19 April 2013

Lá thư Canada tháng 4

 Nguyên Trần tóm lược

1) Một bản tin cảm động hay cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa trong mùa Quốc Hận 2013:

Câu chuyện bắt đầu từ mùa Hè đỏ lửa năm 1972 ngày 1/5 tại tuyến đầu Quảng Trị với hình ảnh đau thương thê thảm của một bé gái mới 4 tháng vừa khóc ngất vừa trườn lên trên bụng mẹ để tìm bú vú nhưng người mẹ bất hạnh đáng thương của em đã  chết tức tửi vì bị đạn thù Việt Cộng bắn xối xả vào đám dân chạy lọan. Cũng may mắn cho bé gái nầy là có một anh lính Quân Cụ chạy ngang qua thấy vậy thì động lòng từ tâm nên bước tới bồng em bỏ vào chiếc nón lá rồi tiếp tục chạy nạn qua cầu sông Mỹ Chánh. Cùng lúc, một Thiếu Úy Thủy Quân Lục Chiến tên là Trần Khắc Báo đang hành quân tại khu vực nầy để mở đường cho tiểu đoàn 7 TQLC rút lui và giúp các quân Dân Cán Chính di tản ra khỏi tỉnh Quảng Trị.

Đến khoảng 4 hay 5 giờ chiều,thiếu úy Báo nhìn thấy thấp thoáng bên kia cầu còn một người lính ôm  chiếc nón lá thất thểu đi qua với dáng điệu hết sức mỏi mệt. Ông liền bước vội tới kéo  giúp người nầy chạy  nhanh qua khỏi cầu và phát giác ra trong chiếc nón là có một bé hài nhi. Anh lính Quân Cụ liền thuật lại câu chuyện thương tâm của bé gái và nhờ thiếu úy Báo nhận giùm vì anh ta đã đuối sức quá rồi. Với bản chất thương người gặp nạn nhất là trẻ thơ nên thiếu úy Báo nhận đứa hài nhi rồi chạy nhanh về quận Phong Điền giao cháu cho phòng xã hội  lữ đoàn TQLC  thì một nữ quân nhân phụ trách nói với ông:
“Thiếu úy giao thì Thiếu úy phải có trách nhiệm, vì em bé này ở ngoài mặt trận thì Thiếu úy phải cho nó cái tên và  họ Thiếu úy nữa để sau này nó biết cội nguồn của nó mà tìm.”

Lúc đó, ông còn độc thân nhưng trong thâm tâm ông vốn nghĩ rằng sau này khi ông cưới vợ, nếu có con gái ông sẽ đặt tên là Bích, nếu con trai ông sẽ đặt tên là Bảo, nên sau khi nghe người nữ quân nhân nói, ông Báo đặt ngay cho em bé cái tên là Trần Thị Ngọc Bích.

Sau đó ông trở về đơn vị và cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt cho tới tháng 3/1975, đơn vị ông bị thất thủ cùng Lữ Đoàn 2 TQLC ở Huế và ông Báo bị Việt Cộng bắt làm tù binh. Mãi đến năm 1981 ông được chúng thả về gia đình và bị quản chế. Tháng 9/1994 ông được sang định cư tại thành phố Albuqueque, tiểu bang New Mexico...

Trở lại chuyện bé hài nhi Trần Thị Ngọc Bích được Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC đem đến Cô Nhi Viện Thánh Tâm Đà Nẵng giao cho các Dì Phước chăm sóc và may mắn cho em là được một Trung Sĩ Hoa Kỳ thuộc binh chủng Không Quân phục vụ tại phi trường Đà Nẵng tên là James Mitchell trước khi mãn nhiệm kỳ phục vụ tại Việt Nam đã vô Cô Nhi Viện chọn nhận em lúc đó mới 6 tháng làm con nuôi và mang em luôn về Mỹ. Em Trần Thị Ngọc Bích trở thành thành viên của gia đình này từ đó đến nay.

Hai ông bà Mitchell đặt tên Mỹ cho em là Kimberly Mitchell. Em ở tại trang trại của gia đình tại Solon Springs, tiểu bang Wisconsin. Kimberly Mitchell lớn lên tại đây và được cha mẹ nuôi rất thương yêu tận tình, coi như con ruột. Em được đi học, tham gia thể thao và vào hội thanh thiếu niên. Lớn lên em vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ chăn nuôi bò và làm phó mát. Cái tên Trần Thị Ngọc Bích đã bị quên lãng từ đó, và Kimberly Mitchell cho biết, mỗi khi nghe ai nói gì về Việt Nam, cô thường tự hỏi, Việt Nam là đâu nhỉ? Và ông bà Mitchell đã rất thật lòng kể hết câu chuyện đời em.

