01 April 2023

Miếng Thịt Mỡ, truyện ngắn

"Thằng bé thiếu dinh dưỡng, lớn không nổi. Mỗi khi thấy con cán bộ, cùng tuổi đó, hai má phinh phính, chân tay mũm mĩm, cô nghĩ đến con mình mà đau lòng"

"Hai người đàn bà, trong cảnh túng quẫn, càng phải nương nhau mà sống. Cả hai đều cùng yêu thương một người trong tù, không biết sống chết lúc nào".

"Cô là vợ sỹ quan 'ngụy' nên thường bị chửi mắng và phạt rất nặng, phần khác cô là gái một con trông mòn con mắt nên đôi khi họ rất tử tế cho lại hàng, không phải nộp phạt nhưng đề nghị phải đi ăn tối hay đi coi hát với một người nào đó trong bọn họ. Bị mắng chửi, bị phạt nặng cô nhẫn nhục chịu đựng, nhưng khi thấy họ tử tế, vui vẻ cho lại hàng là cô yên lặng bỏ hàng ra về. Cô thấy họ như những con rắn độc nhưng miệng lưỡi lúc nào cũng nhân nghĩa".

Bà Tư không rõ mấy giờ rồi, nhưng ngoài đường đã vắng tiếng xe cộ, tiếng người nói. Bà nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ nhưng bao nhiêu ý nghĩ cứ lẩn quẩn trong đầu. Lúc nãy, khi phụ với Lan, con dâu bà, sửa soạn các thức thăm nuôi, bà không thấy chiếc nhẫn cưới trên ngón tay của nó nữa. Tại sao con dâu bà lại cất chiếc nhẫn đi? Nếu nó phải lòng thằng con trai nào, nó có thể giấu chiếc nhẫn để không ai biết là nó là gái có chồng, nhưng về nhà ắt phải nhớ mà đeo vào. Đằng nầy nó vẫn giữ ngón tay trống trơn! Có phải nó muốn công khai tuyên bố sẽ đi lấy chồng khác? Điều bà lo sợ đã xảy ra? Bà hiểu và rất thông cảm con dâu. Năm năm rồi, thằng con trai bà đang ở trong trại cải tạo, không biết ngày nào được thả ra. Bà đã thấy cảnh người hàng xóm đi thăm nuôi con về, khóc từ ngoài đường vào nhà. Đem đồ tiếp tế, thăm nuôi lên trại cải tạo chờ từ sáng đến chiều tối, cán bộ trại ra bảo một cách thản nhiên "Con bà bị bvì nh chết rồi, về đi, hôm nào chính quyền địa phương sẽ có giấy báo sau". Cảnh đó cứ ám ảnh bà mãi. Mỗi lần con dâu đi thăm nuôi về, bà cứ thấp thỏm, sợ nó vừa đi vừa khóc như người hàng xóm thì không biết bà đau khổ đến chừng nào.

Con trai bà là sĩ quan quân đội Cộng Hòa, bà nói lắm nó mới chịu làm đám cưới với một cô bạn học trước đây. Cưới xong, qua mấy ngày phép, nó lại ra đơn vị, hành quân liên miên. Họa hoằn lắm mới về thăm nhà. Khi thấy con dâu mang cái bụng lúp lúp, bà chưa kịp mừng thì Miền Nam rơi vào tay cộng sản, con trai bà đi tù. Chồng bà, trước bảy lăm (1975) là thầy giáo về hưu, khi cộng sản vào thì tiền hưu trí không còn nữa. Sau đó chồng bà bịnh, không tiền thuốc men, đành chịu chết. Con dâu bà làm thư ký hãng buôn. Hãng bị tịch thu, chủ bị đưa lên kinh tế mới với hai bàn tay trắng, thế là cô thất nghiệp. Mấy tháng sau, thằng cháu nội chào đời. Niềm vui có được thằng cháu kháu khỉnh không lấp được nỗi buồn chồng chết, con ở tù, nhà không còn một xu. Tất cả bất trắc đổ ụp xuống gia đình bà cùng một lúc, khiến bà điếng người, trí óc đặc cứng lại, không biết xoay xở ra sao. Thế rồi, cũng giống như bao người Miền Nam khác, bà và con dâu phải tìm mọi cách để có miếng ăn. Bà sắm một cái rổ lớn đựng linh tinh bánh, kẹo, khoai, chuối...dẫn thằng cháu nội mới chập chững, ra ngồi trước cổng trường tiểu học trên đường Chi Lăng, Gia Định bán cho học trò. Lời lãi chẳng bao nhiêu, hôm nào ế hàng thì đem khoai, chuối về ăn trừ bữa. Con dâu bà, thấy thiên hạ buôn bán chợ trời, bèn đem áo quần cũ của mình ra chợ Bà Chiểu ngồi ở vệ đường. Ít lâu sau thành người mua bán đồ cũ. Bất cứ đồ gia dụng gì người ta đem bán, cô đều mua rồi bán lại.


