01 February 2018

Đất nước cần nhiều thứ để tự hào hơn là một vài trận bóng

Phi Phi

Chứng kiến cảnh người người đổ ra đường trong không khí đông vui như vũ bão, như mở hội. Tôi nhận ra đất nước này cần lắm những giá trị thật sự có thể khiến người dân tự hào. Tôi nhận ra chúng ta quả thật đang quá thiếu lòng tự hào dân tộc. Quan trọng hơn cả tôi nhận ra năng lượng của người dân, nếu được đặt đúng chỗ và được dùng đúng mục đích thì đất nước của chúng ta có thể tạo ra được những điều thật sự đáng tự hào như thế nào.

Đầu tiên hãy nói về chuyện tại sao tôi không thích bóng đá. Những ngày còn nhỏ tôi thường cùng với bố thức xem những trận bóng đá, chả phải vì tôi thích xem mà chỉ vì tôi muốn bố có người xem cùng cho đỡ cô đơn, thế thôi, con gái rượu mà.

Nhưng cố gắng bao nhiêu tôi cũng chẳng thể hiểu nổi luật chơi cũng như chẳng chút hào hứng khi chứng kiến những màn rượt đuổi mà mọi người cho là gay cấn trên màn ảnh. Thứ duy nhất ám ảnh tôi sau những trận bóng, từ ngày ấy cho đến bây giờ là sự đau khổ, nuối tiếc, tức giận, cảnh buồn thảm đến đau đớn và những giọt nước mắt của bên thua cuộc, từ những cầu thủ cho đến người hâm mộ. Những hình ảnh đó khiến tôi buồn đến nỗi bất kể đội nào thắng trong các trận đấu đối với tôi cũng đều vô nghĩa.

Tôi chẳng thể nào thấy vui được nữa. Tại sao niềm vui của đội này phải luôn được trả giá bằng nỗi đau của đội khác? Thành công của dân tộc này phải đánh đổi bằng thất bại của dân tộc khác? Vinh quang của người này lại phải đánh đổi bằng sự tủi hổ của người khác? Tôi không thích kiểu niềm vui như vậy chút nào.

Tôi yêu quý việc đội tuyển Việt Nam chiến thắng nhưng khi nhìn cách mọi người "tôn sùng" các cầu thủ như cứu tinh cho niềm tự hào của cả một dân tộc, tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Chưa kể chuyện các trang báo, hội chị em, mọi công ty xí nghiệp thi nhau bộc lộ sự ưu ái cho 2-3 cầu thủ đỉnh nhất, phần còn lại của đội thì sao? Chẳng ai bận tâm cả. (Nhất là cái gì mà "điêu đứng, rụng trứng" vì các cầu thủ, nói thật, tôi nghe mà tưởng các bạn mắc chứng cuồng tình).

Việc mọi người cuồng loạn hết cả lên vì trận thắng khiến tôi nhận ra nó không còn là thể thao đơn thuần nữa khi người ta đặt cả trái tim lẫn trí óc vào quả bóng ấy. Quả bóng ấy gần như đã trở thành một thứ phép thuật, một thứ bùa chú hay tệ hơn, một thứ tôn giáo mới điều khiển hành động và cảm xúc của hàng triệu người. Tôi không thích điều ấy và rồi dần tôi không thích cả thể thao là như vậy. Mà đúng hơn là tôi không thích thể thao tranh đấu, tôi thích các dạng thể thao giúp người ta mạnh khoẻ hơn, yêu đời hơn, vui vẻ hơn và sống lành mạnh hơn như yoga, khiêu vũ chứ không thích những môn thể thao mà đặt thắng thua lên hàng mục đích.

Mọi người nói yêu thể thao nhưng tình yêu ấy rất giả tạo. Họ yêu bằng mắt, không phải bằng hành động. Họ thà đi nhậu nhẹt, đi cà phê, đi ngủ hàng giờ còn hơn đi ra sân bóng để chạy theo quả bóng vài chục phút đồng hồ. Trong hàng triệu người nói họ yêu thể thao, bao nhiêu người thực dành thời gian cho một môn thể thao nào đó? Tôi cho là không nhiều. Họ yêu thể thao nhưng là thể thao trên màn hình mà thôi. Một tình yêu rất giả tạo.

