28 March 2014

Bềnh Bồng Ngày Tháng Cũ

Viết nhân dịp Thời Luận tái bản tác phẩm “Yêu” - 
Truyện Phim và Phân Cảnh của Đạo Diễn Đỗ Tiến Đức)

Vào những năm đầu thập niên 50’s của thế kỷ trước, ở Việt Nam, phong trào Hướng Đạo tái phát triển mạnh mẽ sau nhiều năm bị gián đoạn vì thời cuộc. Năm 1949 tại Hà Nội, Trưởng Trần Trung Ru (1916-2000) thành lập Liên đoàn Bạch Đằng mà khởi sự chỉ có một Thiếu đoàn và một bầy Sói con (1949), nhưng chỉ một năm sau (1950) nhân số Hướng Đạo Sinh đã lên tới 4 liên đoàn, bao gồm các đoàn: Bạch Đằng, Chí Linh, Ngô Quyền, Bình Than và Trưởng Ru trở thành Đạo Trưởng một đạo có tên là Đạo Đồng Nhân, quản trị cả 4 liên đoàn kể trên.

Vào thời gian ấy, tôi gia nhập Thiếu đoàn Bình Than do anh Phạm Đản làm Đoàn trưởng. Sau một năm sinh hoạt thì tôi được tuyên hứa, lại sau 6 tháng lấy được bằng Hạng Nhì, tôi  được giao phó nhiệm vụ làm đội trưởng đội Én mà trong số bẩy đội viên dưới quyền trông nom của tôi, có đội sinh Đỗ Tiến Đức !

Đức hồi đó người nhỏ nhắn, chân tay mảnh khảnh và hiền như cục đất. Nhà anh ở mãi dưới khu Hoàng Mai, gần chùa Liên Phái, ngoại ô Hà Nội. Xa xôi là thế mà chẳng kỳ họp nào anh vắng mặt. Mà nơi họp đâu có gần gũi gì. Chúng tôi thường hay tụ tập vào mỗi sáng Chủ Nhật để họp Đoàn ở sân cỏ Nhà Bác Cổ ngay sau lưng Nhà Hát Lớn Hà Nội. Họp Đoàn xong thì họp Đội để học luật Hướng Đạo, tập hát, tập thắt Nút bằng dây thừng, tập thông tin bằng chữ Morse và chơi những trò chơi Hường Đạo. Năm ấy, Đỗ Tiến Đức còn là học sinh Lớp Nhất của trường tiểu học Đại La ở đường Tô Hiến Thành mà anh Đoàn Trưởng Phạm Đản lại cũng là giáo viên dạy lớp mà Đỗ Tiến Đức đang theo học.

Phải thành thật mà nói, trong suốt thời gian sinh hoạt với nhau ở Thiếu đoàn Bình Than ấy, tôi không hề thấy Đỗ Tiến Đức chứng tỏ mình là một tay có khiếu về văn chương nghệ thuật. Đức tầm ngầm viết lách những gì mà chẳng hề hé môi tiết lộ cho ai biết. Thỉnh thoảng tôi tới thăm anh Đản sau giờ anh giảng dạy, anh có cho tôi coi bài Luận văn của Đức làm trong lớp. Đọc thấy cũng không có gì xuất sắc để nghĩ rằng cái cậu học trò chân chỉ hạt bột này về sau sẽ trở nên tiếng tăm lừng lẫy chẳng ở một ngành mà nhiều ngành khác biệt.

Thế rồi Hiệp định Genève được ký kết. Trong cả đám người khổng lồ di cư vào Nam năm 1954 có cả tôi và Đỗ Tiến Đức. Ngay năm ấy, Đỗ Tiến Đức đã cho ra đời tác phẩm đầu tay là một cuốn tiểu thuyết có tên là Hoa Niên. Thật là bất ngờ khi tác giả hãy còn ở tuổi vị  thành niên ! Tuy nhiên, vào thời gian ấy, tức những năm đầu của cuộc di cư vĩ đại, cuộc sống ở đâu cũng gần như bị xáo trộn nên ai cũng bù đầu lo chuyện riêng tư, thành ra tác phẩm đầu tay này của Đỗ Tiến Đức ít  ai được biết tới. Đã thế, ngay về mặt đời sống, vào giai đọan đó, Đỗ Tiến Đức ở đâu, làm gì, tôi cũng không được biết vì chúng tôi cũng không có dịp liên lạc với nhau sau khi di cư vào Nam nữa.

