28 February 2018

Bông Hồng Từ Phương Xa, thơ


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả ‘Chiều Mưa Biên Giới’, qua đời

Ông nguyên là một sĩ quan Bộ binh cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc cuối cùng là đại tá. Ông xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tầu và sau đó là trường Võ Bị Quốc Gia do Chính phủ Quốc gia mở ra tại miền Nam Việt Nam vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước.

Năm 1954, ông được gửi ra Hà Nội theo học khóa “Tiểu đoàn trưởng” tại Trung tâm Chiến thuật Hà Nội. Ông từng giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trọng pháo 553 và là Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của Quân đội Quốc gia khi mới 22 tuổi.

Cuối năm 1957, ông được cử đi du học khóa Chỉ huy tham mưu tại tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ.

Tháng 11, 1972, ông được thăng cấp Đại tá chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu Phó. Ông đã ở chức vụ này cho đến cuối Tháng 4 năm 1975.

Ông bị bắt đi tù cải tạo 10 năm. Kể từ đó ông đã ngừng sáng tác nhạc. Ông không xin đi xuất cảnh theo diện H.O, mà ở lại Sài Gòn sống cùng vợ tại quận Phú Nhuận. 

Trong thời gian ở trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp sang giảng dạy. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay như “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”… (Theo NV)

**
Thương tiếc Nguyễn văn Đông
Nguyễn văn Đ̀ông đã đi rồi
Bỏ đi Cay Đắng Tình Đời sau lưng
(Những chữ in đậm là tựa các bản nhạc của nhạc sĩ NVĐ)

Qua rồi Phiên gác đêm xuân
Chiều mưa biên giới bao lần vấn vương
Cung thương ngày cũ soi đường
Đêm buồn nhớ Tình cố hương dạt dào
Mây chiều theo gió bay cao
Anh người thương muộn nổi đau dịu dàng
Sắc hoa màu nhớ muộn màng
Cuốn theo chiều gió chiều hoang tím buồn
Hoa đêm theo giọt sầu tuôn
Niềm đau dĩ vãng khơi nguồn luyến thương
Tìm em bóng nhỏ giáo đường
Dáng xuân xưa đã gợi tương tư chiều
Mơ về áo trắng người yêu
Khúc xuân ca gọi nắng dìu tiểu thơ
Cuốn theo chiều gió đợi chờ
Nhớ người viễn xứ làm thơ lỡ làng
Dặn lòng khi đã yêu nàng
Thì lời giã biệt chớ mang trong lòng
Nỗi buồn duyên kiếp hoài mong
Thương ca hải ngoại luôn trông ngày về
Cho dù mấy dặm sơn khê
Thắp mùa sao sáng lời thề nguyền chung
Khúc ca thương hận mịt mùng
Tình mình tan tác xin đừng trách anh ./.

Toronto 27/ 2/ 2018
Nguyên Trần

Viết trong niềm thương tiễ́c người nhạc sĩ tài hoa
Vì Dân Nguyễn văn Đông

27 February 2018

Vẫn thắm sắc hương


A.C.La Photos

Điều chỉnh chiến lược hay trở về tương lai?

Nguyễn Quang Dy
26-2-2018
“Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”
– “If you want peace, prepare for war”. (Roman general Vegetius). 
Trong bài bình luận nhân dịp Tết Mậu Tuất: Mỹ-Trung điều chỉnh chiến lược thế nào đăng trên Viet-studies (15-16/2/2018), tôi có một số nhận xét sơ bộ và trích dịch để giới thiệu một báo cáo mới của RAND Corporation nghiên cứu về điều chỉnh tư duy chiến lược của Trung Quốc. Trong báo cáo đó, tác giả đã phân tích và nhấn mạnh tính hệ thống trong chiến tranh hiện đại: Systems Confrontation and System Destruction Warfare: How the Chinese People’s Liberation Army Seeks to Wage Modern Warfare, Jeffrey Engstrom, RAND, 2018.

Trong bài phân tích này, tôi tiếp tục bình luận và giới thiệu thêm một số tài liệu tham khảo cùng chủ đề về điều chỉnh chiến lược Mỹ-Trung như: The China Reckoning: How Beijing Defied American Expectations, Kurt Campbell & Ely Ratner, Foreign Affairs, February 13, 2018; Rising to the China Challenge, statement by Ely Ratner before the House Committee on Armed Services, Hearing on Strategic Competition with China, CFR, February 15, 2018; The Chinese Century, Hal Brands, National interest, February 19, 2018; Limiting Chinese Aggression: A Strategy of Counter-Pressure, Charles Edel, American Interest, February 9, 2018); Two Belts, Two Roads, Bruno Macaes, American Interest, February 13, 2018.

Các học giả nói gì

Trong bài “Tính toán lại về Trung Quốc” (The China Reckoning) đăng trên Foreign Affairs (February 13, 2018) Kurt Campbell & Ely Ratner đã phân tích một cách thuyết phục những sai lầm trong chính sách Trung Quốc của các chính quyền Mỹ lâu nay dựa trên “lòng tin sai lầm” (mistaken confidence) với ảo tưởng có thể “đưa Trung Quốc vào khuôn khổ theo ý muốn của Mỹ” (mold China to the United States’ liking). Họ kêu gọi Mỹ phải có cách tiếp cận mới sáng suốt (clear-eyed policy) để đối phó với những thách thức của Trung Quốc làm cho Mỹ sao nhãng khỏi những mục tiêu cốt lõi của mình. Mỹ phải bỏ ảo tưởng là tự do hóa kinh tế sẽ làm Trung Quốc cởi mở hơn về chính trị, và phải thừa nhận rằng Trung Quốc không chịu tuân theo trật tự an ninh do Mỹ dẫn dắt. Trong bài phát biểu tại điều trần của Ủy ban Quân lực Hạ Viện “Đương đầu với thách thức của Trung Quốc” (Rising to the China Challenge) đăng trên CFR (February 15, 2018), Ely Ratner đã phân tích và khẳng định lại những quan điểm được đề cập trong bài essay nói trên, và khuyến nghị một số chính sách cụ thể.

Trong bài “Thế kỷ Trung Quốc” (The Chinese Century) đăng trên National interest (February 19, 2018) Hal Brands khẳng định không phải người Mỹ không biết Trung Quốc sẽ trỗi dậy và đe dọa vai trò đứng đầu của Mỹ tại Đông Á (và trên thế giới). Ngay từ khủng hoảng eo biển Đài Loan (1995-1996), có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không cam chịu chấp nhận nguyên trạng (status quo), mà quyết tâm trỗi dậy thành cường quốc đứng đầu Đông Á, (thậm chí toàn cầu) để ngang hàng với Mỹ vào giữa thế kỷ 21. Các chuyên gia phân tích quốc phòng Mỹ đã lo lắng dự báo khả năng về lâu dài sẽ có xung đột giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ (và có thể cả với Mỹ). Sớm hay muộn Trung Quốc sẽ quyết tâm thay đổi nguyên trạng tại Đông Á, và thách thức vai trò đứng đầu của Mỹ trong trật tự thế giới.

Theo Andrew Marshall (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng), nước Mỹ phải “chuẩn bị cho cạnh tranh lâu dài về ảnh hưởng và vị trí của Mỹ và Trung Quốc tại lục địa Á-Âu và vành đai Thái Bình Dương”. Nhiều học giả khác cũng cảnh báo sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải hòa bình mà gây bất ổn định (disruptive). Ngay sau Chiến tranh Lạnh, chính quyền George W. Bush cho rằng Washington có thể phải “ngăn chặn hoặc cân bằng Bắc Kinh” (contain or balance Beijing). Ngày nay, những gì đã và đang diễn ra tại Biển Đông và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã minh chứng cho các cảnh báo đó.

Mối đe dọa của Trung Quốc không còn là một khả năng xa xôi, mà đã trở thành một thực tế trước mắt. Tại Đại hội Đảng 19 (10/2017) Tập Cận Bình tuyên bố thẳng thừng là “Trung Quốc bước vào một ‘kỷ nguyên mới’ và sẽ chiếm vị trí trung tâm của thế giới”. Tuy các chuyên gia chiến lược Mỹ đã dự báo điều đó đang đến, nhưng các chính quyền Mỹ “thường phản ứng chậm chễ” (consistently has been slow to react). Trong khi Trung Quốc trỗi dậy nhanh thì Mỹ phản ứng “yếu ớt” (lethargy). Tổng thống Obama đã nổi tiếng với khẩu hiệu “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind) và tuần tra tại Biển Đông (FONOP) bằng cách “đi qua vô hại” (innocent passage) vì không muốn căng thẳng với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tranh thủ cơ hội này để quân sự hóa Biển Đông, biến nó thành cái ao riêng của mình.

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ vẫn duy trì một lực lượng quân sự hùng hậu tại Đông Á để ngăn chặn Trung Quốc hung hăng trỗi dậy, nhằm bảo vệ các nước đồng minh và hỗ trợ các đối tác khác trong khu vực (như Singapore và Việt Nam) tăng cường năng lực quốc phòng. Kể từ thời chính quyền Bush đến chính quyền Obama, Bộ Quốc phòng Mỹ không quên mối đe dọa tiềm ẩn của Trung Quốc, và từng bước điều động một phần lực lượng không quân và hải quân sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, để “tái cân bằng” (rebalance) và răn đe Trung Quốc không được bắt nạt các nước láng giềng tại Biển Đông, cũng như các nước khác.

Tuy nhiên, các nỗ lực đó của Mỹ không theo kịp được thách thức của Trung Quốc, nên tương quan lực lượng tại khu vực Biển Đông đã thay đổi có lợi cho Trung Quốc. Theo báo cáo của RAND (năm 2015), cán cân lực lượng tại Châu Á-Thái Bình Dương đã tiến đến điểm bùng phát (tipping points). Các quan chức chính quyền Obama đã phải thừa nhận rằng các cố gắng của Mỹ (như tuần tra FONOP) không ngăn cản được Trung Quốc tăng cường đáng kể vị thế của họ tại Biển Đông bằng cách thay đổi thực địa như bồi đắp và quân sự hóa các đảo họ chiếm đóng, tiếp tục bắt nạt các nước láng giềng và phân hóa các nước ASEAN.

Những bài học của Mỹ

Trong bài “Thế kỷ Trung Quốc” (The Chinese Century), Hal Brands đã phân tích những bài học về sự ngộ nhận của Mỹ đối với Trung Quốc. Thứ nhất, Mỹ đã không kiềm chế Trung Quốc mà còn đóng vai trò chính giúp Trung Quốc trỗi dậy, phát triển kinh tế một cách đáng kinh ngạc, nhất là sau bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng tại sao Mỹ lại ứng xử một cách ngược đời (counterintuitively) giúp sự trỗi dậy của một đối thủ đáng gờm như Trung Quốc? Có lẽ vì lúc đó Trung Quốc theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình phải “dấu mình chờ thời”, cam kết “trỗi dậy hòa bình” để tránh gây xung đột với Mỹ. Ngay cả khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, thay đổi thực địa và quân sự hóa Biển Đông, họ cũng khôn ngoan áp dụng chiến thuật “tằm ăn dâu” (incremental tactics), để tránh khiêu khích Mỹ phản ứng quân sự.

Thứ hai, chính sách của Mỹ thường dựa trên những “ý tưởng cốt lõi” (core ideas) nhằm phản ứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những ý tưởng đó theo một định hướng mà tác giả Hal Brands cho là “phản ứng quá yếu chứ không phải quá mạnh” (more of an underreaction than an overreaction). Ngày nay các ý tưởng đó đều phải xem xét lại, vì một chính sách đúng thường phải bắt đầu bằng một ý tưởng đúng. Trong trường hợp này, chính sách của Mỹ về Trung Quốc cần được người Mỹ xem xét lại để chấn chỉnh về mặt nhận thức.

Dù Mỹ phản ứng trước thách thức của Trung Quốc như thế nào, thì chính sách của Mỹ cũng “phải dựa trên thực tế”, chứ không phải ảo tưởng. Ví dụ, Winston Lord (cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc) đã từng dự đoán: “sẽ có một chính phủ nhân đạo và ôn hòa hơn tại Bắc Kinh”. Tổng thống George W. Bush cũng nói: “thời gian ủng hộ chúng ta”.   Tổng thống Bill Clinton lập luận: “Trung Quốc càng cởi mở về kinh tế thì càng giải phóng tiềm năng con người, và khi con người có quyền thực hiện ước mơ thì họ sẽ đòi hỏi nhiều hơn”. Robert Zoellick (cựu Thứ trưởng Ngoại giao) mong muốn Trung Quốc “cộng tác với chúng ta để duy trì hệ thống quốc tế đã giúp họ thành công”.   Madeleine Albright (cựu ngoại trưởng) cũng nhất trí: “Lịch sử thế kỷ này dạy chúng ta biết khôn ngoan để đưa một cường quốc như vậy vào cộng đồng quốc tế như một thành viên có trách nhiệm, chứ không nên gạt họ ra ngoài để cô lập”.

Thứ ba, một nước Trung Quốc giàu có sẽ là một nước Trung Quốc mãn nguyện. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong chính quyền đều muốn Trung Quốc có vai trò lớn hơn trên thế giới bằng cách giúp Trung Quốc tham gia các diễn đàn quốc tế và khuyến khích họ có vai trò lớn hơn về các vấn đề an ninh và chính trị tại Châu Á-Thái Bình Dương (và toàn cầu). Gần đây, Trung Quốc đã tự coi mình là người bảo vệ toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương, để đáp lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Trump. Joseph Nye (cựu trợ lý bộ trưởng Quốc phòng, hiệu trưởng trường Kennedy tại Harvard) nhận xét “nếu bạn đối xử với Trung Quốc như một kẻ thù, Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù”. Trung Quốc và Mỹ đều có những bất đồng từ lâu vì hệ tư tưởng khác nhau và chính sách đối ngoại cũng khác nhau. Ảo tưởng của Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ “trỗi dậy hòa bình” dù đáng xem xét trong thập niên 1990s, nhưng nay đã lỗi thời.

