12 February 2017

Bài vở chữ nghĩa của vị “thẩm phán” 80 tuổi, tên Lữ Giang!


Hữu Nguyên
huunguyen@saigontimes.org)

Tuần qua, ông Lữ Giang viết bài, Xảo thuật cai trị bằng “Sắc lệnh!, trong đó, có những điểm sai trên thực tế và luật pháp, khiếm khuyết về kiến thức, và thể hiện thái độ “hằn học, căm giận” đầy ác cảm đối với TT Donald Trump. Vẫn biết, trong xã hội tự do dân chủ, một số người cầm viết, thường tự cho mình quyền phỉ báng, lăng mạ bất cứ ai. Tuy nhiên, người đọc có quyền đòi hỏi tác giả, có sự hiểu biết và lòng tự trọng tối thiểu, khi cáo buộc người khác, đặc biệt, khi cáo buộc một vị nguyên thủ quốc gia, và người viết là một vị “thẩm phán đã ở tuổi 80”, được sống và làm việc trong xã hội tự do dân chủ (VNCH và Hoa Kỳ), gần cả đời người như ông Lữ Giang. Vì vậy, tôn trọng quyền tự do ngôn luận của tác giả, và trong cương vị người đọc, chúng tôi mạnh dạn trình bầy vài suy nghĩ về bài viết của ông.

QUYỀN BAN HÀNH SẮC LỆNH CỦA TỔNG THỐNG MỸ

Ông Lữ Giang viết:  .

Nhận xét trên đây của ông Lữ Giang không hợp lý. Xưa nay, căn cứ vào Hiến Pháp và Luật Pháp Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ, người đứng đầu hành pháp, được quyền ban hành các sắc lệnh (executive orders), để điều hành chính phủ. Quyền hạn này được thừa nhận trên pháp lý cũng như trên thực tế, trong suốt 240 năm qua.

Cụ thể, ngay từ khi Hoa Kỳ lập quốc, tổng thống George Washington đã ban hành 8 sắc lệnh, và cho đến mới đây, tổng thống Barack Obama cũng ban hành 276 sắc lệnh. Không những thế, nhiều vị tổng thống Mỹ đã ban hành cả ngàn sắc lệnh, thậm chí có vị đã ban hành tới 3,522 sắc lệnh như tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Như vậy, việc TT Donald Trump ban hành trên dưới 20 sắc lệnh trong thời gian qua, rõ ràng là chuyện bình thường trong việc điều hành chính phủ, không thể coi đó là “xảo thuật… đánh lừa quần chúng” như ông Lữ Giang nhận xét.

Tất nhiên, sắc lệnh của TT Donald Trump, cũng như của bất cứ tổng thống Mỹ nào, cũng phải chịu sự phê phán của dư luận và có thể bị cáo buộc là vi hiến hoặc vi luật. Tuy nhiên, chỉ có Quốc Hội Hoa Kỳ và toà án liên bang (district courts, circuit courts, Supreme Court), mới có quyền huỷ bỏ hoặc kết án một sắc luật của tổng thống là vi hiến hoặc vi luật.

Còn người cầm viết có trách nhiệm với độc giả, bao giờ cũng trình bầy những bằng chứng cụ thể, hợp tình và hợp lý để hậu thuẫn cho cáo buộc của mình. Vậy bằng chứng được ông Lữ Giang trình bầy khi cáo buộc TT Donald Trump dùng “xảo thuật… đánh lừa quần chúng”, có hợp tình, hợp lý, hay chính ông mới là người đã dùng “xảo thuật đánh lừa” độc giả?

Ông Lữ Giang viết: “Ngày 23/01/2017 hãng thông tín Reuters loan tin Tổng thống Donald Trump đã ký một Sắc lệnh rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Những người biết luật đã rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Cái gì thế này? Làm sao có thể dùng Sắc lệnh để rút ra khỏi Hiệp định TTP được? Hiệp định TPP là một hiệp định đa phương […]. Mặc dầu chưa được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, nhưng theo sự quy định của hiệp định này, quốc gia thành viên nào nếu muốn rút khỏi Hiệp định phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu tại New Zealand, đồng thời thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên khác của hiệp định về việc rút khỏi này. Việc rút khỏi sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày gửi thông báo đến New Zealand. Hiệp định sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực với các thành viên còn lại. Như vậy làm sao có thể dùng “sắc lệnh” để rút lui khỏi Hiệp định TPP được được?”

