03 October 2013

Các cơ quan truyền thông nhà nước đã làm gì với Ls Lê Quốc Quân?

Các bài viết, phóng sự được phát đi trong thời gian Ls Lê Quốc Quân bị bắt giam và trước phiên toà cho thấy tội trốn thuế thực sự rất nghiêm trọng, cần phải nghiêm trị để làm gương.

Và ở ngày xét xử sơ thẩm Lê Quốc Quân, một phiên toà công khai thì người mẹ già của ông không được tham dự. Công an, an ninh và các lực lượng dân phòng, bảo vệ chặn đường, quây kín các ngã dẫn đến toà án. Bên cạnh đó, rất nhiều bloggers “được” vận động không tham dự phiên toà, và đã có người bị cản trở khi đến tham gia phiên toà.

Động thái này cho thấy điều gì?

Chính nhà nước Việt Nam, cụ thể là chính quyền thành phố Hà Nội đã tạo ra sự liên kết về động cơ chính trị với tội danh trốn thuế của Ls Lê Quốc Quân chứ không phải ai khác.

Nếu ông Quân có tội, hãy để pháp luật phân xử, tại sao lại áp dụng đủ mọi biện pháp công kích cá nhân trên truyền thông, đồng thời lợi dụng quyền lực để ngăn trở quyền được tham dự phiên toà công khai của thân nhân và người dân?

Blog và mạng xã hội nếu có đưa thông tin sai sự thật về việc Ls Lê Quốc Quân trốn thuế, thì việc xét xử công khai và trưng ra các bằng chứng với công luận trong phiên toà sơ thẩm hôm nay là cơ hội tốt nhất để Việt Nam chứng minh rằng không có chuyện đàn áp người bất đồng chính kiến.

Trả lời trước diễn đàn quốc tế, chính quyền Việt Nam luôn cho rằng “không có chuyện bắt giam những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam” bởi lý do bị bắt là “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Đây không phải lần đầu tội danh “trốn thuế” được sử dụng. Trước đó để bắt giam blogger Điếu Cày với cáo buộc trốn nộp thuế thuê nhà và bỏ qua phần đưa ra chứng cứ của hai luật sư tham gia bào chữa, để rồi sau hơn 30 tháng tù giam, không có lấy một ngày tự do, nhà nước Việt Nam lại tiếp tục giam cầm blogger này với bản án nặng nề cùng tội danh vi phạm điều 88 BLHS.

Cũng liên quan đến tội danh trốn thuế, ngày 27/09/2013, báo An ninh Thủ đô đưa tin: “Trốn thuế hàng chục tỷ đồng, đại gia Bắc Ninh bị xử án treo”. Số tiền thuế bị thất thu ở đây lên tới hơn 11 tỷ đồng. (2)

Dù muốn hay không, người ta không thể không liên tưởng việc chính quyền muốn sử dụng pháp luật như một công cụ hữu hiệu để trừng trị những người bất đồng chính kiến.

Việc một cá nhân có tội hay không không chỉ phụ thuộc vào sự kết luận của cơ quan điều tra và hệ thống truyền thông. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam, điều này hoàn toàn ngược lại.

Trong điều kiện truyền thông chịu sự quản lý của nhà nước một chiều, với thực tế người bị bắt giam chưa được pháp luật bảo vệ thực sự theo cơ chế tam quyền phân lập, thì việc định tội danh và mức án phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan điều tra như hiện tại đã phản ánh được thực trạng của xã hội Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam có thể sử dụng nhiều lý do để biện minh cho việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Nhưng rõ ràng là để xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh (như báo chí thường nói), để chứng minh uy tín trên đường gia nhập vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam không thể lấy toà án và công an để làm công cụ để bảo vệ chế độ như hôm nay.

Mẹ Nấm

rfavietnam.com/node/1790
(1) - http://www.cand.com.vn/vi-VN/bandoc/2013/10/210776.cand
(2) - http://www.anninhthudo.vn/Ky-su-phap-dinh/Tron-thue-hang-chuc-ty-dong-dai-gia-Bac-Ninh-bi-xu-an-treo/467048.antd

No comments:

Post a Comment