Thứ tư, Mỹ nên lo lắng về một nước Trung Quốc yếu hay một nước Trung Quốc mạnh? Hiện nay, nhiều nhà quan sát thạo tin cho rằng một nước Trung Quốc yếu còn nguy hiểm hơn là một nước Trung Quốc mạnh. Tổng thống Obama đã lý giải (năm 2016) “Chúng ta có nhiều lý do để lo về một nước Trung Quốc suy yếu và bị đe dọa chứ không phải là một Trung Quốc trỗi dậy thành công”. Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc bị ốm yếu bởi biến động kinh tế và chính trị, có thể chuyển sự thất vọng của họ ra bên ngoài…Theo quan điểm của Mỹ, một trong những điều tồi tệ nhất không phải là Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, mà là Trung Quốc bị đình trệ, thậm chí sụp đổ từ bên trong… Một nước Trung Quốc bị thất bại sẽ đẻ ra những khó khăn nghiêm trọng cho các nước láng giềng, cũng như cho Mỹ và cộng đồng quốc tế. Chính quan điểm này đã làm cho các chính khách Mỹ quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường sức mạnh cho Trung Quốc, chứ không phải là kiềm chế các ý đồ nguy hiểm của họ, ngay cả khi các ý đồ đó đã trở nên rõ ràng, đe dọa hòa bình và ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương. Ý tưởng này thường làm cho các chính khách Mỹ (kể cả Tổng thống Obama) lập luận rằng hệ thống quốc tế không thể vận hành bình thường nếu thiếu một nước Trung Quốc hùng mạnh…

Thứ năm, các nhà quan sát thường đánh giá thấp khả năng Trung Quốc có thể tiến bộ nhanh như thế nào trong việc triển khai sức mạnh công nghệ cao (high-end power-projection) và năng lực chống xâm nhập (antiaccess/area denial). Một số nhà phân tích của Mỹ không thể hình dung được một nước nghèo và kém phát triển như Trung Quốc lại có thể đe dọa vị trí đứng đầu của Mỹ. James Holmes (giáo sư tại Naval War College) nhận xét rằng những người Mỹ được nuôi dưỡng trong thời chiến tranh lạnh luôn cho rằng PLA là một đội quân lạc hậu. Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã quyết định bỏ dự án đầu tư công nghệ cao để làm loại máy bay chiến đấu siêu việt F-22 và máy bay ném ném bom tàng hình, mà ưu tiên cho dự án công nghệ thấp nhưng cần cho cuộc chiến tiếp tục tại Iraq và Afganistan.

Cuối cùng, một ảo tưởng cần loại bỏ cho rằng Trung Quốc là đối thủ tương lai, chứ không phải hôm nay…Nhưng tương lai của hôm qua chính là hôm nay… Điều tồi tệ nhất là thách thức của Trung Quốc không phải trong tương lai, mà ngay lúc này và tại đây. Sự cưỡng chế của Trung Quốc trong vùng xám (gray zone) không phải là giả định cho tương lai, mà nó đang làm biến đổi bức tranh địa chính trị của Châu Á-Thái Bình Dương ngay lúc này (in real time). Patrick Cronin (chuyên gia về an ninh khu vực tại CNAS) cho rằng chiến thuật từng bước “cắt lát salami” như đang diễn ra, đã làm thay đổi lớn về nguyên trạng. Trong khi Trung Quốc không muốn đối đầu quân sự với Mỹ, thì ưu thế của Mỹ đang giảm sút tới mức báo động.

Những ảo tưởng dẫn dắt chính sách Trung Quốc của Mỹ dù không sai ngay từ đầu, nhưng đến nay đã hết tác dụng. Khi tham vọng bành trướng của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông đã bộc lộ rõ, thì những ảo tưởng đó che khuất bản chất và tầm vóc các thách thức của Trung Quốc, làm suy yếu động lực phản ứng của Mỹ. Những ảo tưởng trước đây có vẻ hợp lý thì nay ngày càng nguy hiểm… Thật trớ trêu vì sau mấy thập kỷ Mỹ triển khai “constructive engagement” để giúp Trung Quốc phát triển như một “thành công trong thảm họa” (catastrophic success) thì đến nay việc ngăn chặn Trung Quốc hầu như bất khả thi…

Một số nhận xét

Trong khi các học giả tiếp tục tranh luận (như national debate) thì “trục người lớn” trong chính quyền Trump đã quyết định điều chỉnh chiến lược. Nội dung chính của Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và Chiến lược Quốc phòng (NDS) của Mỹ đã khẳng định “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất” đối với lợi ích cốt lõi của Mỹ, và kêu gọi Mỹ tăng cường sức mạnh để đối phó với mối đe dọa đó. Tầm nhìn chiến lược mới của chính quyền Trump thực chất không khác tầm nhìn chiến lược cũ của chính quyền Obama là xoay trục sang Châu Á để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng vì Trump muốn phủ nhận mọi di sản của Obama (như TPP và Pivot), nên Jim Mattis và “Trục người lớn” phải dùng ngôn ngữ khác (như “bình mới”) để “đóng gói” tầm nhìn chiến lược mới này (mà về cơ bản vẫn là “rượu cũ”).

Thay vì khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thì nay là khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”. Thay vì quan hệ đồng minh chiến lược do Mỹ cầm đầu tại Đông Á, thì nay là trục “tứ cường” gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc làm nòng cốt, với vai trò lớn hơn của Nhật và vai trò mới của Ấn Độ. Nhưng thực chất đó là tầm nhìn chiến lược của Nhật (do Shinzo Abe khởi xướng từ năm 2007). Nói cách khác, Mỹ đang “trở về tương lai” (back to the future) như một nghịch lý trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung, với thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy điều chỉnh chiến lược là việc bình thường trong binh pháp, nhưng bi kịch của nước Mỹ là phải đối phó với một con quái vật Frankenstein do chính họ đã tạo ra. Điều trớ trêu là đúng lúc người Mỹ cần một người tài giỏi để cầm lái quốc gia thì tổng thống Trump lại là một “thiên tài ổn định”.

Quan điểm đồng thuận trong hầu hết các tài liệu về điều chỉnh chiến lược nói trên là chỉ dấu khá rõ rang cho thấy xu hướng đang nổi lên trong cuộc tranh luận mới của giới nghiên cứu chiến lược, đòi hỏi phải xem xét lại chính sách Trung Quốc mà họ cho rằng đã dựa trên tiền đề sai lầm có tính hệ thống. Theo các tác giả, đã đến lúc người Mỹ phải trung thực (honest) thừa nhận sai lầm để xem xét và tính toán lại chính sách (“rekoning”). Thay vì ảo tưởng có thể “cải tạo” Trung Quốc, người Mỹ phải tập trung chấn chỉnh nước Mỹ mạnh lên.

Xu hướng người Mỹ muốn xem xét và điều chỉnh chính sách Trung Quốc đã xuất hiện từ những năm trước, nhất là dưới thời chính quyền Obama, nhưng tranh luận vẫn chưa ngã ngũ, nên phân thành mấy nhóm quan điểm khác nhau, có lúc vấn đề này chìm đi vì các mối quan tâm khác nổi lên. Trong cuộc tranh cử năm 2016 và qua một năm cầm quyền của Trump, vấn đề Trung Quốc tuy tiếp tục gây tranh cãi, nhưng lại bị ngộ nhận và lu mờ bởi vấn đề Bắc Triều Tiên. Nhưng điều đáng chú ý là quan điểm cứng rắn hơn của Kurt Campbell và Ely Ratner lần này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận hơn, bao gồm 9 học giả Mỹ có uy tín (Is American Policy toward China Due for a ‘Reckoning’? ChinaFile, February 15, 2018). Trong khi đó, chưa thấy China Lobby (như Henry Kissinger) lên tiếng phản biện (như trước đây).

Trong bối cảnh chính quyền Trump đang chập chững đối phó với với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc, “trục người lớn” dường như đã thuyết phục được Trump phải điều chỉnh chiến lược: coi “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất”, coi khu vực “Indo-Pacific tự do và rộng mở” là địa bàn chiến lược rộng lớn để kiềm chế Trung Quốc, và coi “Tứ giác Kim Cương” (Squad) gồm tứ cường Mỹ-Nhật-Ấn-Úc là nòng cốt làm đối trọng với Trung Quốc. Trong bốn nước đó, Nhật có vai trò cốt yếu, trong khi Úc dễ bị Trung Quốc tác động. Có lẽ vì vậy mà Mỹ đã cử đô đốc Harry Harris làm đại sứ mới tại Canberra.

Chính quyền Trump tuy đã công bố hai văn kiện vĩ mô là   “Chiến lược An Ninh Quốc gia” (NSS) và “Chiến lược Quốc phòng” (NDS), như một bước điều chỉnh chiến lược đúng hướng, nhưng dường như họ vẫn chưa có biện pháp và lộ trình cụ thể. Về lâu dài, Mỹ sẽ phải trả giá vì đã bỏ TPP (mà chưa biết bao giờ mới quay lại). Những chính sách bất cập của Trump đã đặt Mỹ vào thế nguy hiểm vì áp dụng cách tiếp cận “đối đầu mà không cạnh tranh” (confrontational without being competitive), trong khi đó Trung Quốc “ngày càng cạnh tranh mà không cần đối đầu” (increasingly competitive without being confrontational). Theo Tom Friedman (New York Times), chính Trump đang “làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”.

Trong khi vai trò của bộ Quốc phòng (và Jim Mattis) lớn hơn, thì vai trò của bộ Ngoại giao càng yếu đi (Rex Tillerson có thể bị mất chức). Tình trạng thiếu hụt nhân sự và kinh phí tại Bộ ngoại Giao còn nan giải, cần có thời gian mới có thể khôi phục. Nay dù Chính quyền Trump đang điều chỉnh chiến lược vĩ mô để đối phó với Trung quốc, nhưng nếu chính quyền không đủ nhân sự và kinh phí cần thiết để triển khai chiến lược mới, thì cũng có thể vô nghĩa. Trong ba năm tới người Mỹ phải suy nghĩ lại và quyết định liệu ông Trump có đúng là người họ muốn bầu làm ông chủ Nhà Trắng (hay một người nào khác). Tom Friedman đã thất vọng cảnh báo “đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn của nền dân chủ hiện nay là tại Phòng Bầu dục” (The biggest threat to the integrity of our democracy today is in the Oval Office). (“Why Thomas Friedman issued a ‘code red’ warning to America”, New York Times, February 20, 2018).

Trong bàn cờ địa chính trị mới tại khu vực “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở”, thì “Tứ giác Kim cương” gồm “tứ cường” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc là nòng cốt làm đối trọng để hình thành thế “Hai vành đai, Hai con đường” nhằm đối phó với thế “Một vành đai, Một con đường”. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng tăng, Việt Nam cần “tái cân bằng” tương quan chiến lược trong tam giác Mỹ-Trung-Việt. Trong khi hai nước lớn trong khu vực này là Trung Quốc và Ấn Độ đang trỗi dậy mạnh mẽ, Việt Nam và Đông Dương (Indochina) có vị trí địa chiến lược quan trọng tại Biển Đông, cũng như tại “khu vực Indo-Pacific”.

Vấn đề là Việt Nam phải định vị đúng với bối cảnh các nước lớn điều chỉnh chiến lược trong bàn cờ địa chính trị mới đang chuyển động và định hình. Việt Nam phải tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ (cũng như với Nhật và Úc) nhằm làm xúc tác (catalyst) và đòn bẩy (leverage) để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ (trong khuôn khổ tứ giác Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), theo phương châm đa dạng hóa quan hệ để “đặt cược chiến lược” (strategic hedging). Việt Nam phải chủ động thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các nước trong “Tứ giác Kim Cương” (cả về quan hệ song phương lẫn đa phương). Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Ấn Độ sắp tới của chủ tịch nước Trần Đại Quang (2-4/3/2018) có nhiều ý nghĩa, tiếp theo chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (24-26/1/2018).

Một khi tàu sân bay Mỹ đến thăm Đà Nẵng (3/2018), bao giờ tàu sân bay Ấn Độ sẽ đến Cam Ranh? Các mẫu hạm của Nhật, Úc, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, chắc sẽ lần lượt đến Việt Nam vì “ngoại giao pháo hạm” (gunboat diplomacy) đang trở thành mốt. Sự kiện USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vừa có ý nghĩa tượng trưng, vừa là một bước ngoặt quan trọng thúc đẩy hợp tác chiến lược, và kích hoạt các phản ứng dây chuyền. Một khi Israel bán tên lửa Extra cho Việt Nam, bao giờ Ấn Độ sẽ bán tên lửa Akash và Brahmos? Một khi Mỹ tuyên bố “tầm nhìn Indo-Pacific” và dựa vào “Tứ giác Kim cương” làm nòng cốt, bao giờ Mỹ sẽ quay lại TPP (như trở về tương lai)? Nếu những điều kể trên không diễn ra sớm (trong năm nay), thì e rằng quá muộn (too little too late), khi tầm nhìn chiến lược của Mỹ vẫn là “vịt què” (lame duck). Không phải ngẫu nhiên Việt Nam ưu tiên “hiện đại hóa không quân và hải quân” trong kế hoạch tái cơ cấu quân đội (2018-2021), theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”.

