04 February 2013

Áo Lá-Chầm, tùy bút

Buồn như dừa-nước gục đầu
Trái đơm như những trái sầu đơm bông.
Thơ Hoàng-Châu

Tôi tự cho cây dừa nước là linh hồn của dân Việt; không phải vì quê tôi có rất nhiều cây dừa nước; mà là vì cây dừa nước ngoài công dụng ở đời nó còn biết giữ bờ, giữ nước ! Dừa nước còn gọi là dừa lá. Nó cũng có buồng có trái, cũng có cơm dừa trắng và nước ngọt.Trái có hình như hột bắp, nhỏ bằng nắm tay trẻ thơ và một buồng sai quằng có hàng trăm trái, thường được ăn chơi mà không dùng trong kỷ nghệ; nên người ta gọi là dừa lá. Buồng dừa lá sai quằng, gục đầu như loài bông dandelion nở tròn ở xứ Mỹ, trang điểm cho bờ bến sông rạch miền Nam thêm vẻ nên thơ. Buồng dừa gục đầu màu nâu chen lẫn lá xanh bên cạnh cây mù u bông trắng nhụy vàng hay bông bần hồng đỏ như trái tim son. Cây lạc dừa hay cây cà bắp nhọn hoắt chỉa thẳng lên trời như ngọn giáo.

Quê hương tôi cũng được mệnh danh là xứ dừa vi san sát hết vườn nầy tiếp vườn kia toàn là cây dừa sai trái ngọt. Dừa xiêm nổi tiếng nước ngọt và dừa khô thì xuất cảng ra cả nước ngoài. Người ta cơ hồ quên phứt cây dừa lá, có lẽ vì nó chỉ cho lá mà thôi, còn bẹ dừa chỉ dùng vừng vách tạm bợ, và bộp dừa thì vô dụng nổi trôi; chỉ có thể làm nơi bám cho thòi lòi còng rạm, hay nơi trú ẩn cho cá bóng dừa. Thỉnh thoảng cũng dùng bộp dừa để dộn hay tấn các bờ be hay lót đường xình lầy trơn trợt. Đọt non của dừa lá là cây cà bắp chẻ làm lạt dây rất tốt. Vỏ bộp dừa tước ra bện thành vòng nài kẹp vào chưn leo cau leo dừa hay thắt thành dây quai chèo chắc tốt. Nói đến dừa nước người ta chỉ biết tới lá nhiều hơn. Lá non từ cây cà bắp thì dùng chầm nón, đươn gàu, thắt bao, thắt giỏ. Những đám cưới đồng quê, nữ công thi tài bằng cách dùng lá dừa non gói đũa liền kín và dấu mối. Vào bàn tiệc, đàng trai đàng gái thi nhau tìm mở trúng mối để lấy đũa ra là biết tay nghề nữ công khéo đến mức nào. Cây cà bắp dài mấy thước dịu quặc. Thầy bùa thầy gồng dám cho dao nhọn đâm vào cổ, nhưng lại kỵ cây cà bắp lụi vào, sẽ đi ngọt xớt! Cùi buồng dừa nước cũng vậy, lãy trái ra hết thì trông như một quả chùy. Giỏi võ cỡ nào mà để cùi buồng dừa nước đập trúng thì sẽ sanh bịnh hậu, mười năm sau mới thấm. Cùi buồng dừa nước tề đầu và đập tưa ra như cây chổi phất trần của tiên gia, cũng xài được cả mấy năm.


Trở lại lá dừa, người ta róc ra quấn kèn, gói bánh dừa (Giồng Luông thuộc Quận Mỏ Cày Bếntre, nổi tiếng về bánh dừa), quấn nòng ươn cà, ươn cây thuốc hút, chầm nón lá, chầm nắp vung trả đụng, chầm nắp mái nắp lu, chầm liếp phơi bánh tráng bánh phồng chầm vách ngăn phòng gọi là vách lá chầm. Nếu bẻ cúp kẹp trong nẹp gọi là lá cần đớp. Nếu tét hai nguyên tàu lá dùng xấp nóc nhà thì gọi là lá xé.

Nhìn dừa lá hàng hàng lớp lớp hai bên bờ sông, không gì đẹp hơn. Lá vươn mình lên nền trời xanh một màu lặt lìa, lá non thì mơn mởn như màu cau kiểng, đọt lá nhọn hoắc chỉa vút lên như cột thâu lôi. Cây dừa lá là động lực quyết định dòng sông. Nếu nước chảy xiết thì bờ dừa lá là thành trì chống đất lở, giữ ngăn thành quách. Nếu dòng sông chảy yếu ớt, thì bờ dừa lá sẽ xâm lấn và có thể biến khúc sông cùng lạch cạn, thành khu rừng lá xanh um.

