27 September 2014

Về cuốn Đèn cù

Lê Huỳnh

Sách này do nhà xuất bản Viet books phát hành, tác giả Trần Đĩnh, ngoài bìa ghi là "tự truyện của người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh", vốn thích sưu tầm các tài liệu về chế độ cộng sản, kẻ viết chưa thấy sách này bao giờ.

Sách lại được các ông Ngô Nhân Dụng, Đinh Quang Anh Thái và Võ Ngàn Sông "hiệu đính và biên tập" (ghi trên ấn phẩm), không rõ nội dung có sửa chữa thêm bớt gì không, vì ý nghĩa hiệu đính và biên tập khá khác nhau (theo cuốn Việt Nam tự điển do Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính thì "hiệu đính" là so sánh để chữa lại cho đúng, còn "biên tập": đặt, viết ra để phổ biến: Làm việc biên tập; bộ biên tập), như vậy hễ hiệu đính thì không biên tập và ngược lại.

Mở đầu là phần giới thiệu khá dài, ông Ngô Nhân Dụng tán tụng hết lời tác giả và tác phẩm, có lẽ nhờ thế mà sách bán khá chạy và dư luận bàn tán nhiều.

Nhớ lại câu người xưa: "Đạo ngô ác giả thị ngô sư, đạo ngô hảo giả thị ngô tặc." (Kẻ nói những điều xấu của ta là thầy ta, kẻ nói những điều hay của ta là người hại ta.), hiểu một cách rộng rãi là ai vạch đúng những khuyết điểm của ta thì đáng là thầy ta, ai khen không đúng ưu điểm của ta thì có khác nào hại ta, từ cơ sở này kẻ viết thử đối chiếu nội dung tác phẩm Đèn cù với lời giới thiệu ở đầu sách.

Có thể tóm lưọc phần giới thiệu vào mấy điểm chính:
- Về mặt tài liệu: "Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu không phải là kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất."


- Về lối viết: "Trước khi gia nhập tòa soạn báo Sự Thật, ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1949, tuổi 19, ông đã viết báo rồi. Nhưng cuốn sách này tuyệt nhiên không dùng lối văn viết báo. Nhà báo không ai mở đầu một bài bằng mấy chữ: “Viết này vất vả,” rồi chấm câu. “Lười là rõ,” lại chấm câu. Cái khí văn đó tràn suốt tác phẩm. Có thể gọi đó là Khí văn Trần Đĩnh. ... Nhưng Trần Đĩnh vẫn giữ nguyên cái đức của người viết báo, là kể sự thật, kể những chuyện thật. Ông dùng một lối viết mà đọc tới đâu người ta cũng cảm thấy ngay: Đây là những chuyện thật, sự thật được bày ra, sự thật ròng, như thịt xương còn sống, tàu lá còn xanh, như gỗ mộc không sơn phết."

Theo nhà báo Đinh Quang Anh Thái (nhóm hiệu đính và biên tập): "những nhà văn, những người cầm bút tại hải ngoại khi đọc Trần Đĩnh đều nói là rất tiếc ông sinh ra trong một đất nước chiến tranh như vậy, chứ bình thời mà ông dùng khả năng của mình để viết thôi thì ông đã trở thành một nhà văn lớn. Vì ông có một văn phong rất đặc biệt không có người nào có cả. Ông có một văn tài mà những người cầm bút mà chúng tôi tiếp xúc ở quận Cam, miền Nam California đều thán phục."

