31 May 2014

Canh bài Biển Đông qua cái nhìn của một họa sĩ

Trên đây là bức tranh của họa sĩ Lui Liu (Người Canadd gốc Hoa) vẽ, 2006.
Trong hình cô gái nằm là Nga, góc trái là Nhật, quay lưng là TQ, 
ngồi nhìn qua phải là Mỹ, đứng là Đài Loan.

Thử giải mã bức tranh.

Bảy năm về trước, vào lúc 8 giờ, 8 phút, 8 giây ngày 8 tháng 8 năm 2008, Trung Quốc đã khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Hôm đó, Trung Quốc đã “đốt” 2 tỷ USD trong vòng 45 phút để tạo ra những màn trình diễn được đánh giá là “mission impossible” để nói cho thế giới biết rằng những gì người TQ muốn thì người TQ sẽ đạt được và đạt được bằng mọi giá!

Cách đó ít lâu, một họa sĩ Hoa kiều sống ở Canada đã gửi tặng chính phủ TQ một món quà, có tựa đề Beijing 2008 (bức tranh trên). Thử xem 7 năm về trước người họa sĩ ấy đã “dự báo” điều gì.

Bức tranh vẽ cảnh 5 cô gái, trong đó có 4 cô đang ngồi chơi mạt chược – trò chơi mà người TQ rất thích chơi và chơi rất giỏi. Luật chơi là người nào thua phải lần lượt cởi đồ. Canh bạc diễn ra trong một căn phòng có cửa sổ nhìn ra bên ngoài là bầu trời biển Đông mây đen vần vũ, báo hiệu một cơn bão đang kéo đến. Trên tường treo ảnh một người đàn ông vừa lạ lại vừa quen, bạn tự nghĩ xem giống những ai nhé!

Bây giờ hãy xem 4 cô gái chơi chính. Người đối diện với tất cả, cao ráo, trắng trẻo, chính là Mỹ. Mỹ luôn trực diện, luôn rõ ràng và minh bạch đường lối đối ngoại của mình. Mỹ còn áo đầy đủ (phía trên) nhưng phía dưới chẳng còn gì, có thể hiểu bên ngoài Mỹ luôn tỏ ra giàu có, hùng mạnh nhưng thực ra đằng sau đã rỗng tuếch, đặc biệt hiện nay nước Mỹ lại đang gánh chịu sự suy kiệt của Đại khủng hoảng. Mỹ ngồi chơi bài trong tư thế mệt mỏi, tay xoa cổ, người ưỡn ra phía trước, rất oải! Nếu càng chơi ván bài này thì Mỹ càng bất lợi. Vấn đề của Mỹ là có nên chơi tiếp hay không chứ không phải là chơi để thắng. Và một điều lạ là, Mỹ đánh bài nhưng không tập trung nhìn bài mà lại nhìn vào “con bé” Đài Loan, lát nữa quay lại chuyện này sau.

Bây giờ đến tay chơi đang đối đầu trực diện với Mỹ, chính là TQ nhưng TQ quay lựng và không lộ mặt. Trong tất cả 4 người chơi chỉ có một mình TQ là thực sự đang nhìn vào ván bài, chứng tỏ TQ rất quan tâm đến cục diện và kết quả của cuộc cờ này. TQ vóc dáng trẻ trung, tóc cột cao gọn gàng, ngồi đánh bài trong tư thế chồm tới trước chứng tỏ TQ đang muốn thắng và thắng nhanh. TQ trên không còn áo nhưng bên dưới vẫn còn quần, cho thấy TQ luôn tỏ ra mình là một quốc gia đang phát triển nhưng thực sự tiềm lực kinh tế - quân sự là vô cùng to lớn, mặt bàn cao ngang bụng nên chẳng ai biết TQ đang có những gì ở đằng sau. Để ý sẽ thấy TQ xâm rồng xâm phượng trên lưng để cố chứng tỏ mình là một quốc gia Châu Á nhưng sự thực là TQ đang mặc váy ren của phương Tây.

Cô gái tóc vàng, da trắng nằm bên tay phải TQ chính là Nga. Nga vừa nằm vừa chơi trong tư thế rất là thoải mái, ý rằng “chúng mày cứ sát phạt nhau đến sáng cũng được, đây không gấp!”. Một chân Nga gác lên đùi Mỹ nhưng một tay Nga đang lén trao cho TQ những quân cờ. Thật khâm phục tác giả bức tranh khi cách đây 6 năm ông đã lột tả được điều này. Rõ ràng trước đây Nga tỏ ra thân thiết với Mỹ qua những cuộc điện đàm song phương giữa hai Tổng thống, nhưng đằng sau Nga âm thầm đi đêm với TQ. Nga biết người TQ cần gì và đang trao cái đó cho họ. “Cái đó” là cái gì thì chẳng ai biết cả nhưng xin đừng suy diễn trong bối cảnh này dễ lên huyết áp lắm! Người TQ có một câu nói rất hay để chỉ ý đồ của Nga lúc này, đó là “tọa sơn quan hổ đấu”, ngồi trên núi xem hai con cọp cắn nhau, con nào thắng thì Nga cũng có lợi cả. Vì vậy mà đối với Nga, ván bài này đánh kiểu gì Nga cũng thắng.

Tay chơi còn lại đương nhiên là Nhật Bản. Nhật Bản là tay chơi ngốc nhất và đang cháy túi, mình trần như nhộng, nude 100% nên chẳng còn gì để chơi cả. Tuy vậy miệng vẫn cười tươi cho thấy người Nhật quá tự mãn với những hào quang trong quá khứ. Họ được đặt vào canh bạc này đơn giản vì nói tới Châu Á thì phải có Nhật Bản. Sự thật là những gì người Nhật đang rất tự hào có nguy cơ bị Hàn Quốc vượt mặt. Một tay Nhật Bản bắt ấn tam muội, một tay bắt ấn (Tý) thì phải, không rõ là có ý gì bởi vì bức tranh này cho đến giờ vẫn còn nhiều ẩn ý.

Đài Loan được xem là bé nhỏ để có thể tham gia vào canh bạc này. Đài Loan mặc một cái áo yếm thêu truyền thống của Trung Hoa cho thấy mình vẫn còn giữ gìn được bản sắc Á Đông. Một tay cầm giỏ trái cây, một tay cầm con dao nhỏ. Đài Loan muốn nói rằng họ không muốn can dự vào vấn đề biển Đông, họ chỉ quan tâm đến lợi ích đặc quyền và con dao này là tiềm lực quân sự để bảo vệ cho quyền lợi ấy. Nhưng có vẻ như Đài Loan đang nhìn thấu được cục diện ván cờ và Mỹ buộc phải nhìn Đài Loan để quyết định có nên chơi tiếp? Rồi ai sẽ thắng, sẽ thua? Ván bài này là ván cuối hay chỉ mới bắt đầu?

By NKQB

Một phiên bản của bức tranh, với vài điểm khác biệt: Nhật không còn cười được nữa, số con bài Tầu Cộng gian lận đã là 2.

30 May 2014

Kha Tiệm Ly: Đối diện quân thù phú


Bắc biên địa, hận cũ chẳng nguôi ngoai
Đông lãnh hải, lại giở trò lếu láo.
Kéo dàn khoan ỷ thế nghênh ngang,
Bày thế trận vẫn thói quen hung bạo!
Than ôi!
Đau lòng biết mấy, giặc nuốt rồi mấy dặm Nam Quan,
Ôm hận bao năm, thù chiếm trọn Hoàng Sa hải đảo!
Ngông cuồng vẽ đường chín khúc, không kiêng công ước rạch ròi,
Nghênh ngang kéo cả dàn khoan, để lộ mặt mày ngổ ngáo.
Ỷ mạnh kéo tàu to tàu nhỏ, hiếp ngư thuyền không súng không gươm ,
Thẳng tay dùng cây ngắn cây dài, nện ngư dân chẳng giày chẳng áo!
Thảm sát Đồng Chúc, phụ nữ mang thai mà chúng giết như giết lợn giết bò,
Đánh chiếm Gạc Ma, chiến sĩ tay không mà chúng bắn như bắn cò bắn sáo!
Niềm uất hận chất kín gầm trời,
Biển tang thương đỏ tươi màu máu!
Cho vợ khóc chồng lệ xót lâm li,
Để mẹ nhớ con canh dài áo não!
Câu “Bốn tốt” đã thành lời lẽ yêu ma,
“Mười sáu chữ vàng” nay lòi tim gan chồn cáo!
Thế mới hay,
Vì mộng bành trướng mà mắt cú láo liên,
Bởi thói bá quyền nên lòng lang trơ tráo.
“Không có đối thủ nào trọn kiếp thù hằn,
Chẳng có hữu bằng nào trăm năm vĩnh hảo”
Mất lòng dân, thì dù tấc đất khó gìn,
Được lòng dân, sợ chi quân thù trở giáo!
Từ xưa:
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”
“Giang sơn mất thì nhà tan cửa nát”
Cho nên:
Chớ xui hào kiệt lên rừng đốt củi làm than,
Đừng đẩy sĩ phu ra đường bán rong hát dạo!
Nếu lúc bình thời mãi dùng củi mục làm quan,
Thì cơn quốc loạn lấy ai bảo toàn cương thổ?
Lũ vô tài vô đức, chỉ biến nhân dân thành chó thành dê,
Người đại trí đại nhân mới giúp giang sơn hóa rồng hóa hổ.
Hỡi quân thù!
Mi xua tàu chiến, chồn ló mặt chồn,
Mi kéo dàn khoan, cáo lòi đuôi cáo!
Miệng lằn lưỡi mối khác gì trôn đĩ thối tha,
Khẩu Phât tâm xà nên ló mặt mo vênh váo!
Dân ta lòng gang dạ sắt, chớ bày trò nhát khỉ rung cây,
Bọn mi mắt chột mắt mù, chớ lấy tơ trói hùm trói báo!
Giang sơn li loạn, trăm sông ta liền hóa Như Nguyệt, Bạch Đằng,
Tổ quốc lâm nguy, triệu dân ta đều trở thành Ngô Quyền, Hưng Đạo.
Trải bao binh lửa, Cửu Long Giang luôn chín khúc hào hùng,
Qua bấy phong ba, Hoàng Liên Sơn vẫn nghìn mây vời vợi.
Thử lửa đi! Chiến sĩ ta đạn đã lên nòng,
Xung phong đi! Nhân dân ta gươm chờ tuốt vỏ!
Thắng trăm trận cũ, Đại Cồ giữ nước nghìn năm,
Thắng một trận nầy, Việt Nam lưu danh vạn thuờ.
Anh em ơi!
Giặc đã đến rồi!
Giặc đã đến rồi!
Ta nhân nhượng cũng có mức có chừng
Chúng hung hăng ngày tự tung tự tác.
Thương giống nòi, chân mạnh bước hiên ngang,
Vì tổ quốc, máu sôi lòng bất khuất.
“Đánh cho để răng đen,
Đánh cho luôn dài tóc”.
Đống Đa  gươm khua chan chát, máu thù dơ bước chân voi,
Đằng Giang sóng cuộn ầm ầm, xác giặc còn tanh mũi cọc.
Diên Hồng vang rền “Sát Thát”, quyết bảo toàn hải phận, biên cương,
Như Nguyệt sang sảng lời thơ, không để mất ngọn rau, tấc đất.
Lao thân đạn lửa, mới biết ai dũng ai hèn,
Đối diện quân thù, mới rõ ai vinh ai nhục!
Dù máu đỏ loang lòng biển, quyết bảo toàn hạt cát quê hương,
Dù xương trắng chất  đầu non, không để mất bờ cây tổ quốc.
Hỡi anh em!
Vung tay lên, trăm triệu chung lòng!
Trước giặc thù, một còn một mất!

Kha Tiệm Ly

Vì sao cần bàn về tính quốc gia của VNCH và tính chất pháp lý của việc thống nhất đất nước, tham khảo.

Dương Danh Huy và Phạm Thanh Vân

Có chủ quyền, vẫn có thể bị mất

Dù cho một nước đã có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ, nếu sau đó nước này bỏ ngỏ cho nước khác tranh chấp, lại còn không duy trì chủ quyền của mình trong khi nước thứ nhì có động thái để xác lập chủ quyền, thì nước thứ nhất có thể bị mất chủ quyền.

Có thể thấy điều này rất rõ trong phiên Tòa xử tranh chấp cụm đảo Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore năm 2008[1].

Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng ban đầu Malaysia có chủ quyền đối với đảo Pedra Branca. Tòa còn cho rằng công hàm 1953 của Johor, nay là một tiểu bang của Malaysia, trả lời Singapore rằng Johor không đòi chủ quyền trên đảo này, không có tính chất pháp lý cơ bản[2], cũng như không có tính ràng buộc đối với Johor[3]. Nhưng Tòa lại dựa vào việc trước và sau đó Johor và Malaysia không khẳng định chủ quyền, và Tòa đã dùng công hàm 1953 của Johor như một trong những chứng cớ quan trọng cho việc Malaysia không đòi chủ quyền, để kết luận rằng tới năm 1980 chủ quyền đã rơi vào tay Singapore[4].

Bài học cho chúng ta là mặc dù cho tới 1954 Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, vẫn có tiềm năng là công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng (CH PVĐ) đã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho yêu sách của Trung Quốc, và nếu Việt Nam đã không khẳng định chủ quyền trước yêu sách đó thì Việt Nam vẫn có thể bị mất chủ quyền.

Vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu và phân tích thấu đáo về vấn đề duy trì chủ quyền sau 1954.

Những yếu tố còn hạn chế tranh luận, nghiên cứu

Thế nhưng đây lại là một thiếu sót lớn trong truyền thông Việt Nam. Truyền thông Việt Nam đăng tải nhiều về chứng cứ chủ quyền của Việt Nam thời quân chủ, nhưng ít đăng phân tích sâu về việc duy trì chủ quyền sau 1954. Như vậy giống như xem phim tập đầu mà không xem tập cuối: sẽ không thể biết kết quả ra sao. Tệ hơn, nó có thể làm cho chúng ta chủ quan.

Không khó hiểu lý do cho sự thiếu sót trên.

Nếu phân tích về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975, sẽ không tránh được sự thật là trong giai đoạn đó VNDCCH đã tiêu cực đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Mặc dù trên diện pháp lý có thể biện luận rằng VNDCCH không có nghĩa vụ hay quyền hạn gì đối với Hoàng Sa, Trường Sa, khó có thể cho rằng VNDCCH không có nghĩa vụ luân lý gì trong việc giúp dân tộc Việt bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo đó cho đến ngày nào đó đất nước thống nhất. Có người có thể sợ rằng điều này sẽ làm mất đi phần nào hào quang của VNDCCH. Dù sao đi nữa, chúng ta cần lưu ý rằng VNDCCH không phải là CHXHCNVN, và nếu VNDCCH có đã tiêu cực về Hoàng Sa, Trường Sa thì điều đó là độc lập với CHXHCNVN có tiêu cực hay không.

Phân tích về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975 còn có những hệ quả lô gíc có thể bị cho là trái lề chính trị. Thí dụ, khi TT Nguyễn Tấn Dũng viện dẫn sự khẳng định chủ quyền của chính quyền VNCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa, thì lô gíc dẫn đến những câu hỏi sau.

1. Chính quyền VNCH có thẩm quyền để khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên trường quốc tế không?

2. Để có thẩm quyền trên, chính quyền VNCH phải là đại diện của một quốc gia trong luật quốc tế. Vậy khi chính quyền VNCH còn tồn tại, chính thể đó có phải là đại diện của một quốc gia trong luật quốc tế không?

3. Nếu không thì thế nào mà sự khẳng định chủ quyền của chính quyền VNCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa có giá trị trong luật quốc tế?

4. Nếu sự khẳng định chủ quyền của chính quyền VNCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa không có giá trị pháp lý thì từ 1954 đến 30/4/1975 có đại diện pháp lý nào của quốc gia Việt nào đã khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này không?

Có thể có người sợ rằng việc đặt vấn đề “có phải đã từng có hai quốc gia” cũng như “có phải chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý của một quốc gia” sẽ dẫn đến một số câu hỏi. Thậm chí còn có thể có những chuyện chụp mũ kiểu "Anh nói là có 2 quốc gia, anh nói chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý, vậy là anh muốn khôi phục VNCH, vậy là anh là phản động, vậy là anh muốn chia đôi đất nước lần nữa". Nhưng đó chỉ là một sự chụp mũ. Nếu cho rằng trước 1976 và 1975 có hai quốc gia, nếu cho rằng trước 30/4/1975 chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý của một quốc gia thì đó chỉ là một nhận định về quá khứ, không có nghĩa muốn chia đôi đất nước đã thống nhất năm 1976, và không có nghĩa muốn khôi phục VNCH hay CHMNVN.

Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng câu hỏi thứ nhì là trong phạm trù luật quốc tế, không phải là một câu hỏi về các vấn đề chính trị, chính nghĩa của các chính thể VNCH, VNDCCH.

Khái niệm "quốc gia" ở đây là một thuật ngữ pháp lý, tiếng Anh là State, tiếng Pháp là État, được định nghĩa trong Công ước Montevideo 1933 là một chủ thể có lãnh thổ, dân cư, chính phủ và khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác[5]. Nó phải được quán chiếu trong phạm trù luật quốc tế. Khái niệm "quốc gia" trên phương diện pháp lý khác với khái niệm đất nước và tổ quốc, thậm chí khác với cách hiểu bình dân về từ “quốc gia”.

“Quốc gia” khác với “đất nước” hay “nước”, vốn là một khái niệm địa lý, bao gồm một vùng lãnh thổ với dân cư, và cũng khác với “tổ quốc”, vốn là một khái niệm dựa trên lịch sử.

“Quốc gia” cũng khác với “nhà nước”. Nhà nước là tổ chức chính trị để đại diện, lãnh đạo và cai quản quốc gia, chứ không phải là quốc gia. Một nhà nước cộng hòa thường có ba hệ thống: lập pháp (thí dụ như quốc hội), hành pháp (chính phủ) và tư pháp (hệ thống tòa án)[6].

“Quốc gia” cũng khác với “chính phủ”: chính phủ là cơ quan hành pháp của nhà nước. Khi CP VNDCCH không công nhận rằng CP VNCH là đại diện hợp pháp phía nam vĩ tuyến 17 thì điều đó không có nghĩa là CP VNDCCH không công nhận rằng có một quốc gia phía nam vĩ tuyến 17. Hơn nữa, theo Công ước Montevideo 1933, sự hiện hữu của một quốc gia không dựa vào sự công nhận của các quốc gia khác[7].

29 May 2014

Hãy tiếp lửa Lê Thị Tuyết Mai!

Lửa
Lửa từ đốm mai vàng  trong  băng tuyết
Cháy lên
Cháy bùng lên
Lửa roi truyền từ lòng Mẹ Trưng Vương
Hừng hực đuổi dồn giặc Hán ra khỏi biên cương
Lửa  rực rỡ sáng soi  Bạch Đằng  Giang kiên cường
 dìm sâu cuồng vọng  lũ giặc bành trướng Tống, Nguyên
Lửa
Lửa thiêu rụi  dã tâm Minh Đế áp đặt ngoại quyền
Lửa phá sản mộng xâm lăng cuồng điên Thanh triều man mọi
Lửa
Lửa lòng Mẹ Trưng Vương ngàn năm soi rọi
Lửa sáng hồng Nhật Tảo
Lửa đỏ dậy Sông Lô
Lửa khuôn thiêng gìn giữ cơ đồ,
dòng giống Rồng Tiên lưu truyền vững mạnh
Đồng bào  ta ơi!
Xin đừng để lửa Trưng Vương nguội tạnh
Lửa vị quốc Lê Thị Tuyết Mai đã nhóm lên dũng mảnh
Người Việt ơi mau tiếp lửa đấu tranh
Không có gì có thể cản được hào khí hùng anh
Lửa lòng tôi
Lửa lòng anh
Lửa tiếp lửa, lửa bùng lên
        đốt sạch,
        quét sạch
        nội thù trấn áp
        giặc ngoài gian manh
Cho quê hương miên viễn an lành
Cho Việt nam muôn sau rạng rỡ sử sanh
Nào tôi   !
Nào anh !
Nào chúng ta !
quyết không để
         lửa Trưng Vương
         lửa  Lê Thị Tuyết Mai
 tàn lạnh.
Vùng lên!
Hãy ngạo nghễ vùng lên như lửa
Đánh cho Tầu cộng  không còn giáp manh
Đánh cho cuồng  vọng xâm lăng Tầu cộng tàn tành
Cho tỏ mặt Việt Nam hữu chủ.

Hà Nguyên Lãng
_________________
*Bà Lê Thị Tuyết Mai tự thiêu trước dinh Độc Lập ngày 23/5 để phản kháng Hoa Lục đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam – Hoa Lục ‘khẩu chiến’ về công hàm Phạm Văn Đồng

VOA Tiếng Việt

Hà Nội mới lên tiếng ‘kiên quyết bác bỏ những phát biểu sai sự thật của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc’ sau khi bị Bắc Kinh cáo buộc ‘xuyên tạc lịch sử, bác bỏ thực tế và nuốt lời’ liên quan tới quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, còn Việt Nam gọi là Hoàng Sa, cũng như về công hàm Phạm Văn Đồng.

Trong email trả lời VOA Việt Ngữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định ‘chủ quyền không tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa’.

Người phát ngôn Lê Hải Bình nói: “Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, việc chiếm giữ bằng vũ lực không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa”.

Tuyên bố của ông Bình được đưa ra hôm 27/5 một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng một cuộc họp báo của Việt Nam, trong đó có đề cập tới công thư của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, là ‘lố bịch và nực cười’.

Ông Tần nói thêm rằng ‘trước giữa những năm 1970, phía Việt Nam đã công khai và chính thức thừa nhận rằng quần đảo Tây Sa thuộc về Trung Quốc’, và rằng ‘năm 1956, các giới chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao việt Nam đã nói rõ với Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam rằng quần đảo Tây Sa là thuộc Trung Quốc’.

Người phát ngôn này tuyên bố:

“Năm 1958, chính phủ Trung Quốc thông báo rằng vùng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý và chỉ rõ rằng nguyên tắc này áp dụng đối với từng tấc đất của Trung Quốc, trong đó có quần đảo Tây Sa. 10 ngày sau thông báo trên, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là Phạm Văn Đồng đã gửi một công hàm tới Thủ tướng Chu Ân Lai và bày tỏ rằng phía chính phủ Việt Nam thừa nhận và tôn trọng thông báo của chính phủ Trung Quốc về lãnh hải”.

Trong một cuộc họp báo 3 ngày trước đó ở Hà Nội hôm 23/5, Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã ‘viện dẫn sai lệch’ công thư của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cho Bắc Kinh năm 1958.

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, nói rằng công thư của ông Đồng ‘hoàn toàn không đề cập tới vấn đề lãnh thổ cũng như là chủ quyền, và không đề cập tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’.

“Nội dung công thư chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải 12 hải lý, và đồng thời chỉ thị cho các cơ quan của Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Việc công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập tới hai quần đảo này, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng phù hợp với thực tế lúc đó, là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa mà được Pháp chuyển giao trên thực tế năm 1956, phù hợp với hiệp định Geneve năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia”.

Trong khi đó, ông Tần Cương lại nói rằng ‘bấy lâu nay, các tài liệu chính thức, sách giáo khoa và bản đồ của Việt Nam đều cho thấy quần đảo Tây Sa thuộc về Trung Quốc’ và nói thêm rằng Việt Nam ‘có một mức độ khả tín thấp’.

Báo chí trong nước đã cho đăng toàn văn công hàm Phạm Văn Đồng, trong đó có đoạn:

“Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển”.

Tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư và cựu giảng viên trường luật Harvard, cho rằng công hàm Phạm Văn Đồng ‘không có hiệu lực pháp lý’:

“Nó chỉ là một tuyên bố đơn phương, cho nên nó không có giá trị của một hiệp ước nhượng đất là cái thủ tục bó buộc theo hiến pháp năm 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, áp dụng vào thời điểm 1958 bởi vì rằng khi ông Đồng tuyên bố, ông không thể nhân danh chủ tịch nước, mới là người có quyền ký hiệp ước về nhượng đất. Và ngay cả Chủ tịch nước Hồ Chí Minh cũng phải có nghị viện, tức là quốc hội, phê chuẩn hiệp ước thì mới có giá trị. Vả lại, khi đọc kỹ thì thấy rằng công hàm đó chỉ nói về việc công nhận 12 hải lý lãnh hải của Trung Quốc. Hồi đó nó [Trung Quốc] đòi cái đó vì họ ngại cái hạm đội đi sát vào Trung Quốc từ eo biển Đài Loan, nhất là từ hai đảo Kim Môn và Mã Tổ mà Trung Hoa Dân quốc kiểm soát. Thành ra nó chỉ có hiệu lực thừa nhận 12 hải lý, chứ không phải nói đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Luận cứ thứ hai, ông Đồng không đại diện cho miền nam Việt Nam là quốc gia riêng biệt. Có hai quốc gia thời đó theo tiêu chuẩn quốc gia là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Hiệp định Geneve đã giao việc quản lý hai quần đảo đó cho miền nam Việt Nam thì ông Đồng không có đủ tư cách gì mà nói về vấn đề hai quần đảo đó, nhượng đất hai quần đảo đó”.

Ông Tài nói thêm rằng nếu đôi bên không thể ‘tiếp tục cãi lý’ trên các diễn đàn quốc tế thì vụ việc cần phải được đưa ra Tòa án Quốc tế.

Nhưng chuyên gia luật này cũng cho rằng việc kiện ra tòa ‘rất khó’ vì Bắc Kinh từ trước tới nay ‘không đồng ý ra tòa nên chỉ còn đánh nhau trên mặt trận ngoại giao mà thôi’.

Những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại bấy lâu nay dùng công hàm này để cáo buộc Hà Nội đã thực hiện điều họ gọi là ‘bán nước’, nhưng phía Việt Nam luôn bác bỏ điều này.

Sau việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình, đẩy hai nước láng giềng vào thế đối đầu, giới lãnh đạo Việt Nam đã có các tuyên bố được một số nhà quan sát cho là ‘không kiêng nể’ khi nói về mối quan hệ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố ‘không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông' cũng như cho báo giới biết rằng Hà Nội có thể xem xét hành động pháp lý chống lại các hành động của Trung Quốc ở biển Đông.

Tin ngắn

Thủ tướng Singapore: Chiến tranh Hoa- Nhật sẽ xẩy ra trong hai thập niên tới

Theo tường thuật của báo chí Nhật Bản và Trung Quốc, tại một cuộc hội thảo ở Tokyo hôm 22 tháng 5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản có thể xảy ra chiến tranh trong vòng 20 năm tới đây. Nhà lãnh đạo Singapore cho rằng Á châu có thể có một tương lai tốt đẹp nếu cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều muốn làm việc chung với Hoa Kỳ để duy trì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Ông Lý Hiển Long nói thêm rằng trong trường hợp giới lãnh đạo ở Bắc Kinh không chịu hợp tác với Nhật Bản và các nước khác trong vùng, Trung Quốc có thể xảy ra chiến tranh với Nhật Bản vì vụ tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hay với các nước Á châu khác vì vụ tranh chấp Biển Đông dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Ông Lý Hiển Long cho rằng chính vì lý do đó mà Hoa Kỳ nên tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực, và ông tin rằng với sự trợ giúp của Washington, Á châu có thể né tránh được nhiều phần của tương lai u ám đó. (Theo VOA)
***
Nga, Belarus, Kazakhstan chính thức ký kết lập Liên minh

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải), Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev (giữa) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại lễ ký kết (Nguồn: Reuters)

Ngày 29/5, tổng thống ba nước gồm Nga, Kazakhstan và Belarus đã ký hiệp ước thành lập Liên minh Kinh tế Âu-Á (Eurasian Economic Union), khối thương mại mà họ hy vọng sẽ thách thức sức mạnh kinh tế của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Văn kiện trên, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2015 sau khi được quốc hội ba nước phê chuẩn, dự kiến sẽ làm sâu sắc mối quan hệ được thiết lập từ khi ba nước có bước đi đầu tiên là thành lập một liên minh hải quan vào năm 2010. Nó sẽ đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân lực cũng như phối hợp chính sách đối với những ngành kinh tế lớn.

Ukraine và một số nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô trước đây đã từ chối gia nhập liên minh, mặc dù Armenia và Kyrgyzstan đang cân nhắc việc này này.

Phát biểu trước lễ ký kết tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Cuộc gặp ngày hôm nay giữa chúng tôi tất nhiên có một ý nghĩa đặc biệt và trọng đại”.

Ông đồng thời phủ nhận liên minh này là một nỗ lực nhằm tái lập đế chế Xôviết vốn tan rã từ năm 1991. Theo Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, liên minh mới này là “một cầu nối giữa Phương Đông và Phương Tây”. (Theo BBC)

28 May 2014

Muốn thoát Hán?

Hà Sĩ Phu

"...thực thể truyền bệnh "thuộc Hán" không nằm trong tư tưởng chủ yếu của nhân dân Việt mà tồn tại khăng khít trong hệ tư tưởng cộng sản vốn từ nước ngoài du nhập và được bản địa hóa, trở thành môi trường thích hợp để bệnh Thuộc Hán xâm nhập và phát triển..."


(nhân ý kiến của bác Tô Hải, anh Huy Đức và trang Bauxite Việt Nam)

Lời tòa soạn của Bauxite Việt Nam: Tiếp theo bài viết của ông Hạ Đình Nguyên, những ý kiến của học giả Hà Sĩ Phu mà BViệt Nam đăng dưới đây cũng là một đề xuất nẩy ra trong tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay để các chính khách và bạn đọc cùng cân nhắc. Người viết chịu trách nhiệm về những gì mình viết.

Buổi sáng 24/5/2014, khi chưa được đọc bài mới nhất của bác Tô Hải, chúng tôi đã ngạc nhiên đến giật mình khi nghe lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "… hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó… ".
**

Chữ "viển vông" nghe tưởng nhẹ mà không đơn giản, bởi nói như thế là chọc đúng cái huyệt của tình hình, cái nút của bế tắc, là chống Đảng nữa đấy! Vì bao nhiêu năm nay Đảng vẫn giữ chặt cái nút ấy không cho nó bật ra. Nay kẻ xâm lược đưa một giàn khoan khủng vào ngay thềm nhà Việt Nam là tọng một quả đấm vào mặt, vào miệng cả nước Việt Nam. Trong khi đó, sự đáp lại chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam là những lời ú ớ và "xin gặp kẻ thù" của ông Tổng Bí thư, là lệnh cho Bộ Công an phải kiên quyết cấm dân chúng biểu tình diễu hành, là những lời đạo đức… bảo lưu "hợp đồng chịu mất nước" của các ông cựu Chánh văn phòng Quốc hội Vũ Mão, ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thậm chí cả ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam [1]…

Tất cả những nhân vật ấy, những yếu tố ấy đều mang đậm tính Đảng, trước sau một mực quảng cáo cho "tình hữu nghị viển vông, thập lục kim tự" kia là thứ vàng 4 số 9. Nay Thủ tướng bảo của quý ấy là "viển vông", là không có thật, thì khác nào bảo thứ "vàng" kia là vàng rởm, và những kẻ cò mồi cho thứ vàng rởm ấy là bọn buôn vàng giả (công an cần bắt ngay và xử cho đúng người đúng tội?). Lại nữa, thử hỏi thứ "vàng giả viển vông" ấy do đâu tạo dựng, do ai mắc bẫy, mắc từ khi nào thì cũng là điều không đơn giản. Bảo là "tài sản quý giá thật" nên bắt toàn dân phải nâng niu, ôm ấp, nay cái giàn khoan HD-981 xông đến trước nhà, nó phát ra một thông điệp cười nhạo, bảo cho Việt Nam biết thứ vàng kia chỉ là vàng giả, "phía Trung Quốc chúng tao đã vứt đi lâu rồi"! Hai chữ "viển vông" của Thủ tướng chẳng qua là phiên dịch cho cái thông điệp HD-981 ấy! Thông điệp này đã lật tẩy sự dối trá tận gốc một vụ buôn vàng giả vô tiền khoáng hậu mà Thủ tướng cũng giống như một nhân vật tòng phạm biết tự thú mà thôi! (tự thú thì được khoan hồng bác Tô Hải nhỉ?).

Thực ra thì cả người cầm quyền lẫn dân chúng Việt Nam không lú lẫn đến mức tin sái cổ cái của giả kia là vàng thật đâu. Nhưng biết thế mà tại sao bao nhiêu năm nay tất cả cứ im như thóc, không thốt ra được một lời thật thà, hoặc cố phát âm ra thì ngọng nghịu, ú ớ, dối trá, vòng vo? Hội chứng ú ớ đó chỉ có khi người ta bị "ngậm bồ hòn, ngậm hột thị, hoặc… hóc xương cá". Một thứ hữu nghị nhằm ngoạm dần đất nước người ta, tha hóa dân tộc người ta mà chỉ quy thành "hữu nghị viển vông" thì kể ra còn là nhẹ, đáng lý phải nói toẹt ra là "hữu nghị đểu, hữu nghị lừa, hữu nghị tai hại" mới xứng. Bị ú ớ cấm khẩu, ôm cục hận nô lệ Trung Quốc đã lâu ngày, nay phải thét lên hai tiếng "Thoát Hán" chính là tiếng thét thật mạnh của dân tộc cho cái vật chẹn họng kia phải bật ra. Không biết chủ động đến mức nào, nhưng ông Thủ tướng đã dũng cảm "khạc" một cái, quả thực một cục bồ hòn lớn đã bật ra, hy vọng sẽ gây phản ứng dây chuyền để thêm nhiều người khác cũng tự gây được phản xạ ấy. Cảm ơn nhạc sĩ Tô Hải đã mô tả đúng cú "bật bồ hòn" này của nhà lãnh đạo.

Vụ giàn khoan HD-981 chỉ là một mắt xích trong toàn bộ quy trình xâm lược dài hạn và bài bản của Trung quốc. Những lời tuyên bố của Thủ tướng trước hành động xâm lược này là khá mạnh mẽ mà chưa một vị lãnh đạo Đảng nào nói ra được. Tuy vậy niềm tin vào Thủ tướng vẫn cứ phải dè dặt, và mối đa nghi này không phải lỗi của dân. Sự dối trá ở tầm quốc gia vốn đã tạo nên một khí quyển dối trá bao trùm xã hội, mà dối trá và đa nghi vốn là một cặp song sinh, huống chi Thủ tướng cũng đôi ba lần nói đẹp mà chưa làm được đẹp.

Vả lại, một khi cỗ máy đã có "lỗi hệ thống" thì một con ốc trong hệ thống dễ gì thoát ra mà khẳng định mình? Hệ thống Cộng sản có một năng lực truyền bệnh siêu đẳng theo kiểu Virus, chỉ cần dính đến nó bằng một vết xước hay một mao mạch nhỏ ly ti là toàn thân trước sau cũng bị nhiễm bệnh com-mu-nít hay mao-ít ngay, chỉ có thể chữa khỏi bệnh nếu hoàn toàn dứt khỏi, không dứt khoát không thể khỏi được bệnh. Dân tộc mình tuy mạnh về duy cảm nhưng yếu về duy lý, cứ "một trăm cái Lý không bằng một tý cái Tình" nên "trái tim lầm chỗ để trên đầu" cũng là bệnh chung. Thiếu "trái tim" không thể làm người, nhưng để tim lên trên đầu thì khi trái tim thổn thức mù quáng nó sẽ làm cho cái đầu trở nên vô… thức, như người ngủ mê! Một dân tộc thiếu duy lý, cứ ao ước một "trái tim Đan-cô, Đan-cậu" thì rất dễ bị lừa.

Tiếng nói dũng cảm của ông Thủ tướng cự tuyệt thứ "hòa bình hữu nghị viển vông" có giá trị như một lời hô Thoát Hán. Nhạc sĩ Tô Hải, nhà báo Huy Đức, trang mạng Bauxite, trang mạng Dân quyền… đã nhạy cảm dịch được lời của Thủ tướng thành lời hô Thoát Hán thiêng liêng trong lúc này, đáng cổ vũ lắm chứ?

BRAVO Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng! NẾU Thủ tướng quyết Thoát Hán thật, dân chúng tôi sẽ sát cánh cùng ông, bất chấp chức vụ mà ông sẽ có hay sẽ mất! Ông thừa biết : Đi với dân thì bất tử và nếu mất nước thì mọi thứ vô nghĩa hết!