Dòng đời cứ lặng lẽ trôi và cô bé thông minh tốt nghiệp kỹ sư cơ khí hàng hải rồi phục vụ trong binh chủng Hải Quân Hoa Kỳ và hiện nay mang cấp bực Trung Tá với chức vụ Phó Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Quân Nhân và Thân Nhân tại Ngũ Giác Đài.

Năm 2011, Kimberly Mitchell trở về cố hương với tư cách  một nữ Trung Tá Hải Quân, Quân Lực Hoa Kỳ, mong gặp lại cha cô và người thân. Cô đến  Viện Nuôi Trẻ Mồ Côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng, cô may mắn gặp được Sơ Mary, người tiếp nhận cô năm 1972 từ một nữ quân nhân Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC. Giây phút thật cảm động, nhưng Kimberly chỉ được Sơ Mary cho biết:

“Lúc người ta mang con tới đây, con mới có 4 tháng và họ đặt tên con là Trần Thị Ngọc Bích. Họ nói mẹ con đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng, con được một người lính VNCH cứu đem đến đây giao cho Cô Nhi Viện rồi đi mất, vì lúc đó chiến tranh tàn khốc lắm.”

Kimberly không biết thêm gì hơn nên đành quay trở lại Mỹ, từ đó thỉnh thoảng cô viết trên website câu chuyện của mình để hy vọng tìm về cội nguồn.

Ước nguyện tha thiết chân tình của cô được các báo chí Việt Ngữ ở Mỹ đăng tải và  may mắn lẫn kỳ diệu là ông Trần Ngọc Báo đọc được để hai cha con có cơ hội đoàn tụ nhau sau 41 năm trời thất lạc. Cuộc hội ngộ thật cảm động trong nước mắt chan hòa đã diễn ra tại trụ sở công đồng người Việt Quốc Gia New Mexico ở Albuqueque. Hai cha con ông Báo bây giờ đang cố tìm người lính Quân Cụ đã cứu cô mặc dù chỉ  là bóng chim tăm cá

2) Cựu nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher qua đời:

Cựu nữ thủ tướng Anh Quốc,bà Margaret Thatcher “Người Đàn Bà Thép-The Iron Lady” một lãnh tụ nối tiếng trên thế giới - bạn cũng nhiều mà kẻ thù cũng lắm - đã qua đời tại Luân Đôn ở tuổi 87 vì chứng đứt gân máu (stroke). Nhưng cho dù bạn hay thù thì ai cũng phải nể phục ý chí và tài ba lãnh đạo của bà. Biệt danh “Người Đàn Bà Thép” là do giới báo chí Nga đặt cho bà trong thời gian chiến tranh lạnh giữa hai khối Nga và Mỹ Anh trong thập niên 80.

Bà là lãnh tụ thân thiết với cố tổng thống Ronald Reagan và là người trợ giúp đắc lực nhất của cố tổng thống Reagan trong việc làm sụp đổ chế độ Cộng Sản tại Nga dẫn theo hàng loạt các quốc gia Đông Âu. Năm 1982, khi nhóm quân nhân đảo chánh ở A Căn Đình xua quân đánh chiếm hòn đảo Falklands của Anh nằm trong vủng biển Nam Mỹ, bà đã ra lện hải quân Hoáng Gia Anh đánh bại A Căn Đình và chiếm trở lại với một phần yểm trợ của tổng thống Reagan. Đám tang bà Thatcher đã trang trọng tổ chức theo nghi thức quốc tang ngày 17/4 tại Luân Đôn với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và giới chức cao cấp của 170 nước trên thế giới nhất là những người từng có liên hệ trong cuộc chiến tranh lạnh trước đây với bà như cựu tổng thống Nga Michail Gorbachev, cựu tổng thống Ba Lan Lech Walesa, cựu phó tổng thống Mỹ Dick Chenney, cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ Henry Kissinger… Ngoài ra đương kim thủ tướng Canada Stephen Harper và cựu thủ tướng Brian Mulroney cũng có mặt. Tất cả lãnh tụ ngoại giao đoàn tại Luân Đôn cũng đều tham dự tang lễ ngoại trừ phái đoàn A Căn Đình thể theo lời yêu cầu của gia đình bà Thatcher là sẽ không tiếp phái đoàn nầy.

