29 March 2013

Xem tranh

The burden of water


The burden of water, tiêu đề của bức tranh thật hay, nhưng hiểu thế nào cho đúng nhỉ: Gánh nước hay Nợ nước? Hình ảnh “lao cải” ở trại tập trung rừng Xuyên Mộc, một địa danh cùng hàng trăm địa danh khác trên khắp đất nước Việt nam ở đấy người miền Nam, đặc biệt là trí thức, đã chịu mọi hành hạ, tra tấn, trả thù về thể xác và sỉ nhục về tinh thần dưới danh xưng ngụy tạo là “lao động cải tạo” được đám người mệnh danh là “bên thắng cuộc” hả hê điều hành.

Lịch sử nhân loại cho thấy đa phần các cuộc chinh phạt được thực hiện bởi các dân tộc văn minh hơn lên các dân tộc kém văn minh hơn. Cho dù không tin vào mỹ từ khai hóa, ít ai có thể phủ nhận được rằng quả thật dân trí Việt nam được nâng cao rất nhiều và tinh hoa dân tộc đã nở rộ ở đỉnh điểm vào tiền bán thế kỷ 20 dưới thời thực dân Pháp đô hộ. Thực dân có phi nhân thế nào đi nữa thì các dân tộc bị đô hộ cũng đã được khai hóa ít nhiều. Thật chẳng may khi một dân tộc văn minh lại bị bọn rợ tràn vào tàn sát và vơ vét, phá hủy hết dấu tích văn minh, lại còn nhân danh rằng mình văn minh hơn. Dương Thu Hương, một chiến binh của bên thắng cuộc, là người sớm nhận ra thảm kịch này ngay giây phút đầu tiên bước chân vào Sài Gòn hoa lệ: “Chế độ man rợ đã thắng chế độ văn minh.”

Bức tranh đã cho thấy giới trí thức, khoa bảng miền Nam “được” giáo dục, cải tạo như thế nào bởi những người cùng chủng tộc với họ. Gánh nước tưới cây, tưới rau xanh, công việc quen thuộc và sẽ nhuần nhuyễn mau chóng thôi. Dưới bộ cánh tả tơi, chiếc nón lá tơi tả, người tù trí thức có lẽ cũng phải thường xuyên gánh cái thứ vật chất mà Mao “đỉnh cao trí tuệ” so sánh trong câu nói nổi danh. Đó là cách trả thù kinh điển đối với trí thức không cùng ý thức hệ được ghi nhận ở khắp các nhà tù từ bắc chí nam, từ Đầm Đùn đến Cổng Trời, ở mỗi giai đoạn lịch sử từ Nhân văn Giai phẩm đến tập trung cải tạo 1975.

Sống gần sông nước, thoát thai từ tiền đồ dân tộc hiếu hòa nhưng CS đã chối bỏ mọi thứ, hăm hở muốn trở thành một loại siêu thực vật nhưng rốt cuộc chỉ là một nhánh cây khẳng khiu, trơ trụi bên suối nước. Tiền đồ dân tộc rồi sẽ như một bóng đại thụ, vượt lên che khuất đi loài thực vật độc địa, hạ đẳng nằm dưới gốc. Bên kia con suối, người tù lê bước chân dưới gánh nặng đôi thùng nước như nợ núi sông, vẫn thấy ánh mặt trời chan hòa xuyên cành lá, và hình như thấp thoáng chinh phụ bồng con đứng đợi!

PNC, ĐS 20

No comments:

Post a Comment