Tổ quốc đang cần một rung chuyển để đổi đời, sự xuất hiện một nhân vật kiệt xuất là một điều kiện cần, rất cần. Dân chúng muốn hô to một lời ủng hộ, nhưng mọi lời hô vẫn cần một chữ NẾU chen vào. Sự đa nghi vốn nảy sinh từ trong dối trá, nhất là với một dân tộc vì nhẹ dạ cả tin mà từng bị lừa những vố quá đau.

Từ những hệ luận ở trên, bạn đọc hẳn sẽ tự mình rút ra điều quan trọng : Muốn Thoát Hán chúng ta phải làm gì? Thực tiễn đã kiểm nghiệm từ hai phần ba thế kỷ nay giúp ta nhìn thấy sờ sờ thực thể nào trên đất nước ta đã trở thành vật chủ trung gian truyền bệnh "Thuộc Hán", và nhân chứng vật chứng thì như một ông Vũ Mão ở bên lề cuộc họp Quốc hội đấy, trên tinh thần cộng sản, chẳng phải ông là một trong những người đang mong muốn bảo lưu bằng được "4 tốt" và "16 chữ vàng" rởm, coi đó là "mong muốn muôn thuở" là gì? Mong muốn muôn thuở ấy quyết không phải là mong muốn của tuyệt đại đa số con dân Việt Nam. Vậy, thực thể truyền bệnh "thuộc Hán" không nằm trong tư tưởng chủ yếu của nhân dân Việt mà tồn tại khăng khít trong hệ tư tưởng cộng sản vốn từ nước ngoài du nhập và được bản địa hóa, trở thành môi trường thích hợp để bệnh Thuộc Hán xâm nhập và phát triển. Nó là một lực lượng Nội xâm nghiêm trọng, cần tìm ra biện pháp để giải thoát khỏi nó hữu hiệu thì mới mong triệt để "thoát Hán" [2] được.

Rõ ràng, quan hệ giữa Ngoại xâm và Nội xâm là quan hệ nương tựa, cộng sinh, là hai đồng minh chiến lược của nhau, là hai kẻ thù của dân tộc, mà kẻ thù bên trong bao giờ cũng khó chống, khó trị hơn nhiều.

Phải Thoát Hán, nhưng bài toán thật không dễ.

Hà Sĩ Phu (25/5/2014)

[1] Trước câu hỏi có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế không, Phó Thủ tướng đã trả lời "Mang nhau ra tòa, như bát nước đổ xuống lấy lại rất khó". Thưa ông VĐĐ : cái "bát nước" hữu nghị ấy bọn xâm lược đã đái vào rồi!

[2] Mô hình Putin không phải là con đường Thoát Cộng mong đợi, đó là thứ Cộng sản biến tướng, độc quyền thao túng đất nước, và trong điều kiện bị họa ngoại xâm thường trực như Việt Nam thì còn biến tướng gì chưa biết.

4 Tốt, 16 Chữ Vàng!

Hí họa của ImageProxy.mvc

Phía sau ông Thủ Tướng có ai?

Tưởng Năng Tiến

“…Nếu không thể phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm tức khắc, và cùng lúc, ít nhất hãy trả tự do cùng với lời xin lỗi cho hai người tù Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần. Họ không có tội gì ngoài tội thấy sớm hơn các ông cái thứ “ngoại viển vông” Hoa-Việt…”

Không đánh đổi chủ quyền lấy ngoại giao viển vông -
T.T. Nguyễn Tấn Dũng
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: "Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới". Câu nói nghe tuy hơi cường điệu (và cũng có phần hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ dành cho hai tác giả này, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời.

Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng điệp viên James Bond vẫn 007 sống mãi trong sự nghiệp của ... giới làm phim và trong ... lòng khán giả. Tương tự, nhiều nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những "chiếc bóng đậm màu" trong tâm tư của vô số người Việt, kể cả giới lãnh đạo cộng sản hiện nay. Ngôn ngữ hàng ngày của họ (nghe) có “mùi” tiểu thuyết Kim Dung thấy rõ:

    - Sau nửa tháng im lặng, ngà16 tháng 5 năm 2014: “Trong  cuộc gặp cử tri Sài Gòn ... ông Sang nhìn nhận Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, cần phải bình tĩnh, có bình tĩnh mới sáng suốt. Bên cạnh sự cương quyết phải hết sức kiên nhẫn, song không ‘thay đổi mục tiêu’ là bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao nội lực quốc gia.”

    - Trước đó không lâu, T.T Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi “phải phát huy nội lực để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài hay “phát huy nội lực để đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững.”

Và người vận dụng nội lục đều đều là TBT Nguyễn Phú Trọng:

     - Hôm 11 tháng 7 năm 2013, ông khuyến cáo nhân dân Hải Phòng “cần phát huy nội lực để phát triển.”

     - Qua ngày 21 tháng 8 năm 2013, ông chỉ thị nhân dân Bắc Giang cũng “phải phát huy nội lực địa phương để vươn lên phát triển, không thua kém các tỉnh bạn.”

      - Bữa 18 tháng 3 năm 2014 vừa rồi, trong chuyến đi công tác miền Trung, TBT lại nhắc nhở giới công nhân địa phương “tiếp tục phát huy truyền thông thi đua lao động sản xuất và tích cực ... phát huy nội lực.”

Người tiền nhiệm của Nguyễn Phú Trọng – bác Lê Khả Phiêu – cũng  hễ mở miệng ra là đòi ... “phát huy nội lực” liền liền. Ông còn giải thích (một cách văn hoa) rằng đó là "sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam, đạo đức trí tuệ Việt Nam... để chúng ta vượt mọi khó khăn trong những thời điểm gian nguy nhất..." –  khi trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 16 tháng 6 năm 2000.

Dù nghe có hơi kiếm hiệp, kêu gọi dân chúng “phát huy nội lực” – nói nào ngay – là chuyện phải làm khi hữu sự. Ðiều đáng phàn nàn là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam rất hiếu sự nên đất nước “hữu sự” hoài hoài. Kể từ khi giành được quyền bính đến nay, họ luôn luôn tìm mọi cách để đưa dân tộc này vào những hoàn cảnh “khó khăn” hay những “thời điểm gian nguy.” Nếu không phải đấu tố lẫn nhau cho đến chết thì người dân cũng bị nhà nước Việt Nam lôi kéo, lê lết hết từ trận chiến này qua trận chiến khác. Không tử thương thì cũng bị thương vô số kể.

Thôi tạm gác lại chuyện đã cũ đi, và chỉ nhìn lại vài những sự kiện nho nhỏ vừa mới xẩy ra –  trong thời gian cầm quyền của bộ ba Sang, Trọng, Dũng mà coi:

      - Khi kêu gọi người dân Hải Phòng “cần phải phát huy nội lực để phát triển,” họ quên bẵng đi rằng sau vụ cầm tù anh em Đoàn Văn Vươn (cùng với chuyện thăng tướng của ông đại tá Đỗ Hữu Ca) người dân nơi đây đã gần tiêu ma nội lực, và đã mất ráo niềm tin vào chính quyền – từ địa phương tới trung ương – rồi.

       - Nếu biết qua về mức sống khốn cùng ở Bắc Giang, chắc chắn, họ cũng sẽ không đủ mặt dầy mày dạn kêu gọi người dân miền núi “phát huy nội lực để vươn lên” đâu.

        - Hãy nhìn qua hình ảnh một góc chợ ở địa phương này, qua ghi nhận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Người ta nói, đi qua một khu chợ sẽ biết đời sống của cư dân ở đó. Mình tin điều đó. Và nhìn món hàng bày trước mặt những người phụ nữ vùng cao, mình  hình dung được  nồi cơm, căn bếp, cuộc đời... ”

nguoiHmong
Ảnh: Nguyễn Ngọc Tư

Hình ảnh vài “bó củi co ro,” hay “nụm nịu hai ba nải chuối,” và “lèo tèo mấy bó rau xanh” – ở một phiên chợ ở Bắc Giang – chỉ khiến cho tôi muốn rơi nước mắt, và không thể nghĩ đến chuyện họ có thể “phát huy nội lực để vươn lên.” Vươn lên gì nổi, mấy cha? Tôi cũng không tin rằng giới công nhân Việt Nam còn có nội lực để phát huy sau những ngày làm việc tăng ca (liên tục) mà đồng lương chưa chắc đã đủ mua một cái bánh kẹp thịt ở cửa tiệm McDonalds.

Vắt cạn kiệt sức dân, đẩy trăm họ tới mức khốn cùng rồi vẫn thản nhiên kêu gọi vận dụng “nội lực” của mọi người khi đất nước lâm nguy chắc (chắn) không phải là điều khôn ngoan, nếu chưa muốn nói là bất nhẫn. Bởi vậy, khác với nhà báo Huy Đức, tôi không "bảo đảm" là dân chúng sẽ đứng sau giới lãnh đạo Việt Nam trong tình cảnh hiện nay:

“Giàn khoan 981 xuất hiện trước thềm Hội nghị ASEAN ở Myanmar và Diễn đàn kinh tế Manila như một trái banh được đặt vào chân Thủ tướng khi ông đang ở gần khung thành nhất. Những tuyên bố đúng lúc, ngang tầm nguyên thủ, đã khiến ông trở thành một người hùng. Thưa Thủ tướng, ông đã cùng bước, cùng dùng một ngôn ngữ sục sôi với người dân Việt Nam. Ông đã đi một đoạn đường khá xa. Đừng quay lại vì phía sau là dân chúng.”

Huy Đức, có thể, vì may mắn chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ. Người Việt, thuộc những thế hệ trước ông (hẳn) không mấy ai lạc quan như vậy. Trong cuốn Hồi Ký Vi Đức Hồi, tác giả đã nhắc đi nhắc lại (đến chục lần) rằng  “Đảng luôn luôn nói một đằng, làm một nẻo.” Có gì bảo đảm là ông TT sẽ không tiếp tục cái “chiến thuật” cố hữu và vô liêm sỉ này của Đảng?

Tuyên bố đúng lúc, ngang tâm nguyên thủ (e) chưa đủ đâu. Dân Việt ở cả ba miền, cũng như miền ngược – hiện nay – đều đã thuộc nằm lòng: Đừng tin những gì cộng sản nói hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Yêu cầu ông Dũng thử làm vài việc trong tầm tay, và ngay trước mắt coi:

     - Nếu không thể phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm tức khắc, và cùng lúc, ít nhất hãy trả tự do cùng với lời xin lỗi cho hai người tù Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần. Họ không có tội gì ngoài tội thấy sớm hơn các ông cái thứ “ngoại viển vông” Hoa-Việt.

      - Ngưng ngay cái chủ trương lớn (và ngu) của Đảng về chuyện khai thác bauxite Tây Nguyên.

     - Trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, quyền tự do ngôn luận cho những người cầm bút, và quyền thành lập công đoàn cho công nhân. Đến đón Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương tại cửa nhà tù để ôm xin họ tha lỗi. Cùng lúc, cũng phải công khai về chuyện “mất tích” của Lê Trí Tuệ (Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam) người đã bị “bắt cóc” ở Cambodia vào từ hôm 16 tháng 5 năm 2007.

      - Trả lại tài sản và quyền tự do tín ngưỡng cho tất cả những giáo hội và giáo phái.

     - Xin làm hoà với người Việt nước ngoài bằng cách xin phép xây lại Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân ở Mã Lai và Nam Dương. Vứt cái Nghị Quyết rẻ tiền 36 vào thùng rác, đuổi việc những nhân viên ngoại giao lấc xấc và lấc cấc như Nguyễn Thanh Sơn đi cho thiên hạ đỡ bực mình.

      - Nếu chưa có thể công bố thời điểm chính xác để huỷ bỏ điều bốn hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử tự do vào lúc này thì ít nhất cũng phải ngưng ngay cái cung cách cầm quyền như một đạo quân chiếm đóng như hiện nay, để người dân toàn quyền tự do làm những gì mà luật pháp không cấm, và trừng phạt nghiêm khắc mọi hành vi lộng quyền hay lạm quyền của viên chức các cấp.

Những điều trên trước sau gì cù̃ng phải được thực hiện ở Việt Nam thôi nhưng nếu không làm ngay hôm nay thì trước mặt ông T.T.  là kẻ thù, và sau lưng sẽ chả có ai đâu. Hai bên cũng không có bạn bè đồng minh nào ráo. Nhân loại văn minh tiến bộ giờ đây không ai muốn làm bạn với những kẻ độc ác, trí trá, giáo dở lươn lẹo, ngu (lâu) và ngoan cố. Hãy chứng tỏ thiện chí và nỗ lực muốn thoát cộng đi thì mới có hy vọng thoát Tầu. Nếu không là đi tầu suốt.

