31 January 2012

Truyện ...rất ngắn!

Tin nhắn gửi nhầm

Còn nhớ khi hồi đầu mới yêu nhau, ngày đầu tiên anh vừa mua điện thoại di động thì cũng là lúc nhận được tin nhắn đầu tiên của cô: "Em nhớ anh!" Đây cũng lần đầu họ liên lạc bằng tin nhắn điện thoại với nhau.

Khi đó, anh mân mê đọc lại ba chữ đó không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc, trái tim anh trào lên một cảm xúc rung động ngọt ngào vô cùng. Cả một thời gian dài sau đó anh cũng không nỡ xóa tin nhắn đầu tiên đó của cô.

Hồi ấy cô và anh học đại học ở hai nơi cách xa nhau, những lần gặp gỡ chỉ ngắn ngủi trong giây lát, còn khoảng thời gian phải xa nhau lại dài dằng dặc. Và khi đó, những tin nhắn qua điện thoại đã trở thành một cầu nối tình yêu không thể thiếu giữa hai người, chúng đã gắn hai trái tim yêu thương nhung nhớ được xích lại gần nhau, và cùng cảm nhận được thấy sự tồn tại của nhau.

Còn nhớ một buổi tối, cô và anh đã hẹn nhau thời gian nhắn tin nói chuyện, nhưng sau khi rất nhiều tin nhắn anh gửi đi cho cô đều không thấy có hồi âm trở lại, anh lo lắng gọi điện cho cô thì không có ai nhấc máy. Anh hoảng hốt khi nghĩ đến chuyện gì xảy ra cho cô liền cuống quýt vơ vội một cái áo khoác lên người rồi nhảy chuyến tàu đêm ngồi hơn 7 tiếng đồng hồ để đến nơi cô học. Hóa ra khi ấy cô đi học về mệt quá nên ngủ thiếp đi quên mất cuộc hẹn với anh.

Nhìn thấy cô đứng trước mặt vẫn khỏe mạnh an toàn, anh thở phào nhẹ nhõm ôm chầm cô vào lòng. Còn cô lúc đó cũng bật khóc vì xúc động...

Sau khi tốt nghiệp anh và cô kết hôn và có một cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Họ vẫn dùng nhắn tin cho nhau để thuận tiện liên lạc nhưng những tin nhắn đã bị đơn giản đi rất nhiều: "Em đang ở đâu thế?" "Em đang trên xe buýt". "Bao giờ anh về đến nhà?" "10 phút nữa".

Sau này trong điện thoại của anh cũng dần có thêm rất nhiều tin nhắn của bạn bè đồng nghiệp, và những tin nhắn của cô cũng nhanh chóng bị anh xóa đi đầu tiên để thay thế bằng những tin nhắn mới.

Cứ thế 5 năm trôi qua, tình yêu giữa hai người cùng phai nhạt dần trước những lo toan của cuộc sống. Anh cảm thấy cô không còn đáng yêu hấp dẫn như ngày xưa nữa, và không cảm nhận thấy những rung động nhung nhớ như trước đây khi họ yêu nhau. Và rồi một cô gái tên Như đã bước vào cuộc sống của anh từ đấy.

Anh tìm được tình yêu ở Như, tìm được cảm giác tình yêu đã bị đánh mất. Như yêu anh và chiều chuộng anh hết mực. Mối quan hệ của họ ngày càng trở nên sâu nặng. Ngoài thời gian ở nhà, bên ngoài anh vẫn âm thầm qua lại quan hệ với Như, anh nghĩ rằng Như mới chính là người yêu anh và hiểu anh nhất...

Một buổi tối như thường lệ, sau khi vui vẻ bên Như, anh lái xe về nhà. Trên đường về, chợt anh nảy ra một ý nghĩ, anh muốn thử tình cảm của Như xem tình yêu cô dành cho anh nhiều như thế nào, có nhiều như cô vẫn nói với anh không?

Nghĩ vậy anh dừng xe và gửi cho Như một tin nhắn: "Xe anh bị đâm trên đường. Anh đang ở... Em đến ngay nhé!" Sau đó anh ngồi trên xe chờ đợi. Một tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không thấy Như đến, cũng như chẳng có bất cứ liên lạc gì từ phía cô. Anh lại nhắn lại thêm một lần nữa. Nhưng chờ một lúc vẫn không thấy có bất cứ động tĩnh gì. Anh giận dữ nổ máy quyết định bỏ về nhà.

