13 July 2015

VNTB- Hướng Đạo Việt Nam: Lò ươm mầm hào hiệp sẽ trỗi dậy?


Kiều Phong

Liệu an ninh nhà nước sẽ dùng vũ lực ngăn cản Kì Trại họp bạn Hướng Đạo, hay là những thanh thiếu niên can đảm sẽ kiên quyết tổ chức đại hội hướng đạo? Chúng ta hãy chờ đợi câu trả lời vào ngày 16/07  tới tại Đồng Nai.

Khi nhắc đến một tổ chức lớn quy tụ thanh thiếu niên Việt Nam, phần lớn người dân Việt Nam chỉ biết đến Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng hai tổ chức này trong việc tuyên truyền để kiểm soát quyền lực chính trị, việc vào, ra đội và đoàn nhiều khi mang tính cưỡng ép mềm.

Ít ai biết rằng, ở đất nước chúng ta, cũng có một tổ chức sinh ra để rèn luyện thanh thiếu niên một cách vô vị lợi và không phụ thuộc vào thể chế, đã từng hoạt động mạnh mẽ và hữu hiệu hơn đội và đoàn rất nhiều, đó là Hướng Đạo Việt Nam. Hướng Đạo có giá trị  thực hành ở chỗ nó trang bị và phát triển kỹ năng để thanh thiếu niên tồn tại trong mọi tình huống, nhất là trong điều kiện rừng núi.

Hướng Đạo - phong trào công ích xã hội

Hướng đạo (Scouting), tên đầy đủ là  Phong trào Hướng đạo (Scout Movement), một phong trào thanh thiếu niên có phạm vi toàn cầu với mục đích được nêu rõ là trợ giúp giới trẻ trong việc phát triển tâm linh, tâm trí và sức khỏe để đóng những vai trò xây dựng trong xã hội. Phong trào dùng Phương pháp Hướng đạo, một chương trình giáo dục không chính thức chú ý đặc biệt vào các hoạt động thực hành ngoài trời, bao gồm cắm trại, kỹ năng sống trong rừng, trò chơi dưới nước, đi bộ đường dài, mang trang bị sau lưng, và các trò thể thao.

Ông tổ Hướng Đạo thế giới là Baden Powell là một điều chắc chắn không ai chối cãi được. Trong trận chiến Boers ở Nam Phi, tướng Baden Powell là vị chỉ huy quân Anh ít ỏi bị quân Boers đông gấp bội vây hãm trong bẩy tháng trời và đã chiến thắng oanh liệt ở thị trấn Mafeking. Ông đã viết tập chỉ dẫn huấn luyện binh sỹ các điều căn bản về mưu sinh, tìm dấu vết đi rừng, liên lạc thám báo, quan sát địa hình và thoát hiểm. Sau đó, năm 1907 Robert Baden-Powell tổ chức một cuộc cắm trại Hướng đạo đầu tiên tại Đảo Brownsea ở Anh. Baden-Powell viết ra các nguyên tắc của Hướng đạo trong sách Hướng đạo cho nam (London, 1908), dựa vào các sách quân đội trước đây của ông, cùng với sự ảnh hưởng và trợ lực từ một số người bạn. Câu nói nổi tiếng của ông trở thành lý tưởng- kim chỉ nam cho hàng trăm triệu hướng đạo sinh trên toàn thế giới: “Phương cách tốt nhất để hưởng hạnh phúc là gây hạnh phúc cho người khác. Gắng làm cho thế giới này tốt đẹp hơn và khi đến lượt bạn xa lìa nó, bạn sẽ ra đi sung sướng rằng bạn đã không phi thời giờ mà đã làm tất cả cái gì tốt nhất. Hãy SẴN SÀNG, sống vui và chết vui, giữ vững lời hứa Hướng Đạo. Thượng đế sẽ giúp bạn”.

Mục đích của phong trào giúp phát triển tinh thần công dân tốt cho thanh thiếu niên, bằng cách rèn luyện tính khí, huấn luyện trẻ có óc quan sát, tính vâng lời và lòng tự tin, gây long trung tín và vị tha, dạy trẻ phục vụ cộng đồng và các thủ công hữu ích cho bản thân; làm nẩy nở thể xác, tâm hồn và đời sống thiêng liêng của tuổi thiếu niên. Đó là mục đích, rất đơn giản nhưng không tầm thường. Những ai tự gọi mình là Tráng sinh Hướng Đạo sẽ giúp đỡ các thiếu sinh, các thiếu sinh sẽ giúp đỡ lại các ấu sinh, mọi người đều có nhiệm vụ bắt tay vào mà thực hiện nghĩa vụ trên, vì đó là một lý tưởng.

Những chế độ khác nhau, những cách đối xử khác nhau với Hướng Đạo

Từ thời kỳ Pháp thuộc qua những biến cố lớn lao đưa đến cuộc chiến Quốc- Cộng đẫm máu, rồi cuộc di tản vĩ đại 1954, có thể nói rằng phong trào hướng đạo đã trải qua bao nhiêu thăng trầm cùng  đất nước.

Vào những năm 1930, nền đại Học Việt Nam còn phôi thai, lượng trí thức còn ít. Phong trào ái quốc bùng lên.  Nguyễn Thái Học và các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đưa lên máy chém ở Yên Bái vẫn ngửa mặt hô Việt Nam muôn năm. Sau đó, Xô Viết Nghệ Tĩnh xảy ra, cuộc biểu tình của nông dân bị đàn áp đẫm máu. Giới nho học thấy cần thoát khỏi các tập quán cổ lỗ để duy tân mong theo đà Âu Tây. Các thanh niên trí thức muốn hướng dẫn các bạn trẻ theo nếp “sống vui sống khỏe” cho hợp thời. Năm 1930, trưởng sinh tiên phong Trần Văn Khắc nhận thấy tôn chỉ hướng đạo thích hợp với tâm tính Việt Nam có thể lôi cuốn được giới trẻ vào những hoạt động gần thiên nhiên trong tập quán dân chủ nên  đã lập đoàn hướng đạo  đầu tiên của Việt Nam. Phong trào Hướng Đạo dần dần phát triển từ dưới đi lên theo một tiến trình hoàn toàn dân chủ.

