13 June 2012

Cô Gái Việt, Con Nuôi Của Ông Bà Cựu Tổng Thống Pháp Chirac.

NQMinh

Tháng 2.2006, đài phát thanh RFI của Pháp trong chương trình tiếng Việt có nói về một cô gái Việt Nam là con nuôi của ông bà Jacques và Bernadette Chirac, lúc đó đang ở nhiệm kỳ hai Tổng Thống Pháp (2002-2007). Cũng trong tháng đó phát hành quyển tự truyện bằng tiếng Pháp của cô. Thực ra về phương diện pháp lý, chữ con nuôi dùng ở đây không đúng, vì khi cô gái nầy đến Pháp, ông bà Chirac không có làm thủ tục xin và nhận cô làm con nuôi theo luật. Ông bà Chirac đã  chỉ bảo trợ và nhận cô vào gia đình của mình và thương yêu chăm sóc cô như một người con, theo như lời kể của cô trong quyển tự truyện.

Thấy câu chuyện lạ, tôi đã tìm đọc khi quyển sách vừa phát hành. Đọc xong, có nhiều điểm làm thất vọng, nên lúc đó tôi đã bỏ qua, không viết bài tường thuật như dự định ban đầu. Nay nhân trong chính phủ Pháp vừa thành lập, sau khi có tân Tổng Thống vào tháng 5 vừa qua, trong đó có một Thứ Trưởng (bà Fleur Pellerin), từng là một cô bé mồ côi gốc Nam Hàn  tên Kim Jong-Suk  sinh năm 1973 ở Hán thành, được một gia đình người Pháp nhận làm con nuôi, tôi xin kể lại câu chuyện để so sánh hai người, hai hoàn cảnh.

Quyển sách có tựa: La Fille De Coeur (tạm dịch : Đứa Con Gái Của Tấm Lòng – ý muốn nói tuy không phải là con nuôi, nhưng được ông bà Chirac thương yêu như một đứa con trong gia đình). Tác giả là Anh-Dao Traxel. Anh Đào là tên cô gái, Traxel là họ của người chồng thứ hai của cô.

Cô Dương Anh Đào sinh năm 1957 ở Mỹ Tho, là người thứ năm trong một gia đình có 9 anh chị em. Cha là giáo viên, làm hiệu trưởng một trường Tiểu Học ở Long An. Cô thi rớt Tú Tài năm 1974 rồi thôi học. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cha cô đi tù cải tạo, gia đình rơi vào cảnh túng quẩn. Cô tìm đường vượt biên. Đến đảo Poulo Bidong. Cô cùng một nhóm người Việt trên đảo được toà Đô Chánh Paris bão lãnh để được định cư ở Pháp. Ngày cô đến phi trường Charles de Gaulle vào tháng 7.1979, ông Jacques Chirac lúc đó là Đô Trưởng Paris có đến nơi để gặp những người được tòa Đô Chánh bão lãnh. Ông thấy cô ngồi khóc, động lòng thương, đến an ủi cô và hứa sẽ tiếp nhận cô. Cô được ông bà Chirac đón về tòa Đô Chánh Paris sống với hai cô con gái ruột của ông bà, Laurence sinh năm 1958, Claude, năm 1962.


Quyển sách có những đoạn với giọng văn nịnh người Pháp. Thí dụ tác giả lặp lại nhiều lần có ước mơ ngay từ nhỏ chỉ muốn lấy chồng là một người Pháp, một Hoàng Tử Hào Hoa (un Prince Charmant). Quyển sách  có những điểm sai sự thật, dù tác giả cho biết là có nghiên cứu trước khi viết, như nói Hồ chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập năm 1946, tàu vượt biên của cô đi qua vịnh Bắc Bộ (golfe du Tonkin), trong khi tàu đi từ Mỹ Tho đến Poulo Bidong, hoặc có những chi tiết bịa đặt, như cô viết, hằng ngàn người dân quê dùng dây thừng kéo xe tăng (của quân cộng sản) lên các vùng đồi núi, và quân cộng sản miền Bắc đã đào con đường hầm (le tunnel - sic !) từ Hà Nội vô Sài Gòn dài 1500 km.

