24 March 2017

Thử đưa ra một vài tài liệu lịch sử nói về mưu toan thỏa hiệp với Bắc Việt của ông Ngô Đình Nhu

Phong Uyên

Một trong những lí do mà các tướng tá VNCH tham gia cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm ngày 1 - 11 - 1963 viện ra để chinh đáng hóa hành động của mình là: "để ngăn chặn và trừng phạt dòng họ Ngô Đình dâng miền Nam cho Cộng sản" (Cuốn Đỗ Mậu 1986 tr. 665). Trong bài viết này, tôi xin chích dẫn nhừng tài liệu tôi thâu thập được để tìm hiểu:

- Mưu toan thỏa hiệp với Bắc Việt của ông Ngô Đình Nhu trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 - 1963 có thật hay chỉ là một sự bịa đặt của phe các tướng lãnh lãnh đảo chính ông Diệm?

- Lí do vì sao mà 2 bên, ông Hồ và ông Diệm, phải tìm cách đối thoại với nhau?

1) Tôi xin bắt đầu bằng đưa ra những lí do vì sao:

Trước hết, tôi thấy cần phải nhắc lại: Đứng về phương diện cá nhân và gia đình, ông Hồ, ông Diệm (nếu không kể thêm ông Giáp ông Đồng), là những người cùng xứ sở, gia đình cùng thuộc giới quan lại (nói theo ngôn ngữ ngày nay là cùng một giai cấp) quen biết nhau. Ông Hồ và ông Diệm còn chịu ơn lẫn nhau: Tuy cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh ông Hồ đánh chết người bị mất chức nhưng không bị tù, và ông Hồ vẫn được đặc cách (cũng như ông Giáp) học trường Quốc học do cụ Ngô Đình Khả, thân sinh ông Diệm sáng lập. Sau Cách mạng tháng Tám, chính ông Hồ đã cứu sống ông Diệm khi đem ông ra Hà Nội chứ nếu còn ở Huế thì đã bị giết chết như người anh cả là Ngô Đình Khôi rồi. Bởi vậy nếu có những cuộc điều đình qua mối quan hệ cá nhân thì cũng chả có chi là lạ cả. Người cùng giới biết chỗ yếu của nhau hơn và dễ bắt thóp nhau.

Nhưng lí do thật sự không nằm trong quan hệ tình cảm, cũng như trong ý chí muốn thống nhất đất nước, mà là vì muốn bảo vệ sự sống còn của chính bản thân mình:

Ông Hồ có 2 lí do:

Lí do thứ Nhất: Tránh một cuộc chiến tranh ủy nhiệm bởi Trung Cộng:

Ông Hồ biết dư sự chia đôi đất nước Việt Nam, cũng như chia Đông Đức Tây Đức, Bắc Hàn Nam Hàn, là phương cách duy nhất để cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 khối Cộng sản và Tự do không trở thành chiến tranh nóng. Chỉ có cái khác là cộng sản Tàu hung hãn hơn cộng sản Nga nhiều và muốn thôn tính toàn cõi ĐNÁ, biến ĐNÁ thành một Đông Âu của mình. Rút kinh nghiệm chiến tranh Cao Ly, Trung Cộng không dại gì trưc tiếp lao vào cuộc chiến tốn của hao quân vì có thể, nhân danh giúp CSVN "giải phóng" miền Nam, bắt Bắc Việt trở thành người lính tiền phong cho mình, dù có phải đánh cho tới người VN cuối cùng.

Lí do thứ Hai: Cần phải điều đình để có gạo ăn:

Khoảng những năm 59 - 62, vì chính sách Cải cách ruộng đất để bắt dân tập trung sản xuất vào các hợp tác xã và vì chính sách Tập trung bao cấp, miền Bắc bị lâm vào khủng hoảng kinh tế chỉ trông vào Trung Cộng. Trung Cộng lại chỉ tiếp tế nhỏ giọt để làm áp lực dễ sai bảo. Muốn cứu đói ông Hồ bắt buộc phải điều đình với miền Nam.