Tuy vậy, con đường lập thân của cậu Đội sinh đội Én năm xưa cũng đã rất thênh thang. Đỗ Tiến Đức qua bậc trung học rồi đi học Luật, học Quốc Gia Hành Chánh, rồi nhập ngũ Sinh viên Sĩ Quan Khóa 3 Đồng Đế và là cựu học viên Khóa I Trường Cao  Đẳng Quốc Phòng. Ở lãnh vực dân sự, anh còn làm Thanh Tra Trưởng Bộ Thanh Niên, làm Giám ĐốcThông Tin, rồi Giám Đốc Nha Điện Ảnh nữa.

Phải thành thực mà nói, trong cái đám học sinh lau nhau dời cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, tạo được một chỗ đứng bề thế vừa kể trên như Đỗ Tiến Đức thì thật là hiếm hoi và hết sức đáng kể. Tuy nhiên, đối với tôi thì điều đáng kể nhất về Đỗ Tiến Đức chính là tác phẩm Má Hồng mà anh cho in nhiều kỳ trên tạp chí bách Khoa, tới năm 1968 thì nhà Thời Mới ấn hành thành sách, qua năm 1969 tác phẩm này đoạt ngay Giải Nhất Văn Chương Toàn Quốc.

Những ‎tưởng Đỗ Tiến Đức chỉ viết văn thuần túy, nhưng hầu như ở con người này, chẳng có lãnh vực nào anh coi là thuần túy cả. Cũng giống như cái chuyện tác phẩm Má Hồng đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc đâu có phải anh có ý ‎ ‎định dự Giải mà là do tòa soạn Bách Khoa tự ý gửi đi theo thể lệ hồi đó Giải chỉ tuyển chọn trong số các tác phẩm gửi tới dự thi. Anh ỡm ờ với văn chương như vậy nên tôi không lấy làm lạ khi anh ngỏ ‎‎‎ định viết cuốn hồi ký ‎ “ Thuở không mơ làm văn sĩ” sau khi đã đọc cuốn  “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ “ của tôi  vừa tái bản ở hải ngoại. Thế cho nên tác phẩm kế tiếp sau Má Hồng không phải là một cuốn tiểu thuyết khác như mọi người chờ đợi, mà lại là một tác phẩm chuyên ngành rất hiếm hoi. Đó là cuốn Phim Truyện Ngọc Lan do chính anh viết kịch bản phim lại cũng là đạo diễn khi chuyển từ sách sang phim nhựa. Cuốn phim Ngọc Lan này là một thất bại cay đắng mà theo tiết lộ của nhà văn Trùng Dương Nguyễn thị Thái thì : “Ngọc Lan bị giới ba-tầu trù ếm bằng cách mua về chiếu nhưng không hề quảng cáo khiến số thu hết sức thê thảm ảnh hưởng tới tư thế đạo diễn không nhỏ”( trong bài viết Nhóm Phim Nghệ Thuật, một tổ hợp của những người tay trắng)

Tuy nhiên không vì thế mà Nhóm Phim Nghệ Thuật chịu lùi bước. Nhân cuốn truyện Yêu của nhà báo Chu Tử đang gây sôi nổi trong dư luận thời đó, Đỗ Tiến Đức điều đình với tác giả xin chuyển thể thành phim và anh đã ngồi xuống viết ngay tác phẩm “Yêu, truyện phim và phân cảnh” vừa được thực hiện thành phim, vừa ấn hành thành sách năm 1972 ở Sài Gòn.

Cuốn sách này không có số phận may mắn như cuốn Má Hồng, vì tác giả sau những năm tù đầy vì “cải tạo”, đã xuống thuyền vượt biên và mang theo được cả cuốn Má Hồng. Năm 1980, nhà xuất bản Kim của họa sĩ Lâm Triết ở Los Angles khi tái bản tác phẩm này đã cho biết : “ Má Hồng bản in  trên giấy báo đã nhàu nát và hoen ố nước biển lẫn mồ hôi  của Đỗ Tiến Đức, phải cố gắng và kiên nhẫn lắm mới có thể gửi tới tay bạn đọc, nếu còn những trang nào bị mờ hoặc lem đôi chút xin quý bạn niệm tình thứ lỗi”.

