29 September 2014

Hong Kong: Ông Tập Cận Bình nghĩ gì?

 - Carrie Gracie Phóng viên
Căng thẳng đang gia tăng trên đường phố Hong Kong. Tại Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang nghĩ gì về những cảnh như vậy trên đường phố?

1) "Tôi tự chuốc vào mình"

Bắc Kinh đã không cho các nhà dân chủ Hong Kong một cơ hội nào để lùi bước trong việc đề cử ứng viên của cuộc bầu cử 2017. Một số người cảnh báo rằng sẽ có rắc rối, nhưng ôngTập Cận Bình rõ ràng đã quyết định thà đối mặt với các cuộc biểu tình bây giờ hơn là mạo hiểm để một nhà lãnh đạo địa phương thực sự hợp pháp xuất hiện. Hôm nay là hệ quả tất yếu của thông báo tháng trước từ quốc hội Trung Quốc về các hạn chế phổ thông đầu phiếu, nhưng nó cũng là một thách thức chính trị trực tiếp tới Bắc Kinh - và do đó chắc chắn là một phép thử trước lời hứa của Trung Quốc về một quốc gia, hai hệ thống.

2) "Tôi phải thắng"

28 September 2014

Đường phố Hồng Kông thành chiến trường

Tường thuật trực tiếp của tờ South China Morning Post (SCMP) mô tả đường phố Hồng Kông đã biến thành chiến trường do người dân tức giận trước việc cảnh sát bắn hơi cay vào sinh viên. Tin đã được loan tải rộng rãi trên Internet.

Lúc 10 giờ 20 phút tối 28-9 (giờ địa phương), nhiều người nói với SCMP rằng chính những hình ảnh cảnh sát bắn hơi cay vào sinh viên chiếu trên TV đã khiến họ ra khỏi nhà và hòa vào đám đông biểu tình phía trước trụ sở chính quyền đặc khu.

Bà Michelle Chow, 53 tuổi, nói bà sốc nặng khi thấy cảnh sát dùng bạo lực với những thanh thiếu niên đưa tay lên đầu chống đỡ. “Trách nhiệm công dân của tôi là phải ủng hộ các sinh viên. Chính quyền phải biết sợ khi dùng vũ lực phi lý” – bà Chow nhấn mạnh.

Thuyền chờ/bến đợi/đìu hiu

Hình Lan Đàm gửi từ Úc chụp một khúc sông Yarra chảy qua Melbourne.

Tin rút gọn

Vatican: bắt giam cựu tổng giám mục về tội xâm hại tính dục trẻ em 24.
Một cựu khâm sứ của Tòa thánh Vatican ở Cộng hòa Dominicana đã bị Tòa Thánh quản thúc tại gia về tội xâm hại tính dục trẻ em. Cựu Tổng giám mục Josef Wesolowski, người gốc Ba Lan, bị bãi chức hồi tháng 6 sau khi bị xét can tội xâm hại tính dục. Giờ đây ông Wesolowski phải đối mặt với một phiên tòa hình sự và có thể bị tuyên án tù. Đức Giáo hoàng Phanxicô từng nói rằng trong giáo hội, từ linh mục cho tới hồng y, không một ai có được bất kỳ đặc quyền nào khi bị tố cáo về tội xâm hại tính dục. (VOA) 

Mỹ: Một người gốc Việt trúng xổ số hơn 200 triệu đôla  
Một thợ làm móng tay gốc Việt ở California, Hoa Kỳ, đã trúng số gần 230 triệu đôla trong đợt xổ số Powerball hôm thứ Tư vừa qua. Người đàn ông may mắn có tên là Vinh Nguyen cho biết ông đã bỏ ra 30 đôla để mua 15 vé Powerball. Ông nói với công ty phát hành xổ số ở California rằng ông đã tự chọn số cho mỗi vé. Ông Vinh được trích lời nói: “Tất cả các số đều là ngẫu nhiên. Tôi chọn bất kỳ số nào tôi nghĩ đến lúc đó”. 

Lãnh đạo sinh viên Hong Kong Joshua Wong bị bắt
Hơn 100 sinh viên ủng hộ dân chủ đã tấn công trụ sở chính quyền Hồng Kông và xô xát với cảnh sát. Cảnh sát đã xịt hơi cay vào những sinh viên biểu tình muốn vượt qua rào cản và hàng rào cao xung quanh khu nhà chính phủ. Lãnh đạo sinh viên Joshua Wong đã gào thét, đấm đá, tuôn máu trên tay khi bị cảnh sát lôi kéo đi giữa những thanh niên sinh viên khác hát to, hô vang và giành giật cứu anh. Trước khi bị bắt đi, Wong, người thanh niên gầy ốm 17 tuổi đã nói với đám đông ủng hộ anh: “Tương lai của Hồng Kông thuộc về các bạn” “Tôi muốn nói với CY Leung và Tập Cận Bình rằng sứ mạng chiến đấu cho cuộc bầu cử sẽ không chỉ từ giới trẻ, mà đó là trách nhiệm của tất cả mọi người”, anh hét lên khi nhắn gửi thông điệp đến nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hồng Kông. “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho thế hệ sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi”.

Tâm trí ngay lành trẻ thơ

Bài luận điếng hồn. . .
(Gõ chuột lên hình để phóng lớn)


Ngày Về

Phạm Thị Hoài

“Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh thật khốn nạn. Sau hàng thế kỉ ngoại thuộc, sau ba chục năm trời nhiễu nhương, nay nước nhà được thanh bình, dân tộc bắt tay xây dựng đất nước, thì chúng ta lại bỏ xứ ra đi, chúng ta lại vắng mặt, lại đứng ngoài vòng.”

“Không về được, chúng ta tự thấy sống một đời vô duyên, lãng xẹt. Cần thì chưa chắc tổ quốc đã cần đến mình; chưa chắc mình sẽ có một đóng góp nào đáng kể. Những kẻ có ý thức cao nhất về mình cũng không bao giờ dám tự nhận mình là cả một cần thiết cho quốc gia. Tuy nhiên, nghĩ rằng ở cái xứ nghèo khó nhỏ bé của mình đồng bào đang rầm rập xây dựng mà mình không được dự phần vào, tự dưng có một cảm tưởng tưng hửng, dần dần ngấm thành một đau đớn.”

“Lòng chúng ta lúc nào cũng tha thiết với quê hương, nhưng quê hương lại không còn như xưa. Cho nên chúng ta lâm cảnh bẽ bàng.”

“Về ư? Dẫu có về được, ta đâu còn về để tiếp tục đời sống như trước, mà chỉ để tăng cường hàng ngũ nô lệ. Đành rằng sống chết không cần, nhưng đã sống ta lại cam chịu sống như vậy sao? Sống để răm rắp vâng lời, để suốt đời ca ngợi lãnh đạo sáng suốt, để đem thân trâu ngựa củng cố một chế độ độc tài, vun bồi quyền lợi của một tầng lớp thống trị?”

“Bị kẹt dưới chế độ độc tài là đáng thương; còn như quyết định tự nguyện nhảy vào cúi đầu phục vụ độc tài lại đáng nguyền rủa. Kẹt cứng! Đồng bào ta, có lớp bị kẹt lại trong nước, có lớp lại bị kẹt… ở ngoài nước!”
Những dòng trên đây là của một nhà văn miền Nam nổi tiếng, trong tùy bút “Ngày về” in năm 1987 tại California [1]. Hai mươi lăm năm sau những tâm sự khắc khoải này và ba mươi bảy năm sau khi rời quê hương, một phần nhỏ tác phẩm của ông đã trở về. Hai đầu sách, Quê hương tôi và Tạp văn được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam. Chỉ có điều bút danh nổi tiếng của ông, Võ Phiến, được thay bằng Tràng Thiên, một bút danh ít người biết đến.

Tất nhiên điều đó không bình thường. Nó để lại một dư vị không dễ chịu. Dư vị của ngụy trang. Nhưng ngụy trang là hành vi gắn liền với toàn bộ sự tồn tại Việt Nam, với tất cả những mặt khuất và điểm sáng của nó. Ở đây tôi thiên vị các điểm sáng. Chúng ta thử nhìn câu chuyện Võ Phiến cải tên này qua một sự cố khác, sự cố "Chuyện ở nông trại", tác phẩm lừng danh về những con lợn làm cách mạng để rồi thiết lập chính cái nguyên trạng mà chúng lật đổ, cũng do Nhã Nam xuất bản không lâu sau Lolita [2] và Võ Phiến.

                                                                                  *

Trong vụ tác phẩm chống toàn trị cộng sản kinh điển của George Orwell lọt lưới kiểm duyệt ở Việt Nam, công đầu chắc chắn thuộc về những người làm sách. Tuy không thể cho "Chuyện ở nông trại" một sự hiện diện rầm rộ trên truyền thông như với tác phẩm nổi tiếng và tai tiếng của Nabokov [3], nhưng chỉ riêng việc nó được cấp phép xuất bản và bản dịch không bị cắt xén đã đủ ngoạn mục. Song trong trường hợp tác phẩm đặc biệt này, ngoài bản lĩnh và sự dấn thân khéo léo của những người làm sách, phải có những may mắn khác.

May mắn đáng kê ra đầu tiên là sự dốt nát của bộ máy kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam. Ai từng làm việc với nó đều vẫn phải sửng sốt dù đã được nhiều lần báo trước. Trình độ của đại đa số các cán bộ kiểm duyệt có một quyền quyết định nào đó thường thấp đến mức “hạn chế” còn là một mĩ từ quá rộng lượng để chỉ. Guồng máy công quyền ở mọi nơi đều là chốn nương thân lí tưởng cho sự tầm thường, nhưng ở đất nước này guồng máy ấy do một bàn tay vô hình ưa mỉa mai sắp đặt: hệt như ở các lĩnh vực khác, tiêu chuẩn của người quản lí văn hóa dường như trước hết phải là không biết gì về văn hóa. Nghe họ mở miệng – đúng ra phải gọi là mở băng – bạn sẽ chỉ có một cảm giác duy nhất là tuyệt vọng. Tuyệt vọng khi nghe họ giải thích, chẳng hạn vì sao Kafka là một “trường hợp có vấn đề”, và càng tuyệt vọng hơn khi một lúc nào đó, khoảng hai thập niên sau, trái đất vẫn quay dù chúng ta đứng im, lại nghe họ giải thích vì sao trường hợp ấy không có vấn đề nữa. Trước một thành trì u mê được dán kín tem quyền lực như vậy bạn không có cơ hội nào hết. Hoặc là bạn phát điên. Hoặc là bạn trở thành một nhà hiền triết. Ngoài hai khả năng khá gần nhau này, bạn còn có thể tê liệt như một lựa chọn dễ dàng hơn. Tôi từng liệt toàn thân khi lịch sự ngồi nghe một cán bộ tuyên huấn cỡ kha khá kể chuyện ông ấy đã liều bảo vệ một tác phẩm đang bị “đánh” của tôi như thế nào. Tư duy của ông ấy – nếu có thể gọi đó là tư duy – không hề bị xúc phạm trước một chân lý đại loại như: một nhà văn rửa tay trước khi viết là một nhà văn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ. Còn sự đổi mới tư duy táo bạo của ông ấy nằm ở nhận thức rằng tôi tuy không rửa tay nhưng vẫn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ, vì tay tôi có bẩn đâu mà phải rửa. Mạng lưới kiểm duyệt thỉnh thoảng thủng ra một hai lỗ, có khi cho cả một tác phẩm lớn chui vừa, từ sự dốt nát đó. Thuyết phục kẻ giáo điều thường vô ích. Nhưng một kẻ giáo điều mù tịt đôi khi lại bất ngờ có một quyết định sáng sủa, vì hắn thậm chí không đủ hiểu biết để ý thức về quyết định đó của mình.

Những phẩm chất trứ danh khác của bộ máy nói trên là quan liêu, lười nhác và tắc trách. Tôi đảm bảo rằng nếu thay tên George Orwell bằng Eric Athur Blair, tên thật của ông, hay H. Lewis Always, một bút danh khác của ông, và đổi 1984 thành Tấm lòng của người Anh Cả; hoặc nếu thay Arthur Koestler bằng Kösztler Artúr và lấy tên bản gốc tiếng ĐứcSonnenfinsternis dịch thành Một vầng nhật thực thay vì dịch theo những nhan đề đã quá nổi tiếng của bản tiếng Anh Darkness at Noonhay bản tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini, thì cả hai tác phẩm thuộc hàng chống toàn trị và chống cộng đầu bảng này đều được duyệt êm ru tại Việt Nam và báo Nhân dân sẽ nhiệt tình quảng cáo. Trong trường hợpAnimal Farm, rất có thể vụ vỡ đê kiểm duyệt xảy ra vì bản thảo được mang một cái tên đồng quê hiền lành, Chuyện ở nông trại.

                                                                                      *

Vì thế tôi mừng cho một phần Võ Phiến đã chui lọt một trong những cái lỗ tất yếu ngày càng to ra trong bức tường kiểm duyệt ngày càng kém chất lượng ở Việt Nam. Một ngày không xa, Đêm giã từ Hà Nội có thể được xuất bản với tên tác giả là Nguyễn Đăng, một bút danh của Mai Thảo. Nếu phải đổi thành Hà Nội đêm tiễn biệt, Giọt nước mắt đêm chia tay Hà Thành, Thăng Long đêm biệt li… để Mai Thảo được trở về cố hương, tôi sẽ lựa chọn sự ngụy trang ấy. Bản thân tôi, không được thông báo trước, cũng có lần xuất hiện trên một tạp chí ít người đọc ở trong nước, với cái tên chỉ dùng trong gia đình và một nhóm nhỏ bạn bè.