Viết như trên, ông Lữ Giang đã phạm mấy thiếu sót.

Thứ nhất, ông đã không thận trọng tìm hiểu văn kiện chính thức được văn phòng tổng thống Donald Trump phổ biến. Trái lại, ông vội vàng dựa vào bản tin của hãng Reuters, rồi viết bài chỉ trích TT Donald Trump. Sự thật, văn kiện Presidential Documents được chính văn phòng tổng thống Donald Trump phổ biến ngày 23 tháng Giêng, trong đó ghi rõ đây là một “memorandum” chứ không phải “Executive order”, như ông Lữ Giang đã viết. Bằng chứng (click vô đây coi nguyên văn): “Memorandum of January 23, 2017: Withdrawal of the United States From the Trans-Pacific Partnership Negotiations and Agreement”.

Thứ hai, đọc bản memorandum, ta sẽ thấy, Tổng Thống Donald Trump gửi bản memorandum cho Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (United States Trade Representative) thi hành, chứ không phải gửi cho cơ quan lưu chiểu tại New Zealand và các quốc gia hội viên TPP.

Thứ ba, trong bản memorandum, Tổng Thống Donald Trump đã lệnh cho Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ tiến hành việc rút tên Hoa Kỳ vĩnh viễn khỏi TPP (I hereby direct you [United States Trade Representative] to withdraw the United States as a signatory to the Trans-Pacific Partnership, to permanently withdraw the United States from TPP).

Thứ tư, Tổng Thống Donald Trump đã làm đúng theo quy định của TPP: quốc gia thành viên nào nếu muốn rút khỏi Hiệp định phải thông báo bằng văn bản cho văn phòng lưu chiểu, đồng thời thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên khác của hiệp định về việc rút khỏi này. Cụ thể, TT Donald Trump đã lệnh cho Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ gửi văn bản thông báo việc Hoa Kỳ rút tên khỏi TPP, tới các quốc gia hội viên TPP, cũng như văn phòng lưu chiểu (You are directed to provide written notification to the Parties and to the Depository of the TPP, as appropriate, that the United States withdraws as a signatory of the TPP and withdraws from the TPP negotiating process).

Thứ năm, ông Lữ Giang viết quốc gia thành viên nào rút khỏi Hiệp định, Hiệp định sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực với các thành viên còn lại. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Hiệp Định TPP sẽ trở nên vô hiệu lực, cho dù 11 quốc gia còn lại có chấp thuận phê chuẩn Hiệp Định. Lý do thứ nhất, Hiệp Định TPP chỉ có hiệu lực 60 ngày sau khi 12 quốc gia hội viên cùng phê chuẩn Hiệp Định trước tháng 10, 2017. Nay vì Hoa Kỳ rút ra, chắc chắn điều này sẽ không xảy ra. Lý do thứ hai, trước tháng 10, 2017, khi nào có 6 quốc gia hội viên phê chuẩn VÀ tổng sản lượng GDP của 6 quốc gia đó, chiếm 85% tổng sản lượng GDP của 12 quốc gia hội viên, Hiệp Định TPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau. Tuy nhiên, điều này cũng vĩnh viễn không xảy ra, vì so với tổng sản lượng GDP của toàn thế giới, Hoa Kỳ chiếm 25%, 11 quốc gia còn lại chỉ chiếm 15%. Như vậy, bất cứ 6 quốc gia nào trong số 11 quốc gia còn lại của TPP cũng không thể chiếm 85% tổng sản lượng GDP của 12 quốc gia hội viên.

MEMORANDUMS HAY MEMORANDA

Ông Lữ Giang viết: “Chữ “Memorandum” có nhiều nghĩa khác nhau và số nhiều của nó là “Memoranda” (tiếng Latin) chứ không phải “Memorandums” như hãng thông tấn PBS đã viết.”

