24 August 2014

LÒ LỬA TRUNG CẬN ĐÔNG

LÊ HUỲNH
Nhìn lại tình hình Trung đông từ khi Mỹ đơn phương đánh Irak (2003), khởi đầu bằng cuộc oanh tạc ồ ạt Bagdad, nhằm triệt hạ S Hussein, kế đánh Afghanistan, nhằm triệt hạ phe Taliban, cầm đầu là thủ lãnh Mollah Omar - người chứa chấp trùm khủng bố Osama bin Laden. Tính ra đến nay đã trên chục năm rồi, vậy mà tiếng súng không bao giờ im, thiệt hại nhân mạng không bao giờ giảm.

Nhờ cuộc khủng bố tòa tháp đôi (World trade center) ở New York (11-9-2001) gây thiệt hại nhân mạng chưa từng thấy trên đất Mỹ (2973 nạn nhân), dân chúng Mỹ và thế giới (kể cả mấy nước thù nghịch truyền thống Nga, Tàu) hậu thuẫn cho chính quyền Mỹ trong việc truy tìm và trừng trị thủ phạm, nhờ đó Tổng thống G W Bush phát động chiến dịch chống khủng bố trên toàn cầu, coi như mang sứ mạng "thế thiên hành đạo, trừ gian diệt bạo", chỉ đích danh thủ phạm là Irak, Iran và Bắc Hàn (gọi là trục tội ác), trong khi biết rõ sào huyệt của al Qaeda và trùm khủng bố ben Laden là ở Afghanistan.

S Hussein nằm trong tầm ngắm của TT G.W. Bush, nhiều bằng chứng (vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí hóa học, nguyên tử, cấu kết với al Qaeda) đưa ra kết tội S Hussein đều không thuyết phục được thế giới (tranh thủ Hội đồng bảo an LHQ), dầu vậy Mỹ vẫn đơn phương tiến hành đánh Irak (20-3-2003), thực tế sau này cho thấy các chứng cớ viện dẫn đều không đúng (do tin tức sai lầm hay ngụy tạo). Với thế lực bất cân xứng, lực lượng của S Hussein bị nghiền nát dễ dàng, dân chúng đổ xô ra đường hoan hô đoàn quân giải phóng (lực lượng Mỹ), hò reo ăn mừng trước cảnh các tượng của nhà độc tài bị giựt sập, S Hussein trốn chui trốn nhủi rồi bị bắt một thời gian sau đó (cuối năm 2003) và bị treo cổ vào cuối năm 2005. Các cơ cấu tổ chức cai trị cũ bị xóa sạch, Mỹ đảm trách mọi việc điều hành, vị đứng đầu chẳng khác gì một vị thái thú (thời bắc thuộc) hay quan toàn quyền (thời thuộc địa), phân chia nhiều đặc quyền đặc lợi cho các công ty Mỹ trong việc tái thiết và khai thác tài nguyên, nhứt là các cơ sở sản xuất dầu khí, cảm tình ban đầu giảm dần, chẳng bao lâu sau đoàn quân giải phóng trở thành đoàn quân xâm lược.

Thành phần hưởng lợi trước mắt là giáo phái Chiite (thân Iran, chiếm đa số 65%) từ lâu bị giáo phái Sunnite (chiếm 35%) đè đầu cởi cổ, đây là lúc trả thù phục hận, lại thêm  lý do khiến Irak bước vào vòng xoáy bạo lực, việc độc chiếm quyền hành của Mỹ càng làm cường độ bạo lực gia tăng, kết quả là Mỹ phải rút dù toàn bộ sau bao cuộc thương lượng (duy trì một lực lượng ở lại Irak) bất thành, một thể chế dân chủ được hình thành, một nhà nước độc lập ra đời, nói thì nói vậy nhưng việc phân chia quyền hành chỉ là hình thức, thực chất phe đa số (shiite) thâu tóm quyền hành và chia chác quyền lợi, đó là lý do tình hình Irak bùng nổ và lan rộng ra cả khu vực hiện nay, xuất hiện một tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông (EIIL  -État islamique en Irak et au Levant, ISIS  -Islamic State of Iraks and Syria) dưới sự thống lãnh của Abou bakr al Baghdadi (Mỹ treo giải thưởng 10 triệu mỹ kim cho ai bắt được), có thể nói là tình hình biến chuyển ngoài dự đoán của các thế lực quốc tế.

