27 July 2021

NHANH NHƯ ÁNH SÁNG

Lê Tất Điều

Sóng radio, sóng ánh sáng lan tỏa trong không gian như thế nào ta đã biết. Chỉ còn một thắc mắc: Nguyên do nào khiến một vi phân tử, thí dụ như photon, “bay” nhanh đến thế – có thể nhanh nhất trong Vũ Trụ.

Theo truyền thống, trước hết, thỉnh ý tiền nhân. 

Lên Gúc, tra cứu sách báo khoa học, không thấy các ngài – như Einstein, Newton – dạy bảo gì rõ ràng, dứt khoát về vụ này. Đành trông chờ ở các bậc cao minh của thời đại chúng ta.

Đây là câu trả lời của Tiến sĩ Christopher S. Baird: 

Photon không phải tăng tốc độ (từ zero lên tới tốc độ ánh sáng), vì nó đã chạy nhanh như thế ngay từ lúc vừa chào đời. (A photon of light does not accelerate to light speed. Rather, a photon is already traveling at light speed c when it is created. It's not like a photon jumps from a speed of zero to light speed instantaneously. Rather, a photon is always traveling at c, from the moment of its creation). 

Ngon lành! Đang lúc được tạo sinh, photon đã bay ào ào sẵn rồi, và tiếp tục bay như thế muôn nghìn năm.

Chắc sợ người nghe có đứa té ngửa, chết giấc, ông cho thêm một lời giải thích tường tận hơn. Ông bảo: Có vài người nói rằng lý do khiến photon di chuyển nhanh ngay từ lúc sơ sinh là vì nó không có thể chất (it is a massless particle).

Đọc lời giải thich thêm, chỉ học được một điều là ông hơi thiếu ngay thẳng. 

Chuyện nhiều khoa học gia – không phải chỉ “vài” – nhận định photon “không có thể chất” là có thật. Nhưng chẳng ai nói nhờ “không thể chất mà photon vừa chào đời đã chạy như điên”. Nhận định dị thường ấy là sáng tác riêng của Tiến sĩ Baird thôi. 

Nhiều – phải nói là hầu hết – khoa học gia chấp nhận lời giải thích này:

“Photon di chuyển được trong chân không (vacuum) với tốc độ ánh sáng vì nó không có thể chất (massless)”.

Cách giải thích này được in đầy trong sách, tạp chí khoa học, cũng như sách giáo khoa, được giảng dạy ở trường học, như một chân lý đã được khoa học giới chấp nhận. 

Tôi thấy nhiều chỗ bất ổn:

Photon “bay” nhanh nhờ di chuyển trong Chân không (vacuum).

Vũ Trụ đặc kín vi phân tử, phân tử, nguyên tử, tràn ngập Chất Đen thể lỏng… có bao nhiêu vacuum cho photon di chuyển nhanh? Kỳ dị nhất là trong cùng một bài, bên cạnh luật di chuyển dành cho photon, có thể có ngay những câu như: tinh cầu này cách xa một tỉ, tinh cầu kia cách xa hai tỉ năm ánh sáng, v.v… Nghĩa là – phải ngầm hiểu – giữa các tinh cầu với trái đất chỉ có toàn là vacuum cho photon bay cho ngon, đúng tốc độ tối đa!

Photon di chuyển nhanh vì “không có thể chất”.

Nghe rùng mình, muốn sởn gai ốc! 

Không thể chất thì cái gì di chuyển? Những món không thể chất xô đẩy nhau bằng cách nào? Photon không thể chất nghĩa là không có thể lực, nó lấy cái gì để tạo áp lực trên thần kinh thị giác, truyền tín hiệu giúp muôn người, muôn vật khỏi mù lòa?

Theo luật thiên nhiên, luật vật lý, thì muốn hiện hữu phải có “chỗ đứng” trong không gian, phải có thể chất để chiếm ngụ phần không gian ấy, và từ đó tương tác với muôn vật xung quanh. Không hội đủ điều kiện tiên quyết ấy thì nên kiếm một vũ trụ khác mà hiện hữu. Chập chờn, lởn vởn hiện hữu không thể chất trong vũ trụ này, thì chỉ có thể là … ma!

Nhiều vật lý gia chắc cũng sợ lý thuyết về ma photon không được đời coi trọng, họ giải thích thêm: photon khi ở trạng thái bất động thì vô tích sự, nhưng vừa di chuyển là ích quốc lợi dân ngay, vì khi đó nó phát ra năng lượng – nghĩa là năng lượng tự phát ra khi photon di động (bù đắp cho cái nguồn thể lực nó thiếu vì lỡ massless.)

Đứng một chỗ thì chẳng là gì, không có gì, nhưng đi thì cái “tuyệt đối không có gì” ấy lại có ngay cả đống năng lượng để toát ra!!!

Sợ chưa đủ thuyết phục, một ông khôn ngoan, láu lỉnh trưng ra một đồng minh khổng lồ: cụ Einstein. Theo lời ông dẫn giải thì:  

Lũ photon không có thể chất thật, nhưng chúng nó lại có một thứ thể chất cần thiết khác xác định bởi số năng lượng chúng mang theo (năng lượng này) đã được công thức lừng danh của Einstein:  E = mc2 tặng cho). (The packets carry no mass, but they do have an effective mass that is determined by the energy they carry compliments of Einstein's famous E = mc2)

Cảm ơn ông! Nhờ ông có nhã ý đem công thức của Einstein ra hù thiên hạ mà nhân loại khám phá được một hiện tượng không ai ngờ có thể xảy ra trong trời đất: Một khoa học gia, học vị Tiến sĩ, không biết… làm toán, không giải nổi một phương trình bậc nhất.

E = mc2  có nghĩa là muốn tìm  Năng lượng (E– energy) thì đem Khối lượng thể chất (m– mass) nhân với bình phương tốc độ ánh sáng (c2 ). 

Nếu m = 0 thì kết quả bài toán là E = 0 x c2 = 0 (zero – học trò thường kêu một cách thân thương là “trứng vịt”).

Nghĩa là cái bóng ma massless photon có di động với tốc độ 186.282 m/s, hay nhanh hơn nữa, thì cũng không văng ra được một mảy may năng lượng nào.

Không biết làm toán, ông còn không hiểu ý nghĩa phương trình của Einstein. Phương trình ấy luôn luôn có hai vế: Khối lượng thể chất (m) và Năng lượng (E). Dùng nó để tính số năng lượng sinh ra từ một khối vật chất khi tiến trình chuyển hóa đã hoàn tất. Không có mass, không có nguồn để chuyển hóa, thì đào đâu ra năng lượng! 

Chính phương trình của vị đồng minh vĩ đại này làm cho thuyết của ông thành vô nghĩa, tiếu lâm.

Và đây mới là chỗ thê lương. 

Trừ cái ông “photon sinh ra đã chạy nhanh”, tất cả những nỗ lực bắt photon phải không có thể chất, toàn bay trong chân không v.v… chỉ cố giải thích tại sao photon có thể di chuyển nhanh. Không trả lời được câu hỏi chính: nguyên do nào – sức tác động, khởi động nào – khiến nó bị phóng đi, đạt tốc độ ánh sáng. 

Bạn thất vọng và ớn lên tận cổ chưa? Tôi thì quen quá rồi. Sau hơn một thập niên tham dự nhiều cuộc tranh luận, đọc không biết bao nhiêu luận án… bị ngẩn ngơ, ớn lạnh lu bù, bây giờ, gặp những phát biểu kiểu đó, chỉ buồn thôi.

Cũng thất vọng, ngao ngán lắm, nhưng không dám tuyệt vọng, sợ mình nản chí, bỏ cuộc thì tội nghiệp cho muôn triệu trẻ em bây giờ và mai sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, bị nhồi nhét vào đầu những kiến thức nhảm nhí, sai lầm khiếp đảm như thế.

Tiền nhân chưa biết đủ để giải thích hiện tượng. Các bậc cao minh đương thời thì nói nhiều, nhưng nói sai không ít. Cứ gặp chỗ bí là bịa nhảm. Thấy Hố Đen hút mạnh quá thì phịa ra cái Singularity. Thấy photon bay nhanh quá thì tưởng là nó “không có thể chất”. 

Không trông cậy được vào ai trong vấn đề này, ta đành tự lực cánh sinh.

Bạn đừng lo, chúng ta chưa lâm vào mạt lộ. Vẫn còn một cánh cửa lớn để gõ. Ta hỏi thẳng Vũ Trụ. 

Thực ra, không cần ai hỏi, Vũ Trụ đã trưng ra câu trả lời khắp trong trời đất. 

Chỉ cần chịu khó nhìn ngắm nó bằng giác quan, bằng cảm nhận, cảm thức, và luôn tuyệt đối tôn trọng luật thiên nhiên… thì dần dần sẽ giải mã được hết những huyền bí từng đè nặng tâm trí nhân loại hàng ngàn năm.

Kể cả nguyên nhân khiến photon đạt tốc độ ánh sáng.

Lê Tất Điều
(18/7/2021) 

24 July 2021

Chiêm bao, thơ


Vợ Lính Thời Chinh chiến…

Thôn Nữ Bàu Trai


Trong các chị em gái của gia đình, tôi là đứa con gái nhút nhát nhất. Tôi không thích xem phim chiến tranh, sợ nghe tiếng súng nổ, nên tôi không mong muốn lấy chồng nhà binh như phần đông các cô gái khác thích những chàng trai trong bộ quân phục oai hùng. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng của Ba tôi. Ba tôi là viên chức hành chánh, ông thường than phiền một số sĩ quan trẻ ngang tàng và lái xe ẩu.

Một đêm khuya sau Tết Mậu Thân năm 1968, chúng tôi nghe tiếng gõ cửa, Ba tôi cẩn thận đuổi chị em tôi vào phòng, đóng cửa kỹ lại. Ông bỏ cây súng nhỏ vào túi quần và ra mở cửa. Một sĩ quan trẻ tuổi mặc rằn ri vào xin cho binh sĩ đóng quân trong khu vườn nhà tôi và cho cấp chỉ huy của họ ở tạm trong phòng khách. Lúc đó Ba tôi mới yên tâm biết là đơn vị đi hành quân về đến đây tìm chỗ nghỉ quân.

Lính ở đầy trong khu vườn nhà tôi nhưng không phá phách gì như một số người đồn đại. Riêng vị sĩ quan ở trong phòng khách nhà tôi với cái ghế bố nhà binh nhỏ bé, nằm khiêm nhượng ở một góc phòng. Cuộc sống gia đình tôi không có gì thay đổi khi có mặt vị sĩ quan này. Chúng tôi lịch sự không đi tới lui trong phòng khách. Ban đêm thỉnh thoảng chúng tôi nghe những câu hát vu vơ hoặc vài câu vọng cổ của các người lính trẻ than thở nhớ gia đình và người yêu. Chúng tôi thông cảm và thương mến họ hơn.

Dần dần ba mẹ tôi có cảm tình với vị sĩ quan chỉ huy. Những lúc rảnh rỗi, ông đến nói chuyện hoặc được ba tôi mời ăn cơm gia đình. Ông sĩ quan này mượn phòng khách để làm nơi hội họp của bộ chỉ huy, nhờ thế gia đình tôi quen biết thêm vài sĩ quan nữa. Câu “quân dân như cá nước” là đúng, chúng tôi thân tình rất mau, có những bữa ăn hoặc những buổi tối ngồi chung để xem ti vi thật vui vẻ. Quan niệm không tốt về nhà binh, cảm giác sợ sệt những người lính chiến trong bộ quân phục rằn ri không còn nữa.

Cũng nhờ dịp đơn vị dừng quân, tôi đã gặp nhà tôi sau này. Anh là một trong các sĩ quan trẻ của đơn vị. Chúng tôi biết nhau qua sự giới thiệu của vị sĩ quan quen thân với gia đình như đã kể trên. Một thời gian sau chúng tôi thương nhau và anh xin làm đám hỏi sớm để còn lên đường đi hành quân. Có lần anh nói, gia đình hối thúc cưới vợ, nhưng “Đời lính tác chiến xa nhà, ra đi không chắc có ngày trở lại, cưới vợ chỉ làm khổ cho người đàn bà.” Và anh không muốn vướng bận thê nhi trong thời ly loạn. Sau đó anh đi hành quân liên tục, thỉnh thoảng tôi chỉ nhận được thư. Hơn một năm sau đơn vị anh về đóng quân tại Biên Hòa gần Sài Gòn, đây là dịp tiện lợi để chúng tôi tổ chức đám cưới.