Đúng lúc đó từ đằng xa có một chiếc taxi lao vút đến và thắng gấp ngay sát bên cạnh xe anh. Từ trong xe một người phụ nữ vẫn còn đang mặc bộ áo ngủ xộc xệch lao ra khỏi xe hốt hoảng chạy lại. Thật bất ngờ đó chính là vợ anh.

Anh giật mình vội vàng kiểm tra lại tin nhắn trong điện thoại. Tin nhắn đầu tiên anh gửi cho Như thì không sai. Nhưng tin nhắn thứ hai anh lại gửi nhầm cho vợ mình.

Chưa hết ngỡ ngàng thì vợ anh đã lao đến chỗ anh, không ngừng đập vào cửa kính gọi anh. Giọng cô lạc đi: "Anh... Sao vậy? Anh có sao không? Anh không làm sao chứ?" Anh mở cửa xe và ôm choàng vợ vào lòng, giọng anh nghẹn lại: "Không sao, anh không sao, chỉ là va chạm nhỏ thôi". Anh vừa nói vừa dịu dàng hôn lên trán cô, người cô vẫn còn chưa hết run rẩy.

Anh xót xa ôm cô chặt trong tay, mắt rơm rớm vì xúc động. Anh vô cùng hối hận vì những ham muốn nông nổi của mình mà đã phản bội cô, và thầm cảm ơn tin nhắn gửi nhầm đó đã giúp anh hiểu ra ai là người yêu anh nhất!

Hãy biết trân trọng tình yêu chân thành ngay bên cạnh chúng ta.

Trần Thu Hằng

30 January 2012

Cười tí tỉnh

Không cần nói thêm!

Ảnh nghệ thuật Hương Kiều Loan

HươngKiềuLoan – Những Power Point Một Đời



Power Point là một dạng kỹ thuật nối ráp những hình ảnh, nội dung với phần âm thanh làm nền nhằm mục đích truyền đạt đến khán giả một đề tài nào đó. Kỹ thuật này được dùng chủ yếu trong lãnh vực huấn luyện, thuyết trình vì sự sống động của hình thức trình bày lôi cuốn được sự chú ý của đối tượng. Về mặt nghệ thuật, kỹ thuật Power Point cũng dần dà có một chỗ đứng bên cạnh các bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh, âm nhạc truyền thống. Điều đặc sắc là người sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật Power Point , cộng thêm với khả năng sáng tạo văn chương, nhiếp ảnh ( và cả âm nhạc ) có thể chắp cánh cho Power Point bay lên gần với nghệ thuật phim ảnh. Tất nhiên, Power Point không thể sánh với điện ảnh về mức độ thực hiện, nhưng tác động của nó với người xem chưa hẳn đã thua kém nhiều, nếu người thực hiện Power Point có “ tay nghề “ cao. Mặt khác, để thực hiện một Power Point, chỉ cần có . . . một người 

Chỉ cần vài tiếng đồng hồ hướng dẫn, một người bình thường có thể nắm vững kỹ thuật thực hiện Power Point . Nhưng để thực hiện một Power Point nghệ thuật, người ta còn cần đến nhiều khả năng khác nữa. Như đã trình bày ở trên, chất liệu của Power Point gồm có hình ảnh, chữ ( thơ và/hoặc văn), âm nhạc. Nhưng tạo được một PPS với nôị dung sâu sắc, mang sắc thái riêng của tác giả, thì đó lại là chuyện không dễ, đó là phần của người nghệ sĩ, không còn thuần túy nằm trong trong tay một kỹ thuật gia chỉ là ráp nối. Mà phải phối hợp nhiều khả năng.c ủa người thực hiện. Trên tất cả là khả năng thẩm định ý nghĩa hình ảnh, nội dung âm nhạc , khả năng sử dụng chữ cộng với khả năng tổng hợp những chất liệu ấy thành một tổng thể chuyên chở ý tưởng mà người thực hiện muốn chuyển đến người xem đó lại là chuyện không dễ, đó là phần của người nghệ sĩ, không còn nằm trong phần như một kỹ thuật gia chỉ là ráp nối. PPS Như tác giả một bài văn, một bài thơ. Như tác giả một bản nhạc. Như tác giả một bức hình.