Mấy năm nay, trong những dịp thăm nuôi, thỉnh thoảng bà được con dâu đưa hai bà cháu cùng lên thăm người ở tù. Thấy con trai gầy ốm quá, sợ nó chết nên bà cứ nắm lấy tay thằng con, tưởng như lần cuối gặp mặt. Bà biết con dâu cho bà cùng đi là một hy sinh rất lớn. Tiền xe cộ, ăn uống dọc đường khiến cho số vốn teo lại và gánh nặng gia đình càng nặng thêm. Bên sui gia cũng không hơn gì, có mấy người đàn ông đều đi tù cả nên chẳng ai giúp nhau được. Dù sao bà cũng cám ơn sui gia đã cho bà một cô dâu rất hiếu thảo, thương mẹ chồng, thương chồng, thương con. Có những bữa ăn, con dâu chỉ ăn qua loa, nhường phần cho bà, cho cháu bà. Nó bảo đã ăn ngoài chợ no rồi, nhưng bà biết rõ tính tằn tiện của con dâu, nó chẳng bao giờ ăn quà rong. Có lần bà bắt gặp, khi rửa chén, nó lén vét những hạt cơm còn sót trong nồi cho vào miệng. Bà quay đi, làm như không thấy nhưng nước mắt bà ứa ra.

Đêm nào bà cũng lầm thầm cầu Trời khấn Phật, kêu réo vong linh chồng bà phò hộ cho con trai bà không chết trong tù, được thả về với gia đình. Dù sao trong nhà có đàn ông cũng là rường cột, đỡ đần biết bao khó khăn. Lúc đó con dâu bà không còn vừa vất vả vừa nhớ chồng đến héo hon. Và bà cũng biết, dù có thương nhớ chồng đến bao nhiêu thì với thời gian cũng phai nhạt dần trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn. Nó không thể đi mãi trên con đường gian khổ hầu như vô tận đó được. Thế nên nó có bỏ đi cũng là chuyện thường tình. Điều lo lắng cho bà là không hiểu, khi đi lấy chồng khác, nó có dẫn theo thằng cháu nội của bà không? Rủi thằng con bà chết trong tù thì coi như chẳng còn ai hương khói, cúng kiến ông bà, cha mẹ. Mồ mả sẽ bị bỏ phế, vong linh tổ tiên, cả vợ chồng bà nữa sẽ thành những hồn ma đói khát, vất vưởng, không nơi nương tựa.

Bà Tư thở dài, nhìn lên mái nhà tôn, bà không biết, khi con dâu bỏ đi, bà bán nhà nầy được bao nhiêu tiền, thăm nuôi thằng con được bao nhiêu lần? Không biết sức bà còn đi nổi không? Đường đi thăm nuôi, phải đi bộ nửa ngày trong rừng mới đến trại tù.

Nhưng bán nhà rồi sẽ ở đâu? Hay là bán rẻ, chỉ xin để chiếc giường nhỏ ở chái nhà cho hai bà cháu? Bà Tư nhắm mắt, ước ao đây là cơn ác mộng để rồi bà sẽ tỉnh lại, sẽ sống lại những ngày tháng hạnh phúc bên chồng, bên con, nhưng phần khác bà biết chắc là cơn ác mộng sẽ còn bi đát hơn nữa.

