31 October 2017

Chuyện từ vùng biên giới Bắc-Nam Hàn


Bút ký của Trần Trung Đạo

Tuần trước người viết có dịp thăm vùng phi quân sự giữa biên giới Bắc và Nam Hàn. Người hướng dẫn du lịch là một sĩ quan quân đội Nam Hàn về hưu và nói tiếng Anh lưu loát. Ông vừa làm việc thiện nguyện tại đài tưởng niệm Chiến Tranh Triều Tiên ở thủ đô Seoul và vừa làm hướng dẫn viên cho du khách nên có hiểu biết rộng rãi về lịch sử và thời sự Nam Hàn. Người viết cũng đọc khá nhiều sách vở về đời sống của người dân Bắc Hàn và hiểu chính sách tẩy não thâm độc của chế độ họ Kim từ khi sinh ra cho đến tuổi trưởng thành nên không lấy làm lạ. Chuyến xe du lịch chỉ có bốn người nhưng người hướng dẫn lẫn người viết đều quan tâm đến những vấn đề lịch sử, chiến tranh, thời sự nên thảo luận sôi nổi suốt đoạn đường từ thủ đô Seoul lên vùng biên giới.

“Làng hòa bình” bên kia sông Imjin
 
Buổi sáng trời mưa trên sông Imjin, máy hình chụp không rõ lắm nhưng nhờ ống nhòm đặt trên trạm quan sát dành cho du khách gần vùng phi quân sự nên thấy khá rõ sinh hoạt của người dân Bắc Hàn dọc biên giới. Nhiều nhóm nông dân đang làm ruộng trên cánh đồng, một số chăn bò, một số khác cấy mạ. Ngoài ra, bên kia sông còn một dãy chung cư tương đối sang trọng.

Khu nhà sang trọng này được Bắc Hàn đặt cho một cái tên rất cao quý: Làng Hòa Bình (Kijŏng-dong). Khu vực có điện đàng hoàng và mỗi đêm đèn được bật sáng khi trời vừa tối. Nhưng không lâu sau khi được xây dựng, các cơ quan truyền thông quốc tế khám phá ra không ai sống trong những khu nhà đó. Nhà không có cửa kiếng và đèn được mở tắt tự động đúng giờ. Những người duy nhất hoạt động trong khu vực là phu quét đường, nhưng chính họ cũng chỉ làm công việc tuyên tuyền để gây ấn tượng “làng Hòa Bình” đang sinh hoạt bình thường.

Cách một dòng sông hẹp nhưng đời sống vật chất và nhất là tinh thần giữa Nam và Bắc Hàn xa như thiên đàng và địa ngục. Trong lòng người viết chợt dâng lên niềm thương cảm cho số phận những con người bất hạnh bên kia.

Với chính sách trồng người thâm độc của bộ máy tuyên truyền Bắc Hàn, cái nhìn của người dân Bắc Hàn về mọi lãnh vực đã hoàn toàn bị thay đổi. Họ có thể không còn biết tủi thân cho cuộc đời nô lệ của mình mà trái lại lại cảm thấy vui và hãnh diện với “chân lý” “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã đóng đinh vào nhận thức họ từ khi mới ra đời. Cũng chính “chân lý” đó đã giết khoảng ba triệu người Việt Nam và đang tàn phá một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến.

Trong trường học, học sinh Bắc Hàn được dạy người dân Nam Hàn nghèo đến nỗi không có nhà để ở phải sống trong gầm cầu và ăn mặc rách rưới. Mỗi khi nhìn sang bờ nam sông Imjin, người dân Bắc Hàn bị tẩy não cảm thấy xót thương cho dân Nam Hàn khốn khổ đang chịu đựng “dưới gót giày đế quốc Mỹ”. Họ hãnh diện vì hạt lúa họ gieo, nắm mạ họ cấy là chính từ bàn tay “độc lập, tự do” của họ chứ không phải “ăn bám đế quốc Mỹ” như mấy chục triệu người miền Nam. Họ được dạy Bắc Hàn là xứ sở thần tiên nhất trên đời. Không ít người dân Bắc Hàn sinh ra, lớn lên, già nua và chết đi trong “niềm kiêu hãnh” đó.

Trong tất cả các nước từng chịu đựng chiến tranh do chủ nghĩa CS xâm lăng, có lẽ Triều Tiên là gần gũi và dễ so sánh với Việt Nam nhất nên nghĩ đến Triều Tiên không khỏi cùng lúc liên tưởng đến Việt Nam.

Bên kia sông Bến Hải


Đa số người Việt bên kia sông Bến Hải một thời đã nghĩ về miền Nam giống như người dân Bắc Hàn đang nghĩ về Nam Hàn. Ngay cả hôm nay không ít trong số trong số họ vẫn chưa gạt bỏ hẳn nhận thức đó. Hơn Bắc Hàn ở chỗ, tại Việt Nam, không chỉ những người dân sống trong các vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh mà ngay cả những người có trình độ học vấn cao, mang hàm phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ cũng bị nhiễm loại vi trùng “không có gì quý hơn độc lập tự do” tương tự.

Sau 41 năm, một số đã biết đó không phải là sự thật và biết mình bị lừa gạt nhưng vẫn cố tìm một lý do “khách quan” để biện minh, để lý giải cho nhận thức sai lầm của mình. Họ không đủ can đảm để chống lại chế độ và cách lý giải dễ dàng nhất là đổ thừa cho hoàn cảnh, cho số phận, cho lịch sử thay vì cho đảng CSVN.

Khi được hỏi “Nếu Mỹ không can thiệp bằng quân sự kịp thời, theo anh, liệu tình huống sẽ ra sao?” Người hướng dẫn chỉ về phía Bắc Hàn và nói “Nếu Mỹ không can thiệp, miền Nam không thể ngăn chận được CS miền Bắc”, “Rồi sao?” “Còn sao nữa, hôm nay chỉ có một Triều Tiên Cộng Sản như Bắc Hàn vậy đó”, anh trả lời nhanh và gọn.

Mỹ cũng can thiệp để ngăn chận CS tại miền Nam Việt Nam nhưng trong một tình huống khác. Thế chiến Thứ Hai chấm dứt từ lâu và một cuộc chiến tranh, dù quy ước hay du kích, cũng không thể thắng bằng chiến lược chỉ tập trung phòng thủ miền Nam.

Mối liên hệ giữa Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam

Nếu không có Chiến tranh Triều Tiên, cục diện chiến tranh Việt Nam có thể đã khác. Chiến tranh Triều Tiên để lại cho cả Trung Cộng lẫn Mỹ một bài học về giới hạn sử dụng phương tiện chiến tranhh, hỏa lực và nhân lực. Đối với Trung Cộng, Bắc Hàn và Bắc Việt là vòng đai an ninh (buffer zone) của Trung Cộng và Mỹ chỉ muốn ngăn chận CS từ vĩ tuyến 17 chứ không muốn tái diễn cuộc chiến trực tiếp với Trung Cộng dù thắng cũng vô cùng tốn kém một lần nữa.

Dân Nam Hàn may mắn hơn VNCH vì Kim Nhật Thành sau khi không nuốt được Nam Hàn đã chấp nhận ngưng chiến. Họ Kim độc tài tàn bạo nhưng còn biết dừng lại, Hồ Chí Minh và lãnh đạo CSVN thì không. CSVN nhất định “chống Mỹ cứu nước” cho đến khi nào CS hóa toàn cõi Việt Nam. Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị đảng CSVN. Bài học chiến tranh Triều Tiên chưa phai mùi thuốc súng với hơn 3 triệu người thiệt mạng chỉ trong vòng 37 tháng đánh nhau không làm họ phân vân. Khả năng Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến và nhiều triệu tấn bom sẽ được ném xuống hai miền không khiến họ do dự. Lãnh đạo CSVN chỉ cần chiến thắng, dù chiến thắng trên máu xương của đồng bào ruột thịt, trên xác đám trẻ thơ vừa mới chào đời, trên cảnh tương tàn phân hóa tận cùng của đất nước.

Trường hợp giáo sư Oh Kil-nam

 OhKilnam
Hiện có mấy chục ngàn người dân Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn bằng nhiều cách và thật khó tin nhưng cũng có người từ Nam Hàn đào thoát sang Bắc Hàn. Nỗi tiếng nhất là trường hợp đào thoát đi và đào thoát về của giáo sư kinh tế Oh Kil-nam.

Oh Kil-nam là một trí thức Nam Hàn có đầu óc tả khuynh và tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ Nam Hàn trong đầu thập niên 1980. Ông ta bị ảnh hưởng bởi tư tưởng CS khi học tại Đức và những lời tuyên truyền đường mật của Bắc Hàn nên đã đưa cả gia đình gồm vợ và hai con gái đào thoát sang Bắc Hàn năm 1985 qua ngã Đông Đức rồi Liên Xô. Khi đến Bắc Hàn, Oh Kil-nam mới biết đó không phải là thiên đường mà là địa ngục trần gian. Mỗi ngày ông ta phải học tập tư tưởng Juche của Kim Nhật Thành và ban đêm phải đọc những tin tức, bài vở tuyên truyền trên đài phát thanh phát sóng sang Nam Hàn.

Năm sau, 1986, Oh được Bắc Hàn cử sang Đức để tìm cách lôi kéo thêm các trí thức Nam Hàn khác đang du học tại Đan Mạch. Khi vừa bước xuống phi trường, Oh đi thẳng đến văn phòng di trú tại phi trường để xin tỵ nạn chính trị mặc dù vợ và hai con gái vẫn còn bị giữ lại tại Bắc Hàn.

Năm 1992, Oh Kil-nam trình diện tòa đại sứ Nam Hàn và trở lại Nam Hàn. Sự ngu xuẩn của Oh Kil-nam, như chính ông thừa nhận, khiến ông ta chịu đựng đau khổ đã đành nhưng kéo theo sự chịu đựng của ba phụ nữ vô tội. Từ khi Oh Kil-man đào thoát khỏi Bắc Hàn, vợ con ông ta bi tống giam vào trại tập trung và sống trong điều kiện vô cùng đau khổ. Bà Oh Kil-nam cuối cùng đã chết trong trại tập trung năm 2012 và số phận hai con gái của ông ta cũng bặt tin.

Người viết chợt nhớ đến câu nói của Yuri Alexandrovich Bezmenov, một chuyên viên tình báo Liên Xô đào thoát sang phía tự do, diễn tả tình trạng tinh thần của những người bị tẩy não: “Ngay cả mang anh ta tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin… cho đến lúc anh ta bị đá ngay vào đít, khi bị giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu. Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo đức trong con người.” Câu nói của Yuri Alexandrovich Bezmenov là một chứng minh hùng hồn cho trường hợp của “nhà trí thức” Oh Kil-nam. Ông ta chắc đã đọc rất nhiều sách vở về CS nhưng không thấy được bộ mặt thật của chế độc độc tài dã man Bắc Hàn cho đến khi đặt chân sang Bình Nhưỡng.

Những Oh Kil-nam Việt Nam nên sống ở “Làng Hòa bình” một thời gian

Việt Nam có rất nhiều Oh Kil-nam.

Sự kiện “Tôn Nữ Thị Ninh chống Bob Kerrey” vừa qua cũng cho thấy tầng lớp “băng hoại về đạo đức” như Alexandrovich Bezmenov phát biểu còn dẫy đầy tại Việt Nam.

Giống như Oh Kil-nam Nam Hàn đã phó mặc số phận vợ con trong trại tập trung Bắc Hàn, những Oh Kil-nam Việt Nam là những người có kiến thức nhưng thiếu đạo đức. Đạo đức mà họ có chỉ là đạo đức giả. Tại sao? Họ học các nguyên tắc dân chủ, từng sống trong chế độ dân chủ, rao giảng các lý thuyết dân chủ cho học trò, khoe khoang kiến thức về dân chủ nhưng lại cong lưng làm nô bộc cho một chế độ độc tài lạc hậu đã bị xếp vào quá khứ đau thương tang tóc của nhân loại. Không có tầng lớp xăng nhớt này, bộ máy già nua CS sẽ phải ngừng hoạt động.

Nhiều tác giả phê bình bà Tôn Nữ Thị Ninh và phe cánh đề nghị họ nên mở mắt nhìn xa sang các nước tự do, dân chủ và thịnh vượng để biết Việt Nam cần phải vượt qua và đi lên với phần đông nhân loại. Không. Bà Tôn Nữ Thị Ninh và phe cánh đâu cần phải nhìn sang châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn vì họ đã học ở đó, đã sống ở đó hay đã đến đó nhiều lần. Nhưng họ có mắt mà không thấy. Bởi vì, nỗi khổ đau và sự chịu đựng của con người không thể thấy được bằng đôi mắt thường mà bằng đôi mắt lương tri.

Và người viết chợt nghĩ, biết đâu nếu họ sống trong “Làng Hòa Bình” của Kim Jong-un một thời gian với hy vọng như Yuri Alexandrovich Bezmenov nhận xét cho đến khi “bị đá ngay vào đít, bị giày đinh đạp lên” như Oh Kil-nam, đôi mắt lương tâm và đạo đức trong con người họ sẽ có dịp mở ra.