Xem một Power Point của HươngKiềuLoan, người ta hình dung ra được ngay khả năng bao quát ấy ở người thực hiện. Người tạo PPS sẽ đóng vai nhà nhiếp ảnh chụp những bức hình cho đề tài của mình. Người này cũng đóng vai tác gỉa kịch bản, viết những lời phụ đề cho hình ảnh sẽ lồng vào trong Power Point. Kế đến, người thực hiện có thể tự sọan nhạc nền lấy ( nếu không làm được việc này thì có thể sử dụng những bài nhạc đã có sẵn và đang được lưu hành ) và cuối cùng là kỹ thuật ráp nối, lồng chữ, lồng nhạc của Power Point. Đây là trường hợp đặc biệt về HKL--Bới những PPS do HKL thực hiện, Hình ảnh HKL xử dụng là do chính HKL tự chụp--trong lãnh vực này, số người tự chụp ảnh cho pps của mình rất hiếm. HKL cho biết chị xử dụng PPS chỉ như một phương tiện để gửi gấm những ảnh do góc nhìn riêng của mình đến người xem, như một triễn lãm của cá nhân, lưu hành khắp mọi nơi, những bức ảnh được nhìn từ trong tâm bởi vì ngay cả những vật vô tri, kém may mắn mà người đời thường dẵm bỏ hay không thèm đoái hoài đến, nhưng với HKL, chúng như có linh hồn, HKL cảm nhận được điều đó, và HKl đã thổi một sự sống vào khung cảnh, để biến chúng thành một nghệ thuật. Hương kiều Loan vẫn khẳng định nhiều lần " Tôi không phải là nhiếp ảnh gia, tôi chỉ là người rất yêu thiên nhiên,và vạn vật, lại đam mê nghệ thuật, nên muốn chia xẻ với mọi người những cái nhìn tự tâm của mình."

Mỗi một hình ảnh trong những tác phẩm Power Point của HKL là một tác phẩm nhiếp ảnh với đầy đủ ý nghĩa cẩn trọng, chau chuốt và công phu của nhiếp ảnh gia.

Mỗi một phụ đề ( mà chị gọi là tiêu đề trên từng bức ảnh ) là một ý tưởng cô đọng mang dấu vết khổ công dụng chữ của người viết nên những dòng phụ đề ngắn mà nói được rất nhiều điều phụ họa cho bức ảnh.

Mỗi một bài nhạc được HKL lựa chọn. lọc lựa thật kỹ làm nền cho ảnh và chữ của mình, bộc lộ một ý tưởng xuyên suốt chị muốn người xem cảm nhận từ tác phẩm của mình. Đó là một sự lọc lựa thật kỹ cũng không kém phần khổ nhọc và tính cách sáng tạo.
Mỗi một kỹ thuật chuyển hình trong tòan bộ sự chuyển động của Power Point cho thấy Chủ ý sáng tạo của người thực hiện, như một nhà quay phim chọn độ gần độ xa, độ chéo độ sâu của một cảnh trong phim, làm thế nào chuyển tải được đúng nhất , trung thực nhất và đầy đủ nhất ý tưởng của người thực hiện đến người xem.

Trang T.Vấn & Bạn Hữu được hân hạnh lần lượt giới thiệu những tác phẩm trong kho tàng đồ sộ Power Point đầy tính nghệ thuật của chị HươngKiềuLoan , cho đến hôm nay HKL đã cho ra public 67 PPS ( 67 X 50 photos =tr ên 3 ngàn photo do chị chụp đã chuyển đạt đến người xem) chị cũng là nhà văn kỳ cựu với loạt bài Cầu Gió , Gió Mây Lưu Lạc, Nụ hồng, trong ba series bài này, và nhân vật Gió, vai nh ân vật chính trong truy ện đã mang nhiều dáng dấp của tác giả thưở thiếu thời ) trải nhiều đề tài đa dạng tình yêu, sự cô đơn, chiến tranh, nỗi buồn, thân phận con người v..v… Mỗi đề tài đều được HKL khổ công thực hiện khởi đi từ những bức hình chụp Ch ị đã thu vào ống kính bất kể thời gian v à khí hậu như thế nào, Khi mưa tuyết, khi sương mù ,.v.v..phải lặn lội đường xa, đường gần, khi mùa đông lạnh buốt khi mùa hè nóng chảy mỡ, bất kể đó là nghĩa trang quốc gia Arlington ở DC hay nghĩa trang quân đội Biên Hòa ở Việt Nam, hay những công viên đẹp nổi tiếng trên nước Mỹ, hoặc những dịp lễ lậy hội hè mà con mắt nhiếp ảnh quyết không để phí hòai v..v.. Sau đó là đến phần nhà văn trong HKL làm việc, nối kết những bức ảnh như nối kết những con chữ làm nên bài văn chuyển tải một ý tưởng. Rồi chọn âm nhạc nền v..v..

