26 May 2012

The Milky Way, tranh A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh


Ngân Hà
Oil on canvas
(24x24 inch (61x61 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
*

Comment của thân hữu về bức tranh Ngân Hà:

Ta đang chờ mực nước ròng
Để ta cảm thấy cõi lòng nôn nao


DQ/ 5.2012
**

Lâu quá không thấy Thi bá lên tiếng trên diễn đàn, hôm nay đọc
được ý kiến của Ngài, nhái thơ Ngài một chút để có được nụ cười

Dù cho nước lớn hay ròng,
Ta đây đều thấy cõi lòng nôn nao


MLN
**
Người Họa Sĩ Thầm Lặng

Chẳng biết ông có tốt nghiệp ở một trường cao đẳng mỹ thuật nào không. Mà nếu có cũng không biết đó là trường cao đẳng nào. Nhưng những hình ông vẽ thì không chê vào đâu được ít ra là đối với tôi một đứa bé không có tiền đi xe buýt hay xe ngựa mà cuốc bộ hai cây số tới rạp chiếu bóng Nam Quang, Chợ Đũi, hàng tuần để xem phim. Trong túi thường chỉ có 2 đồng: Một đồng năm cắc mua vé còn lại năm cắc mua một ly nước mía thơm ngon mát rượi giữa cái nóng bức tứ thời bát tiết của Sài Gòn là vừa chẵn boong. 

Phim chiếu ở rạp đủ loại, loại nào cũng mê, chẳng phải như bây giờ, phim phải hay, đạo diễn cự phách, tài tử kiệt xuất, dàn dựng tỉ mỉ, cốt truyện đặc biệt hấp dẫn mới chịu đi coi! Kỹ thuật phim ảnh và cách dàn dựng đơn sơ hơn nửa thế kỷ trước như phim thần thoại Tề Thiên Đại Thánh Hạ Trần Gian của Nhật cũng làm cho những khối óc đơn sơ của một đứa bé như tôi mê mệt.  Phim phương tây có vẻ sản xuất công phu hơn. Trẻ em đặc biệt thích những phim khoa học giả tưởng hay những phim phiêu lưu như "Sau Hồi Trống Trận", có cưỡi ngựa bắn súng trên những cánh đồng hoang dại mênh mông.

Tôi mê xem phim đã vậy lại mê cả những hình vẽ quảng cáo lớn có nhỏ có thay đổi hàng tuần dựng ở ngoài rạp, và ở trên tường hành lang mua vé. Rạp chiếu bóng quảng cáo trên báo tương đối mờ nhạt có chăng chỉ có một hoặc hai cột báo giới thiệu những phim chiếu tại các rạp trong tuần. Thế nên những tấm hình to lớn dựng trước rạp mới là phương tiện gây chú ý cho người đi xem. Riêng đối với tôi những tấm hình này còn là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác.

Lối vẽ chân dung của người họa sĩ Rạp Nam Quang xưa kia rất mới. Bây giờ khi lấy hội họa làm thú tiêu khiển, bắt đầu đào sâu tôi mới thấy rằng ông là một thiên tài đi trước nhiều họa sĩ tài ba của Bắc Mỹ. Hội họa có nhiều thể loại, riêng về chân dung, cuốn sách tôi thích nhất, lại chính là cuốn mô tả cách vẽ chân dung theo lối ấn tượng họa sĩ Rạp Nam Quang đã vẽ. Đại đa số những hình chụp lấy từ cuốn phim rửa ra đen trắng ông dùng làm mẫu ông đã đổi thành những bức họa màu: Ông đã dùng màu để diễn tả hình tượng. Từ những hình chụp halftone (giữa các sắc độ không có biên giới) ông đã tách biệt giải sắc độ liên tục này thành những mảng sắc độ khác nhau và ngoạn mục hơn nữa, dùng mầu để diễn tác các sắc độ mà ông đã tách biệt (break down) trong tâm trí.

Thật sự mà nói, theo như những hiểu biết giới hạn của tôi, thời đó chưa thấy họa sĩ Việt Nam nào học và áp dụng được kỹ thuật này. Thường thì khi vẽ chân dung (chân dung chính danh hay hình tượng nghệ thuật), người ta vẽ tóc thì đen, môi thì đỏ, má thì hồng. Thế thôi. Nhưng Người HS Rạp Nam Quang đã đi trước một bước trước khá dài mà ít ai để ý, mặc dù ai cũng công nhận những tác phẩm "chóng qua" của ông rất đẹp.

Vẽ chân dung, ông là họa sĩ bậc thầy. Một tài năng mình hằng ngưỡng mộ như thế mà tôi không biết tên. Tiếc thay!

A.C.La

No comments:

Post a Comment