Tôi theo chồng về ở căn nhà trong trại quân đội. Bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, ngoài gia đình cha mẹ thương yêu, tôi còn có người chồng tính tình trầm tĩnh, hòa nhã với mọi người. Sau những ngày nghỉ phép cưới vợ, anh trở lại cuộc sống nay đây mai đó, anh đi ba bốn tháng mới về một lần hoặc lâu hơn tùy tình hình chiến sự.

Khi anh chuẩn bị đi hành quân tôi không hề biết trước nhưng dễ nhận ra ngay. Tôi thấy những binh sĩ làm việc với anh lăng xăng dọn dẹp chuẩn bị quân trang. Nhưng tôi vẫn mong mình nghĩ lầm. Anh trở về nhà gương mặt đượm nét quan trọng, ít nói với tôi hơn. Bận rộn với giấy tờ, điện thoại và dặn dò người này người kia liên tục. Tôi hiểu anh không có thì giờ để nghĩ đến gia đình. Tôi không quấy rầy anh, tôi luôn luôn nhớ lời dạy bảo của ba tôi trước khi tôi đi theo chồng: “Con đừng bao giờ xen vào công việc của chồng con.” Ăn cơm tối xong anh tiếp tục chuẩn bị tài liệu. Tôi buồn vì sắp phải xa chồng, không biết làm gì hơn là ngồi sau lưng anh, áp má vào sau lưng anh im lặng. Anh làm việc đến gần nửa đêm, xong anh kêu tôi lại ghế salon ngồi, anh dặn dò mọi việc ở trong nhà, có buồn trở về nhà cha mẹ chơi, nhất là phải cất kỹ tờ giấy hôn thú. Tôi hiểu anh muốn ám chỉ điều gì, tôi nghe lòng tê tái. Tôi có bao giờ nghĩ đến mười hai tháng lương tử tuất để thành góa phụ! Không, tôi chỉ cần chồng tôi. Sau đó chúng tôi chỉ ngủ được vài giờ. Ba giờ sáng trong sân trại rầm rộ tiếng xe, tiếng nói ồn ào của lính. Trong cảnh lờ mờ tối, tôi nhìn ra sân thấy những người lính, lưng đeo ba lô nặng nề, đầu đội nón sắt. Trong số đó sẽ có người không trở lại. Quang cảnh này trái hẳn với những ngày đại lễ, những người lính trong bộ quân phục thẳng nếp, tay cầm súng đi diễn hành rất đẹp.

Khi chồng tôi bắt đầu mặc áo giáp, đeo súng ngang hông, lòng tôi tê tái, có một cái gì đó làm cho tôi bất động, chỉ biết nhìn anh và im lặng. Sau cùng anh đội nón sắt và đưa tay vỗ vào má tôi nói: “Thôi anh đi”. Anh không có những cử chỉ âu yếm hơn, những lời từ giã nhiều hơn như những lần anh đi làm việc bình thường hay đi ăn cơm với bạn bè. Anh sợ làm tôi khóc. Tôi muốn nói anh cố sớm trở về với em, nhưng càng dặn dò càng đau lòng trong buổi chia tay. Tôi cố gắng không cho nước mắt trào ra. Tôi nhìn anh thật kỹ, để hình ảnh anh in sâu mãi trong lòng tôi. Tôi thầm nghĩ, không biết lần này anh có còn trở về không? Không thể chờ xe anh khuất bóng, tôi chạy vội vào giường khóc nức nở. Cảnh này cứ diễn đi diễn lại trong cuộc đời làm vợ lính của tôi. Có lần tôi nói với anh, khi đi hành quân cho em biết trước để em chuẩn bị tư tưởng cho đỡ sợ. Nhưng có lẽ vì bí mật quân sự hoặc cuộc hành quân gấp rút, anh chẳng bao giờ chiều tôi chuyện đó.

Mỗi lần nghe có tin đơn vị anh đụng độ lớn tôi chỉ biết vào phòng âm thầm cầu nguyện, lo sợ gặp những sĩ quan đến báo tin buồn. Có lúc anh về thăm tôi thình lình. Mừng rỡ không được kéo dài bao lâu lại nghẹn ngào vì anh ra đi sớm hơn lời hứa. Một buổi chiều anh về và nói chiều mai mới đi. Tôi vui mừng vì trưa mai vợ chồng tôi sẽ có chung bữa cơm với nhau. Nhưng đến tối có tiếng điện thoại, anh nghe xong nói với tôi sáng sớm mai anh phải đi. Thế là mất một đêm hạnh phúc, chỉ có tiếng than thở và tiếng nức nở của tôi.

Khi tôi có thai được sáu tháng, lúc đó anh đóng quân tại Bến Tre, anh biết gia đình tôi có quen thân với ông bà bác sĩ tại Mỹ Tho. Anh hẹn gặp tôi tại đó để anh đến thăm vì từ Bến Tre chỉ qua một cái phà là đến Mỹ Tho. Anh cho biết sẽ ở chơi từ trưa đến chiều mới đi. Sáng ngày ấy ba tôi chở tôi xuống Mỹ Tho, sẵn ba tôi thăm lại người bạn cũ. Tôi gặp anh ngượng ngùng mắc cỡ với cái áo bầu khoác ngoài. Tuy là vợ chồng nhưng ít khi sống gần gũi nhau nên đối với anh đôi khi tôi vẫn còn e thẹn. Sau khi chúng tôi hàn huyên được nửa giờ, chúng tôi dùng cơm trưa, tuy có mặt ba tôi và hai ông bà bác sĩ nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc lắm. Bữa cơm chưa xong, chồng tôi có máy truyền tin gọi trở về đơn vị, vậy là anh lại đi ngay. Tôi tiếp tục dùng cơm, nhưng món ăn trở nên lạt lẽo, dầu bà bác sĩ nấu rất ngon. Thương con, ba tôi cáo biệt về Sài Gòn sau buổi cơm. Trên xe ông nhìn tôi và vuốt tóc thông cảm.

Một đêm tôi đang ngủ bỗng giật mình thức giấc bởi tiếng khóc thảm thiết của bà hàng xóm, tôi vội đến cửa sổ nhìn ra ngoài để xem chuyện gì xẩy ra. Bên ngoài đêm tối yên tĩnh bị đánh tan bởi tiếng khóc của người vợ trẻ vừa được tin chồng tử trận ngoài chiến trường, cùng đi hành quân chung đơn vị với chồng tôi. Chị khóc lóc, kêu gào, gọi tên chồng nhưng chồng chị sẽ mãi mãi không trở về nữa. Tôi trở lại giường nằm nhưng không ngủ được, tôi thương cho người đàn bà góa phụ kia và lo sợ cho bản thân mình. Sáng hôm sau người vợ trẻ đầu phủ khăn tang, gương mặt xanh xao cùng với bà mẹ già đi lãnh xác chồng theo sau hai đứa con khoảng ba, bốn tuổi, đầu chít khăn trắng. Chúng nó vô tư không biết gì, thật ra ba chúng đi hành quân luôn, ít khi ở nhà. Bây giờ không có lời an ủi nào làm chị vơi được nỗi buồn, chỉ mong thời gian sẽ hàn gắn vết thương lòng của chị mà thôi. Sau này chị kể, chị nghe tiếng chim cú kêu chiều hôm đó, chị nghĩ có điều xui rồi. Tôi không bao giờ tin dị đoan, tôi không xem bói vì thầy bói nói vui tôi không tin, nói buồn tôi phải bận tâm lo lắng, nhưng bây giờ tôi lại sợ tiếng cú kêu.

Một chị bạn quen, chồng cũng là bạn thân với chồng tôi, nhà ở trong cư xá đối diện, với ba đứa con nhỏ. Chồng đi hành quân không chắc có ngày về, tinh thần của chị ngày càng suy nhược, cộng thêm những lần thay mặt gia đình đi dự đám tang qúa nhiều bạn bè thân thiết bị tử trận. Tinh thần đã sẵn yếu, ngày càng trở nên suy sụp. Lúc ở Việt Nam, bác sĩ phải cho uống thuốc an thần. Sau này may mắn được di tản qua sống ở Mỹ nhưng rồi cũng không tránh khỏi bệnh nan y Alzheimer, chị hoàn toàn mất trí, thể xác trông cậy vào người chồng thủy chung, ngày xưa là người chỉ huy chiến trận tài ba, bay giờ biến thành người y tá tận tụy và hy sinh nhẫn nại cho người vợ tao khang, quen biết từ thuở còn niên thiếu.

Ngày tôi sanh cháu bé, chồng tôi được nghỉ phép, anh ở hẳn trong nhà thương với tôi, mặc cho những lời dị nghị của các cô bác theo xưa cho như vậy là không tốt là bị “mắc phong long”. Mấy ngày sau tôi rời nhà thương, anh được lệnh đi hành quân tại Campuchia. Nhìn anh đi tôi khóc mãi vì nghe tin đồn ở Campuchia thường bị “Cáp duồn”. Mẹ tôi khuyên “Con mới sanh khóc như thế không tốt đâu”. Nhưng tôi đâu nào nghĩ đến sức khoẻ của tôi, tôi lo cho anh và không muốn con tôi mất cha. Hàng ngày bận bịu nuôi con, nghĩ đến anh tôi chỉ biết cầu nguyện.

Đến năm 1973 chồng tôi chuyển sang làm việc hành chánh, mặc dù ở đâu cũng là phục vụ cho nước nhà, nhưng anh không thích lắm. Riêng tôi vui vẻ hơn vì đây là dịp mẹ con tôi được sống với anh hàng ngày. Tại đây anh vẫn phải đi xuống thăm các quận thường xuyên. Đã có các sĩ quan thỉnh thoảng bị chết vì địch phục kích dọc đường, cho nên tôi vẫn tiếp tục lo lắng cho anh. Ngày này qua ngày khác, mỗi buổi chiều tôi nghe chiếc xe lăn bánh trên con đường đá sỏi vào cổng là tôi biết anh đã bình yên trở về. Có những chiều anh về rất muộn, tôi không yên tâm được, vào phòng ngồi bất động âm thầm cầu nguyện. Tình thương đã khiến tôi rất thính tai, tiếng cổng mở cửa từ xa tôi đã nghe được, lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm, đi ra ôm lấy con và cùng nhau ra đón ba nó.

Có những đêm pháo kích tôi sợ quá, một tay ôm choàng lấy con, một tay nắm chặt tay anh, nhưng sau khi đợt pháo kích đầu tiên đã chấm dứt, anh phải vội vã từ giã mẹ con tôi để băng qua cửa hông nhà đi xuống hầm trung tâm hành quân, hầu tiện việc chỉ huy yểm trợ các đơn vị đồn trú địa phương. Muốn cho chồng luôn được bình yên và tôi bớt đi nỗi lo âu để yên tâm làm việc nội trợ, một hôm tôi đưa cho anh xâu chuỗi mà vị linh mục đỡ đầu đã cho anh ngày rửa tội. Tôi nói “Anh nhớ luôn bỏ xâu chuỗi này vào túi áo mỗi ngày anh đi làm việc, để có Chúa phù hộ anh và em đỡ lo lắng cho anh.” Tôi biết đàn ông tánh không chu đáo lắm nên tôi nói thêm “Anh thương em hãy nhớ lời em dặn.”

Ngày tháng cứ thế trôi qua, chiến sự càng ngày càng sôi động, cho đến một ngày mẹ con tôi từ giã anh, trở về ở với ngoại, để anh không phải bận tâm gia đình. Chúng tôi từ giã đời sống gia binh. Lần này tôi cũng nhìn anh rất kỹ và niềm hy vọng gặp lại anh ít hơn.

Khi cuộc sống của người vợ lính thời chiến chấm dứt thì những ngày nghiệt ngã mới lại bắt đầu. 30/04/75 đã chấm dứt cuộc đời binh nghiệp của chồng tôi và anh đi tù với mười ba năm “cải tạo”. Riêng tôi, ngoài trách nhiệm nuôi chồng, nuôi con, nỗi lo âu vẫn còn và sự mong đợi chồng về mỏi mòn hơn.