Với HươngKiềuLoan, công việc này hiện nay là niềm vui lớn nhất vì nó đem lại ý nghĩa cho những ngày hưu trí thong thả - nhưng không nhàn nhã – sau gần hết một đời tận tụy vì chồng, vì con. Nay thì chị đã có thể tòan tâm tòan ý tận tụy cho nghệ thuật, một lọai hình nghệ thuật vô cùng mới mẻ mà chị HươngKiềuLoan có thể hãnh diện mình là một trong những người đi tiên phong. tạo được thế đứng riêng trong lãnh vực này.

Những tác phẩm Power Poitn của chị HươngKiềuLoan sẽ được T.Vấn & Bạn Hữu giới thiệu trong “ Góc Tranh “ với tên gọi “ Hương KiềuLoan – Những Power Point Một Đời “. Ngòai ra, độc gỉa có thể bấm vào danh mục “ bạn hữu “, chọn tên tác giả “ HươngKiềuLoan “ rồi trực tiếp chuyển những tác phẩm của chị đem về máy nhà.

T.Vấn
(Tháng Giêng 2012)
// web site: T.Vấn & Bạn Hữu

29 January 2012

Kỷ Niệm 223 năm Chiến Thắng Đống Đa


HÙNG CA QUANG TRUNG
(Về mùa xuân oai hùng Ất Dậu 1789)

Vó ngựa thù,
Vang rền biên ải,
Nhói tim người áo vải cờ đào
Tuốt gươm thiêng lấp lánh mấy tầng cao.
Quyết giữ lấy quê hương từng ngọn cỏ,
Máu anh hùng cháy ngời như ngọn lửa,
Máu ba quân sùn sụt chí kiêu hùng.

Ứng lời người,
Dài một dải non sông:
Trường Sơn vội vươn mình cao thêm thước.
Hoành Sơn vội xoay mình vươn tới trước.
Lòng ba quân như thác lũ dâng tràn.
Một lời thề rúng động cả giang san:
“Đánh cho chúng chích luân bất phản,
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn.”

Từng dòng người như thác đổ miên man…
Tiếng ngựa hí, nghe vang trời một cõi.
Sau bạch tượng, vó câu ào đá sỏi.
Sau tướng quân, gươm thép tuốt sáng ngời.
Bạch Đằng Giang háo hức máu xưa sôi,
Ngàn sông rạch như lưới trời bủa sẵn.
Sóng trường giang ào ào cơn quốc hận,
Hoàng Liên Sơn ngân ngất dáng ngang tàng.
Trống Ngọc Hồi chấn động đên Nam Quan,
Đồn Khương Thượng, xác thù gom chất đống!
Tiếng quân reo, cướp hồn Sầm Nghi Đống.
Tiếng quân reo cuồn cuộn sóng sông Hồng…

Vó ngựa tung hoành giữa núi đao,
Cứu dân thoàt khỏi biển ba đào.
Sông Hồng xác giặc lênh bênh nổi,
Gò Đống thây thù ngất ngất cao.
Bảo kiếm toé ngời rung ánh nguyệt,
Kỳ công chiếu rạng dậy tầng sao.
Giang sơn một cõi nghìn thu vững,
Tanh máu xăm lăng nhuộm chiến bào!

Hồ Thơm Nguyễn Huệ,
Mãi mãi về sau…
Chiến tích một thời rung bốn biển
Uy linh ngàn thuở động năm châu!
Hồ Thơm Nguyễn Huệ,
Áo vải cờ đào.
Đường cũ dẫu mờ muôn dấu ngựa,
Sử xanh còn rạng tấm lòng son.