Cô còn cho biết trong mỗi trường học, hiệu trưởng  phải báo cáo với một người Mỹ mà cô gọi là «leader» (chứ không dùng chữ cố vấn: advisor như trước kia thường dùng), và cha cô thường đến nhà riêng (chứ không phải văn phòng) của người Mỹ leader nầy để báo cáo miệng. Cô cũng cho biết nhờ sự nâng đỡ của người Mỹ nầy mà cha cô được đi Mỹ nhiều lần. Theo tôi biết, thời đó làm gì có cố vấn Mỹ ở mỗi trường học ở miền Nam, mà lại là trường Tiểu Học, hoạ chăng cha cô là nhân viên  được chọn để cung cấp tin tức ở địa phương cho CIA, và có lẽ vì lý do đó mà một nhà giáo như cha cô đã bị bắt đi tù cải tạo nhiều năm.

Ngoài ra những tình tiết liên quan đến một dịp tình cờ cô gặp hai người Tàu Chợ Lớn trong đường dây tổ chức vượt biên để kiếm tiền, đã cho cô quá giang xe, sau đó nhận cô làm thư ký thu tiền của các chuyến vượt biên, và đã giúp cô vượt biên với họ trong chuyến chót, rất khó tin.

Không biết có phải vì viết quyển sách bằng tiếng Pháp nhắm vào độc giả người Pháp, nên cô đã kể một cách tự nhiên thái độ phóng túng trong tình dục của cô như một người Tây phương. Cô kể sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi mở quán cà phê để kiếm tiền giúp đỡ gia đình, mới quen một người con trai khách hàng một thời gian ngắn, cô đã tìm đến nhà ban đêm để ngủ với anh ta. Khi đang sống với gia đình ông bà Chirac, cô quen với một thanh niên Việt đã có quốc tịch Pháp họ Phạm tên Michel, cùng đi vào khách sạn giữa ban ngày để ngủ với anh ta. Sau đó cô nói với thanh niên nầy lo chuyện cưới hỏi. Bà Chirac có lưu ý cô là hai người mới quen nhau được một năm, còn quá sớm để tiến đến hôn nhân. Nhưng cô nhứt định lấy Michel dù trước sau cô đều nói là chưa bao giờ yêu anh ta. Người đọc hiểu được lý do, khi thấy đám cưới được tổ chức vào cuối tháng 6.1981 thì đến giữa tháng 11 năm đó cô sinh đứa con trai đầu lòng.

Mùa hè năm 2000, ở một bãi biển miền Nam nước Pháp, cô gặp một người cảnh sát Pháp trong toán cấp cứu. Cô bị ngay tiếng sét ái tình và thú nhận anh nầy, tên là Emmanuel Traxel, đúng là vị Hoàng Tử Hào Hoa mà cô từng mơ ước. Đoạn nầy trong sách cô viết khá lúng túng và lộn xộn. Mặc dù đã có ba mặt con, cô yêu cầu người chồng Việt Nam ly dị. Trong lúc đó anh Traxel từ tỉnh lên Paris học khóa đào tạo sĩ quan cảnh sát sau đó làm việc ở Paris. Cô tiếp tục liên lạc với anh Traxel. Nhưng bị dằn vặt trong lòng, cô đã trốn chạy, một mình bỏ đi Mỹ, làm ở tiệm ăn của một người bạn gái trước kia cùng học trung học ở Việt Nam, sau đó đến ở nhà một người anh ruột của cô, với ý định làm lại cuộc đời bên đó. Nhưng ở Mỹ được vài tháng, phần nhớ con, phần nhớ người tình, cô lại quay về Paris. Cô lại thúc giục người chồng Việt nam ly dị. Anh nầy đồng ý và cô toại nguyện. Cô quyết giành cho được Traxel dù biết rằng anh nầy đã chia tay với người vợ trước không có hôn thú và được giữ đứa con gái nhỏ, đang có người tình mới và hai người sắp lấy nhau. Cô đã ngủ với anh ta. Cuối cùng cô đã thu phục được Traxel và hai người đã lấy nhau năm 2004.

