12 May 2013

Mẹ Tôi

Trần Đức Tạo, ĐS16
Khi về với Ba tôi thì Mẹ tôi mới mười sáu tuổi. Cái tuổi mà vào những năm 1920 thì đang còn thơ ngây trước ngưỡng cửa cuộc đời. Có lần Mẹ tôi kể lại khi ra ngoài ai cho cái gì thì chỉ biết giữ cho đến khi về nhà Bà ngoại cho ăn thì mới ăn. Sở dĩ Mẹ tôi lấy chồng sớm vì ông nội tôi và ông ngoại tôi  là hai người bạn cùng học một trường mà xưa hay gọi là bạn đồng môn. Hai gia đình được coi là môn đăng hộ đối. Cưới hỏi chỉ là vấn đề thời gian vì hai gia đình đã quen nhau rồi. Ba tôi là con một nên ông nội muốn có cháu nội sớm để nối dõi tông đường. Ông ngoại vì  tình đồng liêu, nên sẵn sàng chấp nhận hôn lễ cho hai con. Bà ngoại kể chuyện khi cưới xong, con gái về nhà chồng ông Ngoại nhớ con quá bèn ngồi khóc và bắt đền bà ngoại!

Đám cưới thật linh đình được tổ chức ngay ở làng  cả tuần lễ. Năm tôi về thăm làng, tôi còn hân hạnh được gặp một cụ ông kể lại chính cụ là người đã cầm cờ trong đám cưới của Ba Mẹ tôi. Đám cưới lớn lắm, ăn cả tuần. Dành cả ngày cuối cho kẻ khó. Cụ còn kể Mẹ cháu ngày đó đẹp như Đức Bà vậy.Mấy dân làng lân cận cũng đỗ xô về xem mặt cô dâu trẻ đẹp nhất làng!... Trên bảy mươi tuổi, tôi ngồi nghe cụ ông kể  một cách say sưa, thành thật, đám cưới của cha mẹ mình mà lòng thấy hân hoan…

Đời sống hôn nhân của song thân tôi được coi như thật hạnh phúc. Bà cụ luôn luôn theo ông cụ trong cuộc đời làm nhà giáo suốt các tỉnh miền Trung từ Huế, Thanh Hoá, Nghệ an, Nha trang… Từ lúc có trí khôn, tôi không bao giờ nghe thấy Ba Mẹ tôi to tiếng, huống hồ cãi nhau. Nhưng rồi chiến tranh, kinh tế khó khăn, Mẹ tôi phải buôn bán, làm hàng xáo, làm bông, phụ với lương nhà giáo, thanh bạch…Mỗi lần ra chợ thấy Mẹ lấm chấm mồ hôi đang bán vải, đong gạo… tôi thấy thương Mẹ quá. Lúc đó Mẹ mới hơn hai mươi. Tối về Mẹ còn phụ ba cha con chúng tôi xay lúa giã gạo, sàng sẩy tới khuya… Nhờ vậy Mẹ đã phụ với Ba để cho năm đứa con ăn học. Mẹ tôi đã ba lần sẩy thai vì té từ trên đê xuống mỗi khi máy bay đến bắn phá. Khi sinh đứa em áp út, Mẹ tôi bệnh nặng không có sữa nên phải bế đi bú nhờ bà con trong làng.

Gia đình chúng tôi đã hai lần trốn tránh cộng sản: một vào năm 1951 và một vào năm 1975. Lần sau khi ra đi thì Mẹ tôi chứng kiến  một cảnh đau lòng: cô em gái đã được vớt lên tàu lớn cùng với gia đình nhưng leo thang giây lên xuống lo cho ba con nhỏ không hiểu sao té xuống biển. Mẹ tôi kể lại, khi được báo tin con gái chết mà đau khổ quá khóc không nổi nữa. Ai nói gì thì làm cái đó như người mất hồn. Mãi ba bốn ngày mới khóc nổi. Tôi là đứa con đầu nhưng bị kẹt lại cho tới 1981. Trước cảnh lạc con, mất con, người Mẹ nào mà chẳng đau thấu tâm can.

Khi nghe đài BBC nói đoàn tàu di tản đã lên đường rời hải phận VN, tui quay mặt vào tường khóc nức nở như một đứa con nít. Một phần khóc cho số phận mình nhưng một phần tui khóc vì biết cha mẹ anh em khi ra đi lúc hoạn nạn mà thất lạc người con, người anh trong nhà. Nhớ cha mẹ, gia đình là một phần cho những cuộc vượt biên trong sáu năm kẹt lại. Có những đêm tôi nghe cả thấy tiếng Mẹ tôi ho, dù sau này biết cha mẹ đã định cư ở nước ngoài rồi. Ba tôi kể lại một hôm ông bà đang đi lễ ở nhà thờ, Mẹ tôi quay sang Ba tôi nói “Hãy đọc kinh cho con, tôi có có cảm tưởng con nó sẽ đi được”.  Sau này khi qua đây, tôi đối chiếu lại cái ngày mà cha mẹ tôi đọc kinh cho tôi lại trúng vào ngày tôi xuống tàu vượt biên. Và ra đi bằng an, sau được tàu Hoà Lan cứu vớt vào Singapore.