Kha Tiệm Ly

28 January 2012

"Side By Side": Tranh đầu xuân của A.C.La


Bên Nhau
(Side By Side)

Oil on canvas, 24x36 inch (61x91.5 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**
All rights reserved

Ngựa một người bạn lâu đời của con người

Trong muôn vàn bất công  có cái bất công nằm trong những câu chửi có hài tên ngựa.

Khi không, tức bực với ai lại đem ví người đó với con ngựa! Ngựa đâu có gì "cà chớn" để đáng đem ra mà chửi như thế đâu. Ngược lại ngựa có cái dáng dấp rất duyên dáng, thanh tú. Những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn biểu lộ một nét đẹp mạnh mẽ. Khi ngựa chạy bon bon nước kiệu toát ra cái cảm giác thong dong thư thái. Khi ầm ầm cùng chủ tướng xông trận, ngựa trông thật hùng dũng, quyết liệt. Khi ngựa xếp thành hàng ngũ cùng đội kỵ binh trong một ngày đăng quang ngựa tạo thêm không khí uy nghiêm.

Lấy ngựa ra mà chửi quả là một bất công lớn đối với người bạn đã sát cánh với con người từ thượng cổ!

Quả là bất công khi nhìn ngựa qua chiều dài lịch sử của con người.  Trong sách sử người ta thường nói: chó có lẽ là anh bạn tốt nhất nhưng chính ngựa mới là kẻ xây dựng nền văn minh. Trong công viên The Horse Park ở Kentucky Hoa Kỳ, du khách đọc thấy một câu tán thưởng và ngầm cám ơn loài ngựa: "Lịch sử được viết trên lưng ngựa".

Ngành khảo cổ đã đưa ra bằng chứng khoảng 5000 năm trước người đã đưa được ngựa về sống chung, sau hơn chó là loài đã được người thuần hóa cách đây 9000 năm.  Và con người cũng đã biết cưỡi ngựa rất sớm, sớm hơn là người ta tưởng trước kia. Ở vùng Himalaya Mountains, phía bắc Ấn Độ, những hình tạc vào đá cổ 3000 năm mô tả người cưỡi ngựa, có thể là đi săn bắn.

Lừa và bò và ngày nay có voi đã gánh giúp cho con người những việc nặng nhọc. Nhưng ngựa nhờ đặc tính nhanh nhẹn nên những con vật kia không thể thay thế trong nhiều công việc.

Loài người biết dùng ngựa đã lâu, loài người khám phá ra bánh xe còn lâu hơn nữa. Thế nhưng việc chế ra chiếc chiến xa chỉ mới xuất hiện cách đây chưa đầy bốn thiên niên kỷ. Những chiếc xe nhẹ do ngựa kéo chở hai người, một người cầm cương, một người xử dụng vũ khí thường là cung tên, núp trong bóng tối rồi đồng loạt xông ra áp đảo làm khiếp đám những đoàn binh lính chạy bộ.

Có thể là người Hyksos đã chế ra xe ngựa (1700 BC). Nhưng một bộ tộc hiếu chiến hơn đã từ phía bắc tràn xuống chiếm ngự vùng Mesopotanmia, thủ đắc và học hỏi được những dụng cụ do những tộc văn minh hơn bị họ khống chế và vào thế kỷ 16 trước công nguyên thì người Hittites đã dùng xe ngựa trong chiến tranh. Vào thời ấy phát minh ra chiến xa với ngựa kéo cũng ghê gớm như chế ra bom nguyên tử vào thời nay.

Trong cuốn Một Biên Khảo Lịch Sử Chiến Tranh của John Keengan có nhắc tới truyện ngụ ngôn: Ngựa có lần ta đây với Bò là ngựa sống gần vua, được nuôi dưỡng và không bị ăn thịt. Truyện cho thấy ngựa gắn liên với niềm kiêu hãnh và giầu sang.

Ngựa còn là một gợi hứng đặc biệt và bền bỉ giúp cho các nghệ sĩ sáng tác. Mời quý anh chị nghe "Ngựa phi đường xa" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sau đây.

(A.C.La)

Chuyện bình thường ở nơi này có thể là bất thường ở một nơi khác.

Mẩu chuyện dưới đây có vẻ như nhiều người thích thú. TTR xin đăng lên để bà con mình cùng đọc.

