16 September 2024

Bắt Đầu Từ Đó...

Trần Trung Đạo

Bắt đầu từ đó. 

Từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau những ngày tháng Tư, mùa bão lửa, năm 1975. Mẹ lạc cha. Vợ xa chồng. Anh mất em. Những đứa bé bị bỏ quên đứng khóc trên đường phố. Những chuyến hải hành vô định trên biển Đông trùng trùng gió bão. Đói khát. Lo âu. Bà mẹ quỳ lạy những tên hải tặc để xin tha cho đứa con gái chỉ mười lăm tuổi ốm o bịnh hoạn của bà. Nước mắt và những lời van xin của mẹ không lay động tâm hồn của những con người không còn một chút lương tri. Tiếng niệm Phật. Lời cầu kinh. Không ai nghe. Không có Chúa và không có Phật. Ở đó, trên bãi san hô của đảo Koh Kra, phía Nam vịnh Thái Lan, chỉ có những thân thể trần truồng, máu me nhầy nhụa, chỉ có tiếng rên của những con chim nhỏ Việt Nam bất hạnh và giọng cười man rợ của bầy ác điểu Thái Lan.

Bắt đầu từ đó. 

Từ trại tỵ nạn Camp Pendleton, Palawan, Laem Sing, Pulau Bidong, Sungai Besi, Bataan, Whitehead, Phanat Nikhom, Galang. Những địa danh xa lạ đã trở nên thân thiết. Ngửa tay cầm chén gạo tình người. Thank you, merci, danke, gracias. Tuổi hai mươi, ba mươi, và ngay cả năm mươi, bảy mươi mới bắt đầu tập nói. Những câu tiếng Anh bập bẹ, những dòng chữ Pháp, Đức, Tây Ban Nha ngập ngừng.

Bắt đầu từ đó. 

Từ những buổi chiều âm thầm nhìn qua bên kia biển, anh tự hỏi, phải chăng chấm đen cuối chân trời đó là quê hương. Cành hoa hồng được thả trôi trên biển để nhớ nhau trong ngày cưới. Con búp-bê được nhẹ nhàng đặt trên mặt nước xanh trong ngày sinh nhật của con. Vợ đã chết và con đã chết trong một lần vượt biển sau anh.

Bắt đầu từ đó. 

Từ đêm Giao Thừa đầu tiên. Không bánh chưng xanh. Không rượu nồng pháo nổ. Không một lời chúc tụng của bà con. Chỉ có tiếng hú của cơn bão tuyết dội vào khung cửa kính. Hai ngọn nến nhỏ, một bó hương thơm và những giọt nước mắt nhỏ xuống trong đêm Giao Thừa cô độc. Em bé mười ba tuổi lần đầu tiên tập cúng mẹ mình. Cúng về đâu và lạy về đâu. Trong lòng Biển Đông sâu thẳm, mẹ có còn nghe được tiếng khóc của đứa con đang lạc loài trên đất lạ.

Bắt đầu từ đó. 

Từ hành lang phi trường Tân Sơn Nhất, người lính già HO gạt nước mắt chào tạm biệt thân nhân, tạm biệt quê hương, nơi một lần máu mình đã đổ. Ra đi, mang theo những tên tuổi, những địa danh đã hằn sâu trong ký ức. Ra đi, để lại sau lưng tuổi thanh niên trong ngục tù xiềng xích. Ra đi, để lại bao đồng đội, chiến hữu, anh em đang tiếp tục đếm những ngày dài bất hạnh trên quê hương.

Bắt đầu từ đó. 

Tiếng guốc không còn khua trên đường phố. Hàng cây sao đã héo. Hàng me xanh đã tàn. Hàng phượng vĩ không còn đỏ thắm. Những trụ đèn khuya trước cổng trường không còn ai đứng đợi. Những ô cửa của lớp học và của đời người đã đóng. Và cả một quê hương thân yêu cũng chừng như đã chết.
Ra đi. 
Ra đi.

