18 December 2014

Tin ngắn đáng chú ý

Mỹ, Cuba nối lại bang giao

Mỹ và Cuba cho biết hai nước đang tiến tới bình thường hóa liên hệ, chấm dứt hơn một nửa thế kỷ cô lập ngoại giao nảy sinh từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro, phát biểu cùng lúc ở Washington và Havana, cho biết họ đã trao đổi những tù binh người Mỹ và Cuba bị giam giữ nhiều năm qua và giờ sẽ mở đường để tăng cường liên hệ về kinh tế và du lịch giữa hai nước.

Alan Gross, nhân viên hợp đồng với Cơ quan Phát triển Quốc tế, được Cuba trả tự do hôm thứ Tư sau năm năm tù giam vì nhập khẩu công nghệ cấm vào Cuba. Ông Obama cho biết ông Gross và một người đàn ông được mô tả là "một trong những tình báo viên (người Mỹ) quan trọng nhất " đã được Cuba thả ra, đổi lại Mỹ cũng thả ba điệp viên người Cuba bị giam hơn một thập niên qua trong các nhà tù của Mỹ.

Ông Obama nói 50 năm qua, việc Mỹ cô lập đảo quốc cách bờ biển phía nam của Mỹ 145 km "đã không có tác dụng" và "đến lúc phải có cách tiếp cận mới."

Sự tan băng ngoại giao này diễn ra sau hơn một năm đàm phán bí mật giữa hai nước, với Canada và Đức Giáo hoàng Phanxicô đóng vai trò chủ chốt. Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo Roma ngỏ lời "chúc mừng nồng nhiệt" đối với việc nối lại liên hệ ngoại giao giữa hai nước, trong khi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon mô tả tin này là "rất tích cực." (VOA)

Tâm lý chống Trung Quốc tại Madagascar

Tâm lý chống Trung Quốc, xung đột giữa thợ và chủ dẫn đến bạo động hay âm mưu chính trị ? Tình hình vẫn căng thẳng tại nhà máy đường Sucoma, ở Morondava, phía tây Madagascar, sau vụ bạo loạn, đập phá, đụng độ với hiến binh và các vụ thanh toán, trả thù làm 6 người thiệt mạng.

Ngày 10/12/2014, nhân viên nhà máy đường Sucoma đã biểu tình, phản đối việc bắt giữ hai nhà lãnh đạo công đoàn của họ, sau các vụ đụng độ với hiến binh, hồi tháng 11, làm hai người Trung Quốc bị thương và gây nhiều thiệt hại vật chất.

Cuộc biểu tình lần này lại dẫn đến bạo động dữ dội. Khoảng hai chục viên chức lãnh đạo nhà máy, người Trung Quốc, được sơ tán về thủ đô Antananarivo. Nhà cửa, đồ đạc của các nhân viên Trung Quốc bị đập phá, lấy đi. Đụng độ giữa hiến binh và người biểu tình làm 2 người chết và 9 người bị thương.

Trong những ngày sau vụ đụng độ hôm 10/12, một viên chức bảo vệ và một quân nhân Madagascar đã bị đâm chết ngay tại nhà máy đường, hai hiến binh đi mô tô, ngăn chặn người biểu tình, cũng đã thiệt mạng vì bị một xe tải đâm thẳng vào.

Nhà máy đường Sucoma là một doanh nghiệp Nhà nước, được giao cho phía Trung Quốc quản lý vào năm 1997, để tránh bị phá sản.

Chán nản vì mức lương quá thấp, khoảng 30 euro mỗi tháng, các nhân viên của nhà máy đường Sucoma đã bày tỏ sự bất bình về những ưu tiên giành cho cán bộ Trung Quốc, những hành động lạm quyền, sách nhiễu và sức ép đối với những người lao động địa phương. Từ nhiều tháng nay, họ đòi tăng lương và doanh nghiệp phải ký các hợp đồng lao động theo đúng pháp luật với những người làm việc tạm thời.

Một đại diện của người lao động nói với AFP : «Chúng tôi không muốn thấy người Trung Quốc. Chúng tôi không muốn làm việc với người Trung Quốc. Trước mặt ông Bộ trưởng Madagascar, họ hứa hẹn cho chúng tôi nhiều quyền lợi hơn, nhưng họ không bao giờ thực hiện lời hứa ».

Ông Bernard Jérôme, một nhân viên của nhà máy Sucoma nói thẳng : «Chúng tôi không muốn làm việc với người Trung Quốc nữa. Chúng tôi đề nghị Nhà nước tìm các đối tác khác. Nếu thay đổi ban quản lý nhà máy, chúng tôi sẵn sàng quay lại làm việc ngay lập tức. Ai cũng được, ngoại trừ người Trung Quốc ». (RFI)

Tiền Nga rơi tự do, Matxcơva vô kế khả thi

Tiền rúp của Nga tiếp tục mất giá so với đô la và euro. Trong đêm ngày 15/12/2014 Ngân hàng trung ương Nga can thiệp mạnh, nâng lãi xuất chỉ đạo từ 10,5 % lên 17% nhưng chỉ có tác động tạm thời. Đến buổi trưa 16/12/2014 đồng rúp lại rớt giá và kéo theo sàn giao dịch RTS đi xuống 10%.

Từ đầu năm đến nay, tiền Nga bị mất 50% giá trị so với đô la Mỹ theo số liệu chính thức, 97% theo giới doanh nghiệp Nga, và đã biến thành mồi ngon của cơn biến động.

Giới kinh tế Nga bi quan, dân chúng hốt hoảng, buôn bán ế ẩm, trong khi chính quyền Putin gần như bó tay.

Vào trưa nay, đồng tiền Nga rơi xuống mức kỷ lục mới : 80 rúp đổi một đô la và 100 rúp đổi một euro tức là mất thêm 20% trị giá, sau khi bị mất 10% ngày hôm qua. Từ Matxcơva, thông tín viên Hoàng Dung tường thuật :

« Đồng tiền bị mất giá liên tục, không có điểm dừng và không có dự đoán được với vận tốc chóng mặt…. » (Hoàng Dung  RFI)

No comments:

Post a Comment