Chầm có nghĩa là bện, là kết lại. Nón chầm lá nón kết lại bởi lá cây dừa nước. Nếu kết bằng lá cây kè, cây thốt nốt thì gọi là nón lá buông, nhẹ và thanh nhã hơn. Áo chầm là áo kết bằng lá cây dừa lá, có hình tháp, tròng từ đầu xuống và trên đầu đội cái nón lá chầm, trông như một cây núm khổng lồ. Tay chưn của người bận áo lá chầm cử động thỏa mái bên trong không vướng bận. Bận áo chầm đi dưới mưa cả ngày cũng không ướt, không lạnh. Trời nắng ráo thì lột áo chầm trải trên bờ cỏ mà nằm nghỉ ngơi như nằm trên chiếu trên đệm. Có những chiếc áo lá chầm dài phủ tới chưn người cao lớn, có những chiếc áo lá chầm người ta tề ngắn gọn như là một chiếc “jupe” bùng rền. Giữa đồng mùa lúa chin, người ta cắm một cọc cây cho bận áo chầm va đội nón mê để làm bù nhìn xua đuổi chim muông. Giữa đồng cò bay thẳng cánh, hình ảnh người bận áo chầm đi trên bờ mẫu, gợi cảnh thanh bình nên thơ. Thời giặc giã loạn lạc, người nông phu bận áo lá chầm là đối tượng nghi hoặc vũ khí dấu bên trong. Cho nên giữa gió mưa lạnh lẻo, người nông phu chơn chánh không dám phủ áo chầm lên mình đi gần đồn gần bót. Tôi nghiệp thay!

Tôi nhớ ở quê tôi, có bót PC (Post Central) là nhà nền đúc của bà Trùm Lân tại Chợ Mới làng Tân Thanh. Khi xếp Phơi tức là Trần Khắc Thành về làm trưởng đồn thì cũng là lúc vàng thau lẫn lộn, Việt Minh Cộng Sản nổi lên. Lúc ấy tôi khoảng 7, 8 tuổi, anh Ba Cụt thường chở tôi bằng xe đạp tới trường nhà ông Đốc Ngưu tại Chợ Mới và bận về thì Xếp Phơi chở tôi về tới nhà Xã Kiên thì thả xuống, không dám ra tới Miễu Điền vì sợ Việt Minh bắn sẻ. Xếp Phơi mỗi chiều hay dẫn lính ra kích bên ngoài. Sàng thì dẫn lính vô đồn. Việt Cộng theo dỏi và đếm rõ số lính ra vào. Một chiều mưa, tóan lính trùm áo lá chầm và đi ra khỏi đồn như thường lệ. Sáng sớm hôm sau toán lính trở về cũng đúng túc số như bọn Cộng Sản đã bỏ ống dòm theo dõi. Người Cộng Sản yên chí nên đã mò về thâu thuế, tuyên truyền. Nhưng rủi thay họ bị phục kích và bị tiêu diệt toàn bộ. Họ có biết đâu, xếp Phơi cho lính trùm áo chầm ra đồn nhưng phân nửa phục kích ở lại. Chính vì vậy mà chừng bán tiểu đội lính Cộng Hòa đã tiêu diệt gọn một trung đội Cộng Sản. Đó là những cái áo lá chấm ghi chiến tích vẻ vang cho làng xã quê hương tôi. Chiếc áo lá chầm đã đưa danh tiếng xếp Phơi thành anh hung diệt Cộng, và anh đã trở thành Xã Trưởng Xã Tân Thanh sau đó.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, xếp Phơi, tức xã trưởng Tân Thanh Trần Khắc Thành đã phải thi hành lịnh chánh phủ chịu ngục hình tra tấn trong trại gọi là trại cải tạo. Xếp Phơi đã tập hợp một số cựu quân nhơn QL/VNCH tổ chức cướp trại vượt ngục và đã cướp đại liên M60 bắn chết viên Trung Úy trưởng trại cùng hàng chục tên lính Cộng Sản để đào thoát. Xếp Phơi chạy ra bưng cố thủ và cầm cự hơn cả tuần lễ và đã gây thiệt hại đáng kể cho Cộng sản. Vi bị bao vây và thiếu thốn tiếp liệu đạn dược cuối cùng ông tự tử chứ không đầu hàng. Có thể nói, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tổn thất lớn nhứt của bọn Cộng Sản là sự quật khởi của anh hùng Trần Khắc Thành tại Tỉnh Bến Tre.