Tuy thuộc thiểu số ở Irak, nhưng tín đồ Sunnite chiếm tuyệt đại đa số trên thế giới, chỉ có nhà nước Iran là thuộc giáo phái Shiite, nên lực lượng hệ phái sunnite được sự hậu thuẫn ngầm của các nước theo hệ phái này (các vương quốc Á rập giàu có) cốt để chống lại ý đồ bành trướng ảnh hưởng của Iran, cuộc nội chiến khốc liệt ở Syrie kéo dài trên 3 năm qua là biểu hiện rõ rệt của một cuộc tranh giành ảnh hưởng của hai hệ phái, Iran hậu thuẫn cho nhà độc tài Bachar al Assad, các vương quốc Á rập yểm trợ cho cánh nổi dậy sunnite (chủ trương thánh chiến), nhà nước Hồi giáo tự phong nói trên bao gồm những vùng lãnh thổ ở Irak và Syrie dưới sự kiểm soát của phe sunnite, luật hồi giáo cực đoan nhứt được áp dụng (ném đá kẻ gian dâm, chặt tay kẻ trộm cắp, ...).

Nhìn tình hình Irak, nhiều bình luận gia không khỏi bi quan về tình hình Afghanistan, vốn là sào huyệt của phe Taliban và al Qaeda, cùng trong khu vực lại có nhiều điểm tương đồng, Mỹ đang thương lượng về việc duy trì một lực lượng Mỹ ở lại sau cuối năm nay với lãnh đạo Afghanistan, tình hình vẫn bất ổn triền miên, sự hiện diện của một lực lượng hùng hậu (Mỹ và quốc tế) với vũ khí cực kỳ tối tân mà không bình định nỗi thì thử hỏi các lực lượng địa phương liệu có cáng đáng nỗi vai trò của liên minh trước kia hay không?

Tình hình chung trong khu vực Trung Cận Đông vô cùng phức tạp, nhứt là từ ngày nổ ra cuộc chiến giữa Do Thái và phe Hamas Palestine từ 3-7, sau vụ 3 thiếu niên Do Thái bị bắt cóc giết chết với việc thiêu sống một thiếu niên Palestine, đáp trả các vụ phóng hỏa tiển bừa bãi, Do Thái oanh tạc dãi Gaza cũng bừa bãi không kém, không rõ bao nhiêu người tham chiến thiệt mạng, bao nhiêu cơ sở của Hamas bị phá hủy, nhưng thiệt hại nhân mạng thường dân thì quá cao (theo NYT: tính đến ngày 25-7 là 856 người, trong đó 80 % là dân thường theo ước tính của LHQ), đây là một thất bại về mặt tâm lý không chỉ đối với Do Thái mà đối với Mỹ (nước bảo trợ Do Thái, phủ quyết mọi nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ gây bất lợi cho Do thái, đặt Mỹ ở thế cô lập), tiếng nói của Mỹ trên các diễn đàn quốc tế về nhân quyền giảm sức thuyết phục, nhứt là khó chinh phục thiện cảm dân chúng các nước Hồi giáo, theo Trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research Center 18-7-2013 thì ngay các nước đồng minh Hồi giáo như Jordanie, tỷ lệ dân chúng có thiện cảm với Mỹ 14% so với Tàu 40%, dân Thổ nhĩ kỳ 21% trên 27%.

Phải chăng ý thức trách nhiệm liên đới của mình mà Tổng thống Mỹ nào cũng nghĩ đến việc dàn xếp cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Palestine và Do Thái, nhưng đều bất thành, dường như bên nào cũng có thành phần diều hâu chực chờ phá thối, điển hình là vụ ám sát Thủ tướng Yitzhak Rabin năm 1995 (bởi một tên cực hữu), người thực tâm muốn tìm một giải pháp hòa bình công chính, cuộc tranh chấp sắp được giải quyết theo tiến trình thông qua hiệp định Oslo (13-9-1993), ông được trao giải thưởng Nobel hòa bình năm 1994 cùng với Yasser Arafat (Chủ tịch nhà nước Palestine) và ông Shimon Peres (Ngoại trưởng Do Thái), hy vọng vừa lóe lên lại vụt tắt, vòng xoáy bạo lực hận thù giữa hai dân tộc lại tiếp diễn.