Cùng tình yêu giả tạo ấy, họ dành cho đất nước. Đội tuyển thắng, họ tự hào về Việt Nam nhưng nếu đội tuyển ấy thua, niềm tự hào biến mất. Sự tự hào mọi người đang có chỉ là ngọn lửa bùng lên trong một khoảnh khắc, sau đó còn lại gì? Tôi nghĩ mọi người ai cũng cần niềm tự hào dân tộc nên cái gì làm người ta tự hào, người ra sẽ yêu. Lúc này đây là một trận bóng đá nhưng sau trận bóng đá, còn lại gì để tự hào?

Tôi ở Hội An vào giây phút đội Việt Nam thắng trận ấy. Mắt cận nặng không thể thấy chi tiết những gì xảy ra trên màn hình nhưng không khí phấn khởi rộn ràng ấy thì chẳng thể nào phủ nhận được. Tất cả mọi người già trẻ trai gái lớn bé đều đang vô cùng phấn khởi tự hào, một lần nữa tôi thấy buồn hết sức. Tôi buồn bản thân mình vì không hiểu tại sao mình không hề cảm thấy được dự phần trong sự tự hào ấy của mọi người chút nào cả. Vui thì tất nhiên có, nhưng tự hào ư? Không.

Tôi ghét cái ý tưởng mọi người cứ ra rả nói về chiến thắng ấy như niềm tự hào của cả đất nước này. Lẽ nào lại như thế? Tôi không muốn dùng chiến thắng của một trận bóng để làm niềm tự hào cho dân tộc này. Việt Nam không còn gì khác đáng tự hào hơn hay sao? Lẽ nào ra nước ngoài tôi lại tuyên bố với thế giới rằng tôi tự hào mình là người Việt Nam bởi vì chúng tôi chiến thắng cúp vô địch bóng đá U23 Châu Á? Nghe thật kì.

Chẳng lẽ khi người ta hỏi nước anh có gì hay tôi lại nói vì nước tôi có các cầu thủ bóng đá đẹp trai sao? Chẳng lẽ khi ai đó hỏi dân nước anh đoàn kết yêu thương nhau không tôi lại nói: có, với điều kiện đội tuyển của chúng tôi thắng một trận bóng lớn?

Thể thao, cũng như nghệ thuật, chỉ là thứ để giải trí cho con người nhưng khi nó được tôn vinh lên ngang hàng với những giá trị đích thực của cuộc sống như niềm vui, niềm tin, niềm tự hào thì đồng nghĩa với việc những giá trị thực khác của cuộc sống sẽ bị lu mờ. Người ta vì chiến thắng ấy mà lãng quên luôn cuộc sống thực tại. Người ta sống trong chiến thắng ấy lâu đến nỗi quên luôn những thất bại thực trong cuộc sống. Quên hết đi những thứ thật sự cần được bận tâm. Điều này giống hệt khi chúng ta được dạy hãy tự hào về hai chiến thắng thần thánh trong lịch sử, tự hào về đất nước xinh đẹp giàu tài nguyên nhưng trong khi sự thật cả thế giới chẳng mấy ai quan tâm về các điều ấy. Điều họ quan tâm là đất nước anh có đóng góp tích cực cho thế giới, cho tiến bộ nhân loại hay không? Người dân nước anh có tự do, hạnh phúc, dân chủ hay không? Môi trường sống nước anh có sạch hay không? Giáo dục nước anh có tốt không? Những thứ ấy chúng ta đều không làm được, thì tự hào rừng vàng biển bạc hay chiến đấu anh hùng trong quá khứ để làm gì?

Xin đừng hiểu lầm. Tôi tự tin mình là một người yêu nước đấy. Tôi cũng có nhiều thứ tự hào về Việt Nam lắm đấy. Mỗi tội không phải bóng đá như các bạn và buồn hơn nữa khi những gì tôi tự hào đều đang bị tan biến dần. Buổi tối qua khi dạo bước ở Hội An trong muôn ánh đèn lấp lánh, tôi tự hào đất nước mình xinh đẹp là thế nhưng sau khi mua một trái bắp nướng vội rất dở giá 30 nghìn, niềm tự hào của tôi biến mất. Không phải vì 30 nghìn nhưng vì cảm nhận được lòng tham từ những thứ bé nhỏ ấy đã phần nào xoá đi niềm tự hào trong tôi về một dân tộc hiền lành chân chất thật thà. Mọi người đều vì lợi ích riêng của cá nhân mà phá huỷ dần những tài sản quý giá của đất nước lẫn những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc.

