22 January 2013

Đánh bùn sang ao

Đọc Và Hãy Để Người Khác Đọc
Điền Thảo

Trong những ngày quân đội CS Miền Bắc chiếm thành phố Huế trong Tết Mậu Thận 1968, người ta đã chứng kiến một người dân bị cộng quân lôi ra xử bắn chỉ vì "tội" nghe lén đài BBC. Đó là hình ảnh chính sách khủng bố ghê tởm mà những dân tộc văn minh tiến bộ không thể chấp nhận. Con người không thể sống mà không được phép tư duy. Con người cũng sống đau khổ nếu bị cấm đoán không được tìm biết những gì họ muốn. Không được quyền tự do tư duy và phát biểu hay không được quyền biết những gì người khác phát biểu đối với những người khao khát mở rộng kiến thức thì có khi chẳng thà chết đi còn hơn.

Tại nhiều quốc gia quyền tự do tư duy là một quyền tự nhiên của con người. Nó rất đơn giản. Thế nhưng ở một số thể chế quốc gia, ngay cả trong một vài cộng đồng tôn giáo trước kia và cho đến giờ này vẫn không coi quyền tự do tư duy của con dân hay tín hữu là mặc nhiên.

Quyền tự do tư duy hàm chứa và là đầu mối phát sinh nhiều quyền tự do khác như tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do có và được quyền chia sẻ những ý kiến dù là trái ngược với một trào lưu, một cộng đồng, một thể chế chính trị hay ngay cả không đồng thuận với những tín điều của một tôn giáo. 

Thế cho nên một người muốn đọc hay không muốn đọc một quyển sách, là quyền của họ, chẳng có gì phải bàn thảo.

Một người khi "cấm" người khác đọc một quyển sách vì những "nọc độc" trong đó, phải hiểu rằng chính người ấy đã đọc quyển sách rồi mới phát giác ra những "nọc độc" ấy. Thật khó hiểu khi một người đứng ra ngăn chận người khác làm một việc mà chính mình đã làm trước đó, nhất là những việc khách quan vô hại. Hẳn người đó cho rằng chỉ có mình thôi mới là người đủ trình độ để nhận ra những sai trái của quyển sách và rằng chỉ có mình thôi mới đủ sáng suốt và cứng rắn để không bị nhiễm độc!

Não bộ của một người bình thường thì ngại suy nghĩ là điều tự nhiên. Những não bộ bình thường ấy có khuynh hướng chấp nhận không thắc mắc những gì đã thấm nhiễm qua một tiến trình lâu dài, và thường gắn thật chặt với những điều mình tin tưởng. Thường những người ấy và những người theo họ có ác cảm với bất cứ điều gì có thể làm xáo trộn cái thế giới quen thuộc trong não bộ của mình.

Những nguyên nhân tâm lý đã tạo nên tinh thần bảo thủ chống lại những ý tưởng mới đặc biệt được củng cố bởi sự đối kháng tích cực của một bộ phận quá khích trong cộng đồng. Cũng một phần vì cái tính ngại suy nghĩ và tìm hiểu, một người có thể chưa đọc một quyển sách mà đã hô hảo tẩy chay và không muốn nhìn thấy những người khác đọc chỉ vì tin theo những người cùng chí hướng với mình.đang hô hào tẩy chay quyển sách!

Xin trích một câu trả lời của một người đi "biểu tình chống một quyển sách"(?) khi được phóng viên hỏi han:
(Bà Thương Trương, cư dân thành phố Garden Grove, quả quyết “nghe trên đài nói thì tôi cũng hiểu một phần nào… Chỉ cần đọc mấy chữ ‘Bên Thắng Cuộc’ là đã biết những người viết trong cuốn sách không hiểu gì hết, không hiểu gì về VNCH, chứ không cần phải đọc hay đi sâu vào đọc.”)
Cũng may cuộc biểu tình chỉ khoảng 100 nguời tham dự, nếu có vài ngàn người tham dự chắc người ta phải kín đáo khi đọc sách này. 

Nếu như tôi phải lén lút đọc một quyến sách viết những điều không hợp ý những người đao to búa lớn chung quanh, thì tôi đang sống trong một cộng đồng thật sự không tôn trọng tự do tư duy.

Thế nên đọc và hãy để người khác đọc với niềm tin rằng họ cũng như mình có khả năng phán đoán khi đọc, bằng không chúng ta đang chống đối và vận động chuyển hóa một thể chế độc tài bằng một phương pháp độc tài khác. Và như thế chúng ta đang đánh bùn sang ao, rồi ra chẳng có gì mới ở phía trước.

Điền Thảo

No comments:

Post a Comment