Sau cùng, nhờ ơn trên, nhà tôi đã trở về. Anh vẫn còn giữ xâu chuỗi ngày xưa đã cùng anh sống trong ngục tù với những chỗ bị đứt đã nối lại và rơi mất một hạt.

Hơn hai mươi năm làm vợ lính thời chiến, 13 năm vợ tù “cải tạo” của thời bình, là người con gái ở miền quê Bàu Trai, tôi có làm gì đâu mà suốt đời chỉ sống với nước mắt.

Chiến tranh đã cướp mất tuổi thanh xuân của bao nhiêu người vợ trẻ. Chỉ còn lại Việt Nam, một quê hương điêu linh, một dân tộc bất hạnh triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.

Thôn Nữ Bàu Trai
(Posted on July 21, 2021 by Ha Nhan )
(Nguồn: Trang QGHC Úc Châu)

Thơ tình NT

23 July 2021

Buổi Chiều ở Thị Trấn Sông-Pha, truyện ngắn

Từ Đa lạt, một thành phố du lịch trên cao nguyên miền Trung Việt Nam, xuống Nha Trang, một thành phố miền biển phải theo quốc lộ 20, qua đèo Ngoạn Mục, nhà máy thủy điện Đa Nhim, khi đến thị trấn Sông Pha, các xe thường dừng lại để nghỉ ngơi một lúc. Đây là một thị trấn nhỏ, hẻo lánh, heo hút giữa rừng già, chung quanh là đồi núi chập chùng. Hôm nay trời mưa khiến cảnh vật thêm vắng vẻ và buồn. 

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thị trấn Sông Pha với hai dãy phố trên quốc lộ 20 như chìm ngập trong mưa. Người đàn ông lom khom chạy, tay che đầu, cổ rụt xuống, tưởng như thế mưa sẽ không đổ xuống người. Khi đến một quán ăn, ông ta tạt vào hiên, đứng giũ giũ áo, phủi nước trên tóc rồi mới bước hẳn vào trong. Một cái quán bình thường, giống như bất cứ quán cơm, phở, mì nào trên quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng mái tôle, vách ván, vài cái bàn gỗ mộc, trên để ống đũa, muỗng, mấy chai xì dầu, nước mắm...vài con ruồi bay lảng vảng. Mùi ẩm mốc, mùi đất lẫn với mùi thức ăn gợi cho ông ta cảm giác dễ chịu, tưởng như quen thuộc với nơi nầy rất lâu. Trong quán đã có  vài ba người đang xì xụp ăn, mấy ly bia đã cạn. Có lẽ họ là thợ rừng vì bên lề đường có một xe be chở mấy súc gỗ to tướng, dài cỡ vài chục mét. Họ vừa ăn vừa nói chuyện nhát gừng với nhau. Người đàn ông tìm một góc, ngồi tránh gió lùa. Qua khung cửa sổ ông ta nhìn đăm đăm cái dốc cầu lỡ lói, rồi nghiêng người nhìn cho rõ cái cầu sắt, đen đủi, giống một con thú yên lặng chịu đựng cơn mưa lạnh. Mấy người đàn ông ăn xong, kêu lên. "Tính tiền, bà chủ!" Một chị đàn bà, cỡ dưới bốn mươi, từ sau quày đi ra. Họ đối đáp, cười nói xã giao vài câu trong lúc trả tiền, rồi toán đàn ông cũng lom khom chạy ra xe, nổ máy. Chiếc xe be ì ạch leo lên giốc cầu, chậm chạp như con khủng long trườn qua giòng nước chảy xiếc phía dưới, mờ dần trong mưa.

Có tiếng lao xao ngoài đường. Mấy toán học sinh đi học về. Chúng đi từng bọn với nhau, trò chuyện. Những chiếc áo mưa đủ màu. Bọn con gái đi nép dưới hiên nhà, bọn con trai thì lội ngược giòng nước mưa, dùng chân tạt nước vào nhau, đuổi nhau... Buổi chiều mưa u ám bỗng như sống động hẳn lên vì lũ học sinh. Người đàn ông chợt nhớ lại, lần trước, cách đây vài mươi năm, ông cũng ngồi trong quán ăn nhìn ra đường và bọn học trò cũng đi học về. Cảnh vật, nhà cửa hai bên đường đã hoàn toàn đổi khác nhưng chiếc cầu sắt và lũ học trò vẫn thế, dù lần trước trời không mưa, các cô thì áo dài trắng, các cậu quần xanh áo trắng. Ông ngạc nhiên tưởng chừng những cô cậu học sinh ngoài kia vẫn cứ đi học từ lúc đó đến bây giờ. Dáng đi dịu dàng của các cô, vẻ nhanh nhẹn vô tư của các cậu vẫn thế. Và nếu không có cơn mưa, ông đã đứng trên dốc cầu ngắm các cô đi học về rồi lần xuống bờ sông, nhìn mê mãi giòng nước như ông đã làm trước đây, khi ông còn trai trẻ. 

- "Thưa ông dùng chi?" Chị chủ quán đứng bên ông tự lúc nào. 

- "Xin lỗi chị!.." 

- "Dạ, không sao. Ông có định ăn hay uống món gì? Hay ông chỉ ngồi trú mưa, cũng không sao!" 

- "Chị có cháo lòng không? Tôi nhớ lần trước, có ghé lại một quán ăn nào đó, hình như đằng kia kìa, có món cháo lòng ngon lắm" 

- "Dạ tôi cũng có cháo lòng nhưng có lẽ không ngon như ở cái quán mà trước đây ông đã ăn" 

- "Thú thật tôi cũng không nhớ có ngon không, nhưng ở đó có một kỷ niệm nên tất cả thành ra đẹp và ngon. Lúc nãy tôi đi tìm quán cháo lòng thì người ta chỉ đến đây. Bây giờ sao không còn thấy cái quán đó nữa, chị?" 

- "Dạ, quán đó đã đóng cửa, bán nhà cho người khác rồi" 

- "Tiếc quá! Chị cho tô cháo". 

Trong lúc chị chủ quán lúi húi làm việc, ông ta để ý mới biết phía trước là quán ăn, phía sau làm nơi cư ngụ của cả gia đình. Lối đi vô nhà sau nằm ngay nơi bếp, cách biệt hẳn hai nơi rõ rệt. Một cô học trò chạy ùa vào nhà. "Thưa mẹ, con đi học về!" Nó quay qua chào ông khách. "Chào bác ạ!" - "Vâng, chào cháu!" Nó chào xong là biến mất sau cửa. 

- "Hùng ơi! Nhớ nấu cơm kẻo ba con về không kịp" 

Tiếng con bé từ sau nhà vọng ra. 

- "Sao giờ nầy ba chưa về hả mẹ?" 

- "Nghe ba con nói chiều nay ghé trường đón em con rồi ra xưởng họp hành gì đó" 

Chị chủ quán bưng tô cháo đến, ông ta hỏi. - "Con gái sao đặt tên Hùng như con trai?" 

Chị cười: - "Ở trường nó tên Hồng, ở nhà quen gọi Hùng từ lúc nhỏ, chúng tôi cắt tóc ngắn, cho mặc đồ con trai, chúng tôi thích con trai..." 

- "Tôi thấy tên Hùng đặt cho con gái có vẻ hợp lý. Nhiều ông tên Hùng mà chẳng hùng dũng gì cả, như tôi chẳng hạn" 

Chị chủ quán đặt tô cháo trên bàn, không trả lời, chỉ liếc nhìn ông khách, xong chị quay về ngồi sau quầy, khuất sau mấy bó hành xanh, ớt chín đỏ treo như những vật trang trí. Người đàn ông thong thả ăn, mắt lơ đãng nhìn ra đường mưa. Chị chủ quán chăm chú nhìn ông khách, rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị lấy trái chanh, xắc mấy miếng, đặt trên cái đĩa nhỏ mang ra. "Tôi quên đem chanh. Ông có uống gì không? Nước ngọt hay bia?" 

- "Chị cho tôi xin trà nóng. Trời mưa uống trà thích lắm" 

- "Dạ, ông chờ cho chút, tôi có sau nhà, trà cho khách uống không được ngon" 

- "Cám ơn chị. Có lẽ tôi là khách đặc biệt mới được chị đãi trà ngon" 

- "Dạ, tôi đoán ông sành uống trà nên phải có trà thơm cho ông" 

Chị chủ lại về ngồi chỗ cũ. Cô gái sau nhà đi ra, âu yếm ôm vai mẹ. Hai mẹ con chuyện trò nho nhỏ gì đấy. Ông khách nhìn và cười "Ra đường người ta tưởng là hai chị em. Giống nhau quá!" Chị chủ quán cũng cười "Nó lớn rồi, lên trung học mà cứ làm nũng với mẹ như con nít" Chị nói với con gái. "Nước sôi rồi, con lấy hộp trà trên bàn thờ ra đây cho mẹ. Xong rồi lo học bài, làm bài. Theo mẹ hoài, bác khách cười cho" 

Ông khách không dám nhìn lâu, sợ bất nhã, nhưng cũng nhận ra chị chủ quán có đôi mắt đẹp và buồn xa xăm như đăm chiêu về một nơi nào. Bỗng ông nhíu mày lại, đôi mắt đó, hình như ông đã gặp ở đâu? Ông ngước nhìn chị, bắt gặp chị ta cũng đang nhìn ông. Cả hai bối rối. Ông đành hỏi một câu cho bớt ngượng. - "Chị lập quán nầy lâu chưa?" - "Dạ, sau giải phóng độ vài năm" - "Chắc chị người vùng nầy? Tôi nhớ lần trước có thấy đâu đó mấy chữ Thị Trấn Sông Pha, hình như lúc vừa từ đèo đổ xuống, chữ lớn lắm"- "Nó còn đấy chứ, có lẽ trời mưa nên ông không thấy" Chị chủ quán bưng bình trà và một cái tách trên một khay nhỏ "Mời ông dùng trà" 

- "Cám ơn chị. Buôn bán có khá không chị?" 

- "Dạ, cũng đủ sống. Mọi khi trời không mưa thì giờ nầy cũng có lai rai khách đến nhậu" 

- "Chị cho tính tiền". 

Sau khi trả tiền, ông khách nhìn ra đường. "Mưa lớn quá!" 

- "Mọi năm, tháng nầy đâu có mưa. Hôm qua trời còn nắng mà cũng không lạnh" Và chị ngập ngừng. -"Trời còn mưa...Nếu không vội, mời ông cứ ngồi" 

- "Cám ơn chị, tôi định đi loanh quanh đây, nhưng mưa quá!" 

- "Có lẽ ông muốn tìm ai?" 

- "Tôi tìm một người quen. Thú thật, tôi chỉ nhớ tên, chứ không nhớ rõ người, lâu quá!" 

- "Có lẽ ông biết nhà?" 

- "Thì cái quán đằng kia, nhưng đã đổi chủ rồi nên tôi chỉ đi lang thang cho đỡ buồn. Nói đúng ra, tôi tìm một kỷ niệm. Mà chị biết, kỷ niệm thì người thích thì giữ, người không thích không muốn nhớ đến. Nhiều khi chuyện không đâu, chẳng có gì đáng nhớ, lại nhớ suốt đời...". Chị chủ quán về lại sau quày, có vẻ tò mò. 

- "Người quen mà mình quên mặt! Thế làm sao ông tìm?" 

