29 December 2012

Nỏ Thần Giả

Mục tiêu ghi trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập do ông Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình năm 1945 cho đến bây giờ vẫn hoàn toàn là một chiếc bánh vẽ. Không có một luận cứ nào còn có thể biện minh cho tình trạng suy đồi của xã hội VN hôm nay mà chỉ có thể có một lý do duy nhất: Đất nước đang nằm dưới sự cai trị của một bè lũ độc đoán, ti tiện và tham tàn.  Xin mời quý anh chị cùng tìm hiểu với tác giả xuyên qua những phân tích cặn kẽ trong bài viết  dưới đây. TTR .
**
Trung Ngôn
 Năm 2012 vừa qua tại Việt Nam, hai sự việc đã xảy ra được xem là trọng đại và đến nay vẫn còn nóng bỏng: việc cưỡng chế đất đai đưa đến đổ máu và sự bành trướng quá lộ liễu của Trung Cộng.  Đây không phải là hai sự kiện bột phát, mà chỉ là những diễn tiến càng ngày càng làm cho sự việc xấu thêm. Thật vậy, những tranh chấp đất đai trong nước đã manh nha từ 20 năm trước, từ khi Hà Nội đưa ra Luật Đất Đai ban cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp -- lùi một bước đối với những bức phá tự phát của nông dân-- và tiếp theo đó là những hành động đàn áp từ trong trứng nước các vụ dân oan khiếu kiện.  Còn ảnh hưởng của “bản đồ hình lưỡi bò” đối với Việt Nam thì chỉ là một hậu quả tất yếu sau hành động hồ đồ của Hà Nội dưới thời Thủ Tướng Phạm Văn Đồng khi ông ta tuyên bố đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Hoa Lục, và tiếp theo là việc nhường đất đai biên giới, di chuyển các cột mốc về phương Nam, cho khai thác tài nguyên nội địa, và những tuyên bố tránh né đối với những việc làm côn đồ của “các tàu lạ”.

Trước những bệnh tình nguy hiểm và phức tạp này, nguyên tắc trị liệu căn bản của Hippocrates là primum non nocere, tức trước tiên là đừng làm điều gì tổn thương. Vậy mà Hà Nội đã làm nhiều điều hoàn toàn trái ngược. Chính quyền các cấp đã ra tay đàn áp thô bạo những nông dân khiếu kiện về những thiệt thòi mất mát vật chất của mình; đánh đập dã man tù đày nặng nề những người biểu tình bày tỏ ưu tư trước sự thiệt hại của đất nước. Những việc làm của đảng Cộng Sản Việt Nam cho thấy đảng cầm quyền này là một tập đoàn hung hãn và thô bạo, càng ngày càng xa cách nhân dân -- nếu không nói là đang trở thành kẻ thù của nhân dân. Và từ đó người ta tự hỏi đảng Cộng Sản đã đi được bao xa kể từ khi nắm chính quyền.

Với Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mà phần đầu được dịch vội vã từ Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, những người Cộng sản đầu tiên đã ghi dưới quốc hiệu ba danh từ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” để xác định hướng đi mà tân quốc gia với 14 triệu dân lúc đó phải hướng tới. Và họ đã, đang và sẽ đưa quốc gia về đâu?

“Độc lập?”  Ai cũng hiểu rằng độc lập ở đây là độc lập đối với Pháp.  Có người cho rằng không cần phải tranh đấu tốn hao xương máu thì vài thập niên sau, nước Việt Nam cũng sẽ độc lập nhờ cao trào giải phóng thuộc địa sau Thế Chiến Thứ Hai.  Cũng có ý kiến cho rằng Hồ Chí Minh là người mê mộ phong trào Cộng Sản quốc tế, chứ nào có nghĩ gì độc lập của quê hương đất nước.  Dù nghĩ thế nào đi nữa thì trong quá trình dân ta giành độc lập từ thực dân Pháp, họ Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn cho thấy là họ đã phản bội xương máu của bao nhà ái quốc và đồng bào đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc khi chiến đấu bên cạnh họ. Giờ đây, mỗi khi nhìn chữ “độc lập” trên các thông báo của nhà nước, hay khi viết lên các đơn khiếu kiện, người dân không khỏi chua chát tự hỏi bấy lâu nay VN có độc lập với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc hay không?  Các chuyến đi cầu viện trong mưu đồ thôn tính miền Nam trước 1975; các chuyến đi riêng lẻ để “cầu phong” và củng cố địa vị cá nhân trong những năm vừa qua; các hoạt động không ngừng của những đường điện thoại đỏ giữa Hà Nội và Bắc Kinh; các vụ đàn áp trí thức, sinh viên và thường dân dám bày tỏ mối ưu tư của mình đối với việc Hà Nội nhu nhược, vì quyền lợi riêng tư đã dâng hiến lãnh thổ, lãnh hải, và những quyền lợi kinh tế khác cho Bắc Kinh v.v. cho thấy tinh thần và văn hoá “Bắc thuộc” của Hà Nội, chứ không có chi gọi là “độc lập” cả -- nếu không muốn nói là “dịch chủ tái nộ”,  một ông chủ mới gần kề, mưu mẹo và độc hiểm hơn.