Thay lời kết

Bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung luôn đầy nghịch lý và cạm bẫy, dễ làm Việt Nam mắc kẹt vì ngộ nhận ai là bạn/thù truyền kiếp. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào Việt Nam đánh Việt Cộng để ngăn chặn “làn sóng đỏ” (Trung Cộng) theo “thuyết Domino”. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến sai lầm (wrong war), chống một kẻ thù sai (wrong enemy) tại một địa điểm sai (wrong place) vì mục đích sai (wrong purposes). Trong khi đó, Trung Quốc quyết đánh Mỹ “đến người Việt Nam cuối cùng”. Năm 1972, Nixon đã nghe lời Kissinger đi Trung Quốc bắt tay với Mao (Shanghai Communique) để chống Liên Xô, sẵn sàng bỏ rơi Đài Loan và Nam Việt Nam. Vì vậy, khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (1974) Hạm đội 7 đã án binh bất động, và khi Việt Cộng đánh chiếm Sài Gòn, Mỹ đã cuốn cờ tháo chạy. Khi Việt Nam đánh Khmer Đỏ (12/1978) Mỹ đã lên án Việt Nam xâm lược Camphuchia, nhưng khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam (2/1979) Mỹ đã ngồi im, thậm chí ngầm ủng hộ Trung Quốc và Khmer Đỏ.

Sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ đã theo đuổi chính sách “một nước Trung Hoa” và triển khai chủ trương “tham dự tích cực” (constructive engagement) giúp Trung Quốc thực hiện “bốn hiện đại hóa” để trở thành quái vật Frankenstein (theo lời Nixon). Học thuyết của Kissinger chỉ có tác dụng thời Chiến tranh Lạnh (dùng “lá bài Trung Quốc” để chống Liên Xô), nhưng sẽ phản tác dụng trong thời hậu chiến và sau đó khi Trung Quốc không “trỗi dậy hòa bình” (như Mỹ ảo tưởng). Nay Mỹ nhận ra “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất” (như NDS nhận định) thì quá muộn (tuy “muộn còn hơn không”). Liệu Mỹ có thể đối phó với hai quái vật khổng lồ là Trung Quốc (như Frenkenstein), và Nga (như Hulk) tại lục địa Eurasia trong khi vẫn sa lầy tại các nơi khác (như Trung Đông, Afganistan và Iraq)?

Trong khi Mỹ cần một tổng thống khôn ngoan đủ bản lĩnh để cầm lái nước Mỹ trong lúc khó khăn này, thì ông Trump lại là một “thiên tài ổn định”. Hay nói theo cách của Tom Friedman là “người mắc bệnh tâm thần nặng” (deeply disturbed person). Khi hoàng đế Tập Cận Bình mở đại tiệc tiếp ông Trump trong Tử Cấm Thành để gây ấn tượng mạnh với ông vua nước Mỹ, chắc ông Vương Hỗ Ninh và Vương Kỳ Sơn lúc đó xoa tay cười thầm là đã “thuần hóa” được ông Trump, để giúp Trung Quốc vĩ đại trở lại (making China great again). Khi ông Trump đọc diễn văn tại APEC Đà Nẵng (10/11/2017) về “tầm nhìn Indo-Pacific” (và nhắc lại cụn từ này hơn 10 lần), chắc ông Tập Cận Bình cũng cười thầm vì đã biết cách đối phó với ông Trump để trong ba năm tới có thể biến Biển Đông thành cái ao riêng của Trung Quốc.

Có người hỏi liệu bao giờ chiến tranh xảy ra tại Biển Đông. Tôi nghĩ chiến tranh đã diễn ra trên thực tế trong mấy năm qua (bắt đầu từ 5/2014) nhưng dưới hình thức khác. Tuy Mỹ vẫn tuần tra (FONOP) tại Biển Đông, nhưng bằng cách “đi qua vô hại” (innocent passage), nên không đủ răn đe Trung Quốc. Mỹ không ngăn chặn được Trung Quốc thay đổi thực địa và quân sự hóa các đảo họ đã chiếm tại Trường Sa cũng như Hoàng Sa. Trung Quốc đã qua mặt Mỹ và bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, biến tất cả những gì họ đã đạt được thành chuyện đã rồi. Trung Quốc tăng cường phân hóa ASEAN và tiếp tục bắt nạt các nước láng giềng có tranh chấp. Trên thực tế, Trung Quốc đã kiểm soát được hầu hết Biển Đông, không cho Việt Nam và các đối tác khác khai thác dầu khí ngay trên vùng biển của mình.

Tóm lại, Trung Quốc đã thắng Mỹ và đồng minh hiệp đầu trong một cuộc chiến “không tuyên bố”. Trung Quốc đang chứng minh họ có thể thắng Mỹ và đồng minh mà không cần phải chiến tranh. Cuộc chiến tại Biển Đông có thể là một cuộc chiến chủ yếu diễn ra trong vùng xám (grey zones). Người Mỹ quen chơi cờ vua với binh pháp Clausewitz, rất khó đối phó với người Trung Quốc quen chơi cờ vây với binh pháp Tôn Tử. Đó là một cuộc đấu bất cập và bất cân xứng vì hai đối thủ được vận hành bằng hai hệ điều hành khác hẳn nhau.

NQD. 25/02/2018

_____

Giới thiệu một số tác giả

Kurt Campbell là Chairman/CEO of Asia Group (do ông sáng lập năm 2013). Trước đó ông là co-founder/CEO of the Center for a New American Security (sáng lập năm 2007), director of Aspen Strategy Group, Chairman of the editorial board of Washington Quarterly, director of International Security Program and National Security Policy at the Center for Strategic and International Studies. Campbell là tác giả của một số sách trong đó có cuốn The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia, NYC, 2016, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương (2009-2013). Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ (2016), dư luận đồn đoán nếu Hillary Clinton thắng cử thì Kurt Cambell sẽ làm ngoại trưởng.

Ely Ratner là senior fellow, China studies, tại Council on Foreign Relations (CFR), chuyên về quan hệ Mỹ-Trung, an ninh Đông Á, và an ninh quốc gia Mỹ. Ratner từng là deputy national security advisor cho phó Tổng thống Joe Biden (2015-2017), chuyên về Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Biển Đông, và các đồng minh của Mỹ ở Châu Á. Trước đó, Ratner là CFR fellow làm việc tại Bộ Ngoại Giao Mỹ và Ủy ban đối ngoại Thượng Viện (2011-2012) chuyên về Trung Quốc. Ngoài ra, Ratner là deputy director, Asia-Pacific Security Program at the Center for a New American Security, và RAND Corporation. Ratner đã điều trần tại Quốc hội Mỹ về quan hệ Mỹ-Trung và chiến lược an ninh quốc gia. Gần đây, Ratner có nhiều bài tranh luận về quan điểm với Hugh White (Lowy Institute, Sydney) mà tôi đã có dịp giới thiệu.

Hal Brands là senior fellow at Foreign Policy Research Institute’s Program on National Security, distinguished professor of Global Affairs at Johns Hopkins University School of Advanced International Studies (SAIS), CFR international affairs fellow (2015-2016), senior fellow at Center for Strategic and Budgetary Assessments, là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn American Grand Strategy in the Age of Trump (January, 2018)

Charles Edel là Senior Fellow at the United States Studies Centre (Sydney University). Trước đó, Edel là associate professor at US Naval College, trong nhóm hoạch định chính sách của Ngoại trưởng Mỹ (2015-2017). Bruno Maçães là Senior Fellow at Hudson Institute và Senior Advisor at Flint Global (London), tác giả của cuốn The Dawn of Eurasia (January, 2018). Macaes là cựu Bộ trưởng đặc trách Châu Âu của Bồ Đào Nha (2013-2015).
__________________Nguồn tham khảo

    “Systems Confrontation and System Destruction Warfare: How the Chinese People’s Liberation Army Seeks to Wage Modern Warfare”, Jeffrey Engstrom, RAND, 2018
    “The China Reckoning: How Beijing Defied American Expectations”, Kurt Campbell & Ely Ratner, Foreign Affairs, February 13, 2018. (Đã dịch và đăng trên mạng).
    “Rising to the China Challenge”, statement by Ely Ratner before the House Committee on Armed Services, Hearing on Strategic Competition with China, CFR, February 15, 2018
    “Is American Policy toward China Due for a ‘Reckoning?”, ChinaFile, February 15, 2018
    “The Chinese Century”, Hal Brands, National interest, February 19, 2018
    “Limiting Chinese Aggression: A Strategy of Counter-Pressure”, Charles Edel, American Interest, February 9, 2018
    “Two Belts, Two Roads”, Bruno Macaes, American Interest, February 13, 2018
    “How a Sino-US Relationship Reset Would Help Make America Great Again”, South China Morning Post, February 14, 2018
    “Mỹ-Trung điều chỉnh chiến lược thế nào”, NQD, Viet-studies, 15-16/2/2018.
    “Câu chuyện đầu năm: Nhìn lại bàn cờ Mỹ-Việt, NQD, Viet-studies, 30/1, 2018   

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25-2-18

QGHC MĐ: Hình ảnh "Ngày Khai Thuế Miễn Phí" 25/02/2018




26 February 2018

Tin ngắn đáng chú ý

Trung Quốc giận dữ phản đối chế tài mới của Mỹ nhắm vào Triều tiên

Trung Quốc hôm thứ Bảy phản ứng giận dữ về các chế tài mới mà Mỹ áp đặt lên Triều Tiên, khẳng định rằng các biện pháp này phản tác dụng đối với các nỗ lực nhằm ngăn chặn các chương trình phát triển hạt nhân và phi đạn tầm xa của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu loan báo điều mà ông gọi là gói chế tài "lớn nhất từ trước tới giờ" nhắm vào Triều Tiên và đe dọa "giai đoạn hai" nếu các biện pháp này không có hiệu quả.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào một người, 27 công ty và 28 tàu đăng ký tại Trung Quốc và bảy quốc gia khác nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động vận tải và thương mại phi pháp của Triều Tiên. Các biện pháp này cũng phong tỏa tài sản mà các công ty này nắm giữ ở Mỹ và cấm người dân Mỹ giao dịch với họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra một thông cáo nói Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" Mỹ "ban hành các chế tài đơn phương" và tuyên bố sẽ "xử lý nghiêm" vấn đề này theo luật pháp. Bộ cũng yêu cầu Mỹ ngay lập tức bãi bỏ các chế tài "để tránh gây tổn hại đến hợp tác song phương ở khu vực có liên quan."

Thông cáo hôm thứ Bảy là phát biểu mới nhất của Trung Quốc trong một loạt những tuyên bố lên án bất kỳ hình thức trừng phạt nào nhắm vào Triều Tiên mà không được áp đặt trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, một mực nói rằng họ đã thi hành trọn vẹn các chế tài hiện hành nhắm vào Bình Nhưỡng. Thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên vào tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần bốn năm qua, chỉ dấu mới nhất cho thấy Trung Quốc vẫn duy trì áp lực lên đất nước bị cô lập này.

Kể từ tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã giúp giám sát ba vòng chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Tuy nhiên áp lực đã không ngăn Bình Nhưỡng tiến hành thêm các vụ phóng phi đạn và một vụ thử hạt nhân.

________________

Philippines đặt giới hạn mới trong hợp tác trên biển với Trung Quốc

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đặt ra một ranh giới trong quan hệ hữu nghị đang phát triển nhanh chóng với Trung Quốc bằng việc yêu cầu Trung Quốc không có thêm các hoạt động tại bãi đá ngầm ngoài khơi Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không nên có thêm các công trình xây dựng trong vùng biển tranh chấp.

Tổng thống Philippines hôm 6/2 nói ông sẽ không để cho các tàu nước ngoài vào thăm dò bãi đá ngầm Philippine Rise, một khu vực ngoài khơi đảo Luzon phía đông thủ đô Manila. Trước đó, hồi tháng 1 và một lần vào cuối năm 2016, ông đã để cho Trung Quốc khám phá khu vực này. Năm 2016, Tổng thống Duterte đã thay đổi chính sách đối ngoại của Philippines bằng cách theo đuổi mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc – để đổi lấy các khoản vay, trợ cấp và đầu tư của Bắc Kinh.

Một tuần sau, phát ngôn viên của ông Duterte cho biết trên trang mạng của tổng thống rằng các viên chức chính phủ "phản đối và không công nhận các tên Trung Quốc" đặt cho 5 bãi đá ngầm trong khu vực này.

Hôm thứ Sáu 16/2, Ngoại trưởng Philippines nói rằng hai bên đang thảo luận về việc thăm dò chung ở các phần của Biển Đông mà cả hai bên đều có tuyên bố chủ quyền. Bộ Ngoại giao Philippines hôm 14/2 cho hay trong cuộc thảo luận này, Trung Quốc đã cam kết không "xây dựng trên các bãi đá không có người ở" như đã được ghi nhận trong một thỏa thuận đa quốc gia vào năm 2002.

Theo nhà khoa học chính trị Antonio Contreras, thuộc Đại học De La Salle, Philippines, những động thái này đánh dấu sự đảo ngược với sự đồng thuận trước đây của ông Duterte trước việc Trung Quốc sử dụng các vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.

Một số học giả cho biết Philippines có thể đang phản kháng Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi từ bãi đá ngầm này, vốn được cho là giàu trữ lượng khí đốt.

Bãi đá ngầm rộng 13 triệu héc-ta, còn được gọi là Benham Rise, nằm ở độ sâu 35 mét dưới mặt biển tại thềm lục địa bên ngoài khu vực Biển Đông. Vào năm 2012, Ủy ban LHQ về Giới hạn của Thềm lục địa đã chấp thuận tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với bãi đá ngầm này.

Diễn đàn Facebook
___________

Về VN ăn Tết, Người Canada gốc Việt bị côn đồ đâm chết

Theo thường thuật của báo mạng VNExpress, khi thấy nhóm ông Toàn ở xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, đang đi chơi về thì nhóm ông Khánh chặn đường. Khi biết đã chặn nhầm “đối thủ” cần tìm, nhóm của ông Khánh ngỏ lời xin lỗi.

Tuy nhiên, hai bên xảy ra cãi vã rồi lao vào đánh nhau. Ông Khánh rút con dao mang theo trong túi quần tấn công nhóm của ông Toàn, ba đồng đảng còn lại nhặt đá bên lề đường lao vào ẩu đả.