Cây dừa lá quê tôi cũng dày đặc cả rừng nên cũng có địa danh tên Rừng Lá; nhưng không vang lừng bằng Đám Lá Tối Trời Gò Công, nơi Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định đồn trú thuở nào. Nhưng dừa lá quê tôi đã từng sản xuất những cái áo lá chầm làm nên lịch sử. Chiến thuật nào mà một chọi bảy (bán tiểu đội đánh tan trung đội) mà xếp Phơi đã áp dụng? Tôi không hân hạnh tham dự trận đánh nầy nên không tường thuật rõ ràng. Xếp Phơi thì cũng đã ra người thiên cổ. Những đồng đội cùng vượt ngục cùng chống trả Cộng Sản một cách anh dũng nay hương hồn họ ở đâu!

Thuở thiếu thời chạy giặc về Châu Thành Bếntre, gia đình tôi cất tạm căn nhà sàn cạnh Cầu Dầu, bên bờ sông Trúc Giang. Sông rộng nửa cây số bề ngang, phía bên kia là vườn dừa xanh mướt. Viền bờ sông là những rặng dừa lá đọt bằng phẳng như một bức tường cao nghệu. Phía bên nầy là Rạch Kiến Vàng có cây cầu đúc bắt ngang trên Tỉnh lộ ra Hàm Luông chạy về hướng Cù Lao Minh và Vĩnh Bình, Vĩnh Long. Rạch Kiến Vàng chạy ngoằn ngoèo, uốn khúc, hai bên dừa lá xanh um, chen lẫn cây bần, cây dẹt, cây quao, ô rô, mù u, sắn, cóc kèn, mái dầm. Dừa nước, dừa điếc, chuối cây, bộp dừa trốc gốc trôi bít cả dòng sông. Nước ròng vực là thòi lòi ôm đầy bộp dừa, còng rạm bò lỏm ngỏm trên bãi sông. Luôn có những người mò cá tép và bắt cá bóng dừa trong bộp lá mỗi khi nước ròng.

Một cái bầu thúng nổi lều bều nối liền với một sợi dây cột vào thắt lưng, những người mò xúc cá tép trầm mình dưới dòng nước cạn. Vài con bìm bịp, chàng chài, chàng nghịch giựt mình tung bay. Vài con đẻn lội ngược dòng tẻ nước, vài con chuột trên ngọn cây té xuống vội vàng lội vào lùm trú ẩn.

Ngoài Cầu Dầu nước chảy cuồn cuộn, sóng lượn ào ào, ngó ra Vàm Hàm Luông mênh mông như cái biển. Chùm lục bình nhấp nhô bông tím phớt hồng. Một bụi dừa lá như cái nhà đã trốc gốc trôi theo dòng nước. Lá vẫn vút ngọn xanh tươi. Có lẻ đã mất đất bám cả tháng rồi, sáng trôi vô chiều trôi ra như còn vấn vương bờ bến, không chịu trôi đi biền biệt. Chắc hẳn đã có cá bóng dừa trú ẩn, rạm còng, thòi lòi nuối tiếc trôi theo. Tôi rán kéo tấp vào mé bờ cho bộp dừa có cơ hội đâm rễ sống lại; nhưng sức tôi không tài nào kéo nổi. Tôi vẫn thường thấy khi nào bộp dừa còn đọt non mà tấp vào kẹt bờ thi sự sống mới sẽ vươn lên. Nhưng mà bụi bộp dừa quá lớn, có lẻ đất sụp hàng công mới nên cớ sự nầy. Đã lở ra giữa dòng sông rộng, trôi ra vàm ra sông cái, thì đâu còn hy vọng trở lại bến xưa. Tôi ước ao mình được cỡi trên bọp dừa và lèo lái bộp tắp vào bờ để đâm chổi giữ nước giữ bờ. Nhưng mà tôi không thực hiện được. Tôi đã để lở cơ hội khiến cho bộp dừa biền biệt trôi xa….

Cũng ví như bản thân tôi giờ đây nơi xứ lạ quê người, đã hụt chưn không còn đất bám. Cố gắng quay về cố hương nhưng không bờ không bến không định hướng biết đâu mà về?! Ngày xưa còn thơ ấu, còn tuổi thanh xuân mà sức không kéo nổi bộp dừa lá ngược dòng. Bây giờ bóng xế trời xa hơi mòn sức mỏn, đâu còn cơ hội nhào xuống dòng sông cũ bến đò xưa mà đón vớt bộp dừa trôi để kéo tấp vào ngăn bờ chuyển vận nước trôi.

Lại một mùa Đông nơi xứ tuyết.
Nhựt-Khuê
_______
Nhựt Khuê là bút hiệu của một đồng môn QGHC

No comments:

Post a Comment