Trần Trung Đạo
(Nguon: Van Nghe Boston)

30 October 2017

Thu tàn ở Hamilton, Nam Ontario










Gõ vào hình để mở lớn
(Hình A.C.La chụp tại thác nước Albion)

29 October 2017

Trung Quốc chọi với Hoa Kỳ

Quản lý cuộc xung đột sắp tới giữa hai nền văn minh

Graham Allison,
Foreign Affairs, tháng Chín/tháng Mười 2017
Trần Ngọc Cư dịch

GRAHAM ALLISON là Giáo sư môn Chính phủ thuộc chương trình Douglas Dillon tại Harvard Kennedy School of Government. Tiểu luận này phỏng theo cuốn sách của ông, Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? [Khó tránh được chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể thoát chiếc bẫy Thucydides không?] (Houghton Mifflin Harcourt, 2017)
Khi người Mỹ thức tỉnh trước một Trung Quốc đang trỗi dậy cạnh tranh với Hoa Kỳ trên mọi đấu trường, nhiều người cố tìm an ủi bằng tin tưởng rằng một khi Trung Quốc trở nên giàu mạnh hơn, nước này sẽ đi theo bước chân của Đức, Nhật, và nhiều nước khác từng trải qua những chuyển đổi sâu rộng và dần dần trở thành các nền dân chủ tự do tiên tiến. Theo quan điểm này, một hỗn hợp kỳ diệu gồm toàn cầu hóa, chủ nghĩa tiêu thụ đặt cơ sở trên kinh tế thị trường, và việc hội nhập vào trật tự quốc tế dựa vào luật pháp cuối cùng sẽ khiến Trung Quốc trở nên dân chủ trong lãnh vực đối nội và phát triển để trở thành cái mà cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick có lần mô tả là “một cường quốc thành viên có trách nhiệm” [a responsible stakeholder] trong lãnh vực đối ngoại.

Samuel Huntington bất đồng với quan điểm trên. Trong tiểu luận The Clash of Civilizations [Sự xung đột giữa các nền văn minh?] xuất bản trên tạp chí này năm 1993, nhà nghiên cứu chính trị Huntington tranh luận rằng các đường rạn nứt địa tầng văn hóa [cultural fault lines] sẽ trở thành một đặc điểm xác định tính cách của thế giới hậu-Chiến tranh Lạnh, chứ không biến mất trong một trật tự thế giới tự do toàn cầu [a global liberal world order]. Ngày nay người ta còn nhớ đến lập luận của Huntington chủ yếu vì tính tiên tri của nó trong việc soi rọi đường rạn nứt giữa “văn minh Phương Tây và văn minh Hồi giáo” – một rạn nứt được phơi bày mạnh mẽ nhất qua các cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín và hậu quả của chúng. Nhưng Huntington đã thấy được cái hố sâu phân cách Phương Tây do Mỹ lãnh đạo với văn minh Trung Hoa cũng sâu sắc, lâu bền, và quan trọng không kém. Ông viết: “Chính quan niệm cho rằng có thể có một ‘nền văn minh phổ quát’ là một khái niệm Phương Tây, trực tiếp xung khắc với tính cá biệt [particularism] của hầu hết các xã hội Châu Á và với việc họ nhấn mạnh những gì phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.”

Lịch sử thế giới những năm tháng về sau đã biện hộ cho lập luận của Huntington. Những thập niên tới sẽ chỉ củng cố thêm quan điểm này mà thôi. Hoa Kỳ là hiện thân những gì Huntington coi là văn minh Phương Tây. Và những căng thẳng giữa các giá trị, các truyền thống, triết lý của Mỹ và của Trung Quốc sẽ làm tồi tệ thêm các sức ép cơ bản mang tính cấu trúc thường diễn ra mỗi khi một cường quốc đang trỗi dậy, như Trung Quốc, đe dọa thay thế một cường quốc cố hữu, như Hoa Kỳ chẳng hạn.

Lý do vì sao những chuyển đổi vị trí như thế thường dẫn đến chiến tranh được lý giải bằng chiếc bẫy Thucydides, đặt tên theo sử gia Hi Lạp cổ đại, người đã nhận xét có một tương tác nguy hiểm giữa một thành Athens đang trỗi dậy và một thành Sparta đang thống trị. Theo Thucydides, “chính sự trỗi dậy của Athens và sự sợ hãi mà sự kiện này gieo vào tâm lý người Sparta đã làm cho chiến tranh trở thành khó tránh. Thật dễ hiểu, các cường quốc đang trỗi dậy cảm thấy một ý thức gia tăng về quyền lợi, đòi hỏi ảnh hưởng và sự kính nể lớn hơn. Các cường quốc đã có sẵn, đối diện các thế lực thách thức, có xu thế trở nên sợ hãi, bất ổn tinh thần, và rơi vào thế phòng ngự. Trong một môi trường như thế, các hiểu lầm bị phóng đại, sự đồng thuận hãy còn khó kiếm, trong khi các biến cố và các hành động của nước thứ ba lẽ ra là không nghiêm trọng hoặc có thể quản lý lại có thể châm ngòi những cuộc chiến mà các vai chính không bao giờ muốn theo đuổi.

Trong trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, những rủi ro của chiếc bẫy Thucydides tăng gấp bội do sự thiếu tương hợp giữa nền văn minh của hai nước, điều này làm trầm trọng thêm sự ganh đua giữa hai đại cường và càng khiến họ khó xích lại với nhau. Sự bất đồng này dễ được nhận ra trong những dị biệt sâu sắc giữa quan niệm của người Mỹ và người Trung Quốc về nhà nước, kinh tế và vai trò của cá nhân, quan hệ giữa các quốc gia, và thời gian tính.

Người Mỹ coi chính phủ như một một cái gì xấu xa nhưng đành phải chấp nhận [a necessary evil] và họ tin rằng xu thế độc tài và lạm quyền của nhà nước là đáng sợ và phải được kiềm chế. Đối với người Trung Quốc, chính phủ là một cái gì tốt lành tất yếu [a necessary good], là cột trụ cơ bản đảm bảo trật tự và ngăn ngừa rối loạn. Trong chủ nghĩa tư bản thị trường tự do kiểu Mỹ, chính phủ đặt ra pháp luật và thi hành chúng; sở hữu nhà nước và sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế đôi khi diễn ra nhưng đấy là những ngoại lệ không ai mong muốn. Trong nền kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc, chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng, lựa chọn và bao cấp các công nghiệp cần phát triển, thúc đẩy các công ty quán quân quốc gia [national champions], và thực hiện các dự án dài hạn quan trọng để đẩy mạnh lợi ý quốc gia.

Văn hóa Trung Quốc không ca tụng chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ, một chủ nghĩa đánh giá xã hội theo mức độ tốt đẹp mà nó cam kết bảo vệ các quyền cá nhân và nuôi dưỡng tự do cá nhân. Trên thực tế, tiếng Hán gerenzhuyi, chỉ “chủ nghĩa cá nhân”, gợi ý một quan tâm ích kỷ đặt bản thân lên trên cộng đồng. Khẩu hiệu của Trung Quốc có giá trị tương đương với [câu nói của Patrick Henry, một nhân vật Cách mạng Mỹ, ND] “cho tôi tự do hay cho tôi chết” sẽ là “cho tôi một cộng đồng hài hòa hay cho tôi được hi sinh.” Đối với Trung Quốc, trật tự là giá trị cao nhất, và sự hài hòa là kết quả của một tôn ti trật tự [hierarchy] trong đó các thành viên phải tuân theo lệnh truyền đầu tiên của Khổng Tử: Phải biết vị trí của mình.

Quan điểm này không chỉ áp dụng cho đời sống xã hội trong nước mà còn áp dụng cho các vấn đề toàn cầu, trong đó người Trung Quốc quan niệm rằng vị trí hợp lệ của Trung Quốc là ở trên đỉnh kim tự tháp; các quốc gia khác phải được sắp xếp như những chư hầu [subordinate tributaries]. Quan điểm Mỹ có phần khác. Chí ít từ khi Thế chiến II chấm dứt, Washington luôn luôn tìm cách ngăn chặn sự xuất hiện của một “đối thủ ngang hàng” [peer competitor] thách thức địa vị bá quyền quân sự Mỹ. Nhưng các khái niệm của Mỹ về trật tự quốc tế hậu chiến cũng luôn nhấn mạnh nhu cầu đòi hỏi một hệ thống toàn cầu dựa vào luật lệ [a rule-based global system] có thể kiềm chế thậm chí cả Hoa Kỳ.

Sau cùng, người Mỹ và người Trung Quốc quan niệm về thời gian và trải nghiệm thời gian khác nhau. Người Mỹ thường tập trung vào hiện tại và thường đếm thời gian bằng giờ hoặc bằng ngày. Người Trung Quốc, trái lại, có ý thức lịch sử sâu sắc hơn và thường suy nghĩ dài hạn bằng thập kỷ và thậm chí thế kỷ.

Dĩ nhiên, đây là những điểm khái quát, chung chung, chắc chắn giảm thiểu và không phản ánh đầy đủ những khía cạnh phức tạp của xã hội Mỹ và xã hội Trung Quốc. Nhưng chúng cũng đưa ra những nhắc nhở quan trọng mà các nhà làm chính sách tại Hoa Kỳ và tại Trung Quốc cần phải quan tâm trong việc tìm cách quản lý cuộc cạnh tranh giữa hai nước để khỏi gây chiến tranh.

CHÚNG TÔI LÀ SỐ MỘT

Những bất đồng văn hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên tồi tệ vì một đặc điểm nổi cộm mà cả hai nước đều có: một mặc cảm tự tôn cực độ. Mỗi nước tự coi mình là phi thường – nói trắng ra là không ai bằng. Nhưng trên đời chỉ có thể có một số một mà thôi. Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, nghi ngờ về khả năng thích nghi của Mỹ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. “Đối với Mỹ, việc bị thay thế, đừng nói trên toàn thế giới mà chỉ nội Tây Thái Bình Dương không mà thôi, bởi một dân tộc Châu Á lâu đời bị khinh miệt là suy đồi, yếu hèn, thối nát, và trì trệ là một điều rất khó chấp nhận về mặt tâm lý,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1999. “Cảm thức ưu việt văn hóa của người Mỹ sẽ làm cho việc thích nghi này cực kỳ khó khăn.”

Trong một số cung cách, chủ nghĩa phi thường của Trung Quốc [Chinese exceptionalism] có ảnh hưởng sâu rộng hơn người Mỹ. “Đế chế Trung Hoa coi mình là trung tâm của thế giới văn minh,” nhà sử học Harry Gelber viết trong cuốn Nations Out of Empires [Những quốc gia phát xuất từ các đế chế] xuất bản năm 2001. Trong thời đại đế chế, “quan lại Trung Quốc không quan niệm về một “nước Trung Hoa” hay một “nền văn minh Trung Hoa” theo ý nghĩa hiện đại. Đối với họ, trên thế giới chỉ có người Hán và phần còn lại là man rợ [barbarism]. Theo định nghĩa, bất cứ những gì thiếu văn minh đều là man rợ.”

Mãi đến ngày ngay, người Trung Quốc vẫn rất tự hào về những thành tựu văn minh của mình. “Dân tộc ta là một dân tộc vĩ đại,” Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong một diễn văn năm 2012. “Trong quá trình văn minh và phát triển hơn 5.000 năm lịch sử, dân tộc Trung Hoa đã có những đóng góp trường cửu cho văn minh và tiến bộ nhân loại.” Thật vậy, Tập tuyên bố trong tác phẩm xuất bản năm 2014, The Governance of China [Việc điều hành quốc gia tại Trung Quốc], rằng “nền văn minh liên tục của Trung Quốc không những không có một hình thái tương đương nào trong thiên hạ, mà còn là một thành tựu độc đáo trong lịch sử thế giới.”

Người Mỹ cũng thế. Họ coi mình là đội ngũ tiên phong của văn minh nhân loại, đặc biệt về phát triển chính trị. Khát vọng tự do được trân trọng ghi trong văn bản cốt lõi của tín điều chính trị Mỹ, bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố rằng “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và họ được “Tạo hóa ban cho những quyền nhất định mà không ai có thể tước đoạt.” Bản tuyên ngôn xác định rõ ràng những quyền này gồm có “quyền Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc” và quyết đoán rằng những quyền này không phải là các vấn đề cần tranh cãi mà là những chân lý “hiển nhiên” [self-evident truths]. Đúng như nhà sử học Mỹ Richard Hofstadter đã viết, “Định phận của chúng ta như một quốc gia là không có các ý thức hệ, mà chỉ có đồng thuận [về các quyền con người].” Tương phản với điều này, trật tự là nguyên tắc chính trị cốt lõi của người Trung Quốc – và trật tự phát xuất từ tôn ti [hierarchy]. Tự do cá nhân kiểu Mỹ sẽ gây rối loạn cho tôn ti trật tự; theo quan điểm Trung Quốc, tự do cá nhân sẽ chuốc lấy hỗn loạn.

LÀM NHƯ TA NÓI … VÀ NHƯ TA LÀM?

