05 February 2018

Cuối năm về Galang

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến




Cổng vào trại tị nạn Galang. Nơi đây nay đã thành di tích. (Hình: th.boell.org)
Nghĩa Trang Galang là chứng tích của một giai đoạn lịch sử không thể xóa bỏ về một hành trình đi tìm tự do bằng mọi giá của cả triệu người Việt. (Trùng Dương)

Tôi đến Thái Lan tả tơi, ủ dột, eo xèo và bèo nhèo như một cái mền sakymen thấm nước. Vì không có thân nhân ở Hoa Kỳ, từ đây, tôi được đưa sang một trại tị nạn chuyển tiếp để chờ một hội thiện nguyện bảo trợ cho vào Mỹ.

Thế là tôi bắt đầu cuộc đời ly hương của mình bằng những ngày mưa đầu mùa ở Galang, một hòn đảo nhỏ bé, thuộc Nam Dương.

Những chiều mưa đầu mùa bao giờ cũng buồn. Những chiều mưa đầu mùa nơi đất lạ thì buồn muốn chết! Tôi cứ ngồi bó gối, nhìn những giọt nước trong veo (nương nương) chạy theo mái láng mà nhớ nhà muốn khóc.

Có hôm tạnh ráo, đi lang thang quanh đảo mãi cho đến lúc gần sẫm tối, tôi lạc vào một khu đất trống. Thoáng nghe tiếng muỗi vo ve, tôi nhìn xuống chân và hốt hoảng nhận ra là mình đang dẫm chân trên những nấm mồ của những người đã qua đời tại trại.

Giữa buổi chiều tà vắng lặng, trên một hải đảo hoang vu, cách quê nhà cả một đại dương xanh thẫm, đứng trên những nấm đất “xè xè” – mọc đầy cỏ dại, vương vãi mấy chân nhang đã bạc phếch màu – tôi bỗng cảm được hết sự lạnh lẽo, thê lương, và ảm đạm của cái cảnh “vùi thây nơi đất khách quê người.” Cùng lúc, tôi cũng hiểu ngay tại sao trên những ban thờ nho nhỏ – ở quê nhà – thường luôn có khói hương ấm áp, và ngọn đèn dầu hột vịt (tù mù) cho đỡ phần quạnh quẽ.

Tôi rời Galang vào một buổi sáng cuối năm 1980 và trở lại 34 năm sau, vào một chiều cuối năm 2014. Nghĩa trang của trại là nơi tôi cùng người bạn đồng hành (anh NCB) đến viếng đầu tiên. Nhìn những mộ phần khang trang, ngăn nắp, vôi quét trắng tươi, cỏ dọn sạch sẽ, nằm gọn gàng ngay ngắn – giữa biển trời bao la – tôi mới chợt nhận ra rằng mình là một kẻ (sống) rất vô tình.

Tôi đã hăm hở và hối hả rời bỏ Galang, để lại không biết bao nhiêu là nấm mồ hoang lạnh của những đồng bào và đồng cảnh mà chưa bao giờ nhìn lại (dù chỉ một lần) cho mãi đến khi tóc đã đổi màu.

May mắn là không phải mọi kẻ tị nạn nào đều bạc bẽo như nhau, và không ít người sống rất có tình; nhờ vậy, hôm nay tôi mới có “lối” để về thăm chốn cũ.

Tôi rất thích bản nhạc “Nha Trang Ngày Về” (… Ngồi đâу tôi lắng nghe… Tôi như là con ốc, bơ νơ nằm trên cát. Chui sâu vào thân xác lưu đầy…) dù không được quen biết bất cứ ai ở miền “thùy dương cát trắng.” Tôi cũng không có mối tình nào ở Galang, dù có viết mấy câu thơ, viết “giùm” cho những cô gái bị người tình phụ (mà dân ở đảo gọi là Galang tình xù) nhưng không còn nhớ được toàn bài:
“Xa anh trời vào hạ
Thái Lan mưa đầu mùa
Bây giờ là cuối hạ
Nam Dương trời đang mưa

Galang đời cũng đẹp
Người ta thường có đôi
Riêng mình em thì trót
Yêu anh rồi nên thôi