Vì cô hoàn toàn chưa biết tiếng Pháp, bà Chirac thu xếp cho cô đi học để trau dồi tiếng Pháp cho thông thạo. Năm 1980 cô vào quốc tịch Pháp. Năm 1981 cô lấy chồng, rời toà Đô Chánh ra sống riêng, nhưng ông bà Chirac vẫn tiếp tục chăm sóc cô và thương các con của cô như cháu của ông bà. Năm 1982 cô vào làm nhân viên của toà Đô Chánh Paris đến năm 2001, lúc cô bỏ đi Mỹ như đã nói ở đoạn trên. Cũng trong thời gian nầy cô làm hồ sơ để xin đưa gia đình cô còn ở Việt Nam sang Pháp. Năm 1989 cha mẹ và các chị em của cô được sang Pháp đoàn tụ với cô, cũng được ông bà Chirac giúp đỡ lúc đầu để an cư. Cha cô mất năm 1994.

Năm 2002 và 2003 cô có trở về thăm Việt Nam. Trong lần về thứ hai cô gặp một ông giáo sư hồi hưu người Pháp trong hội Soleil Francophonie, hội có mục đích giúp đỡ các em học sinh Việt Nam có điều kiện thuận lợi để học tiếng Pháp. Cô tham gia hội nầy, quyên tiền và có trở về Việt Nam cấp học bỗng cho các em học sinh trung học. Xin trích dịch một đoạn ngắn trong quyển tự truyện về cảm nghĩ của cô trong giai đoạn nầy :

«Trong mỗi chuyến về Việt nam, tôi nhận thấy chương trình canh tân đất nước được đẩy mạnh và việc mở cửa cho du lịch đã kích thích nền kinh tế. Những hoạt động nhân đạo của tôi đã giúp tôi làm hoà với quá khứ của tôi (sic ?!). Tôi không gặp rắc rối gì về lý lịch: tôi là một người Pháp gốc Việt; cuộc sống đã ưu đãi tôi khá nhiều để tôi có thể trở về quê hương xưa của tôi và mang về giúp một chút cho quê hương».

Cô cũng tham gia một hội thiện nguyện thứ hai có tên «l’Étoile européenne du dévouement civil et militaire» được một công chức người Pháp lập năm 1999. Hội nhằm mục đích tưởng thưởng và tôn vinh những công chức tận tuỵ với nhiệm vụ của mình và có những hành động can đảm. Cô được bầu làm chủ tịch của hội nầy năm 2004 (tháng 2 năm 2005, theo website của hội). Nhờ hoạt động của hội và nhờ vị thế của mình trong hội cô quen biết nhiều người có tiếng tăm trong xã hội Pháp, tiếp xúc với nhiều cơ quan từ thiện hoạt động trên khắp nước Pháp. Cũng nhờ vậy cô có dịp đi nhiều nơi trên đất Pháp để trao huy chương  của hội cho những cơ quan có thành tích tốt.

Câu chuyện về cô Anh Đào được tiếp tục qua những sự việc xảy ra sau những điều đã được cô kể trong quyển tự truyện dài gần 350 trang.

Sau khi quyển sách xuất bản, cô bắt đầu được giới truyền thông Pháp chú ý và được mời trên chương trình của một số đài phát thanh và truyền hình.

Năm 2009 (hoặc 2010, tuỳ theo nguồn tin), do những hoạt động thiện nguyện của mình, cô được chính phủ Pháp trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh cấp Chevalier. (Xin được ghi chú để biết thêm: Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp – Légion d’honneur – được lập năm 1803 theo ý muốn của hoàng đế Napoléon đệ nhứt. Hiện nay Légion d’honneur có năm cấp – ngày xưa chỉ có bốn cấp – từ thấp lên cao là: chevalier, officier, commandeur, grand officier và grand-croix - theo Wikipedia ).

Tuy nhiên, giữa vùng hào quang của cô, có một quầng đen, lớn. Khi đã có một chút tiếng tăm, cô muốn đi vào lãnh vực chính trị.

