31 December 2023

Vợ Xấu

Thời còn đi học, thất tình một nữ sinh viên xinh đẹp, tôi “rút kinh nghiệm” và quyết định chọn vợ chỉ cần là một phụ nữ nhan sắc từ trung bình trở xuống, nhưng giỏi giang, có học. Tôi đã toại nguyện với một nhân viên cùng cơ quan. Tôi quen chớp nhoáng, cầu hôn cũng nhanh như điện xẹt. Ngày tôi đưa thiệp cưới, cả cơ quan đều kinh ngạc, vì tôi vốn cao ráo, đẹp trai trong khi Hân, người đứng tên chung thiệp cưới với tôi có thân hình đẫy đà, lại hơi xấu… 

Ngoài quan niệm “vợ đẹp của người”, tôi “chấm” Hân ở tính nết dịu dàng, không ăn diện, vén khéo và nhất là nấu ăn ngon.

Gia đình hai bên đều khá giả, chúng tôi được ở tầng thứ nhất căn nhà ba tầng của gia đình tôi. Yên tâm có vợ lo toan việc nhà, tôi thoải mái la cà cùng bạn bè độc thân hoặc những người chồng, cha vô trách nhiệm khác, sau giờ làm việc là nhậu nhẹt, cặp bồ đi qua đêm...

Hân không nói gì nhưng khi đứa con gái đầu lòng ra đời, Hân lên tiếng yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với gia đình. Tôi cự cãi, lớn tiếng cho rằng “gánh vác giang sơn nhà chồng” là chuyện của Hân. Ba mẹ tôi vốn bảo thủ, thay vì bênh con dâu, lại lớn tiếng bênh vực tôi, mắng mỏ Hân thậm tệ. Một lần, trong lúc cự cãi, mẹ tôi đã nói: 

“Con tao không lấy mày thì có mà ma nó lấy mày. Thử mày ra đường xem có ai ngó tới không?”.

Hân nhìn tôi, tôi đắc thắng xác nhận:“Tôi cưới cô về để có người đẻ con và chăm sóc ba mẹ tôi thôi”.

Không ngờ, Hân vào phòng thu dọn đồ đạc, ra khỏi nhà tức thì. Ban đầu, ba mẹ tôi và tôi nghĩ Hân chỉ làm nư, thách thức. Hân có đi đâu thì đi, miễn là để đứa con lại nhà chồng. Chẳng ngờ Hân ra đi rất mạnh dạn, mặc cho con gái kêu khóc trong tiếng mắng chửi, chì chiết của ba mẹ, hai em gái tôi và cả tôi. Tôi nghĩ, nhớ con, Hân sẽ về, chỉ là vấn đề thời gian.

Sáng hôm sau, gia đình tôi nháo nhào vì không còn ai lo cơm nước. Trước đây, chuyện cơm nước do mẹ tôi phụ trách, lau dọn nhà cửa do em gái đảm đương. Cưới Hân về, mọi việc đều dồn cho cô ấy. Mẹ tôi quen thong dong năm năm qua, nay phải lụm cụm xuống bếp, hai đứa em quen ngủ trưa đến gần giờ đi làm mới xuống ăn sáng, giờ phải dậy sớm để phụ mẹ tôi. Chiều về mọi người phải tự bỏ quần áo vào máy giặt, tự lau phòng mình. Đáng nói là không ai đưa đón con gái tôi, bé Hạnh quen hơi mẹ, dù đã ba tuổi vẫn khóc ngầy ngật đòi mẹ. Cả nhà rối tung lên!

Tôi điện thoại cho Hân, cô ấy không bắt máy. Tôi điện thoại bàn gặp cô em vợ, bị cô ấy mắng té tát, sỉ nhục trăm bề. Tôi nhắn với cô ấy là tôi sẽ ly dị Hân, cô ấy hét vào máy: 

- “Ly thì ly, xem ai hầu hạ đám thối tha biếng nhác nhà anh”.

Tôi vào cơ quan, không ngờ Hân đã làm việc với công đoàn, lãnh đạo cơ quan, thông báo sẽ ly hôn với tôi. Hân là một kỹ sư giỏi, mẫn cán và nhất là rất cương quyết trong mọi tình huống công việc, nên với hôn nhân cô ấy cũng vậy.

Chuyện tôi trăng hoa, mèo mỡ đi suốt đêm, vô trách nhiệm với vợ con, kể cả chuyện Hân làm “đầy tớ không công” cho gia đình tôi mọi người đều biết. Chỉ đợi giọt nước tràn ly và tờ tường thuật của Hân với lãnh đạo trước khi đưa đơn ly hôn lên tòa án. Mọi người đều đứng về phía Hân.

Suốt ngày tôi tìm cách nói lời xin lỗi với Hân, không ngờ gương mặt Hân giá lạnh hơn cả băng đá. Đồng nghiệp có vài người khuyên nhưng Hân lạnh lùng: 

- “Mỗi nhà mỗi cảnh, mong đừng ai chen vào chuyện gia đình tôi. Tôi đã 40 tuổi rồi.” 

Thế là tất cả tắt tịt! Hân đã nhờ người bạn luật sự đẩy nhanh tiến độ ly hôn. Ở tòa Hân dứt khoát nếu tôi muốn nuôi con Hân cũng không cản, bằng lòng nhường quyền nuôi con cho tôi. Thú thật, mấy tháng không có Hân gia đình tôi như địa ngục, con gái tôi như gánh nặng, bởi nó đã quen sự chăm sóc của mẹ. Tôi biết Hân nói thật. Kể từ ngày ôm quần áo ra khỏi nhà tôi, Hân không hề ghé lại thăm con một lần. Tôi lấy cớ mang con sang thăm mẹ, Hân không tiếp.Vì vậy, gia đình tôi đành giao con cho Hân. Tại tòa, Hân đồng ý nhận con, chỉ cần tôi bế con, mang va li, quần áo đồ dùng của con sang nhà Hân chứ Hân không về nhà tôi lấy đồ đạc của con.