Em vẫn thường ra biển
Nhìn về phương trời xa
Cali anh còn nhớ
Biển đêm nào Songkhla

Thư anh ngày một chậm
Nét chữ càng thêm to
Giấy trắng thừa ra mãi
Làm sao em không lo

Hay là thôi anh nhé
Làm bận lòng nhau chi
Biết đâu đời lại đẹp
Khi đường ai nấy đi”
Lần lượt, trước sau, những chàng trai cùng những cô gái ở tuổi đôi mươi (thuở ấy) đều đã “đi” định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó. Và (chắc) cũng chả có mấy ai, mấy khi, ngoái về chốn cũ?

Galang, chiều nay, quanh tôi không một bóng người – ngoài vài bầy khỉ nhỏ, và năm, bảy chú hưu sao (đứng ngơ ngác nhìn khách lạ) trong một khu đất rộng, gần nơi trưng bày mấy con tàu đã đưa đám thuyền nhân đến hải đảo này.

Galang hoang vu, và hoang tàn quá. Tôi bước vào một ngôi chùa, không có ai ráo trọi. Nhà thờ cũng vậy. Trống trơn. Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm được che bởi một tấm bạt lớn phiá trên (ý hẳn để cho ngài đỡ giãi dầu mưa nắng) nhưng e cũng chả có tác dụng chi nhiều vì sự khắc nghiệt và khốc liệt của nắng mưa, nơi vùng nhiệt đới.

Cạnh đó là bức tượng thánh Giuse đã rớt mất một bàn tay, ngó mà ái ngại.

Trong tấm biển chỉ dẫn (cũng đã rơi xuống đất từ lâu) ngay ở cổng vào có ghi hàng chữ “Cao Dai Pagoda” nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy Thánh Thất nơi nào cả.

Cho đến khi bước chân vào gian nhà dùng làm Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân thì tôi mới thấy Galang vẫn còn chút… hơi thở nhẹ, nhờ tiếng nhạc nho nhỏ phát ra tự bên trong. Cái gì chớ nhạc Việt thì tôi rành sáu câu, nhất là nhạc sến, vậy mà tôi hoàn toàn không biết bài hát (lạ hoắc) này. Tôi chỉ “cảm” được là nó rất sến (sến hết biết luôn) nhưng vẫn thấy vui thích với cái ý nghĩ là mình – một thằng vô cùng bạc bẽo – vẫn được Galang mở rộng vòng tay (đón nhận) khi trở lại.

Thái độ rất thân thiện tử tế của nhân viên an ninh, cũng như sự chỉ dẫn vui vẻ và tận tình của người trông coi những di vật còn lại của thuyền nhân cũng khiến tôi vô cùng cảm động, dù chúng tôi có bị trở ngại (ít nhiều) vì bất đồng ngôn ngữ. Tôi và anh bạn hăng hái ký tên vào sổ lưu niệm, và sốt sắng hiến tặng hết cả số tiền mà chúng tôi có sẵn trong người.

Lúc trở ra, tôi thật hân hoan khi thấy hai chiếc xe du lịch (cùng với du khách) nối đuôi nhau vào trại, dù trời đã ngả chiều. Phải vậy chớ. Không lẽ cả một trung tâm du lịch mà có mình (ên) tụi tui thì coi sao được.

Tình trạng thưa vắng du khách ở Galang chắc đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Nhật báo Jakarta Post, số ra ngày 1 Tháng Tám, 2009, có bài viết (“Vietnamese Refugee Camp Still Open”) đề cập đến yêu sách đóng cửa trại tị nạn (Galang) của nhà đương cuộc Hà Nội.

Bài báo này dẫn lời bà Nada Faza Soraya, chánh sự vụ Phòng Thương Mại Của Nam Dương, nói rằng khu trại rất quan trọng đối với hướng dẫn viên du lịch, và họ không hề có ý muốn khai thác quá khứ đen tối của chính phủ Việt Nam. (“There was no intention of exploiting the gloomy past of Vietnamese gorvernment”).