“Tự do?” Hồi 1945, người ta đòi Pháp ban bố tự do hội họp, báo chí vv. Khi lấy lại dược chủ quyền, người dân muốn đi từ địa phương này sang địa phương khác, phải xin xỏ trình báo theo quy chế “hộ khẩu”. Ngày nay các sinh hoạt tôn giáo, văn hóa cũng phải được phép trước và bị canh chừng gắt gao.  Các cuộc đàn áp những người dân vô tội, các bản án nặng nề dành cho các nhà trí thức, các bloggers, các văn nghệ sĩ bày tỏ mối ưu tư của mình đối với đất nước v.v. đã bị thế giới nhiều lần lên án.  Tại VN hiện nay, những quyền tự do đi lại, hội họp, ngôn luận, tôn giáo v.v. là những thứ mơ hồ nhất thế giới!  Có thể nói một cách tổng quát, ở các nước tự do, người dân không được phép làm những gì mà luật pháp cấm đoán, còn ở Việt Nam, người dân chỉ được làm những gì mà nhà nước cho phép.  Khốn nỗi những gì nhà nước “cho phép” lại rất hạn chế, lại thay đổi thất thường, tùy lợi ích và hứng thú của các cấp quyền lực.  Sự chuyên chế, trực tiếp chà đạp quyền tự do của nhân dân mà đảng Cộng Sản Việt Nam cho thấy mỗi ngày khiến người ta nhớ đến sự tham quyền của vua Charles I (1600 - 1649) của nước Anh: sau nhiều năm cực lực và dai dẳng chống đối quốc hội, thậm chí thông đồng với ngoại bang để nhằm giành lại “vương quyền thiêng liêng”, và cuối cùng bị thua.  Trong khi chờ đợi bị chặt đầu trước pháp trường, ông ta vẫn ngoan cố cho rằng quyền tự do của nhân dân không thể nào được san sẻ trong chính quyền, và rằng “thần dân và chủ quyền là hai thứ hoàn toàn khác nhau.”  Lịch sử cận đại đã cho thấy: Một nhà độc tài cai trị một quốc gia, hắn sẽ không toàn mạng. Một gia đình trị, gia đình đó sẽ nát tan.  Một quốc gia kiêu hãnh độc đoán, sẽ đưa đến thế chiến!  Còn độc đảng dốt nát, hung hãn và nhũng lạm cai trị thì sẽ đưa quốc gia đó về đâu? Nó làm cho quốc gia đó bại hoại lâu dài sau khi nó tan rã, và đất nước phải cần rất nhiều năm mới có thể hồi phục nỗi.