Khắp Hội An, những cô gái xinh đẹp mặc những bộ áo dài truyền thống duyên dáng dạo bước khắp phố. Dù tôi chẳng có một bộ áo dài nào nhưng phải công nhận chẳng biết tự bao giờ trong tôi cảm thấy rất tự hào về bộ áo mong manh đẹp đẽ ấy. Nhưng cảm giác tự hào chưa được bao lâu thì tôi nhận ra 100% các cô gái mặc áo dài xinh đẹp kia là những cô gái Hàn Quốc qua đây du lịch, chẳng cô gái Việt Nam nào thèm mặc bộ áo xinh đẹp ấy trên phố ngoại trừ vài cô nàng đứng chào khách ở cổng vài nhà hàng.

Tôi chợt nhớ lại hình ảnh thời xa xưa khi các chị em phụ nữ mặc áo dài dạo bước khắp phố phường đi chơi, đi làm. Sự thanh thoát tự nhiên như hơi thở, tôi thấy tiếc nuối làm sao sự tinh tế và hào hoa của người Việt Nam ngày ấy. Dù tôi chẳng được sống trong thời kì ấy chút nào nhưng trong lòng vẫn thoáng cảm giác ước gì tà áo dài Việt Nam thực sự được tung bay trên khắp thế giới và người mặc nó là những người Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào về một dân tộc Việt Nam lương thiện, tiến thủ, chân thật, thân thiện và xinh đẹp thay vì một dân tộc chỉ biết tự hào về quá khứ chinh chiến đau thương và một vài trận bóng đá.

Ý tôi là, niềm tự hào là thứ dân tộc nào cũng cần. Nó rất quan trọng. Nhưng chúng ta cần xây dựng niềm tự hào trên những giá trị cốt lõi thật sự, những giá trị mang lại cuộc sống tốt đẹp cho toàn bộ người dân và giúp nâng cao vị thế của dân tộc đất nước Việt Nam trong con mắt của người dân thế giới. Đấy mới thật là thứ chúng ta cần bận tâm và bỏ nhiều thời gian và công sức vào.

Nói thêm một chút về việc tại sao niềm tự hào dân tộc trong tôi ngày càng tan biến. Những ngày này, dạo một vòng mạng xã hội, bên cạnh 99% tin bài về trận bóng thì số ít còn lại đang chia sẻ 2 sự kiện đáng chú ý khác: một cô nàng chia sẻ câu chuyện hang Sơn Đoong được tìm ra như thế nào và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ diệt như thế nào chỉ vì chúng ta không biết trân quý món quà của thiên nhiên. Vì chúng ta chỉ biết ham cái lợi trước mắt thay vì cái lợi lâu dài, giỏi phá huỷ hơn bảo vệ, giỏi tàn phá hơn xây dựng. Một kì quan xứng đáng là niềm tự hào cho đất nước đang bị phá huỷ từng giây mà chẳng mấy ai bận tâm bảo vệ vì họ đang bận tung hô quả bóng đá.

Tin khác, một người phụ nữ đang xua đuổi mấy cô Tây ra khỏi một cây cầu và không cho họ chụp hình vì lý do họ không chịu nộp tiền phí gì đó. Tất cả những tin như vậy có ai thèm bận tâm không? Làm sao người ta có thể bỏ qua những sự thật này mà treo status về tự hào dân tộc?

Bạn tôi người Úc, 3 ngày trước anh ấy gọi cho tôi và nói rằng anh đi nộp hồ sơ dạy Anh văn cho một trung tâm Anh ngữ ở Sài Gòn và đó cũng là lần đầu tiên trong đời anh gặp một người cư xử thô lỗ đến mức không thể tin như vậy. Cùng hôm đó một cô gái người Anh ở cùng khách sạn đã thốt lên điều tương tự về một người Việt Nam cực xấu tính mà cô ta gặp phải trong ngày. Họ hỏi tôi "What's wrong with your people?" (Chuyện gì đã xảy ra với người dân của bạn?) Câu hỏi nhỏ mà sao đau lòng thế.