Chúng tôi rất vui mừng khi các cụ về sống với chúng tôi trên mười lăm năm. Cứ mỗi lần đi làm về tôi đều thấy Mẹ tôi cùng vợ tôi đang nấu ăn cho cả nhà. Tôi thầm cám ơn cả hai người đều rộng lượng, hiểu biết nên đã không có gì đáng tiếc xảy ra. Ba tôi thì còn có rầy la chứ Mẹ tôi thì không. Tui chưa thấy Mẹ tôi cầm roi vọt đánh anh em chúng tôi bao giờ. Mỗi ngày se lạnh, tôi lại nhớ ngày xưa khi còn ở vùng quê hẻo lánh, Mẹ ngồi đan áo len cho cả nhà…

Tiếc rằng khi tuổi đời đã cao, sức khoẻ giảm thiểu, Mẹ tôi bắt đầu lẫn. Một hôm tôi vừa đi làm về thì thấy Bà Cụ đang ngồi ở phòng khách như đang chuẩn bị đi đâu. Cụ cầm một túi nylon trong có vài bộ quần áo. Thấy tôi Cụ nói liền “ Con ơi! Con đưa Mẹ về nhà Mẹ đi”. Lòng tôi đau như thắt. Tôi biết Mẹ tôi đang lẫn và ngày ra đi của Mẹ đang tới gần, tới gần. Tôi ôm lấy Mẹ, hôn lên trán Mẹ. Tôi biết thời gian sẽ lấy đi Mẹ của tôi. Mẹ tôi lại khẩn khoản: “Con cho Mẹ về nhà Mẹ đi”. Tôi thật sự hồi hộp, Bà Cụ đòi về đâu? Thanh hoá hay Nghệ an, hay Nha-trang, chỗ nào Bà Cụ cũng có nhà cửa mà đã phải bỏ lại; hay Cụ đòi về Fort Chaffe, nơi đặt chân đầu tiên lên xứ Mỹ, hay linh tính báo cho Cụ biết ngày Chúa gọi gần kề… Tôi không cần biết nơi nào Cụ muốn nhưng tôi biết tôi đang mất một người Mẹ yêu thương…

Vợ tôi gọi điện thoại cho tôi về vì Mẹ tôi đêm qua đã phải đi cấp cứu. Khi xe cứu thương tới thì Mẹ tôi đang đọc kinh lớn tiếng lắm. Vợ tôi báo cho các chú tới thì Bà Cụ lại đọc kinh lớn hơn, đến hàng xóm cũng nghe thấy. Tôi lái thẳng vào nhà thương thì thấy Bà Cụ đã tỉnh. Thấy tôi hớt hải, Bà Cụ lên tiếng “ Tội nghiệp con tôi…” Muốn lấy lại nụ cười của Mẹ tôi, tôi pha trò “Này Mẹ, lần sau Mẹ đọc kinh thì đọc trong miệng thôi. Mẹ đọc lớn quá, công an nó bắt à nghe… Mẹ nhớ không ?”. “ Con chỉ được cái xạo” Mẹ tôi cười thật tươi. Tôi không ngờ đó là nụ cười cuối đời mà Mẹ đã dành cho tôi. Vài ngày sau bệnh Mẹ trở nặng và đi vào hôn mê…

Tôi đã lần chuỗi xong 150 kinh. Người y tá đang thay IV cho Mẹ tôi. Tôi chuẩn bị đọc thêm kinh cầu nguyện cho Bà Cụ nhưng người y tá quay lại  tôi và cho biết “ Mẹ ông sẽ mất trong năm phút nữa”. Tôi oà khóc, tay chân tôi bủn rủn, tôi muốn xỉu. tôi vịn thành giường và cúi hôn Mẹ. Tôi biết nếu không hôn Mẹ bây giờ thì phần đời còn lại sẽ không bao giờ còn được hôn Mẹ nữa. Tôi đọc kinh phó linh hồn Mẹ tôi cho Chúa. Tôi nói với Mẹ “con sẽ thay Mẹ lo cho Ba. Mẹ hãy thanh thản về với Ông Bà Ngoại, về với các em đã đi trước của con”. Tôi quay ra thì đã thấy y sỹ và y tá đến làm phận sự sau cùng đối với người sinh thì. Tôi xin phép  cắt vài cọng tóc của Mẹ để thờ và để nhớ đến người Mẹ yêu dấu.

Dù cám ơn Trời đã cho Mẹ thọ đến tám mươi tư nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ. Phải chi Mẹ sống thêm vài năm thì… nhưng thời gian đâu có chờ với đợi. Hãy sống hoàn hảo với Mẹ ngay bây giờ và được lúc nào hay lúc nấy. Mỗi khi đi đâu, nhìn vào ảnh Mẹ, tui thầm nói như chào hỏi lúc Mẹ còn sống: “con đi Mẹ nhé”. Mẹ tôi còn sống trong tôi.

Ngày của Mẹ 2013.
TĐT

1 comment: