02 April 2016

Molenbeek – thủ đô khủng bố giữa lòng châu Âu


Nằm ở trung tâm thủ đô Brussels nhưng
Molenbeek giống một thành phố Maroc hơn là một thành phố Bỉ.
Ảnh Youtube

(TBKTSG Online) - Molenbeek là cái tên bắt đầu vượt xa ra biên giới nước Bỉ và được sử dụng như một tính từ.

Molenbeek chỉ rộng 6km2 nhưng với hơn 100 ngàn dân, đó là quận đông đúc và dày đặc nhất của thủ đô Brussels. Nằm ở phía Tây Brussels và ngăn cách với trung tâm thành phố bởi một con kênh, chỉ mất 10 phút đi bộ hoặc 3 bến tàu điện ngầm là có thể đi từ Molenbeek đến quảng trường Bruckere, nơi có sở giao dịch chứng khoán lâu đời nhất thế giới hay Grand Place, quảng trường lớn trung tâm của Brussels. Nói cách khác, Molenbeek hoàn toàn không xa cách, nếu không muốn nói là gần như nằm sát trái tim của Brussels. Đó là điều khác biệt lớn với Pháp, nơi các thành phố và khu ngoại ô nghèo đói có sự phân định về địa lý rạch ròi.

Nhưng điều đó không ngăn cản Molenbeek đang trở thành hình ảnh đại diện xấu xí của nước Bỉ. Từ hơn 1 tuần nay, từ Molenbeek xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm về Bỉ còn nhiều hơn chocolat, bia Bỉ hay “cu tè” Manneken Pis. Nguyên nhân chỉ có một: khủng bố. Tất cả những dữ liệu điều tra về vụ khủng bố Brussels hôm 22/3 đều đưa đến một kết luận: những thủ phạm chính gây ra 2 vụ khủng bố liên hoàn đẫm máu nhất trong lịch sử Vương quốc Bỉ đều đến từ Molenbeek. Và đó cũng chính là những kẻ đã gây ra cái chết của hơn 130 người trong đêm 13/11 kinh hoàng ở Paris năm ngoái.

Rất khó có điều gì thuyết phục hơn các con số: trong 130 công dân Bỉ đã được xác định danh tính đang chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria, 84 người đến từ Molenbeek, tức gần 2/3. Những cái tên như anh em Abdeslam, Abaoou, El Bakraoui… xuất hiện dày đặc trên báo chí thế giới thời gian qua đều có một điểm chung: chúng sinh ra, hoặc lớn lên ở Molenbeek, sống cuộc sống vất vưởng tội phạm rồi rủ nhau lập thành các mạng lưới cực đoan và coi khủng bố là cách thể hiện giá trị bản thân. Những công dân Molenbeek này kết hợp với những phần tử cực đoan trà trộn vào châu Âu trong làn sóng tị nạn đang biến thành mối đe dọa khủng khiếp về an ninh ngay trong lòng châu Âu.

Câu hỏi mà chính quyền Brussels đang bị chất vấn nhiều nhất là tại sao Molenbeek lại bị bỏ mặc phát triển thành hang ổ khủng bố như ngày hôm nay, dù nó nằm ngay giữa Brussels và cách các trung tâm đầu não của EU hay NATO chỉ vài cây số?

Đói nghèo được chỉ ra là nguyên nhân đầu tiên. Những thống kê ít ỏi về Molenbeek cho thấy thu nhập bình quân đầu người của quận này chỉ là hơn 9.000 euro/năm, tức chỉ bằng gần 1/2 mức thu nhập bình quân chịu thuế của dân Bỉ. Molenbeek cũng là một trong 3 quận nghèo nhất của toàn nước Bỉ. Tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, ở mức 40%. Trong thanh niên, con số này là 60%, thậm chí cao hơn.