Trong số những nhà văn miền Nam được mệnh danh là „những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa-tư tưởng“ thì Duyên Anh ngồi tù 5 năm rưỡi, mất tại Pháp; Hồ Hữu Tường ngồi tù 5 năm, ra tù thì qua đời tại Việt Nam; Nguyễn Mạnh Côn chết trong tù; Vũ Khắc Khoan di tản, mất tại Hoa Kỳ; Mai Thảo vượt biên, mất tại Hoa Kỳ; Doãn Quốc Sỹ ngồi tù 14 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Nhã Ca đi tù 2 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Võ Phiến di tản, hiện sống tại Hoa Kỳ; Nhất Hạnh đã ra nước ngoài từ 1967; Dương Nghiễm Mậu ngồi tù 2 năm, hiện sống tại Việt Nam… Năm 2007, 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu vừa được in lại ở trong nước thì biến mất, rất nhanh, sau khi nhữngpháo đài à la Vũ Hạnh khạc đạn, loại đạn tồn kho quân khí tư tưởng từ vài chục năm trước, thô sơ cổ lỗ nhưng vẫn đủ sức sát thương. Nhưng từ khi Võ Phiến alias Tràng Thiên tái xuất, không thấy ông Vũ Hạnh, người đích thân phụ trách phần viết về Võ Phiến trong tác phẩm chống „biệt kích văn hóa“ khét tiếng nói trên, đem súng ra lau. Một dấu hiệu tích cực. Như thể dù phải len lén đi đêm, văn học miền Nam và văn học hải ngoại cuối cùng cũng gửi được một đại diện đáng kể của mình đến dự cuộc tọa đàm không chính thức và đã rất trễ giờ về hòa giải dân tộc.

                                                                                      *

Song ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bây giờ chúng ta được biết cái giá phải trả cho tấm vé ngày về của Võ Phiến. Hóa ra việc cải tên chỉ là một động tác rất phụ. Con trai ông, cũng một nhà văn, bút danh Thu Tứ, người đã „chọn lựa và biên tập“ hai tác phẩm Quê hương tôi và Tạp vănnói trên, tuyên bố rõ trong bài „Trường hợp Võ Phiến“: „Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vừa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước.“ Trong phần còn lại của bài viết khá dài này, ông Thu Tứ phê phán toàn bộ hành trình tư tưởng chống cộng của cha mình để đi đến kết luận về giá trị của Võ Phiến: „Văn nghiệp Võ Phiến vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực, đáng lưu truyền, là phần văn học. Tiêu cực, đáng bỏ đi, là phần chính trị“ cũng như điều kiện để Võ Phiến có thể trở về: „Sai lầm chính trị đã đưa tác phẩm Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc. Đất nước đã độc lập, thống nhất lâu rồi. Nay đến lúc, nhân danh bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa tác phẩm Võ Phiến trở về, sau khi lọc bỏ nội dung chính trị.“

Tuyên bố của ông Thu Tứ xuất hiện trên trang Góc nhìn vào tháng 8/2014, song đến khi được Tuần báo Văn nghệ TP HCM đăng lại cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2014 nó mới thực sự được chú ý. Như có thể đoán trước, nó cũng vừa được báo Nhân dân và báo Tuyên giáo đăng lại. Còn thiếu báo Thanh tra, báo Quân đội và báo Văn nghệ của Hội Nhà văn là thành trì tư tưởng chính thống điểm danh xong. Năm ngoái, cái liên minh già nua ấy đã khoe cơ bắp trước tác giả trẻ Nhã Thuyên. Tương lai thuộc về ai, điều ấy không cần bàn cãi. Nhã Thuyên có rất nhiều tài năng, rất nhiều lao động cả học thuật và nghệ thuật. Cái liên minh ấy có những chiếc răng kiểm duyệt cuối cùng. Ông Thu Tứ chỉ góp thêm một chiếc lá vàng vào mùa thu của các vị trưởng lão.

Tôi không coi việc làm của con trai nhà văn Võ Phiến là hành động „đấu tố cha“ hay „bất hiếu“, như phần lớn phía dư luận đang phẫn nộ, đặc biệt ở hải ngoại. Máu mủ không phải là tiêu chuẩn để xác định đúng sai thiện ác. Chẳng lẽ chúng ta phải ca ngợi từ Kim Chính Nhật đến Kim Chính Ân, những người con trung thành nhất với cha ông? Lịch sử quá nhiều điên đảo và phân cực của Việt Nam tất yếu chia cắt và chia rẽ, thậm chí con người này đả đảo con người kia ngay trong một con người. Con cái Phạm Quỳnh bất hiếu chăng, khi tận trung phục vụ cho chế độ đã giết cha mình? Cù Huy Hà Vũ là một nghịch tử chăng, khi chống lại cái chế độ mà cha mình là một trong những công thần khai quốc? Chúng ta lấy quyền gì mà đem những quả tạ đạo đức ra đặt ùm ùm, lúc thì lên cán cân bên này, lúc thì lên cán cân bên kia, chỉ để lẩy cho được cái kết quả trọng lượng đang cần cho sổ sách trong những trường hợp như thế? „Trường hợp Thu Tứ“ chỉ là điển hình cho những xung đột đã và đang giằng xé người Việt trong mọi quan hệ và trên mọi bình diện. Nạn nhân là tất cả mọi thứ, riêng gì đâu tình phụ tử.

Nếu ông Thu Tứ chỉ đoạn tuyệt với cha mình về quan điểm chính trị, tôi không chia sẻ, nhưng đó là quyền tự do của ông, như của bất kì ai, mà tôi thấy tranh luận là vô ích. Song điều khiến tôi sởn gai ốc là ông biến cái quyền tự do tư tưởng ấy của bản thân thành quyền tự do thanh trừng tư tưởng của người khác, và người đó là thân phụ ông, nhà văn Võ Phiến, với tất cả lòng tin cậy ruột thịt đã cấp cho ông tấm giấy ủy quyền. Giấy phép gọt Võ Phiến cho vừa khuôn Thu Tứ. Không thể trớ trêu hơn. Đội quân đấu tranh tư tưởng của chính quyền Việt Nam có thể cả cười: nó sẽ tế nhị rút lui, khi gia đình đã đủ là trận tuyến.

Quả thật có những nghệ sĩ lớn đã nhỏ hẳn đi khi làm chiến sĩ tư tưởng và ngược lại. Người ngưỡng mộ nhà thơ Pablo Neruda ước gì bài tụng ca Stalin của đồng chí đảng viên cộng sản Pablo Neruda chỉ là một cơn ác mộng lạc đường. Người yêu thơ Lê Đạt muốn tống khứ 626 dòng Trường ca Bác năm 1970, viết ngày giỗ đầu Hồ Chủ tịch (Mây trắng đền Hùng/Râu Bác ung dung. Suối Lê Nin/ Núi Mác… Ôi/ Đến cả hình hài/ Bác/ cũng chẳng mang đi… Bác để lại/ cho ta/bốn biển/ sâu xa/ tình đồng chí. Bác để lại/ cho ta/ tất cả/ Bác Hồ), sau tất cả những sỉ nhục dành cho Nhân văn-Giai phẩm. Biết đâu một ngày nào hậu duệ của Tố Hữu sẽ đòi đốt sạch di sản của cha, một nhà thơ không phải là không có năng khiếu, chỉ giữ lại bài thơ „Khi con tu hú“, với tên tác giả là Lê Tư Lành, để giữ gìn nghệ thuật chân chính. Như ông Thu Tứ tin rằng phải cắt phăng khối nọc độc, phần tác phẩm chứa tư tưởng chống chế độ cộng sản của Võ Phiến, thì mới bảo toàn được giá trị sự nghiệp văn học của cha mình.

Những quan niệm lang băm trung cổ như thế vẫn sống sót trong thời hiện đại, nơi văn chương đã lặng lẽ rút lui khỏi ý thức xã hội. Ngày về âm thầm của một tác giả lớn có dấy lên được một chút dư luận cũng chỉ vì tiếng động của dao kéo kiểm duyệt. Trong „trường hợp Võ Phiến”, kiểm duyệt tại gia đã đi trước kiểm duyệt quốc gia.

© 2014 pro&contra 
[1] Võ Phiến, Tùy bút, quyển 2, Văn Nghệ, California 1987, tr. 317-318, 323-324
[2] Bất chấp sự tranh cãi về dịch thuật, việc Lolita chính thức xuất hiện trong tiếng Việt là một bước tiến đáng ghi nhận của đời sống văn học tại Việt Nam.
[3] Cả Nhã Nam lẫn NXB Hội Nhà văn đều không đưa thông tin về cuốn sách lên mạng. Lời đồn cuốn sách đã bị thu hồi cũng không được phía nào xác nhận hay bác bỏ.

27 September 2014

Đôi Mắt Thỏ, thơ

Dạo:
       Ngây thơ cật vấn Ông Trời,
Sao đem hạnh phúc đời người nhuộm đen.


    Đôi Mắt Thỏ

Xinh xinh người gái nhỏ,
Màu mắt thỏ long lanh.
Cửa hồn anh bỏ ngỏ,
Chờ ngọn gió ngày xanh.

Mong manh tà áo trắng,
Âm ấm nắng sân trường.
Tấm gương lòng phẳng lặng,
Chợt trĩu nặng sầu thương.

Con đường tình hoang dã,
Anh, khách lạ ngu ngơ,
Khù khờ ôm xác lá,
Vất vả vá vần thơ.

Cửa điện thờ sực mở,
Em, thần nữ cao sang,
Bỏ ngai vàng rực rỡ,
Đường phố chợ lang thang.

Ngỡ ngàng mình tránh lối,
Bối rối thoáng nhìn nhau.
Em quay đầu chẳng nói,
Anh chợt nhói niềm đau.

Mênh mang sầu kín ngõ,
Vò võ bóng canh dài.
Nắng mai vừa mới tỏ,
Đà đỏ mắt tìm ai.

Miệt mài theo dấu nhạn,
Nắng sáng hẹn mưa chiều.
Đánh liều cùng số mạng,
Mạnh dạn nói lời yêu.

Kiêu sa màu mắt lạ,
Anh sợ đã quá lời.
Trời ơi, em khẽ dạ,
Nắng hạ bỗng đầy vơi!

Từ đó đời rộng mở,
Người hớn hở rong chơi,
Ngày dọ nơi hoa nở,
Đêm tìm chỗ sao rơi.
              *
             **   
Nhưng sông rồi đến lúc
Vào khúc ngoặt không yên.
Ấm êm thành địa ngục,
Hạnh phúc trở màu đen.

Sầu nhen trong ngõ cụt
Thầm thúc giục hơi men.
Ánh đèn đêm côi cút,
Ngọn bút nhớ người quen.

Hờn ghen loang mắt thỏ,
Lộng gió lửa thù reo.
Nanh vuốt mèo vụt ló,
Thiên cổ vết buồn treo.

Trần Văn Lương
Cali, 9/2014
              

Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

    Phải chăng tình yêu chỉ là mặt trái của thù hận?
    Há chẳng đúng như lời cụ Nguyễn Du đấy ru:
      "Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi!" (Kiều, 3156)?
   Hỡi ơi!

Về cuốn Đèn cù

Lê Huỳnh

Sách này do nhà xuất bản Viet books phát hành, tác giả Trần Đĩnh, ngoài bìa ghi là "tự truyện của người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh", vốn thích sưu tầm các tài liệu về chế độ cộng sản, kẻ viết chưa thấy sách này bao giờ.

Sách lại được các ông Ngô Nhân Dụng, Đinh Quang Anh Thái và Võ Ngàn Sông "hiệu đính và biên tập" (ghi trên ấn phẩm), không rõ nội dung có sửa chữa thêm bớt gì không, vì ý nghĩa hiệu đính và biên tập khá khác nhau (theo cuốn Việt Nam tự điển do Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính thì "hiệu đính" là so sánh để chữa lại cho đúng, còn "biên tập": đặt, viết ra để phổ biến: Làm việc biên tập; bộ biên tập), như vậy hễ hiệu đính thì không biên tập và ngược lại.

Mở đầu là phần giới thiệu khá dài, ông Ngô Nhân Dụng tán tụng hết lời tác giả và tác phẩm, có lẽ nhờ thế mà sách bán khá chạy và dư luận bàn tán nhiều.

Nhớ lại câu người xưa: "Đạo ngô ác giả thị ngô sư, đạo ngô hảo giả thị ngô tặc." (Kẻ nói những điều xấu của ta là thầy ta, kẻ nói những điều hay của ta là người hại ta.), hiểu một cách rộng rãi là ai vạch đúng những khuyết điểm của ta thì đáng là thầy ta, ai khen không đúng ưu điểm của ta thì có khác nào hại ta, từ cơ sở này kẻ viết thử đối chiếu nội dung tác phẩm Đèn cù với lời giới thiệu ở đầu sách.

Có thể tóm lưọc phần giới thiệu vào mấy điểm chính:
- Về mặt tài liệu: "Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu không phải là kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất."

26 September 2014

Bớ người ta!

NÀNG THU SẦU MỘNG LẠI VỀ

Mùa Thu của đất trời đã về cùng nhân thế.
Nàng thu đang từ bồng lai tiên cảnh nhẹ gót hài dạo chốn thế gian sau bao nhiêu ngày xa vắng.

Các Thi bá và Họa bá ơi! sao không thấy ai chào đón nàng Thu? Hay là các Ngài đang còn ngẩn ngơ trong cơn mê đắm vì dáng ngọc ngà tha thướt của ai kia.

Nàng thu kiêu sa đã đến. Em vẫn lộng lẫy trên ngôi vị cao sang. Em vẫn đài các như tự thuở nào làm đắm say lòng người vì nhan sắc mặn mà không phai nhạt.