Về mặt tài liệu, nội dung không có gì mới, các chuyện đấu tố, nhân văn giai phẩm, vụ án xét lại chống đảng, ... ai theo dõi thời cuộc đều biết cả rồi, có khác chăng là thêm thắt một số chi tiết do chính tác giả chứng kiến hay nghe kể lại hoặc do đọc sách báo, có thể coi những chuyện như vậy thuộc loại giai thoại, tuy khá lý thú đấy nhưng không có giá trị thực chứng. Sách lại viết tuồng luông, giống như kiểu nhớ đâu viết đấy, tuy có phân làm 42 chương nhưng không có tựa (không có chủ đề), không theo một trình tự thời gian nào cả nên khó tìm lại một sự kiện đã đọc được trong sách, tức không có giá trị tham khảo, điều này chính tác giả tự nhận thấy và "xin thông cảm": "không nhằm nghiên cứu – việc này hoàn toàn vượt quá bản lĩnh cùng mục đích viết văn học chủ yếu dựa vào cảm quan cá nhân của mình tôi ", như vậy đoạn "xin thông cảm" cuối sách của tác giả khác hẳn với lời giới thiệu ở đầu sách của ông Ngô Nhân Dụng (đạo ngô ác giả thị ngô tặc?).

Thật vậy, về mặt tài liệu nghiên cứu, cuốn này thua xa cuốn Bên thắng cuộc của Huy Đức, về việc vạch trần bộ mặt thật của chế độ cũng như các nhân vật lãnh đạo thì kém hẳn cuốn Viết cho Mẹ và quốc hội của Nguyên Văn Trấn, riêng về vụ án Nhân văn giai phẩm thì cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc dồi dào hơn nhiều, còn vụ án xét lại chống đảng cũng như tư cách của Hồ Chí Minh thì khó sánh bằng cuốn Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên.

Về văn phong, nội mấy câu viện dẫn (“Viết này vất vả,” rồi chấm câu. “Lười là rõ.” lại chấm câu.), độc giả bình thường hẳn thấy ngay giọng văn trúc trắc (bất thành cú) rồi, vậy mà những câu tương tự như thế lại xuất hiện trong suốt tác phẩm (Cái khí văn đó tràn suốt tác phẩm), phần tôi, đọc hết sách thì thấy lối viết văn độc đáo ở chỗ lủng ca lủng củng, ngay cả một số câu trao đổi bình thường cũng khó hiểu, độc đáo ở chỗ đụng đâu viết đó, thiếu mạch lạc, kể chuyện nọ xọ chuyện kia, thật khó chia xẻ ý kiến với "những nhà văn, những người cầm bút tại hải ngoại khi đọc Trần Đĩnh đều nói là rất tiếc ông sinh ra trong một đất nước chiến tranh như vậy, chứ bình thời mà ông dùng khả năng của mình để viết thôi thì ông đã trở thành một nhà văn lớn. Vì ông có một văn phong rất đặc biệt không có người nào có cả. Ông có một văn tài mà những người cầm bút mà chúng tôi tiếp xúc ở quận Cam, miền Nam California đều thán phục." (xin ghi rõ đây là nhận định của ông Đinh Quang Anh Thái, kiểu nhận định vơ đủa cả nắm như vậy quả là thiếu đứng đắn!).

Thuộc loại tự truyện nên "cái tôi" (ego) thể hiện khá rõ, lúc thì tỏ vẻ cao ngạo, khi lại không giấu giếm tính yếu hèn, đặc biệt là dường như tác giả bị ám ảnh tình dục (libido), nên mỗi khi đụng đến điểm nhạy cảm này thì được "khai thác" tận tình, phải chăng phần nào nhờ đó mà được ông Ngô Nhân Dụng cho "đây là cuốn sách đọc lý thú nhất.", xin trích dẫn vài đoạn tiêu biểu:

- Lén nhìn của quý của Hồ Chí Minh: "Sau bữa cơm trưa, thấy Cụ quần áo cánh nâu đi vòng ra sau dẫy nhà tranh đến rặng chuối thay hàng rào, tôi đi theo.

Cụ thuốc lá ngậm miệng, tay vén ống quần lên đái. Thấy tôi gần như ở ngay bên, cụ quay ngoắt lại hỏi, điếu thuốc khẽ lật bật ở môi:
- Người ta đái cũng theo à?
- Không ạ, cháu…
- Thế đứng sát vào người ta nhòm gì?
Câu tra hỏi đùa bơn đã đóng một dấu ấn phơi phới vào quan hệ bác cháu. Lúc Cụ quay người lại để đùa với tôi, tôi theo bản năng đã có một động tác không thể tránh khỏi: liếc nhanh vào chỗ kia của Cụ. Và chỉ thấy vùng ấy hơi tôi tối – nâu nâu hay hồng hồng? Ô, cũng như mọi người? (Đúng là: một năm hai thước vải sô, Làm sao che nổi cụ Hồ cụ ơi!)

