04 February 2021

Xem tranh CHỜ EM của A.C.La

Cái phông màu tím

Tôi không phải là người phê bình tranh thứ thiệt như A.C.La cho là đã gặp được, vì tự thấy vốn hiểu biết của mình còn thiếu nhiều lắm, chỉ thỉnh thoảng thoạt nhìn một bức tranh, thấy bị thu hút mạnh, mới xem đi xem lại vài lượt, rồi thử « mao tôn cương » vài câu cho vui vậy thôi.

Tôi cũng đồng ý với A.C.La là dạo nầy ông ấy rất sung sức, sáng tác rất mạnh, trong vòng chưa đầy hai tháng, tháng 10 và 11, ông đã vẽ xong một hơi 5 bức sơn dầu : 3 bức tranh phong cảnh và 2 bức diễn tả nội cảm (xin quí vị tha lỗi cho tôi vì chữ mới chế nầy).

Điều làm tôi chú ý ngay khi nhìn bức tranh CHỜ EM là cái phông màu tím với nhiều sắc độ đậm nhạt hoà quyện với nhau, như diễn tả nổi xôn xao trong lòng thiếu nữ, và xoắn lại như tâm của cơn lốc ngay sau lưng thiếu nữ, đẩy người con gái như lướt tới trước, chân không chạm đất.
Tôi thích cái phông màu tím nầy, màu của nhớ nhung, nó diễn tả được cái tâm tình rộn ràng, nhưng nhẹ nhàng pha một chút e ấp của thiếu nữ, không phải cái nét sôi nổi của các màu nóng vàng và đỏ ; nó cũng rất hợp với màu trắng thanh thoát của chiếc áo dài trên người cô gái. Tà áo trắng tinh khôi từ thuở « em tan trường về, anh theo Ngọ về », « ...tóc dài tà áo vờn bay » sao vẫn quấn quít trong ký ức của hoạ sĩ. Đây là lần thứ ba trong một khoảng thời gian không dài lắm, người xem tranh A.C.La thấy lại cũng người con gái với vóc dáng mảnh mai, thon thả trong chiếc áo dài trắng trinh nguyên.

Với ÁO TRÙNG DƯƠNG, người xem tranh đã thấy người con gái với tà áo dài trắng, tóc lộng gió, chân trần, một mình lang thang trên bờ biển, bình thản nhìn sóng xô đập vào bờ đá, bọt nước tung toé.

Trong TÂM SỰ, cũng người con gái dáng dong dỏng trong chiếc áo dài trắng, tà áo phất phơ theo gió, ngồi tựa nhẹ bên bờ đá, mặt nhìn nghiêng, dõi mắt theo mặt biển bao la hướng về chân trời xa tắp, như mong chờ ai.

Và bây giờ là CHỜ EM. Ở đây người xem tranh mới thấy rõ mặt người con gái trong mộng của ai đó. Toàn thân thiếu nữ từ đầu tới chân chiếm hết 3/4 chiều cao bức tranh, riêng chiếc áo dài trắng từ vai tới chân choán 3/5 chiều cao tranh, chẳng những không mất cân đối, mà gần như còn được kéo dài thêm một chút nhờ độ tương phản ( le contraste ) của màu vàng bụi cỏ và màu tím đậm phủ lên màu nâu của phiến đá bên đường. Một chút ánh sáng mặt trời phả vào vạt áo dài phất lên theo đà chạỵ của thiếu nữ làm cho màu trắng trên toàn thân như sáng hơn và bồng bềnh hơn ; tiếp tục chiếu sáng cho bụi cỏ reo vui dưới chân thiếu nữ, niềm vui được chuyển tiếp thành vẻ hớn hở trong ánh mắt và làn môi hé mở thay cho lời gọi thảng thốt là tựa của bức tranh.

Tiếng gọi không cần phát ra thành lời, nhưng được chăm chút diễn tả qua màu tím tràn ngập nhớ nhung của cái phông, qua màu trắng đầy ắp kỷ niệm của chiếc áo dài, qua dáng đi bươn bả như chạy, chân không kịp chấm đất, qua niềm vui rạng rỡ trên nét mặt của người con gái, người xem tranh thấy hoạ sĩ đã dành cho một lời đáp là vòng tay ấm đang chờ người con gái.

Trước khi rời mắt khỏi bức tranh, người xem tranh cảm thấy có một điều gì hơi vương vướng. Cánh tay trái duỗi thẳng ra sau của người con gái ở cuối đà vung tay dường như hơi ngưng đọng, làm giảm nét linh hoạt trong động tác chạy hối hả của cô (Điểm này đã được sửa lại trên bức tranh - A.C.La). Tuy nhiên điều đó không làm mất vẻ đẹp toàn thể của bức tranh.

NQMINH Paris

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...