- "Giả như có tìm ra người, chắc gì người nhớ ra mình. Lâu quá! Cỡ vài mươi năm, cho nên tôi tìm cho biết thôi. Tôi nói thế nầy, chắc chị thông cảm với tôi liền. Bây giờ, tình cờ chị tìm thấy quyển vở, quyển sách thời còn đi học, hay rõ hơn, chị đọc lại quyển lưu bút chẳng hạn, chị sẽ bồi hồi nhớ lại tất cả, thương yêu tất cả. Mà những người bạn trước kia, nay đã khác rồi, từ gương mặt đến tâm hồn, suy nghĩ, cho nên trong những giây phút hồi tưởng đó, cách tốt nhất là chị đến trường cũ đứng nhìn, chị sẽ thấy lại cả một quãng đời thanh xuân với bạn bè ngày trước... Nghĩa là nó ở một thế giới khác, cách biệt hẳn với hiện tại. Tôi cũng thế, tôi muốn đến đấy, ngồi lại cái quán ăn cách đây mấy chục năm, gọi một tô cháo, ăn xong, lang thang trên đường nầy, đứng ở dốc cầu kia, ngắm mấy cô nữ sinh đi học về, rồi xuống dưới bờ nhìn giòng sông. Cũng may, con đường còn nguyên, cây cầu còn nguyên, giòng nước thì vẫn thế, chỉ có cái quán ăn không còn mà thôi. Cái lạ là người tôi muốn tìm, tôi cũng ước ao cô ta vẫn chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi thôi. Không phải cho tôi bây giờ, mà để tôi tìm thấy tôi lần đầu tiên trong đời được cô ta ban cho cái hạnh phúc đẹp đẻ, thánh thiện của tình yêu. Cho nên tôi nói với chị là tôi đi tìm dĩ vãng, tìm người cũng có, nhưng lại không muốn gặp người" 

Ông khách nói một hơi như sợ không còn dịp để thổ lộ ý nghĩ mình. Chị chủ quán có vẻ thông cảm. 

- "Coi bộ ông cũng lãng mạn dữ. Nhưng giả dụ, nay, ông gặp lại người cũ, dĩ nhiên bây giờ già rồi, xấu rồi, ông còn giữ tình cảm, đúng ra, tình yêu của ông đối với người đó không?" 

- "Chị với tôi đều lớn tuổi rồi, nên tôi nói chị sẽ hiểu ngay. Tình yêu lúc đầu là dáng người, ánh mắt, miệng cười, lời nói... Rồi theo thời gian nó không là hình bóng nữa mà là sự cảm thông, chấp nhận nhau. Ý tôi muốn nói là dù cô ta có thế nào tôi vẫn cứ yêu thương. Tôi yêu cái tình mà tôi tin rằng cô ta yêu tôi, yêu cả tình tôi yêu cô ta nữa. Thật khó giải thích! ...Qua bao năm dài những gì còn lại là tấm lòng chứ không phải sắc diện bề ngoài" Bàn của ông khách cách chỗ ngồi của chị chủ quán độ năm mét, nhưng tiếng mưa nghe rào rào trên mái tôle, ông khách sợ người nghe không rõ, không thông cảm nên ông nói lớn tiếng. Chị chủ quán có vẻ bối rối, nhìn ra đường rồi chị lại cúi xuống lấy ấm nước đến rót vào bình trà cho ông khách. "Ông bảo đi tìm người ta mà lại không muốn gặp, vậy ông đến đây làm gì?... Để tôi bỏ thêm ít trà nữa" -"Cám ơn chị. Thật tâm, tôi muốn gặp nhưng sợ người ta quên nên không dám đối diện. Mà dù có còn nhớ, tôi cũng không nên xáo trộn cuộc sống của người ta. Chắc chắn cô ta đã lập gia đình, có con cái, sống với hạnh phúc bình thường của một người bình thường".

Chị chủ quán đi lấy hộp trà, mở ra, nghiêng đổ một ít vào lòng bàn tay rồi mở nắp bình trà, cẩn thận bỏ vào. Ông khách ngước nhìn chị, hai khuôn mặt gần sát nhau, ông thấy rõ đôi mắt đen chăm chú vào bình trà, chiếc mũi thon, hơi hếch lên, vẻ nghịch ngợm, miệng mím lại nửa như làm nghiêm, nửa như cười, gò má hồng, da mịn. Ông nghe cả hơi thở nặng nề từ đồi ngực căng, phập phồng sức sống của tuổi sung mãn. Ông nói nhỏ "Cám ơn chị, trà thơm quá! Vị đậm và có hậu" Chị chủ vẫn cúi xuống, lắc nhẹ bình trà. "Ông chờ một lát cho trà ngấm. Trà Blao ướp ngâu, chúng tôi thường uống trà nầy, quen rồi" Chị quay về quày. "Nghe ông kể tôi cũng tò mò, muốn biết câu chuyện ra sao và tên của người hân hạnh được ông nhớ mãi, suốt mấy mươi năm. Tôi sẽ cố tìm giúp ông, biết đâu tôi sẽ tìm thấy. Tôi là người ở địa phương nầy" 

- "Lúc nãy chị bảo tôi lãng mạn, có lẽ đúng. Chuyện chẳng có gì. Với người khác không đáng để nhớ, nhưng với tôi lại là một biến cố lớn trong đời. Đại khái như thế nầy. Năm đó, tôi học đại học sắp ra trường, ở Sài Gòn. Trong dịp tôi theo mấy người anh họ đi dự đám cưới của một người bà con trên Đa Lạt, lúc quay về chúng tôi đồng ý sẽ ghé Nha Trang chơi. Tôi nhớ đó là lần đầu tôi  theo quốc lộ 20 nên tất cả đều mới lạ và đẹp. Đèo Ngoạn Mục, Đa Nhim, Sông Pha... Lúc vừa vào thị trấn Sông Pha thì xe bị trục trặc, người lái xe bảo phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ để người phụ tài đi mua phụ tùng về thay. Chúng tôi rủ nhau vào quán đằng kia. Trong khi các người anh nhậu nhẹt, tôi chỉ kêu một tô cháo lòng. Cô con gái của chủ quán đem cháo ra. Tôi đoán thế vì tôi thấy cô đi học về, vào nhà rồi ra phụ với gia đình ngay. Cô trông rất có duyên và vui. Bây giờ gặp lại, có lẽ tôi không nhận ra, chỉ còn ấn tượng là cô có đôi mắt đẹp, đen nhánh, như cười, môi hồng tự nhiên. Tôi bảo cô "Anh đi chiếc xe đò kia kìa, nó bị hư phải sửa, ít nhất vài tiếng nữa. Anh ra đằng dốc cầu kia đứng chơi, khi nào xe đó sửa xong, em bảo họ chờ một lát và cho người ra kêu anh, được không?" -"Được chứ, nhưng nếu kêu anh, anh sẽ thưởng gì?" - "Nếu là người phụ việc ở đây, anh sẽ biếu ít tiền để cám ơn" -"Nếu em gọi?". Tôi đùa: "Nếu là em, anh sẽ tặng em quả tim của anh, để em nấu cháo, khách sẽ khen ngon" Cô vờ làm vẻ sợ hãi "Anh nói nghe mà ghê!". 

"Tính tôi vẫn thế, đến chỗ lạ là thích lang thang, nghiêng ngó cảnh vật, đường sá, nhất là nơi nào có chiếc cầu bắc qua sông là tôi có thể đứng ngắm nhà cửa bên kia bờ, ngắm giòng nước không bao giờ chán. Tôi nhớ rất rõ, khi tôi đứng dưới dốc cầu, mặt trời lặn sau dãy rừng cây âm u phía xa, màu mây trời làm đỏ rực mặt sông, tiếng chim về tổ gọi nhau... Chị có ra đó đứng ngắm cảnh chiều tà lần nào chưa? Đẹp lắm! Vẻ êm đềm của thị trấn yên tĩnh, hiền hòa nầy cứ ở mãi trong trí tôi, biến thành ước ao ngày nào được về đây sống, và mỗi buổi chiều ra ngắm giòng sông... 

Trong lúc đang mơ màng thì tôi nghe tiếng kêu "Anh đó, về lẹ lên, xe sắp chạy rồi!" Tôi ngẩng lên thấy cô học trò, con chủ quán, vừa chạy trên bờ vừa kêu. Cái bờ sông, tuy không cao lắm, nhưng có cỏ, nên cô bị trược chân, gượng lại không được, cứ chạy chúi nhủi xuống phía tôi. Tôi giữ được tay cô nhưng cô cũng ngã nhào vào người tôi, khiến tôi cũng suýt ngã theo. Đôi mắt cô ngước nhìn tôi sáng long lanh. Cô mắc cỡ nên má cô hồng. Tóc cô dài và đen, vướng đầy cánh tay tôi. Không hiểu sao tôi lại đủ can đảm hôn lên môi cô, chỉ hôn phớt thôi. Môi cô mềm, hơi thở cô thơm như của trẻ thơ. Đó là nụ hôn khiến tôi rung động, hạnh phúc nhất trong đời. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn cảm tưởng như mới đây. Cô đẩy tôi ra, lùi lại, nhìn sửng tôi rồi cô cười và nói "Chạy tìm anh bắt mệt!" Tôi nói "Cám ơn em". Có lẽ cô bị xúc động nên cứ lúng túng không lên được bờ  dốc. Tôi nắm tay cô kéo đi - "Anh tên Hùng, em tên gì?" -"Phúc Lan" - "Anh sẽ trở lại thăm em".

Lên khỏi bờ sông, cô gỡ tay tôi ra và chạy trước. Cô mới lớn, hơi cao và ốm nhưng dáng đi đã uyển chuyển, tóc cô bay trong gió..." Chị chủ quán bỗng kêu lên. "Thôi chết, trời mưa mà tôi quên đậy mớ củi, ướt hết!" Chị khoác áo mưa, cứ để đầu trần chạy ra cửa, vòng ra sau hè. Người đàn ông không quan tâm, rót nước trà uống, ông ta như muốn kể cho riêng mình nghe. Một lát chị quay vào, cởi áo mưa treo trước hiên. Đầu tóc, mặt mũi ướt đẫm nước mưa. Chị nói. "Mưa lớn quá, ướt hết cả!" 

Chị ra sau quày, lấy khăn xoa đầu tóc, lau mặt, rồi hỉ mũi sụt suỵt. Người đàn ông kêu lên. "Chị bị cảm rồi đó!" 

- "Cám ơn, tôi sẽ uống thuốc. Ông kể tới đâu rồi? Xin lỗi, tôi vội quá" 

- "Chuyện đến đó là hết, chẳng có gì hay ho" 

- "Ông hứa trở lại, rồi ông có trở lại không?" 

- "Thú thật, đôi khi tôi cũng quên bẵng đi. Chẳng phải tôi có người yêu khác, mà cuộc đời cứ bắt đầu óc mình quay cuồng với bao chuyện rắc rối, khi nhớ đến cô bé đó thì lại tự hẹn mình chờ dịp thuận tiện. Rồi vụ đổi đời năm bảy lăm, tôi không thể đi đâu được. Bây giờ tôi ở xa lắm. Hơn nửa đời người, bao nhiêu biến chuyển, chỉ còn đọng lại trong tâm hồn tôi kỷ niệm nhỏ bé với cô Phúc Lan và buổi chiều Sông Pha năm nào. Tôi nhớ người cũ, cảnh cũ lắm mới tìm về đây. Tôi thấy thích ở đây, ở đến già đến chết cũng được" 

Chị chủ quán cười: "Nếu ông về ở đây, hễ đến quán nầy, tôi tính nửa giá thôi. Nhưng bây giờ ông định làm gì, có muốn gặp lại cô bé ngày xưa không? Theo ông kể, có lẽ tuổi cô ta cũng cỡ tôi, cũng đi học cùng trường với tôi, nhưng sao nghe cái tên lạ quá. Để tôi giúp ông, tôi sẽ hỏi các bạn tôi ở đây, dù cô ta có đi nơi khác cũng còn bà con, bạn bè biết cô ta. Nhưng hỏi ra thì báo cho ông cách nào. Ông có địa chỉ không? Ông có muốn nhắn gì với cô ta không?" 

- "Ý kiến chị vậy mà hay. Tôi chỉ cần biết cô ta ở đâu để có dịp tôi chỉ đến nhìn thôi, chứ không gặp. E cô ta đã quên hẳn tôi rồi! Lại nữa tôi không muốn xáo trộn cuộc sống của cô ta. Tôi là kẻ ngoại cuộc rồi" 

- "Ông cứ cho tôi địa chỉ, khi tìm ra, tôi sẽ báo cho ông". Rồi chị cười: "Tôi cũng bắt chước cô bé ngày xưa của ông, hỏi ông, nếu tìm ra cô ta, ông thưởng gì cho tôi? Tôi không cần tiền cũng không cần quả tim của ông" 

- "Chà, khó thật! Thôi thì như chị nói, tôi sẽ đến quán nầy hằng ngày, suốt quãng đời còn lại của tôi" 

- "Đùa với ông thôi, bây giờ ông cho tôi địa chỉ, nhưng bà xã ông nổi ghen thì không phải lỗi của tôi đâu nghe" 

- "Tôi chẳng có gia đình. Tôi đã là thanh niên râu rồi, lỡ thì rồi! Chị có giấy cho tôi xin tờ, cây viết nữa". 