Ly hôn và nhận nuôi con, Hân chuyển công tác. Mỗi lần tôi điện nói nhớ con, Hân lạnh lùng:

- “Vậy chiều nay ông ghé rước con đi, khi nào muốn thì mang sang nhà tôi trả lại!”

Mất Hân rồi, tôi mới thấy một khoảng trống lớn trong cuộc sống của tôi và cả trong căn nhà rộng lớn của ba mẹ tôi. Cả tôi và gia đình tôi đều lầm khi nghĩ tôi đẹp trai mà lấy vợ xấu là cầm dao ở cán. Với một phụ nữ, dù không nhan sắc nhưng có học thức và bản lãnh, thì họ chẳng bao giờ để ai lăng mạ và xem thường mình, kể cả đó là chồng và gia đình chồng. Khi họ đã quyết định ly hôn có lẽ còn cương quyết hơn nhiều so với một người phụ nữ bình thường.

Tôi đã mất một người vợ tốt. Ba mẹ tôi mất người con dâu tốt. Có lẽ đã quá muộn để hiểu “Vợ xấu chưa hẳn là vợ mình nếu mình không biết trân trọng, yêu thương”.!! (Sưu tầm)

Nguyễn-Anh

Đến đáy chưa hả cụ?

Chiều qua đi bộ, gặp ông cụ hàng xóm. Cụ kéo tay, bảo, ngồi ghế đá chơi, hỏi chuyện tí. Cụ hỏi:

– Đến đáy chưa hả cụ?

– Cụ bảo đến đáy cái gì?

– Là tôi hỏi, cái xã hội này, mọi thứ đã xuống đến đáy chưa?

– Khó nhỉ. Cái này phải hỏi cụ Trọng, anh Thưởng chứ!

– Hỏi các ông ấy quá bằng xem tivi, mọi thứ đều tiến bộ, xã hội chưa bao giờ được thế này…

– Thế thì mới hỏi cụ nhìn nhận thế nào?

– Trước hết cũng phải nhìn thấy mặt tích cực chứ… Như kiều hồi gửi về TP.HCM năm nay hơn 9 tỷ đô la nhé. Thế là bà con ta dẫu tha phương cầu thực, vẫn thương nhớ quê hương… Việt Nam nâng quan hệ với Mỹ, Nhật lên cấp đối tác chiến lược; hàng ngàn xí nghiệp ngừng sản xuất, hàng vạn công nhân không có việc làm; vậy mà dân ta vẫn xoay xoả, kiên nhẫn chịu đựng, nhiều người quay về bám ruộng vườn để sống. Thu nhập thấp, tiền chi cho y tế, giáo dục tăng, lạm phát, giá cả tăng… dân ta vẫn cắn răng chịu đựng… Dân mình nhẫn nhục, chịu khổ, chịu cực giỏi cực kỳ!…

– Cụ lại nói như Tuyên giáo ấy nhỉ? Tôi hỏi là những cái sa sút đã đến đáy chưa?

– Giáo dục chắc đến đáy rồi! Phật giáo, cứ xem những gì diễn ra ở chùa Ba Vàng và mấy ma tăng tự tung tự tác khắp nơi thì toang hết rồi, tận đáy rồi. Y tế, văn hoá, đạo đức xã hội cũng đang rơi xuống đáy rồi!

– Thế tham nhũng, “đốt lò” đã đáy chưa?

– Nhìn vào các thành phần tham nhũng thì, giới nghiên cứu khoa học xuống đáy rồi; đạo đức, nhân cách quan chức xuống đáy rồi; các loại tham nhũng “ăn không chừa thứ gì”, đến đáy rồi!

– Thế là sự nghiệp “đốt lò” hoàn thành chăng?

– Hoàn thành sao được. Đốt lò không có đáy đâu! Đấy, sau vụ “chuyến bay giải cứu”, “Việt Á”, đến Chủ tịch nước, hai Phó Thủ tướng, mấy Bộ trưởng, hàng trăm cán bộ cỡ bự mất chức, mà vẫn tiếp tục chứng nào tật ấy, tiếp tục bắt các chủ tịch tỉnh, cán bộ có cỡ… Cứ cơ chế này thì “củi” không bao giờ hết! Có điều, sau cụ Trọng là ai, có còn muốn “đốt lò” nữa hay không? Cho nên cụ Trọng lo lắm đấy. Xem cái clip hôm cụ ấy phát biểu trước Tập Cận Bình, tỏ ra lo lắng lắm. Cụ ấy nói, “đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ, tôi già rồi…” và nghẹn ngào xúc động!

– Thế thì “cùng tắc biến” chứ cụ?

– Quy luật là vậy, nhưng ở ta chắc khó lắm. “Biến” từ dưới, chả ai mong, gây ra hỗn loạn, tang thương… Vả lại “dân nào chính phủ ấy”; hàng vạn dân chen nhau đến chùa Ba Vàng chiêm bái cái “tóc” ngọ ngoạy, rồi vái lạy, cúng dường để cầu lợi lộc thì “khai dân trí, chấn dân khí” đến bao giờ!? Mà hy vọng có những thay đổi từ bên trên càng khó. Trước Liên Hiệp quốc mà họ dám ngang nhiên tuyên bố, Việt Nam sẽ thực hiện nhân quyền vào năm 2099! Trước nhân dân và nhân loại họ nói vậy, mà chẳng ngượng ngùng… Nghĩa là từ nay đến 2099, mục tiêu nhân quyền của Việt Nam “tứ khoái” là đủ rồi!

– Cụ nói cũng phải. Dân mình chịu nhẫn nhục quen rồi; công an thì tăng cường chính quy hoá tận xã, rồi dân phòng khắp nơi, người dân nào ngọ ngoạy được! Mà công an được hưởng 85 phần trăm tiền phạt khi nộp ngân sách nữa mới kinh chứ! Cho nên người ta nói, bây giờ không phải “công an chỉ biết còn Đảng, còn mình”, mà “Công an còn thì Đảng còn”! Công an là “thanh kiếm, lá chắn của Đảng” cơ mà!