Kết cục, ông Toàn bị đâm gục và chết trên đường đưa đến trung tâm y tế huyện Vạn Ninh cấp cứu. Các ông Phạm Quốc Đoàn, Nguyễn Minh Phú, và Võ Duy Đông bị nhiều chấn thương.

Ngay sau đó, nhóm hung thủ bỏ trốn khỏi hiện trường, nhưng nhiều giờ sau đến công an đầu thú. (Theo NV)

‘Lòng dân, thế nước’ và… tháo chạy

Trân Văn
23/02/2018

Hình bìa hộ chiếu Việt Nam.
Tuần trước, khi chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN khẳng định: “Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của dân tộc, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng và có tác động mạnh mẽ trên khắp cả nước”.

Tết âm lịch năm nay, thêm một lần nữa, ông Trọng lặp lại yếu tố, nhờ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và tài tình, sáng suốt của Đảng CSVN, “lòng dân, thế nước” đều đang thăng hoa.

Tuần này, ngay trong những ngày đầu tiên của năm Mậu Tuất, báo chí Việt Nam tiếp tục đề cập đến hiện tượng doanh giới Việt Nam ồ ạt chuẩn bị cho việc tháo chạy khỏi quê hương của mình. Tờ Đất Việt – Diễn đàn của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – lưu ý rằng, khác với trước, lúc này, các doanh nhân Việt Nam không còn “kén cá, chọn canh” như trước, việc tìm kiếm quốc tịch thứ hai cho chính họ và gia đình không chỉ khoanh lại trong phạm vi những quốc gia giàu, mạnh, phúc lợi tốt mà hướng cả vào những quốc gia nhỏ bé, ít ai biết và phần lớn vì từng là thuộc địa của cường quốc nào đó nên chuyện đến, cư trú, học hành, làm việc ở những nơi từng là “mẫu quốc” sẽ dễ dàng hơn.

Tháo chạy khỏi Việt Nam là một phong trào xuất hiện cách nay hàng chục năm. Giờ, tháo chạy khỏi Việt Nam đã trở thành xu thế, càng lúc càng mạnh mẽ và lan rộng từ doanh giới, trí thức, sang tới các viên chức của hệ thống công quyền Việt Nam.

Ở một kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 4 năm 2016, ông Trương Trọng Nghĩa, thành viên của Đoàn Đại biểu Quốc hội Sài Gòn, cảnh báo tình trạng, sau khi tu nghiệp, trí thức giỏi không muốn quay về Việt Nam làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi và một bộ phận viên chức đương nhiệm hay đã về hưu cũng tìm cách định cư ở ngoại quốc… là bằng chứng Việt Nam không còn là nơi đáng sống!

Cũng vào thời điểm đó, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, nói thêm, tình trạng người Việt tìm đủ mọi cách, lũ lượt dắt díu nhau bỏ xứ ra đi là vì họ cảm thấy bất an về đủ mọi mặt. Nếu không thể ngăn chặn xu thế tháo chạy khỏi Việt Nam, Việt Nam sẽ mất nhiều thứ: Chất xám, vốn liếng, nhân lực có kinh nghiệm tổ chức sản xuất – kinh doanh. Theo bà Lan, phương thức duy nhất để có thể hóa giải khuynh hướng tháo chạy, ồ ạt lìa bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình là gầy dựng lại niềm tin vốn đã suy giảm tới mức mà bà Lan nhận định là “rất lớn”.

***

Có một điểm trớ trêu là từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, mạnh miệng khẳng định rằng tự do, dân chủ ở Việt Nam “đến thế là cùng”, rằng “vị thế của Việt Nam” trên thế giới chưa bao giờ được như hiện nay thì tháo chạy khỏi Việt Nam càng lúc càng mãnh liệt.

Tháng 7 năm 2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia thông báo tước bỏ tư cách Đại biểu Quốc hội khóa 14 của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đầu tư TNG Holdings VN, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 13, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công Thương thành phố Hà Nội, Phó Ban Đối ngoại của Hội đồng Nữ doanh nhân thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam) vì phát giác bà Hường đã có quốc tịch của Malta mà không khai báo.

Sự kiện một người như bà Hường, chọn Malta – quốc gia nhỏ xíu ở Nam Âu, diện tích chỉ có 316 cây số vuông, dân số chỉ chừng 400.000 người – để thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm có thể thủ đắc tư cách công dân của quốc gia này nói lên nhiều điều…

Chưa hết, giữa năm ngoái, báo chí Việt Nam đồng loạt công bố một thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), theo đó, Việt Nam là một trong mười quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu về số lượng bỏ xứ ra đi. WB ước tính, mỗi năm có khoảng 100.000 người rời khỏi Việt Nam.

Vietnam Report cũng công bố một thống kê sau khi khảo sát Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hồi 2016 và cho biết, khoảng 45% “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong vòng năm năm tới. “Đầu tư ra nước ngoài” là một cụm từ hoa mỹ để doanh nhân Việt Nam thay đổi nơi cư trú và chuyển dịch tài sản ra khỏi Việt Nam. Báo chí Việt Nam dẫn nhận định của những chuyên gia tư vấn định cư, cho biết, mỗi năm, riêng nhóm doanh nhân “đầu tư ra nước ngoài” đã mang ra khỏi Việt Nam từ 10 tỉ đến 12 tỉ Mỹ kim. Nỗ lực trị giá hàng chục tỉ Mỹ kim/năm này chỉ nhằm “đổi màu hộ chiếu”.

***

Tuần trước, vào thời điểm mà ông Trọng khẳng định, “lòng dân, thế nước” đang thăng hoa và “không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của dân tộc, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng và có tác động mạnh mẽ trên khắp cả nước”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư U&I, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, cựu Đại biểu Quốc hội hai khóa 12 và 13, nói với tờ Vn Economy rằng, dẫu hệ thống công quyền Việt Nam hứa hẹn đủ thứ nhưng ông vẫn chưa thấy lạc quan, tình trạng doanh nhân Việt Nam thi nhau lấy quốc tịch thứ hai vẫn rất phổ biến, khuynh hướng bi quan tìm một con đường sống khác, làm việc ở nơi khác vẫn mạnh mẽ.

Nếu ông Trọng đúng khi khẳng định về “tự do, dân chủ”, “vị thế quốc gia”, “lòng dân”, rồi “không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của dân tộc, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng và có tác động mạnh mẽ trên khắp cả nước”… thì những người ưu tư về tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc như ông Nghĩa, bà Lan, ông Tín hoặc tìm đủ cách để tháo chạy như bà Hường rõ ràng là… không bình thường.

Còn nếu những người này thật sự bình thường thì dường như ông Trọng đã cố tình vi phạm một trong năm điều ông Hồ Chí Minh răn dạy thiếu nhi: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm!

Đã khởi xướng, đốc thúc phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ai lại làm thế!
Trân Văn
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
__________________________________________________
Nguồn: VOA tiếng Việt

23 February 2018

Làn sóng cán bộ khao khát tâm linh

Vũ Thạch 

Năm nào cũng vậy, giữa dòng người lũ lượt chuẩn bị Tết và giữa biển người kiếm lộc đầu năm, có vô số vợ con cán bộ tất bật đến các nơi "linh thiêng", tôn giáo nào cũng được, dâng cúng rất rộng tay. Và giữa tiếng lâm râm khấn vái đó người ta nghe được cả những câu khuyến mãi: "Nếu Ngài cho chồng con năm mới may mắn, thu nhập khá thì cuối năm con sẽ cúng lớn hơn nữa".

Nhưng không chỉ trông cậy vào vợ con và cũng không chờ đến cuối năm, nhiều cán bộ cho âm thầm tổ chức cúng "giải hạn" ngay tại cơ quan. Đặc biệt một số đơn vị công an len lén mời thầy cúng đến "hòa giải" với các oan hồn đã chết tại đồn.

Rồi không chỉ cán bộ cấp thấp, đến cả Trung tướng Công an Hữu Ước cũng khoe trên khắp báo đài vừa bỏ tiền túi xây xong một khu văn hóa tâm linh, có tên Tâm Linh Ước, bao gồm đình, chùa, nơi thờ tự, suối giải oan, và tháp giải oan. Và cao nhất mà quần chúng biết được cho đến nay là Đại tướng Công an kiêm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong thời gian trị bệnh hiểm nghèo năm ngoái, ông cúng chùa Vĩnh Nghiêm một cặp đèn và lư hương trị giá 19 tỷ đồng. Chân đèn còn khắc dòng chữ: Gia đình Đại tướng Trần Đại Quang tiến cúng.

Hiện tượng này đáng kinh ngạc và khó hiểu vì đây là những cán bộ luôn khẳng định mình là Người Cộng Sản. Ai cũng biết nhân sinh quan, vũ trụ quan của Chủ nghĩa CS không có chỗ cho các giá trị hay chủ thể tâm linh. Mọi sự hiện hữu nếu có phải được chứng minh qua duy vật biện chứng. Trên căn bản đó, con người khi chết là hết. Không hề có cái gọi là linh hồn, cõi sau, thiên đàng, hay địa ngục. Mọi niềm tin khác với những khẳng định đó đều bị xem là lạc hậu, là thuốc phiện hay công cụ cai trị của chế độ phong kiến.

Vậy giải thích thế nào về hàng ngũ cán bộ đang ùn ùn đi kiếm thần thánh, tâm linh?

Hiển nhiên tại Việt Nam chẳng có thống kê tâm lý nào cho hiện tượng này. Tuy nhiên, nếu lắng nghe đủ các phát biểu, cả công khai lẫn riêng tư trong vòng bạn bè, cả lời nói lẫn bài viết và hành động, người ta có thể liệt kê ít là 4 loại lý giải sau đây:

1. Khô cằn tình người.

Phải thừa nhận, dưới mọi chế độ CS, tình người đều khô cằn so với thế giới còn lại. Nhưng trong lòng những con người CS thuần thành thì tình người lại càng là những sa mạc.

- Sau 7 thập niên thay thế nhiều loại tình nghĩa con người bằng "tình yêu giai cấp", người CSVN nay đối diện một thứ tình ảo tưởng, hoàn toàn không có đối tượng. Họ nhận ra các ông tổ cộng sản chẳng có ông nào chịu làm công nông cả mà chỉ mượn danh nghĩa và bắp thịt giai cấp công nông để lên nắm quyền. Sau đó, con cháu họ cũng chẳng dại gì mà làm nông dân hay công nhân. Và đến nay, giới tư bản đỏ chỉ còn xem công nông như những nguồn rắc rối, những thùng thuốc pháo chực nổ, những kẻ phản động dự khuyết. Tóm lại, các quan hệ tình nghĩa con người bị thay thế bằng con số không của tình giai cấp.

- Tình cảm gia đình của những người CS cũng khô xác xơ từ lâu. Đa số giới cán bộ trung và cao cấp hiện này đều trải qua cái thời mà chuyện vợ chồng là do "tập thể xây dựng cho". Nghĩa là tập thể đã sắp xếp để không nhập nhằng giữa máu cách mạng với các loại máu địa chủ, tư bản, hay ngay cả tiểu tư sản. Trên căn bản đó, khó mà có chuyện yêu thương giữa vợ chồng. Sau đó là những năm tháng cha mẹ cũng không dám thố lộ suy nghĩ với đám con "cháu ngoan bác Hồ" của mình vì sợ lọt đến tai đoàn, đảng, và cơ quan. Ngay cả vợ chồng cũng không dám nói hết với nhau vì sợ lộ ra "suy thoái quan điểm lập trường". Tình gia đình chỉ là khế ước sống chung hộ.

Chính sự cô đơn và khao khát tình thân, đặc biệt lúc càng gần cuối đời, đang thúc đẩy nhiều cán bộ tìm đến những đấng yêu thương vô điều kiện trong các tôn giáo.

2. Nếm mùi bất lực trước bấp bênh cuộc đời.

Hệ thống tranh giành quyền lực liên tục và ngày càng kịch liệt giữa các phe phái trong đảng luôn sản sinh thêm "phe thua". Trong những năm gần đây, khó còn có thể cậy dựa vào ô dù nào tuyệt đối. Mưa bão trước sau gì cũng đến. Cảnh lên voi xuống chó như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Vũ nhôm, ... cứ nhân rộng dần. Tình trạng bấp bênh đó khiến nhiều cán bộ hối hả đi mua "bảo hiểm", mua "sự phù hộ" của thần thánh.

Bên cạnh đó là loại bấp bênh khác của giới cán bộ lớn tuổi. Sau bao nhiêu năm tin tưởng sức mạnh con người là vô địch, không có thần thánh nào sánh nổi, thì nay trước bóng dáng sự chết đang tới dần, họ mới thấy mình quá bé nhỏ, bất lực, chới với. Những thứ họ dùng làm chỗ dựa vững chắc xưa nay, như số đàn anh phía trên và dàn đàn em phía dưới, khối quyền lực trong tay, khối gia tài đã cất giấu kỹ lưỡng đều vô ích trước thần chết. Sự bất lực bỗng trở thành nỗi run sợ. Sợ đến cốt lõi. Sợ đến độ quên luôn những điều họ đã khẳng định cả đời, như bác Hồ bỗng nhiên bật ra câu "sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin". Nhưng khác với thời bác Hồ, thời nay đảng đã làm ngơ cho cán bộ đi kiếm thần thánh, kiếm tâm linh chuẩn bị cho "đời sau" sớm hơn nhiều.

3. Quá sợ các món nợ phải trả nơi cõi âm:

Trong hệ thống cai trị của các đảng CS, có thể nói cán bộ nào leo được lên càng cao thì số nạn nhân bên dưới họ chất đống càng nhiều, không chỉ dân chúng mà còn cả các đồng chí của họ nữa. Thí dụ điển hình như những hung thần Đỗ Mười trong thời kỳ "cải tạo" miền Nam, Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu trên đất Campuchia thời kỳ 10 năm chiếm đóng, ...

