03 May 2013

Tin tưởng đã đủ sức trở thành đế quốc, Tầu Cộng bộc lộ cuồng vọng xâm lược

Bắc Kinh.- Ngày 1 tháng 5, 2013 các hãng thông tấn quốc tế bình luận rằng Trung cộng đưa du khách đến Hoàng Sa, đưa tàu với chiến đấu cơ yểm trợ đến vùng Senkaku, đưa quân xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ, những hành động gây hấn này của Trung Quốc gây lo ngại ngày càng nhiều cho các nước láng giềng châu Á. Bản tin của báo The Globe and Mail nói rằng mặc dù tua du lịch ra Hoàng Sa được phía Trung Quốc miêu tả như một chuyến du lịch thường tình đưa du khách ra tắm nắng trên một hòn đảo ở Biển Đông, nhưng đối với Việt Nam, sự hiện diện của các du khách Trung Quốc đầu tiên tại quần đảo Hoàng Sa đươc coi như một hành động “xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam”.

Trung Quốc luôn hô hào và đánh bóng cho hình ảnh “phát triển hòa bình”, nhưng gần đây, việc Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng lớn hơn đối với các nước láng giềng châu Á và bắt buộc các nước yếu hơn khuất phục và nhượng bộ.

Theo Eurasia Review, gần đây cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc mất khá nhiều thời gian và sức lực để khẳng định với các nước khu vực cũng như cộng đồng quốc tế rằng tất cả các nước chẳng có lý do gì phải sợ "sự trỗi dậy hòa bình" và sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc như một trong những đối thủ ngoại giao và kinh tế quan trọng nhất trên chính trường quốc tế. Nhưng nhiều nước nhận thấy sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc kéo theo ảnh hưởng chính trị lớn hơn và họ ít chấp nhận hình ảnh ôn hòa mà Bắc Kinh đang muốn đánh bóng với thế giới.

Mặc dù chính sách hiện nay của Bắc Kinh dường như muốn thể hiện là chính sách sức mạnh "mềm", nhưng nhiều nước vẫn coi đó là chính sách sức mạnh "cứng" của chủ nghĩa đế quốc.

Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Malaysia mới đây cũng khiếu nại về những hành động xâm nhập lãnh thổ của họ, mà các nước này nói nằm bên ngoài quyền tài phán của Trung Quốc.

Trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một nhật báo nổi tiếng về quan điểm dân tộc chủ nghĩa, hôm 28 tháng Tư, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của trường Đại học Jinan viết: “những ai muốn bóp méo hành động của Trung Quốc để gây rối không phải là những người thiết tha với luật pháp quốc tế và an ninh khu vực.”

Khi thuật lại tin này hôm 30 tháng Tư, tờ Công An Nhân Dân của Việt Nam miêu tả hành động của Trung Quốc là “vừa ăn cướp vừa la làng” và mạnh mẽ đả kích ý đồ “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc.

Nhắc lại vài sự kiện gần đây của Trung quốc gây quan ngại cho các nước láng giềng:

Ngày 28/04/2013 chiếc tàu chở các du khách Trung Quốc đầu tiên đã rời bến ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, để đi tham quan quần đảo Hoàng Sa. Chuyến du lịch nói trên đã được Bắc Kinh khuyến khích và được báo chí Nhà nước Trung Quốc cổ vũ, bởi vì hành động này là nhằm khẳng định hơn nữa chủ quyền trên một quần đảo của Việt Nam, mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay.

Tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc thậm chí còn loan báo rằng, nếu chuyến đầu thành công, giới chức Trung Quốc sẽ mở các chuyến thăm mỗi tháng một, hai lần. Không những thế, họ còn chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Mới đây nữa, quan chức cao cấp Trung Quốc còn đến cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam…

Đây cũng là cách để Trung Quốc trắc nghiệm phản ứng của các nước láng giềng đang tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Cũng giống như hành động của Trung Quốc đối với Ấn Độ. Ngày 15/04/2013 một đại đội Trung Quốc, với sự yểm trợ của trực thăng, đã vượt qua lằn ranh gọi là Đường Kiểm soát thực tế (LAC), được thiết lập sau cuộc chiến tranh giữa hai nước và năm 1962 và được coi như là đường biên giới Ấn-Trung.

Binh lính Trung Quốc tiến sâu đến 19 km trong phần lãnh thổ mà Ấn Độ đang kiểm soát và dựng trại ở vùng thung lũng Depsang. Mặc dù truyền hình Ấn Độ chiếu các hình ảnh về trại lính này của Trung Quốc, chỉ nằm cách các vị trí của quân đội Ấn Độ có 100 mét, phía Bắc Kinh vẫn khẳng định là quân của họ không hề vượt qua biên giới Ấn-Trung.

Trong khi đó ở vùng Biển Hoa Đông, mà nhiều tháng qua vẫn căng thẳng, báo chí Nhật Bản cuối tuần qua tố cáo là khi xâm nhập vùng quần đảo Senkaku tuần trước, các tàu hải giám của Trung Quốc đã được sự yểm trợ của các chiến đấu cơ, trong đó có nhiều chiến đấu cơ phản lực Su-27 và Su-30.