– Thảo nào! Vậy nên cụ hỏi đến đáy chưa hay chưa đến đáy cũng vậy thôi. Mọi thứ cứ xuống đáy rồi lại trồi lên, trụt xuống, trườn bò, ngoi lên, ngụp xuống… “Một đất nước không chịu phát triển” mà!

– Ta già rồi sống mấy nữa, thế nào cũng được! Lo là lo các lớp trẻ.

– Rồi cái gì đến sẽ đến cụ ạ, lo cũng chả được!

Hai lão già lại bắt tay nhau cười mếu máo! Chuẩn bị đón năm 2024 xem nó trồi, sụt thế nào?

Mạc Văn Trang
30-12-2023

24 December 2023

Tuổi Mộng Mơ, tranh A.C.La



TUỔI MỘNG MƠ
(Age of Dreams)
Oil on canvas 18x26.5 in
by
A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

21 December 2023

Liệu hầu hết người Nga có nhận ra họ đang bị Putin lừa không?

 (Do most Russians realize they are being fooled by Putin? - Quora Digest )

Năm 2012, Agalarov nhấn mạnh rằng Putin nên cai trị suốt đời.

“Tôi hoàn toàn chân thành tin rằng Vladimir Vladimirovich Putin là một lựa chọn lý tưởng cho nước Nga,” Agalarov nói trong cuộc phỏng vấn năm 2012 với kênh truyền hình tự do “Dozhd”. Hãy để ông ấy hoàn thành công việc ông ấy đã bắt đầu, Agalarov nài nỉ: “Theo nghĩa lịch sử, 20 năm chẳng là gì cả”.

Bây giờ là năm 2023 và Putin đã cầm quyền được 23 năm, và mọi người đều thấy rõ rằng ông ấy sẽ cầm quyền suốt đời. Giấc mơ của Agalarov đã thành hiện thực. Nước Nga có Putin suốt đời.

Trong khi đó, Agalarov đã định cư gia đình và hàng tỷ USD của mình ở Mỹ. Vợ và con gái của ông đã là công dân Hoa Kỳ.

Không ai trong số những người được gọi là “tinh hoa” của Nga, những người áp đặt sự cai trị của Putin lên đất nước, ca ngợi Putin, tài trợ cho Putin, ủng hộ Putin - nhưng không ai trong số họ muốn cuộc sống ở Nga cho riêng mình.

Tất cả họ đều mơ về “phương Tây tà ác”.

Nhiều người trong số họ đã ở đó. Hầu hết con cái của giới “tinh hoa” Nga đều sống ở phương Tây.

Họ để lại cho người Nga một đất nước bị cướp bóc và tàn phá, một nhà độc tài suốt đời và phải chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ, những “tinh hoa”, đã gây ra.

Họ rất thoải mái với Putin. Ông ta cho phép đất nước bị cướp bóc với một phần nhỏ họ phải trả cho Putin. Không ai trong số họ dự định sống ở Nga, không ai dự định nuôi con ở đó.

Trong khi Putin nắm quyền, họ có thể kiếm tiền và sống ở nước ngoài.

Dưới thời nhà độc tài Putin, các quy tắc đều rõ ràng, ai phải trả tiền và phải trả bao nhiêu để tiếp tục được kinh doanh, và các mối liên quan đã được xác  lập.

Trong một nền dân chủ, một nhà lãnh đạo mới có thể muốn sắp xếp mọi việc theo cách khác, họ có thể thua trong cuộc cạnh tranh.

Họ đối xử với Nga như một mỏ vàng trả giá cho lối sống của họ. Không có ai sống trong mỏ.


Araz Agalarov and his family.

None of the so called Russia’s “elites", who imposed Putin's rule on the country, praised Putin, financed Putin, supported Putin — none of them want life in Russia for themselves.

They all dream of the “evil West”. 

Thành phố Krasnoyarsk, Nga.




 

Dân số: 1 triệu. Đây là nơi đặt nhà máy nhôm "RUSAL" và nhà máy chế tạo cơ khí, nơi chế tạo hoả tiễn của Nga. Những hoả tiễn này không đáp xuống Mặt trăng được nhưng lại tấn công thành công các tòa nhà dân sự ở Ukraine. 

Ba mươi triệu người Nga sống không có nước sinh hoạt; 38 triệu không có cống thoát nước; 23 triệu không có sưởi; 49 triệu không có nước nóng; 46 triệu không có xăng; và 146 triệu người không có hy vọng có một cuộc sống đàng hoàng. Vậy thì ai muốn sống trong cái hố nhầy nhụa này? Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền ở đó, vâng. Rủi ro lớn nhưng cũng mang lại lợi nhuận khổng lồ.

Nhưng gia đình lại là chuyện khác; gia đình cần sống giữa mọi người. Nền kinh tế Nga là nền kinh tế của một thuộc địa, từ đó tài nguyên thiên nhiên được xuất khẩu, trong khi đất nước này thiếu những kỹ năng căn bản để sản xuất hàng tiêu dùng căn bản. Đối với toàn bộ giới “tinh hoa” của Putin, nước Nga là máng ăn, họ sống trong một thế giới văn minh, nơi họ có các quyền, nơi họ được hưởng luật pháp như mọi công dân khác. Và tất cả những gì họ cần làm là ca ngợi Putin và chúc ông cai trị mãi mãi.

Muốn sống khoẻ khoắn ở Nga, người ta cần phải gia nhập đảng cầm quyền "Nước Nga Thống Nhất" và là một người đầy tớ trung thành. Nếu bạn chuẩn bị làm một số điều khủng khiếp cho đảng phái và sa hoàng (ý nói đảng cầm quyền và Putin) - vi phạm luật pháp và từ bỏ đạo đức, thì bạn có thể tiến xa. Mọi người đều hiểu các quy tắc và ý nghĩa. Nhát gan không dám trở thành một tên cướp? Vậy thì hãy "đứng ngoài chính trị" và chỉ cần lặp lại những lời lẽ trên TV. Hãy làm hòa với những bất công và dối trá xẩy ra hằng ngày, đồng thời tìm ra điều gì đó mang lại cho bạn niềm vui. Đối với hầu hết người Nga, đó là rượu rẻ tiền.  