Và từ đó chúng ta đi. Cảnh đời tuy có khác nhau. Tuổi tác tuy có khác nhau. Thời điểm tuy có khác nhau. Nhưng chúng ta, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, cùng mang một nỗi đau chung: nỗi đau Việt Nam.

Nỗi đau lớn dần theo mỗi ngày biệt xứ. Nước mắt của những bà mẹ Việt Nam khắp ba miền góp lại chắc đã nhiều hơn nước sông Hồng. Xương trắng của cha anh nếu chất lại chắc đã dài và cao hơn cả dãy Trường Sơn.

Hôm nay, cơn bão lửa dù chưa qua hết nhưng với ý chí vươn lên, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, thay vì ngồi thở ngắn than dài cho số phận, đã dìu nhau đứng dậy, dìu nhau đi lên, sống một cuộc sống tích cực, làm những công việc tích cực cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước. Nhờ thế, sau đêm tối trời của vận nước và đời mình, đa số chúng ta đã tìm được một cành mai hy vọng ở xứ người. Để từ đó làm điểm khởi hành lên đường đi dựng lại Mùa Xuân Dân Tộc.

Hôm nay, đau buồn vẫn chưa nguôi nhưng sức sống không phải vì thế mà ngừng lại. Những thuyền nhân tí hon trên những chiếc ghe bằng gỗ mong manh ngày xưa bây giờ đã lớn. Các em đã thành những kỹ sư, bác sĩ tài ba, những khoa học gia lỗi lạc trong nhiều ngành. Ai đã dạy em nên người? Cha mẹ. Vâng. Thầy cô. Vâng. Nhưng còn hơn thế nữa, còn từ trong dòng máu Việt Nam.

Hôm nay, những con nước nhỏ dưới chân cầu đã trôi ra biển rộng. Nhưng không phải vì thế mà tan loãng trong đại dương bát ngát như hàng triệu con nước khác. Trái lại, những giọt nước từ sông Hồng, sông Hương, sông Ba, Thu Bồn, Trà Khúc, Cửu Long, Vàm Cỏ, vẫn hẹn một ngày bốc thành hơi, bay về tưới mát ruộng đồng xứ Việt thân yêu đã nhiều năm đại hạn.

Tất cả, một ngày không xa sẽ rơi vào quên lãng, sẽ tan biến đi theo chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt của nhân sinh. Không quan trọng. Điều quan trọng, trong giờ phút còn có mặt, còn được góp phần, xin làm một que củi nhỏ để ngọn lửa hy vọng, tình người, tình đất nước, trong lòng mỗi chúng ta, đừng tắt. 

Cám ơn.

Trần Trung Đạo

13 September 2024

Cô Liêu, tranh A.C.La

 

 


Cô Liêu/Solitude
Oil on canvas 24x30 inch (61x76cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**
(Thi sĩ Lan Đàm đặt tên bức tranh)

11 September 2024

Cõi Hoàng Hôn, thơ


Đằng sau cuộc chiến,

Cuộc chiến ba mươi năm kết thúc, nhưng chỉ làm cho đất nước điêu linh, dân tộc khốn cùng, kéo theo bao chia ly tan tác. Trước tháng 4/1975 hầu hết những người trai trẻ miền Nam là lính chiến. Nếu may mắn sống còn qua một thời lửa đạn,  cuối cùng cũng khốn khổ trong ngục tù sau lần bại trận oan khiên. Ra khỏi tù, tứ tán trôi dạt muôn phương, ngỡ không bao giờ còn gặp lại những bạn bè đồng đội cũ. Vậy mà dường như được đất trời thương xót chở che, run rủi bao cuộc trùng phùng bất ngờ, cảm động, như họ vừa cùng tái sinh ở một thế giới nào khác.