Chị chủ quán gọi lớn. -"Hùng ơi, đem cho mẹ cây viết và tờ giấy". 

Cô bé chạy ra. -"Con đem cho bác đằng kia". 

Chị chủ quán ngồi nhìn con gái và ông khách, ngạc nhiên thấy hao hao như  hai cha con. Ông khách hỏi ý kiến chị chủ quán. "Có lẽ tôi nên viết mấy giòng cho cô ta để nhắc lại chuyện cũ xem cô có nhớ ra không. Tôi nên gọi cô ta là chị, là bà hay là cô?" 

- "Tôi thấy ông nên viết là bà hợp lý hơn" 

- "Phải rồi, gọi là bà đứng đắn hơn. Rủi người ta không nhớ ra mình cũng không bảo rằng mình thiếu lịch sự. Người đàn ông ngồi nép vào vách để tránh bụi mưa, chống cằm suy nghĩ một lúc rồi cắm cúi viết. Được độ nửa trang ông đọc lại rồi đem đến cho chị chủ quán. "Chị xem tôi viết thế nầy có được không?"

**

 "Kính gửi bà Phúc Lan,

"Tôi tên Hùng, cách đây gần hai mươi năm, tôi là người khách đến quán của gia đình bà ăn tô cháo. Xong, tôi ra bờ sông ngắm cảnh trong lúc chờ xe đò hỏng phải sửa chữa. Bà có ra gọi tôi vì xe đã sửa xong, tôi được biết tên bà là Phúc Lan. Tuy chỉ có thế nhưng tôi vẫn nhớ đến bà mãi. Hôm nay tôi ghé lại Sông Pha thì quán của gia đình bà không còn nữa! Tôi chỉ mong được biết tin về bà bây giờ ra sao? Bà chắc đã có gia đình, tôi thì cũng lớn tuổi rồi, không còn như ngày xưa! Thế nên tôi chỉ ước mong bà xem tôi như một người bạn nếu bà còn nhớ ra tôi. Còn như bà đã quên bẵng tôi thì tôi xin lỗi bà về những giòng chữ vô duyên nầy. Tôi đã kể hết cho chị chủ quán, người đưa mãnh giấy nầy, nếu tò mò, xin bà cứ hỏi chị ta. Kính chúc bà và ông nhà và các cháu khang an, vạn sự như ý. Kính thư . Hùng".

Chị chủ quán đọc xong. "Ông viết thế nầy đủ rồi, nếu cô ta có hỏi gì về ông, tôi sẽ kể lại như ông đã kể cho tôi nghe" -"Cám ơn chị. Tiếc quá, hôm nay trời mưa, tôi không thể đi lòng vòng thị trấn nầy" -"Ở đây buồn lắm, trời mưa lại càng buồn hơn. Ông từng đi đây đi đó... mà lại thích ở đây cũng lạ! Nếu ông chờ, hy vọng ngày mai mưa sẽ tạnh" -"Sáng sớm tôi phải đi rồi. Chào chị!"

Nói xong ông ta lại xòe tay che đầu, rụt cổ lại đi nép vào hàng hiên. Chị chủ quán ngồi nhìn theo ông ta cho đến khi đi khuất. Chị bần thần đọc lại lá thư rồi xé, ném vào bếp lửa, chỉ giữ lại cái địa chỉ.

**

Sông Pha Ngày...tháng...năm...

"Anh thân yêu,

"Buổi chiều, lúc anh rời quán, em muốn chạy theo kêu anh, cho anh rõ rằng người anh muốn tìm là em, nhưng không hiểu sao, em chỉ biết ngồi chết lặng. Tối đó, em cứ thao thức mãi. Tưởng tượng anh đang ở trong quán trọ đằng kia, ngay tại Sông Pha nầy...Anh gần đó mà sao em thấy xa vời quá! Tình yêu của em, ước mơ của em, hạnh phúc của em...em tưởng là tuyệt vọng, bây giờ đã hiện ra, nhưng em không còn quyền quyết định nữa!

"Và giờ đây, em đang khóc khi viết cho anh. Khóc vì mừng và giận anh. Sao anh hẹn mà không trở lại? Chỉ một cái trượt chân định mệnh, em ngã vào vòng tay anh, em gỡ tay anh ra nhưng em không gỡ được linh hồn em, cuộc đời em ra khỏi anh. Đã bao buổi chiều em ra ngồi ở dốc cầu, âm thầm khóc vì nhớ anh. Em tưởng như anh còn đứng đấy. Dáng anh cao, mắt anh sáng, miệng tươi cười với em. Vì lời hứa của anh mà em hy vọng mãi. Nghe tiếng xe đò ngừng trước đường là em hồi hộp, thầm nhủ rằng anh đang xuống xe và đến với em. Chỗ anh ngồi trong quán, không lúc nào là em không nhìn chừng. Em yêu thương cả đến chỗ ngồi của anh! Và tên anh, nghe người ta gọi nhau, em cũng rung động, nhớ anh.

"Với tuổi thơ ngây, em chỉ cầu mong được gặp anh, nhìn anh, chuyện trò cùng anh, thế thôi. Đến khi trưởng thành, nụ hôn của anh, vòng tay anh thành ước mơ được anh ấp ủ, được quấn quít bên anh.

"Khi quyết định lấy chồng, em cũng ra dốc cầu ngồi khóc đến sưng cả mắt mà chẳng biết tâm sự với ai. Em chỉ biết kêu lên với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau” tưởng như gió sẽ đưa lời của em đến với anh. Nhưng biết anh nơi đâu? 

"Chiều nay em cũng lại ra đấy, đứng nhìn giòng sông, lòng em vui khi anh đã quay lại nhưng không khỏi ngậm ngùi vì những ước mơ chẳng còn gì. Em cũng đành thì thầm với giòng sông, với gió chiều 'Xin hẹn anh kiếp sau'. Anh bảo rằng đã quên em, chỉ nhớ đôi mắt em rất vui, rất đẹp. Bây giờ đôi mắt em không còn vui, cũng chẳng còn đẹp đến độ anh đã gặp mà không nhận ra em! Em thì giây phút đầu đã biết ngay là anh, nhưng không hiểu anh có còn nghĩ đến em không? Đến khi nghe anh kể lại, khi anh nhắc đến tên anh, tên em, em phải chạy ra ngoài mưa đứng khóc. Em khóc say sưa, vì vui mừng và cũng vì đau khổ. Anh ngồi đó mà như bị một hàng rào nhăn cách. Em đã là gái có chồng. Em không còn quyền gì với chính em nữa. Yêu anh, nhớ anh đã là một hạnh phúc. Được biết anh cũng nhớ đến em, hạnh phúc và lòng biết ơn anh tràn ngập lòng em. Bao nhiêu năm rồi, nụ hôn của anh, có bao giờ em quên. Nhiều đêm em nằm mơ, thấy gặp lại anh, em khóc vì vui mừng, nhưng khi tỉnh dậy, biết chỉ là giấc mơ, em càng khóc vì càng nhớ anh hơn. Và ngay khi đang viết thư nầy, em cũng đầm đìa nước mắt... Chiều hôm qua, anh đến với em. Có phải là giấc mơ không anh?

"Dù sao cũng là một an ủi cho em, không bỏ công em lập quán bên đường để chờ anh. Đứa con gái đầu lòng, em đặt tên anh để mỗi ngày gọi anh cho đỡ nhớ, và em cũng không ngờ nó lại phảng phất giống anh.

"Từ hôm nay em lại nhìn chừng về phía bàn anh ngồi, lại hy vọng anh sẽ quay về. Anh vẫn thế, nhưng em đã thay đổi. Em đã có chồng, có con. Em thương chồng, thương con. Em có một gia đình bình thường, một hạnh phúc bình thường như anh đã bảo. Lý trí em thì nghe theo lời anh 'Không muốn xáo trộn cuộc sống của em'. Nhưng tự tim em, tự tâm hồn em, cứ mong ngóng được gặp lại anh hằng ngày.

"Hay là thế nầy. Chúng ta thỏa thuận, cứ vào gần cuối mùa Xuân, mỗi năm anh về thăm em một lần, cũng vào buổi chiều như hôm trước. Anh như là khách lạ, ghé vào quán của em. Anh đừng chuyện trò, hỏi han gì em. Anh cứ ngồi đấy, để em được nhìn thấy anh trong chốc lát, là ban cho em hạnh phúc tuyệt vời rồi. Xin anh đừng liên lạc gì với em cả. Em không ghi địa chỉ của em là vì thế. 

"Em van anh, đừng thực hiện ý định về sống suốt đời ở thị trấn nầy. Dốc cầu còn đó, giòng sông còn đó, ánh nắng chiều vẫn vậy. Nếu anh về ở hẳn nơi đây, mỗi chiều anh ra đứng đấy thì cái thảm cỏ kia sẽ làm trượt chân em. Lần nầy, em biết, sẽ không gỡ tay anh ra được nữa"

Phạm Thành Châu

17 July 2021

Hình ảnh gợi nhớ Miền Nam xưa

SỰ KỲ DIỆU CỦA SÓNG HÌNH CẦU

Lê Tất Điều

Tìm hiểu cấu trúc của Vũ Trụ đã gặp những hiện tượng dị thường, khó tưởng tượng. Xem cách Vũ Trụ vận hành còn thấy nhiều chuyện bất ngờ, lý thú hơn.

Ta bắt đầu bằng cái nhỏ nhất trong trời đất: sự “vận hành” của một vi phân tử.

Hệ thống giao thông kỳ diệu, chi chít đường hầm trong lòng Vũ Trụ đã thấy rồi, thử xem vi phân tử – thí dụ vi phân tử radio – ngược xuôi “di hành” trong đó như thế nào?

Có người gọi, bạn cầm điện thoại, mở đầu bằng hai tiếng: “A-lô!” thường dịu dàng. Chuyện ấy tầm thường, quen thuộc đến độ không ai thắc mắc: Người gọi ở cách ta hàng trăm, hàng ngàn dặm vẫn nghe rõ mồn một! Sao mình A-lô “to” dữ vậy? 

Nếu lỡ thắc mắc ngớ ngẩn thế thì trực giác và những kiến thức khoa học sẵn có giải thích liền: Điện thoại biến tiếng nói thành sóng radio lan đến các tháp truyền sóng, lan tới vệ tinh, rồi lan tỏa phủ xuống vị trí của người nghe. Giản dị thế thôi, phần rắc rối, phức tạp nằm trong cấu trúc của điện thoại di động, trong vệ tinh, tháp nhận và chuyển sóng – gọi gọn là tháp truyền sóng – v.v… đã được các khoa học gia giải quyết lâu rồi. Thắc mắc chi cho mệt.

Nhưng dù mệt một tí, cũng nên thắc mắc, vì có những hiện tượng kỳ bí, dị thường nằm ngoài phạm vi của điện thoại di động, hoàn toàn thuộc vào vùng kiểm soát của thiên nhiên. Nghiên cứu, tìm hiểu, trả lời những thắc mắc ấy mới biết rõ đường đi nước bước của từng đợt sóng âm thanh, từng vi phân tử.

Nếu người gọi đang ở Ấn Độ, bạn ở San Diego, tiếng “A-lô” của bạn phải vượt hơn tám ngàn dặm trường. Chuyên chở lời bạn vượt đường ngàn dặm trong chớp mắt là công sức của tháp truyền sóng, trung tâm điều hành sóng, vệ tinh v.v… khỏi bàn. Chỉ nói về con số nhỏ nhoi những dặm khởi hành, khi phôn của bạn phóng đợt sóng đầu tiên lên không gian để tìm tháp truyền sóng gần nhất.

Khoảng cách tối đa cho phép tháp nhận được sóng của điện thoại là 45 dặm. Không cần xa thế, hãy giả dụ là khoảng cách chỉ đúng một dặm thôi.

