09 October 2015

Góc nhìn về cuộc di cư thứ hai của Việt Nam: du học sinh

Hoài Thu Nguyễn (VNTB) – Sau hơn hai thập kỷ “thuyền nhân” Việt Nam, một cuộc di cư* mới lại bắt đầu. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam theo đuổi bằng cấp nước ngoài, những người di cư này – đã nhìn thấy giá trị cao của nền giáo dục Mỹ, Anh và Úc. Và hơn nữa, họ bị thu hút bởi lương cao phù hợp với năng lực bỏ ra. Một nhận định của tác giả Kris Hartley, vốn là giảng viên thỉnh giảng về Kinh tế tại Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh trên The Guardian đã cho thấy một góc nhìn giữa tăng trưởng kinh tế và giáo dục đại học.

Cuộc di cư này dẫn đến hai yếu tố: giá trị của ngành công nghiệp trong nước sẽ gia tăng nhờ vào chất lượng lao động và các trường đại học Việt Nam sẽ có động lực cải thiện năng lực đào tạo.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ tăng gấp bảy lần trong giai đoạn 2000 – 2014 (từ 2.266 lên đến 16.579). Và 1/3 sinh viên Việt Nam đang làm việc cho các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ. Trong một bài báo gần đây, một cựu bộ trưởng Bộ giáo dục & đào tạo Việt Nam đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, “Giáo dục đại học Việt Nam không tốt” và ông nhấn mạnh về giáo trình thiếu thốn, với những lý thuyết rỗng. “Trong một bài báo, một công chức Việt Nam và là mẹ của một du học sinh đã mô tả hệ thống giáo dục Việt Nam là “áp lực và dối trá.”

“Học thuộc lòng và bóp nghẹt sáng tạo” cũng là căn bệnh trầm kha của nền giáo dục Việt Nam.

Ngoài những yếu tố trên – vốn làm gia tăng số lượng du học sinh Việt Nam thì chính sách tuyển dụng sinh viên nước ngoài của một số quốc gia cũng có tác động không nhỏ. Ví dụ, trong năm 2014 của chính phủ Canada đã thông báo ý định của mình về tăng gấp đôi số sinh viên nước ngoài đến học tập vào năm 2022, lên đến nửa triệu người. Và Việt Nam được xác định là một “thị trường ưu tiên”, cùng với Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Trong một bài báo tháng chín trên CBC, một nhân viên tại trường đại học Ottawa (top 50 của Canada) đã mô tả việc tuyển dụng sinh viên nước ngoài là công việc “cạnh tranh khốc liệt,” dấu hiệu cho thấy nhu cầu về nguồn sinh viên là rất lớn.

Các trường đại học Việt Nam đã không rút lui lặng lẽ. Đang có một cuộc chạy đua đầy tư cơ sở vật chất trường học và tuyển dụng đội ngũ giảng viên quốc tế. Thậm chí, một cuộc chạy đua vũ xây dựng khuôn viên, ký túc xá, khu thể thao, và trung tâm giải trí của sinh viên, như Đại học FTP tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi vừa công bố xây dựng một khuôn viên trường “xanh” với lối kiến trúc hoành tráng để “cạnh tranh” với các trường đại học lớn trên thế giới.

Giáo dục là thường xuất hiện trong các cuộc thảo luận về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Không một quốc gia nào muốn được buộc vào cuộc chiến chi phí lao động, một tư thế cạnh tranh không bền vững. Do đó năng suất cao thông qua phát triển kỹ năng là một chiến lược đúng đắn, muốn vậy cần phải đầu tư giáo dục, gia tăng nguồn lao động chất lượng cao. Trong nền kinh tế như Việt Nam hiện nay, với sản xuất công nghiệp – bất kể mức giá trị của nó – vẫn được “nắm” trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Biến đổi về tăng trưởng kinh tế sẽ không xảy ra cho đến khi các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu và quản lý được các phương tiện sản xuất, thay vì các công ty nước ngoài. Và điều đó sẽ gia tăng sự hiện diện và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào gia công phần mềm và hướng tới tự túc. Tất nhiên, quan điểm này không ủng hộ chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ mậu dịch. Và do đó, để làm được điều nêu, xây dựng năng lực công ty trong nước phải đến từ sự hỗ trợ bởi chất lượng giáo dục và chính sách công chuyên nghiệp.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào giáo dục có thể đóng góp nhằm đạt được mục tiêu này. Sinh viên Việt Nam phải cần phải có đầu óc kinh doanh và hệ thống đại học của Việt Nam cần phải chuyển biến phù hợp cho điều đó. Trong một bài báo năm 2013, một cựu chủ tịch RMIT-Việt Nam tỏ ra bất ngờ về số lượng sinh viên tốt nghiệp RMIT bắt đầu kinh doanh riêng. Có lẽ giáo dục kiểu phương Tây (bên trong hoặc bên ngoài Việt Nam) thu hút những người ưa thích kinh doanh, nhưng các kỹ năng đã học trong các trường đại học nước ngoài mới định hình chiến lược nghề nghiệp của học sinh và triết lý kinh doanh theo những cách mới.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng chú ý kể đổi mới kinh tế năm 1986. Tăng trưởng sẽ không thể thực hiện được nếu không có tham vọng của người Việt. Thật vậy, Việt Nam gần đây đã được cải thiện bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới với việc tăng 19 bậc. Hơn nữa, hệ thống trường trung học của nước này gần đây đã tạo ra sự chú ý với xếp hạng 12 trong phần toán học và khoa học thông qua các bài kiểm tra PISA quốc tế. Tuy nhiên, tiềm năng sáng tạo to lớn của lớp trẻ Việt Nam tiếp tục lép vế so với phương Tây.