Tưởng Năng Tiến
 Nguồn: Blog VOA

27 May 2014

Tầu Hoa Lục lại đâm chìm một thuyền đánh cá Việt Nam

Trong bản tin lúc 11:30 tối nay 26 tháng 5, Đài BBC loan báo giới chức tuần duyên Việt Nam cho hay một chiếc thuyền đánh cá Việt Nam đã bị 40 chiếc tầu Hoa Lục vây bủa và tấn công. Chiếc thuyền đang hành nghề gần giàn khoan Haiyang Shiyou 981 thì bị tầu Hoa Lục húc và đã bị chìm. Tất cả 10 ngư dân trên thuyền đã được cứu vớt.

26 May 2014

Sự ngạo mạn nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng bởi những ý đồ bành trướng muốn độc chiếm vùng Biển Đông của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng. Sự kiện Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu HD -981 một cách trái phép vào vùng thềm lục địa Việt Nam là một minh chứng mới cho thái độ ngạo mạn nước lớn của Trung Quốc với các nước láng giềng.

RFI xin giới thiệu bài viết mang tiêu đề “ Sự Ngạo mạn nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông, của tác giả Philip Bowring, một cây viết đã cắm chân ở châu Á từ 39 năm nay chuyên viết về các vấn đề tài chính và chính trị của khu vực, đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 18/5/2014.

Philip Bowring nói rằng sự mặc cảm tự tôn và việc diễn giải có chọn lọc lịch sử Đông Nam Á là những yếu tố nguy hại gây căng thẳng tại Biển Đông.

Cách hành xử hiện nay của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông là hung hăng, ngạo mạn và sặc mùi tư tưởng Đại Hán và tự tôn dân tộc. Thay vì bày tỏ lòng tự hào dân tộc, cách hành xử này gây tiếng xấu cho lòng ái quốc. Những người Hồng Kông yêu nước cần phải nhận diện ra : Đó là một mưu kế nguy hiểm.

Không chỉ nhe răng bành trướng đe dọa Việt Nam và Philippines, mà giờ đây, Bắc Kinh còn đẩy Indonesia từ chỗ có lập trường hành động như trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các quốc gia ở Biển Đông chuyển sang thành kẻ thù. Trong những tháng qua, đã hai lần Indonesia tố cáo Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với một phần quần đảo Natuna. Thật là quá thể đối với cái gọi là « sự trỗi dậy hòa bình » khi người ta gây khó chịu cho các nước láng giềng có tới hơn 400 triệu dân mà người ta khẳng định là yếu kém.

Tất cả những đòi hỏi về biển đảo của Trung Quốc nằm bên trong đường 9 đoạn, rộng hơn 1000 hải lý kể từ bờ biển Quảng Đông và Hải Nam cho tới đảo Borneo của Malaysia, Indonesia và Brunei và bao gồm hầu như toàn bộ vùng biển giữa Việt Nam và Philippines. Đòi hỏi của Trung Quốc chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông, cho dù Trung Quốc (kể cả Đài Loan) chỉ có khoảng 20% bờ biển trong vùng.

Tất cả các đòi hỏi chỉ dựa trên các yếu tố lịch sử, rất thuận tiện cho việc không cần biết đến sự tồn tại của các dân tộc khác và lịch sử hàng hải và buôn bán của họ có từ 2000 năm nay, trước cả khi Trung Quốc đi xuống vùng biển phía nam và xa hơn nữa. Người Indonesia đã tới Châu Phi và thuộc địa Madagascar trước Trịnh Hòa (Zheng He) hơn 500 năm. Ngược lại, các dân tộc ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của Ấn Độ và thế giới Hồi giáo hơn là của Trung Quốc.

Trong trường hợp hiện nay với Việt Nam, về việc đưa giàn khoan vào vùng biển ở phía đông Đà Nẵng, có một vấn đề nhỏ đối với Trung Quốc : Chính quyền Bắc Kinh hiện làm chủ quần đảo Hoàng Sa, gần với nơi đặt giàn khoan hơn là Việt Nam. Tuy nhiên, quần đảo này từ lâu là nơi tranh chấp giữa hai nước, và vụ việc đã được giải quyết với việc Trung Quốc vô cớ đánh chiếm quần đảo này năm 1974.

Thế nhưng, do quần đảo này chưa bao giờ có được một giảp pháp vĩnh viễn, nên khi so sánh với Việt Nam, thì khó có thể nói quần đảo này là trường hợp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Lịch sử cho chúng ta thấy là bờ biển này vốn là trung tâm của một nhà nước Cham buôn bán, mà cách nay 1000 năm, họ đóng vai trò chủ chốt về thương mại trong khu vực.

Lẽ ra, đây phải là một trường hợp thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Malaysia và Thái Lan cũng từ dàn xếp với nhau để quản lý một hòn đảo trong vùng giàu khí đốt nằm giữa hai nước, ở vịnh Thái Lan. Các quốc gia khác – Indonesia, Singapore, Malasyia – đưa các vấn đề sở hữu đảo lên Tòa án Công lý Quốc tế và chấp nhận phán quyết của Tòa. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn không sẵn sàng cho một thỏa hiệp hoặc chấp nhận đưa ra Tòa. Trong khi đó, không thể có việc cùng khai thác, bởi vì Trung Quốc đưa ra điều kiện là các bên phải chấp nhận chủ quyền của họ ở đó.

Trong trường hợp các bãi đá ngoài khơi Philippines, đòi hỏi của Trung Quốc dựa trên một sự pha trộn giữa lịch sử được phóng tác và việc Trung Quốc là nước đầu tiên đưa ra đòi hỏi chủ quyền ; đây là một chứng cứ nghèo nàn, bởi vì Trung Quốc không liên tục hiện diện ở đó, trong khi Philippines đã kế thừa hiệp định được ký kết giữa các cường quốc thực dân phương Tây.

Bãi đá Scarborough nằm cách đảo Luzon khoảng 200 km và cách Trung Quốc khoảng 650 km. Đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền đối với bãi đá Vành Trăng Khuyết (Half Moon Shoal) còn lố bịch hơn. Tại bãi đá này mà Philippines đã bắt giữ các ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt rùa biển khổng lồ, một loài động vật được bảo vệ. Theo phản xạ, Bắc Kinh phản đối. Bãi đá này cách Palawan 110 km và cách Trung Quốc gần 1500 km.

Các đòi hỏi phi lý có từ thời Quốc Dân Đảng và vấn đề không phải là ở chỗ này hay chỗ khác. Không hề có chuyện là các trước đây, các nước đã thỉnh thoảng phải triều cống Bắc Kinh. Đối với các nước buôn bán này, triều cống là một thứ thuế, cái giá phải trả để kinh doanh với Trung Quốc, nhưng không bao hàm vấn đề chủ quyền. Và nếu Trung Quốc thỉnh thoảng hành động như một đế quốc trong vùng, thì điều này chắc chắn gây lo ngại, nhưng không phải là một cơ sở để khẳng định quyền làm chủ đối với một vùng rộng lớn trên biển Mã Lai. Nếu như vậy, thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể nói Ai Cập là của họ và toàn bộ vùng Trung Á là của Nga.

Một nước Trung Hoa phục hưng muốn giương oai sức mạnh của mình và chứng tỏ là ông trùm của khu vực – chính đây là điều mà họ tìm cách thể hiện khi đánh Việt Nam năm 1979 – và nhắc nhở Hoa Kỳ về sự yếu kém của Washington. Thế nhưng, ở đây, cũng có một sự lưỡng lực trong việc đối xử bình đẳng với các nước láng giềng không thuộc tộc Hán, các dân tộc này có lịch sử và văn hóa riêng của họ và ngoại trừ Việt Nam, chưa bao giờ các nước đó chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc.

Lịch sử về sự tự tôn của Trung Quốc, nhất là đối với các tộc có mầu da sẫm hơn, có từ lâu đời. Niềm tin về ưu thế sinh học và sự cần thiết phải bảo vệ và thúc đẩy các đặc trưng di truyền của tộc Hán đã thể hiện mạnh mẽ trong thời kỳ nền Cộng hòa và có được sự cộng hưởng trong công luận cũng như chính sách xã hội của cựu lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu.

Đã từ lâu, tư tưởng này bị bác bỏ ở phương Tây và bị lên án dưới thời Mao Trạch Đông. Như giờ đây, tư tưởng này đang phục hồi ở Trung Hoa lục địa, một vài nhà nghiên cứu cảm thấy khó mà chấp nhận được rằng người hiện đại xuất phát từ Châu Phi và do vậy, Trung Quốc không phải là cội nguồn duy nhất và riêng rẽ của loài người./ Linh Vũ/chuyển ngữ (VN+).

25 May 2014

"Đừng gọi Việt Nam Cộng Hòa là ngụy nữa..."‏

 Nguyễn Tường Thụy

Từ khi quan hệ Việt Trung trở nên căng thẳng chưa từng thấy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1994, Trung Cộng luôn viện dẫn Công hàm của ông Phạm Văn Đồng để nhận quàng rằng, hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Không có một bằng chứng lịch sử nào, Trung Cộng coi Công hàm Phạm Văn Đồng là bảo bối duy nhất để khẳng định chủ quyền của TQ đối với HS và TS.

Có vẻ như nhận thấy khó mà cố vớt vát được tình hữu nghị với phương châm 16 chữ vàng, tình thần 4 tốt cho dù nhẫn nhịn đến mấy, các quan chức cao cấp và báo chí VN rầm rộ phản công lại. Một trong lý lẽ thuyết phục nhất là: Trong thời điểm 1958, hai quần đảo HS, TS thuộc quyền quản lý của Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa. VNDCCH không quản lý nên không có quyền xác nhận hai quần đảo đó là của TQ.

Báo An ninh thủ đô viết:
"Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế".
Còn báo điện tử của Chính phủ dẫn lại bài báo "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam" đăng trên báo Đại Đoàn kết vào tháng 7/2011 có đoạn:
"Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974".
Nhiều báo khác cũng đưa ra lập luận tương tự.

Ông Trần Công Trục nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ trong chương trình thời sự 19 giờ ngày 22/5/2014 của đài VTV1 giải thích:
“Các bạn hãy nhớ rằng tuyên bố của chúng ta vào thời kỳ 1958 nghĩa là cái lúc mà hai miền Bắc, Nam được hiệp định Genève ký kết năm 1954 phân chia quyền quản lý cho 2 nhà nước với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế là Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo Hoàng Sa của chúng ta nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của VNCH với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế theo hiệp định Genève, Và vì vậy, mọi tuyên bố, mọi hành vi của VNCH có giá trị pháp lý thay mặt Nhà nước VN quản lý vùng đất ấy còn VNDCCH chúng ta không trực tiếp quản lý. Vì vậy cho dù tuyên bố đó như thế nào thì giá trị pháp lý trong quan hệ quốc tế không có. Cho nên TQ họ muốn dùng tất cả mọi lý lẽ để nói rằng chúng ta thừa nhận thì đấy hoàn toàn là sự bịa đặt”.
Mời xem lại tại đây: (từ phút thứ 6)



Như vậy, Chính thể Miền Nam Việt Nam từ 1954 (đến 1975) giờ đây đã được Chính phủ nhìn nhận là một Nhà nước có chủ quyền, là một chủ thể trong quan hệ quốc tế.

Hoan hô Chính phủ trước tình thế chủ quyền của Đất nước bị đe dọa đã thừa nhận danh chính cho Việt Nam Cộng Hòa theo đúng bản chất vốn có, thừa nhận VNDCCH không có quyền đối với hai quần đảo HS, TS trong thời kỳ 1954 - 1975 và điều đó cũng có nghĩa rằng thừa nhận sự ngang bằng của hai Nhà nước trong quan hệ quốc tế.

Vì vậy, đừng gọi Chính thể Việt Nam Cộng Hòa, sĩ quan, binh sĩ, công chức VNCH là ngụy nữa nhé.

24/5/2014
nguồn: facebook Nguyễn Tường Thụy
(Via Trang CTM) 

23 May 2014

Tập Cận Bình tiếp tục diệt trừ tàn dư Chu Vĩnh Khang, Bo Xilai.