Cả 2 lí do đó đều nhằm mục đích bảo vệ chính bản thân mình. Chứng cớ là sau đảo chính ông Diệm, ông Hồ cũng bị nhóm theo Mao Trạch Đông cầm đầu bởi Lê Duẩn, Lê Đức Thọ giam lỏng. Những người theo ông Hồ như Võ Nguyên Giáp cũng bị tước hết quyền hành. Người thân tín của ông Hồ, Vũ Đình Huỳnh, cũng như người con là Vũ Thư Hiên bị bắt giam. Khoảng 300 người bị bắt trong đó có 30 nhân vật cao cấp (Xem Wki tiếng Việt "Vụ án Xét lại chống Đảng").

Lí do ông Diệm ông Nhu chống lại ý định của Mỹ đổ quân vào VN và trực tiếp chỉ huy quân đội VNCH:

Qua những bản tường trình của 14 ngàn cố vấn quân sự, Mỹ biết rõ thực lực của quân đội VNCH: tướng chỉ có 5 - 6 người, xuất thân từ cấp bậc trung úy, đại úy quân đội Pháp. Đa số vẫn giữ quốc tịch Pháp, nói tiếng Pháp, lại chỉ là tướng vô quân ngồi ở bộ tham mưu. Các đơn vị tác chiến, cho đến sư đoàn trưởng mới chỉ là trung tá, trung bình khoảng 30 - 35 tuổi, quá non nớt về quân sự, về chính trị, nhưng lại đầy tham vọng. Mỹ thấy không thể tin cậy gì về quân đội VNCH cả, cần phải đổ quân để trực tiếp đương đầu với quân Bắc Việt. Đầu tháng Tám năm 1963, bất chấp hồi tháng 3 - 63 đã giao ước với ông Diệm bớt số 14 ngàn cố vấn Mỹ xuống còn 5 ngàn năm 1965, Mỹ đòi ông Diệm, không những như ở Nam Hàn chỉ lập căn cứ đổ quân tác chiến, mà còn có toàn quyền hành quân, tự định đoạt chiến thuật, quyền chỉ huy quân đội VNCH dưới hình thức cố vấn và quyền huấn luyện lại các cấp chì huy theo kiểu Mỹ.

Lẽ tất nhiên ông Diệm, một người có tinh thần quốc gia rất cao, yêu nước một cách mù quáng và vẫn giữ khí phách của một người thấm nhuần nho học, không thể, vừa mới đuổi Pháp về, nay vì muốn chống cộng sản, dầu sao cũng là người trong một nước, lại rước Mỹ vào! Làm như vậy, Cộng sản sẽ tha hồ có cớ tuyên truyền, nền độc lập của miền Nam sẽ bị sứt mẻ, và chế độ còn một chút tính chính đáng (legitimacy) cũng sẽ bị mất luôn.

Ông Nhu cũng đã suy tính: Cộng sản Tàu không mong đợi gì hơn là Mỹ đổ quân vào VN để biến cuộc chiến tranh xâm lược trá hình của mình thành một cuộc chiến tranh dân tộc Việt Nam chống ngoại xâm. Với lòng ái quốc của dân tộc Việt, chưa bao giờ dân tộc VN thua một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm nào cả. Mỹ sẽ bị sa lầy và trước sau gì rút cục cũng sẽ phải rút khỏi VN sau một cuộc đổi chác với Tàu.

(Lời tác giả: Đúng như sự tiên đoán của ông Nhu: Sau cuộc gặp gỡ Nixon - Mao năm 1972, Mỹ bắt đầu sửa soạn bỏ miền Nam VN để đổi lấy thị trường Tàu)


Trước sự đòi hỏi của Mỹ, lợi dụng thêm vụ Phật giáo để làm áp lực xuống ông Diệm, ông Nhu thấy bị dồn vào thế lưỡng nan: Hoặc là cả 2 anh em bỏ nước ra đi để bảo tồn mạng sống, vứt bỏ lại quyền hành vì biết là thế nào Mỹ cũng sẽ xúi giục, mua chuộc các tướng tá để đảo chính. Hoặc là bằng lòng điều đình với Bắc Việt, đáp lại lời tuyên bố của ông Hồ với chủ tịch Ủy hội Quốc tế Ấn Độ tháng 9 năm 1962: "muốn bắt tay với Diệm, một người yêu nước theo kiểu của mình" (De Gaulle et le Vietnam tr. 112).

