24 August 2013

TUỔI GIÀ VÀ TÌNH BẠN

Chu Tất Tiến
Có một sự thật phũ phàng mà hầu như tất cả con người trên thế gian đều muốn phủ nhận, nhưng vẫn miễn cưỡng phải chấp nhận: Tuổi Già!

Nói đến chữ “Già” thì ai cũng giật mình, chán ghét. Trong buổi nói chuyện nào đó mà bất ngờ nghe người bạn thân nào buột miệng: “Sao ông (bà, mày, cậu..) hồi này trông già quá!”  thì lập tức nhìn thấy một ánh hồng dâng lên trên má của người được hỏi, một tia nhìn oán hận, một cặp môi rung rung: “Già đâu mà già? Nói gì lạ quá! …” rồi quay đi, không thèm chuyện vãn nữa. Có thể sẽ có việc giận hờn kéo dài, ngưng điện thoại, chấm dứt email, và biệt tăm biệt tích!

Nhưng, thực tế cho thấy, dù cho cố gắng làm mọi cách để cho tuổi già chậm đến, hoặc tập thể thao, thể dục, đi mỹ viện, và mua thuốc trẻ hóa để bôi hay uống, chích Botox đều đặn, nhưng như các cụ xưa thường nói: “Cái già xộc đến sau lưng!”, da bàn tay vẫn có ngày nhăn nhúm, các vết chân chim ở đuôi mắt mỗi ngày mỗi sâu, đầu gối mỗi đêm mỗi nhức mỏi, cái lưng có khuynh hướng cong về phía trước, và trí nhớ thì thỉnh thoảng đi chơi đâu mất, cố nặn mãi cũng không ra một cái tên thân thương…Nhiều người thường tự hào là võ sĩ, khỏe mạnh hơn người, bất ngờ một hôm thao dượt, thấy cả khớp tay mình như muốn văng đi, đau thấu trời xanh, còn khớp xương chậu như cái bánh tráng, vừa đá mạnh một cú là một miếng xương vỡ ra, thần kinh giật mạnh đến gần bất tỉnh, phải đi bệnh viện khâu khâu vá vá..

Trong buổi gặp gỡ Giáo Sư Viện Trưởng Nguyễn Quốc Trị đến thăm California, ông Trần Ngọc Thiệu, Chủ Tịch Hội, đã tả lại cảnh “một vài đồng môn nhìn nhau, há hốc mồm, không nhận ra nhau, vì mái đầu cả hai đã bạc trắng!” Rất nhiều câu hỏi tương tự không có câu trả lời: “Ai đó? Ông có nhận ra ai đó không? Ông đầu bạc mặc áo xám xám kia? Ông thấp thấp ngồi bên ông cao cao?” Hầu như với các câu hỏi đó, chỉ có cái lắc đầu nhè nhẹ thay cho lời đáp.

Như thế, “thời gian” là kẻ thù nguy hiểm nhất với con người, vì thời gian đã làm cho trí nhớ mù lòa, đã làm cho “thần kinh thương nhớ” mỏi mệt, và vì không nhận ra nhau, thì tình cảm giữa những người từng là đồng môn đó, sẽ biến vào trong “không gian ba chiều” của Sắc Sắc Không Không, nay còn mai mất.

Như thế, khoảng chừng một thập niên nữa, những buổi họp mặt đồng môn sẽ giảm dần, giảm dần, vì trống vắng, vì thời gian đã lạnh lùng cướp đi nhiều người bạn già, đã xóa nhòa những ký ức hồi nào còn nóng bỏng tình bạn. Nhà hàng sẽ không còn là chỗ họp mặt đồng môn nữa, vì sẽ chuyển về vài tư gia cho các cuộc gặp gỡ hiếm hoi và ít người.

Như thế, những người bạn vừa mới lẳng lặng từ biệt Hội chỉ vì không có sự đồng thuận quan điểm chính trị, tôn giáo, sẽ nghĩ thế nào, khi thời gian lạnh lùng đến gõ cửa “Kính, coong! Kính, coong! Kính coong!...” 24 giờ mỗi ngày? Có vài người bạn lại lìa xa Hội không phải vì khác biệt quan điểm, mà chỉ vì quá xúc động khi thấy đồng môn không thuần nhất với nhau, nên chán nản, muốn lùi vào một không gian hẹp để quên đi những ngày tháng vui vẻ cũ. Những bạn ấy nghĩ thế nào khi một mùa Xuân nào đó, chờ mãi không thấy ai gọi đi dự buổi văn nghệ chào Xuân, chào Tết? Điện thoại rất ít reo, vì bạn bè đã đi xa cả! Và, như thế, ngày tháng còn lại với nhân gian sẽ là những buổi tối buồn hiu bên cửa sổ gió lùa, những buổi sáng lặng thinh bên cạnh ly cà phê đắng ngắt và lạnh, lạnh hơn chiếc ghế đang ngồi, lạnh hơn cả không gian mùa Thu rồi mùa Đông..

Xin gửi nơi đây bài thơ của Cao Bá Quát: Đời người thấm thoát, để quý bạn đồng môn thưởng lãm:
Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày
Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay
Sực nhớ chữ 'Cổ nhân bỉnh chúc”

Cao sơn, lưu thủy, thi thiên trục
Minh nguyệt, thanh phong tửu nhất thuyền

Dang tay người tài tử khách thuyền quyên
Chén rượu thánh, câu thơ tiên thích chí
Thành thị ấy, mà giang sơn ấy
Ðâu chẳng là tuyết, nguyệt, phong, hoa
Bốn mùa xuân lại, thu qua.
Kính chúc quý Đồng Môn những ngày tháng tốt đẹp và bình an.

Chu Tất Tiến.

No comments:

Post a Comment