Nay đến gần cửa chết, họ đều sợ những oan hồn đang chờ họ ở thế giới bên kia, nơi mà mọi của cải, quyền lực đều phải bỏ lại, ngoại trừ cái hồ sơ cá nhân phải đem theo.

Đó là động cơ khiến nhiều cán bộ hối hả cúng chùa, xây khu tâm linh, ... như một kiểu xí xóa nợ, nộp dương đức để trừ âm nghiệp.

4. Quá ân hận về quá khứ của mình.

Phải thừa nhận có nhiều cán bộ như ông Nguyễn Hộ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Tướng Trần Độ, ... đến cuối đời đã thực sự hối hận. Họ nhìn lại đời mình, đời con cháu mình, kể cả nhìn lại con cháu của các nạn nhân của mình mà đau lòng. Và càng đau lòng hơn khi không còn có thể làm gì để sửa lại các hậu quả do chính mình góp phần tạo ra.

Chính sự đau lòng đó đã khiến loại cán bộ này tìm đến Trời Phật để sám hối, để cầu nguyện cho các nạn nhân của họ.

* * *

Không chỉ 4 loại cá nhân cán bộ hướng đến tâm linh nêu trên đang gia tăng, mà ngay cả tập thể lãnh đạo đảng cũng đang cố tình làm ngơ cho các nhóm "Đạo bác Hồ", cho đưa tượng "bồ tát HCM" vào các chùa do Nhà nước trụ trì, và ngay cả đưa đội U23 đến "báo công" cho bác Hồ nghe.

Nhìn tổng thể, chưa bao giờ Chủ nghĩa CS tại Việt Nam lại rỗng ruột như hiện nay. Các loại lợi ích đặc thù của chế độ CS như giáo dục miễn phí, y tế miễn phí đều đã biến mất. Loại quan hệ sản xuất đặc thù của chế độ đã được thay bằng loại kinh tế tư bản mà CNCS thề sẽ tiêu diệt. Giai cấp công nông, nền tảng của CNCS, đã bị bán đứt cho giai cấp tư bản chủ hãng cả trong và ngoài nước từ lâu. Và nay cả quan điểm vô thần, duy vật cũng đang bị từ cá nhân cán bộ đến tập thể lãnh đạo vất bỏ.

Chỉ còn một sợi xích cuối cùng nếu cắt bỏ được thì cả dân tộc sẽ chính thức trả cái cùm CNCS về với lịch sử để nhập vào thế giới văn minh. Đó là hệ thống công an.

Trong những ngày linh thiêng đầu năm Mậu Tuất, có lẽ đây là điều cả dân tộc chúng ta, kể cả các cán bộ công an mọi cấp, nên thành khẩn cầu xin.

(Nguồn: Dân Luận) https://www.danluan.org/tin-tuc/20180214/lan-song-can-bo-khao-khat-tam-linh

22 February 2018

Nhà nước giám sát của Trung Quốc đe dọa từng người dân

Anna Mitchell & Larry Diamond
Phạm Nguyên Trường dịch
Hãy thử xem một nhà nước kiểm soát người dân đến tận từng lỗ chân lông như thế mà tên cầm đầu lại có tham vọng sẽ đuổi kịp và vượt qua Mỹ để trở thành kẻ đưa ra những chuẩn mực cho nhân loại noi theo thì sẽ như thế nào? Hắn tưởng thế giới này chỉ rặt những bầy cừu mà các loại chủ chăn tay vấy đầy máu dân chúng, đầu đặc quánh những nguyên lý bạo lực và chuyên chính của họ Mao họ Xít, có thể tha hồ muốn làm gì thì làm sao? Nói thật, cái gã họ Tập này tuy cũng có thớ đấy nhưng y chưa học được một phần nghìn túi khôn của loài người tích lũy trong hàng vạn năm nay đâu. Những ý tưởng gọi là tốt đẹp mà y rêu rao chỉ đủ lót đường cho y nhanh chóng xuống gặp “bác Mao đồ tể” mà y đang phất cờ nối gót thôi. Xem ra cái ngón “thao quang dưỡng hối” của Đặng còn đứng trên y đến một cái đầu. Bauxite Việt Nam

Trung Quốc đang hoàn thiện mạng lưới gián điệp kỹ thuật số cực kì rộng lớn, coi đấy là phương tiện kiểm soát xã hội – đang gây ra những ảnh hưởng đối với chế độ dân chủ trên toàn cầu.

Hãy tưởng tượng một xã hội, trong đó bạn bị Chính phủ đánh giá về mức độ đáng tin của bạn. “Điểm số công dân” của bạn đồng hành cùng bạn mọi lúc, mọi nơi. Điểm số cao cho phép bạn truy cập vào dịch vụ internet tốc độ cao hơn hoặc được cấp chiếu khán tới châu Âu nhanh chóng hơn. Nhưng nếu bạn đăng trực tuyến những bài viết mang tính chính trị mà chưa được phép, hoặc chưa hỏi hay trái ngược với quan điểm của Chính phủ về những sự kiện đang diễn ra, thì điểm số của bạn sẽ giảm. Để tính toán điểm số, các công ty tư nhân làm việc cho Chính phủ liên tục rà soát số lượng lớn các phương tiện truyền thông xã hội và dữ liệu mua sắm trực tuyến của bạn.

Vừa bước chân ra ngoài là hành động của bạn liền bị đưa vào mạng lưới săn lùng tội phạm: Bằng các Video Camera đặt trên từng con phố và khắp thành phố, Chính phủ thu thập một lượng thông tin khổng lồ. Nếu bạn phạm tội – hay chỉ đơn giản là qua đường một cách thiếu thận trọng – chương trình nhận dạng sẽ so sánh khuôn mặt của bạn với ảnh của bạn trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân quốc gia. Chẳng bao lâu sau cảnh sát sẽ xuất hiện trước cửa nhà bạn.

Đây dường như là xã hội không-tưởng-đen (dystopia), nhưng nó không ở quá xa: Đấy có thể là Trung Quốc trong vài năm tới. Nước này đang chạy đua để trở thành nước đầu tiên áp dụng hệ thống giám sát thuật toán rộng khắp. Sử dụng những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khai thác và lưu trữ dữ liệu nhằm xây dựng hồ sơ chi tiết về tất cả các công dân, nhà nước cộng sản Trung Quốc tính “điểm công dân” nhằm khuyến khích những hành vi “tốt”. Mạng lưới camera giám sát khổng lồ sẽ liên tục theo dõi việc đi lại của người dân, được cho là sẽ làm giảm tội ác và nạn khủng bố. Trong khi con mắt theo dõi mở trừng trừng theo kiểu Orwell [ý nói đôi mắt theo dõi trong tác phẩm 1984 của Orwell – ND] có thể cải thiện “mức độ an ninh công cộng”, nó cũng là mối đe dọa lạnh lùng đối với các quyền tự do dân sự ở đất nước với một trong những chính phủ áp chế và kiểm soát gay gắt nhất thế giới.

Hệ thống giám sát kĩ thuật số đang phát triển của Trung Quốc sẽ dựa vào các cơ quan an ninh của đảng cộng sản để lọc, thu thập và phân tích một số lượng dữ liệu có thể làm người ta choáng váng, được truyền qua internet. Để biện hộ cho các biện pháp kiểm soát nhân danh an ninh quốc gia và ổn định xã hội, ban đầu Trung Quốc dự định phát triển hệ thống giám sát “Golden Shield”, tạo điều kiện cho các cơ quan an ninh dễ dàng truy cập vào hồ sơ của từng công dân được thu thập tại địa phương, khu vực và trên toàn quốc. Dự án đầy tham vọng này chủ yếu tập trung vào Vạn lý Hỏa thành (Great Firewall), mục tiêu là ngăn chặn các trang web của nước ngoài, trong đó có Google, Facebook và The New York Times. Theo Freedom House, Trung Quốc là nước có mức độ tự do internet thấp nhất thế giới. Giờ đây, cuối cùng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống thu thập dữ liệu đa dạng, phong phú mà họ đã mơ ước trong suốt hàng chục năm.

Trong khi Chính phủ Trung Quốc từng kiểm tra kỹ lưỡng bằng chứng về sự phản bội chế độ của từng công dân trong suốt một thời gian dài, thì bây giờ họ mới bắt đầu xây dựng bộ hồ sơ toàn diện, liên tục được cập nhật và chi tiết về quan điểm chính trị, những lời bình luận, giao thiệp của từng công dân và thậm chí là thói quen của người tiêu dùng nữa. Hệ thống về mức độ tin cậy xã hội đang được phát triển sẽ hợp nhất các hồ sơ từ các công ty tư nhân và các cơ quan chính phủ vào “điểm số công dân” duy nhất cho từng người dân Trung Quốc. Trong kế hoạch tổng thể năm 2014, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra mục tiêu là “giữ vững niềm tin và những ràng buộc nhằm chống lại việc phá hoại niềm tin”. Mặc dù, hiện nay, đây là hệ thống tự nguyện, nhưng năm 2020 nó sẽ trở thành bắt buộc. Hiện 100.000 người Trung Quốc đã đăng điểm số cao trên mạng xã hội “Sesame Credit” do Alibaba điều hành – đây là mạng tiên phong trong khu vực tư nhân sẽ kết nối với hệ thống của chính phủ. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ này tuyên bố rằng ứng dụng của họ chỉ theo dõi hoạt động tài chính và tín dụng của người sử dụng, nhưng hứa sẽ có “đánh giá toàn diện về người sử dụng”. Không khó tưởng tượng rằng chẳng bao lâu nữa nhiều người Trung Quốc sẽ khoe khoang về điểm số của mình.

Mặc dù vẫn chưa rõ những dữ liệu nào sẽ được xem xét, nhưng các nhà bình luận đã bàn rằng phạm vi của hệ thống sẽ rộng lớn đến mức có thể làm người ta lo ngại. Điểm “mức độ tin cậy của công dân” có khả năng ​​sẽ cân nhắc nhiều dữ liệu hơn hẳn điểm số Fico ở phương Tây, tức là điểm số giúp những người cho vay đưa ra quyết định nhanh chóng và đáng tin về việc có cho vay thêm hay không. Trong khi hệ thống Fico chỉ đơn giản là theo dõi xem bạn đã trả nợ và có quản lý hiệu quả vốn liếng của mình hay không, thì các chuyên gia về Trung Quốc và chuyên gia về quyền riêng tư trên Internet nói rằng – dựa trên số lượng lớn các dữ liệu về mua sắm trực tuyến do chính phủ khai thác được, mà không thèm quan tâm tới quyền riêng tư của người tiêu dùng – điểm số tin cậy của bạn có thể gia tăng nếu bạn mua món hàng mà chế độ thích – ví dụ, tã lót và giảm nếu bạn mua những thứ mà chế độ không thích, như trò chơi điện tử hay rượu. Ngoài lĩnh vực mua sắm trực tuyến, việc tham gia vào chính trị của bạn cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến điểm số của bạn: Đăng các ý kiến ​​chính trị mà chưa được phép hay đưa những tin tức chính xác, nhưng chính phủ Trung Quốc không thích, có thể làm giảm điểm của bạn.

Đáng lo ngại hơn nữa là, về mặt kĩ thuật, Chính phủ sẽ có thể cân nhắc hành vi của những người bạn và người thân của công dân Trung Quốc trong khi cho điểm họ. Ví dụ, một bài viết mang tính chống chính phủ về mặt chính trị của người bạn của bạn có thể làm giảm điểm của chính bạn. Do đó, hệ thống chấm điểm có thể cô lập các nhà bất đồng chính kiến, không cho họ tiếp xúc với bạn bè và phần còn lại của xã hội, biến họ thành những người sống bên lề xã hội. Điểm của bạn thậm chí có thể quyết định quyền tiếp cận của bạn đối với một số quyền lợi mà ở Mỹ được coi là đương nhiên, ví dụ, chiếu khán để đi du lịch ra nước ngoài hay thậm chí là quyền đi lại bằng tàu hỏa hoặc máy bay ở trong nước. Một chuyên gia về bảo mật Internet cảnh báo: “Việc Trung Quốc đang làm là giáo dục theo lối chọn lọc dân chúng để họ phản ứng tiêu cực đối với tư duy mang tính phê phán và độc lập”.

Trong lúc người phương Tây và đặc biệt là các nhóm ủng hộ quyền tự do dân sự như ACLU (American Civil Liberties Union – Liên minh bảo vệ quyền tự do dân sự Mỹ) cảm thấy choáng váng trước viễn cảnh đó – một nhà bình luận gọi khả năng này là “chủ nghĩa độc tài, đã biến thành trò chơi” – một số người khác thì khẳng định rằng, thiếu vắng niềm tin là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, cho nên nhiều người Trung Quốc hoan nghênh hệ thống này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát trên cơ sở dữ liệu, do nhà nước điều hành, được Đảng khuyến khích, đặt ra trước phương Tây những vấn đề sâu sắc về vai trò của các công ty tư nhân trong việc giám sát của Chính phủ. Việc các công ty tư nhân giúp đỡ trong việc giám sát quần chúng và chuyển dữ liệu của họ cho Chính phủ có phải là hành động đạo đức hay không? Alibaba (công ty Trung Quốc tương tự như Amazon) và Tencent (chủ sở hữu chương trình tin nhắn WeChat được nhiều người sử dụng) có dữ liệu về từng người Trung Quốc mà Chính phủ sẽ khai thác để tính điểm. Mặc dù hiện nay người ta đã yêu cầu các công ty Trung Quốc giúp đỡ trong việc theo dõi, còn các công ty Mỹ thì không, nhưng có thể tưởng tượng Amazon nằm ở vị trí của Alibaba, hay Facebook ở vị trí của Tencent. Mặc dù các công ty tư nhân, như các văn phòng chấm điểm tín dụng, luôn sử dụng dữ liệu nhằm đánh giá mức độ tin cậy của người tiêu dùng, trong những xã hội tử tế người ta phải phân biệt rõ giữa cơ chế chấm điểm của khu vực tư nhân và khu vực công, tức là khu vực có thể quyết định quyền tiếp cận các quyền và các đặc quyền của công dân.