Các ngài Thi bá và Họa bá hỡi! Xin hay múa bút và múa cọ lên để nghênh đó nàng thu sầu mộng muôn đời của thế gian. Xin hãy nhanh tay kẻo thu buồn sẽ vội phai tàn, lòng người lại buồn nhớ mênh mang.
Thu ơi! xin hãy chờ ta với
Kẻo mất em rồi dạ ngẩn ngơ
Một Độc Giả Trung Thành của mạng TTR

Montréal, thành phố Âu châu của Canada

Tôi có ông bạn ở Misissauga. Chuyện trùng hợp: cả hai chúng tôi có chuyện đi Montreal vào giữa tháng 9. Lúc đầu tính đi chung nhưng sau lại thôi vì tôi muốn đi sớm hơn (nhưng về trễ hơn). Tôi thì chẳng có ý viết gì về Montreal vì đã đến thành phố này nhiều lần nên ít gặp những điều ...lạ. Ông bạn trí óc lại bén nhậy, có một bài ngắn ký sự đăng trên Blog của anh. Xin trích một đoạn vui: "
"Ngày về, khi ra khỏi trạm xe điện ngầm Bonaventure (khu Nhà ga xe lửa ở Montréal), bị lạc hướng khi ra khỏi trạm kẻ này đã hỏi thăm một vài người qua đường hướng về Saint Antoine.  Hỏi người gặp đầu tiên bằng tiếng Pháp, họ nói họ không biết; hỏi người thứ hai bằng tiếng Pháp, họ bảo họ không nói tiếng Pháp; hỏi người thứ ba bằng tiếng Anh, họ xua tay(!); đến người thứ tư là một phụ nữ có dáng dấp của người từ Nam Mỹ , hỏi bằng tiếng Anh bà ta mau mắn chỉ về con đường phiá sau lưng bà và còn nhắc là trạm Megabus nằm ở góc đường nhìn qua một cái chợ tầu.  Chuyện nhỏ không mấy vui này khiến nhớ lại nhiều năm trước đây có lần ở phi trường Dorval ra, hỏi thăm một ông ( khoảng 50t) bằng tiếng Pháp đường về nhà một người quen trong khu vực này, ổng làm ngơ, nhưng khi hỏi bằng tiếng Anh ông đã sốt sắng hướng dẫn.  Dùng tiếng Anh, hay tiếng Pháp giao tiếp ở Montréal, trong một số trường hợp, có thể khiến du khách ngỡ ngàng, không mấy khác với tâm trạng của người lái xe ở Toronto khi gặp đèn đỏ, và một vài đèn hiệu qua đường khi lái xe ở Montréal. SĐ-NTC"
Đúng là nhà văn, đi đâu cũng "có chuyện". Tôi thì chỉ thích loay hoay với cái máy hình. Dưới đây là vài bức hình chụp đền Thánh Joseph xây dựng mất nhiều năm trên núi Mont Royal danh tiếng.

A.C.La









25 September 2014

Anh Trần Thi, ĐS15 và CH10 đang sống khốn khổ ở VN

Thưa Quý Anh Chị đồng môn,

Anh Trần Thi, khóa Đốc Sự 15 và Cao Học 10 - HVQGHC, đang sống khốn khổ những ngày cuối đời.
Anh bị suy thận sáu năm trước, phải lọc máu qua máy nhiều năm qua. Đến nay việc chạy thận nhân tạo này không còn tác dụng, anh phải cấp cứu nhiều lần ở bệnh viện với thân thể tiều tụy, sưng phù, không đi lại được, dù đầu óc vẫn sáng suốt. Anh vốn là người tài hoa, thông minh, nhưng số phận luôn tăm tối - không đi HO được chỉ vì ở tù cải tạo thiếu một tháng [cho đủ năm], vượt biên 6 lần không thoát lại tù tội, trắng tay ...

Kính mong quý Anh Chị đồng môn và bạn hữu cầu nguyện cho Anh Trần Thi và chia xẻ với Anh trong thời gian khó khăn này.

Địa chỉ:
​​
www.thitranbmt@gmail.com .

203 Trần Phú, TP Ban Mê Thuột, Đắc Lắc, VN.

Kính thư. Ngô Xuân Vũ, ĐS 17
(Nguồn: Nguyễn Văn Sáu)
_____________
Anh Vũ
Khi gởi thư xin anh để thêm số điện thoại
Mỗi lần gởi tiền, cơ quan chuyển tiền cần số điện thoại để báo tin

Thân ái
Trần Xuân Thời
_____________

Kính thưa quý anh chị đồng môn:

Về email của anh Ngô Xuân Vũ (ĐS17) nhờ tôi chuyển trước đây có liên quan đến anh Trần Thi, CSV Khóa ĐS15/CH10, nên tôi đã giúp chuyển dùm cho anh Vũ. Các chi tiết khác như: không có số điện thoại, email không đúng, hoàn cảnh hiện tại của anh Trần Thi, v.v...; tôi hoàn toàn không biết.

Nếu quý anh chị có những câu hỏi gì liên quan đến việc này, xin vui lòng email cho anh Ngô Xuân Vũ theo địa chỉ email ghi ở phần "Cc".
Cám ơn và kính chào quý anh chị.

Nguyễn Văn Sáu, TS4. 
___________________

"Tôi rất tiếc đã chuyển thông tin về anh Trần Thi chưa đầy đủ, xin được bổ túc như sau:

Địa chỉ Email do dau ốm anh ít dùng đến nên vừa qua đã bị Bưu Điện cắt, anh đang xin phục hồi lại, Số phone của anh Thi là  84-91-349-3609, nhưng do thường xuyên bị mệt nên cũng ít khi anh nghe phone,[ đây là lý do tôi đã không ghi số phone của anh trong thư trước]. Nên, xin quý Anh Chị nếu gọi hay viết thì xin dùng số phone của vợ anh Thi là: Chị Huỳnh thị Ngọc Anh-  84-93-785-9158. Địa chỉ vẫn là: 203 Trần Phú, Tp Ban Mê Thuộc, tỉnh Đắc Lắc.
Kính chúc quý Anh Chị luôn được an lành, hạnh phúc. 

Kính thư. Ngô Xuân Vũ."

_______________________

Như đã trao đổi với anh Sáu, việc giúp anh Trần Thi, K-15, có thể thực hiện được nếu:
- Hoặc anh Sáu đứng ra nhận sự đóng góp của đồng môn rồi gửi về cho anh Trần Thi;
- Hoặc Hội AH/CSV/QGHC Nam Cali đứng ra làm việc này;
- Hoặc nên có một Tổng Hội / Liên Hội / Hội Ái Hữu CSV/QGHC chung để phụ trách những việc không thuộc Hội địa phương nào trên tinh thần ái hữu rất nhẹ nhàng vì chúng ta hiện nay đều trên 60 tuổi, không nên tổ chức nặng nề về cơ cấu mà làm mất lòng anh em;
- Hoặc anh Sáu cố gắng thêm để liên lạc với anh, chị Đại Diện K-15 tại Hoa Kỳ hay tại California để thực hiện nghĩa vụ ái hữu này.
Khi chưa có ai đứng ra làm nhiệm vụ nhận và gửi tiền này mà anh chị Trần Xuân Thời đã tích cực mong được đóng góp, và còn biết bao anh, chị đồng môn khác rất tha thiết và nóng lòng muốn được đóng góp giúp đỡ anh Trần Thi cho dầu biết rằng sự giúp đỡ này là khá muộn màng nhưng cũng có thể giúp cho thân nhân anh Trần Thi đỡ vất vả trong việc lo liệu cho anh Trần Thi ... .

Cố gắng, còn nước còn tát thử anh Sáu à. Tình thân, Trần Việt Long.

24 September 2014

Thấy Quê Hương... , thơ


**


Cặp uyên ương Lê Danh Đàm & Trần Thúy Lan năm nào cũng nam du nhưng đặc biệt năm nay đã nhìn thấy quê hương qua mầu cờ vàng và lòng thi nhân bỗng xôn xao. Mà cũng nhờ vậy chúng ta mới có dịp thưởng thức những vần thơ da diết trên đây. (TTR)

Diễn Đàn Tiếng Thông Reo thông báo

Thưa quý anh chị và quý thân hữu,

TTR gần như không bao giờ chuyển tiếp tài liệu của những người khác vì sợ bị virus.

Một người bạn cho hay đã nhận được tài liệu
chuyển tiếp từ tiengthongreo54@yahoo.com, là địa chỉ email chính thức của diễn đàn.
Điều này cho thấy kẻ gian đã đánh cắp một số địa chỉ email của nhóm bằng hữu có liên lạc thường xuyên với Diễn Đàn TTR, rồi dùng email của Diễn Đàn để gửi đến các địa chỉ đã đánh cắp được những bài viết thường có mục đích tạo chia rẽ và gây hoang mang.

Xin thông báo để cùng nhau đề phòng kẻ gian.

Trân trọng,
Diễn Đàn Tiếng Thông Reo

Cơ sở dự trữ của "Nhà Nước Hồi Giáo"(ISIL) trên đất Syria bị không quân Mỹ tiêu hủy.

(Nguon: Breaking Defense)

Tội nghiệp cho tiếng Việt của vc

Kính thưa quý vị,

Bởi vậy tôi thấy rất tội nghiệp cho tiếng Việt của vc, riết rồi nó tối đen, nó rối nùi, nghĩa là nó làm cho tiếng Việt mất nét trong sáng, thanh lịch và duyên dáng sẵn có của nó.

Tiếc thay, thưa, đây mới là vấn đề quan trọng. Tiếc thay người Việt trong nước bị "nhiễm", bị lây do ở chung với vẹm nên thấm đòn, bởi hàng ngày đài phát thanh, TV, sách báo cứ ra rả gieo vào đầu họ . Nhưng người Việt tỵ nạn cs ở hải ngoại và nhất là giới báo chí, truyền thông hải ngoại, tại sao cũng dùng thứ chữ nghĩa rối mù và "quằn quện" lai căng, lai chệt đôi khi vô nghĩa của vẹm ? Câu nói của ca sĩ Thu Phương mà ông Đỗ Hưng nêu ra sau đây là một trường hợp để chúng ta có dịp nhìn lại tiếng Việt sau 40 năm bị vc đầu độc như thế nào .

Đúng như vậy, những chữ tỏa sáng, nắm bắt, màu sắc ... trong câu nói của "ca sĩ" (xin xem phần góp ý của ông Đỗ Hưng sau đây) nó chỉ khiến cho câu nói của cô trở nên ngây ngô. Nhưng một khi được cô "ca sĩ" nói lên thì sẽ có nhiều người "tiếp thu" và học hỏi, bắt chước theo. Đó là cái đáng sợ của sự lan tràn của tiếng vc, do cố ý hay vô tình của cộng đồng người Việt chúng ta ở hải ngoại.

Vừa rồi BS Nguyễn Hy Vọng cũng có nhắc đến vấn đề tiếng Việt của "trí thức" vc ở Hà Nội và ông đã chịu khó ra công "lượm rác" (có hàng đống to) trong một cuốn từ điển tiếng Việt của các "học giả" trong nước mà khi đọc lên chúng ta không thể nào chịu nổi cái dốt nát, ngu si, đần độn của họ. Mời quý vị đọc bài viết đó của BS Nguyễn Hy Vọng. Tôi chỉ xin trích ra đây một ví dụ, trong muôn ngàn ví dụ khiến chúng ta cười ra nước mắt và đau lòng cho tiếng Việt của chúng ta:

Đây là câu giải thích cái miệng trong cuốn từ điển tiếng Việt của vẹm (có bổ sung và sửa chữa của nhiều học giả, ghê quá !)

MIỆNG: là một bộ phận hình lỗ ở phía dưới của mặt (trời đất quỷ thần ơi!!!

 Đọc xong tôi muốn nói với các "trí thức" Bắc kỳ vc rằng:

"Nếu mấy ông có im cái miệng thì cũng không ai nói mấy ông câm, chứ đừng có viết sách, viết từ điển để dạy con trẻ ăn nói dốt nát và bẩn thỉu như thế này!"

Cách ăn nói và viết lách của vc bây giờ dần dần khiến tiếng Việt của chúng ta đi xa nguồn gốc dân tộc. Đôi khi đọc một bản tin, nhất là tin chiến sự hay tin thể thao, tôi không hiểu người viết muốn nói cái gì. Dường như là họ cố nhồi nhét cho được nhiều tiếng vay mượn lai căng, nhất là vay mượn của chệt cộng như: tiếp cận, hiển thị, cá thể đối tượng (dùng sai chỗ) điạ bàn, động thái, bình ổn, chế tác, vĩ mô, động viên, tiến độ, đáp án, hiện trường v.v... để loè thiên hạ rằng ta đây "có chữ" chăng?

Thử hỏi khi đọc câu "Một cá thể bọ xít hút máu người tại tỉnh ... " có làm cho chúng ta phì cười thương hại hay không? Tại sao chỉ cần nói : "Một con bọ xít " là đủ, mà lại ... chê, không chịu nói ???

Hay là câu "Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết là ..."thì vc lại khoái nói: "Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết bao gồm ... " Phải là bao gồm thì mới oai. Khổ thật!

Và những câu ngô nghê như:

Anh ta làm như thế là muốn thể  hiện. Nhưng thể hiện cái gì mới được?

Hay là :

Anh ấy đi suốt. Suốt là suốt ngày, suốt tháng hay suốt năm? Giống như kiểu nói "Tôi điện cho anh, anh điện cho tôi" vậy. Điện đâu có nghĩa là cái máy để gọi đi xa.

Trường hợp này giống chữ viện trong "bệnh viện" . Vc hay nói "nằm viện, nhập viện, xuất viện" Chữ viện dùng một mình như vậy không đủ và không đúng mà phải nói là bệnh viện hay dễ hiểu và bình dân hơn là nhà thương . Viện có nghĩa là một cơ sở, một nơi chốn . Còn cơ sở ấy, nơi chốn ấy để dùng vào việc gì thì chúng ta sẽ có một chữ đi theo để chỉ rõ như: thẩm mỹ viện, thư viện, viện bào chế thuốc, y viện (như Tổng Y Viện Cộng Hoà của chúng ta xưa) viện dưỡng lão, viện tế bàn, viện cô nhi, dưỡng trí viện (Biên Hoà), viện ... uốn tóc (hi hi), viện bảo tàng v.v...
Nói nằm viện không không như vc và bây giờ người ta thường nói, không sợ bị hiểu lầm là vào nằm trong viện ... bảo tàng sao ?

Ngoài ra một chữ mà từ 40 năm nay chúng ta thường thấy người Bắc 75 dùng sai là chữ chất lượng. Nó sai hoàn toàn và sai xa lắc mà cho tới hôm nay, người ta vẫn dùng, ngay trong những bài viết rất khá. Biết sai mà không sửa thì làm sao thế hệ con cháu chúng ta, chúng nó sử dụng tiếng Việt cho hay, cho trong sáng và thanh lịch được?