Sau khi những người Tây Tạng ở thủ phủ Lhassa và nhiều thành phố khác biểu tình dẫn tới bạo động vào tháng 3.2008, để kỷ niệm 49 năm ngày họ đòi độc lập năm 1959 thất bại, và cũng để nhân thế vận hội sẽ tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 8 năm đó nhắc nhở dư luận thế giới về tình trạng đất nước họ mất độc lập, tự chủ trong tay cộng sản Tàu; sau khi những người Tây Tạng lưu vong ở hải ngoại với sự hổ trợ của hội Phóng Viên Không Biên Giới của Pháp biểu tình vào ngày 7 tháng 4.2008 lúc đoàn đại diện của cộng sản Tàu rước đuốc thế vận qua thành phố Paris, ngày 15 tháng 7.2008 tham dự chương trình của một đài phát thanh ở Paris, cô Anh Đào đả kích những người nêu lý do thiếu nhân quyền ở nước Tàu cộng sản đòi tẩy chay thế vận hội Bắc Kinh ; cô nói những nhà sư ở Tây Tạng tấn công cảnh sát làm rối loạn trật tự bị trừng phạt là phải, nhưng sự thật theo một vài nguồn tin độc lập, lúc đầu các nhà sư chỉ biểu tình ôn hoà, chỉ khi công an Tàu đánh đập và đàn áp, dân chúng mới bạo động; cô nói nước Tàu đang tiến tới dân chủ; cô khen ngợi Hồ Cẩm Đào là một nhà lãnh đạo tốt.

Ngày 27 tháng 7.2008, trên nhật báo Ouest France cô nói trước khi sáp nhập vào nước Tàu, Tây Tạng là một nước theo theo chế độ thần quyền (théocratique - sic), biến người dân thành nô lệ, chế độ đó còn tệ hại hơn chế độ của Mao; cô cũng nói nước Tàu và Tây Tạng ngày nay còn chịu hậu quả của những tranh chấp về  quyền thế, nhưng mọi chuyện đều có thể quên đi và thế vận hội sẽ là dịp để tái lập đối thoại và hoà bình; cô còn nói trong có vài năm mà nước Tàu cộng sản đã thực hiện được những tiến bộ vượt bực, và trái với những thành kiến loan truyền tại Pháp, lúc ở bên đó cô chỉ gặp những người sung sướng; cô cũng tự hào được nhà cầm quyền Bắc Kinh đặc biệt  cho phép căng một biểu ngữ trên Vạn Lý Trường Thành với khẩu hiệu  «Vì hoà bình thế giới, trong tinh thần thế vận hội» khi cô bảo trợ cho cuôc chạy bộ tiếp sức xuyên nước Tàu kể cả Tây Tạng, có gần 700 người khắp thế giới tham dự và cô là người chạy chặng chót lên Vạn Lý Trường Thành.

Ngày 12 tháng 12.2011 trên nhật báo Nice Matin, một lần nữa cô khen ngợi nước Tàu và Hồ Cẩm Đào, cô nói: «Chế độ cộng sản tư bản của Tàu (le communisme capitaliste - sic! có lẽ cô muốn rút gọn câu thiệu: Nền Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa của đảng cộng sản Việt Nam và đem dán lên chế độ cộng sản Tàu!) quả thực không phải như chế độ mà tôi đã biết. Hồ Cẩm Đào được mọi người đứng sau lưng ông ... ».

Cô Anh Đào đã không có lời cải chính nào về những điều cô nói và đã được đăng tải.