Ông Nhu đã chọn điều đình, dù có thể chỉ là một kế hoãn binh. Để Mỹ không có cớ đổ quân vào Viêt Nam, Sài Gòn yêu cầu Hà Nội tạm ngưng xâm nhập miền Nam, giảm những cuộc tấn công các ấp Chiến lược. Hà Nội đã chấp nhận: cuối tháng 8 - 63, hoạt động quân sự của Cộng sản tương đối giảm.

Tình báo Mỹ cũng biết như vậy nên ra tay trước: Đảo chính đã xẩy ra ngày 1 - 11 - 63.

2) Tôi xin trích dẫn những đoạn chính trong những tài liệu khẳng định có những cuộc thương thuyết giữa ông Nhu và Hà Nội:

1) Cuốn Trần Văn Đôn 1989 tr. 183:

"Đầu tháng 2 năm 1963, trung tá Bường lúc ấy đang làm tỉnh trưởng Bình Tuy dùng xe Dodge 4X4 chở ông Ngô Đình Nhu và ông C (Nhà thiện xạ Ngô văn Chí? ) đi săn. Trời đã trở lạnh và lại có mưa mà ông cố vấn đi săn! Nhưng đâu có ai biết được đó chỉ là lối ngụy trang. Sự thật các ông ấy không đi săn mà đi thẳng mà đi thẳng tới một căn nhà lá trong rừng thuộc địa hạt quận Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Tuy. Quận Tánh Linh xưa kia là nơi rừng thiêng nước độc... Đó là khu A thuộc liên khu I của VC... Trung tá Bường lái xe đưa ông Nhu đến chỗ hẹn. Đến nơi, trung tá Bường và ông C chờ ngoài xe, lo an ninh. Chỉ có ông Nhu vô. Hai người ngồi ngoài lắng tai nghe lúc nhỏ lúc to. Người đang nói chuyện với ông Nhu là Phạm Hùng, có 2 người nữa ngồi bên cạnh"

"Trong lúc nói chuyện họ bàn vấn đề cho thân nhân ở hai miền được liên lạc với nhau và giao thương với nhau. Ông Nhu hứa với Phạm Hùng khi nối xong đường xe lửa thì bà Nhu và Ngô Đình Lệ Thủy sẽ đi chuyến xe thống nhất đầu tiên ra Hà Nội. Ngoài ra còn có một điều họ nói nhiều nhất là ấp Chiến lược đã gây nhiều khó khăn cho cán bộ của họ. Ông Nhu thỏa thuận sẽ cứu cán bộ VC bằng cách dùng chính sách Chiêu hồi để khỏi giết cán bộ của họ như họ yêu cầu. Khi nào cán bộ của VC bị kẹt thì xin chiêu hồi. Trong câu chuyện, Phạm Hùng cũng trách sao giao những căn cứ quân sự cho Mỹ sử dụng. Nhu nói Mỹ là đồng minh của miền Nam, Mỹ đến miền Nam dĩ nhiên sử dụng những nơi đó chứ chính quyền VNCH không giao nhượng cho Mỹ phần đất nào, vì đã tranh đấu lấy lại của Pháp cho VN chứ không phải lấy lại để đưa cho Mỹ"

2) Cuốn Đỗ Mậu (tr. 726 và 1238) trích đăng một lá thư của ông Võ Như Nguyện kể rằng "Tháng 9 hay tháng 10 năm1963, ông cụ Ngô về Huế cho gọi tôi lúc 4 giờ chiều. Hai cụ cháu ngồi tâm sự với nhau cho đến 10 giờ tối... Cụ lại nói rằng hiện đang bị khó dễ với Mỹ.... vả lại tôi với chú Nhu có ý dù 2 miền Quốc - Cộng tranh chấp nhưng là đều máu mủ ruột thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tổn hao sinh mạng, tài sản rồi bên nào kéo dài chung quy cũng sẽ bị lệ thuộc vào một cường quốc và đất nước chia rẽ vì các cường quốc có ý định chia rẽ cả"