  “Hạnh phúc?” Người ta không rõ khi Hồ Chí Minh ghi xuống hai chữ “Hạnh phúc”, thì ông lấy cảm hứng từ đâu, từ chữ Pháp le bonheur commun trong khẩu hiệu “Le but de la société est le bonheur commun” của tờ báo khuynh tả Le Tribun du Peuple (1794) của Gracchus Babeuf (bị tử hình sau đó) hay ông mượn ý niệm the Pursuit of Happiness trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ (1776). Dù là “hạnh phúc chung” (Babeuf còn gọi là “hạnh phúc dân tộc”, le bonheur du people), hay hạnh phúc cá nhân đi nữa, thì trải qua hơn nửa thế kỷ từ khi đảng Cộng Sản nắm quyền đến nay, thử hỏi trong nhân dân bao nhiêu người được hạnh phúc? Thật khôi hài và mỉa mai khi người Việt được xếp “hạnh phúc hạng nhì trên thế giới”, như kết quả một cuộc thăm dò nào đó đã cho những người được phỏng vấn tự đánh giá.  Cái hạnh phúc này chỉ có thể so sánh với cái hạnh phúc của một anh tù bị biệt giam trong ngục tối cho là mình đang có, khi anh ta 2 tuần được cho ra ngoài tắm một lần, rồi sau đó lại vào ngục tối.  Chẳng lẽ dân ta lại dễ thích nghi (adaptation) cảnh khổ dễ dàng và nhanh chóng như thế sao? Quanh năm kiếm sống quần quật, vất vả, bị bốc lột đủ điều nay được được dịp lên thành ăn một ly kem, nhìn ánh đèn màu quảng cáo lấp lánh, là có thể la hét lên rằng mình hạnh phúc được sao?  Nếu ông cha chúng ta dễ dàng có hạnh phúc như vậy, thì có lẽ trong một ngàn năm nô lệ giặc Tàu đã không có những cuộc nổi dậy!  Trên hai ngàn năm trước đây, Socrates nói rằng trong những thứ mà một người đang theo đuổi hạnh phúc cho là tốt nhất (tự bản chất của chúng cũng như do các kết quả chúng mang lại) thì công lý (justice) có giá trị nhất. Aristotle quả quyết rằng người nô lệ không thể nào hạnh phúc. Định nghĩa đời sống hạnh phúc nhất là “đời sống trầm tư mặc tưởng” (the contemplative life) – cao hơn cả cuộc sống với những lạc thú, cuộc sống chính trị với những danh dự mang lại, hay cuộc sống tạo ra tiền bạc của cải – mà chỉ những nhà thông thái thánh thiện mới có thể đạt, ông thấy chưa đủ; ông lại còn đòi hỏi họ phải thực hiện trong trọn cuộc đời.  Ông viết: “Vì một con én không thể làm ra mùa hè, và một ngày cũng không thể; cho nên một ngày hay một thời gian ngắn không thể khiến cho người ta được ân điển và hạnh phúc.”  Ngày nay, chúng ta không đề ra những tiêu chuẩn khắt khe như Aristote, nhưng rõ ràng chúng ta thấy người ta “hiểu” và “cảm thấy” hạnh phúc sao quá dễ dàng!  Uống một ly bia với thủ trưởng; bắt tay với “đồng chí Bộ Trưởng”; bỏ tiền sắp hàng vào thăm lăng “Bác” một lần vv. đều là “hạnh phúc.”  Có hơn chi một con chim trong lồng son với gạo nước đầy đủ hằng ngày!

Có lẽ đến lúc nhà cầm quyền Hà Nội nên lặng lẽ ra lệnh bỏ ba danh từ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” này đi, bởi vì chúng không những đã mất hết ý nghĩa lịch sử tốt đẹp của chúng, mà còn làm tủi thân cho những người đã hy sinh xương máu vì chúng. Tuy nhiên, nếu Hà Nội cứ nghĩ những nụ cười được ghi nhận trên các khuôn mặt người đọc và người viết các danh từ này, cũng như những người tham gia vào các cuộc thăm dò về hạnh phúc đều là “những nụ cười hạnh phúc thực sự” (duchenne smiles), thì họ nên mở một chiến dịch lớn nhắc lại với nhân dân trân trọng hơn, ngoạn mục hơn và “hoành tráng” hơn!