Ngẫm lại những năm vật đổi sao rời, dân chúng miền Nam mất mát đã lắm, nổi trôi cũng nhiều, nhưng trong lãnh vực văn học nghệ thuật thì những chi tiết kể trên hẳn cũng đã là chứng tích của cả một thời nước non điên đảo  khiến cho người đọc vừa cảm động lại cũng không khỏi thấy lòng ngậm ngùi.

Còn nói cuốn “Yêu, truyện phim và phân cảnh” không được may mắn như cuốn Má Hồng vì chẳng tác giả nào lại có thể khuân đi hết những tác phẩm của mình lúc xuống thuyền vượt biên (ở thời gian đó Đỗ Tiến Đức đã có tới 6 tác phẩm in thành sách rồi). Cũng như số phận các tác phẩm của hầu hết các nhà văn miền Nam sau 30-4-1975, một số bị đám thanh niên đeo băng đỏ xông vào từng nhà tịch thu để đem đi xay thành bột giấy, một số khác tràn xuống lề đường để trở thành những loại sách bán xon (solde) mà người đứng bán, nếu không phải họ hàng thân thích của cán bộ thì cũng là những người đã được cán bộ bảo kê. Một loại chợ sách bán xon như thế đã tồn tại thêm vài năm nữa và tọa lạc ở đường Ký Con sau lưng đường Hồ văn Ngà, gần rạp Đại Nam Sài Gòn.

Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào cũng chịu chung những số phận như thế. Đã có nhiều cuốn trôi giạt vào tủ sách ở nhà của những cán bộ có quyền hành và ngay cả trong thư viện của một số cơ quan, trong đó có thư viện của Thành Ủy Sài Gòn. Sở dĩ tôi biết được điều này là vì một ấn bản cuốn “Yêu, truyện phim và phân cảnh” của Đỗ Tiến Đức đã có đóng dấu “Thư Viện Thành Ủy”. Cái cuốn này quả cũng có một quá khứ phiêu giạt ly kỳ không kém cuốn Má Hồng của cùng tác giả.

Thoạt tiên nó “xổng” từ cái gọi là  thư viện Thành Ủy nói trên để phải ra nằm lề đường và một ngày nào đó đã có người bỏ tiền ra “chộp’ được. Người may mắn đó chính là ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc nhà sách Khai Trí, một người nổi tiếng yêu quí sách, nhất là những cuốn sách giá trị của miền Nam trước năm 1975.

Năm 1991, ông Nguyễn Hùng Trương được xuất cảnh sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình. Nhân dịp này ông đã chuyển qua đường hàng hải rất nhiều cuốn sách quý, trong đó có cuốn “Yêu, truyện phim và phân cảnh” của Đỗ Tiến Đức.

Một ngày đầu mùa hạ năm 1996,  tôi tới thăm ông và ông hỏi tôi có rảnh rang không. Tôi đáp dĩ nhiên là có. Thế là ông nhờ tôi chở tới một cái kho chứa cho thuê (storage) nằm trên đường Bolsa ở Orange County mà ngày nay nơi đó đã trở thành một khu thương xá nhộn nhịp và bề thế. Tôi đã phụ với ông dọn dẹp sạch boong cái kho chứa này vốn chỉ có toàn sách và báo. Thì ra ông đã dọn dẹp mọi thứ để chuẩn bị hồi hương. Tôi đã chuyên chở về nơi ông cư ngụ một số thùng sách mà ông quyết định mang về nước, còn một vài thùng khác ông bảo tôi “chú giữ lấy mà xài”.

Những thùng sách ấy tôi đã rỡ ra một vài thùng vốn chứa toàn những tạp chí giá trị phát hành ở hải ngoại như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 và đặc biệt  có cả một xấp gồm toàn những bài nghiên cứu, sưu tầm về những đề tài khác nhau đã từng đăng rải rác trên nhiều loại báo ở hải ngoại và ông đã cho photo copy lại để lưu giữ. Còn một, hai thùng khác thì vẫn còn nằm nguyên đó trong garage nhà tôi, cho mãi đến tháng 5-2013 tôi mới có cơ hội rớ tới, và tôi đã tình cờ tìm thấy cuốn “Yêu, truyện phim và phân cảnh” trong số sách bị bỏ quên này.