Ông Đỗ Mậu phân tách tâm tính của ông Nhu, cho rằng ông này có một tâm hồn rất Tây - thứ Tây trí thức chuộng lý thuyết quên thực tại - Có bệnh chủ quan cao ngạo tưởng mình quán thông kim cổ, có tật liều lĩnh làm mà không cần biết hậu quả ra sao.... "Sự chống đối của tướng lãnh, của người Mỹ, của Phật giáo đã không cho Nhu một lựa chọn nào khác hơn để bám lấy chính quyền ngoài cách liều lĩnh thỏa hiệp với Hà Nội, không cần biết hậu quả gì sẽ xẩy ra sau khi thỏa hiệp"

(Tôi xin chua thêm: Trung tướng Trần Văn Đôn và đại tá (khi đó) Đỗ Mậu là 2 trong số những nhân vật (gồm 5 tướng Minh, Đôn, Kim, Khiêm, Đính) cầm đầu cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm)

3) Cuốn NvChức 1989 (tr. 107 - 121) dựa vào cuốn War of the Vanquished (Chiến tranh của kẻ bại) của Maneli, trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế

Theo cuốn này, ông Ngô Đình Nhu nói chuyện với Maneli ở Sài Gòn 2 lần (ngày 25 - 8 rồi 2 - 9 - 63) về "hòa bình", rồi Maneli ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng để "móc nối".

4) Cuốn "De Gaulle et le Việt Nam" của tiến sĩ Pierre Journoud mà tôi chích dịch đăng trên Dân Luận, cũng kể lại chuyện này với nhiều chi tiết hơn: "Roger Lalouette (đại sứ Pháp ở SG) là một nhà ngoại giao lão luyện và rất rành rẽ về những vấn đề Việt Nam. Ông biết một hành động quá lộ liễu sẽ làm Điệm bị thay thế rất mau lẹ để nhường chỗ cho một chính phủ hoàn toàn theo đường lối của Washington. Ông quyết định trao cho giáo sư Maneli, người mà ông tin cậy, một kế hoạch 3 giai đoạn cho VN: mở một cuộc đối thoại giữa Hà Nội và Sài Gòn; đặt những trao đổi kinh tế và văn hóa; tổ chức những cuộc hội đàm về chính trị. Maneli quyết định chuyển tin ra Hà Nội, nơi mà ông đi lại nhiều lần. Phạm Văn Đồng khẳng định là ông lúc nào cũng sẵn sàng mở cuộc hội đàm, công khai hay bí mật, và tất cả đều thương lượng được "trên căn bản độc lập và chủ quyền quốc gia". Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh cho Xuân Thủy, bộ trưởng bộ Ngoại giao làm một danh sách hàng hóa có thể trao đổi với miền Nam. Manelli tương đối lạc quan, trở lại Sài Gòn nhất quyết gặp Nhu. Phạm Văn Đồng cũng đề nghị Diệm, để chứng tỏ thiện chí của mình, cho lập lại trao đổi kinh tế và văn hóa giữa 2 miền. Miền Bắc sẵn sàng cung cấp than đá với giá rẻ hơn giá thị trường thế giới để đổi lấy gạo thực phẩm và cao su. Phải đương đầu với một cơn hạn hán quá trầm trọng, Hà Nội cũng muốn thoát khỏi viện trợ Trung Quốc, trở thành quá bao trùm từ khi TQ và Liên Xô tuyệt giao (tr. 114).

5) Cuốn "A death in November" của bà tiến sĩ Ellen J. Hammer khảo cứu hồ sơ mật của tòa Bạch Ốc, khẳng định rằng "có sự thương thuyết nhưng do sáng kiến của Hồ Chí Minh". Lí do là ông Hồ muốn nhờ gạo miền Nam cứu đói miền Bắc. Và "Hồ Chí Minh bằng lòng để miền Nam độc lập dưới quyền cai trị của tổng thống Diệm theo đuờng lối dân chủ Tây phương... Ông Diệm thuận trao đổi thư tín và đổi gạo miền Nam lấy than miền Bắc. Tới tháng 7 - 1963, Hà Nội mới chịu để ông Diệm cầm đầu miền Nam và để miền Nam theo đường lối dân chủ Tây phương và Hồ Chí Minh không còn nôn nóng về thống nhất (tr. 472).