Trong vài năm qua, đã có những chỉ dấu báo động rằng “gạo nước trong lồng son” nói trên sẽ không còn lâu dài.  Mặc dầu đảng Cộng Sản đã cố gắng giữ nguyên trạng trong guồng máy lãnh đạo trong lần đại hội thường niên vừa qua, nhưng trước và sau đó, đầu tư nước ngoài đã vô cùng lo ngại, không còn muốn bước chân vào đất nước mà “lãnh đạo chính trị” dễ bị bứng đi, và “đường lối kinh tế tài chánh” bấp bênh thay đổi thường xuyên.  Đầu tư ngoại quốc lại còn e ngại vì không muốn dính líu vào các vụ cưỡng chế /khiếu kiện đất đai mà phía đối tác Việt Nam có thể gây ra, chỉ vì bồi thường thiếu minh bạch.  Ngoài ra, họ cũng không yên tâm như nhiều năm trước đây vì trong vài năm nay, công xá của lao động không chuyên môn có khuynh hướng càng ngày càng tăng.  Đó là chưa nói tới trình độ khoa học kỹ thuật không thấy gì phát triển: trọn thập niên vừa qua, số bằng sáng chế và các công trình nghiên cứu chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thiếu đầu tư nước ngoài, VN đành phải ngóng về đầu tư phương Bắc, và đầu tư của các cơ sơ quốc doanh.  Cái thòng lọng oan nghiệt này sẽ siết cổ dần nền kinh tế mới vừa toan cất cánh.  Ngay cả nông thôn vốn là nền tảng của phát triển kinh tế từ nhiều năm nay, và là môi trường sinh sống của hơn 65% dân số, cũng không có cơ đứng vững: gạo bị các nước láng giềng cạnh tranh gay gắt; đất đai thổ nhưỡng càng ngày càng cạn kiệt và bị thời tiết, khí hậu, nước biển đe dọa.

  Những vụ cưỡng chế đất đai năm 2012 là những cảnh báo nghiêm trọng buộc Hà Nội phải cẩn thận hơn, dè dặt hơn trong việc nghiên cứu áp dụng dự thảo cải cách ruộng đất mà Ngân Hàng Thế Giới đã trao cho từ mấy năm trước. Năm 2013 là năm dân chúng phải giao nộp lại ruộng đất sau hai thập niên được ban cho quyền sử dụng.  Chọn giải pháp “hạn điền” 40 - 50 năm hay sở hữu vĩnh viễn ruộng đất cho cá nhân đi nữa đều chứng tỏ Hà Nội đã sai lầm 20 năm qua trong nổ lực bám víu cái cốt lõi “quyền sở hữu nhà nước” mục nát.  Giải pháp lần này chắc chắn sẽ đem lại những xáo trộn không nhỏ trong gia đình, trong các cộng đồng -- nhất là các cộng đồng sắc tộc -- ngoài xã hội cũng như trong tổ chức chính quyền các cấp, tạo thêm cơ hội tham nhũng, sẽ làm tiêu hao thêm không biết bao nhiêu thì giờ, tiền của, nghị lực của cả nước – đáng lẽ có thể dùng vào những công tác tích cực khác. Khi quốc hữu hóa ruộng đất Miền Nam thì Hà Nội đã đi ngược trào lưu thế giới thời đó; nay nếu tư hữu hóa đất đai cả nước đi nữa, thì họ đã chậm hơn thế giới nửa thế kỷ, chứng tỏ khả năng quản lý kinh tế quá yếu kém của họ mà thôi. Nhưng có lẽ trể còn hơn không!  Mặt khác, người dân cũng có quyền đặt nghi vấn rằng luật đất đai 2013 rồi đây cũng chỉ nhằm vá víu, đồng thời nhằm giúp cho các đảng viên và những nhóm quyền lợi thôn tính thêm đất đai chung quanh để lập ra những đồn điền trang trại mà nhà nước sẽ khuyến khích qua chính sách trung và đại canh tác dưới chiêu bài hiện đại hóa nông nghiệp. Và rồi vận mạng của những nông dân và gia đình không có đất canh tác sẽ ra sao? “Liên Minh Công Nông” mà đảng CS lớn tiếng ca tụng trong 2 cuộc chiến chỉ là một chiêu bài bịp bợm, đó là chưa kể nông dân đã bị bóc lột tận xương tủy sau 1975 để nuôi thành thị và đám đảng viên chỉ tay năm ngón, ngồi mát ăn bát vàng (một chính sách kinh tế hiếm hoi trên thế giới).