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy viết “memorandums” như PBS không có gì là sai. Lý do, chữ Latin “memorandum” đã được Anh hoá, thì việc dùng “memorandums” không những không sai mà còn hợp lý hơn. Bằng chứng, nhiều trang web và nhiều tự điển trên internet, như Dictionary, Merriam Webster, Grammar,… đều ghi nhận, số nhiều của “memorandum” là “memorandums” hoặc “memoranda” (As plurals memoranda and memorandums are about equally frequent). Đặc biệt, trang web Grammar còn nhấn mạnh hai điểm: một, cách đây hơn 4 thế kỷ, văn hào nổi tiếng thế giới Shakespeare đã viết “memorandums” trong vở kịch Henry IV (Act 3, Scene II); hai, ngày nay, memorandums được dùng phổ biến hơn memoranda.

PRESIDENTIAL MEMORANDUM VÀ EXECUTIVE ORDER

Trong bài viết, ông Lữ Giang đã coi “presidential memorandum” và “executive order” là hai phương cách hành xử quyền hạn khác biệt của tổng thống. Cụ thể, khi phê phán sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi TPP của Tổng Thống Donald Trump, ông Lữ Giang viết: “Khi đọc kỹ bản văn, các luật gia và cơ quan truyền thông mới ngã ngửa: Đây không phải là một “Sắc lệnh” (Executive order) mà chỉ là một “Bản hướng dẫn để thi hành” (Executive memorandum)!”

Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy, “presidential memorandum” và “executive order” có nhiều điểm giống nhau, và có những lúc cả hai đều được tổng thống sử dụng với cùng một nghĩa. Đó là lý do, khi phổ biến văn bản rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, văn phòng Tổng Thống Donald Trump ghi rõ “memorandum”, nhưng truyền thông khắp nơi trên thế giới đều coi văn bản này là “Executive order”. Ngay cả Tổng Thống Donald Trump cũng viết trên Facebook: “Earlier today I signed three executive orders: 1. Withdraw the U.S. from the Trans Pacific Partnership”…

Trong tác phẩm “By Order of the President: The Use and Abuse of Executive Direct Action”, Phillip Cooper, học giả chuyên nghiên cứu về tổng thống Mỹ, cũng viết: “Presidential memoranda are executive orders by another name, and yet unique. Both forms of presidential action have the force of law on the executive branch, and sometimes they seem to be used interchangeably. Even presidents sometimes mix them up, referring to memoranda as executive orders, as President Trump did Monday on Facebook”.

Jim Hemphill, thuộc văn phòng lưu chiểu liên bang Hoa Kỳ, cũng khẳng định một sự thật, có khi “presidential memorandum” của trào tổng thống này, được chính phủ của tổng thống khác gọi là “executive order”. Vì vậy, không có hướng dẫn cụ thể nào nói, Tổng Thống phải làm thế này thế nọ thì mới đúng là một “executive order” (Something that’s in a presidential memorandum in one administration might be captured in an executive order in another. There’s no guidance that says, ‘Mr. President, here’s what needs to be in an executive order.’)

KHI DOANH NHÂN LÀM TỔNG THỐNG

Ông Lữ Giang viết: Trong bài “Donald Trump đăng quan, một thế giới mới đang thành hình”, Tiến sĩ Phan Văn Song đã viết: “Thế giới của Donald Trump là thương trường! Với một doanh nhơn, thương trường là rừng xanh – la jungle”! Trong rừng không có sự trung thành, mà cũng chẳng có sự phản bội! Chỉ có luật lệ của kẻ mạnh. Đó là luật của rừng xanh.

Tuy không được đọc bài viết của TS Phan Văn Song, nhưng chúng tôi tin rằng, ông Lữ Giang đã vô lý, khi so sánh theo lối vơ đũa cả nắm, thương trường là rừng xanh, để rồi suy diễn, doanh nhân Donald Trump làm tổng thống, chỉ biết áp dụng luật lệ của rừng xanh, luật lệ của kẻ mạnh.