Hệ thống đánh giá độ tin cậy dựa trên dữ liệu chỉ là một mặt của hệ thống giám sát kĩ thuật số đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Mạng lưới khác: dựa vào công nghệ đang mở rộng khắp nơi, đặc biệt là các camera giám sát, để theo dõi việc đi lại của người dân. Năm 2015, lực lượng cảnh sát quốc gia Trung Quốc – Bộ Công an – đã kêu gọi thành lập “mạng lưới giám sát video quốc gia có mặt khắp nơi, kết nối liên hoàn, lúc nào cũng nằm dưới quyền kiểm soát”. Bộ Công an và các cơ quan khác tuyên bố rằng lực lượng thực thi pháp luật phải sử dụng công nghệ nhận dạng nét mặt, kết hợp với các máy quay video để bắt những người vi phạm pháp luật. Theo ước tính của IHS Markit (Information Handling Services Markit – công ty chuyên cung cấp thông tin và phân tích), hiện Trung Quốc có 176 triệu camera, kế hoạch là năm 2020 sẽ có 450 triệu chiếc được lắp đặt khắp nơi. Theo Văn phòng An toàn Công cộng Bắc Kinh (Beijing Public Safety Bureau), 100% dân chúng Bắc Kinh hiện đã nằm trong tầm giám sát của hệ thống camera này.

Mục tiêu đề ra của hệ thống này là bắt và ngăn chặn bọn tội phạm. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những nguy cơ to lớn và hiển nhiên đối với quyền riêng tư và một ít quyền tự do mà công dân Trung Quốc đã giành được từ thời Mao. Hình phạt đối với các tội ác nhỏ dường như không hợp lý: Các nhà chức trách ở Phúc Châu công bố trên các phương tiện truyền thông địa phương tên của những người sang đường một cách thiếu thận trong và thậm chí còn gửi cho những người đang thuê họ. Nhưng, đáng lo ngại hơn là những người có quan hệ với các nhà bất đồng chính kiến ​​hoặc những người chỉ trích, tức là người lan truyền những bản kiến ​​nghị hay tung ra biểu tượng phản đối hay chỉ đơn giản là vô tình có mặt tại địa điểm và thời điểm không nên có mặt ớ đó, cũng bị trừng phạt. Do đó, việc cài đặt giúp chính phủ bộ máy có thể nhìn thấy hết làm cho những người bảo vệ quyền tự do dân sự và quyền riêng tư trên toàn thế giới lo ngại. Chính phủ Trung Quốc đã thường xuyên theo dõi điện thoại di động và các phương tiện truyền thông xã hội của các nhà hoạt động nhân quyền nhân danh “giữ vững ổn định”. Hệ thống giám sát bằng video sẽ cho phép giám sát một cách sâu rộng và triệt để hơn nữa. Đưa công khai những đoạn băng lên mạng đe doạ quyền riêng tư của mọi người dân: Một người hàng xóm bận rộn có thể dễ dàng theo dõi các hoạt động của gia đình bên cạnh khi họ làm việc vặt hoặc đi nghỉ.

Các thí nghiệm của Trung Quốc với việc giám sát công nghệ số tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng mới đối với tự do ngôn luận trên internet và các quyền con người khác ở Trung Quốc. Ngày càng có nhiều công dân phải kiềm chế việc thể hiện một cách độc lập hoặc phê phán vì sợ dữ liệu hoặc việc đi lại của mình bị Chính phủ ghi lại và trừng phạt. Và đó chính là mục đích của chương trình này. Hơn nữa, những hiện tượng xuất hiện ở Trung Quốc sẽ không chỉ nằm mãi ở Trung Quốc. Công nghệ đàn áp của nước này có thể lan sang các chế độ độc tài khác trên khắp thế giới. Vì thế – chưa nói tới sự lo lắng cho hàng trăm triệu người ở Trung Quốc mà quyền tự do ít ỏi của họ sẽ bị teo đi – các chế độ dân chủ trên toàn thế giới phải theo dõi và tố cáo những hành động nham hiểm đang trượt dần tới cái thế giới mà Orwell đã mô tả.

Anna Mitchell là nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu ở Stanford University. Larry Diamond là công tác viên cao cấp ở Hoover Institution và ở Stanford University.

Nguồn: The Atlantic
Theo Bauxite Việt Nam

21 February 2018

CHIA BUỒN


Được tin dữ, Hiền Thê của Lão Hữu Nguyễn Văn Đặng,


Chị CAO THỊ TUẤN CHÂU
vừa mệnh chung ngày 20 Tháng 2 Năm 2018
tại Seattle, Washington State
Hưởng thọ 78 tuổi.

Xin chân thành chia buồn cùng Lão Hữu Nguyễn Văn Đặng và Các Cháu
Nguyện cầu hương linh Chị TUẤN CHÂU sớm về Cõi Vĩnh Hằng

Toàn Thể Đồng Môn Khóa 8 Đốc Sự
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sàigòn

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Câu Hỏi Đầu Năm



Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam
Cũng vầng trán rộng thênh thang
Y như trán Bác mênh mang đất trời


Trần Đăng Khoa
.

Những câu vè thượng dẫn xuất hiện vào cuối thập niên 60 (của thế kỷ trước) khi tác giả còn được vinh danh là thần đồng thơ, và là “người phát ngôn cho thế hệ trẻ em thời chiến.” Thời chiến rồi qua. Thời gian, cũng như thời thế – tiếc thay – lại không đứng về phía ông Trần Đăng Khoa và ông Lê Nin nên (dần dà) từ vỉa hè Hà Nội lại phát sinh ra những câu đồng dao mới:
Ông Lê Nin ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này
Ông vênh mặt, ông chỉ tay:
Tự do hạnh phúc chúng mày còn xa
Kìa xem gương của nước Nga
Bảy mươi năm lẻ có ra đếch gì!
Khi mà thành quả của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười chả “ra đếch gì” thì phần số cha đẻ của nó – tất nhiên – cũng phải rơi vào cảnh truân chuyên:

Đang trên Quảng Trường Đỏ ở Moscow, tôi chựng người lại khi bắt gặp một hình dáng người rất quen mà không thể nhớ liền được là ai? Người đàn ông thấp người, mặc bộ đồ đại lễ, đầu đội chiếc mũ kếp pi – tất cả cùng màu đen, đút tay vào túi quần với khuôn mặt trầm tư…

Bắt gặp cái nhìn của du khách, ông liền nở nụ cười, giơ tay vẫy vẫy mời chào: “Chụp hình kỷ niệm đi. Chỉ 100 rub thôi, hay $2 đô la Mỹ cũng được!”

Tôi vừa lắc đầu vừa phá lên cười vì nhận ra người “quen quen” ấy: Lenin. Hiển nhiên, chính xác hơn, là người đóng vai Lenin... Trong thời gian lang thang xung quanh điện Kremlin, tôi còn gặp mấy “Lenin” nữa, cũng đang mời chào du khách chụp hình...

Tôi bỗng nhớ lại thời điểm đứng ở Quảng Trường Đỏ, vỗ vai nói với người đóng giả Lenin: “Nếu không có Lenin thật thì anh đã không phải làm Lenin giả để kiếm sống như vầy. Nước Nga xứng đáng nhiều lần hơn thế này. (Phương Đoàn – “Nước Nga ‘Gồng Mình’ Để Tồn Tại,” Người Việt 12/23/2015).

Tác giả của đoạn văn thượng dẫn, xem chừng, không có mấy thiện cảm với Lê Nin (thật) và tôi e là ông hơi chủ quan khi đánh giá quá thấp về nhân vật này. Tuy Lê Nin phải lê la kiếm ăn ngay tại Moscova (và bị đập mẻ đầu, vỡ trán ở nhiều nơi khác) nhưng di sản của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười vẫn còn được giới lãnh đạo Việt Nam vô cùng tôn trọng và sùng kính – theo như tin loan của báo Nhân Dân, số ra ngày  05 tháng 11 năm 2017:

Sáng 5-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2017)... Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cách mạng Tháng Mười Nga đã “làm rung chuyển thế giới” phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại.… đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga…

Thế nước Nga của “kỷ nguyên mới” hiện nay ra sao?


Xin xem tiếp tường trình của nhà báo Phương Đoàn, từ Moscova:

Một điểm đặc biệt của chợ trời Nga là bày bán rất nhiều những gì thuộc về “tàn tích, tàn dư” thời Xô Viết. Chân dung các lãnh tụ Cộng Sản như Lenin, Kark Marx… nằm la liệt giữa những đống xoong nồi lủng củng, giữa đám đất lầm bụi… khiến người xem thoáng có những suy tưởng so sánh chua xót, mỉa mai và hài hước về lý tưởng cao xa và thực tế trần trụi. Những lá cờ nhung màu đỏ thêu chỉ vàng ca ngợi về những thành quả của Chủ Nghĩa Xã Hội với những câu khẩu hiệu đanh thép, tự tin về sự bất diệt của Marx-Lenin… giờ nằm lăn lóc trên các tấm ni lông sơ sài đặt trên mặt đất. Một quá khứ đầy hoang tưởng.


Lê Nin giữa chợ trời cùng xoong chảo. Ảnh: Phương Đoàn

Thảo nào mà giới lãnh đạo CSVN hay bị mắng mỏ là cái đám chuyên … “ăn mày dĩ vãng!” Khi mà tương lai rất mịt mờ, và hiện tại đang vô cùng rất bấp bênh thì xoay ra đi ăn mày dĩ vãng – theo thiển kiến – cũng là một cách mưu sinh có thể thông hiểu và thông cảm được.

Chỉ có điều đáng nói là họ đã đi quá xa khi giong cờ, nổi trống, linh đình kỷ niệm chiến thắng 50 năm tổng tiến công xuân Mậu Thân, vào ngày 31 tháng 1 năm 2018 vừa qua. Cái thói quen “ăn mày” khiến họ có khả năng “ăn mừng” ngay giữa lúc quốc tang.

–       Hoàng Phủ Ngọc Tường: Với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.

–       Mạnh Kim: Mậu Thân là chiến trường khốn nạn nhất trong cuộc chiến Việt Nam.

–       Chế Lan Viên: Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng/
Chỉ một đêm, còn sống có 30.

–       Song Chi: Việc ăn mừng sự kiện Mậu Thân chứng tỏ đảng cộng sản hoàn toàn không thay đổi từ nhận thức đến thái độ, hành động và hoàn toàn “thất nhân tâm” đối với đại đa số người dân Việt ở cả hai miền, trong và ngoài nước.

–       Lê Công Định: “Tôi thấy thật sự là vô lương tâm và không thể hiện lương tri của con người bình thường, cho thấy họ không hoàn toàn có một ý định nào gọi là hòa giải và hòa hợp dân tộc cả.

–       Phạm Trần: Ăn Tết bằng xương máu Mậu Thân thì hòa giải, hòa hợp với ai?

–       Ngô Nhân Dụng: Tổ chức kỷ niệm Tết Mậu Thân là Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng Sản đã thách thức người dân Việt khắp nước!

Sau thách thức Mậu Thân lại đến thách thức xây nghĩa trang ngàn tỷ. Trang BBC nhận định là nhà đương cuộc Hà Nội đã khiến cho …dư luận dậy sóng:

 Nguyễn Thị Hậu: Sao lo cho người sẽ chết “an nghỉ” mà lại làm người sống không thể “an cư”?

Trương Huy San: Một chính thể giành được chính quyền bởi những người theo ý tưởng “thế giới đại đồng”, không lẽ, từ tem phiếu đến “nơi an nghỉ” đều phân chia đẳng cấp.

Trương Duy Nhất: Khốn nạn hơn vạn lần khốn nạn ở chỗ: Nó qui hoạch cho cả vợ/chồng, khi chết cũng được vào đây, bất kể vợ/chồng họ là ai làm gì. Nhiều người chưa chết, đã nghe thiên hạ đào mồ cuốc mả rồi.

Nhân Thế Hoàng: Tiền thuế của dân mà nó làm như của cha của mẹ nó để lại, muốn xài sao thì xài.

Dư luận, trong cũng như ngoài nước, cứ tha hồ mà dậy sóng. Sóng gió trong những tách nước trà nào có ảnh hưởng chi đâu. Giới lãnh đạo CSVN (chắc chắn) sẽ còn tạo ra nhiều thách thức ngang ngược và bạo ngược khác nữa, trong những ngày tháng tới, như họ đã từng làm từ hơn hai phần ba thế kỷ qua. Câu hỏi đặt ra là dân tộc này sẽ còn cam chịu để cứ bị tiếp tục “thách thức” thêm bao lâu nữa?

Tưởng Năng Tiến


Nguồn: Việt Báo (Hoa Kỳ)

Nhật Bản thuê cả máy bay riêng để trục xuất hàng chục người về Việt Nam ngay tức khắc


Quá bức xúc vì số người từ VN sang Nhật Bản gây rối, ăn cướp, ăn trộm… ngày một đông, chính phủ Nhật Bản thuê cả máy bay riêng để trục xuất những người này về Việt Nam ngay tức khắc.

Bộ Tư pháp Nhật Bản công bố vào ngày 8 tháng 2 rằng, 47 nam giới và nữ giới người Việt Nam đã bị cưỡng chế đưa về nước bằng máy bay thuê riêng.

Được biết, việc cưỡng chế về nước bằng máy bay thuê riêng được bắt đầu từ năm 2013 và đây là lần thứ 7.

Sau khi thông tin này được đăng tải đã có rất nhiều người Nhật bức xúc gửi phản hồi trên trang Yahoo New của Nhật rằng:

– Chi phí thuê máy bay này là nước Nhật phải chịu ah? Đây là tiền thuế của dân??!