3) Cựu thủ hiến Alberta Ralph Klein qua đời:


Ông Ralph Klein thủ hiến Alberta 14 năm đã qua đời ở tuổi 70 tại tỉnh nhà Calgary vì bệnh viêm phổi trong thời gian dài. Nổi tiếng là nhà lãnh đạo tài ba và nói thẳng, ông Klein đã làm thủ hiến Alberta trong thời gian dài từ 1992 tới 2006 thì ông phải từ chức vì đau yếu. Trong suốt thời gian nầy, ông đã đưa tỉnh bang Alberta đến tình trạng phồn thịnh vượt bực và là tỉnh bang duy nhất của Canada không bị khiếm ngạch ngân sách (deficit)

Nhiều lãnh tụ chính khách Canada đã bày tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của vị cựu thủ hiến Alberta.
        
Cựu thủ hiến Ralph Klein công bố từ chức năm 2006
Thủ tướng Stephen Harper tuyên bô “Ngày hôm nay, Alberta và Canada   đã mất đi một trong những lãnh tụ  lỗi lạc nhất nước. Từ một ký giả truyền thông, Ralph đã bước nhảy vọt lên vai trò thủ hiến và đã đóng gớp lớn lao vào sự phồn thịnh cho Alberta và Canada. Là mẫu người luôn dứt khoát và có khả năng siêu việt, Ralph đã luôn hành xử thành công những gì mà ông tin tưởng”.
Cựu thủ hiến Ontario Dalton McGuinty cũng gởi lời chia buồn tới gia đìng ông Klein và dân chúng Alberta: “Ralph là một  chính khách sáng giá mà tôi có vinh hạnh cộng tác và học hỏi. Tôi sẽ nhớ mãi về ông”

4) Một dân biểu tỉnh bang Ontario đệ trình dự luật các bồi bàn phải được hưởng tiền tặng thưởng (tips) của khách hàng:

Cô Amanda Barchard, một bồi nhà hàng ở thị trấn nhỏ Coburgh cách Toronto 95 km về hướng Đông bị đuổi việc vì không chịu giao số tiền tip $40 cho chủ nhân nhà hàng. Cô Barchard nói số lương $8.90/giờ không đủ sống nên chỉ trông cậy vào tiền thưởng của khách hàng.

Dân biểu tỉnh bang Michael Prue đã mở cuộc họp báo để phản đối chủ nhân nhà hàng nầy và công bố sẽ đệ trình một dự luật chính thức công nhận quyền được hưởng tiền tips của tất cả nhân viên phục vụ  trong nhà hàng.

    Ai cũng hiểu rằng tiền tips là tiền mà khách hàng thưởng cho nhân viên tiếp đãi mình, số tiền lớn nhỏ tùy theo cung cách phục vụ của nhân viên đó. Thế mà thực tế có nhiều chủ nhân nhà hàng lợi dụng tình trạng khó tìm việc làm đã buộc nhân viên phải giao tiền tips cho mình nói là để cùng chia xẻ cho các nhân viên khác như nhân viên rửa chén, phụ bếp, quét dọn vệ sinh…rồi ém luôn. Thực ra nếu bảo rằng san sẻ thì không hợp lý vì khách hàng cho tiền tips thẳng tới người phục vụ mình và cũng là thành phần lãnh lương thấp nhất trong nhà hàng.

Nhiều chính khách  tán đồng đề nghị của dân biểu Michael Prue như bộ trưởng lao động Yasir Naqvi, chuyên viên lao động của đảng Bảo Thủ Randy Hillier và hứa sẽ tiếp tay vận động với Queen Park (trụ sở Quốc Hội Ontario) để sớm ban hành dự luật nầy.