Có lẽ cô không biết hoặc làm như không biết: Tây Tạng là một nước độc lập và có chủ quyền từ lâu, bị nước Tàu cộng sản xâm lăng và biến thành một tỉnh của Tàu từ năm 1950; năm 1959 để chống lại âm mưu ám hại đức đương kim Đạt Lai Lạt Ma của nhà cầm quyền Tàu tại chỗ, dân ở Lhassa nổi dậy, bị đàn áp dữ dội, đức Đạt Lai Lạt Ma cùng gia đình và một số người tuỳ tùng phải trốn sang Ấn Độ, sau đó lập chính phủ lưu vong ở Dharamsala cho tới nay; năm 1965 Tây Tạng được biến thành vùng tự trị, nhưng chưa bao giờ qui chế nầy được thi hành, trái lại cộng sản Tàu dùng chính sách thực dân, xây dựng đường sá, hạ tầng cơ sở kinh tế, khuyến khích người Hán tới Tây Tạng lập nghiệp để đồng hoá người Tây Tạng, xoá bỏ nền văn hoá và tôn giáo của họ; cô không biết chính Hồ Cẩm Đào trong thời gian làm Tổng Đốc ở Tây Tạng (1988-1992 ) đã tiếp tục chính sách thực dân và xoá bỏ bản sắc dân tộc Tây Tạng,  năm 1989 đã thiết quân luật để đàn áp những cuộc nổi dậy chống đối của người Tây Tạng; cô không biết trong thập niên 1980 Đặng Tiểu Bình đã nói dứt khoát không bao giờ có thảo luận về việc độc lập của Tây Tạng, vì vậy mà đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ lưu vong của ngài chỉ đành xin thảo luận về việc áp dụng qui chế tự trị cho Tây Tạng, nhưng biết bao nhiêu lần Bắc Kinh đã làm cho những cuộc thảo luận thất bại; cô không biết vì tuyệt vọng không đòi được qui chế tự trị để bảo vệ tôn giáo, văn hoá và bản sắc dân tộc của mình do sự ngoan cố của Bắc Kinh, cho tới nay đã có hàng chục người Tây Tạng tự thiêu để đánh động dư luận thế giới nhưng vẫn vô hiệu.

Nếu lập luận như cô, dân chúng Tây Tạng, vì không có cách nào khác hơn là nổi dậy để đòi độc lập, hay ít ra là được áp dụng qui chế tự trị thực sự để bảo vệ bản sắc dân tộc của mình, trước chính sách xâm lăng và đồng hoá của nước Tàu cộng sản, bị cô gọi là những kẻ làm loạn, phải trừng trị để đem lại trật tự cho kẻ xâm lăng thống trị, thì cô sẽ gán tội gì cho tổ tiên của người Việt Nam, trong đó có cô, trong một ngàn năm bị đô hộ đã nhiều lần nổi dậy đánh đuổi người Tàu để giành độc lâp ? Cô chỉ bênh vực và ca ngợi nước Tàu cộng sản, mà không có một lời nào về thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm thôn tính và đang từng bước biến Việt Nam thành một tỉnh của Tàu như đã từng làm với Tây Tạng.

Lẽ nào cô không biết sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6.1989, khi sinh viên và thanh niên Tàu biểu tình đòi dân chủ và cải thiện đời sống, họ đã bị nhà cầm quyền cộng sản Tàu đàn áp thẳng tay và có hàng ngàn người bị giết? Cô cũng không biết hiện nay trên đất Tàu vẫn còn nhiều người trí thức chỉ đòi dân chủ một cách ôn hoà cho đất nước mà bị theo dõi, bắt bớ, tù đày? Cô chỉ được nhà cầm quyền cho gặp những người dân họ muốn cho cô gặp để đánh bóng chế độ cộng sản, nhưng cô không được thấy có hàng triệu dân Tàu còn sống cùng khổ. Cô chỉ cổ võ đối thoại tìm hoà bình một chiều và ngây thơ tự nguyện làm chiếc loa cho Bắc Kinh.

Còn một chuyện nữa về cách cư xử của cô Anh Đào đối với gia đình Chirac.