Xin phép được nhắc lại, mong quý vị thứ lỗi: chất là cái phẩm chất của một vật (qualité, quality) còn lượng là số lượng, đong, đếm, đo lường được (quantité, quantity)

"Món hàng này chất lượng quá" có phải là tự mình hạ thấp cái ..."chất lượng" ăn nói tiếng Việt của mình không ??? Nói như vậy, theo ca sĩ Thu Phương là không có "màu sắc", không "toả sáng" đấy quý vị ạ . Xin lỗi quý vị, mong miễn chấp khi tôi dùng chữ chất lượng ở đây nhé .

Tôi cũng có nghe và đọc những cách dùng chữ của người VN bây giờ như "đỉnh, điểm, chuẩn ... " Ví dụ trong câu:

Anh ấy ăn nói đỉnh thật. Hay là: Chị nói tiếng Pháp rất chuẩn. Xin thưa, phải nói lại là: Ăn nói hay, ăn nói hùng hồn, minh bạch và: Chị nói tiếng Pháp rất đúng văn phạm, hay đúng giọng.

Chuẩn là một nửa của chữ chuẩn mực, chuẩn xác, tiêu chuẩn. Còn đỉnh là chỗ cao nhất của một vật như đỉnh núi hay đỉnh cao trí tệ loài khỉ ... Không thể nói "Ăn nói rất đỉnh " được, khó nghe quá. Tội nghiệp cho tổ tiên, ông bà cha mẹ chúng ta quá. Còn câu sau đây của vc nữa nè:

Trời âm u, có khả năng là sẽ mưa đấy. Người VNCH sẽ nói:

Trời âm u, sắp mưa đến nơi rồi.

Có lẽ dưới "góc độ" của vc, chúng ta ăn nói bình dân quá chăng?

À, tôi lại nhớ ra chữ góc độ nữa. Cái gì cũng góc với độ, chắc vẹm khoái môn hình học? Xem một chương trình dạy nấu ăn ở VN mà cũng độ này, độ nọ những khi không cần thiết như:
Làm như thế này để tạo độ mỏng cho cái bánh .

Chúng ta chỉ cần nói: Ép bột và cán mỏng thì bánh sẽ đẹp hay gì gì đó, cần gì mà độ mặn, đồ ngọt, độ dầy với độ mỏng ... và ghê hơn nữa là chữ xử lý bị lạm dụng hết cỡ thợ mộc luôn:

Làm bột xong, sẽ xử lý đến rau. Kinh quá đi mất, nổ quá đi. Rửa rau hay bày rau ra dĩa thì nói bà nó ra là rửa rau, nhặt rau, bày rau, chớ xử lý cái con khỉ mốc gì. Khổ quá !

Kính thưa quý vị,

Nhận thấy sự thâm độc do lây truyền chữ nghĩa vc làm cho tiếng Việt của chúng ta thành ra dị hợm, buồn cười và về lâu sau có thể sẽ biến thành một thứ tiếng nói rất xa với tiếng của ông bà, tổ tiên chúng ta để lại (tuy ai trong chúng ta cũng hiểu được rằng, bất kỳ thứ ngôn ngữ nào trên thế giới cũng phải chịu sự thay đổi và phát triển theo tiến trình phát triển của nhân loại trên mọi lãnh vực, từ đó sẽ có những chữ mới được sáng tạo ra và được thừa nhận để ghi vào từ điển. Nhưng đó là với ngôn ngữ của các quốc gia tự do đã phát triển. Họ có Hàn Lâm Viện để làm công việc duyệt xét tiếng mới, chữ mới cho vào số vốn có sẵn trong ngôn ngữ của họ. Nhưng trường hợp của VNcs thì không, bằng chứng là sau 40 năm cưỡng chiếm miền Nam, vc đã làm bại liệt, tiêu tan nền tảng trong kho tàng văn hóa dân tộc như thế nào, hẳn không ai có thể phủ nhận)

Vì vậy, người-Việt-không-cs chúng ta ở hải ngoại hãy cố gắng giữ gìn cách ăn, cách nói của chúng ta, của các thế hệ cha ông chúng ta và truyền đạt lại cho con cháu chúng ta. Đừng để bị đồng hóa, bị lây nhiễm những thứ độc hại từ văn hoá chết bầm, văn hóa của tiến sĩ giấy, thạc sĩ rừng, cử nhân chích heo hay hoạn lợn, khi ra nước ngoài thì múa may như một tên hề mà một tiếng bonjour không nói được, để mang nhục quốc thể. Đừng để bị cái thứ văn hóa khom lưng, cúi lạy người "nước lạ" anh em 4 tốt để trở thành con khỉ trong gánh hát xiệc Sơn Đông. Đừng để bị nhồi sọ bởi cái thứ văn hoá nhổ ra rồi liếm lại (chửi Mỹ rồi đi rước Mỹ về) của bọn bán nước cầu vinh hiện nay .

Rất NHỤC !!!

Thưa, chống cộng thì hãy chống chữ nghĩa vc trước đã .

HY

______________________

Góp ý của một bạn trẻ từ VN

Chào Bác, Cháu là một người trong Nam. Cháu cũng rất "nóng mắt nóng mũi" với cách dùng từ nhu vậy. Nhưng mà cháu nghĩ rồi cái gì tốt đẹp sẽ được lưu giữ và học hỏi thôi. Hy vọng các Bác, các chú ở phương xa hãy viết thật nhiều bài để người trong nước có thể thấy được lời hay ý đẹp mà học theo. CS có thể ung dung, ngang ngược áp đặt là vì ngày càng rất ít người quan tâm đến văn hóa - đạo đức. Nhưng rồi cái xấu, cái ác sẽ không thể tồn tại mãi mãi, thưa Bác.

Cháu có nghe một người bạn nói về Phật pháp và thời kỳ mạt pháp 10.000 năm* của đạo Phật. 10.000 năm là một thời gian dài nhưng cuối cùng cũng có vị Phật mới để khôi phục lại đạo Pháp. Cháu tin người Việt cũng sẽ có được tương lai đó. Thân mến.
________________
(*Có lẽ là 1.000 năm. Bạn cháu có thể nhớ không chính xác chăng vì Đạo Phật ra đời chưa được 3.000 năm. TTR)

23 September 2014

Tin nội bộ


Vợ chồng Cao bồi Texas Đinh Quang Tuệ ĐS14 đến thăm Bắc Cali:



Chụp với niên trưởng Nguyễn Đăng Độ, nội tướng và Đinh Ngọc Tề
**

Nhân viếng thăm Montreal, Quebec, Nguyễn Thế Vĩnh moi ra được Socrates Trần Văn Vũ cũng ĐS14:



Hình đẹp Phạm Hiền

"Hoa Tháng Chín"

Isis, Nhà Nước Hồi Giáo

 - Trần Mộng Lâm. - 

Kẻ cầm đầu Nhà nước Hồi giáo là ai?

Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố: Thế giới đã đi vào cuộc Thế Chiến thứ 3 cục bộ (partial). Vấn đề các người Hồi Giáo quá khích thành lập một nhà nước cho riêng họ đang làm nhân loại đau đầu.

Nhưng tại sao lại có chiến tranh triền miên giữa Do Thái và những người Ả Rập Hồi Giáo. Hai dân tộc này có phải là kẻ thù truyền kiếp ??

Câu trả lời sẽ làm những người ngoại cuộc, như chúng ta, rất ngạc nhiên, vì người Do Thái và người Ả Rập do cùng một ông tổ sinh ra, họ có liên hệ huyết thống. Thù nhau chỉ vì tôn giáo mà thôi.

Theo kinh thánh, Abraham là một người du mục. Ông ta tin ở Đức Chúa. Ông gốc gác ở vùng Mésopotamie. Vì đức tin của ông, ông được Đức Chúa hứa là sẽ cho ông có được những hậu duệ đông đảo và giầu có, làm chủ nhiều đất đai.

Kinh Coran cũng nói về Abraham, nhưng không hẳn giống như nhân vật được tả trong Kinh Thánh . Theo kinh Coran, thì Abraham là «bạn thân» của đấng tạo hóa. Ông được Đức Chúa cho làm sứ giả với nhiệm vụ tái lập những nguyên tắc căn bản về Độc Thần hay Đơn Thần Giáo. Cũng theo kinh Coran, Abraham là người đầu tiên Mahomed được gặp khi ông lên Thiên Đàng để được giới thiệu với Đức Chúa trong một cuộc du hành kỳ bí về ban đêm. Cũng theo Mahomed. Abraham là một người hanif, nghĩa là theo một tôn giáo chỉ thờ độc nhất một vị thần. Ông là một «muslim» đầu tiên, và hoàn toàn quy phục Đức Chúa.

Trở lại với Kinh Thánh, Abraham có bà vợ tên là Sarah. Bà này già, và không sinh đẻ được sau nhiều năm làm vợ Abraham. Vì lý do này, Sarah xúi Abraham quan hệ vợ chồng với một người hầu người Ai Cập để có con nối dõi. Bà hầu gái này tên là Agar. Agar sinh ra được một đứa con trai đặt tên là Ismael. Bất đồ Sarah cũng cấn thai, và cũng sinh ra được một bé trai, đặt tên là Isaac. Sinh được con rồi, dĩ nhiên, Sarah phải bảo vệ con mình để nó được thừa hưởng gia tài của cha, với địa vị đứa con chính thức. Vì vậy, Sarah  đuổi Agar và Ismael ra khỏi nhà.

Agar là vợ không chính thức và Ismael chỉ là một đứa con ngoại hôn.

Điều trớ trêu là  những người theo Islam rất tôn trọng Ismael. Theo Tabari, Ismael bị bỏ rơi ngoài sa mạc với mẹ, tưởng sẽ chết khát, nào ngờ có một dòng suối mát tên là Zamzam hiện ra cứu được 2 mẹ con. Sau này thánh địa La Mecque được xây ở đó. Abraham đi tìm và gặp lại được Agar và Ismael ở đây. Cha con ông xây tại nơi đây thánh đường Kaaba.

Đây chính là nguyên ủy của sự xung khắc giữa những người Islam và Do Thái, vì Isaac , đứa con chính thức, sau này trở thành tổ phụ của người Do Thái, trong khi Ismael, đứa con ngoại hôn, lại trở thành tổ phụ của những người theo Islam.

Chúng ta đã thấy, tại sao có người nói xung khắc giữa Islam và Do Thái là chuyện lục đục của một gia đình có 2 dòng con.

Thực ra ngày nay, mâu thuẫn này phức tạp hơn nhiều, vì ngay trong Islam, cũng chia ra nhiều ngành, nhiều phe nhóm, và Islam đã lan ra rộng lớn hơn xưa nhiều, nhưng thoạt đầu, nó chỉ là như vậy

Sau khi biết qua như vậy, chúng ta trở về với hiện tại để tìm hiểu Nhà Nước Hồi Giáo tại vùng Cận Đông. Nhà Nước này tự tuyên bố thành lập vào ngày 29 tháng sáu năm 2014, nhưng thực ra, nguồn gốc của nó manh nha từ 2006. Năm đó, tổ chức Al Qaida họp với năm nhóm chiến binh Jihad, Hồi Giáo cực đoan dòng Sunni lập ra Nhà Nước Hồi Giáo Irak, gọi là EII (Etat Islamique D’Irak). Năm 2013, EII lan đến Syrie và trở thành EIIL (Etat islamique en Irak et au Levant), tiếng Anh là ISIL hay ISIS gồm cả Lebannon, Israel, Jordan, Cyprus, Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Irak, và Syrie.

ISIS càng ngày càng vững mạnh và nó loại ra khỏi hàng ngũ tất cả các lực lương có thể làm nó suy yếu đi, kể cả Al Qaida.

Hiện nay, Isis nằm dưới sự chỉ huy của Abou Bakr Al-Baghladi al-Hussein al-Quarshi, tên dài thòng. Ông này tuyên bố tái lập chế độ Califat.

Califat (Tiếng Pháp) là gì ??

Đó là lãnh thổ nằm dưới sự trị vì của 1 vị Calife.

Calife là người thừa kế chính thức của giáo chủ Mahomed.

Theo lịch sử Hồi Giáo, từ trước đến nay có nhiều Califat. Califat sau cùng bị chấm dứt vào năm 1924 khi đế quốc Ottoman bị giải thể.

Abou Bakr…tự phong cho mình chức Calife  thời hiện đại và lấy danh hiệu là  Ibrahim .
Có tân Calife thì phải có Califat mới.

Đó chính là sự hình thành của Nhà Nước Hồi Giáo hay ISIS.

Phương châm của Califat mới này  là: Các tín đồ Musulmans, hãy bỏ vào sọt rác những cái gì gọi là Dân Chủ, Thế Tục, Tinh Thần Quốc Gia…và tất cả những rác rến của bọn Tây Phương. Hãy trở về với Tôn Giáo của mình…

Nghĩa là không phải chỉ có CS mới gọi lý thuyết Dân Chủ, 3 quyền phân lập theo kiểu Tây Phương là «rác rưởi».

Về phía Hoa Kỳ, dĩ nhiên là họ phủ nhận ISIS. Ngoài ra, không phải bất cứ người Hồi Giáo nào cũng phục tùng ISIS.

IRAK như vậy là chia năm, xẻ bẩy. Kurdistan cũng đòi được độc lập. ISIS hiện nay có khoảng 50.000 quân tại Syrie, 20.000 trong số họ là người nước ngoài, trong số đó 6000 người là tân tuyển trong tháng 7 năm 2014 mà thôi. Trong số người ngoại quốc này, có khoảng 30 người có quốc tịch Mỹ. Có người đến từ tận…bên Tầu !!

Riêng về Nước Anh, trong năm 2014, những người Hồi Giáo quốc tịch Anh tòng quân chiến đấu  tại Syrie là 1500 người, trong khi chỉ 600 người có mặt trong quân đội Anh.

Làm cách nào ISIS có được phương tiện để lớn mạnh ?

Thoạt khởi thủy, các quốc gia vùng Vịnh hỗ trợ tài chánh cho họ. Từ 2014, các quốc gia này ngưng ủng hộ ISIS trên bình diện Quốc Gia, nhưng vẫn còn các nhà hảo tâm ủng hộ với tư cách cá nhân. ISIS kiểm soát các giếng dầu tại SYRIE, buôn bán vũ khí, thu thuế, bắt cóc, đòi tiền chuộc…. Chỉ riêng việc buôn lậu dầu lửa, họ kiếm được 1 triệu đô la một ngày. Thổ Nhĩ Kỳ bị tố cáo là hỗ trợ cho ISIS.