Những khác biệt triết lý này được biểu hiện trong khái niệm của mỗi nước về vai trò của chính phủ. Mặc dù rất lo lắng, vì thiếu tin tưởng vào quyền hành nhà nước, các nhà lập quốc Hoa Kỳ cũng nhìn nhận rằng xã hội cần có chính phủ. Nếu không thì lấy ai bảo vệ người công dân khỏi hiểm họa ngoại xâm hoặc các vi phạm quyền sống do bọn tội phạm trong nước gây ra? Nhưng họ phải vật lộn với một tình trạng khó xử: một chính phủ đủ mạnh để thể hiện các chức năng cốt lõi sẽ có xu thế độc tài. Để quản lý thách đố này, họ thiết kế một chính phủ gồm “các định chế phân lập chia sẻ quyền hành,” như nhà sử học Richard Neustadt mô tả. Nỗ lực này cố tình tạo ra một cuộc đấu tranh thường trực giữa các ngành hành pháp, lập pháp, và tư pháp [the executive, legislative, and judicial branches], thường đưa đến trì hoãn, bế tắc và thậm chí rối loạn chức năng. Song nó cũng cung ứng các biện pháp kiểm soát và quân bình lẫn nhau chống lại lạm quyền.

Khái niệm của người Trung Quốc về chính phủ và vai trò của nó gần như hoàn toàn khác. Đúng như Lý Quang Diệu nhận xét, “Lịch sử và các sử liệu văn hóa của Trung Quốc cho thấy hễ khi nào có một trung tâm quyền lực vững mạnh (Bắc Kinh hoặc Nam Kinh) thì Trung Quốc mới được thái bình và thịnh vượng. Hễ khi nào trung tâm đó suy yếu thì các tỉnh và các quận huyện lại bị các sứ quân điều khiển.” Do đó, cái thể loại chính quyền trung ương mạnh mà người Mỹ phản đối thì với người Trung Quốc lại là tác nhân quan trọng thúc đẩy trật tự và lợi ích chung ở trong và ngoài nước.

Trong một số phương diện, chủ nghĩa phi thường của Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng hơn phiên bản Mỹ.

Với người Mỹ, dân chủ là thể chế chính đáng duy nhất của nhân loại: chính quyền nhận được tính hợp pháp của mình từ sự đồng thuận của người được cai trị. Nhưng đấy không phải là quan niệm chủ đạo tại Trung Quốc, nơi người dân tin rằng chính phủ hưởng được hoặc mất đi tính hợp pháp chính trị là do thành tích của mình. Trong một cuộc bài nói chuyện có tính khiêu khích do Tổ chức TED truyền đi năm 2013, nhà đầu tư mạo hiểm [venture capitialist] Eric Li, có văn phòng tại Thượng Hải, đã thách thức tính ưu việt thường được gán cho thể chế dân chủ. “Có lần người ta hỏi tôi, ‘Đảng không được dân bầu lên. Lấy đâu ra tính chính đáng?” Li kể lại. “Tôi đáp, ‘Sao không nói đến tài ba lãnh đạo của Đảng?’” Rồi ông tiếp tục nhắc nhở thính giả rằng năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm chính quyền, “Trung Quốc đang lún sâu vào nội chiến, bị ngoại bang xâu xé, [và] tuổi thọ rung bình của người dân là 41 tuổi. Ngày nay [Trung Quốc] là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, một cường quốc công nghiệp, và nguời dân sống trong cảnh phồn vinh ngày càng tăng tiến.”

Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh còn có những đường lối khác nhau rõ rệt trong việc thúc đẩy các nguyên tắc chính trị cơ bản trên trường quốc tế. Người Mỹ tin tưởng rằng các quyền con người và thể chế dân chủ là những nguyện vọng phổ quát [universal aspirations], chỉ cần đòi hỏi tấm gương của Hoa Kỳ (và đôi khi một cú hích của chủ nghĩa đế quốc mới) được thể hiện khắp nơi. Như Huntington đã viết trong tác phẩm tiếp nối của ông, The Clash of Civilizations, Hoa Kỳ là một “quốc gia truyền giáo [a missionary nation],” được thúc đẩy bằng niềm tin cho rằng “các dân tộc phi-Phương Tây phải theo đuổi các giá trị Phương Tây … và phải thể hiện các giá trị này trong định chế của họ.” Hầu hết người Mỹ tin rằng các quyền dân chủ sẽ mang lại lợi ích cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào trên thế giới.

Qua nhiều thập tiên, Washington liên tục theo đuổi một chính sách đối ngoại tìm cách thúc đẩy chính nghĩa dân chủ – thậm chí đôi khi còn khi áp đặt nó lên những người không chấp nhận thể chế dân chủ. Trái lại, mặc dù người Trung Quốc tin rằng các dân tộc khác có thể ngưỡng mộ họ, khâm phục các đức tính của họ, và thậm chí cố gắng bắt chước lối ứng xử của họ, nhưng lãnh đạo Trung Quốc không tuyên truyền cổ vũ cho đường lối của mình. Như nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger nhận xét, đế chế Trung Hoa “không xuất khẩu tư tưởng của mình mà chỉ để các dân tộc khác tự đến tìm kiếm học hỏi.” Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên, lãnh đạo Trung Quốc rất nghi ngờ các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm uốn nắn họ đi theo tín điều của Mỹ. Vào những năm cuối của thập niên 1980, Đặng Tiểu Bình, người lãnh lạo Trung Quốc từ 1978 đến 1989 và là người khởi động tiến trình tự do hóa kinh tế của nước này, than phiền với một khách quí đến thăm Trung Quốc rằng cuộc thảo luận của Phương Tây về “nhân quyền, tự do, và dân chủ được thiết kế chỉ để đảm bảo lợi ích của những nước giàu mạnh cố lợi dụng sức mạnh của mình để ức hiếp các nước nhỏ, theo đuổi địa vị bá quyền và thực hiện đường lối chính trị đại cường.”

SUY NGHĨ NHANH VÀ SUY NGHĨ CHẬM

Cảm thức của người Mỹ và người Trung Quốc về quá khứ, hiện tại, và tương lai trên cơ bản là khác nhau rõ rệt. Người Mỹ hãnh diện chào mừng nước mình vừa tròn 241 tuổi vào tháng Bảy qua; người Trung Quốc muốn nhắc nhở rằng lịch sử của họ trải dài đến năm thiên niên kỷ. Các lãnh đạo Mỹ thường nhắc đến “thử nghiệm Mỹ” [the American experiment]; các chính sách đôi khi bừa bãi của Mỹ phản ánh thái độ này. Trái lại, Trung Quốc tự coi mình là một bộ phận trường tồn của nhân loại: Trung Quốc đã luôn luôn hiện hữu và sẽ luôn luôn hiện hữu.

Chính vì có ý thức rộng lớn về thời gian, các lãnh đạo Trung Quốc cẩn thận phân biệt những gì cấp tính [the acute] với những gì mạn tính [the chronic] và những gì khẩn cấp [the urgent] với những gì chỉ ở mức độ quan trọng [the merely important]. Thật khó tưởng tượng ra một nhà lãnh đạo chính trị Mỹ đề nghị rằng một vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nào đó cần phải được gác lại cả một thế hệ. Nhưng đó chính là điều Đặng Tiểu Bình đã làm năm 1979, khi ông dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc trong các đàm phán với Nhật Bản về Quần đảo Điếu ngư/Senkaku và chấp nhận một giải pháp nhiên hậu, thay vì một giải pháp tức thời, cho cuộc tranh chấp.

Luôn luôn nhạy cảm hơn người Trung Quốc, trước các đòi hỏi của giới truyền thông và công luận, các nhà chính trị Mỹ thường nhảy vào Twitter hay công bố các sách lược rổn rảng cường điệu, hứa hẹn các giải pháp tức thời. Trái lại, lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra kiên trì hơn về mặt chiến lược: họ thoải mái đợi cho vấn đề trôi qua, miễn là các xu thế vẫn nằm trong chiều hướng thuận lợi cho họ. Người Mỹ tự coi mình là chuyên gia giải quyết vấn đề. Phản ánh chủ nghĩa ngắn hạn [short-termism] của họ, người Mỹ nhìn các vấn đề có tính riêng lẻ, cần phải giải quyết ngay vấn đề này để có thể bước qua các vấn đề tiếp theo. Nhà tiểu thuyết và sử học Mỹ Gore Vida đã từng gọi nước ông “the United States of Amnesia” [Hiệp Chúng Quên] – nơi mà mọi ý tưởng đều là sáng kiến và mọi cuộc khủng hoảng đều không có tiền lệ. Điều này rất tương phản với ký ức sâu sắc của người Trung Quốc về lịch sử và các định chế của họ. Họ cho rằng không có điều gì mới mẻ dưới ánh sáng mặt trời.

Thật vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường tin rằng có nhiều vấn đề không thể giải quyết được và thay vì vậy phải quản lý chúng mà thôi. Họ coi các thách đố có tính dài hạn và thường lặp đi lặp lại; các vấn đề họ đương đầu hôm nay là hậu quả của các tiến trình đã diễn biến từ năm trước, thập kỷ trước, hay thế kỷ trước. Các hành động chính sách họ thực hiện ngày nay giản dị sẽ đóng góp vào diễn biến đó. Chẳng hạn, từ năm 1949, Đài Loan được cai trị bởi cái mà Bắc Kinh gọi là Quốc Dân Đảng ác ôn [rogue Chinese nationalists]. Mặc dù lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng Đài Loan vẫn là một phần ruột thịt của Trung Quốc, nhưng họ theo đuổi một chiến lược trường kỳ bằng cách thắt chặt các quan hệ kinh tế và xã hội để dần dần dùng sức hút đặt đảo quốc này dưới trướng của mình.

AI LÀ ÔNG CHỦ?

Cuộc xung đột giữa các nền văn minh mà nó sẽ làm cho Washington và Bắc Kinh rất khó thoát khỏi chiếc bẫy Thucydides dần dần xuất hiện từ các quan niệm xung khắc nhau về trật tự thế giới. Cách đối xử của Trung Quốc với công dân của mình tạo kịch bản cho các quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng nhỏ bé. Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì trật tự trong nước bằng cách thực thi một hệ thống tôn ti chuyên chế [authoritarian hierarchy] đòi hỏi sự kính nể và phục tòng của người dân. Lối ứng xử của Trung Quốc trên trường quốc tế phản ánh những kỳ vọng tương tự về trật tự thế giới: trong lúc ứng khẩu tại một cuộc họp năm 2010 của ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ Dương Khiết Trì đã phản ứng trước các than phiền về quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam] bằng cách tuyên bố với các đồng nhiệm khu vực và với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ, và đấy chỉ là một sự thật.”

Trái lại, các nhà lãnh đạo Mỹ muốn thấy một chế độ pháp trị quốc tế, mà trên cơ bản đó là chế độ pháp trị của nước Mỹ phóng lớn. Đồng thời, họ cũng nhìn nhận thực tế quyền lực trong rừng rú ích kỷ toàn cầu, nơi làm sư tử vẫn lợi hơn làm cừu. Washington thường cố gắng hoà giải tình trạng căng thẳng này bằng cách mô tả một thế giới trong đó Hoa Kỳ là một bá quyền lương thiện, đóng vai nhà lập pháp, viên cảnh sát, ông quan toà, và ban hội thẩm.

Washington thúc đẩy các cường quốc khác chấp nhận trật tự quốc tế dựa trên luật pháp do Mỹ lãnh đạo. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, việc này giống như người Mỹ đặt ra luật lệ và các nước khác phải tuân theo mệnh lệnh của Washington. Tướng Martin Dempsey, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, trở nên quen thuộc với nỗi bất bình có thể thấy trước do quan điểm của Trung Quốc gây ra. “Một trong những điều làm tôi đặc biệt chú ý về các quan chức Trung Quốc là, bất cứ khi nào tôi muốn nói chuyện với họ về các chuẩn mực quốc tế hoặc các qui tắc ứng xử quốc tế, họ đều vạch ra rằng những luật lệ đó được làm ra khi họ còn vắng mặt trên sân khấu thế giới,” Dempsey bình luận trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí này [Foreign Affairs] năm ngoái.

ĐƯỜNG AI NẤY ĐI

Qua gần ba thập niên, Hoa Kỳ là nước giàu mạnh nhất thế giới. Trong thời gian đó, ảnh hưởng to lớn của Washington trên các vấn đề thế giới đã khiến giới chóp bu và lãnh đạo các nước khác nhận thấy việc tìm hiểu văn hóa Mỹ và đường lối chiến lược của Mỹ là thiết yếu. Nhưng trái lại, người Mỹ thường cảm thấy mình có cái xa xỉ là không cần phải động não tìm hiểu thế giới quan của dân nước khác – một sự thiếu quan tâm do nhiều tầng lớp quyền lực Mỹ tin tưởng rằng đằng nào thì phần còn lại của thế giới cũng đang dần dà song chắc chắn trở thành như Mỹ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thách thức thái độ thờ ơ này. Các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ bắt đầu nhận ra rằng họ cần phải cải thiện sự hiểu biết của mình về Trung Quốc – nhất là về tư duy chiến lược của Trung Quốc. Đặc biệt là, các nhà làm chính sách Mỹ bắt đầu nhận ra những đặc điểm riêng trong cung cách tư duy của các người đồng nhiệm Trung Quốc về việc sử dụng quân lực. Trong việc quyết định có nên tấn công đối phương hay không, tấn công lúc nào và bằng cách nào, các lãnh đạo Trung Quốc trong hầu hết các trường hợp đã tỏ ra hợp lý và thực tiễn. Nhưng hơn thế nữa, các nhà làm chính sách Mỹ còn nhận ra năm cơ sở giả định [presumptions] và sở thích [predilections] của phía Trung Quốc; những điều này có thể cung ứng thêm các chỉ dấu về hành vi chiến lược Trung Quốc có khả năng thể hiện trong các cuộc đối đầu.