Câu hỏi tức khắc bật ra: 

Bằng cách nào chỉ trong một sát na – hay chính xác 1/186282 của một giây – điện thoại của bạn cung cấp được số lượng vi phân tử radio lớn đủ trùm kín diện tích một hình cầu đường bán kính một dặm, để tạo sóng lan tới tháp truyền, dù tháp đứng ở bất cứ chỗ nào trên chu vi một dặm? 

Nói rõ hơn: điện thoại phải tạo sóng lan tỏa cực nhanh mà sóng lại lớn đủ để bao phủ một diện tích mênh mông – cỡ 350 triệu 471 ngàn 314 feet vuông!

Đấy là chỉ cách xa một dặm. Với năm, mười, hai mươi, hay tối đa 45 dặm, thì vùng phủ sóng còn phải lớn tới đâu! 

Bị hỏi, chắc bạn bí. Đừng buồn. Các khoa học gia, nghiên cứu gia lẫy lừng cũng chưa có câu trả lời. Có thể họ khôn, không lẩn thẩn thắc mắc như ta, có thể các vị ấy cũng bí nốt. Vậy lũ phàm nhân chúng ta không có lý do gì để phải thất vọng, bi ai, sầu não.

Cách đây mấy năm, tôi cũng đã bí, nghệt ra, khi bị hỏi một câu tương tự, về một vi phân tử khác: photon, vi phân tử của ánh sáng.

Tháng 10/2017, trên diễn đàn của hội Theoretical Physics, hội viên Andre Brink nêu câu hỏi đại ý như sau: 

“Giả thử ta có quả cầu trống rỗng bán kính là một năm ánh sáng. Cho chớp một tia sáng tại trung tâm hình cầu với ánh sáng đủ mạnh để chiếu tới bề mặt (trong) của quả cầu cách xa trung tâm đúng một năm ánh sáng. Câu hỏi của tôi là: Làm sao chúng ta có thể nhìn thấy tia sáng ấy dù đứng ở bất cứ vị trí nào quanh bề mặt của quả cầu? Phải chăng điều đó có nghĩa là tia sáng khi lóe lên đã phóng ra một khối lượng photon nhiều vô tận (tôi thấy chuyện này không thể có)…”?

Andre Brink đưa ra cái thí dụ lớn quá – hình cầu bán kính một năm ánh sáng – khó hình dung. Ta dùng một thí dụ nhỏ hơn, rất bình thường, dễ hiểu:

Đốt một cây đuốc trong đêm đen. Lập tức tất cả những người đứng quanh trong vòng một dặm đều thấy nó. Coi như cứ tính rộng rãi là đuốc tạo ra một ngọn lửa lớn 12 inches. Làm thế nào mà một khối photon 4,1905 (4 cubic feet) có thể tỏa ra, bao phủ cả một bề mặt ba trăm năm mươi triệu, bốn trăm bảy mươi mốt ngàn, ba trăm mười bốn feet vuông, trong nháy mắt?

Hiện tượng ấy có vẻ bất khả, phi vật lý, nhưng vẫn xảy ra, như chuyện bình thường. Chỗ bất thường là khó tìm được một lời giải thích thỏa đáng, hợp luật thiên nhiên.

Hàng trăm hội viên cố gắng giải đáp, đôi khi tranh luận gay gắt, nhưng phần nhiều dựa vào những kiến thức cũ rích, đã thành khuôn sáo, rất phi vật lý. 

Chỉ một mình ông Berndt Barkholz đưa ra một câu trả lời có ý nghĩa:

 “Bạn có thể thấy ánh sáng vì nó di chuyển theo Sóng hình cầu– spherical waves”. 

Nhưng rồi ông ngừng ở đó, không giải thích thêm tại sao mà sóng hình cầu lại có phép lạ làm một khối photon nhỏ nở ra thành những đợt sóng photon lan tỏa kín trời.

Dù sao phát biểu này cũng giúp ta chọn được điểm khởi hành đúng và đầy triển vọng. Nghiên cứu kỹ càng, thấu đáo các chuyển động của photon trong “sóng hình cầu” có thể giúp ta đạt mục tiêu. 

Tôi chọn nghiên cứu các loại sóng của nước vì nó có đủ hai loại: Sóng bề mặt và Sóng hình cầu.

1. SÓNG BỀ MẶT

Tóm tắt một số kiến thức sẵn có về sóng:

Sự truyền năng lượng trong không gian qua thể chất tạo thành sóng. . .  Sóng âm thanh lan ra nhờ các phân tử không khí va chạm xô đẩy nhau. Khi đụng các phân tử bên cạnh, chúng cũng dội ngược lại (do lực phản hồi). Điều đó tránh cho các phân tử khỏi tiếp tục di chuyển theo hướng sóng lan và gần như vẫn đứng tại chỗ (theo Wikipedia)

Đứng trên bờ biển ngắm sóng tràn vào, người ta có thể suy đoán rằng cả khối nước trước mắt đang tràn hết vào bờ. Nhưng không có chuyện nước chất chồng (thành khối) đổ cả lên bờ đâu. Nhìn kỹ một mảnh (gỗ) vụn nổi trôi trên sóng, ta thấy khi ở ngọn sóng, nó trôi về hướng bờ, nhưng rồi khi rớt xuống chân sóng, nó trôi lùi lại cùng một khoảng cách đã tiến tới lúc trước… (phỏng theo http://labman. phys. utk. edu/phys221core/modules/m12/Water_waves. html)

Điểm quan trọng ở đây: những phân tử nước tạo những đợt sóng đầu tiên thường nhấp nhô đứng tại chỗ, không “chạy theo” những đợt sóng lan vào tới bờ. 

Hãy làm một thí nghiệm giản dị để thấy rõ hơn.

Ném một hòn đá lớn xuống ao, bạn tạo ra sóng nước. Hòn đá trong lúc “chui” vào nước, đã xô đẩy để tìm đường xâm lăng và chiếm ngụ một vùng không gian trong nước tương đương với khối lượng của nó. Khối nước bị mất chỗ di chuyển thành sóng để thoát thân về hướng xa dần chỗ đá rơi, nghĩa là hướng bờ ao.

Còn các cá thể riêng lẻ phân tử nước thì di chuyển thế nào?

– Phản ứng với sự xâm lăng của hòn đá, các phân tử trực diện “quân xâm lăng” tức khắc đẩy các phân tử bên cạnh. Rồi tới phiên kẻ bị đẩy lại xô những anh chị hàng xóm của mình, tạo ra một chuỗi lực đẩy liên tiếp kéo dài cho tới bờ. Nhiều phân tử, chẳng may cư ngụ đúng chỗ đá rơi, không kịp đẩy lũ hàng xóm đi – để “dọn chỗ” cho quân xâm lăng – đành tháo chạy thoát thân bằng cách bắn tung tóe lên trời.

Sau đó, khi hòn đá chìm dần xuống đáy, chìm đến đâu thì nước lập tức tràn trở lại tới đó, lấp đầy khoảng trống mà hòn đá bỏ lại sau lưng, nghĩa là những phân tử nước bị xô đi lại… quy cố hương. Đúng như nhận xét: “các phân tử nước thì tựu trung là đứng tại chỗ”.

Sóng “xô bờ” nhưng các phân tử nước thì chỉ xô nhau thôi.

2. SÓNG HÌNH CẦU


Để tạo sóng hình cầu, ta truyền một ống dẫn nhỏ vào trung tâm một quả bóng đã chứa đầy nước, rồi, qua ống, từ từ bơm thêm nước vào. 

Rời khỏi đầu ống, một phân tử nước mới đến – mới được bơm vào – lập tức “xâm lăng” chiếm ngụ một khoảng không gian tương đương với khối lượng của nó. Nó làm thay đổi thể tích khối nước trong quả bóng bằng cách xô đẩy tất cả những phân tử nước bao quanh nó về TẤT CẢ mọi hướng. Quả bóng lớn dần lên và nếu gặp một đoàn quân xâm lăng quá đông đảo, sẽ bể tung.

Nếu không có bong bóng nước, thiếu ống dẫn rắc rối, nhiêu khê v. v… có thể thực hiện một thí nghiệm giản dị đơn sơ hơn nữa: Bơm thêm hoặc thổi vào một bong bóng đã đầy sẵn không khí. Những phân tử không khí mới được thổi vào sẽ đẩy tất cả những phân tử “cũ” trong bong bóng về tất cả mọi hướng.

Hiện tượng ấy quen thuộc, tầm thường, ai cũng thấy. Thấy và suy nghĩ một chút là hiểu ngay. Vậy mà nó chứa đựng những nguyên tắc vật lý căn bản đang điều khiển sự vận hành của nhiều hiện tượng có vẻ huyền bí trong Vũ Trụ, như hiện tượng: Ánh sáng luôn lan tỏa cực nhanh về mọi hướng. 

Các thí nghiệm đơn giản vừa kể tiết lộ cho ta những chuyện này:

– Các phân tử nước tạo thành sóng nước. Phân tử không khí làm thành sóng không khí hoặc sóng âm thanh. 
– Xâm nhập từ trung tâm hay từ phía ngoài vào quả bóng, một phân tử nước chiếm ngụ một khoảng không gian (tương đương với thể tích của nó) LÀM THAY ĐỔI KHỐI LƯỢNG NƯỚC TRONG QUẢ BÓNG. Việc ấy đòi hỏi phân tử này phải xô đẩy tất cả những phân tử quanh nó về mọi hướng. Rồi chính nó lại bị những phân tử mới xâm nhập xô đẩy. Hiện tượng xô đẩy dây chuyền này chỉ ngưng khi máy bơm ngừng chạy.

– Các phân tử mới xâm nhập bắt buộc các phân tử trong quả bóng phải di chuyển. Kết quả là những phân tử nằm sát bề mặt trong – diện tích hình cầu bên trong – quả bóng, khi bị xô đẩy, lập tức tạo áp lực đè lên mọi điểm trên toàn thể diện tích (mặt trong) quả bóng, làm bóng nở lớn. Nở tức khắc ngay lúc một giọt nước, hay một phân tử nước được bơm vào.

– Trong dạng sóng hình cầu, một khối lượng nhỏ phân tử mới xâm nhập có thể làm chuyển động cả một khối lớn các phân tử sẵn có, tạo sóng hình cầu khắp quả bóng và lan tỏa tới mọi vị trí trên toàn thể diện tích hình cầu của quả bóng. Do đó, một inch khối lượng phân tử “nước mới” có thể tạo sóng cho toàn thể quả bóng bán kính 12 inches hay lớn hơn.

Tóm tắt: Bơm một lượng nước – dù nhiều hay ít – vào là lập tức toàn thể quả bóng tức khắc phồng lên.
Do đó:  một ngọn lửa đuốc có thể tạo lực xô đẩy photon khiến ánh sáng lan tỏa và bao phủ toàn thể diện tích một hình cầu bán kính một dặm. 

Thí nghiệm cũng xác định: Phân tử nước tạo sóng nước. Phân tử không khí tạo sóng trong không khí. Sóng ánh sáng được tạo ra nhờ phân tử ánh sáng (Light molecules), hay “hạt vi mô ánh sáng” (Light particles), thường gọi là photon.

Quả bóng phải chứa đầy nước hoặc không khí để tạo môi trường căn bản cho sự hình thành của sóng hình cầu trong nước hay trong không khí. Sóng ánh sáng phát sinh từ một tinh cầu rồi du hành hàng triệu, tỷ năm trong không gian, đến với mắt ta, cần một Vũ Trụ chứa đầy photon để tạo sóng hình cầu.
Bây giờ ta đã có tạm đủ dữ kiện để giải thích các tiến trình vật lý của hiện tượng ánh sáng vừa lóe ra là tức khắc lan tỏa về mọi hướng.

Ta đốt một ngọn đuốc. Lập tức, những photon mới sinh ra trong lửa đuốc xâm lăng, chiếm ngụ không gian, đẩy tất cả những photon đang hiện diện xung quanh về tất cả mọi hướng. Những photon bị đẩy lại đẩy xô tất cả những photon “hàng xóm” … sự xô đẩy liên tục ấy tạo ra sóng ánh sáng hình cầu.
Chính nhờ thế mà một ngọn lửa đuốc chỉ lớn khoảng 4 feet khối có thể lập tức lan tỏa tới và phủ kín diện tích bề mặt một khối cầu đường bán kính một dặm. Và số lượng photon một ngôi sao sản xuất có thể phát khởi những đợt sóng hình cầu sau một tỷ năm lan tỏa trong không gian đã tự nở lớn để có thể phủ lên tất cả mọi điểm trên diện tích một khối cầu có bán kính dài một tỷ năm ánh sáng.