Trên các nhật báo France Soir ngày 10.6.2011 và nhật báo Nice Matin ngày 16.8.2011, được các báo và trang mạng khác trích đăng lại, trả lời ký giả của hai báo đó, cô đã chỉ trích ba người trong gia đình Chirac, nhứt là ông Jacques Chirac. Trong quyển 2 cuốn hồi ký của ông J.Chirac xuất bản tháng 6.2011, trong phần nói về Tổng Thống Sarkozy, ông Chirac có chỉ trích đường lối chính sách của ông Sarkozy và nói, có lẽ hai người không có cùng cách nhìn về nước Pháp. Cô Anh Đào thú nhận không có đọc quyển hồi ký của ông Chirac, mà chỉ đọc những đoạn trích dẫn. Cô nói đáng lẽ ông Chirac không nên nói những lời đó ra để giữ tư cách hiền nhân (le sage) của mình. Gay gắt hơn, cô cho rằng cô không thể hiểu được tại sao hai người cùng ở trong một phe chính trị, mà ông Chirac dùng những lời lẽ đó đối với ông Sarkozy, thật là đạo đức giả (hypocrisie - sic). Đi xa hơn, cô tiến gần tới ranh giới của sự nhục mạ: bênh vực cho đường lối lãnh đạo và hoạt động của ông Sarkozy cô quay lại cáo buộc ông Chirac trong nhiệm kỳ hai của ông, là một thảm hoạ, ông hoàn toàn không làm gì cả trừ câu nói «không» tham dự chiến tranh ở Irak (năm 2003), và nói thêm, cô thà sống 4 năm dưới thời ông Sarkozy hơn là 12 năm dưới thời ông Chirac.

Về bà B.Chirac cô phê phán bằng một câu lạ lùng, cô nói, không phải bà đã đưa tay ra đón nhận cô năm 1979. Nếu không phải là một người khác viết giùm cô quyển tự truyện, mà là chính cô viết, thì cô không thể quên chính cô đã gọi bà Chirac là một người đàn bà tuyệt diệu, cô kể ngày bà đi với ông Chirac đến gặp cô lần đầu tại trung tâm tiếp cư, bà đã dang tay ôm hôn cô, nước mắt bà đã trộn với nước mắt của cô.

Về cô Claude Chirac, cô cũng không nương tay. Cô nói Claude nhỏ tuổi hơn cô mà lúc nào cũng muốn dạy khôn cô, cô không chấp nhận được và Claude là bà chúa của các trò ma giáo  (la reine des coups tordus).

Lý do của điều chỉ trích thứ hai nầy đối với cô Claude, một trang mạng tiết lộ, cô Anh Đào nhận xét là không có người đại diện cho cộng đồng người Pháp gốc Á châu trong chính phủ Pháp, cô muốn được tham chính trong Bộ đặc trách đẩy mạnh sự Đoàn Kết trong xã hội trong kỳ cải tổ chính phủ Pháp vào tháng 11.2010, với hàm ý là mình đủ điều kiện để đảm nhận vai trò đó và Claude đã cản trở. Dường như cô không biết là cô tự đánh giá quá cao, cô không biết là  các công tác thiện nguyện và hoạt động chính trị là hai lãnh vực khác nhau; cô không biết là trong các nước phát triển và đã có trình độ dân chủ cao, hoạt động chính trị không phải là công việc dành cho những người tay mơ mà phải được đào tạo và có thời gian hoạt động trong môi trường đảng phái chính trị để chuẩn bị. Chẳng hạn bà Fleur Pellerin, cô gái mồ côi người Nam Hàn nói đến ở đầu bài nầy, đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng Kinh Tế Thương Mại  (Essec), trường Đại Học Chính Trị Paris (Sciences-Po), trường Quốc Gia Hành Chánh  (ENA) và đã hoạt động nhiều năm trong đảng Xã Hội Pháp trước khi được cử giữ chức vụ Thứ Trưởng phụ trách về các Xí Nghiệp Nhỏ và Trung Bình, về Sáng Tạo và về Kinh Tế có liên quan tới Tin Học. Về phần cô, đáng tiếc là cô có sẵn những điều kiện thuận lợi từ gia đình bảo trợ, nhiều người khác muốn mà không có được, cô lại không biết sử dụng để tạo cho mình một căn bản kiến thức và thực hành. Cô đã bỏ phí thời gian và hoàn cảnh thuận lợi trong nhiều năm để lẩn quẩn trong chuyện tình ái. Đến lúc cô muốn tham gia chính trị thì cô không có đủ hành trang, nhưng cô lại không nhận ra sự thiếu thốn của mình.