Tính ra từ khi Do thái rút khỏi dải Gaza năm 2005, dưới quyền của phe Hamas 2007, ba cuộc chiến đẫm máu (2008-2009, 2012 và 2014) đã xảy ra, thoạt nhìn tương quan lực lượng, phe Hamas đấu với quân đội Do Thái chẳng khác nào trứng chọi với đá, vậy mà sao vẫn tái diễn hoài như vậy? Nguyên nhân chính là do tình trạng bao vây quá nghiêm ngặt của Do thái, chẳng khác nào thiên la địa võng, mọi tự do đi lại đều bị hạn chế, không phận hải phận bị phong tỏa, những bức tường cao dựng trên đất liền, 3/4 dân chúng sống nhờ viện trợ nhân đạo, nhiều mặt hàng thiết yếu bị hạn chế xuất nhập, phân nửa lao động trẻ không có công ăn việc làm, mọi sinh hoạt kinh tế bị tê liệt, ... dải Gaza chẳng khác nào một nhà tù lộ thiên, không khí ngột ngạt cùng cực như kho thuốc súng, chỉ cần một tia lửa nhỏ là bùng nổ, là liều mạng. Không giải quyết rốt ráo từ căn nguyên thì chỉ như dùng thuốc trấn thống để điều trị một chứng bịnh nội tạng, chỉ hô hào hay bảo trợ ngừng bắn suông là đạo đức giả, chẳng lẽ bắn giết nhau đã đời để lại trở về nguyên trạng, dưỡng sức vài năm, chờ dịp lấy dân làm bia đỡ đạn?

Tương tự giải quyết nạn khủng bố, những tưởng triệt tiêu được trùm bin Laden (5-2011) là tình hình an ninh sẽ tái lập dần, thực tế cho thấy chẳng những ngược lại mà còn lan rộng ra nhiều nước khác, địa bàn hoạt động đang bành trướng ở Phi châu (Somalie, Mali, Nigeria, ...), Tây phương gần như bất lực, duy chỉ có Pháp đang can thiệp ở Mali, kết quả ban đầu khá khích lệ, nhưng kéo dài e khó tránh sa lầy.

Điểm đặc biệt là cuộc chiến ở Syrie và Irak hiện nay đã thu hút một số thanh niên ở các nước Tây phương kể cả Mỹ, Úc (khoảng 3 ngàn theo báo Times 14-7-2014), họ sang đó làm chí nguyện quân djihad (thánh chiến), như Pháp 700 thanh niên, Anh 400, Đức 270, Bỉ 250, Hòa lan 120, ... (*), họ được huấn luyện chiến đấu trong phe nổi dậy, cũng có người sẵn sàng lãnh nhiệm vụ cảm tử như Mohammah Abusalha (người Mỹ 22 tuổi), Abdul Waheed Majeed (người Anh 41 tuổi).

Mối lo tâm huyết của các nước Tây phương bây giờ là việc âm thầm quay về nơi xuất phát của một số thanh niên này, vốn gốc là dân bản địa nên việc kiểm soát không dễ dàng gì, điển hình như ở Pháp, Mohamed Merah bắn chết 3 học sinh và một nhà giáo trước một trường Do thái ở Toulouse hôm 19-3-2012, Medhi Nemmouche bắn chết 4 người tại viện bảo tàng Do thái ở Bruxelles Bỉ hôm 24-5-2014.

Cuộc chiến bất cân xứng giữa Do thái -Palestine gây nhiều thương vong thường dân càng dậy lên nỗi căm phẫn trong lòng tín đồ Hồi giáo ở các nước Tây phương, điều này càng tạo thuận lợi cho hoạt động khủng bố, thật đáng ngẫm nghĩ câu châm ngôn: "Lấy oán báo oán, oán nọ chập chống, lấy ân báo oán, oán nọ tiêu tan.", hay lời Trang Tử: "Ư ngã thiện giả, ngã diệc thiện chi, ư ngã ác giã, ngã diệc thiện chi; ngã ký vô ác, nhân năng ư ngã hữu ác tai." (Ai đối xử tốt với mình thì mình đối xử tốt lại, ai đối xử xấu với mình, mình cũng đối xử tốt lại, mình không đối xử xấu với ai chả lẽ họ lại đối xử xấu với mình?).

(*) xem: http://soufangroup.com/wp- content/uploads/2014/06/TSG-Foreign-Fighters-in-Syria.pdf

LÊ HUỲNH
_______________________________________
 Bạn nghĩ gì về bài viết trên đây? Điều gì bạn cho là xác đáng và điều gì bạn cho là không? Hãy viết và gửi về tiengthongreo54@yahoo.com

No comments:

Post a Comment