- "Rồi Tổng bí thư bảo chữa bài Trưởng ban tuyên truyền trung ương (Lê Quang Đạo) viết! Mặc dù trưởng ban ghé ngủ đêm ở báo thường đòi nằm chung với tôi rồi sờ sờ, lần lần. Tôi huých gỡ ra thì cười: “Thông cảm, bọn tớ ở tù nó thành ra mất nết như thế rồi!”

- "Nghe nói thời đánh Pháp, khi xuống hầm bí mật, nếu là một cặp đàn ông đàn bà thì thường dễ chuyện kia. Đặc biệt những khi lính địch đi lộp cộp trên đầu, thuỗn sắt thọc xuống, đất rơi lả tả lên đầu, lên vai… Tiếng thở của người nép sát bên cạnh bỗng dồn dập, nóng ẩm và hai người tìm nhau… "

-Thảo (Trần Đức Thảo) im. Tôi nhẹ người, Ngoái lại: ba cô làm đầu nằm trên ghế hạ ngửa hết nấc, quần vén cao, có lẽ tới cỡ mà Bộ văn hoá thông tin ngày nay cấm, mấy cặp đùi trắng lốp co lên tận ngực khe khẽ hợp xướng Gọi nắng trên vai em gầy…

- Người phụ nữ quê ở Nga Sơn, Thanh Hoá. Đã thanh niên xung phong ở đường mòn. Ba năm tròn không thấy một bóng vía đàn ông. Đến nỗi chị cung đoạn phó, chị này bạo mồm lắm, bảo giá một đứa, Mỹ hay nguỵ cũng được, nó lạc đến để cho chị em ta nuôi nó ngày hai bữa chỉ sai nó làm có mỗi nhiệm vụ đứng đái đái vẩy vẩy cho mà xem nhỉ?…

- Tôi thật sự không tin vào mắt mình. Những bà mẹ trẻ lần lượt trật vú ra cho người đàn ông bóp kiểm tra trữ lượng sữa sẽ nuôi các Phù Đổng tương lai. Hai tay hai bầu, mắt chằm chằm vào núm vú, anh ta nói: – Cố nhịn đau đấy, tôi nhẹ tay thì lại bảo tôi ngoắc ngoặc, thiên lệch… Cô bán hàng bên cạnh bỗng bình giá: “Bốn hộp!”. Người mẹ vừa nghiến răng xoa ngực vừa vội kêu lên: “Ối, bốn hộp thì con em bú sao đủ, tiền đâu mua sữa phe, khổ con em…” ...Ít lâu sau, mấy chị em ở báo cho hay tay bóp vú ăn lương kia bị vợ li dị. Quen thói hoá thành quỷ bạo dâm với ngay vợ.

 Nghĩ cũng không lạ khi tác giả đã nếm mùi nhục dục quá sớm: "Tôi chừng tám, chín tuổi. Buổi tối bọn trẻ con thường nô trên vỉa hè đầy rau sam và dải đường hẹp nằm giữa con phố chưa có đèn điện. Trước cửa nhà tôi có một chị, tên P. đã mười hai mười ba. Tối ấy chị cùng chơi trốn tìm. Một lần đi ẩn, chị kéo tôi vào một góc buồng. Bỗng trong bóng tối ngột ngạt, chị cầm tay tôi đặt lên núm vú mới nhú, cứng như mỏm một con quay vụ bằng sừng. Tôi rụt tay về, sợ nó vỡ thì chị kéo tôi vào sát chị, tụt quần ra, sợi dải rút màu đỏ nhỏ rất xăn, dúi đầu tôi vào chỗ kín. Tôi vừa sợ vừa thích vừa xấu hổ vừa tò mò muốn tìm tới nữa – tò mò này chợt nổi lên từ dưới đáy bản năng chăng? – nhưng rồi thấy khai và khó thở, tôi bỏ chạy… Từ đó giữ kín cho tới bây giờ."