Nhiều ký giả các nước Tây Phương đến vùng Cận Đông làm phóng sự, bị ISIS bắt và đòi tiền chuộc, đem lại cho ISIS những món tiền khổng lồ, mà cả bên đòi cũng như bên trả, dấu kín. Với những số tiền kiếm được, bằng cách này hay cách khác, ISIS chiêu mộ binh lính, thách thức các quốc gia Tây Phương với những cuộc thảm sát các con tin nằm trong tay họ một cách công khai trên Internet.

Sự lớn mạnh của ISIS trầm trọng đến nỗi chính Tổng Thống Mỹ, ông OBAMA đã phải tuyên bố mới đây lại MacDill Air Force Base: ISIS là một mối đe dọa cho Mỹ Quốc và Đồng Minh.
Chiến Thuật sắp tới của Mỹ rất rõ ràng: Phải làm mọi cách đánh bại ISIS.

Rất mong cuộc chiến này không đưa  Thế Chiến Thứ 3, từ Cục Bộ trở thành Toàn Diện.

Nga: tuần hành ôn hòa chống chiến tranh Ukraina

Hôm 21/09, hàng ngàn dân Nga tập họp tại trung tâm Matxcơva, tuần hành ôn hòa chống chiến tranh tại Ukraina và phản đối chính quyền Putin can thiệp quân sự vào miền đông láng giềng.

Theo AFP, vào trưa nay, một đoàn biểu tình nhiều ngàn người trong đó có các khuôn mặt đối lập đã đi ngang qua nhiều ngã đường ở thủ đô nước Nga. Người biểu tình mang cờ Nga và cờ Ukraina cùng với biểu ngữ “Phản đối chiến tranh tại Ukraina” và “Stop những dối trá của Putin”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên từ khi chiến sự bùng nổ tại Ukraina một cuộc biểu tình chống chiến tranh được tổ chức tại Nga. Cuộc biểu tình mang tên “Tuần hành vì hòa bình” đã huy động được 5.000 người, theo số liệu của cảnh sát nhưng một thành viên của ban tổ chức thẩm định “ số người tham dự lên đến mấy chục ngàn”.

Ban tổ chức kêu gọi chính quyền Nga chấm dứt “chính sách xâm lấn và vô trách nhiệm” tại Ukraina mà hệ quả là đưa nước Nga vào tình cảnh bị “cô lập, rối loạn kinh tế” và tạo điều kiện tốt cho thành phần “cực đoan phát-xít” trỗi dậy.

Một phụ nữ đi xe lăn tuyên bố: chiến tranh tại Ukraina là do Putin phát động. Tôi muốn ông ta ngưng can thiệp vào nội tình Ukraina. Một thanh niên cho rằng chiến tranh này là một hành động khùng điên, một tội ác chống Ukraina và người gốc Nga tại miền đông Ukraina.

20 September 2014

Mẹ tôi trong Cải cách ruộng đất


Trần Mạnh Hảo (Danlambao) - Năm cải cách ruộng đất ở làng tôi sau tết 1956-1957, là đợt long trời lở đất cuối cùng của cuộc tắm máu, trời rất rét, nạn rận chấy hành hạ dân chúng khủng khiếp hơn bao giờ, có nguy cơ chết vì rận chấy nhiều hơn là chết vì đảng bác xử bắn oan, (xử bắn, đấu tố toàn người tốt, người nghèo bị quy oan do số phần trăm đảng đội áp đặt lên từng làng từng xã). Nếu không có nạn rận chấy năm đau thương khốn khổ tột cùng ấy, có lẽ ba mẹ con tôi đã chết đói (bố tôi đang bị đảng - đội bắt giam tội địa chủ) vì không có hạt gạo nào để nấu cháo...

Các bạn biết tôi hành nghề gì để cứu đói cả nhà trong khi mới chỉ 10 tuổi đầu? Tôi làm nghề bắt rận thuê cho các gia đình cán bộ và gia đình ông bà ông nông dân bần cố vừa được chia của từ gia đình phú nông địa chủ. Chẳng là khi đi qua nhà đứa bạn gái cùng học vỡ lòng - con ông đội trưởng xóm tôi, thấy nó đang ngồi bắt rận, nó hét lên sợ hãi vì rận bám đầy quần áo nhà nó. Thấy tôi đi qua, nó bảo: thằng con địa chủ Hiền kia, mày vào bắt rận giúp tao, tao bảo bố tao cho mày bò gạo về ăn cho khỏi chết đói...

Tôi hăng tiết, bắt rận giúp nó nhanh hơn khỉ, bắt được con nào cũng cho vào miệng cắn cái bép, khiến môi tôi đỏ như ăn trầu. Tôi bắt một buổi sáng hết sạch rận trong đống áo quần hôi như cú của con gái nhà ông cán bộ… Gia đình ông trưởng xóm cho tôi đúng một bò gạo vì công bắt rận tài ba. Tôi mơ ước làm giàu bằng nghề bắt rận. Cầm tí gạo gói trong lá khoai ngứa, đi qua nhà thờ, tôi quỳ xuống làm dấu thánh giá xin với Chúa và Đức Mẹ rằng: con cám ơn Chúa và mẹ Maria, con xin Chúa ban cho làng con, xã con, tỉnh con, nước con mãi mãi tràn ngập rận chấy để con làm giàu bằng nghề bắt rận thuê. Cứ như vậy, thiên tài bắt rận thuê của tôi vang lừng thôn xóm. Ngày nào tôi cũng kiếm được gạo, một hay hai bò (bơ, lon) gạo về nấu cháo cho mẹ và hai em ăn khỏi chết đói...

Hôm đó khoảng gần 12 giờ trưa tôi về nhà sau khi đã được trả công gần hai lon gạo vì bắt rận thuê cho hai gia đình cán bộ thôn thì nghe nhà tôi có biến. Đám người bần cố nông quá đông đúc kéo đến nhà tôi dỡ nhà, dỡ bếp bởi họ được đội cải cách chia cho mọi tài sản trong nhà tôi từ cái thìa cái đũa đến cái bát, cái mân, cái nồi con dao cái thớt...

Tôi khiếp đảm thấy mẹ tôi vừa khóc vừa chửi bọn chúng và hai tay cầm hai con dao bầu nhọn hoắt đang xông vào đâm ông Xoan, ông Chúc (hai ông bần cố nông này được chia cái nhà chính của ông nội tôi đã di cư để lại), hai ông tí chết vì hai nhát dao đâm sẩy của mẹ tôi. Hình như mẹ tôi điên rồi, vừa chửi vừa quyết sống mái với bọn đến dỡ nhà cướp của. Mẹ tôi vừa khóc vừa dứ dứ hai con dao quyết lao vào đâm bọn dỡ nhà, khiến một tên vừa leo lên mái sợ quá đã ngã xuống gãy chân. May mà có mấy người bà con hàng xóm đến hỗ trợ mẹ tôi. Tôi bỏ gói gạo trong lá khoai xuống đất, hai tay cầm hai cục gạch đứng bên mẹ nói: tao thề chết bảo vệ mẹ tao, chúng mày ác Chúa phạt liền đó, thấy chưa, ngã xuống đất gãy chân kìa… Mẹ tôi lên cơn rồi, bà quyết sống chết bảo vệ căn nhà chính mà không đủ sức bảo vệ cái bếp đang bị mấy người bần cố nông khác dỡ mất, phá cướp sạch rồi…

Mẹ tôi vừa khóc vừa múa dao kể rằng: bớ bọn ác nhân kia, bố chồng tao đêm nào cũng đi cất vó, ngày nào cũng ra đồng cày bừa với ông Mục cày thuê cho hai mẫu ruộng sao địa chủ được. Chúng mày cứ xông vào cướp, xông vào dỡ nhà đi, tao sẽ đâm chết hết chúng mày rồi có bị Hồ chủ tịch cắt lưỡi, xẻo vú cũng cam lòng… Nào thằng kia, con kia, leo lên mái nhà thử coi, tao đâm chết ngay thằng Xoan, thằng Chúc liền này…

Lão Xoan, lão Chúc gọi dân quân đến với súng ống lên đạn cạch cạch nghe chết khiếp… Tôi nghĩ phen này chúng nó bắn mẹ mình rồi, hai tay tôi vẫn cầm hai cục gạch chạy đến đứng trước bụng mẹ. May mà có ông Bính bí thư làng (người chuyên làm nghề ăn trộm ăn cắp) đến kịp nói nhỏ vào tai lão Thảnh đội trưởng đội dân quân một lúc thì đội dân quân du kích rút đi… Sau này mới biết ông Bính (người từng mê mẹ tôi khi mẹ chưa lấy bố tôi) nói với dân quân rằng: “Nhà thằng Ký Sinh (ông nội tôi đã di cư) và con là thằng Hiền chồng con điên kia đã nằm trong danh sách sửa sai xuống thành phần…”

Lão Xoan lão Chúc hai tên bần cố nông chuyên ăn trộm thấy tình thế không thể dỡ nhà mang đi được vì sợ con mẹ điên cầm dao đang quyết đâm chúng nếu không có mấy bà con giữ tay can gián, bèn lủi mất… Mẹ tôi gục xuống đống gạch vụn của căn bếp ba gian vừa bị chúng cướp phá dỡ mang đi từ hòn gạch, khóc rồi ngất luôn, không còn thời gian đâu ra ngăn bà Y đang phá cổng nhà tôi lấy gạch…

Chiều đó, mẹ tôi vẫn phải ra đồng bắt cá về cho ba đứa con ăn với cháo do thằng Hảo bắt rận thuê mà có được tí gạo. Khi mẹ về, giỏ cá đã mất, vì bị bọn ông bà ông nông dân chăn trâu cướp mất giỏ cá, lại bị chúng dùng roi trâu quất lên mặt mẹ ba con lươn đỏ như máu bởi mẹ quên khoanh tay cúi chào, bọn trẻ trâu đang cưỡi trâu trên đường theo quy định của đảng – bác – đội rằng: con vợ địa chủ Hiền, con dâu địa chủ đại gian đại ác Ký Sinh đã theo giặc vào Nam kính chào kính lạy ông bà ông nông dân cưỡi trâu ạ…

Chuyện về mẹ tôi còn dài, viết một cuốn tiểu thuyết về bà cũng không hết, kỳ sau xin kể tiếp…

Sài Gòn 14 – 9 – 2014

Trần Mạnh Hảo
danlambaovn.blogspot.com

18 September 2014

Bí mật quân sự của Ngũ Giác Đài đổi lấy nụ hôn của cô gái Trung Hoa

Cô gái trẻ Trung Quốc đã quyến rũ làm mê đắm vị quân nhân Mỹ hồi hưu.

Hai năm phiêu lưu tình ái ngọt ngào bây giờ có giá bằng hai chục năm tù giam cho một người Mỹ ưa phụ nữ phương Đông. Những hẹn hò âu yếm đã khiến vị quân nhân say mê đến mức không còn tỉnh táo và thế là các kế hoạch chiến tranh bí mật của Mỹ, tiềm năng hạt nhân, chu trình triển khai các hệ thống nhận biết sớm và lá chắn chống tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên...đều bị khai thác, rò rỉ và chảy về Trung Quốc. Đây là câu chuyện hoàn toàn có thực – vụ án đang được xem xét tại phiên điều trần trong Tòa án Liên bang Hoa Kỳ.
Benjamin Bishop 59 tuổi bị bắt hồi tháng Ba năm ngoái, không phải trong khung cảnh riêng tư thân mật mà là ngay tại trụ sở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Honolulu. Người tình của ông ta khi đó vừa 27 tuổi. Bây giờ cô gái ở đâu thì ngay cả FBI cũng không rõ. Thêm nữa là cơ quan tình báo Mỹ không nắm được bằng chứng trực tiếp nào cho thấy cô ta làm việc cho Chính phủ Trung Quốc.
Người Trung Quốc khiến cơ quan tình báo Hoa Kỳ ngày càng đau đầu nhiều hơn, - ông Oleg Demidov chuyên viên Trung tâm về các vấn đề an ninh mạng nêu nhận xét.
“Nhiều thành viên trong cộng đồng người Hoa quan tâm đến các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ và cộng tác với họ. Có cả những đại diện của CHND Trung Hoa chỉ thuần túy làm việc tạm thời ở nước Mỹ. Trong nhiều trường hợp, xuất phát từ động cơ yêu nước hoặc theo yêu cầu dai dẳng liên tục từ quê hương, mà họ mạo hiểm tham gia vào hoạt động có thể hội đủ điều kiện định tính như là tình báo hoặc gián điệp công nghệ. Hoa Kỳ phải đối mặt với thực tế là những năm gần đây các trường hợp như thế ngày càng nhiều hơn”.
Xì-căng-đan om sòm nhất gắn với vụ việc gần đây của kỹ sư điện tử Steve Liu, người gốc Hoa. Ông ta làm việc trong một công ty Mỹ là nhà thầu hàng đầu của Ngũ Giác Đài. Liu nhận án 6 năm tù về tội ăn cắp công nghệ cho máy bay không người lái, tự động bắn trúng mục tiêu không cần bắt liên lạc với vệ tinh.
Bản án khác – 5 năm tù – được tuyên với Minh Toàn Chương vì âm mưu mang về nước mấy tấn sợi carbon. Đây là vật liệu được dùng ở Mỹ trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay. Các vị quan tòa đã không tin thương nhân Trung Quốc khi anh ta thề thốt rằng mua thứ nguyên liệu này về chỉ để sản xuất gậy chơi khúc côn cầu.
Những vụ án này đã gây tiếng vang và sự chú ý lớn ở Hoa Kỳ. Tiếp theo là kích động vòng xoáy mới của chiến dịch cáo buộc Trung Quốc săn lùng thông tin mật và ăn cắp công nghệ công nghiệp. Kết quả là, vào cuối năm 2013 người ta buộc tội cố vấn của Giám đốc Tình báo Quốc gia Theodore Morgan làm gián điệp cho Trung Quốc, mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Ở đây thuần túy là điển hình về chuyện “săn ma” trong thế kỷ 21, - ông Andrei Ostrovsky Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận định. Cuộc “săn ma” đã bắt đầu ở nước Mỹ từ giữa thế kỷ trước, gán tội cho tất cả những người rơi vào diện tình nghi có liên hệ với các nước Cộng sản.
“Nói chung đây là sự tiếp nối “cuộc săn ma” cả trong quan hệ với Trung Quốc. Hoa Kỳ đối đầu chống Trung Quốc, mà như thế có nghĩa là "ai không cùng ta, kẻ đó ắt chống ta”. Và tóm lại là nhân nào quả nấy. Trong khi tình hình hoàn toàn không đồng nhất. Một mặt, chính tri, mặt khác là kinh tế. Trung Quốc là cường quốc hùng mạnh với nền kinh tế phát triển như vũ bão. Dựa vào quan hệ thương mại kinh doanh với Trung Quốc, nhiều công ty Mỹ hưởng lợi, và hiển nhiên họ không chia sẻ quan điểm cho rằng Trung Quốc đang làm gián điệp mọi nơi, ăn cắp mọi thứ”.
Làn sóng các vụ xì-căng-đan gián điệp ở Mỹ - cả có cơ sở lẫn vô căn cứ - sẽ còn tăng lên trong khi Trung Quốc cố gắng giảm bớt khoảng cách lạc hậu của họ so với Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ dân dụng và quân sự. Mà ngay tại Trung Quốc cũng có thể chờ đợi sự đột biến về những vụ phát giác gián điệp. Bởi chắc là Bắc Kinh sẽ cố gắng đáp trả đối xứng với Washington.