Việt Nam sẽ phải làm việc tích cực để cải thiện hệ thống giáo dục đại học của mình, không chỉ trong bảng xếp hạng toàn cầu, mà còn trong chính bản thân sự điều chỉnh chương trình, phong cách giảng dạy trong các trường đại học. Và đây là bước đi quan trọng đến hướng đến sự chuyển đổi của nền kinh tế.

Đọc thêm: Du học – “Đi đi, đừng về!”

Đây là những tâm sự thật của một bạn du học sinh Mỹ hiện đang ở Việt Nam hè 2014. Tôi quyết định giấu tên người chia sẻ câu chuyện này.

Tôi năm nay 21 tuổi, đang du học tại Mỹ. Kết thúc bốn năm đại học, tôi muốn về Việt Nam nhưng ai cũng ngăn cản: “Đi đi, đừng về!”.

Bố mẹ tôi làm trong ngành y. Hai người bắt đầu nói về chuyện du học và định cư tại Mỹ khi tôi mới học lớp 11. Mẹ thường hay kể công việc hằng ngày tại bệnh viện, để tôi hiểu lời hối thúc “đừng về Việt Nam” bắt nguồn từ 20 năm sống trong bức xúc của mẹ: “Bệnh viện của mẹ có một bác giám đốc lên chức từ những năm 1980. Kể từ đó, bác đã cho không biết bao nhiêu họ hàng từ Bắc, Trung vào làm hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên…

Với “quyền lực mềm” của giám đốc, bác chỉ nói một tiếng, có anh trưởng khoa nào không dám nhận người? Toàn con ông cháu cha. Còn những sinh viên chính quy, nắm tấm bằng đại học, phải trầy trật khổ sở để được bước chân vào cổng viện. Không chỉ ở đây, mà nhiều nơi cũng có “quyền lực mềm” giống thế hoặc hơn thế. Nhiễu nhương lắm. Về làm gì hả con?”.

Khi không thuyết phục được tôi, ba mẹ viện đến dì. Dì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt Nam để cống hiến. Nhưng có thể tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!”. Không chỉ bố mẹ, dì, mà các bác đang sống ở Mỹ đều đồng ý với quan điểm ấy.

Trong vòng tròn bạn bè của tôi, chỉ ra ai không muốn về Việt Nam thì rất dễ. Còn tìm người quyết tâm trở lại thì thật khó khăn. Nhiều bạn lưỡng lự, không ai dám chắc chắn hai chữ: “Sẽ về!”. Tôi có một cô bạn thân đang học ngành công nghệ thực phẩm. Cô bảo: “Ngành mình học về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để chật vật kiếm một chỗ làm sau bốn năm vất vả!”.

Một người bạn khác chia sẻ: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình đã biết tại Việt Nam mình sẽ không làm được”. Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình. Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa “apply” thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể”.

Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy.

Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau đi xây dựng đất nước. Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam mà chỉ nói: “Đừng về để giẫm vào đường cụt. Vì tương lai của con, hãy đi đi!”.

Tôi nên ở hay về?
____________
Nguồn: VNTB
(Via Blog SầuĐông) 
****
* Cuộc di cư này khó có thể đồng nhất với những cuộc di cư chạy trốn chế độ cộng sản của đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954, và cuộc di cư thứ hai của đồng bào miền Nam sau 1975 , tuy sự lựa chọn ở lại những nước tư bản “đang giãy chết” (?!) dù nói cách nào cũng phảng phất ảnh hưởng của thể chế chính trị, và không chỉ đơn thuần là di cư về kinh tế, giáo dục.

No comments:

Post a Comment