27 June 2016

Anh Quốc rời EU: Ai sẽ tan rã?

Việt Hoàng

Cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh Quốc sẽ ở lại hay rời khỏi khối EU (Liên Hiệp Châu Âu) ngày 24/6/2016 đã có kết quả với 52% cử tri Anh Quốc đồng ý rời khỏi EU.

Sự kiện này đã gây ra một cuộc “khủng hoảng” trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Lần đầu tiên sau 30 năm đồng Bảng Anh Quốc chỉ còn đổi được 1,34 USD so với 1,6 USD trước đây.

Một câu hỏi đang được giới quan sát đặt ra là sự kiện Anh Quốc rời EU có làm cho EU tan rã hay không?

Đúng là sự kiện này đã giáng một đòn mạnh vào EU vì Anh Quốc là một trong những nước trụ cột của EU. Anh Quốc là một quốc gia phát triển và dân chủ bậc nhất trên thế giới. Dù vậy Anh Quốc vẫn còn là một nước quân chủ lập hiến do Nữ Hoàng đứng đầu (trên danh nghĩa).

Giữa thế kỷ 17, tại Anh Quốc đã diễn ra một cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới, lật đổ chế độ phong kiến và mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Mô hình dân chủ của nước Anh Quốc đã đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa phong kiến đã tồn tại trên thế giới suốt hàng ngàn năm. Cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh Quốc mở đầu bằng phát minh ra đầu máy hơi nước đã đưa nước Anh Quốc trở thành một cường quốc về công nghiệp đầu tiên trên thế giới.

Đế chế Anh Quốc đã nhanh chóng chinh phục thế giới với câu nói nổi tiếng “mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Anh Quốc đã mất ngôi bá chủ thế giới về tay Mỹ, một thuộc địa cũ của nước Anh vì sự trì trệ và bảo thủ của mình.

Tuy nhiên Anh Quốc vẫn là một cường quốc trên thế giới nhờ hệ thống chính trị “dân chủ đại nghị”. Anh Quốc là trung tâm tài chính, kinh tế và văn hóa của Châu Âu và thế giới. Vương quốc Liên Hiệp Anh Quốc hợp thành từ 4 nước gồm Anh Quốc, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland. Dân số của Vương quốc Anh khoảng 63 triệu người (nước Anh: 53 triệu, Scotland: 5,3 triệu, xứ Wales: 3 triệu, Bắc Ai-len: 1,8 triệu). Diện tích Vương quốc Anh Quốc xấp xỉ 95.000 dặm vuông (245.000 km vuông), trải dài từ quần đảo Shetland ở bờ biển phía bắc Scotland xuống đến quần đảo Scilly ở Tây Nam nước Anh Quốc, trải rộng cho đến hết Bắc Ireland.

Cuộc trưng cầu dân ý hôm 24/6 về việc Anh Quốc rời khỏi EU đã gây ra một cơn địa chấn cho chính nước Anh khi nó khơi dậy tinh thần đòi ly khai ở Bắc Ireland, phần duy nhất của nước Anh có ranh giới trên bộ với Liên Hiệp Châu Âu. Lãnh tụ Sinn Fein, ông Martin McGuiness, đã lập lại yêu cầu của ông đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Bắc Ireland tách khỏi Anh Quốc và tái thống nhất với Cộng hoà Ireland, một nước thành viên của EU.

Tại Scotland, Thủ tướng Nicola Sturgeon triệu tập một phiên họp nội các để bàn về phản ứng của chính phủ bà đối với cuộc bỏ phiếu rời EU. Trước đây bà nói rằng Scotland bị buộc phải ở ngoài EU trong khi đa số cử tri Scotland chọn giải pháp ở lại là một việc “không thể chấp nhận được”. Bà nói thêm rằng một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề độc lập đang được xem xét. Scotland hồi năm 2014 đã tiến hành một cuộc trưng cầu để tách khỏi Vương quốc Anh nhưng thất bại vì có 55% cử tri chọn ở lại.