16 September 2014

Phi Luật Tân triển lãm 60 tấm bản đồ cổ để chứng minh ...

Cali Today News - Phi Luật Tân đang đối đầu với Trung Cộng trong cuộc chiến tranh chấp lãnh hải bằng cách trưng dẫn những bản đồ để phủ nhận chủ quyền ở Biển Đông mà Trung Cộng đòi hỏi, nhất là đối với bãi Scarborough.

Phi Luật Tân vừa tổ chức cuộc triển lãm, trưng bày 60 tấm bản đồ cổ của Á châu, nhằm hủy bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc, ở khu vực Biển Đông, nhất là bãi Scarborough.

Theo báo The Inquirer, Phó chánh án tòa thượng thẩm là Antonio Carpio, đã nói công khai là ông ta hy vọng những tấm bản đồ này, mà tấm cổ nhất là từ đời nhà Tống, năm 1136, sẽ giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền theo hướng có lợi cho Phi Luật Tân.



 (Click on images to enlage)


Phó chánh án Antonio Carpio nói: “Chúng ta nên tôn trọng những sự kiện của lịch sử, chứ không phải những dối trá của lịch sử.”

Bộ sưu tập 60 tấm bản đồ cổ cho thấy rằng đảo Hải Nam là vùng đảo tận cùng phía Nam của Trung Quốc, chẳng có đảo Hoàng Sa, Trường Sa,… nào cả.

Cái gọi là chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham chỉ mới xuất hiện vào tháng 4, 2012, thời điểm mà Phi Luật Tân bắt các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm tại đây.

Sự kiện này tạo ra sự căng thẳng giữa hai nước từ đó.

Phi Luật Tân đã quyết liệt đối đầu với Trung Cộng về pháp lý đối với chủ quyền biển đông.

Trần Thị Sông Dinh

Tin ngắn

Hong Kong tuần hành cáo buộc Bắc Kinh thất hứa

Hàng ngàn nhà hoạt động mặc áo đen tuần hành trong im lặng qua các đường phố Hong Kong để tố cáo Bắc Kinh không giữ lời hứa cho cựu thuộc địa này của Anh hưởng quy chế dân chủ đầy đủ.

Những người biểu tình cùng khiêng một dải vải đen rất dài, qua các đường phố, cầm các tấm bảng cáo buộc Bắc Kinh phản bội lòng tin của họ.

Trung Quốc đã ra quyết định là các ứng cử viên ứng cử chức vụ trưởng đặc khu hành chánh Hong Kong trước tiên phải được chấp thuận bởi một ủy ban đề cử, mà có phần chắc là đầy các đại diện ủng hộ Bắc Kinh.

Trước đó hôm Chủ nhật, Trưởng đặc khu Hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh kêu gọi cơ quan lập pháp của lãnh thổ này nhanh chóng thông qua đề nghị cải cách bầu cử của Trung Quốc. Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ tuyên bố quyết tâm ngăn chặn biện pháp này.

Các nhà tổ chức thuộc phong trào ‘Chiếm Trung Tâm’ Hong Kong cho biết họ sẽ mở các cuộc biểu tình đông đảo nhằm làm ngưng đọng mọi hoạt động của khu trung tâm tài chính Hong Kong. Tuy nhiên họ chưa cho biết ngày giờ hành động. (VOA)

14 September 2014

Khi nào quan chức Việt mới bán tháo nhà cửa?

(VNTB) - Khác nhiều với Việt Nam, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do Tập Cận Bình khởi xướng ở ở quốc gia đông dân nhất và cũng thuộc loại tham nhũng nhất thế giới đã tạo ra chất xúc tác cho làn sóng bán tháo trong thị trường nhà đất.

"Họ muốn bán nhà thật nhanh chóng và sẵn sàng giảm giá 5-10% so với thị trường", Zhang Yan - Giám đốc hãng tư vấn bất động sản Shanghai Centaline cho biết.


Biệt thự của ông Trần Văn Truyền


20%

Thông thường, giới quan chức hoặc thân nhân của họ muốn bán trong 2 tuần đến một tháng, nói chung là càng nhanh càng tốt. Sau đó tiền sẽ được chuyển mau lẹ đến mức có thể ra các ngân hàng nước ngoài.

Các hãng môi giới bất động sản cho biết, quan chức Trung Quốc chiếm khoảng 20% chủ sở hữu nhà xa xỉ. Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania cho biết chỉ 7,1% người mua nhà tại Trung Quốc là quan chức. Quan chức Trung Quốc thường mua nhà to và đắt tiền hơn người thường.

Và dĩ nhiên, họ không chỉ đơn giản là thích mua nhiều nhà. "Cách phổ biến để hối lộ là đưa cho anh ta một căn nhà, coi như quà tặng. Chiến dịch này chính là lời cảnh cáo hoạt động đó nên chấm dứt", Yan Jirong - Giảng viên Đại học Bắc Kinh cho biết.

Rất nhiều người sử dụng thông tin của lái xe riêng, người thân hoặc người đại diện để mua nhà. Một nhân viên môi giới bất động sản cho biết một khách hàng của anh đã bị bắt giữ năm ngoái khi đang cố bán nhà. "Tôi chẳng nhận ra ông ta là quan chức cho đến khi thấy ảnh trên mạng", anh nói.

20% tất nhiên cũng là một tỷ lệ rất đáng tham khảo cho “mặt bằng dân trí quan chức” ở Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay, điều lạ lùng là mặc dù bị xem là một quốc gia còn độc tài hơn cả Việt Nam, ở Trung Quốc vẫn tồn tại một số kết quả khảo sát mang tính độc lập. Chẳng hạn như số người giàu đã di cư hoặc có ý muốn di cư ra nước ngoài, hoặc độ chênh lệch khủng khiếp giữa giai cấp giàu nứt vách và người nghèo rớt mùng tơi.

Khi nào?

Trong khi ở Việt Nam mới chỉ âm thầm diễn ra hiện tượng quan chức “tẩu tán tài sản” theo cách bán nhà cao cấp, thì ở Trung Quốc không khí này đã giống như một cơn sốt phát ban.

Năm ngoái, một quan chức Nội Mông tên Wu Zhizhong đã bị kết tội tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ công quỹ. Cơ quan điều tra cho biết Wu sở hữu tới 33 bất động sản tại Trung Quốc và một căn nhà ở Canada. Theo Xinhua, số chìa khóa nhà của “con sâu” này (nói theo từ ngữ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) có thể đựng đầy một chiếc túi xách.

Sau đó, Cai Bin - một cựu quan chức Quảng Châu (Trung Quốc) cũng bị kết tội nhận hối lộ. Nhà điều tra cho biết gia đình Cai sở hữu hơn 20 căn nhà.

Những trường hợp này chính là hồi chuông cảnh báo với nhiều quan chức địa phương Trung Quốc. Các trung tâm môi giới bất động sản cho biết giới chức giờ rất sợ mua nhà xa xỉ. Một số thậm chí còn bán những căn có thể khiến họ bị nghi ngờ.

Chiến dịch chống tham nhũng của nước này từng khiến ngành khách sạn lao đao với quy định hạn chế tiệc xa xỉ. Giờ đây, cả ngành bất động sản cũng bị ảnh hưởng khi giới chức đua nhau bán nhà.

Theo Wall Street Journal, chiến dịch này được thực hiện đúng thời điểm thị trường địa ốc Trung Quốc đang suy giảm. Đây được coi là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo số liệu công bố tuần trước, doanh số bán nhà tại đây trong 7 tháng đầu năm đã giảm 10,5% so với năm ngoái.

Tại Hàng Châu, doanh số bán nhà cao cấp đã giảm 54% nửa đầu năm. Gao Yuansheng - Giám đốc nghiên cứu một hãng bất động sản cho biết sự sụt giảm này chủ yếu do thị trường dự đoán giá tăng chậm, nhưng cũng một phần do các biện pháp chống tham nhũng của Chính phủ.

Doanh số bán nhà cao cấp giảm thê thảm là hiện tượng rất tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong ít ra vài năm qua, đã có hiện tượng một số quan chức Việt Nam tìm cách bán rẻ căn hộ cao cấp hoặc đất đai của họ. Tuy nhiên, nguồn cơn của hiện tượng này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cần tiền và nhằm “hạ cánh an toàn” chứ chưa có dấu hiệu chịu tác động mạnh mẽ bởi một chiến dịch chống tham nhũng nào từ cấp trung ương.

Câu hỏi còn lại là đến bao giờ ở Việt Nam mới hiện ra chiến dịch, nếu không “đả hổ” thì cũng “diệt ruồi”, như Tập Cận Bình đang làm? Nếu xảy ra chiến dịch này, chắc chắn dân tình ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội chứng kiến làn sóng bán đổ bán tháo nhà đất cao cấp của giới quan chức “ăn của dân không còn chừa thứ gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan – Phó chủ tịch nước).

11 September 2014

Chị Cả Bống, truyên ngắn


Phạm Lưu Vũ
Chiều tà, một người đàn ông phóng như ngựa phi nước đại về phía tây thành phố, nơi ấy có nhà tù với cái tên rất đẹp là “Hòa khí“. Tới cổng gác, ông ta trình thẻ căn cước cho lính canh. Sau khi xem chứng minh thư, lính canh dẫn ông vào văn phòng nộp hồ sơ. Một người đứng tuổi đeo kính trắng nhận hồ sơ rồi bảo:

    -Dẫn tới khu nhà chờ, đợi thẩm tra hồ sơ, ba tuần sau có kết quả.

Lính canh lại dẫn ông ta đi, khu nhà chờ gồm vài dãy nhà cấp 4 sập xệ và rêu mốc, rất đông người ở kín các gian phòng, đàn ông, đàn bà, lớn bé, già trẻ, đủ cả… Điều kiện sinh hoạt rất tồi tệ song không ai ta thán, đơn giản họ chỉ ở lại đây có vài tuần. Từ khi lập ra khu nhà chờ này không lúc nào vơi người. Ngày nào cũng có người đi lại, ngày nào cũng có người đến. Giống như người đàn ông kia, mọi người chờ thẩm tra hồ sơ, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được vào tù. Tiêu chuẩn đơn giản nhưng không phải không kỹ càng, chỉ những người lương thiện không dính tý lưu manh nào mới được vào tù. Tất nhiên lũ bất lương đừng hòng bén mảng tới.

Chẳng ai lấy làm ngạc nhiên, ở xứ xở này, không có chuyện gì là không xảy ra kể cả những chuyện ngược đời, đơn giản mọi người không những thích đùa mà còn đùa rất dai; 5 giờ rưỡi sáng, kỹ sư Hoàng thức dậy, vợ và đứa con trai mười tuổi của anh đang ngủ say. Đứa con gái 17 tuổi của anh đêm qua không về, chị giúp việc cũng đã dậy từ lúc nào, đèn dưới bếp hắt lên mấy vệt sáng le lói qua khe cửa. Mười phút cho việc vệ sinh cá nhân, 25 phút cho việc mở các loại cửa. Như mọi nhà trong thành phố, từ lâu anh đã biến căn hộ của mình thành một pháo đài. Các cửa sổ ngoài việc lắp chấn song bằng thép dày, còn được giằng ngang ba ống thép to bằng cổ tay, chia đều từ trên xuống dưới. Cửa đi cũng bằng thép đúc, bên ngoài dán một lớp gỗ mỏng. Tính từ trong ra đến cửa, còn năm lớp cửa như thế, tất cả đều có khóa đặc biệt, mỗi cửa gồm ba chiếc khác loại nhau. Mở đến lần cửa cuối cùng thì vợ con anh cũng vừa trở dậy. Những việc chuẩn bị cho một ngày mới diễn ra đã thành nếp. Sau khi dặn dò kỹ lưỡng chị giúp việc hai vợ chồng dắt xe đi làm. Chị kiêm thêm nhiệm vụ đưa con tới trường, chiều về ghé qua chợ mua thức ăn cho ngày hôm sau.

Trước khi ra cổng, anh một lần nữa kiểm tra trên người vợ con xem có đeo bất cứ loại trang sức nào không, nhắc vợ cẩn thận kẻo bị cướp… Anh lại lần lượt khóa tất cả các cửa từ trong ra ngoài, trong lúc vợ đứng giữ xe. Đứng bên ngoài thò tay qua các lỗ cửa thực hiện những thao tác của người mù, mười phút nữa cho công việc ấy, xong xuôi vợ chồng con cái chia thành hai ngả phóng xe đi.