5) Chính phủ Stephen Harper đánh dấu ngày tưởng niệm thứ 96 trận chiến Rimy Ridge (12/4/1917-12/4/2013):

Ngày 9/4 vừa qua, ông Stephen Blaney bộ trưởng Cựu chiến binh và Pháp ngữ, ông  Gordon O’Connor bộ trưởng chính phủ, đã cùng ông  Philippe Zeller đại sứ Pháp tại Canada tới chủ tọa lễ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm tử sĩ quốc gia để đánh dấu 96 năm trận chiến Rimy Ridge với sự tham dự của nhiều cựu chiến binh, giới trẻ và hội viên quân lực Canada..
   
Bộ trưởng Blaney đã phát biểu như sau: “Trận chiến Vimy Ridge là một chiến thắng vẻ vang của Canada. Nó còn tượng trưng cho sư can trường, sức mạnh và sự trưởng thành của quân đội Canada”

Ngược dòng lịch sử, 96 năm về trước, trước lễ Phục Sinh năm 1917, 35.000 quân (trong đó có rất nhiều người Albertans) thuộc 4 sư đoàn Canada dưới sự chỉ huy tài ba của tướng Sir Arthur Currie tấn công Đệ Lục lộ quân Đức quân số trên 30.000 đang có lợi thế chiếm giữ trên một ngọn đồi để mở màn trận đánh khốc liệt. Sau ba ngày chiến đấu đơn độc anh dũng , ngày 12/4/1917, đoàn quân Canada đã đẩy lui quân Đức và chiếm toàn bộ ngọn đồi Vimy Ridge. Chiến thắng thật vinh quang nhưng cũng có cái giá của nó:10.600 binh sĩ hy sinh.

Qua chiến công hiển hách nầy và  cũng để tri ân Canada,  Pháp đã cho xây dựng một đài tưởng niệm lớn tại Vimy Ridge để vinh danh các người lính anh hùng Canada. Từ đó ngày 9/4-ngày quân Canada bắt đấu tấn công quân Đức - được Quốc Hội Canada chọn là ngày Rimy Rige.

6) Thủ tướng Stephen Harper ca ngợi đội băng cầu nữ Canada đoạt huy chương bạc giải băng cầu thế giới 2013:

Thủ tướng Stephen Harper đã nhiệt liệt ca ngợi đội băng cầu nữ Canada đã vinh dự đoạt huy chương bạc trong giải hiệp hội băng cầu phụ nữ thế giới (International Ice Hockey Federation Women’s World Championship) được tổ chức trong tuần lễ 2-9/4 vừa qua tại thủ đô Ottawa.

Thủ tướng long trọng tuyên bố: “Nhân danh tất cả người dân Canada, tôi xin gởi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới đội băng cầu nữ Canada đã danh dự đoạt huy chương bạc trong cuộc tranh tài quốc tế vừa qua tại Ottawa tiếp nối theo những chiến thắng liên tiếp về bộ môn nầy. Họ đã xuất sắc và thi đấu cực nhọc để đoạt 15 huy chương trong 15 lần tranh tài”.

Phải! Đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trên thế giới băng cầu. Giải băng cầu phụ nữ thế giới tính đến nay được tổ chức 15 lần (cứ 2 năm một lần) thế mà đội nữ Canada đã đoạt hết 10 huy chương vàng và 5 huy chương bạc.

Đặc biệt trong giải băng cầu năm nay ở vòng sơ kết tính điểm, Canada đã thắng Mỹ 3-2 và đè bẹp Thụy Sĩ 13-0 , tới vòng tứ kết, Canada hạ đo ván Phần Lan 8-0 và vòng bán kết Canada dứt điểm đội Nga cũng là một đội mạnh với tỷ số 8-1. Đây là những tỷ số thành tích độc nhất cho bộ môn băng cầu. Canada vào chung kết với đội Mỹ là đội đã từng thua Canada 2-3 ở vòng sơ kết nên Canada tràn trề hy vọng nhưng lần nầy đội Mỹ đã phục hận được bằng cách thắng Canada cùng một tỷ số 3-2 đoạt huy chương vàng. Hình: Đội băng cầu nữ Canada 2013


8) Bom nổ ngay trong cuộc chay đua quốc tế Marathon tại Boston:

Lúc 2:50 chiều ngày thứ hai 15/4, trong cuộc chạy đua Marathon quốc tế tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, hai quả bom phát nổ cách nhau có 11 giây  trên đường Boyston ngay gần mức đến của cuộc đua gây tử thương cho 3 người là cậu bé 8 tuổi tên Martin Richards, cô Krystle Campbell 29 tuổi và một nữ sinh viên Hoa Lục theo học tại Boston University. Số người bị thương gồm 183 người trong đó có tới 27 người bị nặng phải cưa chân tay. Riêng cậu bé Martin đi cùng gia đình (cư ngụ tại hạt Dorchester) gồm 4 người tới xem ba cậu  là một lực sĩ chạy đua marathon,  họ đứng ngay mức đến cuộc đua nên lãnh hết hậu quả thương tâm: anh cậu bị thương nhẹ, mẹ cậu phải mổ óc lấy mãnh bom và chị cậu bị cưa chân.