Chuyện gì xảy ra trong khoảnh khắc hình ảnh ánh lửa đuốc lọt vào mắt bạn?

Khi đó, KHÔNG HỀ CÓ MỘT PHOTON MỚI SINH NÀO “BAY” TỚI MẮT BẠN đâu! Lũ photon sơ sinh ấy chỉ xô đẩy những photon đã hiện hữu trong không gian bao quanh, tạo thành sóng ánh sáng, liên tục xô tới và cuối cùng đẩy vào mắt bạn những photon đang ở gần mắt bạn nhất (giống như đám phân tử nước biển ở gần bờ bị xô lên bãi cát). Đám photon này ép lên, tạo áp lực trên tế bào thần kinh thị giác làm phát sinh những tín hiệu mà trí não bạn có thể “đọc” được, giúp bạn “nhìn thấy”.

Với tốc độ nhanh “như ánh sáng” tại sao lũ photon sơ sinh không lập tức bay tới mắt bạn?

Trừ trường hợp bạn ở gần nguồn sáng, chúng không thể “nhanh” thế được vì cần thời gian cho lửa đuốc cháy đủ lâu để sản xuất một khối lượng photon làm đầy một khối hình cầu bán kính một dặm (nghĩa là khoảng 616 tỷ feet khối) – để cho một người đứng xa đuốc một dặm, có thể tiếp xúc với những photon sơ sinh đầu tiên. Như thế, chúng tiến về phía bạn với tốc độ khác, tốc độ của sự NỞ LỚN của toàn khối photon mới sinh, không phải tốc độ ánh sáng bình thường.

Đến đây, cần giải thích một thắc mắc quan trọng.

Vũ Trụ chứa đầy photon. Thần kinh thị giác chúng ta được photon vây kín và thực sự “va chạm” đều đều, không ngừng, vậy tại sao ta không “thấy” chúng và hầu như không biết đến sự hiện hữu cận kề của chúng?
– Bởi vì lượng thể chất của photon cực kỳ nhỏ và rất yếu.Trong trạng thái “tĩnh”, chúng không đủ lực để gây phản ứng trên thần kinh thị giác. Chỉ khi nào photon di động cực nhanh, tạo được áp suất đáng kể trên thần kinh thị giác một người, người đó mới nhìn thấy. Cũng giống như cần một chút gió thổi trên da giúp ta nhận ra sự hiện hữu của không khí. Hay, nói chính xác hơn, những phân tử không khí khi làm rung động màng nhĩ ta cần một làn sóng âm thanh có tốc độ 767 dặm/giờ.

Đánh một que diêm trong phòng tối là giúp photon khởi động tốc độ ánh sáng, trở nên hữu hiệu trong nhiệm vụ “soi sáng” đã được thiên nhiên trao phó.

(Sau một chuỗi những phản ứng hóa học, lửa trên đầu que diêm lóe sáng trong không khí, sản xuất một khối lượng photon cỡ đốm lửa diêm. Đám photon này xâm chiếm không gian với tốc độ ánh sáng và tức khắc xô đẩy – với cùng tốc độ – tất cả những photon hiện hữu bao quanh chúng về mọi hướng, tạo thành sóng ánh sáng hình cầu, lan ra khắp nơi trong phòng.

Lửa diêm tắt khi thuốc trên đầu diêm cháy hết. Photon hết được sản xuất. Lực đẩy biến mất. Photon ngừng di động (ít nhất là với vận tốc cao). Căn phòng tràn ngập bóng tối trở lại, dù vẫn đầy nhóc photon.)

Do đó, hôm nay, ta không bí nữa. Câu trả lời về sự kỳ diệu của điện thoại di động đã có rồi.
Vi phân tử radio, như vi phân tử ánh sáng, phân tử nước, phân tử không khí v.v… cũng di chuyển theo dạng sóng hình cầu, và hưởng tất cả những phúc lợi của phương pháp di hành ấy.

Nhận hai tiếng “A-lô” dịu dàng của bạn, điện thoại tạo electron kích động và phóng ra một đợt sóng radio nhỏ bé, khiêm tốn thôi. Nhưng như thế cũng đủ xô đẩy TẤT CẢ những vi phân tử trong không gian quanh nó, biến hết thành những đợt sóng lan tỏa tức khắc ra khắp bốn phương trời, lướt tới tháp truyền sóng gần nhất trong nháy mắt.

Hành trình ngàn dặm sau đó giống hệt những bước đầu tiên.

Hình cầu đóng góp vào cấu trúc thần kỳ của Vũ Trụ. Sóng hình cầu giúp các vi phân tử trong lòng nó vận hành một cách kỳ diệu, tình cờ đáp ứng được những nhu cầu, những tham vọng vô giới hạn của một loại sinh vật độc đáo, cực kỳ thông minh, trong lòng nó: con người.

Được Vũ Trụ phục vụ, nuông chiều, cung cấp nhiên liệu cho làm đủ các thứ đồ thật, đồ chơi huyền diệu hơn phép lạ, loài người chúng ta coi bộ đã bắng nhắng, ồn ào quá xá rồi.

Tôi biết bạn là người khiêm tốn, kín đáo và vô cùng hòa nhã. Tôi chưa từng nghe bạn lớn tiếng dù trong một cuộc tranh luận gay go. Tôi tin là bạn đang cố gắng để suốt đời nói năng nhỏ nhẹ, trầm tĩnh, tránh tối đa cái nhãn hiệu “ồn ào”.

Chao ôi! Xưa kia thì được, bây giờ trễ rồi bạn ơi.

Chiều nay, tối nay, chọn giờ khắc yên tĩnh nhất, bạn mở điện thoại trò chuyện với một người thân. Hai tiếng “A-lô” ấm áp, dịu dàng, hay những lời thân ái, ngọt ngào như “Anh yêu em!” “Em yêu anh” nhỏ nhẹ của bạn sẽ lập tức làm chấn động không gian. “Chấn động” thực sự, đúng nghĩa, vì tiếng bạn sẽ tác động vô lượng vi phân tử chuyển động như cuồng phong, tạo sóng lan tỏa đầy trời, bao trùm quanh trái đất.

Lan tỏa với tốc độ ánh sáng!

Lê Tất Điều
(Tháng 7/ 2021)
(via Nguyễn Đắc Điều)

15 July 2021

Kính thưa vợ,


Em cảm thấy như thế nào khi ở nhà ngoại?
 
Từ lúc chúng ta giận dỗi nhau đến bây giờ, em đã bỏ nhà ra đi được 38 tiếng 37 phút, thời gian này còn cách kỷ lục em bỏ đi cao nhất trong lịch sử là 4 giờ và 21 phút. Anh biết em đang chờ đợi anh đến tận nhà ngoại để xin lỗi, anh cũng đang chuẩn bị làm như vậy, nhưng anh hy vọng em có thể kiên trì đến cùng, thiết lập một kỷ lục mới trong lịch sử bỏ nhà ra đi của em.
 
Anh ở nhà mọi thứ đều rất tốt, xin em đừng nhung nhớ. Mặc dù, trước lúc ra đi, em đã kịp lấy được thẻ ngân hàng cất trong ngăn tủ, tuy nhiên em đừng lo lắng anh sẽ sống bằng cái gì, bởi vì anh vẫn còn một chút tiền lẻ giấu dưới giường của con. Thực ra thì tiền mặt thuận tiện cho việc sử dụng hơn em à. Anh đã mua 5 chiếc áo sơ mi, 7 chiếc quần lót và 12 đôi tất, ước tính mỗi ngày có thể mặc một chiếc cho đến ngày em quay về. Tất cả đều là hàng hiệu, mặc dù hơi tốn kém một tí...
 
Về vấn đề ăn uống em cũng không cần bận tâm, trong những ngày không có em, anh đành phải cố gắng đi ăn nhà hàng. Bạch tuộc, tôm hùm, vây cá mập… chúng sợ anh một mình cô đơn, nên ngày nào cũng nằm làm bạn với anh. Thực lòng không muốn, nhưng anh vẫn cứ phải bầu bạn với chúng, không có cách nào khác, em biết mà, anh rất sĩ diện.
 
Điều khiến anh khó chịu nhất là cô gái mới chuyển đến căn nhà đối diện, hầu như ngày nào cô ấy cũng sang nhà mình mượn lọ mắm, lọ muối, củ hành… Nhưng em đừng lo, anh sẽ không bao giờ phạm sai lầm đâu, về mặt này em cứ phải có niềm tin vào anh.
 
Còn về hoa cỏ trong vườn, anh muốn để chúng thích ứng với môi trường sa mạc nên tuyệt đối không cung cấp nước cho chúng, việc này có lợi cho tiến hóa giống loài, nên em cứ yên tâm. À đúng rồi, con mèo nhà mình cũng theo em về nhà ngoại rồi chứ nhỉ? Anh đã không nhìn thấy nó hai ngày nay rồi.
 
Em cũng không phải lo lắng về hai cậu em vợ đáng yêu trong phút xúc động sẽ tìm anh tính sổ đâu. Hôm qua, anh đã mời họ đi nhậu một bữa linh đình, nhân tiện cũng kể với hai cậu vài chuyện nhỏ nhặt giữa hai vợ chồng chúng ta. Hai cậu nghe xong nắm tay anh khóc nức nở: “Anh rể, anh vất vả rồi”.
 
Anh sẽ đến đón và xin lỗi em, nhưng mà em cứ yên tâm ở bên nhà ngoại một thời gian cũng được, lâu lắm rồi mới có dịp về thăm bố mẹ, hai cụ già rồi cũng cần có người chăm sóc.
 
P/S: Nếu như ngày mai em vẫn không quay về, cô hàng xóm hẹn anh đi ăn cơm trưa anh sẽ đi đấy nhé, đằng nào ở nhà một mình cũng buồn, cứ từ chối người ta mãi cũng không tiện.
 
Thương em và nhớ em.
 
Tạm biệt !
_______________________
(From: Yvette Vuong
via Tạ Ngọc Oanh)

Để suy gẫm

 


10 July 2021

Năm điều nhạy cảm người miền Bắc nên biết về miền Nam

Vì sao người miền Nam rất nhạy cảm với một số diễn ngôn và cách hành xử từ miền Bắc?

Trịnh Hữu Long - Luật Khoa

Sự khác biệt vùng miền là chuyện hết sức bình thường, ở nước nào cũng có. Nhưng để cho những sự khác biệt đó trở thành lối ứng xử kỳ thị vùng miền thì là đại họa, bởi nó là ngọn nguồn của bạo lực. Hiểu về những điều khác biệt đó để tìm ra cách ứng xử phù hợp, do vậy, trở nên đặc biệt quan trọng.

Sự khác biệt, và cả kỳ thị, mang tên Bắc Kỳ – Nam Kỳ là một câu chuyện bắt buộc phải có lời giải trong một cộng đồng dân tộc. Trong bài này, tôi xin chia sẻ một số hiểu biết rời rạc của bản thân nhằm giúp những người miền Bắc như tôi hiểu hơn về vài điều nhạy cảm về chính trị của miền Nam. Không có gì là tuyệt đối, tôi không quy chụp mọi thứ cho một vùng miền nào, nhưng có những khác biệt đáng kể mang tính phổ biến.

Tôi không có ý lên án những người miền Bắc thiếu tế nhị trong cách hành xử với người miền Nam, bởi chính tôi cũng chỉ học được những điều dưới đây khi ngấp nghé độ tuổi 30. Và tôi viết những điều này với ý thức rằng sự kỳ thị có thể đến từ cả hai phía. Không có tham vọng giải quyết hết được mọi vấn đề trong một bài viết, tôi mạn phép thảo luận chuyện này từ một góc còn ít được nói đến hiện nay.