Đại gia ngành hầm mỏ bị án tử hình

Người đứng đầu tập đoàn khai thác khoáng sản Tứ Xuyên Hanlong Group đã bị kết án tử hình.

Tân Hoa Xã cho biết: Ông Liu Han bị buộc tội dẫn đầu một băng đảng mafia trong suốt hai thập kỉ qua. Bản án dành cho Liu Han được đưa ra sau phiên xử kéo dài gần một tháng.

Tòa kết luận ông này đã ra lệnh trừ khử các đối thủ kinh doanh để củng cố quyền lực và giúp Hanlong duy trì vị thế trong ngành khai mỏ. Được biết ông Liu đã từng là một doanh nhân được Tập Cận Bình đánh giá cao.

"Ông Liu vẫn tiếp tục phủ nhận tất cả các cáo buộc chống lại mình "

Em trai của Liu, Liu Yong, hay còn gọi là Liu Wei, cũng bị kết án tử hình.

Trong thời kỳ hoàng kim của mình, Liu Han là người đứng đầu của tập đoàn khai thác khoáng sản Tứ Xuyên Hanlong Group, xếp thứ 148 trên 2012 danh sách các doanh nhân giàu có nhất Hoa Lục.

Truyền thông Phương Tây nói rằng trước khi Tập Cận Bình lên ngôi, anh em họ Liu có mối liên hệ mật thiết với Chu Vĩnh Khang.

Bo Xilai, cựu bi thư Trùng Khánh, và Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng công an, cả hai liên kết tạo thành thế đứng rất mạnh trong Bộ Chính trị Đảng Hoa Cộng đối đầu với Tập Cận Bình và đã bị Tập trù dập và khu trừ. Nhiều vây cánh của hai nhân vật thế lực bị hạ bệ này lần lượt bị thanh trừng dưới những tội danh khác nhau thường là tội tham nhũng. (TTR tổng hợp)

Bo Xilai (bên trái) và Chu Vĩnh Khang:




Tường trình biến cố chống Tầu Cộng mới đây ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.

(Chường trình Cà Phê Tối)

22 May 2014

Bây giờ mới thấy những gì thiên hạ đã thấy từ lâu, nhưng trễ còn hơn không:

Nguyễn Tấn Dũng: "Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói ."

Tư Hoàng từ Philippines: - Liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự?

TT Nguyễn Tấn Dũng: - Bạn hỏi về biện pháp quân sự. Không. Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ.

Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam.

Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế."

Tin ngắn

Việt Nam dọa kiện Trung Quốc về vụ giàn khoan

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Hà Nội có thể kiện Tầu Cộng vì Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu do nhà nước làm chủ vào hoạt động trong vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn dành cho các hãng AP và Reuters, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Hà Nội 'kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình', nhưng Việt Nam 'không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ'.

Quân đội Thái Lan đảo chính

Hôm nay, quân đội Thái Lan đã chính thức nắm quyền kiểm soát đất nước trong một cuộc đảo chính, 2 ngày sau khi tham mưu trưởng quân đội ban hành thiết quân luật. Quân đội đã bắt giữ các giới chức chính phủ và xiết chặt những hạn chế đối với giới truyền thông.

Nga ký siêu hợp đồng bán 400 tỉ đô la khí đốt cho Tầu Cộng

Hôm qua 21/05/2014 tại Thượng Hải, Nga và Tầu Cộng đã ký kết một hợp đồng khổng lồ trị giá lên đến 400 tỉ đô la nhằm cung ứng khí đốt cho Tầu Cộng trong vòng 30 năm, sau một thập kỷ thương lượng. Các hãng tin AFP và Reuters dẫn nguồn tin từ Matxcơva và Bắc Kinh cho biết như trên.

Ảnh nghệ thuật Hương Kiều Loan


21 May 2014

Đe dọa từ phương Bắc và xã hội dân sự Việt Nam

Tạp chí Xã hội 21-05-2014
Xin bấm vào mũi tên để nghe


Hãy giật mình

Bùi Tín
(Blog BuiTin)

Tình hình đất nước đang cực kỳ nghiêm trọng. Tổ quốc lâm nguy. Kẻ xâm lược lù lù trước ngõ. Cả nước bừng dậy khí thế yêu nước, quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quê hương. Đây cũng là dịp may hiếm có để lãnh đạo và toàn dân chung sức chung lòng, đồng tâm nhất trí trong một đối sách hành động chuẩn xác, trên lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại.

Mọi người Việt Nam trước tình hình hiện tại cần giật mình tỉnh ngộ.

Trước hết lãnh đạo đảng CS và toàn thể đảng viên CS, đoàn viên CS phải giật mình trước hết, để nhận ra rằng hơn 24 năm nay, đảng CS đã có quyết sách sai lầm tự chui vào cái bẫy Thành Đô năm 1990 cực kỳ thâm độc. Hãy giật mình nhận rõ bản chất nham hiểm độc ác của bành trướng Đại Hán là không có giới hạn, vừa tham lam trịch thượng, vừa lừa lọc tiểu nhân. Mỗi ủy viên Bộ Chính trị, mỗi ủy viên Trung ương đảng CS, mỗi đại biểu Quốc hội mà 90% là đảng viên CS, mỗi đảng viên CS, mỗi đoàn viên CS cần có lương tâm và tự trọng công khai xin lỗi toàn dân về quyết sách chiến lược sai lầm ở Thành Đô 24 năm về trước, dẫn đến nguy cơ nghiêm trọng hiện nay và quyết sửa chữa sai lầm đó tận gốc trong thời gian sớm nhất.

Quyết sách mới dứt khoát phải là quyết sách thoát Trung, từ bỏ dứt khoát bánh vẽ 4 Tốt, 16 Chữ Vàng, giữ mối quan hệ hòa bình, láng giềng bình đẳng với Trung Quốc, kết mối quan hệ bạn bè thân thiết và đi đến liên minh toàn diện với Philippines, Malaysia, Indonesia … trong ASEAN, với Ấn Độ, Nhật Bản ở châu Á, với Liên Âu, Úc , và đặc biệt là với Hoa Kỳ, nước đang đương đầu với sự trỗi dậy mang tính chất bá quyền của TQ.

Cần nhận rõ Trung Quốc không có gì đáng sợ. Xưa kia đã vậy, ngày nay càng như vậy. Nước Trung Hoa đại Hán tộc từng bị Nguyên Mông cai trị gần trăm năm, gần đây còn bị nhà Mãn Thanh nhỏ bé thống trị. Không có nước nào trong thế kỷ XX lại để cho “người cầm lái vỹ đại” giết hại đến hơn 60 triệu người dân nước mình trong “bước đại nhảy vọt” và “cuộc cách mạng văn hóa vô sản“, vậy mà kẻ giết người hàng loạt, kẻ cầm đầu tội diệt chủng ấy vẫn còn được coi là lãnh tụ vĩ đại.

Hơn một tỷ dân Trung Quốc vẫn còn mê muội thê thảm giữa thế giới văn minh. Ngày nay Trung Quốc đang mất ổn định lớn, mâu thuẫn các dân tộc dai dẳng, nội bộ hục hặc, bị cả thế giới dân chủ kiềm chế, không dễ gì bắt nạt được các nước xung quanh. Trung Quốc từng gây sự với Liên Xô, với Ấn Độ, khiêu khích Nhật Bản, đe dọa Philippines, luôn ở trong tình trạng bị ngăn chặn và cô lập, hầu như không có bạn thân nào, ngoài nước Cuba đói nghèo ở xa và Bắc Triều tiên ở gần lại là ông bạn gây phiền toái nhất.

Ngoài đảng CS cần phải biết giật mình tỉnh ngộ, cả tầng lớp trí thức dân tộc trong thời gian qua, nhất là trong hơn 24 năm qua, cũng cần giật mình nhận lỗi với toàn dân là đã lơ đễnh, vô trách nhiệm để cho lãnh đạo đảng CS xỏ mũi dẫn dắt cả dân tộc vào ngõ cụt mà không biết tập họp nhau lại để can ngăn, phản đối. Trí thức là kẻ sỹ có hiểu biết sâu rộng, biết chân lý và lẽ phải, có trí tuệ và tâm huyết, phải là đuốc tuệ, là đèn pha soi đường cho dân tộc. Trí thức đã buông trôi tình thế.

Để sửa chữa sai lầm của phần mình, tầng lớp trí thức, kẻ sỹ dân tộc lúc này cần khẩn cấp tụ họp, bàn luận, lên tiếng, chỉ ra con đường sáng duy nhất đúng đắn hợp thời là thực hiện đầy đủ Dân chủ và Pháp quyền ở trong nước, thực hiện liên minh chặt chẽ với mọi nước dân chủ thật sự ở bên ngoài. Đây là cuộc bẻ lái hoành tráng, dũng cảm, khẩn thiết lúc này. Phải rất quả đoán khai thông con đường sáng sủa này.

Đảng CS đã tỏ ra vô trách nhiệm, tại Hội nghị Trung ương 9 lại đi bàn về văn hoá, về các văn kiện và bầu nhân sự cho Đại hội XII sẽ diễn ra 2 năm nữa, không bàn gì đến tình hình nước sôi lửa bỏng ở biển Đông. Rõ ràng họ chỉ như đám kỳ mục xôi thịt ở đình làng thuở xưa, những hương lý cường hào hủ lậu, chỉ lo chức tước, đánh chén, giành phần thủ lợn hay chân giò, y như nhà văn Nguyễn Công Hoan từng mô tả.

Việc bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc là công việc chung của toàn dân, không phải của riêng một đoàn thể, đảng phái nào. Đặc biệt là giới trẻ hãy đi đầu trong cuộc đấu tranh thực hiện sự chuyển đổi cả hệ thống chính trị cũng như về chính sách đối nội và đối ngoại như trên.

Mọi người Việt Nam chúng ta cần nhận ra sai lầm vô trách nhiệm của mỗi người để chung sức tìm ra lối thoát cấp bách, chuẩn xác cho đất nước, cho nhân dân.

Bùi Tín đã từng là
đảng viên Đảng CSVN
đại tá QĐNDVN
Tổng Biên Tập báo "Nhân Dân"

Tin ngắn

* Mỹ truy nã 5 viên chức Trung Cộng về tội gián điệp mạng 

Bộ tư pháp Mỹ ngày 19/5 đã phát lệnh truy nã 5 sỹ quan quân đội Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện hành vi gián điệp mạng vì mục đích kinh tế. Tuyên bố này lập tức khiến Bắc Kinh nổi giận. Trong tuyên bố vừa được phát đi, Bắc Kinh khẳng định họ “chưa bao giờ liên quan hoặc tham gia” vào các vụ trộm cắp qua mạng, và rằng những cáo buộc của Mỹ có thể hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước.  

* Tầu Cộng cấm công sở dùng Windows 8

Một trong những điều khoản của sắc lệnh "Tiết kiệm năng lượng", Bắc Kinh đã chỉ thị loại bỏ Windows 8 ra khỏi các máy vi tính dùng trong công sở: desktop, laptop, tablet... Tân Hoa Xã nhà nước còn nói rằng sự lo ngại về an ninh khi dùng hệ điều hành của ngoại quốc cũng liên hệ đến hành động này của chính phủ.

Lệnh cấm Windows 8 chưa áp dụng cho máy tính cá nhân và tư nhân.

Một cựu viên chức MicroSoft nối rằng thu nhập của công ty đến từ Hoa Lục, vì nạn ăn cắp, còn ít hơn thu nhập đến từ một nước nhỏ như Hòa Lan. (theo BBC)

20 May 2014

Bước ngoặt chính trị tại Việt Nam

Nguyễn Hưng Quốc

Các biến động ồn ào chung quanh sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào khu vực được xem là thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chưa biết sẽ kết thúc như thế nào, tuy nhiên, theo tôi, có một điều hầu như chắc chắn: sau này, nhìn lại, có thể thấy đây là một trong những bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của chính trị Việt Nam trong mấy thập niên vừa qua.

Khả năng xấu nhất, đáng lo ngại và đáng buồn nhất là nó biến cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc từ phạm vi pháp lý và ngoại giao sang phạm vi quân sự. Khi tiếng súng đã nổ, không ai dám chắc là diễn tiến của cuộc chiến sẽ như thế nào. Từ xưa đến nay, trong lịch sử, tất cả các nhà lãnh đạo đều chỉ biết khai chiến nhưng không ai dám chắc chắn cách thức kết thúc cuộc chiến ấy cả. Tất cả đều tùy thuộc vào đối thủ và những yếu tố bên ngoài, có khi rất ngẫu nhiên, làm lệch hẳn những dự định ban đầu.