Nước Anh đang “khủng hoảng”? Đa số những người ủng hộ Anh Quốc rời bỏ EU là người trung tuổi và sống ở các tỉnh lẻ. Họ lo lắng cho tương lai của mình trước nạn nhập cư ồ ạt từ các nước tân thành viên EU, chủ yếu là các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ. Nhiều chính trị gia bảo thủ cũng không muốn Anh Quốc phải gánh vác và chia sẻ trách nhiệm với các thành viên mới nghèo khó này.

Đứng trên quan điểm chủ nghĩa dân tộc và quyền lợi quốc gia thì những ý kiến này hoàn toàn có lý. Không nước giàu nào lại muốn chia sẻ và ‘cưu mang” cho các nước khác. Tuy nhiên thế giới ngày nay hoàn toàn khác trước. Biên giới các quốc gia đã “mờ nhạt” đi trông thấy. Tự do đi lại và tìm kiếm cơ hội trong công việc là nhu cầu và nguyện vọng của chính đáng của mọi cư dân trên trái đất trong đó có giới trẻ Anh Quốc.

Trong ngắn hạn, nước Anh có thể hưởng lợi từ việc rời bỏ EU do đồng tiền Anh Quốc mất giá khiến hàng hóa vào Anh Quốc đắt đỏ hơn và hàng hóa Anh Quốc bán ra thế giới sẽ được nhiều hơn vì giá rẻ hơn. Xuất khẩu Anh Quốc sẽ có lợi khi đồng tiền Anh Quốc yếu đi. Các nước bán hàng vào Anh Quốc nhiều như Trung Quốc (hay Việt Nam) sẽ gặp khó khăn vì giá cả hàng hóa sẽ tăng cao.

Tuy nhiên trong dài hạn thì chưa biết điều gì có thể xảy ra. Dù rằng lãnh đạo EU và các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đều lên tiếng ủng hộ sự lựa chọn của người dân Anh Quốc nhưng uy tín và ảnh hưởng của Anh Quốc sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng sau sự kiện này. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng tín dụng của Anh Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Thủ tướng Anh, David Cameron cũng đang chịu áp lực tăng tốc độ các cuộc đàm phán “ly hôn” với EU sau khi Brussels cho biết các cuộc đàm phán về việc Anh Quốc ra đi nên tiến hành ngay lập tức.

Chúng tôi tin rằng 27 thành viên còn lại của EU sẽ đứng vững và vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thế giới của thế kỷ 21 là thế giới của  sự hợp tác, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau.

Vụ “ly hôn” đắt giá này cũng có tác dụng làm cho nền kinh tế thế giới phát triển bền vững và ổn định hơn. Các nền kinh tế yếu kém và phát triển dựa trên xuất khẩu như Trung Quốc sẽ phải xem xét lại các kế hoạch kinh tế của mình trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh Quốc cũng phản ánh rõ sự vận hành của một thể chế dân chủ khi người dân luôn có ý kiến sau cùng và quyết định trên mọi vấn đề quan trọng của đất nước. Quyết định này dù đúng hay sai cũng sẽ nhanh chóng được khắc phục và giải quyết trong một tương lai gần.

Việc Thủ tướng Anh lập tức lên tiếng từ chức sau khi kết quả việc trưng cầu dân ý có kết quả đã chứng tỏ sự lương thiện và trách nhiệm của một nhà lãnh đạo có tâm và có bổn phận đối với đất nước.

Mọi con mắt giờ đây đang hướng về hai vị lãnh đạo trụ cột của EU là thủ tướng Đức và tổng thống Pháp. May mắn cho EU là cả hai vị này đều tỏ rõ quyết tâm duy trì sự ổn định và phát triển của Liên Hiệp Châu Âu bất chấp việc Anh Quốc rời bỏ cộng đồng chung này.

Anh Quốc hay EU sẽ tan rã? Câu hỏi vẫn đang còn ở phía trước.

Việt Hoàng
(Nguồn: Thông Luận)

No comments:

Post a Comment