(Điền Thảo biên dịch từ Quora Digest)

Người Tình Chu Văn An

 Lê Thị Nhị

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những người tình để nhớ, để thương, để sầu, để hận!

May mắn cho tôi, tôi chỉ có một người tình để nhớ: Người Tình Chu Văn An. Hay nói cho đúng hơn, người tình của tôi là học sinh trường Chu Văn An ở Saigon, hồi tôi mười lăm, mười tám.

Mối tình của chúng tôi không nồng cháy, ngang trái, lâm ly bi đát, tràn đầy nước mắt như một số những cuộc tình khác. Tình của chúng tôi nhẹ nhàng như cánh bướm non, tươi vui như buổi sáng mùa Xuân với nắng vàng, gió nhẹ, chim hót líu lo trên cành.

Năm mươi năm qua đi… Chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau tiếng “Yêu”! Nhưng bằng những sự săn sóc, cảm thông, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, chúng tôi biết, chúng tôi luôn luôn có nhau trong trong tâm hồn, mặc cho vật đổi sao dời và cả khi hai chúng  tôi đều có “nửa kia” lù lù bên cạnh.

Anh là anh của bạn tôi, hơn tôi hai tuổi. Anh đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu. Anh có lối nói chuyện và tán gái ấm ớ như bao nhiêu  chàng trai Chu Văn An khác.

Một mẫu người lý tưởng như thế mà tôi lại để vuột mất khỏi tầm tay kể cũng là một điều lạ! Bạn bè bảo tôi ngu! Nhưng tôi cho rằng tôi và anh có duyên  mà không có nợ! Hoặc là trong tận đáy lòng, tôi bị ảnh hưởng bởi hai câu thơ của Hồ Dzếnh:“ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở”, nên tôi đã giận hờn anh vì một lý do rất mơ hồ, rồi…hai người hai ngả xe bông!

Đám cưới anh, tôi không đi dự. Ở nhà,  tôi ngồi trước bàn học, viết nghuệc ngoạc trên tờ giấy trắng bốn câu thơ của một thi sĩ nào đó (hình như là Lệ Khánh?):

 “Đám cưới nhà ai chắc phải vui?

 Xe hoa đáng nhẽ để tôi ngồi

Và bao nhiêu rượu cho tôi uống

Say ngã bên thềm xác pháo rơi.”

Đám cưới của tôi, anh đưa tôi đi mua  sắm đủ mọi thứ, cứ như là một ông anh thứ thiệt! Có một lúc, anh ghé tai tôi thì thầm: “ Cô ngu lắm! Cô làm hỏng hết mọi chuyện!’’

Chúng tôi ít đi chơi riêng với nhau mà thường đi chung với các bạn. Đi đến đâu, chúng tôi cũng ồn ào, cười nói như vỡ chợ! 

Những buổi chiều thứ Bẩy, chúng tôi cùng các bạn đi dạo phố Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ… La cà vào các hiệu sách:  Khai Trí, Việt Bằng, Tự Lực và lượn qua nhà hàng La Pagode, Givral để nhìn vào xem có nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng nào (Phạm Đình Chương, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền…) đang ngồi khật khù ở đấy. Đây là một yêu cầu của những cô em gái, các anh bất đắc dĩ  phải chiều mà thôi vì các anh cũng biết ganh tị chứ!

Tất nhiên, chúng tôi không dám bước chân vào các nhà hàng ấy. Nơi đó không phải là thế giới của chúng tôi. Chúng tôi kéo nhau vào hiệu kem Mai Hương, ngồi chuyện trò và ngắm kẻ qua, người lại trên hè phố.

Lâu lâu, có tiền, chúng tôi học làm sang, rủ nhau phóng xe Velo Solex ra xa lộ, đi Thủ Đức ăn nem hoặc đi Biên Hòa ăn đầu cá hấp- Hình ảnh nữ sinh Saigon thời thập niên 60, mặc áo dài trắng, đội nón bài thơ với quai nón màu đỏ hoặc tím ngồi trên chiêc Velo solex mảnh mai, đen bóng, chạy trên đường phố, chắc quý vị còn nhớ?

Những lần đi xa như thế, các ông anh Chu Văn An của chúng tôi mặt mày tươi rói, nói cười huyên thuyên, tưởng như không bao giờ hết chuyện!

Các anh vui, vì một lý do rất dễ hiểu, bọn con gái chúng tôi không dám lái xe xa, phải ngồi đằng sau, ôm eo các anh.

Thế là các anh có dịp trổ tài làm… anh hùng xa lộ! Thỉnh thoảng, bất ngờ, các anh cho xe chạy thật nhanh khiến chúng tôi phải hét ầm lên và ôm chặt các anh hơn!  Chúng tôi hét lên vì sợ thì ít, vì vui thì nhiều! Chúng tôi nào có phàn nàn gì về trò chơi nghịch ngợm, dễ thương như thế.

Chúng tôi cũng thích đi chèo thuyền ở Phú Lâm, Tân Thuận. Dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè, con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên sông với những đám lục bình hoa tím, với những lùm cây thấp lòa xòa soi bóng nước. Những bài hát, có những câu hợp tình, hợp ý, được các anh tranh nhau hát để ngầm…tán chúng tôi:  “ Ngày đó, có em đi nhẹ vào đời…”,  “ Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh…” Yêu ai, yêu cả một đời…”, “ Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về”

Anh của tôi thì không thèm hát, anh đọc thơ: “ Yêu hết một mùa Đông. Không một lần đã nói. Có nói cũng không cùng. “ ( Lưu Trọng Lư),  “ Gió thổi mùa Thu hương cốm mới. Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.” (NguyễnĐình Thi)

Hôm nào tôi bằng lòng đi riêng với anh thì anh vui lắm! anh bảo: “ Hôm nay anh trúng số!”. Tôi nói : “ Em với anh đi riêng như vậy, em sợ người ta hiểu lầm!” Anh nheo mũi cười: “Người ta hiểu đúng chứ hiểu lầm cái gi?”

