12 September 2015

Đi Chợ, phiếm luận

Điền Thảo

Không ngờ ở vào tuổi không còn trẻ tôi đâm ra thích đi chợ. “Đi chợ” đúng nghĩa Việt nam: Đi mua rau cỏ, cá thịt, trái cây về làm cơm, chứ không phải đi la cà mua sắm là điều muôn năm tôi không có hứng thú. Đi chợ lấy có nhiều điều lợi:

- Thứ nhất là thích ăn cái gì thì mua cái đó.
- Thứ hai là nên ăn cái gì thì mua cái đó.
- Thứ ba là phải ăn cái gì thì mua cái đó.

Bởi vì không thích uống thuốc tây (như vitamin chẳng hạn) thì phải chọn thức ăn có nhiều sinh tố, thích hợp cơ thể để phòng ngừa bệnh tật, chống lại cảm cúm. Những qui định bất thành văn đặt ra cho mình do đó mà trở nên khá phức tạp nhất là cộng  thêm cái tiêu chuẩn ưu tiên cho thực phẩm an toàn. Mà thực phẩm an toàn hay không liên hệ chặt chẽ với nguồn sản xuất.

Khi lấy một vĩ cá hồi đông lạnh lên ngắm nghía nhưng vấp phải hàng chữ "Product of China" là vất xuống ngay, Bây giờ các siêu thị "tây" chính hiệu con nai cũng bán cá của Tàu nuôi hoặc đánh bắt. Trên bao hộp viết toàn tiếng Anh chẳng có mảy may một chữ Tàu nào, nên vô ý là không nhận ra. Cho dù trông ngon lành cách mấy cũng vất xuống ngay không tiếc rẻ, vì hàng sản xuất tại nước này đã nổi tiếng là thiêu vệ sinh và độc hại.

Từ cái ngày Tập Cận Bình kéo dàn khoan vào Biển Đông Việt Nam, tôi lại càng mất cảm tình với đồ Tàu. Chẳng những thế tôi còn thuyết phục con tôi cẩn thận khi mua. Thật sự là tôi phải thuyết phục vì chúng sinh trưởng ở Bắc Mỹ, được giáo dục theo những nguyên tắc công bằng và thực nghiệm. Tôi diễn giải rằng nhiều cuộc điều tra cho hay thức ăn Tàu Hoa Lục và cả Đài Loan sản xuất thiếu tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe, thiếu phẩm chất, nhiều khi là những hàng tồn kho nhiều năm, thậm chỉ còn chứa độc tố gây bệnh chết người.

Có một lần luộc bún do Tàu sản xuất  mà luộc mãi không mềm. Tại sao? Bún chính yếu làm từ bột gạo không thể có chuyện luộc lâu như vậy! Tôi sinh nghi. Tôi đem chuyện này hỏi con tôi, phần vì không biết tại sao phần thì chỉ cho con tôi một cách thực tế. Tôi xé một bọc quế nhập cảng từ Tàu, bẻ một miếng đưa cho chúng ngửi và nếm. Chẳng có gì bất ngờ: những miếng quế này không khác gì vỏ cây vương vãi trên lối đi, không mùi không vị. Rồi tôi mở nắp chiếc lọ đựng quế bột sản xuất từ một nước thứ ba cho chúng thưởng thức mùi thơm ngây ngất của quế thật. 

Tôi thường ăn cá và chuyện buồn nhất là khi nhắc một vĩ cá lên và bắt gặp hàng chữ "Product of Vietnam". Một phút phân vân rồi cuối cùng phải bỏ lại. Thông thường dân các nước ở hải ngoại rất có cảm tình với hàng xuất xứ từ quê hương mình. Yêu thích và tự hào vì do đồng bào mình làm ra. Nhưng khốn nỗi đám lãnh đạo thiển cận lại rập khuôn theo kinh tế Hoa Lục. Nói cho đỡ ngượng chút thôi, chứ phải nói kinh tế VN trong thời kỳ CS bị Tàu xỏ mũi chứ Đảng và Nhà nước VN nào có khả năng quái gì mà chọn với lựa! Một chiếc áo sơ mi tuy sản xuất tại VN nhưng vải là của Tàu, sợi chỉ cũng của Tàu. Mua về giặt một lần là co dúm lại, màu phai, chỗ nếp gấp tưa ra. Ngành nuôi tôm cá thì lại mời đám chệt bên Tàu sang cố vấn nuôi tôm cá sao cho mau lớn, bất chấp thức ăn nuôi cá do chúng sản xuất có độc tố.

Cách làm ăn của Tàu đã mang tiếng từ lâu nên hàng Tàu sản xuất bị hải ngoại xa lánh là phải. Việt Nam nếu không sớm tách ra không để bị tập đoàn lưu manh chính tri và con buôn Tàu lũng đoạn thì hàng VN cũng sẽ bị xa lánh như hàng Tàu mà thôi. Hàng hóa VN muốn được ưa chuộng ở hải ngoại, nhất định phải tạo ra uy tín riêng cho mình, phải xa lánh vật liệu sản xuất từ Tàu Cộng, xa lánh thói làm ăn bất lương của chúng.

Mong rằng một ngày nào đó khi thấy hàng Made in VN, Product of VN, tôi sẽ mỉm cười lượm lên bó vào giỏ. Nếu đời tôi không còn kịp, thì con tôi sẽ làm như vậy, cháu tôi sẽ làm như vậy. Mong lắm thay!

Điền Thảo

No comments:

Post a Comment