Bà lắng nghe những tiếng động dưới bếp. Con dâu bà đang nấu nướng, chuẩn bị vật thực, sáng mai đi thăm nuôi chồng. Lúc nãy, bà phụ nó xắt thịt, xắt sả, lặt rau...Nó bảo bà lên nghỉ ngơi. Thấy vẻ mặt buồn buồn, nhất là thấy ngón tay đeo nhẫn trống trơn, bà bỏ đi nằm. Bà không đủ can đảm chờ nghe nó bảo rằng sẽ đi lấy chồng khác.

Bỗng nhiên bà thấy con dâu trở thành đối thủ của bà. Bà phải làm cách nào để giữ đứa cháu nội? Bà khóc lóc, năn nỉ? Hay bà làm bộ dữ dằn cho nó sợ? Điều chắc chắn là bà không thể chửi mắng nó được. Bà thương nó như con ruột. Giá như nó là con ruột, bà có khuyên nó ráng chịu đựng chờ chồng hay là để nó tự quyết định lấy? Chiều nay, thấy con dâu không xách bọc áo quần cũ về như mọi khi, bà đoán nó đã bán đổ, bán tháo tất cả để sáng mai đi thăm chồng lần cuối rồi nó đi thẳng với thằng chồng mới. Bỗng nhiên bà sợ đến nghẹt thở khi nghĩ đến cảnh con dâu bà tuyên bố với chồng nó là lần cuối thăm nuôi, nó sẽ đi lấy chồng khác. Rồi con bà sẽ phản ứng ra sao? Trong tù ăn uống thiếu thốn, lao động khổ sai mà tinh thần suy sụp thì cái chết sẽ đến chắc chắn. Bà thở dài, tự biết mình hoàn toàn bất lực, đành buông tay chờ tai họa ập đến.

Mùi xào nấu thơm phức khiến bà nghĩ đến kỳ thăm nuôi kế tiếp bà phải tự lo lấy. Bà phải nấu nướng những gì, mua sắm món gì để đem lên cho con trên trại cải tạo? Suy nghĩ miên man, bà thiếp dần. Trong giấc ngủ, bà mơ thấy chỉ có mình bà xách giỏ thăm nuôi nặng trịch, lếch thếch lội bộ, qua đèo, vượt suối...rồi bà lại thấy cán bộ trại ra bảo con bà chết rồi, thế là bà lại lếch thếch quay về vừa đi vừa khóc...

Sau khi cơm chín, cô Lan xới ra một cái thau nhỏ cho mau nguội, để sau đó, cô sẽ gói chặt bằng lá chuối thành cơm vắt. Cô cũng gói một gói nhỏ để ăn dọc đường. Cô đổ những miếng thịt ba chỉ mà mẹ chồng cô vừa xắt lúc nãy vào chảo. Cô đảo cho mỡ tan ra. Tiếng mỡ nổ lách tách nho nhỏ. Cô xếp những gói đậu, đường, gạo...những lon, lọ vào hai giỏ cói lớn. Cô cũng không quên bỏ vào giỏ một gói kẹo nhỏ, những viên kẹo xanh trong giấy kiếng để nhắc chồng nhớ những kỷ niệm đẹp khi còn đi học. Ngày đó cả hai cùng học chung một lớp, trường Lê Văn Duyệt, cô thường chờ giờ ra chơi, lén để những viên kẹo xanh, chua chua vào hộc bàn cho người yêu. Cô cũng không quên nhét vào xách tay của mình tấm khăn trải bàn bằng vải ny lông để đi dọc đường sẽ dùng che mưa nếu trời mưa, hoặc trễ chuyến xe, sẽ thành tấm đắp khi cùng với những người thăm nuôi khác ngủ bờ, ngủ buội...Cô đảo tiếp chảo thịt mỡ cho chín hẳn mới đổ sả bằm, đường, ớt bột và hai gói mắm ruốc vào. Cô chợt thấy một miếng mỡ lớn, cỡ ngón tay cái lẫn vào đấy, có lẽ mẹ chồng cô quên cắt nhỏ miếng mỡ nầy. Cô tưởng tượng khi chồng cô bắt gặp miếng mỡ lớn nầy sẽ ngạc nhiên lắm. Miếng mỡ ướp mắm ruốc, vừa thơm vừa cay cay, chồng cô cắn ngập vào đấy cho mỡ tươm ra trên lưỡi. Cô Lan mỉm cười, nước miếng cô ứa ra vì thèm. Cô mút đầu đũa, chép miệng "Mắm ruốc ngon thật!" Cô nuốt ực nước miếng. Lòng cô vui vì nghĩ đến chồng, khi ăn món ruốc sả nầy sẽ thấy ngon và sẽ nhớ đến cô, thương yêu cô nhiều hơn.