Còn nhận xét: "Trần Đĩnh vẫn giữ nguyên cái đức của người viết báo, là kể sự thật, kể những chuyện thật. Ông dùng một lối viết mà đọc tới đâu người ta cũng cảm thấy ngay: Đây là những chuyện thật, sự thật được bày ra, sự thật ròng, như thịt xương còn sống, tàu lá còn xanh, như gỗ mộc không sơn phết."

Tự giới thiệu là người viết hồi ký cho Hồ Chí Minh, theo tác giả, còn nhiều nhân vật khác nhờ viết như Trường Chinh, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Bùi Lâm, có thể nhờ đó mà tác giả biết được nhiều chuyện thuộc loại thâm cung bí sử; dầu viết theo chỉ thị hay viết thuê, đích thị đó là một bồi bút (tức "Nhà văn, nhà báo chuyên nịnh hót nhà cầm quyền" theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức), mà đã là bồi bút thì không thể viết trung thực, không thể phóng bút tự do diễn đạt mọi nghịch cảnh xã hội, nhứt là đối với các nhân vật cộng sản (loại người muôn mặt), vả lại chính tác giả cũng thừa nhận mình là chuyên viên phịa:
- "Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long. Tôi nhận nhiệm vụ. Trường Chinh nói phân công tôi vì cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội. Tôi nói tôi không dự đấu tố thì anh bảo tôi khai thác Văn, người cấp dưỡng theo anh tới tận Đồng Bẩm và đã chứng kiến các buổi đấu tố."
...
- Không biết bầu cử cụ thể nào, tôi bịa. Nhưng bài báo đặc biệt sinh động, chân thực.
-  Trường Chinh bảo cần một bài về tình quân dân.
Lại tôi. Tôi dựng ra một vùng chiêm trũng giáp vùng địch bị lụt, mùa màng ngập trắng, lúa sắp mọc mầm. Thì bộ đội về. Kỳ tích xuất hiện. Trắng đồng, sạch đồn..
...
- "Ở bên anh (Trường Chinh) tôi cảm rõ thấy cốt cách áp đảo của con người anh, nó khiến cho tôi không dễ bề tung hoành sắp xếp ký ức anh như với những vị lãnh đạo khác mà tôi mặc sức “Đĩnh hoá” kỷ niệm, cảm xúc cùng ý nghĩ của các vị ở trong gian phòng tối đầy ma thuật của tôi rồi tôi tráng, rửa, in, phóng, cắt, ghép thoải mái. (Và các vị cũng vô cùng thoải mái chấp nhận chân dung đã trải qua nhiều bùa chú văn học của mình)"
...
- Viết hồi ký cho Nguyễn Đức Thuận: "Tôi nói tôi không viết cũng không sao nhưng anh muốn kiếu thì nên đề nghị với Trung ương. Thuận xin kiếu nhưng sau đó đã phải nghe Lê Đức Thọ, chánh trùm tổ chức và Tố Hữu chánh trùm tư tưởng, hai người cùng với Hoàng Tùng, chánh trùm báo chí duyệt trực tiếp hồi ký nay. Trong mắt các vị, tôi viết hồi ký thì ít người bì. Lúc ấy đang trong thời kỳ đảng thẩm tra thời gian tù, Thuận cũng khó lòng bướng. Tên sách tựa là “Bất Khuất” là do Tố Hữu đặt." Chính tác giả đã giấu sự thật do chính người tù Nguyễn Đức Thuận kể lại: "Viết Bất Khuất, cố nhiên tôi không kể chuyện Thuận nói trong khi đánh anh, nhiều cảnh sát gầm lên: “Thế này cũng chưa ác bằng thằng Lý Bá Sơ của mày đâu. Những cái này là chúng tao học của thằng Sơ đấy…”. Thì ra tra tấn là môn khoa học và nghệ thuật có tính chan hoà giai cấp, cách mạng với thực dân đế quốc, quốc gia với cộng sản đem truyền cho nhau…
Tôi cũng không viết như Thuận nói, rằng trừ khi địch tra tấn ra còn nói chung cơm ăn nước uống của tù rất khá. Mỹ cho mỗi tù mỗi ngày một đô-la ăn uống cơ mà. Thuận đã so sánh cụ thể:
- Ra đây tôi thấy cơm vụ trưởng không bằng cơm tù chúng tôi những ngày không bị đánh đập. Lại việc nhà báo Mỹ vào thăm tù xong viết bài lên án chính phủ Diệm."
...
- Một lần Thọ (Lê Đức Thọ) khoác vai tôi đi vòng quanh sân. Nói: - Cậu viết giỏi lắm, tớ rất thích. Không ở tù mà viết y như thằng đã ở tù, y như thằng đã bị xăng - tan nó tẩn."

