18 May 2016

Hồ Chí Minh - Chân dung một nửa con người

Thành Lê

DL - Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân vật chính trị làm tốn nhiều giấy mực trong lịch sử Việt Nam từ suốt thế kỷ XX. Nhiều người tôn sùng Bác, trên hết là ở sự đức độ, nhưng ngay cả ở khía cạnh này, vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Từ góc nhìn của một người trẻ, tôi xin góp thêm một chút giấy mực để nói lên đôi suy nghĩ của mình.

Chân dung Hồ Chí Minh.
Ảnh: Chưa rõ nguồn

Tôi sinh ra và lớn lên tại một miền quê thuộc vùng Đông Bắc Bộ (thập niên 1990), nơi mà Chủ nghĩa Xã hội là đặc trưng và truyền thống. Chúng tôi được học tập dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa, thuộc nằm lòng Năm điều Bác Hồ dạy, nghêu ngao hát quốc ca mỗi thứ Hai dưới cờ đỏ sao vàng, cảm thấy thật hãnh diện khi lần đầu tiên được mang khăn đỏ, thật tự hào khi lần đầu tiên được cài lên áo chiếc huy hiệu đoàn, đôi khi cảm thấy hơi bị phiền toái vì ngày nào cũng phải mang, nhưng cơ bản, vẫn tự hào và hãnh diện. Tôi được dạy về Đảng và Bác mỗi ngày, không chỉ từ trường lớp mà còn từ đài báo, làng xóm, và cả từ bố mẹ, những người cũng từng trải qua một tuổi thơ giống như tôi. Những đứa trẻ như tôi không hiểu lắm về Đảng, nhưng Bác thì dễ hiểu hơn nhiều. Bác như một người ông hiền hậu, với chòm râu dài, mái tóc bạc và vầng trán rộng, Bác yêu quý nhi đồng và tất cả nhân dân, Bác thường răn dạy lại con cháu những lời hay ý đẹp. Chúng tôi yêu Bác chỉ đơn giản vì những điều như vậy.

Cách đây mấy năm, lần đầu tiên được tiếp xúc với internet (nghe nói cũng là nhờ công ơn của Đảng và Bác), tôi liền tìm kiếm những thước phim và hình ảnh về Bác, bởi với trái tim đầy yêu thương của tôi, nghe đài báo thôi là không đủ. Nhưng, thông tin tôi tìm được không chỉ những lời ca tụng Bác mà còn rất nhiều chỉ trích, bình luận gay gắt. Cảm xúc đầu tiên của tôi là bị sốc, làm sao có một người Việt Nam nào lại không yêu mến Bác, thậm chí buông những lời cay đắng đến như vậy. Tôi liền lao vào hơn thua nhằm “cứu rỗi những linh hồn lạc lối”. Nhưng trước những bằng chứng cụ thể mà họ đưa ra, tôi không thể nào cố cãi. Càng tìm kiếm những thông tin để biện hộ, tôi lại càng thất vọng hơn trước những điều mới biết. Cuối cùng tôi cũng phải dằn vặt mà thừa nhận, tất cả những điều mình biết trước đây về Bác mới chỉ là một nửa của sự thật. Thật đắng lòng khi vì quá yêu thương mà phát hiện ra dối lừa.

Chính quyền thường tuyên truyền Bác Hồ như một lãnh tụ đạo đức, sáng suốt…, nhưng có thực vậy? Cùng tìm hiểu một sự kiện mà phần lớn chúng ta đều biết, chiến dịch cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam năm 1953 do Bác phát động theo mô hình Trung Quốc. Để mở đầu, vị cố vấn Trung Quốc yêu cầu xử tử bà Nguyễn Thị Năm (hay còn gọi là Cát Hanh Long), một địa chủ yêu nước đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, đóng góp nhiều tiền bạc, nhà cửa cho cách mạng. Ban đầu Bác Hồ đã phản đối ý kiến này, Bác cho rằng “không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng”[1]. Tuy nhiên sau đó Bác vẫn phải thuận theo ý của cố vấn Trung Quốc. Sẽ không có gì lạ lẫm nếu chỉ nói về sự phụ bạc của Đảng và Chính phủ, vấn đề là sau đó không lâu, Bác dùng bút danh C.B [2] viết một bài báo với tựa đề “Địa chủ ác ghê” đăng trên báo Nhân Dân lên án bà Nguyễn Thị Năm với đầy những tội ác man rợ nhưng hoàn toàn vô căn cứ, có thể Bác muốn hợp thức hóa việc giết bà Năm và xa hơn là kích động cho cuộc cải cách “long trời lở đất”. Sau này Bà Năm được chứng minh là oan sai. Ngày nay, tòa báo đó hoàn toàn có thể bị khởi kiện vì đăng một bài báo nặc danh vu khống, gây hậu quả nghiêm trọng. Còn Bác, một mặt nói không nên đánh phụ nữ “dù chỉ đánh bằng một cành hoa” và sự chấp nhận của Bác chỉ là miễn cưỡng thuận theo đa số, một mặt lại viết bài nặc danh kích động, vu khống người ta không thiếu một tội ác nào, sự lật lọng của Bác dù với bất cứ mục đích gì, cũng là không thể chấp nhận.