Đại Hạ Giá

Thời buổi này còn cái gì không hạ giá nhỉ? Sách vở, quần áo, đồ điện tử v...v... hạ giá! Tôi cầm mảnh bằng đại học cạ cục mãi chưa tìm ra việc làm, cũng nhào ra vỉa hè bán sách đại hạ giá. Từ Victor Hugo, Lev Tolstoy, Tagore, Dostoievski... đến Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... cả thảy đều bị “hạ” nằm la liệt. Lắm lúc ngồi chồm hổm nhìn xuống các tên tuổi từng “vang bóng một thời”, tôi thầm hỏi:
- Nên cười hay nên khóc, thưa chư liệt vị?
Cách đây ít lâu, một ông lão hình dáng tiều tụy mang đến bán hai pho sách dày. Một cuốn là “Hán Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh do Khai Trí tái bản. Cuốn kia là “Petit Larousse Illustré” in tại Paris năm 1973. Sách còn tinh tươm lắm, hẳn chủ nhân đã xài rất kỹ. Thấy giá rẻ, tôi mua. Loại ấn bản này đây, gặp loại khách biên biết, bán cũng được lời.

Ngoài bìa và một số trang ruột của mỗi cuốn, đều có ấn dấu son hình ellipse: “Bibliothèque - Đô Bi - Professeur”. À, té ra ông lão vốn từng là giáo chức. Thảo nào! Cất tiền vào ví rồi mà ông cứ dùng dằng nuối tiếc, ngoảnh lại nhìn những tài liệu - tài sản phải đứt ruột bán đi. Ngoái mãi mấy lần rồi ông mới dắt chiếc xe đạp cà tàng đạp về. Mắt ông đỏ hoe. Lòng tôi chợt se lại!

Chiều 25 Tết. Ngồi cạnh các danh tác tôi vẫn lim dim, thấp thỏm, chồm hổm ra đấy. Qua đường không ai thấy, lá vàng rơi trên giấy. Sài Gòn chả có mưa bụi cho đủ khổ thơ Vũ Đình Liên. Nhưng bụi đường thì tha hồ, đủ khổ thứ dân lê lết vệ đường như tôi.
- Anh mua bánh bò, bánh tiêu?
Một chị hàng rong đến mời. Tôi lắc đầu. Bỗng chị sững người chăm chú nhìn vào hai bộ từ điển. Chị ngồi thụp xuống, đặt sề bánh bên cạnh, cầm hết cuốn này đến cuốn kia lật lật. Rồi chị hỏi giá cả hai. Ngần ngừ lúc lâu, chị nói:
- Anh có bán... trả góp không?
- Trời đất ơi! Người ta bán trả góp đủ thứ, chứ sách vở, sách đại hạ giá ai đời bán trả góp? Vả lại, tôi nào biết chị là ai, ở đâu?
- Tôi cần mua cả hai - chị nói tiếp - xin anh giữ, đừng bán cho người khác. Khi nào góp đủ, tôi sẽ lấy trọn. Anh thông cảm làm ơn giúp tôi.
Thấy lạ, tôi hỏi chuyện mới vỡ lẽ. Đô Bi chính là thầy cũ của chị hàng rong. Chị Tám (tên chị) bất ngờ thấy có dấu son quen, hiểu ra hoàn cảnh của thầy, bèn nảy ý chuộc lại cho người mình từng thọ ơn giáo dục. Song, bán bánh bò bánh tiêu nào được bao nhiêu, lại còn nuôi con nhỏ, không đủ tiền mua một lần nên chị xin trả góp.Tôi cảm động quá, trao ngay hai bộ từ điển cho chị Tám:
- Chị hãy cầm lấy, kịp làm quà Tết cho thầy. Tôi cũng xin lại đúng số vốn mà thôi, chị à.
- Nhưng...
- Đừng ngại, chị trả góp dần sau này cũng được.
Chị lấy làm mừng rỡ, cuống quít trả tôi một ít tiền.
- Chao ôi, quý hóa quá! Cảm ơn... cảm ơn... anh nhá!
Mai lại, chị Tám trả góp tiếp. Chị kể :
- Thầy Bi thảm lắm... Gần Tết, cô lại ngã bệnh... Thầy nhận sách, mừng mừng tủi tủi tội ghê, anh à!... Thầy cũ trò xưa khóc, khóc mãi!
Tôi vụt muốn nhảy cỡn lên và thét to:
“Hỡi ông Victor, ông Lev, ông Dostoievski... ơi! Ông Khái, ông Vũ, ông Ngô... ơi! Có những thứ không bao giờ hạ giá được! Có những người bình thường, vô danh tiểu tốt nhưng có những kiệt tác không hạ giá nổi, đó là ‘Tấm lòng’ ”.
Tác giả : Vô danh
__