– Có thể gửi về theo máy bay vận chuyển bình thường, việc gì phải thuê máy bay riêng?! Có nhiều người còn bảo rằng: Cho lên tầu gửi theo đường biển cũng được không cần phải gửi về theo đường hàng không!!

Theo thống kê mới nhất của cảnh sát Nhật thì số người ngước ngoài ở Nhật nhiều nhất là Trung Quốc, đứng thứ 2 là Việt Nam. Nhưng trong những năm gần đây số người Việt Nam phạm tội đã nhiều hơn người Trung Quốc với chiều hướng tăng mạnh.

(Theo Blog CHÂU XUÂN NGUYỄN)

13 February 2018

BI KHÚC HƯƠNG GIANG


BI KHÚC HƯƠNG GIANG

Nhang chưa tàn trên bàn thờ ngày Tết
Tiếng cười vui ngày sum họp chưa đầy
Dặm vạn đường con cháu về chưa hết
Mà khăn tang ai xé vội chốn này

Đêm sông Hương tiếng hò nghe đẫm lệ
Nhịp chén sầu cung bậc nấc giòng châu
Tà áo nhung giờ phủ quanh thân Mệ
Chỉ bộ xương và cát lấp mất đầu

Áo học trò sao thành màu tang trắng
Khăn sô nào lau hết giọt lệ Cha
Giòng Hương Giang rũ rượi tàn con nắng
Mạ của em lặng lẽ khóc chiều tà

Mậu Thân đó, trang sử nào giặc viết
Nỗi kinh hoàng nhân loại có biết chăng?
Hố chôn người: Mồ của nghìn oan nghiệt
Bi khúc ơi, giờ sóng dậy đất bằng

Và từ đó nước sông Hương mằn mặn
Lời Huế ru nghe tê dại cõi lòng
Năm mươi năm lệ từng đêm câm lặng
Hòa với sông thành oan khuất một dòng …

Như Thương
(Tưởng niệm 50 năm Mậu Thân)

Sài Gòn trước Tết: Những giọt mồ hôi sau đóa hoa


Chợt nổi hứng hai vợ chồng đèo nhau đi một góc Sài Gòn để xem thiên hạ đón tết.

Tránh không ra quận 1, vì nơi đây mọi thứ đầy những hoa hòe hoa sói, đèn đuốc lòe loẹt, khẩu hiệu mụ mị. Chỉ muốn mục kích cảnh những người một nắng hai sương chăm sóc hoa cảnh quanh năm cầu mưu sinh trong viễn cảnh kinh tế ngày một bết bát, tầng lớp đại đa số dưới đáy xã hội mong gì phú quý sinh lễ nghĩa.

Tự nhận thấy mình có lỗi khi chỉ ghé qua chụp vài tấm hình rồi bỏ đi săn ảnh khác: ai vất vả trồng bông hoa, săn sóc, chuyên chở đến nơi bán, dựng lều chõng, chong đèn đêm lạnh canh hoa để đa số khách đến ngắm hơn là mua. Vừa tình cờ xem một video clip, trong đó người bán hoa giận dữ đập nát hết cả hoa lẫn chậu của mình để bọn hôi của rắp tâm không mua, dù với giá rẻ như bèo, kiên nhẫn đợi đến đêm 30 tết khi người bán không bán được phải bỏ của chạy lấy thân, thế là mỗi người ôm một chậu về nhà chưng tết không phải bỏ tiền ra mua!

Ý thức tha nhân của người Việt mình bây giờ gần như triệt tiêu khi phải sống chung với dối trá đã quá lâu, không còn kỳ vọng phục hồi được dân tộc tính nhân bản nữa rồi.

Chúc mọi người bên ấy luôn đầy đủ sức khỏe, đầy ắp cảm hứng với bút, với cọ và duy trì TTR bền vững.

Người Sài-Gòn
10 tháng 2, 2018

12 February 2018

Tin, hình ảnh, Hội Chợ Tết Cộng Đồng Toronto & Phụ Cận



Hội chợ Tết của Cộng Đồng để mừng Xuân Mậu Tuất đã diễn ra tốt đẹp vào ngày Chúa nhật 4 tháng 2, 2018 vừa qua tại International Centre, Mississauga.

Các đại diện tôn giáo, hội đoàn, truyền thông, các quan khách ngoại quốc & quý đồng hương đã tham dự Hội chợ Tết rất đông, con số phỏng chừng khoảng 6000 người, trong đó có gần 200 em thiện nguyện viên, sinh viên trẻ đến giúp các công việc trong hội chợ.

Nhiều quan khách chính phủ đã tới hoặc gởi thư, video chúc mừng. Đặc biệt ông bộ trưởng Steven Del Duca, Ontario Minister of Economic Development and Growth, trong phần phát biểu tại Hội Chợ đã hứa là chính phủ Ontario sẽ tích cực làm việc với Làng Dưỡng Lão để có thể giúp xây dựng nhà dưỡng lão cho cộng đồng chúng ta‎ trong thời gian ngắn sắp đến.  Đây là một tin thật tích cực cho quý vị cao niên trong cộng đồng.

Bà Chris Fonseca, Mississauga Ward 3 Councillor cũng xác nhận là thành phố Mississauga rất hoan nghênh cộng đồng VIỆT NAM, đã chấp thuận và sẽ làm việc với Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân trong công tác xây dựng Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trong khu vực Dixie & Bloor‎ để dự án mau thành hình.

Nhóm Họa Sĩ Nam Nam California tổ chức triển lãm


Cuộc triển lãm được tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Chùa Bảo Quang tọa lạc tại 713 N. Newhope St., Santa Ana, CA 92703 bắt đầu từ ngày February 14, 2018 đến hết ngày February 19, 2018 (tức là từ 29 Tết đến hết mồng 4 Tết).

 Khai mạc phòng tranh vào sáng Thứ Sáu February 16, 2018
(tức mồng 1 Tết) lúc 10 giờ sáng. Phòng tranh mở cửa từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày.

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc: Chính Mung (714) 360-8150."
(Xin xem Poster và Thiệp Mời trong attached dưới đây)

Nhóm Họa Sĩ Nam Cali gồm 14 Họa Sĩ & Điêu Khắc Gia:  Ái Lan - Bảo Trâm - Biểu Trung - Chính Mung - Đặng Ngọc Sinh -  Elizabeth Nguyễn -  Kim Ngân – Lam Thủy – Lương Trường Thọ - Nguyễn Văn Bảy  – Phong Trần - Trương Đình Uyên - Vũ Dung và  Guest Artist: Thanh Trí Cao (Hòa Thượng Viện Chủ Chùa Bảo Quang Thích Quảng Thanh).

Khắc Khoải Xuân Mậu Thân 1968

Hình trên Đài truyền hình Đức quốc
Tết Mậu Thân 1968 nhìn từ một nhà văn cộng sản ở Hà Nội

Phạm Đình Trọng
Trích Về Với Dân
        
Part 3: Khắc Khoải Xuân Mậu Thân 1968

Sau năm 1975, học xong khóa I trường Viết Văn Nguyễn Du, tôi có hai năm làm việc ở Ban Ký Sự Lịch Sử Quân Sự thuộc Tổng Cục Chính Trị.
  
Ban có nhiệm vụ hoàn thành bản thảo bộ ký sự lịch sử “ Trận Đánh Ba Mươi Năm ” gồm 5 tập. Từ 1945 đến 1975, ba mươi năm chiến tranh được chia ra làm năm giai đoạn, mỗi giai đoạn là một tập sách.
  
Gần ba mươi nhà văn, nhà báo quân đội chia làm năm nhóm, mỗi nhóm hoàn thành một tập bản thảo. Tôi và nhà văn Đào Thắng được bổ xung về Ban ở giai đoạn cuối và làm tập năm do nhà văn, Thượng Tá Nam Hà làm trưởng nhóm. Gặp gỡ các tướng lĩnh, những người hoạch định các chiến dịch, những người chỉ huy những trận đánh. Đọc hồi ký của các tướng lĩnh quân đội miền Bắc, quân đội miền Nam, quân đội Mỹ. Sục vào các kho hồ sơ lưu trữ...
  
Nguồn tư liệu gốc ngổn ngang đó cho chúng tôi hình dung đầy đủ và chính xác từng chiến dịch từ cơn cớ ban đầu, đến diễn biến ở bản doanh, diễn biến ở mặt trận và giá máu phải trả. Từ đó chúng tôi cũng nhận ra những góc khuất của chiến tranh, những góc khuất của lòng người. Người háo danh, háo quyền lực đã không tiếc máu xương của hàng triệu người lính và dân lành để thỏa mãn sự háo danh đó....

Đầu năm 1967, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam, Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh mới từ mặt trận miền Nam trở ra Hà Nội đã cùng Bí Thư Thứ Nhất Ban chấp hành trung ương đảng Lao Động Việt Nam Lê Duẩn hình thành ý tưởng Xuân Mậu Thân 1968 Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa, giành thắng lợi quyết định và chỉ đạo cục Tác Chiến Bộ Tổng Tham Mưu làm kế hoạch thực hiện.
Trong mười một ủy viên Bộ Chính Trị, Tướng Giáp là người duy nhất lên tiếng không đồng tình với ý tưởng Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Xuân 1968.    

Theo ông sức mạnh chiến tranh của quân Mỹ, quân đồng minh ở Nam Việt Nam và quân đội Sài Gòn đang trên đỉnh cao với hơn nửa triệu quân Mỹ và quân đồng minh, gần một triệu quân Sài Gòn. Chưa đủ thời gian thấm đòn chiến tranh nhân dân của ta, hơn nửa triệu quân Mỹ với máy bay chuyển quân bay rợp trời, xe tăng dàn trận bò kín đất đang chủ động mở những cuộc hành quân lớn đánh vào vùng đất quân giải phóng kiểm soát. Lúc đối phương lực đang còn mạnh và thế đang lên mà dốc vốn vào tổng công kích trận cuối cùng chỉ cháy túi, kiệt vốn, tự sát. Căn cứ quân nước ngoài không đặt trong thành phố, thị xã.
   
Đánh vào tất cả thành phố, thị xã, trung tâm hành chính đông dân là nhằm vào người dân. Đẩy mức độ ác liệt của chiến tranh lên cao ngay trong thành phố là mang chết chóc đến cho dân lành và dàn mỏng lực lượng ta ra phơi mình trên địa hình trống trải, lạc lõng trong đường phố bàn cờ nhằng nhịt sẽ bị tiêu diệt đến người lính cuối cùng, chỉ tự chuốc lấy thương vong lớn, không thể có chiến thắng quyết định.

Thời điểm này chỉ nên mở cuộc tập kích chiến lược: Bất ngờ đồng loạt đánh vào tất cả các căn cứ quân Sài Gòn, quân Mỹ và đồng minh trên toàn miền Nam, cùng với tiêu hao sinh lực là đánh mạnh vào tinh thần chiến đấu của đối phương, thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đòi Chính Phủ đưa con em họ về nước, tạo ra bước ngoặt về cục diện chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn, sức mạnh của đội quân khổng lồ, sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của công sự phía đối phương được phát huy thì ta phải thu quân bảo toàn lực lượng cho những chiến dịch đánh lớn và quyết định tiếp theo....

10 February 2018

Lời tuyên bố đanh thép của Bà Cấn Thị Thêu sau khi mãn hạn tù cộng sản

Nhạc sĩ Việt Khang đã tới Hoa Kỳ

Nhạc sĩ Việt Khang, cựu tù nhân lương tâm và là tác giả các bài hát nổi tiếng như “Anh Là Ai,” “Việt Nam Tôi Đâu,” “Trả Lại Cho Dân,” vừa đến phi trường Los Angeles, California, lúc 1 giờ 20 phút chiều Thứ Năm, 8 Tháng Hai, và được đông đảo đồng hương và giới truyền thông ra đón.

“Trước hết, Việt Khang xin cảm ơn tất cả mọi người ra đón. Nhờ sự đoàn kết của đồng hương mà Việt Khang đến được nơi đây,” nhạc sĩ Việt Khang nói, ngay khi vừa đẩy xe hành lý ra khỏi khu vực chính của Tom Bradley International Terminal. “Chưa bao giờ Việt Khang đi một chuyến bay dài như lần này, gần một ngày trời, nhưng rất vui khi thấy bà con mình ra đón.”

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, nhạc sĩ Việt Khang cho biết mọi việc diễn ra tốt đẹp. Anh được tổng lãnh sự Hoa Kỳ phỏng vấn bốn hôm trước khi xuất cảnh.

Anh cũng kể, được công an hỏi thăm nhiều điều và chúc anh đi bình an.

Trong số đồng bào đến đón Việt Khang đặc biệt có nhạc sĩ Trúc Hồ cùng phái đoàn SBTN.

06 February 2018

Con Gái Núi, thơ

Con trai núi cùng quê con gái núi
đã lạc nhau đâu mà nói biệt ngàn trùng
nỡ bứng cái lòng của em xa anh
làm xôn xao cái bụng người làng

Cây cà phê sẽ giận em không thèm đeo hoa kết trái
chim Ka-lơi sẽ hờn em không thèm hót giữa lòng thung
cây Kơ-nia sẽ buồn em không cho hột cầy đập ăn
rừng Xà-nu sẽ ghét em mà rỗng ruột thân ngã dưới ngàn
Mẹ Núi sẽ ru nỗi oan uổng của anh sau lũy tre làng
nói thương anh nhiều hơn thương em gái núi

Ơi ơi H'Ri anh nhớ sương lầm gió bụi anh nhớ núi
hồn anh sẽ nương theo rừng em xõa tóc
cõng thơ anh du về nguồn cội
Yàng ơi ngày ấy anh và quá khứ
khoẻ như con trâu đang tắm dưới ao
nhanh như con cá dưới nước
như chim phí bay vút lên tầng cao
anh đóng khố
ngậm dọc tẩu thả khói trời bay
cầm xà gạc phạt đàn chướng khí
gùi trên lưng rừng thiêng lấp loáng
anh đi thăm rẫy du canh
nghe tiếng hú anh vẫn còn vọng âm qua ba sườn đồi

Chiều trôi đi hoang vu trên núi
anh bước đi lững thững xuống đồi
như ngày xưa theo em lội qua khe suối
anh lại hóa thành ba ché rượu cần Radhé, M.Nông, Djarai
ngày luồn vô buôn Dur săn nai
đêm xuyên qua Ea Nhái đốt lửa
anh sẽ nuốt điệu múa sơn cước của em
như con nưa nuốt bóng trăng ngàn

Ơi ơi H' Ri ơi em gái núi
đừng có đẩy cái lòng của em xa anh
Yàng sẽ buồn và người làng sẽ không yên cái bụng
Ơi ơi H' Ri...

phan ni tấn ​

05 February 2018

Cười tí tỉnh: Gì cũng được.