Trong mấy tháng cuối năm, Hà Nội đã có một vài hành động mà người ta tự hỏi đó có phải chăng đó là những nổ lực khá trễ hay là những bẩy sập giăng ra.  Tiếp theo sau bản kiến nghị của một số nhỏ trí thức hải ngoại – không rõ là tự phát hay bị móc nối - là những hội thảo, nghiên cứu về Việt Nam; các cuộc tiếp xúc của các viên chức cao cấp Hà Nội với năm bảy trí thức nước ngoài thân thiện với chính quyền đương thời; các chuyến bay về Hà Nội của một số nhỏ chuyên viên kinh tế, bang giao quốc tế.  Đặc biệt hiện nay có một ấn phẩm được tung ra trên mạng mà một vài người giới thiệu đã vội khen lấy khen để cho là “trung thực”, là “khách quan”, với một ít chi tiết  mà người ta nghĩ rằng có thể ve vuốt được những kẻ thua cuộc. Nhưng tác giả cũng như những người giới thiệu khó mà hiểu được rằng đối với những người đã từng cảm nhận thế nào là thực sự thua cuộc, đã từng chịu tù đày cay đắng  mất mát, đã từng trải qua và chứng kiến những đau đớn thể chất và tinh thần dưới chế độ cộng sản, và đối những người lúc nào cũng nghĩ tới “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm”, thì quyển sách này chỉ làm cho họ cảm thấy vết thương trên cơ thể còn chưa liền da, và vết thương lòng càng thêm nhức nhối.

Chất xám của một thiểu số trí thức hải ngoại liệu có quý hơn chất xám của trí thức quốc nội chăng? Xin đừng quên:  Trí thức quốc nội vốn là những người cùng gia đình và họ hàng thân thuộc đã, đang và sẽ chết sống cùng với sự suy thịnh kinh tế và sự tồn vong của đất nước. Nếu Hà Nội xem một ít trí thức hải ngoại là điểm tiếp xúc tốt để thực hiện các công tác lobby, “móc ngoặc” đưa đẩy Washington DC, Ottawa, Canberra, London, Paris v.v. có một chính sách hay đường lối chính trị, quân sự hay kinh tế với chút ưu ái thuận lợi cho Hà Nội mà không cần đếm xỉa đến vấn đề nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam (như Hà Nội đã thành công trước đây để được bình thường hóa quan hệ ngọai giao với Hoa Kỳ), thì đó quả là một thảm họa cho những nhà tranh đấu dân chủ trong nước nói  riêng, và cho nhân dân Việt Nam nói chung. Không cần phải nói, ngày nào đảng Cộng Sản còn sử dụng bạo quyền, thì đám mafia mà quyền lợi là chất keo gắn bó chúng với nhau sẽ càng cảm thấy “độc lập”, “tự do” tung hoành, và say sưa “hạnh phúc” trên máu xương nhân dân.

 Có người còn đặt ra câu hỏi khác: Liệu sẽ có một “tinh thần Diên Hồng” chăng? Chúng ta đừng quên rằng nhà Trần đưa ra “Hội Nghị Diên Hồng” là để thống nhất ý chí quốc dân, đặc biệt trong đó có một bộ phận không nhỏ vẫn còn “hoài cổ”, vẫn còn nghĩ tới nhà Lý, cũng như sự thiếu “tính cách chính thống” của các vua Trần.  Tuy nhiên đa số những người hoài cổ đó không còn ở trong chính quyền.  Điều đáng lưu tâm là hiện nay trong nhóm chóp bu của đảng Cộng Sản, không ít người đã và đang được Trung Cộng nuôi dưỡng, chỉ đạo, ban nhiều ân sủng, hoặc đang bị Hoa Lục nắm con bài tẩy.  Những Hoàng Văn Hoan đầy rẫy này thật vô cùng nguy hiểm -- cho cả nhân dân quốc nội lẫn kiều bào hải ngoại.

Tóm lại, trước nhu cầu cấp bách phải tìm ra giải pháp ổn thỏa cho vấn đề chủ quyền ruộng đất, và phải tìm cách ứng phó thích nghi với bành trướng phương Bắc  --trong bối cảnh kinh tế tài chánh không có gì sáng sủa-- người ta sẽ thấy Hà Nội càng ngày càng thêm lúng túng.  Đó là vì trong hơn 60 năm nay, đảng Cộng Sản đã gieo quá nhiều hạt giống độc trên đất nước.  Chỉ khi nào họ thức tỉnh, cư xử nhân bản và tôn trọng người dân trong nước, thì chúng ta người Việt hải ngoại mới có thể nghĩ rằng họ bắt đầu thay đổi.  Bằng không, những chiếc “nỏ thần” mà họ có thể sẽ trao ra chỉ là những chiếc nỏ giả.

Trung Ngôn
***
Trung Ngôn là bút hiệu của một đồng môn QGHC

No comments:

Post a Comment