Ngay sau đó, thống đốc Massachusetts Deval Patrick, thị trưởng Boston Pom Menino và cảnh sát trưởng Ed Davis đã công bố là sẽ quyết truy tìm thủ phạm và tổ chức đứng sau lưng. Được biết trái bom thứ nhất đặt một nồi áp suất (pressure cooker) để trong ba lô cạnh một thùng rác bên lề đường Boyston..

Tới 7 giờ chiều, tổng thống Obama xuất hiện trên đài truyền hình tuyên bố chưa tìm ra nguyên nhân vụ nổ, và ai là thủ phạm, "xin đừng vội kết luận trước khi có chứng cớ".

Tưởng cũng nên nói thêm là trong cuộc tranh tài quốc tế nầy, Canada có tới 2.000 lực sĩ tham dự trong đó Toronto có 200 người.

Trong thành phần tham dự cuộc đua marathon vĩ đại nầy có một lực sĩ Mỹ gốc Việt Nam tên Hồ văn Dũng.

Thật là tội nghiệp cho thành phố Boston nổi tiếng hiền hòa hiếu khách và là thành phố có nhiều trường đại học nhất ở Mỹ trong đó có hai đại học nổi tiếng thế giới là Harvard và MIT (Massachusetts Institute of Technology). Ngoài ra Boston cũng là thành phố có nhiều sinh viên ngoại quốc tới du học nhất. Thế nên biến cố nầy làm cả thế giới phải quan tâm.

Một hình ảnh vô cùng nhân bản là hàng ngàn các tay đua marathon từ các nước trên khắp thế giới bị hốt hoảng trong cơn biến động đã được các marathon người Mỹ và dân chúng Boston đem về nhà để trấn an và có nơi tá túc.

Rất nhiều nước  kể cả Hoa Lục và Nga đều lên án cá nhân hay tổ chức đã thực hiện vụ đánh bom kinh hoàng nầy. Các thủ tướng Canada, Anh, Đức , tổng thống Pháp và nhiều lãnh tụ khác đã chính thức gởi lời chia buồn cùng gia đình nạn nhân và chính phủ Mỹ.

Riêng tại Nga một hình ảnh cảm động là nhiều người dân  tới đặt tràng hoa trước tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Mạc Tư Khoa đễ chia buồn và bày tỏ lòng tiếc thương các nạn nhân.

Mặc dù chấn động trước tai nạn thảm khốc nầy, cuộc chạy đua Marathon quốc tế cũng vẫn được tiếp tục tổ chức ngay hai ngày sau đó tại Luân Đôn và 4 ngày sau tại Đông Kinh Nhật Bản. Cuộc chạy đua Marathon là môn thể thao truyền thống thế giới được tổ chức từ 117 năm qua. Riêng chính phủ Mỹ sẽ siết chặt vấn đề an ninh công cộng nhất là phi trường. Như vậy tính từ thảm họa 11/9/2001, nước Mỹ được sống an bình trong gần 12 năm.

Tin giờ chót cho biết nhờ camera thu hình của tiệm bán áo quần nổi tiếng Lord and Taylor ở ngay trong khu vực đã cho thấy hình hai nghi. can đang mang chiếc ba lô tới ngay chỗ thùng rác  trước giờ khai mạc. Từ đó Cảnh Sát đã truy lùng ráo riết và sau cuộc đọ súng, Cảnh Sát đã bắn hạ một tên còn tên kia là Dzhoktar Tsarnaev 19 tuổi đang lẫn trốn. Cảnh Sát hiện đang cô lập nguyên vùng Watertown (ngoại ô Boston) và yêu cầu mọi người khóa chặt cửa ở yên trong nhà  để săn tìm kẻ sát nhân. Theo nguồn tin cho biết là cả hai tên đều là người Hồi Giáo Chechnya thuộc Nga.