- Chính tác giả cũng đôi khi tỏ ra áy náy: "tôi cũng muốn phơi trần ra một sự thật nữa tôi dần dà thấy: Tôi bồi bút thực thụ. Bồi bút nên biết là sai vẫn nghe theo!"

Nhân đây xin vạch thêm mấy chuyện phịa được tác giả kể rành mạch như người trong cuộc:

- Chuyện công hàm của Phạm Văn Đồng:
- "Sau lần gặp Thép Mới ít lâu, tôi đã hỏi Lê Phú Hào, phóng viên Thông tấn xã tại Trung Quốc, về tin chính phủ ta công nhận vùng hải phận của Trung Quốc, tức là công nhận Hoàng Sa. Lê Phú Hào nói vì Liên Hợp Quốc nó ra cái luật biển với cái công ước gì tôi không nhớ, chỉ biết liên quan đến chủ quyền biển, các nước sẽ ký vào để khẳng định chủ quyền biển đảo của mình nhưng Trung Quốc và ta không ở trong Liên Hợp Quốc nên Trung Quốc tuyên bố một mình và ta ủng hộ. Do đó đại sứ Nguyễn Khang có trình công hàm cho Bộ ngoại giao Trung Quốc và ông Đồng cũng có công hàm gửi Chu Ân Lai công nhận tuyên bố của Trung Quốc về hải phận của Trung Quốc. Tớ nghĩ, Hào nói, nếu chỗ ấy mà của Sài Gòn thì Mỹ thừa sức mở căn cứ hải quân thật đấy. Nghe Hào tôi càng yên tâm. Vốn quen kiểu nghĩ của Trung ương và Bác Hồ đã làm thì phải đúng.
Lúc ấy tôi chưa chống đảng lật đổ và Lê Phú Hào, tình báo đội lốt nhà báo, chưa “phản bội” nhảy sang địch.
Niên học 1955-56 trôi đi bức bối (với tôi vì bị cấm yêu)."
Tác giả say sưa kể một chuyện chưa xảy ra, vì Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14/9/1958, tức sau đó hai ba năm.

- Chuyện cái chết của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
"Gần năm rưỡi sau (ngày 30/4/1975), tôi được giấy phép vào (Sài Gòn) tức vào khoảng tháng 11/1976 để thăm người bố, tác giả kể: ...Khoảng một tuần sau, bố tôi đi chơi về khẽ bảo tôi: Vũ Hoàng Chương vừa mới chết…",

Thật ra Ông này đã chết trước đó mấy tháng rồi (6/9/1976), tức trước khi tác giả được phép vào miền Nam (Sài Gòn).