Trước hết, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, chiến lược của Trung Quốc được thúc đẩy một cách không ngại ngùng bởi chính sách thực dụng [realpolitik] và không hề bị vướng víu vì bất cứ một yêu cầu nghiêm chỉnh nào để biện minh cho hành vi của Trung Quốc dựa trên luật pháp quốc tế và chuẩn mực đạo đức. Thái độ này cho phép chính phủ Trung Quốc linh hoạt một cách tàn nhẫn [ruthlessly flexible], vì Bắc Kinh ít cảm thấy bị ràng buộc bởi các cơ sở lý luận trước đó [prior rationales] và gần như miễn dịch [immune] đối với những chỉ trích về sự thiếu nhất quán của mình. Vì thế, chẳng hạn, khi Kissinger đến Trung Quốc năm 1971 để bắt đầu các cuộc mật đàm về việc nối tình hữu nghị Mỹ-Hoa, ông nhận thấy các người đối thoại với ông không hề mù quáng vì ý thức hệ mà thẳng thắn đến mức thô bạo về lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Trong khi Kissinger và Tổng thống Mỹ Richard Nixon cảm thấy một điều cần thiết là phải biện minh cho sự thỏa hiệp mà cuối cùng họ đã đạt được [với Trung Quốc] để chấm dứt Chiến tranh Việt Nam như một “hòa bình trong danh dự,” thì Mao Trạch Đông thấy không cần phải giả vờ, chẳng hạn nói rằng trong việc thiết lập quan hệ với tư bản Mỹ để tăng cường địa vị của Trung Quốc trước mắt Liên Xô, một cách nào đó ông đang đẩy mạnh một phong trào quốc tế xã hội chủ nghĩa rộng lớn hơn.

clip_image004

Henry Kissingger và Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh, 1975.

Ta có thể nói rằng, cũng như đường lối thực tiễn của Trung Quốc đối với chính trị thế giới giúp cho Trung Quốc có một lợi thế hơn Mỹ, thế giới quan chiến lược cực kỳ tổng thể [obsessively holistic strategic worldview] của Trung Quốc cũng cho Trung Quốc một lợi thế không kém. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhận thấy mọi biến cố có liên hệ mật thiết với nhau. Bối cảnh đang mở ra, trong đó một tình hình chiến lược xuất hiện, xác định điều mà người Trung Quốc gọi là shi [thế]. Từ này không thể dịch thẳng ra tiếng Anh nhưng có thể giải nghĩa là “tiềm năng” [potential energy] hoặc “đà, trớn” [momentum], nội tại trong bất cứ tình huống nào ở bất cứ thời điểm nào. Nó gồm có “thiên thời, địa lợi”, cán cân lực lượng, yếu tố bất ngờ, tinh thần quân dân, và nhiều yếu tố khác. “Mỗi một yếu tố đều ảnh hưởng lên các yếu tố kia, tạo ra các chuyển biến tế nhị về tiềm năng và lợi thế tương đối,” như Kissinger đã viết trong cuốn sách xuất bản năm 2011, On China [Bàn về Trung Quốc]. Như vậy, một nhà chiến lược khôn khéo của Trung Quốc sẽ kiên nhẫn dành hết thì giờ để “quan sát và nuôi dưỡng những chuyển biến thuận lợi trong bối cảnh chiến lược này” và chỉ đi nước cờ của mình khi nào mọi việc ở vào thế liên kết thuận lợi nhất. Rồi sau đó ông mới đánh chớp nhoáng. Nếu theo dõi, ta sẽ thấy kết quả gần như tất yếu.

Chiến tranh đối với các nhà chiến lược Trung Quốc chủ yếu có tính cách tâm lý và chính trị. Người Trung Quốc cho rằng nhận thức của một địch thủ về tình hình thực tế trên trận địa có thể cũng quan trọng như chính thực tế ấy vậy. Đối với Trung Quốc thời đế chế, việc tạo ra và duy trì hình ảnh một nền văn minh ưu việt đến nỗi chính hình ảnh này tượng trưng cho “trung tâm của thiên hạ” đã giúp ngăn chặn các nước thù địch thách thức lại bá quyền Trung Quốc. Ngày nay, một luận cứ về sự trỗi dậy tất yếu của Trung Quốc và sự xuống dốc không thể đảo ngược của Hoa Kỳ đang đóng một vai trò tương tự.

Theo truyền thống, người Trung Quốc giành chiến thắng không bằng một trận đánh quyết định mà thông qua các động thái gia tăng từng bước nhằm dần dần cải thiện thế trận của mình. David Lai, một chuyên gia về các vấn đề quân sự, đã minh họa đường lối này bằng cách so sánh môn cờ vua của Phương Tây với môn cờ vây, weiqi, của Trung Quốc (thường được gọi là go). Trong cờ Tây, người chơi tìm cách khống chế trung tâm bàn cờ và thắng địch thủ. Trong cờ vây, người chơi tìm cách bao vây địch thủ. Nếu một cao thủ cờ Tây thấy trước được năm hoặc sáu nước đi, thì cao thủ cờ vây thấy trước được cả 20 hoặc 30 nước. Chăm chú theo dõi mọi chiều hướng trong quan hệ rộng lớn với một địch thủ, nhà chiến lược Trung Quốc cưỡng lại việc xông tới giành chiến thắng quá sớm, thay vào đó nhắm vào xây dựng lợi thế từ từ. “Trong truyền thống Phương Tây, người ta đặt nặng việc sử dụng vũ lực; binh pháp gần như giới hạn vào các chiến trường; và cách chiến đấu là dùng vũ lực để đè bẹp vũ lực,” Lai viết trong một bài phân tích năm 2004 cho Viện Nghiên cứu Chiến lược của Đại học Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ. Trái lại, “triết lý nằm sau cờ vây … là tranh giành lợi thế tương đối chứ không tìm cách tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của địch.” Bằng một lời nhắc nhở khôn ngoan, Lai cảnh báo rằng “chơi cờ vây với não trạng cờ Tây là rất nguy hiểm.”

CHÚNG TA CÙNG ĐI TỚI THỎA HIỆP

Washington sẽ vì lợi ích của mình mà lưu ý cảnh báo nói trên. Trong những năm tới, bất cứ một số điểm nóng nào cũng có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Hoa, kể cả có thêm những cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Nam và các căng thẳng về chương trình vũ khích hạt nhân đang tiến triển nhanh của Bắc Triều Tiên. Vì phải mất thêm một thập niên hay lâu hơn nữa, Trung Quốc mới sánh kịp Mỹ về các khả năng quân sự, người Trung Quốc sẽ rất dè dặt và thận trọng về bất cứ việc sử dụng vũ lực sát thương nào chống lại người Mỹ. Bắc Kinh sẽ coi vũ lực quân sự như công cụ thứ yếu trong chính sách đối ngoại của mình, không tìm chiến thắng trên chiến trường mà cố thực hiện các mục tiêu quốc gia. Trung Quốc sẽ tăng cường các quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước láng giềng, thúc đẩy sự lệ thuộc của họ vào Trung Quốc, và dùng đòn bẩy kinh tế để khuyến khích (hay o ép) họ hợp tác trên các vấn đề khác. Mặc dù từ trước đến nay Trung Quốc coi chiến tranh là phương án lựa chọn sau cùng, nhưng nếu họ kết luận rằng những đường biểu thị xu thế dài hạn [long-term trend lines] không còn đi theo hướng thuận lợi cho họ và rằng họ đang mất sức mạnh mặc cả, Trung Quốc sẽ khởi động một cuộc chiến giới hạn để cố gắng đảo ngược xu thế.

Lần sau cùng mà Hoa Kỳ đối mặt với những rủi ro cao độ của chiếc bẫy Thucydides là trong cuộc Chiến tranh Lạnh – nhất là trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Suy niệm về cuộc khủng hoảng này, vài tháng sau khi giải quyết vấn đề, Tổng thống John F. Kennedy nhận ra một bài học trường cửu: “Trên hết, trong khi bảo vệ lợi ích sinh tử của mình, các cường quốc nguyên tử phải tránh các cuộc đối đầu mà chúng đưa một địch thủ đến chỗ phải lựa chọn hoặc là nhục nhã rút lui hoặc là chiến tranh nguyên tử.” Bất chấp luận điệu cứng rắn của Moscow, Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev cuối cùng kết luận rằng ông có thể nhượng bộ về vũ khí hạt nhân tại Cuba. Tương tự như thế, về sau Kissinger và Nixon khám phá ra rằng lý thuyết gia Mao Trạch Đông của Trung Quốc rất khéo léo nhượng bộ khi việc này phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump cả hai đều đưa ra những đòi hỏi tối đa, nhất là về vấn đề Biển Hoa Nam. Nhưng cả hai cũng là những chuyên gia về hợp đồng [dealmakers]. Chính quyền Trump càng thấu hiểu quan điểm của Bắc Kinh về vai trò của Trung Quốc trên thế giới và về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao nhiêu, thì họ sẽ càng được chuẩn bị tốt để thương thuyết với Bắc Kinh bấy nhiêu. Vấn đề còn lại vẫn là sự phóng chiếu tâm lý [lấy bụng ta suy ra bụng người]: thậm chí các quan chức lão luyện của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thường giả định sai lầm rằng lợi ích sinh tử của Trung Quốc phản chiếu lợi ích của Hoa Kỳ. Các quan chức đang soạn thảo đường lối của chính quyền Trump đối với Trung Quốc sẽ khôn ngoan nếu chịu đọc Tôn Tử, một triết gia cổ đại của Trung Quốc: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Nếu chỉ biết ta mà không biết địch, thì cho mỗi chiến thắng, sẽ có một thất bại. Nếu vừa không biết địch vừa không biết ta, thì trăm trận đều thua.”

G. A.
(Nguồn: boxitvn.blogspot.ca)

28 October 2017

Lời Cá Chết, thơ

Dạo:
     Hôm nay cá chết ngập đường,
Ngày mai dân Việt trắng xương đầy đồng.


         Lời Cá Chết

Bờ biển rộng đã ngập tràn xác cá,
Người rùng mình, nghe giá buốt vây quanh.
Đôi mắt già chợt tê cóng lạnh tanh
Nhóng từng mảng xác bập bềnh trên sóng.

Trong gió khơi lồng lộng,
Mơ hồ vọng tiếng thở than.
Người ngây mặt ngỡ ngàng,
Nhìn con cá đang nhẹ nhàng hấp hối.

Lòng xốn xang bối rối,
Lời trăn trối thương đau.
Người lẳng lặng gục đầu,
Chua xót thấm từng câu từng chữ.

                           **

- "Tôi biết chỉ còn dăm ba phút nữa
Sẽ trả xong hết nợ để về trời.
Nhưng trước khi phải vĩnh viễn xa người,
Xin được nói lên một lời giã biệt.

Tuy là cá, nhưng vốn dòng cá Việt,
Cả đời tôi chỉ biết chốn này thôi,
Cha ông tôi đã trải mấy trăm đời,
Đem máu thịt nuôi người, không hối tiếc.

Tôi đoan chắc trong xác thân dân Việt,
Có ít nhiều máu huyết tổ tiên tôi.
Và dù cho bên súc vật, bên người,
Tình thân thiết vẫn muôn đời bền chặt.

Lòng chúng tôi quặn thắt,
Khi thấy giặc Bắc hoành hành,
Đem quê hương này phá nát tanh banh,
Xem tính mệnh dân lành như cỏ rác.

Tôi không những oán lũ Tàu độc ác,
Lũ sài lang vốn khát máu tanh lòng,
Tàn sát người, rải độc, cướp biển Đông,
Và nuốt trọn dần non sông nước Việt;

Mà càng oán đám bạo quyền ác nghiệt,
Theo ngoại bang để giết hại đồng bào.
Chúng chỉ lo nhét thật chặt hầu bao,
Dù đất nước có ra sao cũng kệ.

Tôi không hiểu sao con người có thể
Làm những trò độc ác thế với nhau,
Hằng gây ra trăm ngàn chuyện khổ đau
Cho những kẻ cùng màu da, huyết thống.

Chúng chẳng những dã man hành người sống,
Lại còn đem người chết tống đi xa,
Chiếm đất đai để xây phố xây nhà,
Mặc sớm tối dân gào la rên siết.

Tôi không ngại bị phanh thây xẻ thịt,
Làm thức ăn nuôi dân Việt của tôi.
Tôi ra đời cũng chỉ để thế thôi,
Hiến thân xác giúp con người bớt khổ.

Nhưng tôi sợ tấm thân đầy độc tố
Sẽ trở nên công cụ giết người thôi.
Chúng sẽ đem hóa chất ướp, tẩm, nhồi,
Biến thịt thối thành mồi ngon rao bán.

Chỉ thương hại người dân đen mắc nạn,
Đói lả người đành liều mạng gắng ăn,
Để sống còn qua ngày tháng khó khăn,
Dù biết sẽ chết dần trong bệnh hoạn..."

                           **

Con cá vụt quẫy mình, hơi thở đoạn,
Mắt lạc thần dường cố nán nhìn quanh.
Mảnh hồn xanh lưu luyến mấy cũng đành
Lìa khỏi chốn hôi tanh này mãi mãi.