Kỹ sư Hoàng làm việc tại một cơ quan thiết kế gần trung tâm thành phố. Mới ngoài 40 mà tóc anh đã gần như bạc trắng, thằng con trai lớn 19 tuổi đang ở trung tâm cai nghiện, đứa con gái thứ hai 17 tuổi đua đòi chúng bạn bỏ cả học đi vũ trường thâu đêm, suốt sáng. Không phải vợ chồng anh không biết dạy con mà là bất lực. Con đường đời biết bao nhiêu cạm bẫy, nó gài khắp mọi nơi, mọi chốn, gài trên mỗi bước chân. Già đời chững chạc như vợ chồng anh, ngày nào cũng phải nhắc nhau từng tí một mà vẫn ngay ngáy lo rằng không biết lúc nào, cái bẫy nào sẽ ụp xuống mình đây ?

Kỹ sư Hoàng chợt lạnh người. Có tiếng còi nghe rợn tai, một cảnh sát giao thông bước quả quyết từ trên vỉa hè xuống đường vừa tuýt còi, vừa chỉ thẳng cái dùi cui vằn vện vào mặt anh, một cảnh sát khác ngồi vắt vẻo trên yên xe máy phân khối lớn sơn màu trắng. Chưa kịp hiểu mình có sai luật hay không anh vội đạp phanh, chiếc xe dừng tắp lại.

    -Kiểm tra giấy tờ! Người cảnh sát vừa rút chiếc còi ra khỏi miệng vừa giơ tay lên mũ chào như một cái máy, vừa ra lệnh cho anh. Cầm giấy tờ của anh đưa cho anh cảnh sát ngồi trên chiếc xe phân khối lớn, anh cảnh sát ấy lại tiếp tục đút còi vào miệng cầm gậy trỏ xuống đường chọn bắt xe khác. Anh cảnh sát ngồi trên chiếc xe phân khối lớn, lướt qua đống giấy tờ của một anh khác. Không nói năng anh ta đưa mắt ngó lơ đi chỗ khác như thể chờ ai đến đọc giùm. Cũng như một cái máy, kỹ sư Hoàng dựng xe, móc bóp, rút ra một tờ đẹp đẽ vuông vắn có in hình lãnh tụ, bước tới chỗ anh ta.

Đến cơ quan, vừa kịp giờ làm việc, chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là một thẩm phán toà án, người đang xử lý vụ kiện đòi nợ của cơ quan anh. Bằng một giọng rất lễ phép anh thẩm phán nhắc khéo anh rằng vụ kiện của cơ quan anh sẽ có thể bị đình chỉ vì phía anh chưa nộp chi phí cho việc thẩm tra. Nhân tiện anh ta nhắn rằng bữa nhậu chiều qua vì điện thoại cho anh không được mà anh ta và đám chiến hữu bên viện kiểm soát phải ký nợ nhà hàng một khoản kha khá, lúc nào anh ghé qua thanh toán giùm…

Chiều hôm đó về nhà, kỹ sư Hoàng chưa kịp mừng vì tin cô con gái đã trở về đang nằm bẹp trên gác thì đã nghe vợ mếu máo báo tin chiếc xe máy của chị bị cướp, mẹ con phải đi bộ về. Thực ra chị đã dối anh, chiếc xe máy đó chị đã buộc phải thế chấp để chuộc cô con gái từ cái động của một mụ tú bà, vì cô còn nợ mụ một khoản tiền vay mua son phấn với mức lãi 40 % một ngày. Thế coi như của đi thay người. Kỹ sư Hoàng chưa kịp phát điên lên vì giận dữ thì may quá nhà có khách. Ông trưởng khu phố và mấy cán bộ của Uỷ ban lừng lững bước vào:

    -Chúng tôi đến nhắc anh về khoản đóng góp xây nhà tù -Ông trưởng khu vào đề ngay, nhân tiện báo để anh biết tháng trước có xe chở vật liệu đến đây, anh đã thuê thợ sửa nhà mà không xin phép. Uỷ ban đã nắm được việc này, nếu anh không thu xếp ngay thì sẽ bị lập biên bản thu giữ giấy tờ nhà, giấy tờ đất.

Kỹ sư Hoàng ngớ ra, quả thật tháng trước anh có thuê thợ lắp thêm một lần cổng nữa, phải xây mấy mét vuông tường, tưởng việc nhỏ, không phải xin phép, ai ngờ… Thôi đành “thu xếp“ cho mấy vị trong Uỷ ban, nhưng còn khoản đóng góp xây nhà tù ?

    -Can phạm bây giờ nhiều quá ông trưởng khu phố giải thích. Đấy anh xem, trong nhà gặp lưu manh, ra đường đụng kẻ cướp, đủ các kiểu ăn cướp; rồi còn lũ ăn trộm, lừa đảo cho vay nặng lãi, nhà tù nào cũng chật ních, phải xây thêm. Ngân sách không kham nổi phải áp dụng phương pháp “Nhà nước và nhân dân cùng làm“. Phố ta được giao chỉ tiêu góp vốn xây 500 mét vuông nhà tù, thế mà ngẫm lại vẫn chưa đủ cho số tội phạm của chính phố ta đang nằm trong đó, chưa kể số sắp phải vào tù nay mai…

Đoàn cán bộ khu phố về được một lúc thì lão Tiến cụt giò đến, đó là một lão già vô tích sự nhà kế bên. Lão bị cụt một bên giò từ hồi chiến tranh, giờ sống bằng số tiền thương tật, thỉnh thoảng con cháu dấm dúi gặp chăng hay chớ cho thêm. Suốt ngày chẳng làm trò gì, chỉ hay la cà hết nhà này đến nhà khác kiếm câu chuyện làm quà. Nhà kỹ sư Hoàng là một trong những nơi lão hay mò đến. Lão dở hơi ấy liến thoắng như thể đã tỏ tường mọi chuyện:

    -Họ đến đòi tiền đóng góp xây nhà tù phải không? Anh kỹ sư này tôi nói anh xem có đúng không nhé: -Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá, phải góp tiền xây nhà tù cho bọn bất lương ở, lại còn phải nai lưng nuôi chúng nữa, trong khi bọn lưu manh ngày càng chiếm đa số, người lương thiện ngày càng giảm đi. Biết đâu đến một lúc nào đó, những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình. Khi ấy tất nhiên bọn lưu manh tha hồ ở ngoài, vì lương thiện bây giờ đâu có nhiều nhặn gì, vừa bắt chính bọn chúng phải nai lưng ra làm đề nuôi người lương thiện, như thế có phải là công bằng không ?

Kỹ sư Hoàng phì cười vì cái lý sự ấy của lão Tiến cụt, vừa lúc ấy, chuông điện thoại trong nhà đổ dồn, vợ anh nghe xong, mặt tái mét ra báo tin dữ:

    -Anh tới ngay bệnh viện Chúng Sinh. Thằng Phúc con chị cả bị cướp giật té xe, chấn thương sọ não đang nằm cấp cứu trong ấy.

Chị Cả Bống là chị gái kỹ sư Hoàng ở dưới quê, anh chị có ba thằng con trai thì hai thằng lớn theo bố làm nghề xin đểu kiêm trấn lột ở bến đò Đuôi Cáo bị đâm lòi ruột, chết cả ba bố con từ năm kia. Cũng là cái số thôi. Làng khối người làm nghề ấy hoặc hao hao nghề ấy mà có sao đâu, chỉ thỉnh thoảng lại thấy đi ở tù, vài năm về còn lưu manh hơn trước. May còn lại một mình thằng út tên Phúc ngoan, hiền, học giỏi. Năm ngoái đỗ đại học lên ở ký túc xá. Nó thương cậu mợ Hoàng nghèo nên không muốn nhờ vả. Chị Cả bán hết mảnh vườn còn lại sắm cho nó cái xe máy cũ làm phương tiện đi lại. Hôm ấy đang làm cỏ ngoài đồng có người gọi về cái trạm điện thoại công cộng ở đầu làng báo tin nó bị nạn. Chị nghe nhắn lại mà muốn quỵ luôn xuống ruộng. Vội vã chạy về nhà, chị vét vội mấy bơ lạc, bơ gạo nếp cho vào mấy cái bao ruột tượng tất tả chạy ra bến đò Đuôi Cáo. Vừa mới mon men gạ bán ở các hàng quán quanh đó, bất ngờ gặp mấy anh quản lý thị trường, chị bị bắt vào trụ sở. Lạy van thế nào họ cũng không nghe, còn dẫn hết “nghị định 01“ đến “thông tư 04“ gì đó ra đọc sang sảng vào hai cái tai đã chỉ còn nghe thấy tiếng lùng bùng của chị. Kết quả mấy bơ lạc ấy bị tịch thu vì lý do bao bì không có nhãn hiệu hàng hóa !

Thật khốn khổ cho chị, chỉ do cuống lên vì đứa con cuối cùng còn sót lại đang gặp nạn, muốn bán tống bán tháo mấy món tài sản ít ỏi ấy cho thật nhanh để lấy tiền đi xe lên thành phố. Chứ có phải chị buôn gian bán lận gì đâu ? Còn tiền thuốc thang, nói dại, nếu nó bị nặng chị chưa biết sẽ trông vào đâu, một viên thuốc cảm bằng cái cúc áo bây giờ giá bằng ba bốn cân thóc. Giờ thì ngay đến việc lên nhìn mặt con cũng bị chặn đứng lại rồi. Không có tiền ai người ta cho chị đi xe hàng trăm cây số? Càng nghĩ chị càng quýnh quáng chân tay, cuống cuồng, đứng chôn chân một chỗ, đầu óc mụ đi, mắt ráo hoảnh, vô hồn nhìn phía trước như một bức màn sương… bỗng từ trong cái màn đục lờ ấy, một bóng trắng hiện ra quằn quại, máu bê bết hiện ra chập chờn lúc xa xa, lúc ập ngay trước mặt, gió lạnh quất gai người. Phảng phất màu tanh của máu tươi. Tai chị nghe rõ ràng tiếng kêu cứu của đứa con trai. Chị bàng hoàng nhận ra đó là tiếng rên từ địa ngục, tiếng của một âm hồn không còn ở cõi nhân gian này nữa:

    -Mẹ ơi, con chết rồi. Họ đang mổ bụng con. Mẹ ơi…

Chị cả Bống hốt hoảng lao tới, giơ hai tay túm lấy bóng con, chợt cái bóng như có người giằng lấy, chập chờn quăng qua quăng lại trước mặt chị rồi mờ dần mờ dần, vẫn còn ri rỉ tiếng kêu cứu của oan hồn, rồi tất cả lịm đi. Cả tiếng kêu cứu lẫn cái bóng máu me chợt tắt ngấm bởi một tràng cười ré lên sằng sặc như của lũ ma quỷ nhưng không phải vọng lên từ địa ngục, tiếng cười ấy rõ ràng đang ở cõi nhân gian hiện hữu này…

Chị cả Bống sau này phát điên không về làng nữa, cứ lê la liếm láp ở quanh cái bến đò có cái tên rất ấn tượng là bến đò Đuôi Cáo ấy. Nhưng chị không điên ngay lúc đó, có người chứng minh là sau khi ra khỏi trụ sở ban quản lý thị trường chị vẫn còn tỉnh táo nhớ ra trong người còn sót mấy đồng tiền lẻ. Chị lần vào trạm điện thoại công cộng gọi điện báo cho cậu em trai. Đó là tất cả những gì chị làm được cho đứa con. Sau đó chị mới phát điên.

Kỹ sư Hoàng đến bệnh viện Chúng Sinh thì trời đã tối. Tìm tới phòng cấp cứu, anh hỏi thăm nạn nhân tên Phúc, cô hộ lý mặc blu trắng bảo:

    -Biết ai là phúc với họa gì ở đây. Đi mà hỏi trực ban.

Phòng cấp cứu rộng mênh mông, đầy những giường là giường, giường nào cũng ít nhất hai người nằm trở đầu đuôi. Đủ các kiểu tai nạn, vỡ đầu, gãy chân, lòi ruột, lòi xương. Ánh đèn nê ông trắng bệch soi loang lổ những máu me bông gạc. Nồng nặc một thứ mùi vừa tanh tanh máu, vừa ngầy ngậy thuốc tây. Bóng những blu trắng đi qua lại giữa các giường như ma trơi. Làm sao nhận ra đứa cháu bây giờ ?

Kỹ sư Hoàng vội vã đến phòng trực ban. Phòng trực ban cấp cứu nằm cuối dãy hành lang đầy những kẻ nằm người ngồi vạ vật rất chi là bệ rạc.

Trong phòng có mấy người cũng mặc blu trắng đang chụm đầu bàn bạc nhỏ to:

    -Cái mật hôm trước bán vội quá. Ngay hôm sau có người tới trả cao hơn cả chục triệu, tiếc đứt ruột -một người nói

    -Cái này đếch bán nữa, đem ngâm rượu. Hũ rượu trước hết con mẹ nó rồi. Mấy lão hen suyễn kinh niên uống vào là khỏi, để giành bán cho các lão ấy. Gớm họ vừa chi tiền vừa cám ơn rối rít ấy chứ -một người khác nói

    -Thôi được rồi! Người thứ ba nói -các ông xuống làm ngay đi, thằng này căn cước ghi rõ ràng: -19 tuổi. Đã kiểm tra, đảm bảo còn nguyên dương (đàn ông chưa xuất tinh lần nào) chết do chấn thương sọ não vừa được mấy phút. Cái mật này mới tuyệt hảo, để quá hai tiếng có mà hỏng mẹ nó cả chì lẫn chài. Đã điện thoại cho bên công an rồi, họ bảo cứ mổ đi, có gì đừng “quên“ họ là được.

Hai người kia vội vã đứng dậy lao nhanh ra khỏi phòng, vừa lúc ấy kỹ sư Hoàng bước vào:

    -Bác sĩ làm ơn cho hỏi thăm nạn nhân tên Phúc, 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai, nghe nói bị chấn thương sọ não có cấp cứu ở đây không, nằm giường số mấy? Tôi là cậu ruột cháu -kỹ sư Hoàng vừa hỏi vừa tự giới thiệu

    Anh bác sĩ còn lại trong phòng thoáng một chút giật mình. Anh ta làm như nghĩ ngợi điều gì rồi ngập ngừng:

    -Tên Phúc, sinh viên, 19 tuổi.. A… anh… à bác ngồi chờ cháu một lát.