Rồi được dịp, anh dậy dỗ tôi đủ thứ chuyện, ra dáng bậc đàn anh lắm: “Lần sau, đi chơi buổi tối như thế này, cô phải mang theo áo len nhé. Cô ốm, không ai lo cho cô được đâu!” “ Anh chàng H. nham nhở lắm! Cô nên tránh nói chuyện với nó.” “ Sắp đến kỳ thi rồi, cô phải học hành chăm chỉ, anh muốn cô phải đỗ kỳ này! Cô không thi đỗ thì… ( Anh bỏ lửng câu nói ở đây)

Những lần ra miền Trung cứu trợ bão lụt cũng để lại trong tôi những điều đáng nhớ. Vào những ngày ấy, chúng tôi quên hẳn mối tình con! Chúng tôi “ôm”  mối tình lớn! Chúng tôi cùng nhau say sưa nói về quê hương, dân tộc. Tình hình đất nước…

Anh chưa bao giờ khen tôi đẹp. Nhưng lần nào gặp nhau, anh cũng ngắm tôi, gật gù bảo: “ Cô mặc màu áo này đẹp lắm!” hoặc: “ Màu tím làm nổi bật nước da trắng của cô” Hoặc: “Mắt cô giống mắt của Audrey Hupburn.”

Mỗi lần đi với anh, anh cứ tỉnh tỉnh nắm tay tôi suốt buổi, lâu lâu lại siết nhẹ một cái. Đôi khi anh choàng tay, ôm ngang lưng tôi, kéo sát vào anh. Anh hôn lên mái tóc tôi, thì thầm: “Cô mới gội đầu bằng bồ kết phải không?”

Những lần đi dự những buổi dạ vũ gia đình, tôi chỉ thích ngồi ngắm mọi người dập dìu trong tiếng nhạc, dưới ánh đèn mờ ảo. Tôi thường nhắc anh  mời các bạn tôi nhẩy. Lâu lâu, có bản Slow, anh kéo tôi ra cho bằng được, anh bảo: “ Cô không thích nhẩy thì chỉ cần tập cho anh  một điệu Slow này  thôi cũng được.”

Quà cáp anh cho tôi, thật đặc biệt! Không phải là nước hoa, son phấn đắt tiền mà là những thứ hằng ngày tôi thích. Khi thì gói ô mai, khi thì vài quả ổi, quả cốc, ly thạch, chè Hiển Khánh Đa Kao.

Anh  mua cho tôi hầu hết những bản nhạc mà tôi ưa thích. Thơ tình của các tác giả nổi tiếng, anh chép cho tôi nguyên cả một tập giấy pelure màu xanh lơ nhạt, đóng gáy da, chữ mạ vàng cẩn thận. Thỉnh thoảng lại có những trang anh vẽ hình ảnh rất đẹp: Một cô gái tóc dài xõa ngang vai, ôm cặp sách đi dưới hàng phượng vỹ đỏ thắm. Một con thuyền nhỏ thấp thoáng trên sông. Một cành mai vàng rực rỡ…

Di tản sang Mỹ, Anh ở miền Tây, tôi ở miền Đông. Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên qua điện thoại. Nói chuyện với nhau, lâu dần trở thành một nhu cầu của chúng tôi. Nhất là những khi chúng tôi có chuyện vui buồn, cần có người để chia sẻ.

Có một lần, tôi buồn lắm! Anh bảo: “ Anh sẽ sang thăm cô. Anh cho cô năm ngày, muốn hành hạ anh sao cũng được!”

Đến tiểu bang tôi ở, anh thuê xe từ phi trường, lái  thẳng về khách sạn rồi mới gọi cho tôi, vẫn cách nói như ra lệnh:

Anh đang ở khách sạn, gần nhà cô. Một tiếng nữa, cô đến anh, mình đi ăn trưa. Anh đã lên Net, tìm được nhà hàng rất lý tưởng! Anh sẽ không đưa cô đi ăn tiệm Việt Nam đâu! Lý do rất dễ hiểu, anh không muốn chúng mình gặp bạn bè bà con. Anh chỉ dành thời giờ cho cô thôi!

Anh đón tôi dưới phòng khách của khách sạn với nụ cười và giọng nói ấm áp:

Cô vẫn thế! Không thay đổi nhiều.

Tôi đùa:

Anh có cần mượn kính lão của em không? Có đến mười mấy năm rồi mình mới gặp nhau mà anh bảo em vẫn thế! Không thay đổi nhiều.

Anh nheo mắt:

Thì anh nói cho cô vui mà! Chứ thật ra, chúng mình là lão ông, lão bà cả rồi! Cô xem này, tóc anh …đi chơi hết rồi!

Tôi cũng cười:

Anh thấy da em nhăn giống quả táo tàu không?

Anh và tôi cười xòa, cùng bước vào thang máy để lên phòng anh ở.

Ra khỏi thang máy, chúng tôi nắm tay nhau đi trên lối hành lang nhỏ, có trải thảm màu đỏ thẫm. Anh nhìn tôi mỉm cười hóm hỉnh:

Cô muốn anh đưa cô đi ăn hay muốn gì khác?

Tôi cũng cười:

Ghé phòng anh một chút thôi, rồi mình đi ăn ngay. Phòng anh…có chuột đấy! Em sợ lắm! 

Anh nheo mắt nhìn tôi cười:

Anh nhớ là cô sợ chuột và sợ cả anh nữa, đúng không? Nhưng  anh hứa với cô, anh sẽ không lộn xộn, lôi thôi gì hết. Anh biết cô vẫn thích anh ăn mặc vét tông, cà vạt đàng hoàng mà!