1. Người miền Nam nhìn “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” khác người miền Bắc

Người miền Bắc không có cách nào khác để nhìn nhận giai đoạn lịch sử 1954 – 1975 ngoài “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. [1] Họ coi việc đất nước bị chia cắt là không thể chấp nhận, coi Mỹ và chính quyền Sài Gòn là kẻ thù, và coi người dân miền Nam là những nạn nhân cần phải được “giải phóng”.

Nhưng mọi chuyện rất khác khi nhìn từ lăng kính của người miền Nam. 

Họ coi một nửa đất nước – miền Nam – là một quốc gia hoàn chỉnh có tên Việt Nam Cộng hòa (từ 1955). Góc nhìn này trùng khớp với góc nhìn của công pháp quốc tế. [2]

Họ trân trọng lá cờ vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa. Trong khi đó, lá cờ này lại bị xa lánh, kỳ thị ở miền Bắc.

Họ không sống với lý tưởng phải “giải phóng” miền Bắc. Toàn bộ giai đoạn 1954 – 1975 là cuộc đấu tranh gìn giữ miền Nam trước các cuộc “xâm lăng” và “khủng bố” của miền Bắc. Nếu nghe lại các bài nhạc vàng, ta dễ thấy họ gọi quân miền Bắc là “giặc”, “quân thù”. Rất nhiều người miền Nam đã mất mạng ngay trên đất miền Nam dưới nòng súng của miền Bắc, đặc biệt là trong trận Mậu Thân năm 1968. [3]

Họ coi chính quyền Sài Gòn là chính quyền hợp pháp của họ. Họ kính trọng Tổng thống Ngô Đình Diệm [4] của nền Đệ nhất Cộng hòa, [5] họ lập ra Hiến pháp 1967 và bầu ra chính quyền Nguyễn Văn Thiệu của nền Đệ nhị Cộng hòa. [6] Và mặc dù có rất nhiều bất đồng với các quan chức, họ không coi chính quyền đó là kẻ thù.

Họ coi Mỹ là đồng minh, là một đất nước tiến bộ. Thời Việt Nam Cộng hòa, người miền Nam coi việc đi Mỹ du học là một thành tựu lớn trong đời. Họ nhìn lính Mỹ ở miền Nam như những người bảo vệ họ trước miền Bắc, mặc dù có thể họ không hài lòng với việc có quân đội ngoại quốc trên đất Việt Nam.


Góc ảnh Sài Gòn xưa và nay. Ảnh: Khánh Hmoong via Flickr.

Khác với niềm tin mãnh liệt của người miền Bắc thời kỳ đó, người miền Nam không có nhu cầu được giải phóng. Họ có một nền kinh tế, giáo dục, kỹ nghệ, nông nghiệp phát triển hơn hẳn miền Bắc. Và đặc biệt, họ có thứ tự do chính trị mà chính Hồ Chí Minh đã tuyên xưng tranh đấu nhưng lại hoàn toàn vắng bóng ở miền Bắc.

Ngày 30/4/1975 với phần lớn người miền Nam là ngày “mất nước” và là ngày bắt đầu một chuỗi bi kịch khổng lồ.

2. Người miền Nam bị truy bức về chính trị sau năm 1975

Sau ngày mà người miền Bắc gọi là “giải phóng miền Nam”, người miền Nam bắt đầu bị truy bức về chính trị. 

Những ai từng đi lính hay làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (kể cả giáo viên) đều bị đưa đi trại cải tạo. [7] Gọi là trại cải tạo (re-education camp) nhưng về bản chất không khác gì các trại tập trung (concentration camp) của phát-xít Đức ngày xưa. Có đến 21 trại cải tạo được lập ra sau chiến tranh, giam giữ khoảng 300 nghìn người, trực tiếp ảnh hưởng tới hàng triệu người khác. [8]

Người miền Nam bị bắt vào đây mà hoàn toàn không qua bất kỳ một phiên tòa xét xử nào. [9] Họ phải lao động khổ sai. Rất nhiều người đã chết ở đây, suy kiệt sức khỏe và tinh thần ở đây. Họ bị giam giữ hàng năm, thậm chí hơn mười năm trời mà không được, hoặc rất ít khi được gặp gia đình. Những ai sống sót trở về thì gia đình hoặc là cũng đã ly tán, hoặc là khánh kiệt, bị chính quyền mới phân biệt đối xử, gặp khó dễ khi làm giấy tờ, con cái không được đi học đại học, nhìn chung đã rơi xuống đáy xã hội.

Người miền Bắc hay đùa cợt về việc “đi cải tạo”, biến nó thành một thành ngữ mà không cân nhắc kỹ đến bi kịch khủng khiếp này của hàng triệu người miền Nam. Với người miền Nam ngày nay, “đi cải tạo” vĩnh viễn là một cơn ác mộng, một nỗi đau không bao giờ dứt.

3. Người miền Nam bị bần cùng hóa sau năm 1975

Sau khi “giải phóng” xong, chính quyền mới áp đặt nền kinh tế kế hoạch hóa, tập thể hóa lên toàn miền Nam. Ngày nay, chúng ta biết rằng đó là một thảm họa kinh tế đã dẫn toàn bộ đất nước tới khủng hoảng trầm trọng và ngấp nghé bờ vực sụp đổ vào thập niên 1980. [10] Cuộc khủng hoảng đó nghiêm trọng tới nỗi Đảng Cộng sản phải thừa nhận sai lầm, từ bỏ giáo điều kinh tế Mác – Lê-nin để “đổi mới”, chuyển sang kinh tế tư bản chủ nghĩa, mà ngày nay họ gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. [11]

Cái nền kinh tế thị trường ngày nay, trên thực tế, đã từng là một hiện thực ở miền Nam trước năm 1975. Chuyện mở công ty làm ăn, phát hành cổ phiếu, giao thương với nước ngoài, tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài là chuyện hết sức bình thường.

Với một nền kinh tế thị trường tự do như vậy, miền Nam đã có các đô thị thịnh vượng. Mặc dù mức sống ở nông thôn còn thấp nhưng không đến mức đói khổ như miền Bắc, và cơ hội làm giàu luôn hiện hữu, khác với miền Bắc coi làm giàu là chuyện sai trái.

Người miền Nam sau năm 1975 như bị đẩy xuống vực sâu, bởi tài sản của họ bị tịch thu, doanh nghiệp phải đóng cửa, việc làm ăn buôn bán bị cấm đoán, hàng hóa tắc nghẽn vì ngăn sông cấm chợ, đường nhựa ở đô thị bị cày lên trồng khoai, rất nhiều người bị đưa đi các vùng kinh tế mới, v.v.

Cùng với nạn truy bức chính trị thì việc bị bần cùng hóa về kinh tế như vậy càng làm dày thêm tấn bi kịch của họ.

4. Người miền Nam phải liều mạng bỏ nước ra đi

Người miền Bắc hay đùa cợt chuyện “vượt biên” nhưng không biết gì đáng kể về phong trào vượt biên ở miền Nam sau năm 1975.

Vì bị truy bức chính trị, bị bần cùng hóa về kinh tế, và bị phân biệt đối xử nặng nề, rất nhiều người miền Nam đã đi đến một quyết định táo bạo, và với họ là quyết định duy nhất hợp lý: liều mạng vượt biên đi tìm một cuộc sống mới. [12]


Các thuyền nhân Việt Nam phải bỏ Tổ quốc ra đi trong thập niên 1970-80. Ảnh (từ trái qua):
Gerhard Joren/LightRocket/ Getty Images, U.S. National Archives and Records Administration,
Michel Setboum/Getty Images.

Ước tính có hơn một triệu người đã vượt biển bằng thuyền với hy vọng được tàu nước ngoài cứu hoặc đến được với bờ biển của các nước, vùng lãnh thổ láng giềng như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong. Họ trở thành một hiện tượng lịch sử, một thảm họa nhân đạo có tên “Thuyền nhân Việt Nam” (Vietnamese Boat People). Hàng trăm ngàn người trong số họ chết trên biển. Số còn lại đạt được mục đích và sau này đi định cư ở các nước như Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu. Một số ít khác đến Ấn Độ, Nhật, tùy thuộc vào việc họ được tàu nước nào cứu. Họ ngày nay trở thành phần lớn của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Một số khác thì vượt biên đường bộ sang Campuchia rồi tới Thái Lan. Số này không nhiều bằng thuyền nhân.

Khi ra đi, họ mang tâm thế rằng nếu đi được sẽ liên lạc về gia đình, gửi tiền về nuôi gia đình, và nếu thuận lợi thì sẽ tìm cách đưa gia đình ra nước ngoài. Thực tế là sau khi đã định cư được ở các nước tự do, họ đã làm thủ tục bảo lãnh đưa gia đình sang.

“Tị nạn” là một từ hay bị mang ra để chế giễu ở miền Bắc, nhưng họ không biết rằng với hàng triệu người miền Nam, đi tị nạn từng là lối thoát duy nhất cho cuộc sống của họ.

5. Bi kịch của người miền Nam chưa bao giờ được thừa nhận

Tất cả những bi kịch khổng lồ như vậy của người miền Nam chưa bao giờ được thừa nhận, chứ chưa nói gì đến một lời xin lỗi từ chính quyền. 

Họ không được thừa nhận là đã bị truy bức chính trị. 

Họ không được thừa nhận là đã bị cướp mất kế sinh nhai.

Họ không được thừa nhận là đã bị phân biệt đối xử nặng nề.

Họ không được thừa nhận là đã bị ép vào đường cùng phải liều mạng bỏ Tổ quốc ra đi.

Không những không được thừa nhận, không được xin lỗi, năm nào người miền Nam cũng phải chịu đựng những lời ngợi ca “chiến thắng 30/4”. Nghĩa trang quân nhân Việt Nam Cộng hòa không có mấy ai chăm sóc, bị hoang hóa đi theo thời gian. Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa bị chính quyền bỏ mặc, phải nương tựa vào nhau và vào sự hỗ trợ của cộng đồng. Trong khi đó, những người miền Nam xưa kia bỏ nước ra đi giờ đây đang gửi mỗi năm hàng chục tỷ đô-la tiền mặt về nước (trong tổng số kiều hối năm 2020 là 17,2 tỷ USD). [13]

Với chừng ấy vết thương mà lịch sử để lại, người miền Nam trở nên đặc biệt nhạy cảm với hàng loạt từ, ngữ, diễn ngôn chính trị cũng như cách hành xử. Người miền Bắc nên biết rằng những vết thương này chưa bao giờ được vá lại và nên chọn lấy cách ứng xử phù hợp nhất trong cả lời nói lẫn hành động.

(Nguồn: Tạp chí Luật khoa)

Tài liệu tham khảo:

08 July 2021

EURO 2020: Trận chung kết, 3g chiều Chủ nhật, 11/7

 


Trận cuối cùng so tài giữa đội Ý (đầu nhóm A với 9đ) và Anh (đầu nhóm D với 7đ).
Để vào được trận chung kết này, cả hai đội đều đã trải qua trận bán kết khá vất vả. Đội Ý chỉ thắng đội Tây Ban Nha qua những cú shút để phân thắng bại sau khi hoà 1-1. Còn đội Anh đạt hai bàn thắng - dẫn 2-1 - thì một là do địch thủ Đan Mạch tự đá vào gôn, và một là do hưởng cú phạt trực tiếp.

Giới hâm mộ khó mà tiên đoán ai sẽ đem vinh dự về nước vào chủ nhật này.

Đội Pháp đã thua Thụy sĩ vì tỏ ra thiếu sức bền, mệt mỏi vào cuối trận đầu, dẫn địch thủ 3-1 và đã bị thua ngược. Tuy nhiên giao-nhận banh chính xác và có hàng tiền đạo phản công thần tốc như đội Pháp là điều nhiều đội ước mơ. Sức bền và tinh thần cao như Thụy sĩ cũng rất hệ trọng. Ý và Anh, ai sẽ chứng tỏ được cả hai ưu điểm này? Chờ xem. 

(Phóng viên tay mơ)

Cười tí tỉnh


07 July 2021

Kính mời xem tranh

 của họa sĩ ("tài tử") Nguyễn Công Lượng (ĐS16)








Xin Bổ Túc :
Tranh sau chót số 7 không phải của Nguyễn Công Lượng (mà của cháu gái TT đang học lớp 10). 

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...