 Hình hai nghi can trên camera của tiệm bán áo quần Lord and Taylor

9) Chính phủ Bảo Thủ quản trị sai lầm chương trình lao động nước ngoài tạm thời:

Nhà phê bình nhân lực và phát triển kỹ năng của đảng Tự Do, ông Rodger Cuzner đã đưa ra nhận định về việc  đưa  công nhân ngoại quốc nhập cư thay thế công nhân bản xứ như sau: “chính phủ bảo thủ đã hủy diệt tiềm năng nhân lực Canada bằng sự du nhập công nhân ngoại quốc”

Trong thời gian gần đây, chính phủ đã xử dụng nhiều chuyên viên kỹ thuật nhất là chuyên viên hầm mỏ qua chương trình lao động nước ngoài tạm thời (temporary foreign workers program) mặc dù chuyên viên hầm mỏ Canada cùng trình độ không thiếu. Chính phủ bảo thủ thường chấp nhận việc giao công việc của các công ty ngoại quốc khai thác tại Canada cho công nhân nước họ nhập cư vào thay vì huấn luyện cho công nhân bản xứ được có kỹ năng đảm trách. Theo thống kê, con số công nhân ngoại quốc tính đến năm 2012 là  338.189 so với năm 2005 là 200.000 người tức là gia tăng gần 70% trong khi đa số dân Canada phải gặp khó khăn trong việc ổn định công ăn việc làm. Đây là một sai lầm trong việc điều hướng nền kinh tế quốc gia và cần phải chấn chỉnh.

10) Nền ngoại thương sâu rộng với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thư ba thế giới sẽ gia tăng công ăn việc làm và sự phát triển cũng như thịnh vượng lâu dài cho Canada: Ông Ed Fast, bộ trưởng ngoại thương và Á Châu-cửa ngõ Thái Bình Dương đã công bố là phiên họp lần thứ hai để thương thảo về hiệp định hợp tác kinh tế đã nhóm họp tại Ottawa từ 22 tới 26/4 với ông  Toshimitsu Motegi , bộ trưởng kinh tế, thương mại và kỹ nghệ Nhật Bản đã thành công mỹ mãn trên sự hợp tác chặt chẻ và thuận lợi cho việc phát triển của cả hai nước.

Trước đây, ông bộ trưởng Fast đã hướng dẫn phái đoàn công thương kỹ nghệ gia sang Nhật 3 lần để vận động đầu tư thương mại qua những kết ước mà Canada thu lợi gần  4 tỷ gia kim và gia tăng được 30.000 công ăn việc làm mà tính ra lợi tức trung bình mỗi gia đình tăng lên được $325/năm.

Trong năm 2012, Canada xuất cảng hàng hóa sang Nhật với tổng trị giá 10.4 tỷ gia kim nhiều nhất là các mặt hàng nhiên liệu, ngũ cốc và  các quặng khoáng sản. Và ngược lại với 12.8 tỷ đầu tư vào Canada, Nhật Bản là quốc gia Á Châu đầu tư và tạo công ăn việc làm nhiều nhất cho Canada.

11) Canada sẽ xử dụng nhu liệu mới để gia tăng sự riêng tư của hành khách tại phi trường:

Ông Steven Fletcher  bộ trưởng giao thông Canada vừa công bố là Canada sẽ sớm xử dụng một nhu liệu (software) về máy dò tìm thân thể (FBS:Full Body Scanners) nhằm bảo vệ thêm sự riêng tư của hành khách khi được kiểm soát an ninh phi trường. Nhu liệu “tự động nhận dạng mục tiêu”(ATR:Automatic Target Recognition) đang được tối tân hóa tại nhiều phi trường lớn ở Canada.Hệ thống ATR chỉ ghi nhận trên computer những dữ liệu vật thể  chứ hoàn toàn không có  nhân dáng hay thông tin cá nhân của đối tượng nên vừa bảo đảm an ninh an toàn chuyến bay vừa tôn trọng sự riêng tư của hành khách. Đặc biệt là toàn bộ hệ thống hoàn toàn không phương hại tới sức khỏe con người.

Lá Thư Canada tháng 4 tới đây chấm dứt. Xin hẹn qúy độc giả vào tháng 5.

Mississauga 19/4
Nguyên Trần

No comments:

Post a Comment