Trong năm ngày anh đến thăm tôi, ngày nào chúng tôi cũng đi thăm các thắng cảnh, đi ăn trưa, ăn tối ở những nhà hàng rất sang, rất đặc biệt hoặc lái xe vòng vòng trên khắp các con đường rợp bóng cây cao. Anh  bảo: “ Anh mê cây xanh ở tiểu bang này! Nơi anh ở, ít cây cối lắm! Khi đi làm, nhiều khi anh phải đi qua những vùng sa mạc, nắng chang chang và nóng như lửa!

Những lúc chúng tôi ngồi bên nhau trên xe, anh hát nho nhỏ những câu hát mà ngày xưa anh và các bạn anh vẫn hát để ngầm tán nhóm bạn gái chúng tôi. Anh cũng không quên đọc những câu thơ mà gày nào anh đã đọc cho tôi nghe: “ Yêu hết một mùa Đông. Không một lần đã nói. Có nói cũng không cùng”, “ Gió thổi mùa Thu hương cốm mới.Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”. Rồi anh hỏi tôi có nhớ tên tác giả những bài hát, bài thơ đó không?

Ngoài những bản nhạc, bài thơ mang nhiều kỷ niệm, anh còn hỏi tôi: “ Cô có thích bài hát You Are My Sun Shine không nhỉ? Anh thường hát bài ấy cho mấy đứa con của anh, khi chúng còn bé, anh hát cho cô nghe nhé!

Hỏi, nhưng anh không cần tôi trả lời. Anh thì thầm hát bên tai tôi. Tôi nhắm mắt lại như thiu thiu ngủ. quá khứ mộng mơ, hiện tại êm đềm khiến tôi biết tôi là một người hạnh phúc.

Tôi hạnh phúc, bởi vì trong cuộc đời, tôi đã may mắn có một Người Tình Chu Văn An để nhớ, để thương, để an ủi tôi  trong những cơn sóng gió đời.

Tôi nghĩ rằng, ở một nơi nào đó, những người bạn gái năm xưa của tôi, cũng có được niềm hạnh phúc như tôi, và có khi, hơn cả tôi, vì họ thực sự có nhau trong cuộc sống. Còn tôi, suốt đời: “ Tôi chỉ là người em gái thôi…” của một chàng Chu Văn An có lối nói chuyện và tán gái…ấm ớ như bao nhiêu chàng trai Chu Văn An khác.

Lê Thị Nhị

12 December 2023

Hiện tượng Thái Bá Tân

Mặc Lâm

Mạng xã hội hôm nay không những nóng lên vì tin biển đã sạch, phi trường Tân Sơn Nhất ngập như sông, máy bay huấn luyện rơi giết phi công còn rất trẻ và đâu đó người này người khác lại bực dọc vì một nhà thơ mà họ yêu mến nay bỗng dưng tuyên bố những điều gián tiếp từ khước tất cả những gì mà ông từng viết và được ưa chuộng trước đây. Nhà thơ ấy là Thái Bá Tân, với cung cách “khẩu thơ” của những bài ngũ ngôn tuyệt vời.

Từ hơn 5 năm trước thơ Thái Bá Tân được cộng đồng chia sẻ và mức lan tỏa của nó phải nói là khá lớn. Người ta thích thú vì ông viết xoáy vào các chủ đề xảy ra hàng ngày. Tính thời sự trong thơ ông rất rõ, kèm theo đấy ông bày tỏ thái độ của mình và chính điều này đã làm nên Thái Bá Tân.

Tháng 7 năm 2012 trong bài viết: “Thái Bá Tân và những bai thơ 5 chữ” chúng tôi đã được ông cho biết về thái độ của mình, với tư cách một nhà thơ như sau:

“Tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ mà cứ im mãi thì không đúng. Phải có trách nhiệm của công dân. Tôi chẳng chống phá gì đâu thậm chí tôi còn ăn lộc của chế độ vì được ăn học tử tế nhưng chuyện nào ra chuyện ấy trách nhiệm công dân thì mình phải nói.”

Trong bài thơ “Mắng con” Thái Bá Tân đã làm cho không khí biểu tình chống Trung Quốc lúc ấy thêm lửa. Cách thể hiện thái độ của ông trước sự vô cảm của con ông, mà chính ra là của nhà nước, của đa số người dân trong xã hội, đã khiến cư dân mạng nức lòng vì ông đã dùng thơ nói lên những ẩn ức cháy lòng của người khác.

“Mày láo, dám khuyên bố
Mai không đi biểu tình.
Chuyện ấy có nhà nước,
Không liên quan đến mình.

Mày nói y như đảng.
Không liên quan thế nào?
Nước là của tất cả,
Của mày và của tao.

Mày bảo có nhà nước.
Nhà nước hèn thì sao?
Mà ai cho nhà nước
Quyết việc này thay tao?

Chính vì khôn, “biết sống”
Tức ngậm miệng, giả ngây,
Mà thế hệ của bố
Để đất nước thế này.

Ừ, bố già, lẩn thẩn,
Nhưng vẫn còn là người.
Mà người thì biết nhục,
Biết xấu hổ với đời.

Mai biểu tình, thế đấy.
Bố không bắt con đi,
Nhưng cũng đừng cản bố.
Cản cũng chẳng ích gì.”

Người biểu tình biết ông từ đó và niềm tin yêu đặt vào ông ngày một cao hơn qua các bài thơ khác.

Thái độ của nhà thơ Thái Bá Tân là thái độ của một sĩ phu Bắc Hà. Là nhà giáo ông biết rõ nhân cách của một công dân trong xã hội, một công dân khi ứng xử với nước ngoài và nhất là lòng tự hào của một công dân đối với quốc gia mình. Thế nhưng ông đã tự bộc lộ nỗi thất vọng khi được làm công dân của một nước Cộng sản, như nước mà ông đang sống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

“Chứ nói chung là nhục
Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét
Lãnh đạo thì ngu đần
Riêng hai chữ Cộng sản
Đã đú nói phần nào
Làm thằng dân Cộng sản
Có gì mà tự hào?”