Nhưng đó mới chỉ là phần mở màn oan khiên của một cuộc cải cách đẫm máu và nước mắt. Sai lầm liên tiếp sai lầm, 172.008 người bị đấu tố và giết hại, trong đó 123.266 người sau này được chứng minh là oan sai[3] (mà cũng chỉ là oan theo tiêu chuẩn của Đảng). Những con người bị đày ải đó chẳng phải quân thù quân hằn nào, họ chính là những người đồng bào mà điều đầu tiên trong Năm điều Bác hồ dạy, phải yêu thương. Bao nhiêu người chết là bấy nhiêu gia đình tan vỡ, các quan hệ xã hội bị tổn thương, một không khí nặng nề bao trùm khắp Miền Bắc. Chương trình cải cách phải hoàn toàn chấm dứt năm 1956, sau đó Bác và Đảng đã tổ chức nhận khuyết điểm và sửa sai. Trong bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, không ai là không xúc động khi nhìn thấy những giọt nước mắt của vị lãnh tụ tối cao phải rơi xuống khi báo cáo trước Quốc hội về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Nhưng bấy nhiêu đó chẳng là gì so với hậu quả đằng sau những giọt nước mắt và trách nhiệm mà vị trí của Bác đúng ra phải nhận lãnh. Thân là người đứng đầu nhà nước lại đi phát động một chiến dịch thiếu tính toán, mặc dù bao tệ hại của nó đã dành dành ở Trung Quốc, gây hậu quả nghiêm trọng chỉ biết trách cán bộ yếu kém, chính phủ không sâu sát, rồi buông lơi vài giọt nước mắt. (Nếu cứ giết người rồi xin lỗi là xong chuyện thì Lê Văn Luyện đã không phải đi tù). Lẽ ra điều tối thiểu Bác phải làm là từ chức, không vị lãnh đạo còn lòng tự trọng nào có thể tiếp tục bám ghế sau khi thực hiện một chính sách tai hại như vậy. Bác vẫn tại vị cho đến lúc qua đời.

Vậy mà ngày nay nhiều người còn tôn sùng Bác. Cũng không thể trách người dân vì đây là sự sùng bái lãnh tụ mù quáng do tuyên truyền thiếu lương thiện của chính quyền. Tuy nhiên nó dựa trên những căn cứ hết sức vô lý vì: Thứ nhất, Hồ Chí Minh không hề xứng đáng trở thành một biểu tượng, ở sự kiện nói trên, Bác Hồ dù ở vai trò của một lãnh tụ tinh thần hay một chính trị gia đều không thể nào cho là đạo đức và sáng suốt, quá nguy hiểm khi vận động người dân học tập và làm theo gương Bác. Thứ hai, chính quyền thường viện dẫn công ơn Bác Hồ, nhưng một công dân Việt Nam tự nguyện góp sức cho đất nước của mình sao lại gọi là hy sinh và bắt người khác mang ơn? Thậm chí chính Bác phải mang ơn nhân dân, những người đã tin tưởng trao quyền lực cho Bác và Đảng. Một người làm chính trị luôn luôn phải nhớ ơn quần chúng của mình. Có người sẽ nghĩ rằng chúng ta cũng tự nguyện nhớ ơn Bác, chẳng phải, từ nhỏ chúng ta đã bị cả một hệ thống truyền thông nhồi nhét mỗi ngày, hệ thống này lại được chính quyền vận hành bằng tiền thuế của dân. Nói cách khác, ngay từ đầu, chúng ta đã bị móc túi để duy trì một hình tượng mơ hồ ru ngủ chính mình. Chúng ta đang bị lợi dụng và không có lựa chọn chứ chẳng phải nhớ ơn gì.

Giấy không bọc được lửa, đến một ngày, thế hệ tương lai sẽ phải giằng xé giữa những giá trị cũ và mới khi khám phá ra những con người Hồ Chí Minh khác. Có quá tàn nhẫn hay không khi thế hệ sau phải chịu dằn vặt bởi những ích kỷ mà thế hệ trước để lại? Nguy hiểm hơn, những thành phần cơ hội sẽ lợi dụng sự sùng bái để trục lợi hoặc những cơ chế yếu kém dựa hơi vào để tồn tại. Từ một bức tượng, tấm ảnh của Bác được làm bởi sử dụng ngân sách một cách tùy tiện, hay một nhân viên công quyền thẳng tay đánh đập không thương tiếc những người dân biểu đạt ôn hoà tay không tấc sắt, đến những dự án, chính sách thiếu cân nhắc dẫn đến thất thoát hàng trăm nghìn tỉ đồng và hủy hoại môi sinh...tất cả đó đều là hậu quả gây ra bởi một hệ thống yếu kém nhưng cố duy trì dựa trên tư duy sùng bái lãnh tụ mù quáng của người dân. Cần phải chỉ rõ và kiên quyết từ bỏ tư duy độc hại này, đơn giản nó chẳng có lý do gì để tồn tại.

Cả Karl Marx và Friedrich Engels đều căm ghét sự sùng bái cá nhân[4], không hiểu sao những học trò ưu tú của hai ông toàn tự thần thánh hóa hết cả. Quyết tâm ngăn nạn sùng bái lãnh đạo phải kể đến ông Lý Quang Diệu, vị cha già lập quốc của Singapore, đất nước với diện tích bằng ⅓ thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tạo ra GDP gấp rưỡi Việt Nam. Lúc sinh thời ông Lý rất thận trọng trong việc cho mượn tên và hình ảnh của mình, ở Singapore chỉ có hai bức tượng bán thân khiêm tốn của ông ở nơi công chúng, cũng không có cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Bác Lý vĩ đại nào. Tinh thần của người tiên phong nhất định có ảnh hưởng đến hệ thống mà họ tạo ra. Năm 2015 ngay sau khi ông Lý qua đời có rất nhiều ý kiến cho rằng để tưởng nhớ ông, nên đổi tên sân bay Quốc tế Changi thành Lý Quang Diệu hoặc in hình của ông lên đồng tiền Singapore[5], tuy nhiên Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long khi đó cho rằng: “Đây đều những ý tưởng tốt. Nhưng chúng ta không nên vội vàng ra quyết định về vấn đề này, đặc biệt là ngay sau khi ông Lý qua đời. Chúng ta nên để sau một thời gian, xem xét các ý tưởng một cách thận trọng và bình tĩnh, quyết định sẽ do thời gian thử thách”. Đó mới là việc mà một chính phủ của dân, do dân và vì dân cần làm chứ không phải lao vào ướp xác và xây lăng mộ cho lãnh tụ trong khi kinh tế khó khăn và chiến tranh leo thang. Thiếu tượng đài và lăng tẩm không khiến nước Mỹ hay Singapore yếu nhược đi, đầy những tượng đài kỳ vĩ cũng không giúp cho Trung Quốc, Triều Tiên thịnh vượng và được vị nể hơn.

Sẽ đến lúc phải thay đổi, có những người sẽ dằn vặt khi hình tượng sụp đổ, nhưng thà như vậy còn hơn bị ám thị bởi “một nửa cái bánh mì sự thật”. Chúng ta đã dành cả tuổi thơ ngây để tin tưởng và yêu những điều tốt đẹp về Bác, nhưng chính Bác đã không trân trọng, đã không thành thật. Chẳng bao giờ có yêu thương cho những người ích kỷ chỉ biết dối lừa.

Khách quan mà nói, Hồ Chí Minh không thể tôn sùng, nhưng có những điều đáng học tập. Còn rất trẻ, Bác đã đấu tranh đòi tự do dân chủ cho nước nhà. Từ Yêu sách của nhân dân An Nam 1919 đến Tuyên ngôn độc lập 1945, Bác thể hiện rõ sự lên án và chiến đấu để thay đổi một chính quyền Thực dân nửa Phong kiến Bác cho là tồi dở vì: không cho người dân tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, không có tự do học thuật, bóc lột người dân đến tận xương tủy, đặt ra đủ loại thuế vô lý làm dân ta bần cùng…(nhìn lại thì chính quyền hiện nay cũng chẳng khác gì). Đó chính là điều chúng ta nên học từ Bác, khi đất nước lâm nguy, phải dấn thân đấu tranh, khảng khái chống lại bạo quyền, mưu cầu dân chủ, tự do.

Tham khảo:
[1] Những kỷ niệm về Bác Hồ - Hoàng Tùng
[2] Người có nhiều bút danh nhất Việt Nam - vtc.vn, 20/06/2014
[3] Lịch sử kinh tế Việt Nam - Đặng Phong
[4] Về tệ nạn sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó - Nikita Sergeyevich Khrushchyov
[5] Parliament: Do not rush into decisions on how best to honour Mr Lee Kuan Yew, says PM - straitstimes.com, 13/04/ 2015
______________

Tác giả gởi đến cho Dân Luận
 Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160517/ho-chi-minh-chan-dung-mot-nua-con-nguoi

No comments:

Post a Comment