Thú thật là tuy tác phẩm này in từ năm 1972 ở Sài Gòn, nhưng nay thì tôi mới có dịp đọc tới. Nó đã mang cho tôi nhiều ngạc nhiên, không phải vì nội dung hấp dẫn của nó dựa theo tác phẩm YÊU của Chu Tử mà chính vì cái kỹ thuật viết phân cảnh rất công phu, rất tỉ mỉ, rõ ra là của một nhà đạo diễn chuyên nghiệp nắm vững nội dung và biết tính toán những thước phim sử dụng trong mỗi cảnh đến từng giây đồng hồ ( Nó bảo đảm cho cuốn phim phải được thực hiện  chặt chẽ không rông rài và đồng thời tiết kiệm được những thước phim quý  báu do xứ mình còn nghèo phương tiện).

Để thực hiện được điều này, Đỗ Tiến Đức đã chứng tỏ mình không phải chỉ là một nhà văn thuần túy mà còn là một nhà dựng truyện Phim và một đạo diễn chuyên nghiệp. Chẳng thế mà khi  là Giáo sư  Trưởng Ban Truyền Thông Đại học Minh Đức Sài Gòn, năm 1973 ông đã mở phân khoa Điện Ảnh tại Đại Học này, mỗi năm thi tuyển 100 sinh viên, học 4 năm, chương trình cử nhân, và ông đã đi dự một số đại hội điện ảnh quốc tế…

Trong khuôn viên một đại học thì tôi không rõ một Giáo trình về Khoa Điện Ảnh sẽ như thế nào nhưng cho tới nay, trên thị trường sách Giáo khoa tôi chưa thấy một cuốn giáo trình nào dành cho ngành dựng truyện Phim và ngành đạo diễn được in thành sách để phổ biến rộng rãi. Nhưng có điều chắn chắn là sự đào luyện sinh viên cho ngành điện ảnh nếu được tiến hành một cách nghiêm chỉnh như thế, và nếu không có biến cố 30-4-1975 thì ngành điện ảnh Việt Nam sau gần 40 năm hẳn đã tiến xa tới đâu rồi chứ không thể có tình trạng thê thảm như hiện nay mà ngòi bút Nguyễn Thanh Trúc hồi đầu năm 2013 đã phải viết trên VN Expess online những lời lẽ như sau :

“Sau nhiều vật vã với những bộ phim Việt như Gió nghịch mùa, Ký túc xá..., tôi đã quyết định không xem phim Việt nữa. Nội dung chỉ xoay quanh tình tiền. Tình thì là chuyện phản bội, giả dối, còn tiền thì là lừa đảo chiếm đoạt. Nội dung thì như vậy còn hình thức thể hiện thì xin lỗi tôi phải dùng từ "thô thiển". Lời thoại rất nhiều câu nói tục chửi thề, ngôn từ độc ác.”

Phim truyện Việt Nam bây giờ phải gánh những lời than trách ấy phải chăng ngành Điện Ảnh trong nước đã thiếu những đạo diễn có chân tài được đào luyện có bài bản và nhất là đã thiếu vắng vấn đề lương tâm chức nghiệp để dẫn tới tình trạng ngành Phim Ảnh đã hầu như rất coi khinh trình độ thưởng ngoạn của khán giả.

Chính vì cái thực trạng đáng buồn này mà khi tìm lại được cuốn “Yêu, truyện phim và phân cảnh” tôi đã hoàn lại ngay cho chính tác giả của nó với lòng mong mỏi nó sẽ được tái bản để qua đó, những bạn trẻ ở cả trong lẫn ngoài nước vốn quan tâm đến lãnh vực điện ảnh sẽ có thêm được tài liệu nghiên cứu trong việc viết truyện phim, phân cảnh và dàn dựng nó như công trình của một đạo diễn.

Hẳn anh Đỗ Tiến Đức cũng đồng‎‎‎ ý với tôi về suy nghĩ này nên có ủy cho tôi công việc viết một đôi dòng giới thiệu tác phẩm cho lần tái bản này. Vì không có kiến thức chuyên môn trong lãnh vực điện ảnh, tôi chỉ xin rông rài một vài kỷ niệm giữa tôi và anh Đỗ Tiến Đức, gọi là bồng bềnh đôi chút chữ nghĩa với ngày tháng cũ, còn chuyện giới thiệu kỹ lưỡng phần kỹ thuật của cuốn sách, tôi xin dành cho các vị có thẩm quyền chuyên môn làm công việc đó.

Garden Grove, California ngày 26-5-2013
Nhật Tiến

No comments:

Post a Comment