Thái Bá Tân không mạnh mẽ đến độ làm cho nhà nước nghĩ rằng ông chống phá, thế nhưng khi nói tới cùng cái điều mà ông trông thấy hàng ngày có lẽ Thái Bá Tân không phải là người cuối cùng nói lên sự thật:

“Vứt mẹ cái khẩu hiệu 
Còn đảng là còn mình. 
Thế mai kia đảng chết, 
Không lẽ mày quyên sinh?”

Thế nhưng chỉ vài ngày trước đây trên trang Facebook của mình nhà thơ đã làm cho mạng dậy sóng.

Trong status có tựa Đôi lời, nhà thơ Thái Bá Tân đã bộc bạch những điều mà trước đây ông đả phá. Từ biết ơn đảng đã đổi mới, cho tới ông Nguyễn Phú Trọng liêm khiết không hề tham nhũng, ông khen Thủ tướng Phúc quyết liệt Bí thư Thăng năng nổ và xác định lòng tin của nhà thơ là đại cục không phải xấu đi mà đang tốt lên.

Thấy chưa đủ ông còn viết thêm một bài thơ, diễn tả tâm trạng mình cũng theo thể thơ đã làm ông nổi tiếng, bài thơ có tên “Ghi nhận”

“Các bác thử tưởng tượng,
Nếu đảng ta trước đây
Không mở cửa, đổi mới,
Sẽ thế nào hôm nay?

Hôm nay ta chắc chắn
Như dân Bắc Triều Tiên.
Không được nói, được chửi,
Không cơm ăn, không tiền.

Không có internet,
Không được đi nước ngoài,
Không có chiếc xe đạp,
Không có cả chiếc đài.

Không được mặc quần xoọc,
Cắt tóc theo ý mình.
Không khách sạn, nhà nghĩ,
Không có cả ngoại tình…

Chắc chắn là như thế.
Các bác cứ tin đi.
Nếu đảng không đổi mới,
Hỏi ta biết làm gì?

Định vùng lên lật đổ
Rồi thoát khỏi thằng Tàu?
Đừng đùa với cộng sản.
Không có chuyện ấy đâu.

Cho nên chửi cứ chửi,
Nhưng cũng phải phân minh.
Biết lượng sức mà tiến,
Biết người và biết mình.

Đảng có gì không đúng
Thì nói, ta, người dân
Việc mình làm thật tốt
Để mọi cái tốt dần.

Tôi không ưa cộng sản,
Cả xưa và cả nay.
Nhưng đảng đã đổi mới
Thì ghi nhận việc này”

Khi xưa làm một bài thơ hay phải chờ đến hàng năm thì cộng đồng mới biết tới để khen, để phản hồi. Bây giờ chỉ sau một đêm, một ý kiến một bài thơ của ông được sự phản hồi ào ạt tới không kịp xem cho hết. Người tích cực và nhanh nhất là Facebooker Dương Hoài Linh, ông dùng lại chính thể thơ mà Thái Bá Tân nổi tiếng để diễn tả tâm trạng mình:

Gởi thầy Thái Bá Tân

“Nghe thầy Thái Bá Tân.
Phân trần về chính trị.
Mà cảm thấy phân vân.
Bởi quá nhiều vô lý.

Mới hôm nào thầy nói.
Chính trị là thực tế,
Là cuộc sống, là đời.
Nói thật tôi rất nể.

Không có nước nào nhỏ.
Chỉ có những công dân
Cam chịu sống bé nhỏ,
Gục mặt vào miếng ăn.

Nghĩ thầy thật can trường.
Chẳng kém phần dũng cảm.
Dành tất cả tình thương.
Cho dân đầy can đảm.

Nhưng hôm nay thầy bảo.
Trọng là người liêm khiết.
Không bán nước cho Tàu.
Nghe mà buồn khôn xiết.

Chắc thầy hẳn đã quên.
Chỉ cách đây mấy tháng.
Trọng là một tên hèn.
Khi đi vào Vũng Áng.

Mặc cá chết ,dân đói.
Biết bao nỗi đoạn trường.
Nước mắt hòa với máu.
Trong những lần xuống đường.

Bao cảnh đời tang thương.
Trọng chẳng thèm hay biết.
Một vùng biển miền Trung.
Đã biến thành biển chết.

Thủ tướng quyết cho liệt.
Mọi đường lối chủ trương.
Lừa dân năm trăm triệu.
Dối trá đủ mọi đường.

Môi trường không còn nữa.
Chúng chẳng thèm quan tâm.
Cả một bầy lợn sữa.
Rủ nhau xuống biển ngâm.

Ôi đất nước như thế.
Rặt một lũ chuyên lừa.
Ăn của dân bất kể.
Chẳng biết mấy cho vừa.

Xã hội đang sôi sục .
Như nồi cơm sắp trào.
Chúng vẫn không biết nhục.
Gắp lửa bỏ thêm vào.

Cuộc đời phức tạp lắm,
Vàng ròng lẫn đồng thau.
Đã cùng dân một nước
Thì phải yêu thương nhau.

Thế mà nay thầy khác.
Nói chẳng ra làm sao.
Phủ nhận và bài bác.
Không như cái thuở nào.

Tôi mong thầy bị hack.
Viết những lời mất trí.
Để xác tín trên đời.
Rằng vẫn còn chân lý.

Bá Tân ơi Bá Tân 
Chẳng lẻ tôi đã lầm?
Thì ra cái hai mặt .
Không của riêng người nào.

Nhẫn nhục mưu việc lớn
Là việc rất đáng khen.
Nhẫn nhục để khỏi chết
Là thứ nhẫn nhục hèn.”