Theo tiến sĩ Hammer, thương thảo chỉ nhằm vào "hoạt động song song mỗi bên có thể giảm du kích và giảm hoạt động quân sự. Một đôi vùng chiến đấu giảm xuống, do hai bên chỉ huy thông cảm nhau. Cuối tháng 8 - 1963 hoạt động quân sự của cộng sản tương đối giảm" (tr. 475)

Những chi tiết này nằm trong "Hồ sơ mật của tòa Bạch ốc" trong đó có cuốn giác thư (memorandum) của ông Hilsman (Bộ Ngoại giao) và một công điện của Hilsman và Bundy (bộ Ngoại giao) gửi cho Cabot Lodge được bà Hammer phanh phui ra.

6) Cuốn Hồ sơ mật Ngũ Giác Đài năm 1971, bản chữ Pháp, tr. 203 ghi: "trong một mật điện gửi về Washington cuối tháng 8 năm 1963, đại sứ Cabot Lodge báo cáo rằng qua sự trung gian của những người Pháp và những người Ba Lan, ông Nhu đang bí mật tìm cách thương thuyết với Hà Nội và với Việt Cộng.

7) Cũng trong cuốn hồi ký của ông Colby, cựu giám đốc CIA ở Sài Gòn hồi 1959 - 1962 "Vietnam, histoire secrète d'une victoire perdue" tr. 162 bản chữ Pháp: "Nhu thực hiện nhiều lần những mưu toan xích lại gần Bắc Việt, qua trung gian của một vài nước khác, nghĩ rằng cách đó sẽ giải quyết được sự tranh chấp giữa người VN với nhau, sau lưng người Hoa Kỳ, nếu những người này (Mỹ) thực sự thù địch với Nam Việt"

8) Không có tài liệu nào của Hà Nội được giải mật cả ngoài những "mẩu chuyện" trong cuốn "Ông Cố vấn" in tại Hà Nội trao đổi giữa ông Nhu và điệp viên Bắc Việt "Hai Long" tức Vũ Đình Long, tức thiểu tướng Vũ Ngọc Nhạ "cố vấn" của ông Nhu. Hai Long rất được ông Nhu tin cẩn nhận làm em nuôi với biệt hiệu Hoàng Long, đứng thứ năm: sau Hồng Long (Thục), Bạch Long (Diệm), Thanh Long (Nhu) và Hắc Long (Cẩn):

"Hồi giữa tháng 8 - 63 ở trong dinh Gia Long, Lệ Xuân nhìn Hai Long với cặp mắt ranh mãnh: - Chú có phải là cộng sản không?

Hai Long lạnh người, nhưng với vẻ mặt thật thà, nụ cười ngây thơ, y hỏi lại để kéo thêm thì giờ suy nghĩ:

- Tại sao chị lại hỏi tôi như vậy?

Lệ Xuân vẫn nhìn xoáy vào mắt Hai Long với vẻ truy tìm:

- Tôi nghĩ như vậy vì tôi thấy chú sống rất khắc kỷ. Ngoài những người cộng sản ra, không ai sống như chú...

- Tôi chỉ mong làm giáo dân tốt bằng cách đóng góp gì đó cho giáo hội, cho quốc gia...

- Nếu chú là cộng sản thì lúc này cũng hay! Khi nó bức bách mình quá thì có lẽ mình phải đi với cộng sản...

Lệ Xuân cười khanh khách rồi đi ra"

"... Rồi Nhu quay sang bàn về chuyện đối với Pháp, với Mỹ và với Cộng sản. Nhu cho Hai Long biết tại sao ông thay đổi chiến lược:

