghe cho bằng được thần tượng của mình hát.

Đó là ca sĩ Hà Nội còn trong Nam hay ngoài Huế cũng rất nhiều ca sĩ nổi tiếng kiểu Chế Linh, Nhật Trường, Duy Khánh v.v...

Em xin lỗi anh nhé. Có thể ca sĩ ngày xưa người ta hát không cần phải là học trường lớp thanh nhạc như cái cô Thanh Lam gì ngoài Bắc của anh bây giờ đâu, nhưng vẫn đi vào lòng người nghe mãi không quên, còn cô ấy học cao quá diva đi viếc gì đó, nói thiệt anh đừng cười em lạc hậu với thời cuộc quá anh ạ!

Nhờ cái chuyện cổ chửi ca sĩ miền nam thất học dư luận ồn ào quá em mới để ý chứ thiệt tình bình thường em mà biết cô này… em chết liền đó anh, chưa từng nghe giọng hát này bao giờ.

Thì đó nhờ những tác phẩm giá trị của văn học nghệ thuật, những nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ đều có sự đóng góp của Huế, Sài Gòn, Hà Nội… đã đưa ba miền Nam Trung Bắc, gần nhau hơn hoà quyện lại với nhau thành một.

Cám ơn anh chịu khó nghe em phân tích một cách dài dòng xoay quanh câu hỏi của anh. Vì đây là lần đầu tiên em được nghe một câu hỏi rất thật của một người Bắc vào trong Nam... năm 1975.

Thế cho nên em cũng trả lời rất thật lý do vì sao Bắc 54 lại là dân miền Nam dầu chỉ mới sống với nhau có 21 năm.

Và dân Bắc 75 dầu sống trong Nam đến 42 năm vẫn mãi mãi là... người Bắc chứ không thể nào là người Hà Nội của dân miền Nam xưa…

Với một ít kiến thức nhỏ nhoi, một ít kinh nghiệm sống từng trải qua những thăng trầm của đất nước. Em xin các cô bác, anh chị đã, đang và sắp đọc những giòng tự sự này một lời xin lỗi nếu như em có viết sai một ít chi tiết nào đó các bậc cao nhân, tiền bối làm ơn bỏ qua cho kẻ hậu bối này.

Câu trả lời mơ hồ của em chắc chưa đủ sức thuyết phục cho anh bạn miền Bắc của chúng ta hiểu rõ hơn, nhưng sức người có hạn, em nói với tầm hiểu biết của em hạn hẹp bao nhiêu đấy thôi.

Xin chỉ giáo thêm ạ!

VÔ DANH

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...