Tạm thời loại trừ khả năng quân sự ở trên, biến cố HD-981 chắc chắn sẽ làm thay đổi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lâu nay, hầu như ai cũng thấy Trung Quốc có một tham vọng chính: trở thành một siêu cường quốc số một nếu không phải của thế giới thì ít nhất của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Để thực hiện tham vọng ấy, một trong những điều Trung Quốc cần làm và nhất định sẽ làm là chiếm lĩnh các con đường hàng hải phía đông và phía nam, trong đó, có Biển Đông thuộc về Việt Nam. Khó tin là giới lãnh đạo Việt Nam không thấy được điều đó. Nhưng, căn cứ vào ngôn ngữ và cách hành xử của họ, không loại trừ khả năng là họ vẫn có chút ảo tưởng là sự nhẫn nhục của có thể sẽ làm động lòng Bắc Kinh để Bắc Kinh sẽ nhẹ tay với họ hoặc trì hoãn các ý đồ tấn công, nhờ đó, họ sẽ có thêm thời gian để phát triển kinh tế và chuẩn bị lực lượng. Bây giờ, sự ngang ngược của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến nhà cầm quyền Việt Nam thức tỉnh, thấy những hy vọng của họ thực chất chỉ là một ảo tưởng.

Sự thay đổi trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ dẫn đến những sự thay đổi trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước khác. Trước đây, chắn chắn là chính quyền Việt Nam muốn và cố tìm cách mở rộng, hơn nữa, thắt chặt quan hệ với nhiều nước khác, nhất là với Mỹ, để tạo thế liên minh chiến lược. Nhưng họ lại sợ Trung Quốc. Khi sự xung đột đã bị đẩy lên điểm cao và công khai, có lẽ chính quyền Việt Nam có thể vượt qua những sự sợ hãi ấy để xúc tiến thật nhanh các quan hệ chiến lược họ cần.

Hai sự thay đổi trên sẽ dẫn đến sự thay đổi trong tuyên truyền. Thứ nhất, những khẩu hiệu 4 tốt (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và 16 chữ vàng (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) mà họ cứ lặp đi lặp lại trong các diễn văn và các cơ quan truyền thông sẽ trở thành vô duyên, thậm chí, ngu ngốc. Thứ hai, nếu họ không đủ can đảm để gọi thẳng Trung Quốc là kẻ thù thì ít nhất cũng xem các hành động bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc là một hành động xâm lược. Những thay đổi trong tên gọi này sẽ là điều kiện để thổi bùng lòng yêu nước của người Việt Nam. Nói chung, khó nói được là người Việt Nam hiện nay không yêu nước như lời phàn nàn của một số nhà bình luận hoặc hoạt động. Tuy nhiên, khác với các loại tình cảm cá nhân vốn dễ thể hiện trong đời sống hàng ngày, lòng yêu nước thường chỉ chìm ẩn, có khi ngỡ không hề tồn tại, nếu nó không được nuôi dưỡng và khơi động bằng hai hoặc một trong hai thứ cảm xúc khác: tự hào và/hoặc căm thù. Tự hào thì Việt Nam không có hoặc chưa có gì để tự hào. Nhưng căm thù thì có sẵn, chỉ cần chính quyền gọi thẳng tên ra: xâm lược.

Khi đã thừa nhận Trung Quốc là kẻ thù hoặc ít nhất, kẻ đang tiến hành một hành động xâm lược trên biển đảo, chính quyền khó có lý do để ngăn chận các biểu hiện căm thù của dân chúng đối với Trung Quốc. Không sớm thì muộn, họ sẽ bị buộc phải phóng thích những người đã bị bắt bớ và giam cầm chỉ vì cái “tội” xuống đường biểu tình chống Trung Quốc trước đây và cũng bị buộc phải ít nhiều hợp thức hóa việc bày tỏ thái độ phẫn nộ của dân chúng đối với Trung Quốc.

Việc hợp thức hóa ấy, bất kể ở mức độ nào, cũng là một cách mở ngỏ cho khả năng hình thành và phát triển các loại hình xã hội dân sự tại Việt Nam. Tôi cho đó là một trong những điều kiện quan trọng nhất để xây dựng một nền dân chủ thực sự trong tương lai. Những thay đổi về thể chế rất dễ có nguy cơ dẫn đến một nền độc tài kiểu khác khi người dân chưa sẵn sàng cho sinh hoạt dân chủ. Sự sẵn sàng ấy có thể được nhìn thấy qua hai hiện tượng: một, hữu hình: các tổ chức xã hội dân sự; và hai, mơ hồ và trừu tượng hơn: văn hóa dân chủ ở đó mọi người biết tôn trọng những cái khác và sẵn sàng chấp nhận giải quyết các xung đột qua biện pháp thương thảo, kể cả nhân nhượng.

Cuối cùng, một điều có thể sẽ xảy ra, khi Việt Nam dám công khai xem Trung Quốc là kẻ thù, là sự sụp đổ của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Người Việt Nam, từ xưa đến nay, chưa bao giờ mạnh về lý thuyết và cũng chưa bao giờ tự tin trong các vấn đề liên quan đến chủ thuyết. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Nga và Đông Âu, lý do chính khiến nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa xã hội là vì họ có một chỗ dựa về trí thức cũng như tính thần nói chung: Trung Quốc. Khi Trung Quốc đã trở thành kẻ thù hoặc, ít nhất, kẻ đối lập, Việt Nam sẽ trở thành lố bịch nếu vẫn tiếp tục nhân danh lý tưởng xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Trung Quốc.

Ngay cả khi những khả năng ở trên (trừ điểm thứ nhất) thành hiện thực, một kết thúc thực sự có hậu cũng chưa chắc đã xảy ra. Không nói, hầu như ai cũng biết, chính quyền Việt Nam hiện nay theo đuổi hai tính toán khác nhau: Một, hòa giải các áp lực đến từ Trung Quốc; và hai, hoá giải các yêu sách dân chủ hóa của dân chúng. Mục tiêu lớn nhất của họ là, một mặt, không có xung đột với Trung Quốc, hoặc nếu có, sẽ chiến thắng và chấm dứt xung đột một cách nhanh chóng; và hai, vẫn duy trì được quyền lực độc tôn tại Việt Nam.

Nếu phải chọn một, có khi họ chọn mục tiêu sau. Trong trường hợp đó, không có gì bất hạnh hơn cho dân tộc.

(Blog Nguyễn Hưng Quốc )

Tập Cận Bình, Putin cam kết tăng cường quan hệ

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người tương nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa có những mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn tại cuộc họp ở Thượng Hải ngày hôm nay.

Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết 49 thỏa thuận trong các lãnh vực như năng lượng, giao thông và hạ tầng cơ sở, nhưng không có chi tiết nào được đưa ra.

Mặc dù vậy, hai nước không thể đạt được một thỏa thuận chờ đợi lâu nay về việc Nga cung cấp cho Trung Quốc nhiều tỉ đô la khí đốt trong 30 năm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi các mối quan hệ với Nga. Ông cho rằng mối quan hệ này quan trọng để tăng tiến tư thế của mỗi nước trên trường quốc tế.

“Chúng tôi xem trọng sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga. Chúng tôi sẽ bắt đầu những dự án hợp tác chiến lược rộng rãi hơn để cải thiện quyền lực của hai quốc gia chúng ta và sự cạnh tranh quốc tế.”

Trong khi đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những quan hệ lớn mạnh về quân sự giữa Nga và Trung Quốc, mà ông nói có thể giúp giữ gìn hòa bình trong vùng.

“Hợp tác giữa quân đội hai nước rất quan trọng. Hợp tác giữa bộ quốc phòng hai nước cũng rất quan trọng. Sự hợp tác này rất có ý nghĩa trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.”

Chính phủ của ông Putin đã ngày càng trở nên cô lập hơn tiếp theo sau những chế tài của Tây phương vì những hành động của Moscow tại Ukraine.

Những chế tài  này cũng đã khuyến khích Nga để ý đến những khách hàng mua khí đốt của nước này không thuộc châu Âu.

Thỏa thuận sẽ thích hợp cho Trung Quốc hiện đang thiếu khí đốt và trông cậy nhiều vào than đá.

Trong khi các giới chức Nga nói thỏa thuận khí đốt có tiến bộ nhưng dường như vẫn còn những bất đồng về giá cả. (VOA)

19 May 2014

VOA: TQ rút hàng ngàn công nhân về nước, ngưng một số trao đổi với VN

Trung Quốc đã di tản hơn 3.000 công nhân ra khỏi Việt Nam và thêm 4.000 lao động khác đang chờ được Bắc Kinh đưa về nước sau khi Hà Nội để xảy ra các cuộc biểu tình bạo động nhắm vào người Trung Quốc tại nhiều khu công nghiệp lớn.

Trung Quốc ngày 18/5 loan báo điều động 5 chiếc tàu sang Việt Nam chở công nhân về. Hai chiếc đã cập cảng Vũng Áng ở Hà Tĩnh sáng nay.

Các cuộc biểu tình trở thành bạo động ở các khu công nghiệp miền Nam và miền Trung Việt Nam trong tuần qua, khiến ít nhất một công dân Trung Quốc thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau khi Trung Quốc cho giàn khoan Hải dương 981 hoạt động tại khu vực mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Bắc Kinh hôm qua cũng thông báo sẽ ngưng một số kế hoạch trao đổi song phương với Hà Nội để đáp lại các vụ bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bạo động nghiêm trọng nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam từ ngày 13/5 đã gây ra tổn thất về người và của cho Trung Quốc, phá hoại môi trường và điều kiện hợp tác-giao tiếp Việt-Trung.

Trung Quốc còn cảnh báo sẽ có thêm những biện pháp đáp trả khác nữa tùy theo diễn tiến tình hình, làm dấy lên các quan ngại về những thiệt hại to lớn cho Việt Nam, một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Hà Nội tại Trung Quốc, cựu Tổng lãnh sự Dương Danh Dy, cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Bắc Kinh sẽ gây phương hại cho chính Trung Quốc nhiều hơn cho Việt Nam:
“Trong buôn bán, làm ăn kinh tế giữa Trung Quốc với Việt Nam hiện nay phải nói thẳng là hai bên cùng có lợi. Việt Nam hiện nay nhập siêu từ Trung Quốc mười mấy tỉ đô la. Cho nên nếu Trung Quốc ngừng làm ăn với Việt Nam thì Trung Quốc thiệt hơn, chứ không phải là Việt Nam thiệt đâu.”
 Trung Quốc đã huy động gần 130 tàu các loại ra bảo vệ giàn khoan 981. Trong số này có 2 tàu quân sự mới tăng cường là tàu tên lửa tấn công nhanh 755 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh 789.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nói Việt Nam  sẵn sàng đối phó với Trung Quốc giữa sự ủng hộ của quốc tế trong lúc Bắc Kinh đang tự thể hiện mình là bên gây hấn qua các hành động bất chấp luật lệ quốc tế và khiêu khích:

“Người Việt Nam trong nước chúng tôi không sợ những hành động của Trung Quốc. Chúng tôi kiểu gì trong tình hình này cũng phải đối phó với Trung Quốc, ít nhất cũng phải bằng với mức như năm 1979. So với năm 79, bây giờ chúng tôi thuận lợi hơn nhiều. Bây giờ Việt Nam được sự ủng hộ của Mỹ, của các nước phương Tây đối với chuyện này. Cho nên, tình hình bây giờ Việt Nam thuận lợi hơn trước nhiều. Chúng tôi không dám coi thường ông bạn phương Bắc, nhưng chúng tôi bây giờ không phải như năm 79 nữa đâu. Chúng tôi cũng thấy rõ rồi, đây không phải là một nước xã hội chủ nghĩa. Đây  không phải là đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, mà đây là bá quyền đại Hán. Suốt từ khi Trung Quốc bắt đầu liên quan đến cách mạng Việt Nam đến giờ, họ chỉ tìm cách trục lợi từ Việt Nam thôi. Họ kiếm lợi từ Việt Nam thôi, họ luôn luôn làm ăn trên lưng chúng tôi thôi. Cho nên chúng tôi không sợ gì họ cả mà sẵn sàng thôi.”