Một quan chức Nhật Bản nói với nhật báo Sankei Shimbun rằng đây là «một mối đe dọa chưa từng có» đối với Nhật Ngày 29/04/2013 ba tàu hải giám của Trung Quốc lại xâm nhập khu vực Senkaku, trong ngày thứ 10 liên tiếp.

Thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên đã tuyên bố quần đảo Senkaku là một trong những «quyền lợi cốt lõi» đối với Bắc Kinh, có nghĩa đây là một vấn đề không có gì phải thương lượng và nếu cần Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để «bảo vệ chủ quyền», giống như đối với Biển Đông hoặc Đài Loan.

Cũng thứ sáu tuần trước (26/04/2013), Bắc Kinh đã lên án việc Philippines kiện bản đồ đường «lưỡi bò» của Trung Quốc ra trước tòa án của Liên Hiệp Quốc. Báo chí do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát thì thẳng thừng đe dọa chiến tranh với Việt Nam và Philippines.

Nhưng Bắc Kinh còn trắc nghiệm luôn cả phản ứng của một nước mà cho tới nay ít khi đụng với Trung Quốc, đó là Malaysia. Cuối tháng 3 vừa qua, đội tàu chiến 4 chiếc của lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc đã được triển khai đến bãi ngầm James mà Malaysia cũng giành chủ quyền, chỉ nằm cách bờ biển Malaysia có 80km và nằm cách Hoa lục đến 1.800 km, vượt ra cả ngoài giới hạn "bản đồ 9 đoạn" mà Trung Quốc tự đưa ra với yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông.

Một chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc thuộc tổ chức International Crisis Group, dường như chính tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy chính sách xác quyết chủ quyền mạnh mẽ hơn đối với các nước láng giềng. Sách trắng về quốc phòng do Bắc Kinh công bố ngày 16/04/2013 đã nêu rõ mối liên hệ giữa sức mạnh quân sự với chủ thuyết mới của Trung Quốc, nói rằng nhiệm vụ của quân đội là thực hiện «Giấc mơ Trung Quốc». Khi tường thuật về việc công bố sách trắng này, Tân Hoa Xã đã khẳng định là chính sách quốc phòng của Trung Quốc không thay đổi, nhưng nước này sẽ «không đánh đổi chủ quyền và quyền lợi để lấy hòa bình».

Các động thái nói trên cho thấy Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự, mở rộng tầm hoạt động ra xa hơn, thay vì chỉ tiến hành các luyện tập ở bên trong lãnh thổ và tuần tra tại các vùng biển gần như trong các năm gần đây. Sự phát triển bộ máy quân sự như vậy cần phải có ngân sách lớn cho kế hoạch hiện đại hóa vũ khí, các thiết bị quân sự, đặt mua hoặc đóng tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tiêm kích và hỏa tiễn.

Giới chuyên gia nước ngoài cho rằng ngân sách quốc phòng thật sự của Trung Quốc còn cao gấp bội con số được thông báo. Giáo sư thỉnh giảng Tai Ming Cheung của Đại học California, San Diego, Mỹ nói rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chưa bao gồm các khoản tiền chi cho nghiên cứu và mua sắm vũ khí nước ngoài. Nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài cũng cho rằng một số khoản chi tiêu quân sự của Trung Quốc không nằm trong ngân sách được công bố. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định là các khoản thực chi của Trung Quốc có thể trong khoảng từ 120 đến 180 tỷ USD. Như vậy, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ. Theo BBC News, ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm 2012 là 739,3 tỷ USD, kế đó là Trung Quốc (106 tỷ USD), Vương quốc Anh (63,7 tỷ USD), Liên bang Nga (52,7 tỷ USD) và Ấn Độ (31,9 tỷ USD).

Không những thế, Trung Quốc còn tăng cường khả năng chiến tranh mạng. Tháng trước, hãng an ninh mạng Mandiant Corp. thông báo rằng nhiều khả năng quân đội Trung Quốc đã tiến hành đột nhập vào cơ sở dữ liệu của ít nhất 141 công ty trên toàn thế giới, một cáo buộc mà phía Trung Quốc cực lực chối bỏ.

Tờ Globe and Mail nói hành động gây hấn quyết liệt hơn của Trung Quốc đang gây quan ngại sâu rộng tại phần lớn Châu Á, và đặt ra những nghi vấn về điều mà nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, thực sự ám chỉ khi ông đề cập tới cao vọng muốn thực hiện cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa.” Ông Tập miêu tả cụm từ đó là nỗ lực hồi sinh đất nước ông, nhưng nhiều người khác liên kết cụm từ đó với việc xây dựng lực lượng quân sự nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.

Những hành động nêu trên là bước leo thang gây hấn mới của Trung Quốc, có lẽ không còn chỉ dừng ở “phép thử” với các nước láng giềng trong khu vực mà góp phần gia tăng quan ngại cho khu vực bởi tính chất khiêu khích và coi thường luật pháp quốc tế. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nước, nhất là các nước láng giềng của Trung Quốc, không tin tưởng ý đồ hòa bình như Bắc Kinh tuyên bố. Các nước đã và đang áp dụng nhiều biện pháp tự vệ để đề phòng chủ nghĩa đế quốc "mềm" của Trung Quốc trở nên hung hãn hơn hoặc trở thành "sức mạnh cứng".

(Nguồn:  Báo Thời Luận, CA)

No comments:

Post a Comment