Sự thật, xưa nay ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào, trong bất cứ ngành nghề nào, cũng có người tốt, kẻ xấu. Thế giới văn minh được như ngày nay, chắc chắn phải nhờ tới công lao và đức hạnh của hàng ngàn doanh nhân nổi tiếng. Và thực tế, lịch sử Hoa Kỳ đã có 7 thương gia trở thành tổng thống Mỹ (Harry Truman, George H.W. Bush, Jimmy Carter, Calvin Coolidge, George W. Bush, Herbert Hoover, Warren G. Harding), trong số đó, có những vị ai ai cũng phải thừa nhận là tổng thống có nhiều công lao đặc biệt đối với Hoa Kỳ và thế giới. Vì vậy, không phải thương gia nào khi làm tổng thống, cũng chỉ biết áp dụng luật của kẻ mạnh như Lữ Giang nhận xét. Nhất là tính đến nay, Tổng Thống Donald Trump mới nhậm chức chưa đầy một tháng, thời gian quá ngắn để ông Lữ Giang có thể kết luận.

SẮC LỆNH CẤM DI DÂN TỪ 7 QUỐC GIA

Ông Lữ Giang viết: “Điều 202 Đạo luật về Di trú và Quốc tịch 1965 (The Immigration and Nationality Act of 1965) quy định rằng không ai “bị phân biệt trong việc cấp thị thực di trú vì chủng tộc, giới tính, quốc tịch, nơi sinh hoặc nơi cư trú”. Nhưng hôm 27/01/2017 vừa qua, Donald Trump đã ký một sắc lệnh về di trú hoàn toàn trái với những quy định đó.”.

Về vấn đề này, ông Lữ Giang có thể có lý.

Chúng tôi cũng nhận thấy, việc TT Donald Trump ban hành sắc lệnh này có điểm không hợp lý và chưa đúng lúc. Không hợp lý, vì trong số 7 quốc gia bị cấm không có Saudi Arabia, một quốc gia đã có 15 trong số 19 tên không tặc tham gia vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11 tháng 9. Chưa đúng lúc, vì nếu chờ đợi 2, 3 năm nữa, TT Donald Trump mới ban hành sắc lệnh này, thì thuận lợi hơn cho ông rất nhiều. Lý do là khi đó, TT Dpmald Trump có thể bổ nhiệm được 4 vị chánh án trong số 9 vị chánh án tại Tối Cao Pháp Viện, thay thế chánh án Antonin Scalia đã qua đời, và 3 vị chánh án khác đến tuổi 80 là Bader Ginsburg, Anthony Kennedy và Stephen Breyer. Trong hoàn cảnh đó, mọi tranh tụng pháp lý nếu có, đều phải đưa tới Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, và số chánh án hậu thuẫn ông chắc chắn sẽ nhiều hơn hiện nay.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, nhiều người cũng có lý khi cho rằng, sắc luật cấm di dân từ 7 quốc gia của TT Donald Trump là hoàn toàn cần thiết trong việc bảo vệ an ninh nước Mỹ, và phù hợp với điều khoản “Suspension of entry or imposition of restrictions by President”. Cụ thể, Title 8, Chapter 12, US Code 1182 (f) Suspension of entry or imposition of restrictions by President: “Whenever the President finds that the entry of any aliens or of any class of aliens into the United States would be detrimental to the interests of the United States, he may by proclamation, and for such period as he shall deem necessary, suspend the entry of all aliens or any class of aliens as immigrants or nonimmigrants, or impose on the entry of aliens any restrictions he may deem to be appropriate” (tạm dịch: Bất cứ khi nào, tổng thống Hoa Kỳ nhận thấy, việc nhập cảnh Hoa Kỳ của bất cứ ngoại kiều nào hoặc bất cứ tầng lớp ngoại kiều nào, có thể phương hại đến quyền lợi của Hoa Kỳ, tổng thống có quyền tuyên bố, trong một thời hạn tổng thống thấy cần thiết, ngưng nhập cảnh tất cả những ngoại kiều đó hay tầng lớp ngoại kiều đó, như là di dân hay không di dân; hoặc áp đặt bất cứ sự hạn chế nhập cảnh nào, tổng thống thấy thích ứng).

Hữu Nguyên
huunguyen@saigontimes.org)
__________

Bài tham chiếu của tác giả Lữ Giang: Xảo thuật cai trị bằng "Sắc lệnh"

No comments:

Post a Comment