Chuyện người Việt Nam thô lỗ tôi cũng nhiều lần chứng kiến rồi. Tôi đi cùng anh bạn nước ngoài vào một spa nhỏ trên khu phố Tây để massage chân. Chúng tôi thoả thuận xong giá cả trước khi vào nhưng khi xong, người chủ tiệm bảo chúng tôi phải trả thêm típ cho nhân viên bởi vì ở đấy họ không trả lương cho nhân viên. Bạn tôi ngạc nhiên và nói "Nhưng chúng ta đã thoả thuận giá ngay ban đầu rồi cơ mà" và kiên quyết không trả thêm vì thái độ của anh ta thật quá đáng. Tôi đồng ý không trả thêm cho sự vô lý ấy. Bạn biết anh ta nói gì không? Anh ta hét lên vào mặt chúng tôi "Cút ra khỏi đây"! Vâng, vậy đấy. Bạn tôi bỏ qua, không bận tâm vì anh kêu đã gặp quá nhiều những người thô lỗ vậy rồi nhưng tôi thì quả thật là sốc và không thể tin nổi. Đất nước hiền hoà hiếu khách chân chất là đây ư? Một chút tiền có thể biến người ta trở nên thô lỗ, mất lịch sự đến mức nào? Sự gian dối lừa lọc này sao có thể hoành hành đến thế?

Chưa hết, cùng hôm đấy chúng tôi chứng kiến một người đàn ông cầm nguyên xô nước bẩn dội ra đường nhưng bằng cách nào đó đã dội hết cả vào người một ông Tây đang dạo ngang qua. Chẳng câu xin lỗi, ông ấy bước vào nhà đóng cửa cái rầm. Rồi thêm một người bạn khác của bạn tôi đã bị đánh bằng chày chỉ vì anh ta mua một chai bia trong quán rồi "ngây thơ" cầm luôn vỏ chai bia đi mà không biết luật rằng phải ngồi đó uống cho xong chai bia rồi để vỏ chai lại.

Cả đống những câu chuyện như vậy mà chính tai tôi nghe, chính mắt tôi thấy đã khiến lòng tự hào dân tộc trong tôi hao hụt và tan biến dần tự bao giờ. Đến nỗi một vài trận bóng đá thắng vang dội cũng không thể lấp đầy nó lại được nữa. Tôi có nên xin lỗi các bạn hâm mộ bóng đá vì mình không thể dự chung niềm tự hào của các bạn? Lại lần nữa xin đừng hiểu lầm. Tây không phải cái gì cũng hay cũng tuyệt vời. Tôi không có ý sính ngoại nhưng tôi tin nếu bạn muốn tìm niềm tự hào dân tộc bạn phải tìm nơi suy nghĩ và cảm nhận của những người khách đến Việt Nam chứ không thể chỉ tự khen nhau về lòng tự hào dân tộc.

Chứng kiến cảnh người người đổ ra đường trong không khí đông vui như vũ bão, như mở hội. Tôi nhận ra đất nước này cần lắm những giá trị thật sự có thể khiến người dân tự hào. Tôi nhận ra chúng ta quả thật đang quá thiếu lòng tự hào dân tộc. Quan trọng hơn cả tôi nhận ra năng lượng của người dân, nếu được đặt đúng chỗ và được dùng đúng mục đích thì đất nước của chúng ta có thể tạo ra được những điều thật sự đáng tự hào như thế nào. Ví dụ như xuống đường biểu tình bảo vệ hang Sơn Đoong chẳng hạn. Hay mỗi người dân trong dòng bão đó cam kết với chính mình rằng sẽ cố gắng làm mọi cách để không thô lỗ với người khác nhưng nhã nhặn hơn, lịch sự hơn, tử tế hơn với người trong dân tộc mình và các dân tộc khác. Tôi có một niềm tin rất ngây thơ rằng nếu từng người trong dòng bão lớn khắp cả nước ấy cam kết hành động để biến bản thân mình thành một công dân Việt Nam tử tế, trách nhiệm thì sẽ tốt hơn nhiều so với việc treo hình cờ lên ảnh bìa hay ảnh đại diện. Nếu dân tộc Việt Nam được thế giới biết đến như một dân tộc tử tế, thân thiện, hiền hoà, lúc ấy chắc tôi sẽ tự hào lắm.

Phi Phi (25/1/2018)

"P/s: Nói vậy thôi chứ trận chung kết nhất định phải coi và cổ vũ đội nhà chứ. Không phải vì bỗng nhiên yêu bóng đá hay vì tự hào dân tộc, nhưng vì tôi muốn được cảm nhận tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam. Đâu dễ gì mà có được cơ hội thấy người Việt Nam đoàn kết và yêu thương nhau đến vậy!"

No comments:

Post a Comment