Không biết còn bao nhiêu chuyện tương tự khác, "nhất ngôn bất trúng thiên ngôn vô dụng", mấy chuyện hoàn toàn bịa đặt trên cho thấy tác giả biết sự kiện xảy ra là nhờ đọc hay nghe kể lại, rồi phịa ra là chính mình là người trong cuộc, người bình thường ai mà không tin, không rõ nhà bình luận Ngô Nhân Dụng có lầm không khi giới thiệu: "Trần Đĩnh vẫn giữ nguyên cái đức của người viết báo, là kể sự thật, kể những chuyện thật. Ông dùng một lối viết mà đọc tới đâu người ta cũng cảm thấy ngay: Đây là những chuyện thật, sự thật được bày ra, sự thật ròng, như thịt xương còn sống, tàu lá còn xanh, như gỗ mộc không sơn phết." (Đạo ngô hảo giả thị ngô tặc?)

Dầu sao, qua một số giai thoại hay nhận xét, tác giả cũng giúp người đọc nhận diện rõ thêm về chế độ cộng sản cũng như bộ mặt thật của các lãnh tụ tiêu biểu cho đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa:

- Hồ Chí Minh, Trường Chinh giả dạng như hề khi đến chứng kiến cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long): "Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt."

- Cái ngu ngốc và thô bạo của Lê Duẩn: "Trần Đức Thảo, nhà triết học bị về vườn vì Nhân văn – Giai phẩm, một hôm bỗng được Nguyễn Đức Bình, thư ký của Lê Duẩn đánh xe đến đón lên gặp Tổng bí thư.
Xảy một chuyện không ai nghĩ ra nổi. Chính Thảo kể nó cho Phan Thế Vấn, Gia Lộc trước rồi sau cho tôi nghe.
Phòng khách nhà 8 Hoàng Diệu, chỉ ba người: chủ nhà Duẩn, Bình và Thảo. Bình vào đầu nói hôm nay Tổng bí thư mời giáo sư đến để nghe Tổng bí thư trình bày một đề cương về vấn đề con người rồi sau đó xin mời giáo sư góp ý kiến.
...
Duẩn nói hết, Bình lên tiếng:
- Tổng bí thư đã nói xong, xin giáo sư góp ý kiến!
Ngơ ngác một lát, Thảo nói:
- Tôi không hiểu gì cả.
Thảo vừa dứt lời, thoắt một cái rất nhanh Duẩn đã nhào đến đằng sau anh, quàng hai tay vào ngực anh rồi liên tiếp xốc lên dội xuống anh mấy đận, đoạn buông thịch một cái xuống, bỏ vào trong nhà.

- Tính dân chủ gắp triệu lần của chế độ cộng sản: "Do nguyên tắc tuyển người thay thế lãnh đạo phải theo cung bậc giáng thoái hoá, nghĩa là không tìm người kế tiếp ở trong những cái đầu ngang hàng mà đi đôn lên ở trong đám tay quân hầu đày tớ chuyên ăn theo, nói leo tức là trung thành, bởi đảng không cần năng lực mà chỉ cần ai giỏi bám theo vết xe cũ cho nên kết quả tất yếu sẽ là tay chân thay thế đầu như hiện nay rồi mai kia thay thế tay chân là đuôi. Sau đuôi đến gì vén lên sẽ thấy…"

- Tính tráo trở của người cộng sản: "Người ta đổi trắng thay đen chỉ một sáng một chiều, lật lọng, xoay đầu đổi đít, đấy, hôm qua mở cuộc thi khen tuần phim Liên Xô, Đàn sếu bay qua, Chín ngày một năm… thì hôm nay đã chửi là phản động, đấy, hôm qua leo lẻo hoà bình muôn năm, cả nước tới tấp ký đòi hoà bình thì hôm nay ai yêu hoà bình đã thành đầu hàng, phản bội."

Một điểm đáng khen khác là tác giả nhất quán với lập trường cố hữu, chống chiến tranh, nhất là kịch liệt chống cuộc chiến xâm lược miền Nam, đến nay tuy Việt cộng đang chiếm lĩnh và nắm thế thượng phong (cứu cánh biện minh cho phương tiện), thế mà tác giả vẫn không ngần ngại công khai nhắc lại quan điểm của mình, tức không phù thịnh.

Lê Huỳnh
9-2014

No comments:

Post a Comment