Thông thường, cụm từ Hướng Đạo đứng trước tên quốc gia sẽ là biểu trưng cho tất cả những gì liên quan đến hướng đạo của quốc gia đó. Theo hiến chương của hai tổ chức hướng đạo thế giới là là WOSM và WAGGS, mỗi nước có chủ quyền, chỉ duy nhất một tổ chức hướng đạo được công nhận là hội viên chính thức của WOSM/WAGGS. Đến năm 1957, tổ chức Hướng Đạo của Việt Nam Cộng Hòa được nhận làm hội viên chính thức của WOSM. Hội Nữ Hướng Đạo tại miền Nam Việt Nam cũng được công nhận là thành viên chính thức của WAGGS vào năm 1966.

Rõ ràng, Hướng Đạo đánh thức bản năng sinh tồn và tinh thần hào hiệp cho thanh thiếu niên. Nhận thức được điều này, chính quyền Sài Gòn cũ đã tạo những điều kiện tốt để giúp đỡ phong trào hướng đạo trong nước. Trong những lần Hướng Đạo tổ chức đại hội, nhà cầm quyền Sài Gòn cũ đã hỗ trợ trực thăng để hỗ trợ Hướng Đạo Việt Nam trong khâu vận chuyển nhân lực.

Trái lại, trong con mắt của chính quyền xã hội chủ nghĩa đương nhiệm, Hướng Đạo là một cái gai trong mắt vì tổ chức này không thần phục Đảng. Con người mà hội Hướng Đạo đào tạo ra đáp ứng chuẩn mực quốc tế, nhưng  Đảng  chỉ chấp nhận  con người xã hội chủ nghĩa mà thôi. Vì vậy, cả hai hội Nam và Nữ Hướng Đạo đều phải giải thể sau năm 1975.

Một thập niên trở lại đây  đây, những cựu trưởng sinh Hướng Đạo Việt Nam đang từng bước gây dựng lại phong trào. Ở Hà Nội cũng có một đơn vị nhưng lần nào sinh hoạt cũng sợ bị an ninh quậy phá, một vài  nơi không được phép sinh hoạt. Ở Nghệ An cũng có một đoàn hướng đạo nhưng phải sinh hoạt bí mật. Năm 2007, ở Đà Nẵng, những lần sinh hoạt của giới trẻ hướng đạo sinh bị công an truy đuổi và phải chạy, chưa kể việc không được mang đồng phục.

Gần đây nhất, năm  2010, kì trại tổ chức tại khu du lịch Đại Nam Văn Hiến, Bình Dương. Kì trại lúc đó đang đông vui thì ngày thứ ba, công an cho quân lên dẹp và đề nghị trại kết thúc sớm trước một ngày. Thời gian gần đây, không khí đã bớt đi căng thẳng nhưng chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ rằng nhà nước đã từ bỏ thái độ thù địch với Hướng Đạo, mặc dù tổ chức này là phi chính trị.

Tương lai nào cho Hướng Đạo tại Việt Nam?

Các cựu thủ lĩnh Hướng Đạo - các cựu trưởng sinh đang sống  ở  Hoa Kỳ, Canada và Pháp Quốc đang gây dựng lại phong trào. Một số cựu Trưởng như Trưởng Huỳnh Minh Quang hiện ở Paris đã 83 tuổi nhưng vẫn hàng tuần gửi cho các trưởng sinh trong nước các tài liệu về xây dựng hội. Các tài liệu của Trưởng Nghiêm Văn Thạch, đã một thời làm bí thư cho cựu Đại Sứ Nguyễn Duy Quang tại Paris cũng được chuyển về nước. Hội Trưởng Nguyễn Tấn Hồng ở Canada cũng giới thiệu Trưởng Tôn Thất Hy cho các bạn trẻ trong nước đọc các trang báo Bạch Mã xuất bản tại hải ngoại. Những vị tiền bối này hỗ trợ các hội viên trong nước tìm đọc về lịch sử Hướng Đạo Việt Nam để có đầy đủ dữ kiện làm công việc này trong tương lai, khi Hội Hướng Đạo nước nhà chính thức hoạt động lại. Chúng ta có quyền hi vọng vào phong trào mang tính quốc tế này sẽ lần nữa nở rộ trên đất nước Việt Nam.

Đến hẹn lại lên, cứ 5 năm  một lần Kì Trại họp bạn Hướng Đạo sẽ được tổ chức. Kì Trại năm nay kỷ niệm 85 năm ngày thành lập phong trào Hướng Đạo Việt Nam, với sự quy tụ của gần 5000 trại sinh  trong toàn quốc, một con số kỷ lục từ sau 1975. Liệu an ninh nhà nước sẽ dùng vũ lực ngăn cản kỳ trại này, hay là những thanh thiếu niên can đảm sẽ kiên quyết tổ chức đại hội hướng đạo? Chúng ta hãy chờ đợi câu trả lời vào ngày 16/07  tới tại Đồng Nai.

(Nguồn VNTB)

Bài viết sử dụng một số tư liệu do một số hướng đạo sinh gửi đến trực tiếp cho phóng viên Việt Nam Thời Báo, và một số tư liệu từ trang Wikipedia tiếng Việt

No comments:

Post a Comment