Khi thấy ruốc hơi quánh lại, cô trút chảo ruốc vào một thau nhỏ, chờ cho nguội mới bỏ vào bao ni lông, nhét vào lon guigoz (một loại lon nhôm, cỡ một lít, đựng sữa bột, hiệu Guigoz, khi dùng hết sữa, lon được giữ lại đựng nước, thức ăn rất tiện lợi. Tù cải tạo thường dùng loại lon nầy). Miếng mỡ lớn lại xuất hiện, lăn vào góc thau. Cô gắp bỏ lại vào chảo cùng với ít mắm ruốc và bắc chảo lên bếp. Cô định dùng miếng mỡ rán thêm chút nước mỡ. Cô múc mấy vá cơm bỏ vào chảo và đảo lên. Những hạt cơm trắng dính mắm thành màu nâu. Cô thêm chút nước mắm, đập vài tép tỏi, bỏ vào. Một lát, cô nhắc xuống chia đều chỗ cơm chiên vào hai chén nhỏ. Sáng mai hai bà cháu sẽ có món điểm tâm đặc biệt. Phần cô là những hạt cơm còn sót lại trong chảo, ước chừng vài muỗng. Miếng thịt mỡ nằm lẫn vào cơm chiên nhưng cô nhận ra ngay, cô gắp bỏ vào lon guigoz đựng mắm ruốc của chồng, nhưng không hiểu sao, cô gắp bỏ vào chén cơm cho con. Sáng mai cô dậy sớm đi thăm nuôi, thằng bé thức giấc không thấy mẹ sẽ khóc, bà nội nó sẽ cho nó ăn cơm chiên với miếng mỡ nầy, nó mừng lắm, sẽ hết khóc. Từ ngày cha nó đi tù, nó chưa hề được ăn miếng ngon nào, chỉ những dịp thăm nuôi, cô mới dành lại cho con chút thức ăn. Cô để miếng mỡ trên chén cơm, bà nội nó sẽ hiểu là phần của cháu bà. Thằng bé thiếu dinh dưỡng, lớn không nổi. Mỗi khi thấy con cán bộ, cùng tuổi đó, hai má phinh phính, chân tay mũm mĩm, cô nghĩ đến con mình mà đau lòng. Miếng ăn hàng ngày không đủ, lấy đâu mà bổ dưỡng. Cô không hiểu chút mỡ nầy có chất bổ gì, nhưng có còn hơn không.