- Ngay từ khi nhận thấy Mỹ muốn can thiệp sâu vào chủ quyền của ta, tôi đã có ý nghĩ xây dựng thật nhanh ấp Chiến lược để ngăn chặn Cộng sản, đập tan bọn phá rối nội bộ và đẩy mạnh xây dựng kinh tế, bảo đảm một Việt Nam Cộng hòa an bình thịnh vượng, khi đó ta sẽ nhận lời hiệp thương với Cộng sản Bắc Việt. Nếu ta mạnh thì Bắc Việt không thể cộng sản hóa Việt Nam Cộng hòa, mà trái lại, ta có thể dân chủ hóa thể chế ở Bắc Việt. Chừng đó Mỹ không thể tùy tiện làm áp lực. Chừng đó, Mỹ không thể tùy tiện làm áp lực với ta. Nhưng hiện nay mọi kế hoạch đều tiến triển chậm chạp vì Mỹ cản đường không giúp ta tự lực tự cường, mà chỉ muốn can thiệp sâu vào những vấn đề nội bộ của ta. Vì vậy đáng lẽ làm sau, giờ lại phải làm trước để kịp thời đối phó với sức ép của Mỹ "

Tôi xin đưa ra vài lời bàn: Câu nói "đáng lẽ làm sau, giờ lại phải làm trước", theo tôi nghĩ, có nghĩa là phải hiệp thương với CS ngay để đối phó với Mỹ. Câu hỏi cần được đặt ra là ông Nhu có biết Hai Long là điệp viên Bắc Việt không? Nếu biết thì rõ ràng là ông Nhu muốn qua Hai Long để bắn tin cho Bắc Việt (qua Trung tâm tình báo Cộng sản Cục R) ). Ngược lại, những tin gì bất lợi cho ông Diệm mà Cục R thâu lượm được, Hai Long cũng báo cho ông Nhu: Cuốn "Ông Cố vấn", tập 1, tr. 311 - 314 kể: "... Hai Long đến thẳng phòng làm việc của Nhu... nói ngay: - Đảo chính sẽ bùng nổ vào buổi trưa, anh chỉ còn vài giờ để đối phó - Cám ơn chú, cách đây 2 năm ở Phú Cam chú đã nói với tôi, người Mỹ chỉ vì quyền lợi của Mỹ chứ không vì VNCH hay vì TT NĐD, ngày đó tôi còn hoài nghi. Tôi đã sai lầm vì không nghĩ là chủ nghĩa thực dụng của Mỹ lại thiển cận đến thế!... Anh em tôi phải chết vì người Mỹ thì cái giá sai lầm này quá đắt!..."

Kết Luận

1) Tất cả mọi tài liệu đều khẳng định Mỹ đã xúi giục, hứa hẹn và mua chuộc các tướng lãnh để đảo chính ông Diệm, mở cửa cho quân Mỹ vào VN. Có tài liệu còn nói rõ, Hạm đội 7 và 3000 lính thủy đánh bộ Mỹ được lệnh rời Okinawa để khi cần, hỗ trợ quân đảo chính.

2) Mỹ đổ quân vào VN chỉ cốt dùng miền Nam để mặc cả với Tàu cộng chứ nếu thực sự chỉ muốn ngăn chặn quân Bắc Việt thì chỉ cần 100 ngàn quân cắt đôi nước Lào từ Vĩ tuyến thứ 17 đến biên giới Thái Lan để chẹn đường mòn HCM, chứ đóng 550 ngàn quân dọc bờ biển miền Trung để làm gì?

3) Sự hiện diện của quân đội Mỹ đã làm hư hỏng quân đội VNCH. Các tướng lãnh chỉ ỷ lại vào Mỹ, chỉ lo đảo chính lẫn nhau (5 lần sau đảo chính ông Diệm! ). Chính đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH đã tự thú nhận năm 1970, khi gặp phái đoàn Thượng nghị sĩ - Dân biểu dẫn đầu bởi Trần Văn Đôn khi đó là thượng nghị sĩ: " Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ thôi"

4) Tôi chắc chắn, nếu Thỏa hiệp Hà Nội - Sài Gòn thực hiện được, thì dù đưa đến hậu quả bất lợi cho miền Nam tới đâu cũng không tệ hại bằng sự để quân Mỹ đổ quân vào VN. Trái lại, Việt Nam đã có thể là nước đầu tiên áp dụng thể chế "Một nước 2 chế độ" chứ không phải là Tàu Cộng với Hồng Kông.

Phong Uyên
Nguồn Dân Luận

No comments:

Post a Comment