Cũng không thấy cô cải chính về những điều nầy.

Mặc dù cô tìm cách giảm nhẹ tính cách gay gắt trong những lời chỉ trích của mình, bằng cách tôn xưng ông Chirac là cha nuôi, bằng cách nói nhờ sự giáo dục của bà Chirac mà cô biết đến với những người bất hạnh và Claude là cô gái dể thương, nhưng tính cách nghiêm trọng trong cách đối xử với gia đình ân nhân của cô không suy giảm, vì cô đã qua hệ thống truyền thông mang những điều bôi lọ đó ra giữa chỗ công cộng.

Mặc dù những người trong gia đình Chirac không phản ứng lại những lời lẽ thiếu suy nghĩ của cô, nhưng với truyền thống biết ơn và trọng lễ nghĩa,  người Việt Nam không thể không phê phán cô là người bất nghĩa, nhứt là khi biết cô đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha là một nhà giáo. Ngay cả người ngoại quốc còn thấy bất bình. Một độc giả trên trang mạng đã phê phán cách cư xử của cô là «khạc nhổ vào dĩa xúp của mình». Cách nói nầy tương đương với câu  «ăn cháo đá bát» của người Việt Nam.

Danh dự gia đình ân nhân của cô, cô xem nhẹ và đạp lên dể dàng. Nhưng danh dự của cô thì cô bảo vệ  tới cùng. Năm 2009 cô đã kiện trang mạng bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vì trong phần tiểu sử của cô có người đã thêm một đoạn  «bỏ con cho người chồng Việt Nam chăm sóc để đi lấy chồng khác, muốn lợi dụng tên họ của người đã nhận cô làm con nuôi», về tội phỉ báng và đưa tin tức gian dối, có hại cho cô. Toà xếp hồ sơ vì về pháp lý, Wikipedia không trực tiếp chịu trách nhiệm, vả lại Wikipedia đã tự động điều chỉnh và đã xoá đoạn đó. Sau đó có một thanh niên người Pháp 28 tuổi làm việc ở Toà Đô Chánh Paris, là bạn lúc còn nhỏ của con trai cô, gọi điện thoại cho Traxel, chồng của cô Anh Đào, tự xưng tên và nhận mình là tác giả của đoạn đó trên Wikipedia, anh xin lỗi vì đã gây thiệt hại cho gia dình cô. Cô tiếp tục kiện người thanh niên nầy ra toà. Ngày 28 tháng 6.2011, tòa án Évry, một thành phố ở phía Nam Paris, thụ lý vụ kiện đã xử phạt thanh niên bị cáo 1500 euros, trong đó có 500 euros đền bù thiệt hại cho nguyên đơn. Cô nói sẽ bỏ 500 euros đó vào quỹ của hội do cô làm chủ tịch. Điều nầy không làm thay đổi ý nghĩa của vụ kiện. Cô tự xưng là người công giáo – trong quyển tự truyện cô kể cô đã xin học đạo gấp rút ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn để chịu phép rửa, theo đạo công giáo trước khi vượt biên – nhưng chắc là vì học đạo cấp tốc, cô không đủ thời gian để hiểu và đem thực hành điều cốt lõi của đạo công giáo nói riêng và ki tô giáo nói chung là tình thương và sự tha thứ, nhứt là khi người xúc phạm đã nhận và xin lỗi. Thiếu cái gốc là lòng nhân ái và bao dung, thì những hoạt động được gọi là thiện nguyện của cô có ý nghĩa như thế nào và nhắm mục đích gì ?

Đem cân nhắc thành tích về những hoạt động thiện nguyện của cô với sự hiểu biết thiếu sót đưa cô tới chỗ đánh giá và ca ngợi một cách sai lầm chính sách của đảng và nhà nước cộng sản Tàu, với tư cách của cô, với cách cư xử thiếu tình nghĩa đối với gia đình ân nhân của cô, người Việt Nam, khi xét theo công tâm và dựa trên những giá trị truyền thống dân tộc, liệu có thể hảnh diện về cô Dương Anh Đào không ?

NQMinh           

No comments:

Post a Comment