Cô nhớ lại lúc mang bầu thằng bé, mẹ chồng cô mừng lắm, cứ ép ăn món nầy, món nọ. Bà còn bổ thuốc Bắc về, lụm cụm sắc lên, dỗ dành cô như với người bịnh. Vì thương bà, cô nhắm mắt uống bừa thứ nước vừa thơm vừa đắng vừa khó nuốt. Cô biết, sự săn sóc đó là vì cháu nội nhưng cũng có thương cô. Lúc nào bà cũng dịu dàng với cô. Cô thương mẹ chồng như mẹ ruột. Hai người đàn bà, trong cảnh túng quẫn, càng phải nương nhau mà sống. Cả hai đều cùng yêu thương một người trong tù, không biết sống chết lúc nào. Sau bảy lăm (75), cha chồng chết, chồng đi tù, mẹ chồng cô trở nên ít nói. Càng ngày bà càng gầy yếu, lưng còng xuống. Bà chóng già vì buồn phiền và thiếu ăn. Cũng may bà chưa ngã bịnh. Cô bỗng lo lắng, rủi mẹ chồng cô bịnh hoạn thì tiền đâu lo thuốc men, chạy chữa? Chẳng may có mệnh hệ nào thì sao? Ý nghĩ đó khiến cô vừa sợ vừa tội nghiệp cho bà. Thế nên cô bèn gắp miếng mỡ từ chén thằng con bỏ qua chén cơm mẹ chồng. Cô mỉm cười nghĩ ra một ý hay là cô vùi miếng mỡ trong cơm, mẹ chồng cô sẽ không thấy. Cô xúc cơm còn lại trong chảo cho vào chén thằng con, như thế, sáng mai bà thấy chén nào nhiều cơm sẽ lấy ra cho thằng bé ăn. Bà sẽ ăn sau, sẽ gặp miếng mỡ. Cô vét mấy hạt cơm còn lại trong chảo cho vào miệng. Cơm chiên mắm ruốc ngon thật! Chỉ được hơn muỗng cơm, cô nhai thật chậm để thưởng thức được lâu món ăn đặc biệt nầy. Xong, cô uống nước, thấy lửng dạ, cô súc miệng, rửa tay, chuẩn bị đi ngủ, sáng mai còn phải dậy sớm. Khi lau tay, cô cảm thấy bàn tay mình có gì bất thường mới nhớ ra chiếc nhẫn cưới không có trên ngón tay! Cô đứng lặng người. Cô buồn quá, nước mắt ứa ra. Vật kỷ niệm của vợ chồng cô không còn nữa! Trưa nay, lúc ngồi bán áo quần cũ trên lề đường, bên hông chợ Bà Chiểu, phía Lăng Ông, cô ngồi nghĩ đến ngày mai đi thăm nuôi chồng, sẽ gặp chồng, nhìn chồng cho đỡ nhớ. Bán xong mớ hàng nầy cô sẽ mua những gì để tiếp tế cho chồng? Cô sẽ gửi một gói kẹo để nhắc chồng nhớ lại những ngày còn đi học, yêu nhau, đẹp đẽ, hạnh phúc. Đang mơ mộng, cô bỗng nghe lao xao và tiếng kêu "Công an!". Mọi người ôm hàng hóa tuông chạy, cô cũng vội túm bốn góc của tấm ny lông lót trưng bày quần áo cũ của mình, định chạy vào cổng bên hông của Lăng Ông, nhưng không kịp, khắp nơi đã đầy công an với dân phòng. Thế là họ giật lấy những hàng hóa, thịt thà, rau cỏ, gà vịt... của những người buôn bán lề đường, vất tất cả vào xe, chở đi. Vì quá bất ngờ, những nạn nhân chỉ biết đứng ngớ ra, thất thần. Quãng đường nầy cấm tụ tập buôn bán. Mỗi khi có lễ lớn như Quốc Khánh, ngày thành lập đảng, sinh nhật bác Hồ...là công an với dân phòng đi dọn dẹp lòng lề đường "cho đường phố được mỹ quan". Thường thì nghe báo động một số nhanh chân thoát được. Không ngờ hôm nay công an lại mặc thường phục, họ chia nhau mỗi công an đứng gần một người ngồi bán, thế nên khi xe công an sắc phục xuất hiện người bán vừa đứng lên là hàng hóa đã bị công an thường phục đứng bên cạnh giữ chặt, không chạy được, đành bị tịch thu. Muốn nhận lại hàng phải lên phường công an nộp phạt. Tiền phạt rất nặng. Công an rất khôn, ngày thường họ không đuổi, vì đuổi, chẳng ai đến đó buôn bán thì ngày lễ lấy đâu ra tiền phạt. Cô Lan không muốn đi chuộc những áo quần cũ đó. Cô là vợ sỹ quan 'ngụy' nên thường bị chửi mắng và phạt rất nặng, phần khác cô là gái một con trông mòn con mắt nên đôi khi họ rất tử tế cho lại hàng, không phải nộp phạt nhưng đề nghị phải đi ăn tối hay đi coi hát với một người nào đó trong bọn họ. Bị mắng chửi, bị phạt nặng cô nhẫn nhục chịu đựng, nhưng khi thấy họ tử tế, vui vẻ cho lại hàng là cô yên lặng bỏ hàng ra về. Cô thấy họ như những con rắn độc nhưng miệng lưỡi lúc nào cũng nhân nghĩa. Như trường hợp của cô. Mất vốn hoài. Họ tịch thu hàng, lấy tiền của cô mà vẫn cứ hăm dọa là sẽ đưa cô vào trại cải tạo để thành công dân tốt xã hội chủ nghĩa. Mà cô có làm gì phạm pháp đâu?