Tôi gặp lại Hà văn Kỳ trong tình huống ấy. Anh trung sĩ trẻ từng làm trung đội phó cho tôi khi tôi vừa mới ra trường. Người Bắc di cư, nhỏ hơn tôi ba tuổi. Bọn tôi xem nhau như anh em ruột thịt. Có lẽ nhờ lớn lên ở thành phố Đà Lạt sương mù thơ mộng và cha mẹ sống bằng nghề trồng hoa, nên Kỳ được hun đúc bao nét đẹp thánh thiện. Chân thật hiền lành, lễ phép, sống theo mẫu mực của một người Ki- tô hữu ngoan đạo. Học hành chăm chỉ nhưng chẳng may bị bệnh kéo dài, bỏ cả hai kỳ thi tú tài, nên bị động viên vào trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Ra đơn vị đã hơn một năm, nhưng đời sống quân ngũ và khói lửa chiến trường chưa làm thay đổi được tính nết quá mềm yếu, hiền lành. Đôi lúc tôi phải quát tháo, bởi Kỳ quá dễ dãi với lính, ngay cả những lúc cần phải cứng rắn, quyết liệt trước họng súng của kẻ thù. Nhưng rồi sau đó tôi lại thấy tội nghiệp, nên thường khuyên lơn, vỗ về an ủi. Kỳ cũng rất quí tôi, dành cho tôi không những tình đồng đội mà cả lòng yêu thương của tình huynh đệ. Kỳ làm đám cưới trước khi ra đơn vị. Bà xã là con gái một ông bà bạn vong niên của bố mẹ Kỳ từ ngày còn ngoài Bắc, cùng di cư vào Nam và chọn thành phố Đà Lạt làm quê hương mới. Biết vậy, nên thời gian nghỉ quân ở Di Linh, tôi thường lén cho Kỳ “dù” về Đà Lạt thăm vợ một vài hôm. Trước đó, tôi cũng thường khuyến khích và giúp đỡ Kỳ tiếp tục tự học thêm khi thời gian thuận tiện. Chịu khó và chăm chỉ. Gần đến kỳ thi, Kỳ nhờ tôi năn nỉ xin ông tiểu đoàn trưởng cho nghỉ phép đặc biệt một tháng để chuẩn bị bài vở. Trở lại đơn vị, với một tin mừng: đỗ tú tài 1 hạng bình thứ. Kỳ làm đơn xin theo học khóa sĩ quan. Chưa nhận được lệnh gọi thì đã bị thương trong một cuộc hành quân. Khi  đưa Kỳ ra một chiến thuyền của HQ để tản thương, tôi nắm chặt tay Kỳ, lòng nhói đau, khi thấy Kỳ nhìn tôi với dòng nước mắt lăn trên gò má còn bám đầy bụi đất.

Theo đơn vị rày đây mai đó, tôi không có dịp gặp lại Kỳ. Đến khi nhận được lá thư gởi từ quân trường Thủ Đức, tôi mới biết là sau khi được chữa trị tại QYV Nguyễn Huệ Nha Trang, Kỳ được nhận theo học Khóa 23 SQ Thủ Đức và chuyển về ngành Công Binh. Tôi có nhận thêm vài lá thư của Kỳ, từ hậu cứ chuyển ra. Những bức thư đã viết từ 4, 5 tháng trước. Tôi hồi âm, nhưng không thấy trả lời. Tôi đoán là Kỳ đã ra trường và thuyên chuyển đến một đơn Công Binh nào đó. Mất liên lạc nhau kể từ dạo ấy.

Mùa hè 2010, trong tiệc cưới cậu con trai lớn của một người bạn cùng lớp thời trung học, tổ chức tại thành phố Cologne của Đức, tôi bất ngờ gặp lại Kỳ. Nếu hôm ấy người MC không giới thiệu những người khách đến từ phương xa, và với cái tên khá đặc biệt của tôi, thì có lẽ Kỳ và tôi đã không nhận ra nhau. Sau khi chào hỏi, Kỳ dắt tay tôi đến bàn bên cạnh, giới thiệu vợ Kỳ và vợ chồng cậu con trai. Thì ra Kỳ là sui gia với anh chị bạn của tôi. Cô con dâu của Kỳ là chị của chú rể trong tiệc cưới hôm nay. Vui mừng như gặp lại người thân trong nhà bao năm bặt tin nhau, nhưng chương trình tiệc cưới đang tiếp tục giới thiệu gia đình hai họ, nên Kỳ hẹn ngày mai sẽ đón vợ chồng tôi đến nhà dùng bữa cơm mừng cho cuộc trùng phùng và sẽ có rất nhiều chuyện để tâm tình.