Tiếng máy nổ từ xa dần vọng lại,
Từng đoàn xe vận tải kéo ùa sang,
Xếp thành hàng thật thứ tự lớp lang,
Chất đầy cá xong vội vàng tách bến.

Ai cũng biết chỗ món hàng sẽ đến,
Xác cá đầy độc chất biến thành "tươi",
Rồi ngày ngày được phân phối khắp nơi,
Và sau đó, cả một trời bệnh tật.

Người mím miệng ngăn tiếng gào phẫn uất,
Nhìn khói xe chầm chậm khuất trên đường,
Khoé mắt già ri rỉ giọt buồn thương,
Chua xót biết quê hương giờ đã mất.

                           **

Hạt mưa chiều lất phất,
Hay lệ oan hồn lẩn quất đâu đây.

           Trần Văn Lương
             Cali, 10/2017

Trả Nợ Ân Tình, truyện ngắn

Đầu mùa hè, vợ chồng tôi đến thăm gia đình cô con gái và ở lại chơi khoảng một tháng. Vợ chồng cháu phải đi theo sở làm, một công ty lớn, di chuyển đến thành phố Las Vegas, và vừa mua được ngôi nhà ở vùng ngoại ô, với khu vườn khá rộng nằm bên bờ hồ Mead. Đây là thành phố du lịch có những sòng bài nổi tiếng. Tôi không hứng thú mấy với chuyện bài bạc, nên chỉ ghé lại các nơi này một vài lần cho biết. Hơn nữa, dù mùa hè chỉ mới bắt đầu, mà khí hậu đã nóng bức, tôi ngại ra ngoài, chỉ muốn nằm nhà nghỉ ngơi và đọc sách. Thỉnh thoảng ra vườn tưới cây hay xuống bờ hồ hóng mát và ngắm trời xanh.

Một hôm, trước khi đi làm, cô con gái đưa cho tôi cái chi phiếu, nhờ giao lại cho người làm vườn. Tiền trả cho ông hàng tháng. Cứ ngày thứ ba mỗi tuần là ông ghé lại làm việc ở khu này, cắt cỏ, tỉa cây và dọn dẹp, làm vệ sinh hồ tắm. Cô con gái còn bảo, bác ấy rất đàng hoàng tư cách, mọi người ở đây đều rất tin cậy và quí mến bác. Tuần trước, tôi cũng đã trông thấy ông đến làm việc trong vườn, nhưng vì ngoài trời khá nóng và đúng lúc đang mải mê đọc một cuốn sách, nên tôi chưa có dịp gặp ông.

Khi thấy ông gom dụng cụ bỏ lên xe, tôi nghĩ ông đã xong công việc, mở cửa bước ra chào, cám ơn và đưa cho ông cái chi phiếu, bảo cô con gái nhờ trao lại. Thấy trên mặt đầm đìa mồ hôi, tôi mời ông vào nhà uống với tôi một lon bia lạnh. Ông nhìn đồng hồ, đưa tay phủi ít bụi cỏ vướng trên áo quần, ngần ngừ, định từ chối. Tôi nắm tay ông kéo lại bộ ghế nhựa nằm dưới gốc một cây bơ phủ bóng, bảo:
– Hay là mình ngồi ở đây để anh thoải mái hơn.
Tôi chạy vào nhà lấy bia, nghe tiếng ông nói vọng theo:
– Tôi chỉ uống với anh đúng một lon, để tí nữa còn phải lái xe đi

Tôi mang bia và mấy cái nem chua ra. Chúng tôi vừa uống bia vừa nói chuyện. Đúng như lời cô con gái, ông là một người hiểu biết và có tư cách. Mái tóc bạc màu muối tiêu và khuôn mặt đượm buồn mang ít nhiều khắc khổ, đã không làm mất đi cái vầng trán cao, đôi mắt sáng, khuôn mặt biểu hiện một con người khí khái và nghị lực.

Ngồi với nhau khoảng hơn mười phút, ông cám ơn và đứng dậy xin cáo từ vì còn phải sang làm vườn cho các nhà kế cận. Ông bắt tay tôi và hẹn thứ ba tuần sau ông sẽ đến sớm để tâm tình nhiều hơn. Dù chưa biết nhau nhiều, nhưng qua cái bắt tay, tôi có cảm giác là ông cũng có chút cảm tình, quí mến tôi.

Lần thứ hai gặp nhau, chúng tôi có nhiều thì giờ tâm tình và biết về nhau nhiều hơn. Chính điều này đã làm chúng tôi trở thành bạn, khá thân tình.

Trước kia, anh phục vụ trong Binh chủng Lực Lượng Đặc Biêt. Sau khi binh chủng này giải thể anh được bổ sung cho một đơn vị Biệt Động Quân. Một năm sau anh được thăng cấp thiếu tá. Bị thương trong một cuộc hành quân qua Cam Bốt, anh được thuyên chuyển về một Tiểu Khu miền duyên hải Quân Khu 2, quê anh, và phục vụ ở đây cho đến ngày mất nước.

Vợ của anh là cô giáo dạy ở trường tiểu học quận lỵ. Ngày anh vào tù vợ anh mang thai đứa con đầu lòng hơn năm tháng, và cũng không được “lưu dụng” trong chế độ mới bởi ảnh hưởng lý lịch của chồng.

Sau đó, những ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh thướng hú tôi sang nhà anh chơi. Anh bảo:- Tôi thường ở nhà một mình, ông cứ sang đây, bọn mình nhậu thoải mái và kể chuyện xưa chơi.

Căn nhà cũ nằm giữa khu vườn khá lớn có nhiều cây ăn trái, và những khóm hoa được anh cắt tỉa rất công phu. Có cả một hòn non bộ, nước chảy róc rách, trông rất yên ả, thơ mộng. Cùng độ tuổi với anh, nhưng tôi thua anh rất xa về chuyện cần cù với bàn tay khéo léo. Nhìn khu vườn nhà, tôi biết là anh đã bỏ ra rất nhiều thì giờ và công sức. Lần nào đến chơi, anh cũng làm cơm, nướng thịt và hai anh em uống cạn mấy lon bia. Có khi tôi phải ngủ một giấc, đến gần tối mới về nhà. Một lần, được tin anh bị bệnh, vợ tôi theo tôi đến thăm anh, giúp anh làm vài món ăn và dọn dẹp nhà cửa bếp núc.

Mấy năm sau này, từ khi cô con gái sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi thường xuyên lên ở giúp cháu, nên thường gặp anh hơn và dần dà trở nên thân thiết như anh em.

Nhìn tấm ảnh, tôi khen:
– Trông ông bà rất đẹp đôi. Lúc trẻ chắc chị nhà là cô giáo hoa khôi của một trường nào đó. Mấy cháu cũng đều rất dễ thương.
Anh ngượng ngùng một tí, rồi làm tôi bất ngờ:
– Đây là bà vợ thứ nhì và hai cháu lớn là con riêng của bà. Chỉ có thằng nhỏ nhất là con chung của bọn tôi.
Tôi tò mò, không kịp giữ ý:
– Chắc bà chị trước đã qua đời khi còn ở Việt nam?
– Không, bà vẫn còn sống và đang ở trên Houston.
Tôi vội vàng nói lời xin lỗi. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh giải thích:
– Bà bỏ tôi sau hơn một năm vào tù, lấy một người đàn ông khác, sau đó dắt theo đứa con gái vượt biên từ năm 1979.
Trầm ngâm giây lát, anh nói tiếp:
– Và từ đó bà không hề liên lạc với tôi, mặc dù có vài lần tôi viết thư riêng nhờ người mang đến cho bà, để chỉ hỏi tin tức đứa con, nhưng không hề nhận được hồi âm. Bây giờ, nếu còn sống, đứa con gái của tôi cũng đã gần bốn mươi tuổi, nhưng chắc chắn nó không hề biết tôi là cha của nó.
Tôi cố tìm một lời an ủi:
– Với vợ con và niềm hạnh phúc mới sau này, chắc anh cũng đã nguôi được nỗi buồn?
Anh cười:
– Thực ra khi mới biết tin, dĩ nhiên tôi buồn lắm, nhưng rồi sau đó lại mừng cho mẹ con bà. Chứ nếu ở vậy mà chờ tôi, thì cuộc đời của mẹ con bà không biết sẽ ra sao? Lúc còn ở trong tù, đêm nào tôi cũng nằm cầu nguyện cho mẹ con bà được yên lành, hạnh phúc với gia đình và quê hương mới. Tiếc là khi ấy tôi không thể liên lạc được để nói lên điều này cho bà được yên lòng.
– Tôi nghĩ điều đó chắc không còn cần thiết, bởi đã đối xử cạn tình với anh như vậy, chắc bà cũng chẳng có hối hận điều gì.
Anh trầm ngâm:
– Xem vậy chứ đàn bà cũng dễ xúc cảm, nặng lòng trắc ẩn lắm. Dù gì, tôi cũng thấy thương và tội nghiệp cho bà.
Đến chơi khá nhiều lần, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ gặp người vợ của anh bây giờ. Một hôm chúng tôi bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên khi nghe anh tâm sự về bà:
– Bà ấy rất ít khi có ở nhà. Bà sống ở các sòng bài. Khi nào không kiếm được tiền bà mới về đây, nhưng sau đó, khi có được đồng nào bà lại đi ngay. Trước kia, tôi bỏ ra tất cả tiền bạc dành dụm và vay mượn thêm của ngân hàng để sang lại cái tiệm ăn, cho bà làm chủ. Buôn bán cũng khá lắm, nhưng sau đó phải bán để trả nợ cho bà. Đồ đạc trong nhà này, cái gì còn bán được bà cũng đã bán hết, nên chẳng còn một thứ gì đáng giá.
– Sao anh và các cháu không khuyên giải, can ngăn bà? Vợ tôi hỏi.
– Cũng may, tôi đã cố gắng hết sức lo cho hai cháu đầu, con của bà được vào đại học. Cả hai đều học xa nhà, nên tôi tìm cách nói dối để các cháu yên lòng mà học hành, còn thằng con trai út, lúc ở với tôi còn nhỏ, nên chẳng chú tâm điều gì, cứ tưởng mẹ nó đi buôn bán làm ăn. Sau này, khi thấy cháu lớn khôn, không muốn ảnh hưởng đến chuyện học hành và tương lai của nó, tôi gởi cháu vô nội trú một trường Công giáo. Không thấy mẹ, lâu lâu cháu cũng hỏi thăm, không biết là cháu có biết gì không, nhưng chẳng thấy nó buồn hay thắc mắc điều gì. Tôi nghĩ có cho các cháu biết cũng vô ích, chỉ làm hại các cháu. Hơn nữa, khi đã lâm vào con đường cờ bạc rồi, cũng giống như thuốc phiện, khó mà quay lại được.
– Đến bây giờ hai cháu lớn cũng chưa biết? Tôi hỏi anh.
– Sau khi tốt nghiệp, hai cháu về nhà sống một thời gian chờ xin việc. Lúc ấy hai cháu mới biết.       Năn nỉ, can ngăn, rồi làm dữ cũng đều vô ích. Sau này hai cháu có việc làm rồi lập gia đình, ra ở riêng. Khi hết tiền bà chạy đến xin, xin vợ không được bà xin cả chồng. Tội nghiệp hai thằng chồng đều là Mỹ hết. Cuối cùng tụi nó sợ quá, phải dọn nhà đi nơi khác và không cho bà biết. Sau này, thấy tôi quá khổ sở với bà, hai cháu rất giận mẹ, đề nghị rồi hối thúc tôi bỏ bà, chuyển đi nơi khác ở. Hai cháu thương tôi, lúc nào cũng xem tôi như cha ruột và luôn tỏ ra biết ơn tôi đã hết lòng lo lắng cho hai cháu.
– Chắc anh không nghe theo hai cháu, nên bây giờ vẫn còn ở lại đây. Tôi hỏi
Anh cười, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra:
– Không được! Tôi bảo với hai cháu là ba còn nợ mẹ rất nhiều, mà dù có phải khổ sở, chịu đựng suốt cả đời vì mẹ con, cũng chưa trả hết được. Hơn nữa đã là vợ chồng, ba đâu có thể nhẫn tâm bỏ bà trong lúc bà bị sa lầy.