Thưa quí vị,

Ý kiến của nhiều người không nên trở về nơi mà mình không thể sống và may mắn
tìm được nơi nương náu bao năm qua. Người Anh có câu: " Chỗ nào anh cất được cái mũ, nơi đó là quê hương của anh'.

Nam VN bây giờ đã khác xưa sau nhiều nămcai trị của bọn người xâm lăng
từ phương Bắc. Dù quê hương của dân tộc khác nhưng lại có tình người và được sống tự do
thì đó là quê hương thứ hai cho thế hệ con cháu sinh sống, tìm lại tinh thần 'Tôn Sư Trọng
Đạo' trong hội cựu học sinh và hình thành Cộng Đồng VNCH với lá cờ Vàng. Thiết nghĩ nếu có ngày về thăm cố hương cũng chỉ là tìm lại một thời đã mất...

Tấm Lòng Người Học Trò Cũ là vô giá mà bọn xâm lăng không thể nào mua được, họ không thể nào cướp đi được của người miền Nam.

Vu-l-huong

Cướp đất và giết dân

Chính quyền CS Hà Nội coi mạng sống người dân rất rẻ!

27 January 2012

Mùng 4 Tết: Nhân 39 năm ngày ký kết hiệp định Paris

Nixon Và Hòa Bình Trong Danh Dự

Trọng Đạt

Nhậm chức đầu năm 1969, Nixon bắt đầu cho rút quân tháng 7- 1969 và thương thuyết với Cộng sản Bắc Việt để tìm hòa bình danh dự cho Hoa Kỳ như đã hứa khi tranh cử. Hòa đàm Paris bắt đầu từ ngày 10-5-1968 dưới thời Tổng thống Johnson nhưng thực sự bắt đầu đàm phán dưới nhiệm kỳ Tổng thống Nixon.

Sơ Lược về Hòa Đàm Paris 

Từ 1968 cho tới giũa 1972 nói chung cuộc đàm phán không có dấu hiệu tiến bộ, phía CSBV lợi dụng hòa đàm để tuyên truyền chống Mỹ, họ dai dẳng lì lợm, ngoan cố. Phái đoàn BV đòi hai điều kiên tiên quyết Hoa Kỳ phải rút quân khỏi miền Nam VN vô điều kiện và lật đổ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu thay bằng chính phủ ba thành phần. Nixon đã thực hiện rút quân tháng 7-1969 theo đề nghị của bộ trưởng quốc phòng Laird vì người dân không còn ủng hộ cuộc chiến tranh Việt Nam và thay thế bằng Việt Nam hóa chiền tranh.

Suốt bốn năm đàm phán BV vẫn khăng khăng đòi phải loại bỏ chính phủ Thiệu nhưng Nixon và Kissinger nhất quyết bác bỏ yếu sách của BV mặc dù hành pháp Mỹ đang yếu thế. Theo Nixon (trong No more Vietnams trang 127) CSBV đã thừa cơ nước đục thả câu lợi dụng phong trào phản chiến và áp lực của Quốc hội để lì ra không chịu ký kết khiến hòa đàm kéo dài như vô tận.

Tháng 10-1972 một khúc quành lớn trong cuộc đàm phán diễn ra khi BV thay đổi lập trường, nhượng bộ một số điều khoản chính như không đòi TT Thiệu phải từ chức, không đề cập tới chính phủ ba thành phần. Sở dĩ họ nhượng bộ vì biết Nixon sẽ thắng cử tháng 11-1972, theo thăm dò ông vượt xa McGovern vì sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam đã giảm, BV sợ nếu Nixon đắc cử ông sẽ không nhượng bộ, cuộc đàm phán sẽ bất lợi cho họ. Ngày 9 tháng 10 buổi họp định mệnh, BV đã nhượng bộ một số điều khoản như trên. Kissinger mừng rỡ nói đây là ngày hồi hộp nhât trong cuộc đời chính trị ngoại giao của ông, cái ngày mà ông trông đợi sau bốn năm hòa đàm mệt mỏi dậm chân tại chỗ nay đã tới.