* * *

Cuối năm 1966. Vừa chấm dứt một cuộc hành quân dài hạn ở Di Linh, Lâm Đồng, tiểu đoàn được lệnh di chuyển về Đa Nhim bảo vệ an ninh cho công trường xây dựng nhà máy thủy điện. Sau gần hai ngày hành quân tảo thanh quanh khu vực Sông Pha, chưa kịp nghỉ ngơi, đại đội tôi lại có lệnh biệt phái cho Tiểu Khu Ninh Thuận, tham dự một cuộc hành quân hỗn hợp. Ông trung úy đại đội trưởng vừa mới đi phép. Không có đại đội phó, tôi là trung đội trưởng thâm niên nhất, được ông tiểu đoàn trưởng chỉ định xử lý thường vụ.

10 September 2024

Cuộc đời đã tưởng đi vào ngõ cụt. . .

Năm 17 tuổi - bị đại học Oxford từ chối.

Năm 25 tuổi - mẹ qua đời vì bạo bệnh.

Năm 26 tuổi - chuyển đến Bồ Đào Nha để dạy tiếng Anh.

Năm 27 tuổi - lấy chồng và bị ngược đãi nhưng sinh được một bé gái.

Năm 28 tuổi - ly hôn và bị trầm cảm nặng.

Năm 29 tuổi - mẹ đơn thân sống dựa vào trợ cấp xã hội.

Ở tuổi 30 - tưởng chừng như đã từ bỏ cuộc đời.

Ở tuổi 31 - xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình.

Ở tuổi 35 - đã xuất bản 4 cuốn sách và được công nhận danh giá.

Ở tuổi 42 - đã bán được 11 triệu bản trong ngày đầu tiên phát hành sách mới.

Người này chính là J. K. Rowling, tác giả cuốn HARRY POTTER, sách được chuyển thành bộ phim cùng tên làm say mê hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới,

(Theo Quora Digest)

04 September 2024

Sĩ Diện, cười tí tỉnh

Một thanh niên con nhà tỷ phú Á-rập, mãn trung học được cha gửi qua Đức tiếp tục bậc đại học. 

Sau tuần lễ đầu sống tại Berlin, chàng viết thư về cho cha, có đoạn: "Berlin rất đẹp, bạn bè lịch sự và quý mến con nhiều. Nhưng có điều trong khi con đi chiếc xe Mercedes bóng láng thì các giáo sư trong đó có những vị rất nổi tiếng đi đến trường bằng xe lửa. Con thấy ái ngại quá".

Không bao lâu chàng nhận được thư hồi đáp của cha có kèm theo một ngân phiếu mười triệu đô-la. Thư viết vỏn vẹn:
- "Con dùng tiền này mua ngay một chiếc xe lửa mà đi. Đừng làm cha xấu hổ"! 

(Theo Quora Digest)