Sau đó anh ngồi kể cho vợ chồng tôi nghe:
– Bà là cứu tinh của tôi. Trước kia, có một thời nhà cha mẹ bà ở gần nhà tôi. Bà là con một của một gia đình giàu có. Khi ra tù, vợ con đã bỏ đi, tôi không có chỗ để ở, lại mang theo bệnh tật từ trong tù, nên chẳng làm được việc gì. Không hiểu sao lúc ấy bà lại cưu mang tôi, và can đảm lấy tôi làm chồng. Lúc ấy bà có tiền, làm chủ một vựa trái cây và buôn bán thuốc tây, cà phê. Lúc đầu, thấy tôi khổ sở, bà nhận tôi vào làm công và bảo dọn tới nhà bà ở vì căn nhà sau, có một phòng bỏ trống. Cả hơn nửa năm tôi mới khỏe lại và bắt đầu phụ giúp công việc buôn bán với bà. Nhưng bà chỉ giao cho tôi lo việc sổ sách. Bà thường lo lắng chăm sóc cho tôi, và cuối cùng tỏ tình với tôi.  Khốn khổ hơn là có một tay cán bộ kiểm lâm CS từ miền Bắc chuyển vào, đã theo đuổi, tán tỉnh bà, thỉnh thoảng mang đến cho bà những bộ bàn ghế được đóng bằng gỗ quí, nhưng bà nhất quyết chối từ. Ban đầu hắn tưởng tôi là người làm công hay bà con trong nhà, nhưng sau này, khi biết bà đã lấy tôi, hắn tìm mọi cách hãm hại tôi. Bà bỏ tiền mua cả đám công an, nên tay kiểm lâm sợ, bỏ cuộc. Hơn nữa nghe nói hắn đã có vợ con ở ngoài Bắc. Có lần tôi hỏi, vì sao bà thương và lấy tôi khi tôi trong cảnh thân tàn ma dại. Bà cười, bảo là ngày xưa, lúc còn là cô con gái mới lớn lên bà đã thầm yêu tôi, bà thích lính chiến, nhất là bộ áo quần bông với cái bê-rê xanh của LLĐB, oai hùng lắm, nhưng tôi không để ý đến bà.  Đúng vợ chồng là cái số. Sau này bà lấy một thương gia, nhưng ông mất sớm. Nhờ vậy, sau 75, bà còn giấu được một số vàng để bây giờ có vốn buôn bán nuôi con.

Những lần chính quyền địa phương gọi tôi, diện tù “cải tạo” đang trong thời quản chế, đi làm công tác thủy lợi, bà đều thuê người đi làm thay. Sợ bọn chúng cưỡng bách tôi đi Vùng Kinh Tế Mới, bà làm hôn thú và dù rất khó khăn, bà cũng chạy cho tôi được vào chung hộ khẩu với gia đình bà. Với lòng biết ơn và quí mến, tôi đã hết lòng yêu thương bà và hai đứa con của bà. Tôi dạy kèm thêm, nên hai cháu đều là những học sinh giỏi của trường, luôn vâng lời, lễ phép dễ thương. Tôi xem hai cháu như con ruột của mình. Một năm sau, chúng tôi rất vui mừng khi có một đứa con chung, là thằng con trai, giống tôi như đúc. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến đứa con gái đầu lòng với người vợ trước. Từ lâu rồi tôi không liên lạc đươc, nên chẳng biết bây giờ nó ra sao. Chỉ mong ông trời thương, để có một ngày cha con được gặp lại.

Anh ngừng câu chuyện ở đây, lim dim đôi mắt, nhưng ngay sau đó lại nở nụ cười. Tính anh như  thế, tôi chưa khi nào thấy anh buồn điều gì lâu. Tôi thầm nghĩ, khi người ta chịu đựng quá nhiều thử thách trong cuộc đời, thì dường như buồn vui gì cũng như nhau thôi.
Tôi cười theo anh, và nói đùa:
– Không ngờ ngày xưa ông anh cũng đào hoa ghê. Đến bước đường cùng mà vẫn có người đẹp yêu tha thiết.
Anh quay sang tôi cười, giải thích thêm:
– Bọn mình là lính mà. Người lính lại càng không thể phụ ơn những người đã từng cưu mang, sống chết với mình. Cũng như anh em mình đâu có thể quên những đồng đội đã chết, đã hy sinh một phần thân thể vì mình, phải không?

Tôi im lặng, không trả lời, chỉ thấy thương và càng quý trọng anh. Người lính chưa bao giờ bại trận, nhưng cuối cùng đã phải làm người thua cuộc. Qua bao nhiêu thử thách vẫn còn giữ được cái sĩ khí, lòng bao dung và nhân cách của mình.

Những lần gặp tôi, trong các câu chuyện anh thường nói về chuyện lính. Anh kể cho tôi nghe những trận chiến mà anh đã từng tham dự. Từ lúc những buổi đầu trong các toán Delta, sau đó đóng đồn biên phòng, rồi sau này ra Biệt Động Quân, và cuối cùng là Địa Phương Quân. Anh say sưa kể từng chi tiết, địa danh, từng tên của những người lính đến các cấp chỉ huy. Trong lãnh vực này, trí nhớ của anh lại trở nên phi thường. Tất cả như nằm sẵn đâu đó trong lòng anh. Nhiều lần anh bảo với tôi là anh đã sống với nó, với cái quá khứ ấy. Anh còn ví von: “lúc trước ông nhà thơ Phùng Quán đã từng tâm sự là khi ngã nhờ vịn những câu thơ mà đứng dậy, còn với tôi thì đã bao lần thất chí, đã nhờ những hình ảnh quá khứ này để có thể đứng lên. Không có một thời làm lính, một thời trong chiến trận, chắc tôi đã quỵ ngã từ lâu rồi.”

Cuối cùng thì vợ chồng tôi cũng gặp được bà vợ bây giờ của anh. Mùa hè năm ngoái, anh làm đám cưới cho cậu con trai út. Đứa con chung duy nhất của hai người. Cô dâu lại là con của một người bạn HO của anh, mà tôi cũng quen biết, vì từng ở chung một trại tù ngoài Bắc. Anh nhờ vợ chồng tôi đi họ bên phía đàng trai, và phụ giúp anh sắp xếp công việc trong ngày hôn lễ. Ngày đám cưới, chúng tôi đến nhà anh sớm hơn giờ hẹn để phụ sắp xếp bàn thờ và lễ vật. Rất bất ngờ khi thấy có cả chị ra đón bọn tôi ngoài cửa. Có lẽ anh đã giới thiệu trước ít nhiều về vợ chồng tôi, nên chị nở nụ cười thật tươi chào đón và gọi đúng tên chúng tôi. Vợ chồng tôi khá ngạc nhiên, bởi chị khác hoàn toàn với hình ảnh người đàn bà mà chúng tôi tưởng tượng bấy lâu nay với không mấy cảm tình. Xinh đẹp, vui vẻ nói năng lưu loát, và dễ thân thiện. Chỉ có ốm hơn so với trong ảnh, và thoáng một chút mệt mỏi, bơ phờ. Buổi chiều, trong tiệc cưới, khi người MC giới thiệu gia đình nhà trai, anh chị cùng vợ chồng hai cô con gái bước lên sân khấu đứng bên cô dâu chú rể, cúi đầu chào khách. Tiếng vỗ tay của thực khách như thay cho lời hâm mộ một gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc. Tôi bỗng thấy một chút xót xa, tiếc nuối trong lòng và thầm mong là biết đâu nhờ đám cưới của cậu con trai, mà chị sẽ trở về với con người cũ, để hai người còn có bên nhau trong hạnh phúc ở những năm tháng cuối đời.

Cuối tuần sau ngày đám cưới, anh đưa chị ghé đến chơi, mang biếu chúng tôi hai chai rượu và một hộp trà. Anh bảo là quà “lại quả” hôm đám cưới, anh chị chia cho chúng tôi để mừng cho hai cháu.  Khi vợ tôi ngồi chỉ cho chị cách thức làm nem Ninh Hòa, mà chị rất thích, anh rủ tôi ra ngoài vườn, vui mừng bảo là chị ấy đã hồi tâm, vì sau ngày đám cưới thấy các con hạnh phúc vui vẻ, sau đó các cháu tâm tình khuyên giải bà, nên từ bỏ mọi thứ đam mê sai lầm để sống với tôi trong tuổi già, vợ chồng săn sóc hôm sớm có nhau.  Anh hy vọng lần này bà đã thức tỉnh. Hơn nữa tuổi tác cũng đã nhiều, bà thấy sức khỏe sa sút thường hay mệt mỏi. Tôi nắm hai tay anh mừng rỡ, và nói vài lời, ngưỡng mộ sự bình tĩnh, chịu đựng và tấm lòng bao dung của anh. Tôi lấy trong túi áo ra bốn tờ vé số Power Ball vừa mới mua trưa nay. Đặc biệt số độc đắc xổ chiều nay, sẽ hơn ba mươi triệu Mỹ kim. Tôi chia cho anh ba tờ, bảo:
– Hy vọng ông trời sẽ cho thêm anh chị điều may mắn.
Anh cười:
– Cám ơn bồ, nhưng thường là “phúc thì bất trùng lai, mà họa thì vô đơn chí!”
Tiễn anh chị ra xe, bắt tay nhau trong tiếng cười rộn rã.

Khoảng ba tuần sau, anh gọi phone báo cho chúng tôi một tin không vui. Chị ấy đang nằm trong bệnh viện. Bác sĩ vừa khám phá chị bị ung thư vú trong thời kỳ cuối. Vì quá lâu, không khám bệnh, nên không phát hiện được, bây giờ đã di căn, không biết có cần giải phẫu hay không. Chúng tôi chạy lên bệnh viện thăm chị. Thấy chúng tôi, chị nở nụ cười, nhưng trông khá mệt mỏi, bơ phờ. Anh  luôn bên cạnh, đút thức ăn, săn sóc an ủi chị. Anh bảo tối nào, theo yêu cầu của chị, anh cũng ngồi bên cạnh đọc các chuyện chiến trường, chuyện lính cho chị nghe.

Bệnh viện quyết định không giải phẫu, chỉ cấp cho một số thuốc để đưa chị về nhà. Các cháu đều về thăm. Sống bên cạnh chồng cùng đầy đủ các con, chị vui và hạnh phúc lắm. Chúng tôi đến thăm, dù không được khỏe, nhưng chị rất tỉnh táo, nằm kể cho các con nghe về cuộc đời mình, ân hận đã có một thời sa ngã vào con đường bài bạc, làm khổ sở và xấu hổ gia đình. Chị cũng nắm chặt tay anh, nói rất yêu và biết ơn anh đã hết lòng lo lắng đùm bọc vợ con trong những năm tháng khó khăn, xin anh tha thứ về thời gian chị đã có lỗi lầm.

Anh ngồi bên cạnh, cúi xuống hôn trên trán chị:
– Lúc nào anh cũng yêu em, cầu xin ơn trên cho em sống khỏe mạnh để anh tiếp tục lo lắng, trả nợ cho em. Món nợ ân tình lớn lao, mà cả đời này anh cũng không thể trả hết được cho em.
Nước mắt của chị ràn rụa trên đôi gò má hóp. Tôi thầm nghĩ đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Cho dù có chút xót xa.

Chị đã mất vào khuya hôm ấy. Theo lời anh kể lại, suốt đêm anh nằm với chị, ôm chị trong vòng tay rồi ngủ mê lúc nào không biết. Khi giật mình thức dậy thì chị đã ra đi tự lúc nào.

Vợ chồng tôi có mặt trước khi đưa chị vào nhà quàn bệnh viện. Chị nằm như đang say ngủ, nét mặt bình yên, thanh thản.

Và lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh khóc.

Phạm Tín An Ninh

Giải Túc Cầu Thiếu Niên Thế Giới: Hai trận chót

Sau khi đội Anh thắng đội Ba Tây 3-1 sẽ so tài với đội Tây Ban Nha là đội đã thắng đội Mali cũng với tỷ số 3-1 để tranh giải vô địch thế giới năm 2017 vào sáng mai Thứ Bảy (Oct 28). Xin nhớ đón coi.

7 giờ sáng: Ba Tây gặp Mali để tranh hạng 3
10 giờ sáng: Anh gặp Tây Ban Nha tranh chức vô địch.
(Giờ Toronto - New York)


26 October 2017

Giấc Mơ Hòa Bình, thơ

Em nghe nói hòa bình
Trên những tờ nhật báo
Em nghe nói hòa bình
Trên miệng người lãnh đạo
Em để lòng khờ khạo
Ôm giấc mơ hòa bình
Mong chiến tranh chấm dứt
Anh giã từ đao binh
Tin về từ trận tuyến
Anh chết giữa chiến trường
Ôi giấc mơ khờ khạo
Chỉ còn là đau thương
Từ khi em ra đời
Từ khi có trí khôn
Em thấy toàn chém giết
Em thấy toàn máu xương
Từ khi em biết nghe
Từ khi em biết nói
Toàn những lời giả dối
Toàn những lời hứa suông
Từ khi em biết yêu
Từ khi em biết nhớ
Anh đã dặn đợi chờ
Rồi anh không về nữa
Ôi giấc mơ khờ khạo
Ôi giấc mơ hòa bình
Xây giữa lòng tham bạo
Chết trước khi thành hình
Ôi lòng non bé nhỏ
Như giấy trắng thơm tho
Vết mực đen loang lổ
Làm hoen ố hồn thơ
Em đã biết giận thù
Biết cuộc đời dối trá
Trang nhất nói hòa bình
Trang tư toàn cáo phó
Em không còn bồng bột
Tin những lời đầu môi
Em bắt đầu tỉnh ngộ
Thì đã mất anh rồi
Ôi giấc mơ hòa bình
Anh trả bằng sự sống
Em trả bằng tủi hờn
Bằng một đời đơn độc
Tháng 7/1969
Trần Mộng Tú

24 October 2017

Tổng Thống Trump tâm tình với tạp chí Forbes

Đại-Dương

Ban biên tập Tạp chí Forbes đã công bố trên internet về cuộc phỏng vấn Tổng thống Donald Trump hôm 6 tháng 10 năm 2017 trước khi nó xuất hiện trong số báo ngày 14.