Cùng thời điểm này, từ Galang, phóng viên Hồng Nga của BBC cũng có bài tường thuật (nghe được vào ngày 5 Tháng Tám, 2009) về sự việc này:

-“Hai thập niên hiện diện của người Việt tại đây khiến thông tin trại có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn, ngừng đón người tới thăm khiến người dân địa phương ngỡ ngàng.”

-“Lý do chính là từ khi ngừng hoạt động, trại tị nạn Galang cũ đã trở thành một địa chỉ du lịch khá phổ biến, mang lại thu nhập cho người bản địa.”

-“Dư luận địa phương bày tỏ bất bình, trong khi có cáo buộc chính phủ Việt Nam đã gây áp lực với Jakarta để làm công việc này.”

Đồng thời, đại diện tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, ông Trần Đông đã lên tiếng chỉ trích việc “âm thầm xóa bỏ dấu vết tội ác, hủy hoại di tích lịch sử và nhân đạo thế giới tập đoàn đảng trị và tay sai Bắc Kinh tại Hà Nội.”

Nhân đây, cũng xin được nói thêm đôi điều về cơ quan thiện nguyện Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (Archives of Vietnamese Boat People – AVBP) qua lời của nhà văn Trùng Dương, sau chuyến đi thăm Galang của chị, vào năm 2012: “Hội AVBP, website tại www.vnbp.org, được thành lập từ năm 2004, nhằm tìm kiếm và trùng tu các mộ phần thuyền nhân, không phân biệt có tên hay vô danh, ở rải rác các nơi trong vùng Đông Nam Á, đồng thời ghi dấu lại các di tích thuyền nhân để các thế hệ sau biết mà tìm đến vì chính quyền Cộng Sản Việt Nam cố tình muốn xoá bỏ những di tích lịch sử này, để đồng thời bạch hóa tội lỗi của chế độ ngu muội hà khắc đã là nguyên do đẩy cả triệu người Việt ra biển đi tìm một đời sống có tự do và nhân phẩm, với từ 200,000 tới nửa triệu con người bị chết trên đường đi tìm một đồi sống có nhân phẩm. Sự hy sinh này và phần mộ của những người còn may mắn có được nấm mồ chính là những chứng tích của một giai đọan lịch sử cần được duy trì và bảo vệ.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Thanh Quang (RFA) nghe được vào hôm 17 Tháng Mười, 2013, ông Trần Đông – giám đốc AVBP – cho biết thêm chi tiết: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tới cuối năm 2015 sẽ hoàn tất công trình mộ phần thuyền nhân Việt Nam tại tất cả những nơi vừa nói. Hiện giờ chúng tôi đang xúc tiến ráo riết tổ chức gây quỹ trong năm 2014 song song với việc trùng tu mộ thuyền nhân trong 2014 và 2015. Chúng tôi rất hy vọng được sự đóng góp giúp đỡ của tất cả đồng hương khắp nơi trong đợt gây quỹ lần cuối cùng vào năm 2014 và có thể có những cuộc gây quỹ nhỏ nữa trong năm 2015 để hoàn tất công tác trùng tu tất mộ thuyền nhân trong vùng Đông Nam Á vào cuối năm 2015.”

Tôi không hy vọng là Galang, trong tương lai gần, có thể trở thành một công viên du lịch hấp dẫn hay một khu di tích lịch sử – như nhiều người mong đợi vì điều này tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ của chính quyền địa phương, và ngoài tầm tay của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên, tôi tin chắc là Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam “sẽ hoàn tất công tác trùng tu 2,500 mộ thuyền nhân rải rác khắp vùng Đông Nam Á vào cuối năm 2015” – dù biết rằng đây chả phải là chuyện dễ dàng chi, và rất cần sự góp sức của mọi người.

Đó là việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm được, và bắt buộc phải làm. Những người cầm quyền hiện nay ở Việt Nam không mong gì hơn là chúng ta thất bại trong việc duy trì và bảo tồn “lịch sử thuyền nhân.”

Nếu không có cái “lịch sử” bi tráng này và “những chứng tích của một giai đọan lịch sử cần được duy trì và bảo vệ” thì cộng đồng thuyền nhân (hôm nay) và con cháu của họ (sau này) nào có khác gì một đám người trôi sông lạc chợ.

(Tưởng Năng Tiến)​

No comments:

Post a Comment