Dù vậy, ông Dy dự đoán căng thẳng sẽ không leo thang đến mức xung đột, vì:

“Lúc nào nhân dân Việt Nam cũng muốn chung sống hòa bình trong độc lập tự chủ với nhân dân Trung Quốc, chứ không muốn đối đầu căng thẳng với họ làm gì. Bây giờ có thể tạm thời tình hình căng thẳng như vậy, nhưng rồi vẫn phải tìm cách để có những sự thỏa hiệp, có những bứơc để hai bên có thể tiếp tục chung sống với nhau, trừ phi Trung Quốc cố tình gây sự.”

Truyền thông nhà nước cho hay các tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc vẫn tiếp tục uy hiếp, cản trở tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Tính đến nay, Trung Quốc đã huy động gần 130 tàu các loại ra bảo vệ giàn khoan 981. Trong số này có 2 tàu quân sự mới tăng cường là tàu tên lửa tấn công nhanh 755 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh 789.

Chính quyền Việt Nam đã trấn dẹp các cuộc biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, và Nha Trang hôm 18/5.Chính quyền Việt Nam đã trấn dẹp các cuộc biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, và Nha Trang hôm 18/5.

Chính phủ Hà Nội đã tăng cường nỗ lực vãn hồi trật tự và cam kết bảo vệ công dân Trung Quốc tại Việt Nam. Nhà chức trách đã bắt giữ trên 800 người trong các vụ bạo loạn ở Bình Dương và Hà Tĩnh trong tuần qua.

Việt Nam cũng nhanh chóng trấn dẹp các cuộc xuống đường tại nhiều miền đất nước hôm 18/5. Các video phổ biến trên những trang mạng xã hội cho thấy nhiều người bị bắt giữ, bị hành hung khi tham gia các cuộc tuần hành lần này. Trước đó, Việt Nam đã để cho các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra tại các thành phố lớn từ Nam ra Bắc hôm 11/5.

TQ rút hàng ngàn công nhân về nước, ngưng một số trao đổi với VN

Trong khi đó, người Việt ở hải ngoại liên tiếp tổ chức các cuộc tuần hành trước các cơ quan ngọai giao của Trung Quốc từ Châu Á, Châu Âu, Châu Úc, tới Châu Mỹ để phản đối Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam và cách phản ứng của nhà cầm quyền Hà Nội.

Công nhân Trung Quốc lên tàu về nước tại cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, ngày 19/5/2014.
Công nhân Trung Quốc lên tàu về nước tại cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, ngày 19/5/2014.

18 May 2014

Nghe Nhạc Cuối Tuần:

Tình Tự Mùa Xuân

Nhạc Từ Công Phụng
Trình bày : Phi Khanh.

Mến tặng hiền thê HVYên, chị Trần Cát Như Nga và các bạn ĐS 14

Tình Tự Mùa Xuân là  tình ca bất hủ của đồng môn TCPhụng, được anh viết vào tuổi thanh xuân đẹp nhất của anh để tôn vinh tình yêu lứa đôi bất diệt mà khi  ca khúc được hát lên, người nghe cảm thấy thanh thoát, nhẹ nhàng như hương thơm bay trong gió, mượt mà tựa thảm nhung hồng chất đầy vị ngọt  mật ong, đến nỗi ta như được chắp cánh  bay bổng, vươn tới những giấc mơ đẹp.

Nhưng trong chỗ riêng tư của Khóa ĐS 14, TCPhụng có lẽ chẳng bao giờ nghĩ, sáng tác của Phụng đã tạo nguồn cảm xúc cho người quả phụ, hiền thê  người bạn đồng khóa với mình đã khuất trên đường tìm tự do, trong nỗi cô đơn mất chồng, chị ngồi  thinh lặng trên phiến đá có khắc tên chồng tại Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam trên đường Bolsa vào dịp 30/4 vừa qua, vẻ mặt trầm buồn,  trải lòng để tâm trí và con tim giao thoa cùng chồng đang ở đâu đó bên chị như những tự tình  Mai Khanh thổn thức  “Anh, lại  đây với em, ngồi đây với em…”

Về phần tôi, sáng nay thứ bảy, tôi ngồi lặng yên  xem Videoclip do NĐTín thực hiện ghi lại hình ảnh các bạn ĐS 14 Nam Cali cùng chị Nga tới thăm Yên ở Đài Tưởng Niệm (https://www.youtube.com/watch?v=UsBUa3tWJqc ) và khéo léo chọn Tình Tự Mùa Xuân  mà tác giả là bạn đồng lớp tại Học Viện làm nhạc nền khiến  những cảm xúc của tôi dâng dâng tràn khi nghĩ tới người bạn vắn số đứt gánh  giữa đường thời tao loạn. Tôi xem đi, xem lại và chỉ kịp lau khô dòng lệ, nén  cảm xúc viết  lời binh cho bản nhạc gửi các bạn cùng thưởng thức để nhớ về một thời.

 Mến chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc bên người thân.

Thân mến
TeHong

17 May 2014

KHÔNG MUA HÀNG CHINA.

Không !
Tôi không mua hàng sản xuất ở China,
Dù gía rẻ,
Dù kiểu hàng trình bày đẹp đẽ,.
Ở các chợ Mỹ,
Hay các chợ Châu Á, chợ Việt Nam…
Tôi cầm món hàng lên,
Đọc thấy “Made in China”,
Hay có những món hàng,
Chỉ ghi những giòng chữ nhỏ mịt mờ,
Không dám ghi rõ nơi xuất xứ,
Tôi biết,
Là của người Trung Quốc,
Họ biết thế giới tẩy chay sản phẩm của mình,
Nên lập lờ qua mặt khách hàng,
Chỉ ghi nơi phân phối hàng hóa,
Là những công ty ở Mỹ

Đã từ lâu tôi hạn chế tối đa,
Không mua hàng China,
Vì không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm,
Họ không có lòng tự trọng,
Chỉ biết thu lợi nhuận,
Những sản phẩm độc hại không an toàn cho người tiêu dùng.
Tôi đã ném những món hàng giả dối ấy,
Trả lại quày hàng,
Với lòng dửng dưng và khinh bỉ.

Không !
Tôi không mua hàng China,
Vì lòng tự ái dân tộc,
Người hàng xóm hiểm độc,
Đã chiếm đất, chiếm biển tổ quốc tôi,
Họ đặt giàn khoan,
Hải Dương 981,
Vào thềm lục địa Việt Nam,
Như một tên cướp biển nghênh ngang,
Bất chấp luật pháp quốc tế,
Bất chấp công ước Liên Hiệp Quốc về biển.
Họ tung hoành biển Đông,
Uy hiếp các nước láng giềng,
Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines…..
Tôi không là chiến sĩ,
Tôi không có vũ khí,
Để chống kẻ xâm lăng.
Tôi chỉ góp một quyết tâm,
Không mua hàng China !
Một đất nước có chính quyền và những con người xấu xa,
Gây bao hiểm họa,
Trên thương trường và cả chính trường.

   Nguyễn Thị Thanh Dương
     ( May, 16, 2014)

16 May 2014

Giải pháp duy nhất cho đảng CSVN để bảo vệ chủ quyền quốc gia

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Phần I: Chiến lược bành trướng của Trung Quốc

Trung Quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự rất hùng hậu. GDP và chi phí quân sự đều đứng thứ hai trên thế giới. Nền kinh tế luôn đòi hỏi nguồn nguyên, nhiên liệu rất lớn cho sự phát triển. Bởi vậy, việc tìm kiếm các nguồn nguyên, nhiên liệu luôn được ưu tiên trong chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Chúng ta hãy cùng suy xét xem quốc gia nào trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là mục tiêu bành trướng đầu tiên của Trung Quốc?

Nhìn lên phía Bắc của Trung Quốc là một nước Nga hùng mạnh về quân sự và rất cứng rắn trong vấn đề chủ quyền quốc gia. Hải quân Nga không nhân nhượng mà đã nổ sung vào tàu cá của TQ khi xâm phạm lãnh hải của họ. TQ còn thua kém Nga rất nhiều về tiềm lực quân sự. Do vậy, TQ không thể bành trướng sang nước Nga.

Nhìn sang phía Đông là Hàn Quốc và Nhật Bản, Đài Loan. Họ đều hùng mạnh về kinh tế, quân sự và là đồng minh của Mỹ. Mỹ có hiệp ước an ninh với Nhật và Hàn, có luật về bảo vệ Đài Loan. TQ không thể bành trướng về phía Đông.

Nhìn sang phía Tây là các nước Trung Á, là vùng đệm chiến lược của Nga. Tiếp đó là Afganistan, quân Mỹ và Nato đang đóng quân ở đó. Tiếp đến Pakistan đang là đồng minh của TQ. Còn Ấn Độ là cường quốc kinh tế, quân sự, là đối thủ ngang sức của TQ. Tiếp theo là Miến Điện, đang là đồng minh, đối tác tốt của TQ. Nhưng tương lai, Miến Điện có thể là đồng minh của Mỹ và phương Tây.

Phía Nam là Philippin và Việt Nam. Philippin có hiệp an ninh với Mỹ và là đồng minh lâu năm của Mỹ. TQ không thể tùy tiện mà bành trướng sang Philippin.

Việt Nam có biển Đông với trữ lượng dầu khí, khoáng sản và thủy hải sản dồi dào. Kinh tế kém phát triển và phụ thuộc nhiều vào TQ về nguồn nguyên liệu. Chi phí quốc phòng chỉ bằng 1/30 của TQ. Lực lượng hải quân và không quân chỉ bằng 1/3 hạm đội Nam Hải của TQ. Việt Nam không có đồng minh để có thể giúp đỡ quân sự, chuyên gia quân sự, hậu cần, thông tin tình báo,… nếu xảy ra xung đột. Chính quyền và đảng CS cầm quyền thì tham nhũng, nhu nhược và không đoàn kết, đánh mất niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân.

Bởi vậy, Việt Nam là mục tiêu yếu nhất và dễ nhất trong chiến lược bành trướng của TQ. Và thực tiễn đã, đang và sẽ chứng minh điều này.

Chiến lược bành trướng của TQ đối với VN

Hiện tại và tương lai, Trung Quốc không sử dụng quân sự để tấn công đánh chiếm các đảo của VN ở quần đảo Trường Sa trước. Mà TQ đang và sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật lấn chiếm từng bước vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Họ tiếp tục sử dụng lực lượng quân sự, bán quân sự, dân sự với số lượng áp đảo để tiếp tục duy trì và đặt các dàn khoan mới. Mỗi năm, họ có thể đặt từ 2-3 dàn khoan và từng bước lấn chiếm cho tới khi hết các vùng biển có tiềm năng dầu khí của VN.

Các giải pháp đối phó của VN:

Việt Nam chỉ đưa các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư ra thực thi công vụ, thì chẳng khác gì con muỗi cắn vào mông con voi. Chỉ tự thiệt hại về kinh tế, tài sản, thương vong về người mà trong khi TQ vẫn tiếp tục lẫn chiếm.

Việt Nam sử dụng quan hệ ngoại giao để kêu gọi và được cả thế giới ủng hộ, lên tiếng, thì đó cũng chỉ là những phát ngôn, tuyên bố chính trị, ngoại giao. TQ vẫn trơ mặt mà tiếp tục lấn chiếm. Lợi ích quốc gia về kinh tế, chính trị, an ninh của họ vẫn quan trọng hơn. Các nước khác dù ghét TQ nhưng vẫn là đối tác kinh tế của họ.

Việt Nam kiện TQ ra các tòa án quốc tế và thắng kiện. VN cũng không đủ sức mạnh để dùng các phán quyết, bản án đã thắng đó để thi hành án, thực thi phán quyết với TQ. Thắng kiện nhưng không đòi lại được chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Cuối cùng là Việt Nam phải dùng giải pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. VN không có đồng minh và tiềm lực quân sự lại thua kém TQ. TQ sẽ mượn cớ VN dùng vũ lực giải quyết tranh chấp, TQ sẽ uy hiếp trên đất liền và dùng toàn bộ sức mạnh tiêu diệt lực lượng quân sự của VN trên biển, đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa. Lúc đó, người VN muốn rửa chân ở biển cũng phải xin phép TQ. Việt Nam không thể một mình, đơn phương dùng giải pháp quân sự với TQ.

Vậy, giải pháp nào để VN có thể bảo vệ được chủ quyền lãnh hải quốc gia của mình?
(còn tiếp)