Trước đám cưới:
    Anh : Em muốn đi ăn tiệm nào ?
    Em: Tiệm nào cũng được.
    Anh: Em dễ thương quá
    Em: Dạ, em sao cũng được.

Sau đám cưới:
    Ông: Bà muốn ăn chỗ nào ?
    Bà: Tui không muốn ăn pizzza, hamburgers, tiệm Tàu. Có bao nhiêu đó mà lần nào cũng hỏi tới hòi lui, bực mình.
    Ông: Bà sao lúc nào cũng quạo quọ, khó chịu.
    Bà: Còn hơn là bị control, biểu gì nghe đó. Tui dạy mấy đứa con cháu gái là đừng để mấy thằng chồng cá chớn control mình.
    Ông: Thôi ăn cơm ở nhà đi.
    Bà: Thì ông ra ông nấu cái gì đi.

(NT)

Cuối năm về Galang

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến




Cổng vào trại tị nạn Galang. Nơi đây nay đã thành di tích. (Hình: th.boell.org)
Nghĩa Trang Galang là chứng tích của một giai đoạn lịch sử không thể xóa bỏ về một hành trình đi tìm tự do bằng mọi giá của cả triệu người Việt. (Trùng Dương)

Tôi đến Thái Lan tả tơi, ủ dột, eo xèo và bèo nhèo như một cái mền sakymen thấm nước. Vì không có thân nhân ở Hoa Kỳ, từ đây, tôi được đưa sang một trại tị nạn chuyển tiếp để chờ một hội thiện nguyện bảo trợ cho vào Mỹ.

Thế là tôi bắt đầu cuộc đời ly hương của mình bằng những ngày mưa đầu mùa ở Galang, một hòn đảo nhỏ bé, thuộc Nam Dương.

Những chiều mưa đầu mùa bao giờ cũng buồn. Những chiều mưa đầu mùa nơi đất lạ thì buồn muốn chết! Tôi cứ ngồi bó gối, nhìn những giọt nước trong veo (nương nương) chạy theo mái láng mà nhớ nhà muốn khóc.

Có hôm tạnh ráo, đi lang thang quanh đảo mãi cho đến lúc gần sẫm tối, tôi lạc vào một khu đất trống. Thoáng nghe tiếng muỗi vo ve, tôi nhìn xuống chân và hốt hoảng nhận ra là mình đang dẫm chân trên những nấm mồ của những người đã qua đời tại trại.

Giữa buổi chiều tà vắng lặng, trên một hải đảo hoang vu, cách quê nhà cả một đại dương xanh thẫm, đứng trên những nấm đất “xè xè” – mọc đầy cỏ dại, vương vãi mấy chân nhang đã bạc phếch màu – tôi bỗng cảm được hết sự lạnh lẽo, thê lương, và ảm đạm của cái cảnh “vùi thây nơi đất khách quê người.” Cùng lúc, tôi cũng hiểu ngay tại sao trên những ban thờ nho nhỏ – ở quê nhà – thường luôn có khói hương ấm áp, và ngọn đèn dầu hột vịt (tù mù) cho đỡ phần quạnh quẽ.

Tôi rời Galang vào một buổi sáng cuối năm 1980 và trở lại 34 năm sau, vào một chiều cuối năm 2014. Nghĩa trang của trại là nơi tôi cùng người bạn đồng hành (anh NCB) đến viếng đầu tiên. Nhìn những mộ phần khang trang, ngăn nắp, vôi quét trắng tươi, cỏ dọn sạch sẽ, nằm gọn gàng ngay ngắn – giữa biển trời bao la – tôi mới chợt nhận ra rằng mình là một kẻ (sống) rất vô tình.

Tôi đã hăm hở và hối hả rời bỏ Galang, để lại không biết bao nhiêu là nấm mồ hoang lạnh của những đồng bào và đồng cảnh mà chưa bao giờ nhìn lại (dù chỉ một lần) cho mãi đến khi tóc đã đổi màu.

May mắn là không phải mọi kẻ tị nạn nào đều bạc bẽo như nhau, và không ít người sống rất có tình; nhờ vậy, hôm nay tôi mới có “lối” để về thăm chốn cũ.

Tôi rất thích bản nhạc “Nha Trang Ngày Về” (… Ngồi đâу tôi lắng nghe… Tôi như là con ốc, bơ νơ nằm trên cát. Chui sâu vào thân xác lưu đầy…) dù không được quen biết bất cứ ai ở miền “thùy dương cát trắng.” Tôi cũng không có mối tình nào ở Galang, dù có viết mấy câu thơ, viết “giùm” cho những cô gái bị người tình phụ (mà dân ở đảo gọi là Galang tình xù) nhưng không còn nhớ được toàn bài:
“Xa anh trời vào hạ
Thái Lan mưa đầu mùa
Bây giờ là cuối hạ
Nam Dương trời đang mưa

Galang đời cũng đẹp
Người ta thường có đôi
Riêng mình em thì trót
Yêu anh rồi nên thôi

Em vẫn thường ra biển
Nhìn về phương trời xa
Cali anh còn nhớ
Biển đêm nào Songkhla

Thư anh ngày một chậm
Nét chữ càng thêm to
Giấy trắng thừa ra mãi
Làm sao em không lo

Hay là thôi anh nhé
Làm bận lòng nhau chi
Biết đâu đời lại đẹp
Khi đường ai nấy đi”
Lần lượt, trước sau, những chàng trai cùng những cô gái ở tuổi đôi mươi (thuở ấy) đều đã “đi” định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó. Và (chắc) cũng chả có mấy ai, mấy khi, ngoái về chốn cũ?

Galang, chiều nay, quanh tôi không một bóng người – ngoài vài bầy khỉ nhỏ, và năm, bảy chú hưu sao (đứng ngơ ngác nhìn khách lạ) trong một khu đất rộng, gần nơi trưng bày mấy con tàu đã đưa đám thuyền nhân đến hải đảo này.

Galang hoang vu, và hoang tàn quá. Tôi bước vào một ngôi chùa, không có ai ráo trọi. Nhà thờ cũng vậy. Trống trơn. Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm được che bởi một tấm bạt lớn phiá trên (ý hẳn để cho ngài đỡ giãi dầu mưa nắng) nhưng e cũng chả có tác dụng chi nhiều vì sự khắc nghiệt và khốc liệt của nắng mưa, nơi vùng nhiệt đới.

Cạnh đó là bức tượng thánh Giuse đã rớt mất một bàn tay, ngó mà ái ngại.

Trong tấm biển chỉ dẫn (cũng đã rơi xuống đất từ lâu) ngay ở cổng vào có ghi hàng chữ “Cao Dai Pagoda” nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy Thánh Thất nơi nào cả.

Cho đến khi bước chân vào gian nhà dùng làm Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân thì tôi mới thấy Galang vẫn còn chút… hơi thở nhẹ, nhờ tiếng nhạc nho nhỏ phát ra tự bên trong. Cái gì chớ nhạc Việt thì tôi rành sáu câu, nhất là nhạc sến, vậy mà tôi hoàn toàn không biết bài hát (lạ hoắc) này. Tôi chỉ “cảm” được là nó rất sến (sến hết biết luôn) nhưng vẫn thấy vui thích với cái ý nghĩ là mình – một thằng vô cùng bạc bẽo – vẫn được Galang mở rộng vòng tay (đón nhận) khi trở lại.

Thái độ rất thân thiện tử tế của nhân viên an ninh, cũng như sự chỉ dẫn vui vẻ và tận tình của người trông coi những di vật còn lại của thuyền nhân cũng khiến tôi vô cùng cảm động, dù chúng tôi có bị trở ngại (ít nhiều) vì bất đồng ngôn ngữ. Tôi và anh bạn hăng hái ký tên vào sổ lưu niệm, và sốt sắng hiến tặng hết cả số tiền mà chúng tôi có sẵn trong người.

Lúc trở ra, tôi thật hân hoan khi thấy hai chiếc xe du lịch (cùng với du khách) nối đuôi nhau vào trại, dù trời đã ngả chiều. Phải vậy chớ. Không lẽ cả một trung tâm du lịch mà có mình (ên) tụi tui thì coi sao được.

Tình trạng thưa vắng du khách ở Galang chắc đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Nhật báo Jakarta Post, số ra ngày 1 Tháng Tám, 2009, có bài viết (“Vietnamese Refugee Camp Still Open”) đề cập đến yêu sách đóng cửa trại tị nạn (Galang) của nhà đương cuộc Hà Nội.

Bài báo này dẫn lời bà Nada Faza Soraya, chánh sự vụ Phòng Thương Mại Của Nam Dương, nói rằng khu trại rất quan trọng đối với hướng dẫn viên du lịch, và họ không hề có ý muốn khai thác quá khứ đen tối của chính phủ Việt Nam. (“There was no intention of exploiting the gloomy past of Vietnamese gorvernment”).

Cùng thời điểm này, từ Galang, phóng viên Hồng Nga của BBC cũng có bài tường thuật (nghe được vào ngày 5 Tháng Tám, 2009) về sự việc này:

-“Hai thập niên hiện diện của người Việt tại đây khiến thông tin trại có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn, ngừng đón người tới thăm khiến người dân địa phương ngỡ ngàng.”

-“Lý do chính là từ khi ngừng hoạt động, trại tị nạn Galang cũ đã trở thành một địa chỉ du lịch khá phổ biến, mang lại thu nhập cho người bản địa.”

-“Dư luận địa phương bày tỏ bất bình, trong khi có cáo buộc chính phủ Việt Nam đã gây áp lực với Jakarta để làm công việc này.”

Đồng thời, đại diện tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, ông Trần Đông đã lên tiếng chỉ trích việc “âm thầm xóa bỏ dấu vết tội ác, hủy hoại di tích lịch sử và nhân đạo thế giới tập đoàn đảng trị và tay sai Bắc Kinh tại Hà Nội.”

Nhân đây, cũng xin được nói thêm đôi điều về cơ quan thiện nguyện Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (Archives of Vietnamese Boat People – AVBP) qua lời của nhà văn Trùng Dương, sau chuyến đi thăm Galang của chị, vào năm 2012: “Hội AVBP, website tại www.vnbp.org, được thành lập từ năm 2004, nhằm tìm kiếm và trùng tu các mộ phần thuyền nhân, không phân biệt có tên hay vô danh, ở rải rác các nơi trong vùng Đông Nam Á, đồng thời ghi dấu lại các di tích thuyền nhân để các thế hệ sau biết mà tìm đến vì chính quyền Cộng Sản Việt Nam cố tình muốn xoá bỏ những di tích lịch sử này, để đồng thời bạch hóa tội lỗi của chế độ ngu muội hà khắc đã là nguyên do đẩy cả triệu người Việt ra biển đi tìm một đời sống có tự do và nhân phẩm, với từ 200,000 tới nửa triệu con người bị chết trên đường đi tìm một đồi sống có nhân phẩm. Sự hy sinh này và phần mộ của những người còn may mắn có được nấm mồ chính là những chứng tích của một giai đọan lịch sử cần được duy trì và bảo vệ.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Thanh Quang (RFA) nghe được vào hôm 17 Tháng Mười, 2013, ông Trần Đông – giám đốc AVBP – cho biết thêm chi tiết: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tới cuối năm 2015 sẽ hoàn tất công trình mộ phần thuyền nhân Việt Nam tại tất cả những nơi vừa nói. Hiện giờ chúng tôi đang xúc tiến ráo riết tổ chức gây quỹ trong năm 2014 song song với việc trùng tu mộ thuyền nhân trong 2014 và 2015. Chúng tôi rất hy vọng được sự đóng góp giúp đỡ của tất cả đồng hương khắp nơi trong đợt gây quỹ lần cuối cùng vào năm 2014 và có thể có những cuộc gây quỹ nhỏ nữa trong năm 2015 để hoàn tất công tác trùng tu tất mộ thuyền nhân trong vùng Đông Nam Á vào cuối năm 2015.”

Tôi không hy vọng là Galang, trong tương lai gần, có thể trở thành một công viên du lịch hấp dẫn hay một khu di tích lịch sử – như nhiều người mong đợi vì điều này tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ của chính quyền địa phương, và ngoài tầm tay của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên, tôi tin chắc là Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam “sẽ hoàn tất công tác trùng tu 2,500 mộ thuyền nhân rải rác khắp vùng Đông Nam Á vào cuối năm 2015” – dù biết rằng đây chả phải là chuyện dễ dàng chi, và rất cần sự góp sức của mọi người.

Đó là việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm được, và bắt buộc phải làm. Những người cầm quyền hiện nay ở Việt Nam không mong gì hơn là chúng ta thất bại trong việc duy trì và bảo tồn “lịch sử thuyền nhân.”

Nếu không có cái “lịch sử” bi tráng này và “những chứng tích của một giai đọan lịch sử cần được duy trì và bảo vệ” thì cộng đồng thuyền nhân (hôm nay) và con cháu của họ (sau này) nào có khác gì một đám người trôi sông lạc chợ.

(Tưởng Năng Tiến)​