Sáng nay cô đã dốc hết vốn liếng ra mua được một số áo quần còn tốt của một người túng tiền, đến trưa cô bị tịch thu tất cả. Thế nên cô đành bán chiếc nhẫn cưới để mua thực phẩm thăm nuôi chồng. Tính cô không biết nói dối, cô suy nghĩ mãi không biết giải thích cách nào để chồng không nghi ngờ lòng chung thủy của cô, mà nói thật thì chồng sẽ lo lắng cho gia đình. Cô cũng không thấy trong nhà còn gì có thể đem bán làm vốn để sinh sống. Trong những ngày sắp tới đây, chắc gì trong nhà còn gạo để ăn nói gì đến thăm nuôi. Có thể cô không thăm nuôi chồng nữa. Nghĩ thế cô càng sợ hãi, chồng cô đã gầy rạc, hai má tóp lại, hốc mắt sâu xuống, hai bàn tay trơ xương, nếu không có thăm nuôi chắc gì sống nổi! Nghĩ đến đấy cô vội lấy đôi đũa moi miếng mỡ trong chén cơm của mẹ chồng bỏ vào lon ruốc sả của chồng. Cô thì thầm như nói với chồng "Thêm chút mỡ nầy cũng đỡ, anh cố gắng chịu đựng, em sẽ tìm mọi cách lên thăm anh, nhưng chỉ thăm thôi chứ em không còn tiền để mua thực phẩm nuôi anh". Cô như an ủi chồng "Em sẽ đem con lên cho anh thăm". Rồi cô thấy háo hức, vui mừng khi nghĩ đến giây phút gặp mặt chồng. Cô nhớ lại những lời chồng dặn "Em đừng đem quà cáp cho tốn tiền. Anh chỉ cần được gặp em, gặp con là anh đủ tinh thần chịu đựng rồi. Nhất là khi thấy con chóng lớn là anh vui". Cô biết chồng cô cố giấu nỗi buồn khi thấy con xanh xao, ốm yếu... Vậy là cô lại gắp miếng thịt mỡ trong lon ra, bỏ vào chén của con. Con khỏe mạnh, chồng cô sẽ vui, sẽ cố gắng chịu đựng gian khổ.

Miếng thịt mỡ chỉ bằng ngón tay cái, như một sinh vật, cứ nhảy từ lon ra chén rồi từ chén nhảy vô lon.

Cô buông đũa, chạy vào giường, ôm lấy con, và cô khóc nức nở. Giòng nước mắt yêu thương chồng con, lo lắng không biết bao giờ chồng về hay sẽ chết trong tù?! Cô cũng khóc vì buồn cho hoàn cảnh mình, chân yếu tay mềm, không đủ sức nuôi mẹ chồng, nuôi chồng, nuôi con...

Bà Tư vẫn còn thao thức. Tuy nhắm mắt nhưng nghe những tiếng động, bà biết con dâu đang làm gì. Tiếng soong, chảo là cô đang nấu nướng, tiếng lon guizgo va chạm nhau là cô đang sắp xếp đồ thăm nuôi vào giỏ xách. Đến khi nghe tiếng cô khóc thì bà mừng vì yên trí rằng con dâu bà, có thể ngày mai, sau khi thăm nuôi, nó đi luôn theo chồng mới nhưng sẽ không dẫn con theo. Vì không dẫn con đi nên nó mới khóc lóc, lưu luyến với con như thế. Bà ngồi dậy, đi xuống bếp vừa nói.

- Con ngủ đi, lấy sức mai đi sớm, để mẹ dọn dẹp.
- Cám ơn mẹ. Sáng mai con cho cháu cùng đi thăm ba nó.
Bà lại đâm lo, kiểu nầy nó dám dẫn cháu bà đi luôn, bà hỏi dò.
- Con có đem áo quần của nó theo không?
Con dâu bà ngạc nhiên.
- Dạ không, đi về một ngày. Mọi khi đâu có cần đem áo quần theo?
Bà mừng rỡ.
- Cám ơn con!
Cô càng ngạc nhiên hơn, không hiểu sao mẹ chồng cô lại nói tiếng cám ơn đó?

Phạm Thành Châu

No comments:

Post a Comment