03 September 2024

Một Vài Cảm Nghĩ Về Đất Nước Tôi

Triệu  huỳnh Võ

Khi bước vào tuổi 70 và hồi tưởng lại quá khứ, tôi cảm thấy con đường của mình vừa đi qua dường như đã được vạch sẵn. Thật vậy, khi bước chân vào Trường Phan thanh Giản tôi đã có ý định sau nầy sẽ theo đuổi nghề gõ đầu trẻ, nên sau khi đỗ Tú  tài toàn phần ban Toán tôi đã nộp đơn thi vào Trường Đại học sư phạm Ban Toán (Đệ nhị cấp). Kết quả không đậu, nên tôi mới xoay qua nộp đơn thi và đậu vào Trường Quốc Gia Hành Chánh định an phận vởi nghề làm công chức theo kiểu sáng vác ô đi chiều vác ô về. Tuy đậu ra trường hạng cao và đáng lẽ có thể có quyền chọn nhiệm sở, nhưng vì nhu cẩu công vụ lúc bấy giờ, một danh sách trích ngang từ trên xuống dưới gồm hai mươi người được bổ nhiệm về một cơ quan an ninh trực thuộc Phủ Tổng thống, và sau đó cơ duyên lại đưa đẩy tôi lần lượt thuyên chuyển đến phục vụ cũng trong các cơ quan đầu não khác của chính phủ.

Bước khởi đầu có tính cách tiền định nầy đã gắn chặt tôi vào với hàng ngũ những người quốc gia chống cộng sản và từ đó đã trực tiếp gắn bó với tiến trình sinh hoạt thăng trầm của nền đệ nhất và đệ nhị Việt Nam Cộng hỏa. Khi nền đệ nhị Cộng hòa sụp đổ, tôi bị đi tù cộng sản, được thả ra, sau đó được đi định cư ở Mỹ, và tại đây, ngoài lo sinh kế vẫn còn có chút đóng góp hạn chế nào đó cùng với những người Việt quốc gia đang mưu cầu một đất nước Việt Nam không cộng sản.

Những môn sinh với tôi ở trường Trung học Phan thanh Giản, các chiến hữu đã từng phục vụ dưới thời đệ nhất vả đệ nhị Cộng hòa, mỗi người thử suy nghiệm lại xem phải chăng phần lớn đều nhận thấy nghề nghiệp sau cùng của mình không phải là mục tiêu chọn lựa lúc ban đầu. Phải chăng mỗi người chúng ta đã được an bài một nhiệm vụ nào đó, dù có tầm thường đến mức nào đi nữa, nhưng cũng được xem như là một mắt xích cấu thành guồng máy của quốc gia, đã bị gắn bó với sự sinh tồn của nó và đã dự phần làm nên một trang sử đã qua của đất nước.

Khái niệm về nhiệm vụ an bài nầy dường như đã được củng cố thêm qua sự xuất hiện của cụ Phan đình Phùng, dưới hình thức giáng cơ, tại trại tù Nam Hà vào các năm 1980 trở đi. Vào thời gian tinh thần người tù bị xuống thấp nhất, cụ Phan đình Phùng đã giáng cơ để cho họ đọc các bài thơ Đường luật loại thất ngôn tứ cú hay bát cú do cụ sang tác lấy bút hiệu là Tùng La. Các bài thơ nầy thật tuyệt tác về niêm luật, có nội dung trấn an, khích lệ các tù nhân rằng rồi ra họ sẽ được thả, có cơ duyên sẽ được đi ra nước ngoài, có cơ duyên sẽ trở về nước. Về tình hình chung của đất nước, cụ có bài thơ tứ cú sau:

Trì trì bộ bộ bộ trì trì,
Cử bộ thời lai hữu hỉ kỳ
Thiên phụ cao bồi tư hóa dục,
Thanh phân thiên tải tụng hòa vi.

Theo sự diễn giảng của anh em tù nhân ở trại Nam Hà lúc bấy giờ thì đại ý cụ cho rằng:

Sự việc tiến triển một cách từ từ và chậm chạp,
Nhưng đến khi có chuyển động sẽ đem lại kết quả vui vẻ,
Cứ coi như đây là giai đoạn để nhận chịu sư bồi dưỡng và huấn nhục,
Sử xanh rồi đây vẫn được lưu truyền tưoi sáng. 

Bắt Đầu Từ Đó...

Trần Trung Đạo Bắt đầu từ đó.  Từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau những ngày tháng Tư, mùa bão lửa, năm 1...