Cuộc phỏng vấn tại Phòng Bầu Dục kéo dài 50 phút liên quan đến suy tư, hành động và hoài bảo của vị tổng thống, xuất thân từ nhà kinh doanh, có ảnh hưởng tới đời sống của dân tộc Mỹ và thế giới.

Trump cho rằng thích thú là chìa khoá thành công nên dù chi phí ít vẫn đánh bại Hillary Clinton bất chấp huyền thoại “có nhiều tiền mới đắc cử”. Đó là ưu điểm của kinh doanh.

Sau 9 tháng vào Toà Bạch Ốc, Tổng thống đã tạo niềm tin vào nền kinh tế đang đi đúng hướng nên thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt, thất nghiệp giảm ở mức thấp nhất trong 17 năm, tăng trưởng GDP trong tam cá nguyệt 2017 lên tới 3.1%. Giới kinh tế gia cho rằng mức tăng trưởng trên 3% chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đã phục hồi sức mạnh.

23 October 2017

Vài điều cần phản biện với ‘The Vietnam War’

Bùi Tín

Sau khi xem bộ phim dài nhiều tập «The Vietnam War» của 2 nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tôi thấy có 2 vấn đề cần phản biện vì các tác giả không thể hiểu rõ ràng, đầy đủ về Việt Nam nên đã đưa ra những nhận xét không thích hợp với thực tế.

Trước hết bộ phim tỏ ý tiếc rằng hồi 1945, ông Hồ Chí Minh đã có thiện chí gửi đến 6, hay 8 bức thư và điện cho tổng thống H.S. Truman để kêu gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với cuộc đấu tranh dành độc lập của Việt Nam chống thực dân Pháp. Nhưng đáng tiếc là phía Hoa Kỳ không đáp ứng, sau đó còn giúp vũ khí và tài trợ cho Pháp rồi thay chân Pháp tham chiến ở Việt Nam.

Bộ phim còn nói lên thiện chí của ông Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ trong bản Tuyên Ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 ở Hà Nội.

Điều này phản ánh suy nghĩ của nhiều người cho rằng nếu hồi đó Hoa Kỳ đáp ứng lời chìa tay hữu nghị của Hà Nội thì chiến tranh có thể không xảy ra, Việt Nam được độc lập như Ấn Độ, Miến Điện… mà không phải đổ máu.

Cũng theo luồng suy nghĩ này, nhiều người cho rằng hồi 1945, ông Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa yêu nước, có chú tâm giành độc lập dân tộc, do Hoa Kỳ không đáp ứng lời kêu gọi ủng hộ và kết thân mà ông Hồ phải buộc lòng quay sang tìm sự ủng hộ của Trung Cộng và Nga Xô, ngả vào lòng thế giới cộng sản.

Trên đây chính cũng là lầm lẫn của tôi từ khi ở trong nước, được tự đính chính sau khi nghiên cứu nhiều hồ sơ lịch sử ở Moscow, Paris, London, Washington DC, trong các kho tư liệu của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản ở Nga, của «Phòng Nhì» và thư viện Montpellier / Pháp, của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ…

Ngay từ khi còn ở trong nước, tháng 5/1990, tôi gặp ông Archimede Patty tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ ở hội trường Ba Đình, chính ông A. Patty từng ở trong tổ Con Nai của tình báo Mỹ đột nhập Việt Bắc để bắt liên lạc và giúp huấn luyện quân sự bộ đội Việt Minh, cho tôi biết rằng ông không tiếc gì việc lỡ làng mối quan hệ Mỹ - Việt, vì sự thể ắt phải như thế. Theo ông tìm hiểu, hồi đó, tổng thống F.D. Roosevelt và tổng thống H.S. Truman cùng các ngọai trưởng E. Stentinius và J. Byrns nắm rất chắc lý lịch của ông Hồ, qua trao đổi tin tức rất đầy đủ kịp thời giữa tình báo Pháp, Anh và CIA. Từ đầu năm 1945 họ đã thông báo cho nhau rằng ông Hồ là cán bộ quốc tế ăn lương của Quốc tế Cộng sản, được huấn luyện kỹ ở Moscow từ năm 1924, cầm đầu Đảng Cộng sản Đông Dương và sớm muộn sẽ thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, Lào và Cam-bốt.

Tin buồn

Đồng môn Quốc Gia Hành Chánh Ban Đốc Sự Khóa 1

Ông PHẠM VĂN MINH
Pháp danh Minh Trí

đã tạ thế ngày 18 tháng 10 năm 2017 tại Garden Grove, Nam California, Hoa Kỳ

Hưởng thọ 95 tuổi
(Nguồn Hội Nam California)

19 October 2017

Nhà gỗ và xác dân

FB Trương Châu Hữu Danh

Chỉ trong vòng 40 năm, những cánh rừng bạt ngàn của Việt Nam gần như bị xoá sổ. Bao nhiêu năm chiến tranh, hứng chịu bom đạn, rừng vẫn bạt ngàn xanh “che bộ đội, vây quân thù”. Sau chiến tranh thì rừng mất sạch. Rừng đi đâu? Vào nhà đại gia.

Nhưng đại gia mê gỗ còn thua xa cán bộ. Trong một tháng, chúng tôi đã đi khắp các cánh rừng Tây Nguyên, từ Đắk Nông đến Đắk Lắk, Gia Lai rồi Kon Tum, Lâm Đồng, đâu đâu cũng thấy cảnh rừng bị tàn sát. Sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nạn phá rừng vẫn tràn lan. Gỗ ở K’Bang (Gia Lai) vẫn ào ạt chạy ra khỏi rừng dù từ rừng ra ngoài chỉ có con đường độc đạo, có barie chắn ngang của lực lượng kiểm lâm. Gỗ ở Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum) cũng ồ ạt chạy ra khỏi rừng cả ngày lẫn đêm – dù muốn qua chốt chặn phải “bay lên trời” mới thoát. Những người bị mang danh là “lâm tặc” than thở với chúng tôi sau lệnh cấm, gỗ vẫn bị đốn hạ, chỉ có tiền bôi trơn là tăng lên và thu nhập của lâm tặc giảm xuống.

18 October 2017

Tim Anh Bay Bổng Chốn Nào?, thơ

TIM ANH BAY BỔNG CHỐN NÀO?

Đưa em lên lụa mịn màng
Thêm mây, sương, khói… cho nàng liêu trai
Bút thần họa nét trang đài
Sắc màu nghệ thuật thiên thai tìm về.

Bức treo, bức dựng mân mê,
Bức nằm, bức đứng thỏa thê hương người
Bức tranh toàn bích: em cười
Xinh tươi hơn cả chín, mười Joconde*

Chút hồng nhàn nhạt màu son
Đáng yêu cô bé phủ đòn tim anh
Hình hài em lượn vào tranh
Vĩ nhân hội họa cũng giành cọ thôi.

Run theo nét vẽ bồi hồi
Dĩa thần chặm sắc đôi môi tuyệt vời
Cọ anh chấm nét đứng, ngồi
Càng nhìn càng đẹp! Em dời tim anh?
Á Nghi, 4.10.2017
              
* La Joconde: tranh của Họa Sĩ Léonard de Vinci

Thắng-Thua-Thành-Bại

Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.
Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời:
“Thưa hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”
Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”
- “Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.

Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán:
- “Con bướm trong tay cháu chết rồi.” Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi.”
Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.

14 October 2017

Tháng Chín ở Elwood Beach..., thơ


Khi Mỹ vẽ lại lịch sử cuộc chiến VN

Đôi giòng:
Nhìn cách Mỹ bỏ rơi VNCH thật ngán ngẩm quá. Ngay việc đưa quân Mỹ vào Miền Nam đã đủ là dấu hiệu* Mỹ sẽ thua. Đau nhất vẫn là dân chúng Miền Nam. Xem VOA những năm sau này chả thấy ‘khí thế’ gì cả. Bọn làm phim Mỹ chỉ giỏi vẽ rồng, vẽ rắn! (SĐ)
**

Lữ Giang – 13/10/2017

Trong bài “Tất cả chính trị đều là ‘thực tế’ được giàn dựng”, cựu Dân biểu Robert Linlithgow đã viết: “Chính trị được giàn dựng. Nó không phải là thực tế.” (Politics is staged. It’s not reality). Quả đúng như vậy. Nhìn lại đống tài liệu về cuộc chiến Việt Nam từ 1954 đến 1975 dày khoảng 150.000 trang đã được Mỹ giải mã, chúng ta thấy các biến cố quan trọng đều do Mỹ giàn dựng rất công phu, từ việc lèo lái chính phủ Ngô Đình Diệm đi theo đường lối của Mỹ đến vụ giết hai tổng thống Ngô Đình Diệm và John Kennedy để đổ quân vào Việt Nam, thực hiệc mục tiêu của cuộc chiến rồi bỏ rơi Miền Nam… đều đã được tính toán rất tỉ mỉ và chính xác.

Mặc dầu đống tài liệu được giải mã cao ngất còn nằm sờ sờ trước mắt, tứ 1975 đến nay, Mỹ đã cho giàn dựng lại cuộc chiến Việt Nam với nhiều tình tiết rất khác xa với thực tế và sử liệu đã được công bố, để phục vụ cho các chính sách và mục tiêu từng giai đoạn của Mỹ.

NHỮNG NỖ LỰC ĐÁNG BUỒN

Có 4 bộ phim giàn dựng lại cuộc chiến VN đã được người Việt hải ngoại quan tâm và phản đối vì cho rằng không trung thực.

12 October 2017

Gương đáng ngưỡng mộ của Chuck Feeney

Đây là một ông lão mới thoạt nhìn trông nghèo khó lại keo kiệt. Nhưng việc ông làm lại khiến ông trở thành tấm gương cho các phú hào khác như Bill Gates và Warren Buffett đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông.
Ông đã 76 tuổi, ở cùng vợ trong một căn hộ cho thuê ở thành phố San Francisco nước Mỹ. Ông chưa từng mặc qua quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng không hợp thời. Ông không thích món ăn ngon, thích nhất là sữa hâm nóng và bánh sandwich cà chua giá rẻ. Ông cũng không có ô tô riêng, ra ngoài thường đều đi bằng xe buýt, túi xách mà ông từng dùng để đi làm là túi vải.

11 October 2017

Nói Với Các Cựu Cán Binh Cộng Sản

Cuộc chiến vừa qua chỉ có một công dụng là mở cửa cho Tầu Cộng thôn tính Việt Nam.

Bs Trần Mộng Lâm

Tôi vừa xem một đoạn vidéo trong đó những người cựu sĩ quan, binh lính Miền Bắc huy chương đầy mình lên án CS bán nước.

Nếu như không thể không đồng ý với các anh trong những lời kết án gay gắt này, thì tôi cũng rất đau lòng trước một nhận xét khác.

Đó là việc các anh nói tới công trạng, xương máu đã bỏ ra trong cuộc chiến vừa qua. Tôi không hiểu các anh nói tới công trạng nào?

Nếu các anh đã chảy máu, gẫy xương, thậm chí bỏ mình, thì cũng bởi các anh gây ra khi cầm súng tấn công người Miền Nam chúng tôi. Người Miền Nam không bao giờ gây chiến, họ chỉ tự vệ mà thôi.

Nếu các anh nói rằng các anh chống Mỹ cứu nước, thì mặc nhiên các anh kết án chúng tôi là bán nước cho Mỹ. Trên 40 năm đã qua, các anh chưa nhận được ra là các anh đã sai hay sao ??? Đã có một cm nào của đất nước về tay người Mỹ hay không?? Trái lại, kể từ khi các anh chiến thắng, bằng những súng đạn Tầu, Nga cung cấp, đất nước đã ra thế nào ??

Cuộc chiến vừa qua đã tàn. Có người trong bọn các anh vẫn còn dùng chữ phe thắng trận một cách kiêu hãnh ngầm. Thắng hay thua cái gì, cuộc chiến tranh vừa qua chỉ là một vết nhơ không bao giờ bôi xóa được. quên nó đi là giải pháp hay nhất.

Trước hiểm họa mất nước về tay người láng giềng Trung Cộng, nếu còn lương thiện và lòng tự trọng, các anh nên nhận tội, nhận sai trái, nhận trách nhiệm. Nếu các anh cứ khư khư cho rằng mình có công trạng, thì giữa chúng ta, không còn gì để nói.

Những người như các anh, đã bị đầu độc bởi những lời tuyên truyền xảo trá, sở trường của người CS, thật hết thuốc chữa.

Vì lẽ đó, mấy chục năm nay, giữa chúng ta là cả một vực thẳm, không một cây cầu nào có thể bắc qua. Tôi đã xem những vidéo các bản nhạc liên quan đến cuộc chiến vừa qua. Phía bên dưới các vidéo đó, phần ý kiến, chỉ thấy chưởi nhau thậm tệ, tục tĩu.

Có cần phải làm như vậy hay không, và làm như vậy để làm gì ???

Nếu các anh cứ giữ đảng, giữ thần tượng như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, và nhẩy lên đông đổng khi thần tượng mình bị công kích, thì quả thật là hết thuốc chữa. Họ là những kẻ thù ngồi ngay sau lưng mà chúng ta không biết, và ngày nay còn biết bao nhiêu ả Mỵ Châu đang rải lông ngỗng cho quân thù đến giết cha.

Cuộc chiến vừa qua chỉ có một công dụng là mở cửa cho Tầu Cộng thôn tính Việt Nam. 