Linh cảm thấy có gì nghiêm trọng xảy đến với đứa cháu, lại cứ tưởng anh bác sĩ kia vì thông cảm với nỗi đau của mình mà chưa nỡ nói ngay. Kỹ sư Hoàng vừa lo sợ vừa cảm động nhìn anh bác sĩ đang cúi gằm mặt, tay lần giở một cuốn sổ to tướng chậm rãi lần một hồi. Mồ hôi đã toát ra lấm tấm trên khuôn mặt đỏ như gà chọi, anh bác sĩ chợt ngẩng lên bảo:

    -Trong sổ này không thấy có tên Phúc. Bác ngồi đây chờ cháu đi lấy sổ khác. Nhớ là đừng đi đâu đấy.

Nói xong anh ta gập sổ rồi vội vã ra khỏi phòng, không quên đóng sập cửa lại, còn một mình trong phòng, kỹ sư Hoàng lòng như lửa đốt. Bỗng chuông điện thoại reo vang, một hồi, hai hồi… chừng như người đầu dây bên kia có việc cần gọi cho bằng được. Kỹ sư Hoàng do dự giây lát rồi nhoài người với lấy cái ống nghe, định nói cho bên kia chờ lát nữa gọi lại. Vừa áp ống nghe lên tai, kỹ sư Hoàng chợt nghe ngay một giọng nói dằn từng tiếng:

    -Trực ban cấp cứu phải không ? Bảo với pháp y rằng cái mật lần này tuyệt đối không được bán nghe chưa! Chú Sáu bên Uỷ ban đăng ký rồi đấy.

Kỹ sư Hoàng chưa kịp hiểu mô tê ra sao thì người đầu dây bên kia đã dập máy. Sau khi định thần suy nghĩ kết hợp với mấy câu cuối nghe được loáng thoáng lúc mới bước vào phòng, kỹ sư Hoàng chợt lạnh người với một nỗi nghi ngờ. Anh với cuốn sổ lúc nãy mở ra. Ngay giữa trang cuối cùng, rõ ràng có tên nạn nhân Nguyễn Hồng Phúc, 19 tuổi, sinh viên, té xe, nhập viện lúc… giờ… ngày – Người đưa đến: Phạm văn A -bạn cùng lớp. Bỗng cánh cửa sịch mở, anh bác sĩ khi nãy ùa vào. Nhìn thấy cuốn sổ trên tay kỹ sư Hoàng, anh ta thoáng một giây bối rối rồi lập tức liến thoắng:

    -Cháu quên không đọc trang cuối, đúng là có…

Anh ta chưa kịp nói hết câu kỹ sư Hoàng đã ngắt lời:

    -Tôi biết hết rồi, anh không phải giải thích

Rồi chẳng muốn nói gì thêm, nữa kỹ sư Hoàng ném trả cuốn sổ, hấp tấp lao nhanh ra khỏi phòng, anh bác sĩ hé cửa ngó theo, hơi lắc đầu, mỉm một nụ cười ý nhị rồi đóng cửa lại, ung dung quay vào. Chuông điện thoại lại reo, anh ta cầm lấy ống nghe:

    -Dạ… dạ… à thế ạ… Báo cáo, xong xuôi cả rồi ạ. Thế thì chú nói chú Sáu chuẩn bị rượu tốt để ngâm, cháu sẽ bảo anh em mang sang ngay bây giờ ạ.

Kỹ sư Hoàng xuống đến nhà xác thì Phúc đã nằm trong ngăn lạnh. Một không khí thê lương sặc mùi tử khí. Nền nhà vương đầy những bó nhang cụt, những cục nến gãy, những mẩu giấy tiền vàng mã… làm quang cảnh nơi đây giống như vừa xảy ra một vụ cướp. Viên quản lý nhà xác nghe trình bày, quan sát anh từ đầu đến chân bằng cặp mắt âm u như cặp mắt quỷ rồi chẳng nói chẳng rằng, ông ta lừ lừ tiến đến kéo một ngăn tủ ra.

Kỹ sư Hoàng lạnh toát người nhìn trân trân cái xác… “Đúng thằng Phúc rồi, chị Cả ơi, khổ thân chị quá“. .. Không giữ nổi bình tĩnh, anh khuỵu xuống gục đầu vào ngăn tủ. Mùi máu tanh tưởi ập vào giác quan. Anh chợt tỉnh, ngẩng phắt lên, lấy tay lật manh áo trước bụng đứa cháu… một vết mổ cẩu thả còn chưa khít miệng với mấy mũi khâu vội vàng, dúm dó :

    -Các người đã mổ cháu tôi… các người đã… Tôi sẽ kiện, kỹ sư Hoàng gào lên trong nước mắt

    -Híc… viên quản lý nhà xác cất tiếng, giọng cũng âm u như phát ra từ bụng gã.

    -Tha hồ cho ông kiện, tất cả những cái chết bất đắc kỳ tử thế này đều phải mổ hết, luật pháp quy định như vậy. Hừ có mà điên mới đi kiện luật pháp. À mà tôi đã vi phạm nội quy khi cho ông xem xác, lấy gì chứng minh ông là người nhà bây giờ? Mời ông đi khỏi đây. Nói xong gã đưa tay đóng sập ngăn tủ lại

    -Nhưng tôi… kỹ sư Hoàng chưng hửng… vậy còn cháu tôi?

    -Trước hết phải có giấy tờ chứng minh ông là người nhà của nạn nhân đã, rồi sau đó phải làm đầy đủ thủ tục mới mang được lấy xác ra khỏi đây.

    -Mà ông định cõng xác trên lưng mang về hay sao? Viên quản lý lạnh lùng phán.

Kỹ sư Hoàng có vẻ hiểu ra những việc cần làm, anh thất thểu bước ra khỏi nhà xác gọi điện về nhà bảo vợ chuẩn bị căn cước, sổ hộ khẩu lên phường xin giấy chứng nhận rồi tìm đến một tiệm bán quan tài. Ông chủ tiệm quan tài có tên “Nhân nghiã đường“ hăng hái đón khách. Chỉ vào đống quan tài đủ các kiểu loè loẹt đang bày la liệt, bảo kỹ sư Hoàng:

    -Tùy bác chọn cái nào thì chọn. Bác cho biết địa chỉ, số nhà, giờ khâm liệm… chúng tôi sẽ cho người đến lo liệu.

    -Không phải liệm ở nhà mà là ở nhà xác bệnh viện chúng sinh. Kỹ sư Hoàng ngắt lời

    -Thế thì không được rồi. Ông chủ Nhân nghiã đường lắc đầu -tôi không bán được cho bác đâu, cũng không làm gì được hết.

    -Tại sao lại như thế ? Kỹ sư Hoàng kinh ngạc thốt lên ?

    -Chắc đây là lần đầu tiên nhà bác có người chết ở bệnh viện -ông chủ Nhân nghiã đường giải thích -bệnh viên có luật của họ, muốn lấy được xác ra phải có cửa. Quan tài mua tiệm nào do họ chỉ, khâm liệm, ma chay… tất tần tật do người của họ làm hết. Có thế họ mới ăn chứ, độc quyền mà.

    -Té ra phải như vậy. Kỹ sư Hoàng cay đắng nghĩ rồi rời khỏi tiệm “Nhân nghiã đường“. Quay lại chỗ nhà xác chờ một lúc lâu thì vợ anh mang giấy tờ tới. Mấy đứa bạn học của Phúc biết tin cũng đã tìm đến, mang theo nhang hoa và trái cây. Lúc này đêm đã gần khuya, mắt đỏ hoe vợ anh mếu máo:

    -Ối anh ơi, vẫn chưa thấy tăm hơi chị cả đâu, em đến nhà ông chủ tịch nói mãi ông ấy mới ký cho cái giấy chứng nhận, lại vừa đóng lệ phí, vừa bồi dưỡng hết mấy trăm. Cháu nó nằm đâu để em vào thắp nén nhang cho cháu.

Kỹ sư Hoàng dẫn vợ và đám bạn của Phúc vào, trình mớ giấy tờ cho viên quản lý.

Gã này săm soi một lát rồi lắc đầu:

    -Không được, trường hợp này công an còn phải điều tra, vả lại khi nãy ông còn định kiện tụng gì nữa cơ mà? Sáng mai đến giải quyết

    -Chẳng lẽ để đứa cháu lạnh lẽo qua đêm không một chút khói nhang an ủi linh hồn ? kỹ sư Hoàng lúc này đã mụ mẫm hết tinh thần, cụt què cả ý chí, anh chỉ còn biết vớt vát như một cái máy:

    -Tôi xin ông, ấy là tôi chót nhỡ mồm. Tôi không kiện tụng gì đâu. Mọi việc giao cho các ông “lo“ hết. Chỉ mong sao mang cháu về nhà…

    -Vậy thì về viết cam đoan đi, viên quản lý hạ giọng -nhưng cứ phải sáng mai mới giải quyết. Không có giấy của công an thì bố tôi cũng không dám giao xác cho các người.

    Sáng sớm hôm sau. vừa thò mặt đến cổng nhà xác bệnh viện Chúng Sinh đã có mấy kẻ mặt mũi rất chi là khả nghi túm lấy kỹ sư Hoàng.

    -Xác của bác là xác tai nạn giao thông phải không ? Giá chót tám triệu, chúng em lo mọi thủ tục chiều lấy xác ra… quan tài khâm niệm 12 triệu nữa bao trọn gói -một người trong bọn bảo

    -Tại sao lại phải đến chiều ? Làm ngay trong sáng nay không được sao ? kỹ sư Hoàng hỏi lại

    -Hì các bác này đúng là chưa “chết“ lần nào. Phải đợi công an người ta hoàn tất hồ sơ chứ… một người khác giải thích -mà chúng em phải đưa bác đến làm tờ khai, chiều lấy được là con nhanh, với điều kiện phải có bồi dưỡng… không thì cứ đợi đấy.

Đám người ấy quả là thạo việc, rốt cục chiều hôm ấy kỹ sư Hoàng cũng đưa được xác đứa cháu về nhà sau khi đã được khâm liệm cẩn thận. Vẫn không thấy bóng dáng chị cả đâu, linh tính xảy ra chuyện chẳng lành, kỹ sư Hoàng bàn với vợ cùng mấy đứa bạn của Phúc trông nom nhang khói, để anh về làng đón chị Cả lên:

    -Có mấy kẻ lạ mặt lảng vảng ngoài cổng nghiêng ngó hỏi thăm, mấy đứa bạn của Phúc chạy ra nghe ngóng rồi vào bảo:

    -Mấy thằng cò nghiã địa bác ạ. Nó bảo đất chôn mặt tiền lối đi là 12 triệu, phía trong tám triệu, chưa kể tiền lo giấy phép chôn và công đào huyệt lấp đất xây mộ, tùy theo to nhỏ tính riêng. Nếu túng tiền thì chôn đứng. Chôn đứng rẻ hơn một nửa, tất nhiên đất rộng chỉ bằng 1/3. Nghiã địa bây giờ khối người phải chôn như thế, thành ra đầy những ma đứng, linh hồn đứng, đứng vĩnh hằng.

Vội vã phóng về quê, kỹ sư Hoàng hoảng hốt lạnh người khi hàng xóm bảo chị Cả Bống đã lên thành phố từ chiều hôm qua, mấy nhà khác thấy anh về đổ đến hỏi thăm. Có người chợt nhớ ra bảo:

    -Sáng nay đi chợ thấy ở bến đò Đuôi Cáo có ai nhang nhác bác Cả Bống ấy. Hay là bác sang tìm thử xem.

Không kịp suy tính, kỹ sư Hoàng vội vã lao sang bến đò, tìm khắp các hàng quán hỏi thăm, ai cũng lắc đầu. Chợt anh nhìn thấy dưới bờ sông sát mép nước, một người đàn bà đầu tóc rũ rượi đang ngồi ném những nắm cát xuống dòng sông… kỹ sư Hoàng vừa nghi hoặc, vừa thận trọng tiến lại gần… “Ai như chị Cả? Anh cất tiếng gọi… một tiếng, hai tiếng… Người đàn bà chợt quay phắt lại… Đúng là chị, chị nhìn anh với đôi mắt thất thần, khuôn mặt răn reo, lem luốc cát. Bỗng chị lảo đảo lao đến, ôm chầm lấy anh, gào lên nức nở:

    -Ối! Con ơi, con về với mẹ đây rồi, người ta cướp cái gì của con, con chết có đau không? Con về đây báo oán mẹ… mẹ không đến được với con… con ơi!

Cứ thế chị gào mãi, gào mãi, tiếng gào rợn cả một khúc sông. Kỹ sư Hoàng hai tay nâng khuôn mặt chị, miệng hoảng hốt nhắc đi nhắc lại: -Em đây mà, Hoàng đây mà!

Song chị đâu có nghe, đâu có thấy, chỉ một mực gào tên con… dần dần tiếng chị khản đặc chỉ còn như tiếng thở lào phào… Người chị bỗng lả đi, từ từ khuỵ xuống. Kỹ sư Hoàng quỳ xuống theo, hai chị em ôm nhau quỳ trên bãi cát, hoàng hôn bắt đầu buông, trăng chiều rực lên đỏ thẫm. Qua màn nước mắt, anh cảm thấy tất cả không gian như chìm trong biển máu, bên tai anh chợt vọng lên văng vẳng giọng nói của lão Tiến cụt hôm trước:

    -Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá… biết đâu đến một lúc nào đó những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình.

Phạm Lưu Vũ 
**
Lời Giới Thiệu: Truyện ngắn Chị Cả Bống xuất hiện đầu tiên trên báo Người Hà Nội, số ra ngày 8/6/05. Lập tức toàn bộ số báo bị tịch thu. Ông phó tổng biên tập cho in bài “nổi loạn“ này bị mất chức. Tác giả đang bị công an hù dọa liên tục. Số báo ngày 8/6 này đang được photocopy truyền tay nhanh chóng tại Hà Nội, vượt xa cả số phát hành chính thức là 2000 tờ. Những số báo đã lỡ gởi ra trước khi có lệnh tịch thu mà các đại lý nhanh tay giấu được ngay lập tức được bán với giá gấp 10 lần (20. 000 đồng một tờ). Tại Sài Gòn nơi tác giả lấy bối cảnh để viết, giá lên gấp hai mươi, ba mươi lần.