Thế nhưng nhà báo Võ Văn Tạo lại nhìn nhà thơ Thái Bá Tân qua một lăng kính khác ông cho rằng khi chưa hiểu tường tận câu chuyện lại đánh giá nặng nề nhà thơ là việc không nên làm, ông nói:

“Tôi rất ngạc nhiên đồng thời tôi cũng thấy có nhiều ý kiến nặng nề thóa mạ bác một cách quá đáng. Theo tôi nghĩ đánh giá một con người thì có cả một quá trình. Mình đã đọc nhiều tác phẩm của bác. Bác là một dịch giả, nhà văn viết rất hay và đặc biệt những bài phê bình thể loại thơ 5 chữ rất dí dỏm mang tính chất phê phán nhẹ nhàng đối với tiêu cực xã hội hiện nay, đột nhiên lại có một status đi ngược với điều đó thì cộng đồng người ta shock là điều dễ hiểu nhưng tôi cho rằng bác là con người tử tế chứ không phải là loại cơ hội sớm đầu tối đánh như một số bạn nóng nảy kết án.”

Một Facebooker khác là Nguyễn An Dân cũng làm thơ 5 chữ ghi lại nhận định của mình theo một hướng khác, ông viết:

“Có ông Thái Bá Tân
Thích làm thơ chính trị
Quần chúng nghe thành quen
Nghĩ ông làm chính trị
Ông chỉ là nhà thơ
Không phải nhà chính trị
Xin đừng đòi hỏi ông
Giống như nhà chính trị
Nếu hâm mộ thơ ông
Thì cứ đọc cho đủ
Chuyện chính trị quốc gia
Nói bằng thơ - không đủ
Hãy tìm những thông tin
Bổ ích mà học hỏi
Nhà chính trị quốc gia
Ít ai làm thơ nổi
Nhà thơ là nhà thơ
chính trị là chính trị
Đừng đòi hỏi nhà thơ
Phải như nhà chính trị
Đừng mong nhà chính trị
Cũng biết làm thơ hay
Tập trung làm thơ giỏi
Chính trị sẽ...trên mây
Chúng ta cần lãnh đạo
Chứ không cần thơ hay
Tự chính mình học hỏi
Để phát triển ngày ngày
Thế nên đừng ném đá
Vào ông Thái Bá Tân
Mà tập trung sức khỏe
Vào chuyện quốc gia cần”
 
Trong một cái nhìn khác về trường hợp “quy hàng” của nhà thơ Thái Bá Tân, nhà báo Võ Văn Tạo kể câu chuyện mới xảy ra trong gia tộc ông để từ đó đặt ra câu hỏi “phải chăng Thái Bá Tân cũng là nạn nhân của an ninh khiến ông phải quay lại chĩa ngòi bút mình vào nhân dân, những người từng nhiệt tình kính trọng ông trước đây?

“Tôi xin kể câu chuyện mà tôi là người trong cuộc đó là vụ tháng Năm vừa rồi cá chết. Hôm mùng một tháng Năm cô em họ tôi là Hoàng Thị Minh Hồng, trước đây cô đi Nam cực thám hiểm hai lần cổ có thời gian làm đại sứ cho UNESCO và Trưởng đại diện cho Quỹ bảo vệ động vật hoang dã của thế giới.

Cô là người của công chúng cho nên khi ngày 1 tháng 5 cô xuất hiện ở cuộc biểu tình với tấm bảng đề là “con tôi cần nước sạch, không khí sạch, thực phẩm sạch, chính quyền sạch” Cái hình ảnh đó rất ấn tượng và không hiểu sao hai tuần sau, ngày 15 tháng 5 cô ấy xuất hiện với cái bảng “đả đảo Việt Tân”.

Nhiều người dự đoán cô bị sức ép hay có cái gì đấy. Tôi rất ngạc nhiên và gọi cô ấy nhưng rất khó liên lạc cho tới khi liên lạc được thì cô nói thật do bị sức ép của an ninh nên buộc lòng cổ phải làm việc ấy.

Cô kể hết sự tình ra là an ninh đã đe dọa cô ấy thông qua nhân viên của tổ chức cô ấy làm việc, đồng thời gửi e-mail nặc danh dọa giết cháu Giang là con của hai vợ chồng cô. Chúng còn biết cháu học ở trường nào nữa cho nên cô rất sợ cuối cùng đi đến việc làm dở như thế.

Có khả năng chứ không dám khẳng định: bác Thái Bá Tân cũng rơi vào tình trạng đó do có một cái ý mà bác nói “cảm ơn đảng, chính phủ qua cái việc chủ trương đổi mới” bác nói “quá nghèo mà được như thế này là tốt lắm rồi!” Tôi thấy nó giống như giọng lưỡi an ninh mà mỗi lần tiếp xúc làm việc với tôi cũng nói những câu như thế của dư luận viên và tôi không thể tin được đó là cái đầu hay cái cách của bác”

Trong xã hội nhiều tầng nấc trái ngược và điều gì cũng có thể xảy ra như hiện nay, nên chăng hãy để câu chuyện Thái Bá Tân ngủ yên với cái nó vốn có. Lịch sử còn dài và trên từng trang viết của nó không ai có thể trốn tránh, nhất là khi đã tự chọn cho mình là người của công chúng

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-08-27

01 December 2023

80 Tự Thán, thơ xả xú-bắp

 80 TỰ THÁN

Sống tới hôm nay được kể già
Đón mừng thượng thọ, tiễn thu qua.
Lão niên lực cạn, đông rơi lá,
Trai trẻ trí đầy, xuân nở hoa.

You-tube loan truyền tin thật giả,
E-mail chuyển tải chuyện tà ma.
Bạn bè đay đó lai rai biến
Còn thở, thơ vui tớ vẫn ra.

TNT

**

THỌ CHƯA, CHƯA THỌ

Sống đến tuổi này chưa hẳn già
Chặng đời bão tố mới đi qua
Chớ nên chúc thọ e  còn sớm 
Hãy để ước vọng tiếp nở hoa

Sáng tách cà phê tìm hương vị
Chiều cân kinh dịch hoãn ra ma 
Nào ai dám nói ta thượng thọ 
Sinh khí văn thơ vẫn phọt ra !

A.C.La

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...