Sức ép của đói nghèo còn trở nên nặng nề hơn khi có áp lực song hành của việc tăng dân số. Với trên 100.000 dân sống trên một khu vực có diện tích chỉ 6km2, Molenbeek có mật độ dân số cao nhất Bỉ và cũng là nơi có tỷ lệ tăng dân số cao gần gấp đôi mức bình quân cả nước.
Molenbeek được điều khiển bởi một nền kinh tế ngầm. Ảnh Reuters

Đói nghèo ở Molenbeek là một di sản lịch sử. Trong quá khứ, Molenbeek là quận của tầng lớp bình dân, của các công nhân làm việc trong các nhà máy. Đến những năm 60, những đợt di dân ồ ạt từ Bắc Phi, đặc biệt là Maroc, biến nơi này thành thủ đô của dân nhập cư. Từ đó về sau, chênh lệch về thu nhập, khác biệt về văn hóa càng tạo ra một biên giới vô hình giữa Molenbeek với các quận khác của Brussels.

Từ những năm 90, như mô tả của Corinne Torrekens, nhà nghiên cứu chính trị học ở Đại học tự do Brussels (ULB), thì “Molenbeek giống một thành phố Maroc hơn là một thành phố Bỉ”. Ở đó người dân nói chuyện, đọc báo, xem tivi và quan tâm các tin tức ở Bắc Phi nhiều hơn chuyện ở Brussels.

Người Bỉ vốn có đặc tính địa phương rất nặng, các vùng, các quận, thường ít để ý đến nhau và ở Molenbeek, đặc tính này còn đậm đặc hơn, như thể Molenbeek là một “quốc gia” Hồi giáo nằm giữa Brussels. Dễ hiểu vì sao trong môi trường đó, những thanh niên lạc lối dễ bị cuốn hút bởi các tư tưởng cực đoan.

Nhưng, trách người thì cũng phải trách mình. Giờ đây khi Molenbeek đã trở thành hình ảnh tủi hổ và là mối đe dọa an ninh sống còn với Bỉ và châu Âu, chính quyền Bỉ cũng phải xem lại mình. Báo chí và các đảng phái ở Bỉ đang nói rất nhiều đến vai trò của các đảng chính trị ở Molenbeek, đặc biệt là cá nhân cựu Thị trưởng Philippe Moureaux, người đã nắm quyền hơn 20 năm tại Molenbeek. Dưới thời ông thị trưởng này, các tư tưởng và phong trào cực đoan bị bỏ mặc cho phát triển. Vị thị trưởng này và đảng của ông (đảng Xã hội) đã quá nhân nhượng trước các thành phần cực đoan và chọn cách “dĩ hòa vi quý” để tránh phải xử lý những vấn đề phức tạp.

Molenbeek được điều khiển bởi một nền kinh tế ngầm, bởi các băng đảng tội phạm và các nhóm cực đoan. Một ví dụ điển hình là khi anh em nhà Abdeslam bị phát hiện tham gia khủng bố ở Paris, các nhà điều tra mới phát hiện ra gia đình tên này được ở nhà “trợ cấp xã hội” dù có thu nhập trên 100.000 euro/năm và hai anh em Abdeslam còn là chủ một quán bar ở Molenbeek.

Người Bỉ vốn mềm mỏng, ngại va chạm và có tính địa phương rất cao. Brussels là thủ đô của Vương quốc nhưng lại ít được yêu mến. Dân Flamand nói tiếng Hà Lan thích Bruges, Antwerp hơn, dân nói tiếng Pháp quan tâm đến Liege, Mons… nhiều hơn. Brussels là thành phố quốc tế, với lượng dân “chuyên viên nước ngoài” (expat) đông nhất châu Âu, với đủ loại sắc tộc, tôn giáo nên càng ít người để ý đến một Molenbeek nghèo đói và tội phạm.

Hậu quả khủng khiếp bây giờ mới phát tác.

Quang Dũng
(Nguồn: TBKTSG-online)

No comments:

Post a Comment