Cuộc chiến vừa qua chỉ có một kết quả là chia rẽ dân tộc và đưa lại cho người dân một đời sống tối tăm và không có tương lai. Dĩ nhiên có một số đảng viên và phe cánh của họ ăn trên ngồi chốc, tham nhũng và có cả tỷ đô la gửi ra ngoại quốc, nhưng số người đó là bao trong khi dân Việt lên đến hơn 90 triệu, và hàng ngày, không phải đi đâu xa, chỉ cần nhìn ra hè phố xem người dân sinh sống ra sao.

Vậy thì đã đến lúc phải đặt dấu chấm trên chữ I cho nó rõ ràng :

1-Bài Học Số một : Đảng Cộng Sản Việt Nam bán nước, có tội với dân tộc, với đất nước.,

2-Bài học số 2 : Quân đội nhân dân (Cộng Sản) trong đó có các anh là công cụ của Đảng Cộng Sản  có tội với dân tộc, với đất nước.

3- Bài học số 3 : Trung Cộng là kẻ thù của Việt Nam, chúng chỉ có một mục tiêu duy nhất thôn tính Việt Nam.

Nếu ít năm nữa, nước Việt Nam biến thành một ngôi sao nhỏ trên lá cờ của Trung Cộng, thì chỉ tại các anh.

Formosa hiện diện tại Miền Trung, cũng như những Công Ty Trung Cộng đang tàn phá miền Cao Nguyên, cũng chỉ tại các anh.

Các anh nói tới công trạng, các anh có công trạng mẹ gì ???

Trần Mộng Lâm

Bóng tròn: Đội Mỹ bị loại không có tên tranh World Cup 2018 tại Nga

Chuyện bất ngờ nhất trong những chuyện bất ngờ vừa xảy ra

Trên cõi đời vô thường phù du nầy nhất là trong lãnh vực thể thao, những chuyện khó tin nhưng thường xảy ra cho dù đó là chuyên vui hay buồn. Từ đó chúng ta mới ngộ ra ý nghĩa hai chữ định mệnh. Thưa quý vị và các bạn, tôi muốn nói đến sự thất bại cay đắng - có thể nói là vô tiền khoáng hậu của đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ để qualifying World Cup 2018 tại Nga, một thất bại thật sự đã dẫm nát hàng trăm triệu người mộ điệu đội bóng tròn Mỹ quốc mà trong đó không ít người Việt Nam.

Trước khi vào điểm chính, tôi xin lược thuật diễn tiến tình hình hiệp hội CONCACAF World Cup 2018. Trước những trận thi đấu sống còn ngày hôm qua thì bảng điểm các đội như sau:

1) Mexico 21 điểm
2) Costa Rica 16 điểm
3) USA 12 điểm
4) Panama 10 điểm
5) Honduras 10 điểm
6) Trinidad & Tobago 3 điểm
    
Khu CONCACAF sẽ chọn 3 đội ̣đầu bảng đươc̣ tham dự WC 2018.
Và ba trận đấu cuối cùng diễn ra ngày hôm qua là:
- USA vs Trinidad &Tobago
- Costa Rica vs Panama
- Mexico vs Honduras
      
Dựa theo thang tính điểm của FIFA thắng 3 điểm hòa 1 điểm, thì cho dù Panama và Honduras có thắng hai ông bự là Costa Rica và Mexico (chuyện nầy theo phóng ...đại viên tôi thì khó lắm) trong khi chàng khổng lô Goliah Mỹ chỉ cần thủ hòa với  chú bé David Trinidad & Tobago thì mặc dù cả ba đôị USA, Panama, Honduras đồng 13 điểm nhưng Mỹ vẫn qualifies WC vì hơn xa hiệu số bàn thắng bại.

Với tình hình như vậy thì việc Mỹ bị loại khỏi WC cũng khó như mò kim đáy biển vậy đó. Từ đó hầu như Mỹ sắp book vé máy bay cho đôi đi Nga.
       
Nhưng ai mà ngờ, ba kết quả thể thao tập hợp bất ngờ nhất đã xảy ra  với kết quả:
USA  1 - 2 Trinidad & Tobago
Costa Rica  1 -  2  Panama
Mexico  2  -  3  Honduras
      
Điều đáng nói là huấn luyện viên Mỹ Bruce Arena đã giữ nguyên đội hình vừa mới đè bẹp Panama 4-0 ngay mấy ngày trước mà lại gục ngã trước một đôi vừa thua 9 trận liên tiếp. Nhiều nhà bình luận cho rằng lý do Mỹ thua là vì các cầu thủ tự mãn trên chiến thắng nên khinh địch. Bằng cớ là nguyên hiệp 1, họ gần như không tận dụng hết sức mình. Tới chừng bị dẫn trước 0-2 (17' trúng chân hậu  vệ Mỹ và  cú 37' sút cầu âu 27 m) Mỹ mới wake up vùng lên thì muộn rồi mặc dù tiền vệ sáng chói Christian Polusic 19 tuổi gỡ được 1-2 ở phút thứ 47'. Ngoài ra thủ môn Trinidad & Tobago là Foncette trong một ngày xuấn thần cứu thua  nhiều bàn trông thấy. Đó là chưa kể ở phút thứ 77', tiền đạo Clint Dempsey từ 16 m sút banh trúng trụ thành làm Mỹ mất dịp san bằng cách biệt. Tưởng cũng nên nói thêm là trước trận đấu, bookie Las Vegas ra cược là ai "dám" bắt Trinidad & Tobago thắng Mỹ thì nếu thua  $100 còn thắng thì $400 tức 1 ăn  4.
     
Tính ra từ năm 1986 tới nay đây là lần đầu tiên Mỹ không có vé đi dự WC. Đau hơn hoạn.
   
Riêng tôi có nghi ngờ là không hiểu hai đội Mexico và Costa Rica (ăn thua gì cũng cũng vô WC) có lẽ không ưa Mỹ nên âm mưu hại bạn... Mỹ bằng cách cho thua hay nói nôm na là Mễ và Costa Rica ...đâm sau lưng chiến sĩ...Mỹ. Ha!Ha!Ha!

Ngoài ra trong khu vực CONMEBOL Nam Mỹ, Argentina thắng Ecuador 3-1 (Messy hat tricks) giờ chót lấy được vé đi Nga 2018.

Vài hàng gởi tin tức ...mình tới quý vị cho vui.

Phóng...đại viên Nguyên Trần

07 October 2017

Chuyện Đêm

Người viết truyện thường có nhiều băn khoăn: Focus vào tâm lý hay triết lý? Giữ cốt truyện chặt chẽ hay buông thả cho nhân vật sống đời sống của hắn? Truyện có thể là một tạp bút trá hình? Nghiêng về huyễn tưởng hay hiện thực? Chuyện Đêm là một cách kể chuyện khác: Trao cho tài liệu chất tiểu thuyết và cho tiểu thuyết tính chính xác của tài liệu.  – Trần Vũ.

Achtung! Hund!

Ngày 2 tháng 10-1941 Liên lộ quân Chính tâm (Heeresgruppe Mitte) của thống chế Fedor von Bock tiến hành chiến dịch Bão Tố (Opération Typhoon). Mục tiêu: Tiến chiếm Mạc Tư Khoa. Mũi xung kích là Xa đoàn 2 Thiết kỵ (Panzergruppe II) của đại tướng Heinz Guderian, lý thuyết gia của chiến tranh thần tốc Blitzkrieg và là người khai sáng binh chủng thiết giáp Đức. Xa đoàn 2 bao gộp 14 sư đoàn kỵ binh và bộ binh cơ động đã hành quân sấm sét từ miền đông Ba Lan đến Smolenks, tiêu diệt hàng loạt các Tập đoàn quân Sô-Viết tại Bialystok, Vitebsk, Kiev… Mùa Hè 1941, chiến xa Đức bách chiến bách thắng.

Trong cùng ngày, bộ chỉ huy Quân đoàn 47 Thiết giáp (XLVII Panzerkorps) ra tiêu lệnh bắn hạ tất cả những con chó trên đất Nga. Một mệnh lệnh lạ lùng.

06 October 2017

Passport Hoa Kỳ và Đôi điền cần biết (năm 2017)

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Mỹ sẽ bắt đầu cho thay đổi sổThông hành ( Passport) với một kỹ thuật mới ( high-tech embedded Chip) về mức độ an toàn để giúp giảm thiểu gian lận và sử dụng không đúng. Thiết kế mới dự kiến áp dụng vào cuối năm 2017 đầu năm 2018, sẽ sử dụng một Chip điện tử, trong đó chứa tất cả lý lịch cá nhân của người mang sổThông hành.

Từ 2005 sổ Thông hành Hoa Kỳ đã sử dụng " Chip" nhưng theo thời gian cùng với sự phát triển của Khoa học kỹthuật, con " Chip" mới chứa đựng dữ liệu sẽ được bao phủbởi một lớp Polycarbonate, và được cấu tạo hình theo cách mà chỉ có các nước với Công nghệ tương tự sẽ có thể đọc được, và xác minh tính xác thực của "Chip". Hơn nữa lớp phủ này cũng sẽ bảo vệ cuốn sổ Thông hành không bị rách, hư hại, hoặc lọt vào tay của những người ăn cắp dữ liệu chuyên nghiệp.

Ngoài sử dụng Chip với Công nghệ cao, Bộ Nội an cũng phối hợp chặt chẽ với văn phòng điêu khắc và in ấn Hoa Kỳ trong việc thay đổi màu mực, thiết kế màu sắc, dùng những đồ hoạ và chữ in rất nhỏ (micro-printing), sao cho phù hợp thị hiếu, nhưng khó khăn cho việc giả mạo.

Sổ Thông hành mới sẽ nhỏ hơn chỉ có 28 trang, thay vì 52 trang như trước kia. Thêm vào đó, các trang sẽ được đục lỗ với những lỗ nhỏ khác nhau về kích thước để không dễ bịrách, hay làm xáo trộn. Đặc biệt khi con dấu Quan thuế đã đủsố 28 rồi, thì bắt buộc phải làm sổ Thông hành mới.

(Phan A. lượm lặt)

01 October 2017

Nhà văn Võ Phiến qua đời

Võ Phiến, một trong những nhà văn hàng đầu của Việt Nam, vừa qua đời tại bang California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.
Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7:00 PM ngày Thứ Hai 28-9-2015 tại Santa Ana, California. 

Gia đình nhà văn cho biết, Võ Phiến sinh ngày 20-10-1925 tại làng Trà Bình, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định, tên thật là Đoàn Thế Nhơn.


Ông nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 qua hơn 20 tác phẩm thuộc nhiều thể loại.

Đa số các nhà phê bình và độc giả cho rằng ông thành công nhất ở thể loại tùy bút. Nói với BBC ngày 29/9, nhà phê bình Đặng Tiến từ Pháp nhận xét tùy bút của Võ Phiến rất đa dạng. “Tùy bút là thể loại mà Võ Phiến thành công nhất, để lại nhiều tác phẩm và tư liệu hay nhất.” (Tổng hợp)

Biên tập viên đài RFA, Mặc Lâm, phỏng vấn GS Nguyễn Hưng Quốc về nhà văn Võ Phiến

Võ Phiến là cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam từ thập niên 60 khi cuộc chuyển mình giữa hai luồng tư tưởng tự do và cộng sản lên tới đình cao nhất. Tác phẩm của ông để lại cho Văn học Việt Nam đồ sộ không những ở con số của các trang sách mà trong từng trang sách ấy chứa đựng sự sáng tạo, trăn trở với văn học, với con đường đất nước đã lặn lội qua nhiều chế độ.

Để tưởng nhớ ông, Mặc Lâm có cuộc trao đổi với nhà phê bình văn học Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, người đã theo dõi và viết nhiều chuyên đề về nhà văn Võ Phiến.


Mặc Lâm: Thưa GS, là người theo dõi, viết nhiều về nhà văn Võ Phiến xin ông cho biết ấn tượng nào của ông về văn nghiệp của nhà văn được xem là lớn và nhiều ảnh hưởng nhất của Văn học Việt Nam hiện đại này.

GS Nguyễn Hưng Quốc: Tôi có ấn tượng rất tốt về Võ Phiến, đó là sự quan tâm của ông đối với văn chương. Ông say mê viết lách đã đành, ông còn có niềm say mê đọc những người khác. Mỗi lần thấy người nào viết hay ông trầm trồ, khen ngợi, động viên khuyến khích họ. Ông không hề có một chút gì ghen tỵ hay khó chịu.

Mỗi lần tôi ra một cuốn sách hay viết một bài báo nào đó mà ông đọc được thì ông trầm trồ khen ngợi bằng những bức thư dài 3, 4 trang để bình luận về một bài báo của tôi. Tôi nghĩ là ở Võ Phiến ngoài cái tài của ông thì điều mà người ta không thể phủ nhận được còn cái tâm của ông đối với giới viết lách, văn chương. Tôi nghĩ hiếm có người nào mà vừa say mê văn chương lại vừa rộng lượng với người khác như Võ Phiến.

Mặc Lâm: Nhà văn Võ Phiến từ nhiều chục năm qua được nhiều người cho rằng là ngòi viết chống cộng, dĩ nhiên các quan chức văn nghệ Việt Nam là những người ủng hộ cho ý kiến này nhất. Riêng GS ông có cho rằng Võ Phiến xem việc chống cộng cho mục tiêu viết lách của mình hay không?

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...