Phiên họp ngày 11-8 dài nhất, 16 giờ, nội dung gồm những điểm chính mà hai bên ký kết sau này vào cuối tháng 1-1973. Ngày 12-8 Kissinger rời Paris về Mỹ báo cho Nixon biết, ông nói “Tổng thống đã thắng được 3 trên 3, (You’ve got 3 for 3) ý nói vấn đề Trung Cộng, Nga Sô, Việt Nam nay đã được giải quyết xong (Larry Berman, No Peace No Honor trang 159).

Thơ Xuân Dương Quân

25 January 2012

Truyện ngắn Phạm Tín An Ninh

Tháng 7/75, khi mọi người vẫn còn đang ngơ ngác, chưa kịp hoàn hồn trước bao thù hận, mất mát chia lìa, thì ở khu làng biển nghèo Bá Hà, một cậu bé 15 tuổi lại ngỡ ngàng trước một tin vui - có mẹ. Khi bà ngoại dắt Hưng vào nhà và chỉ một người đàn bà xa lạ, bảo đó là mẹ mình. Hưng bất ngờ đến sững sờ, cứ ngỡ như bà mẹ này vừa mới từ trên trời rơi xuống.

Từ khi sinh ra, rồi cả một thời tuổi thơ Hưng chỉ sống với bà ngoại. Ngoại nghèo khổ, một thân một mình vất vả làm thuê, gánh mướn, chắt chiu nuôi đứa cháu duy nhất của mình. Hưng lớn lên bằng tấm lòng bao la của ngoại và sóng gió của biển khơi mênh mông. Trò chơi chỉ là rượt theo các chú dã tràng trên bờ biển vắng hoặc nhặt những chiếc vỏ ốc, vỏ sò sau mỗi lần thủy triều lên xuống. Càng lớn Hưng càng khôi ngô, khỏe mạnh. Có lẽ nhờ tiếng hát ru hời của ngoại cùng âm thanh rạt rào của biển luôn an ủi vỗ về mà Hưng gần như quên hẳn nỗi bất hạnh mồ côi và hun đúc Hưng thành một đứa bé khôn ngoan, thánh thiện, sớm biết nhìn bầu trời xanh bao la mà khát khao bao điều ước vọng.

Năm mới lên tám tuổi, vừa hết lớp ba, dù rất say mê học hành nhưng không đành nhìn ngoại ngày một còng lưng, Hưng phải xin nghỉ học để đi làm phụ ngoại. Theo ghe lưới cá của mấy người hàng xóm. Thời gian nghỉ ngơi, ở nhà tự học, đọc sách vở mà Hưng mượn được hoặc mua lại từ những bạn bè hay các anh chị học sinh lớn tuổi trong làng. Hưng ít khi hỏi ngoại về cha mẹ mình, vì Hưng không hề biết mặt họ, và trong ký ức non nớt cũng như trong cả những giấc mơ của Hưng cũng không bao giờ có hình ảnh cha mẹ. Chỉ nghe bà ngoại kể là cả hai người đều bị bạo bệnh qua đời lúc Hưng mới sinh ra. Có lẽ thấy tội nghiệp đứa cháu côi cút của mình, bà không muốn Hưng phải suy nghĩ hay nhớ đến chuyện buồn này, nên chỉ kể vội một đôi lần, lúc Hưng mới lớn lên và bắt đầu nhận hiểu đôi điều ở quanh mình. Rồi không bao giờ bà nhắc lại nữa.

Hưng có hai ông cậu, em của mẹ, nhưng ít khi gặp mặt. Ông cậu nhỏ đi làm xa ở đâu đó, còn ông cậu lớn thì đi lính quân dịch, một năm chỉ về phép đôi ba lần. Ông có vợ, nhưng gởi vợ lại cho ngoại. Bà mợ thì hiền lành, nhưng ông cậu lần nào về cũng ghen tương, gây gổ với mợ, với ngoại, mặc dù ông rất thương và lo lắng cho ngoại. Có lần ngoại buồn, hờn cậu, dắt Hưng theo ra tận vùng quê Xuân Tự, ngoài Vạn Giã ở với gia đình người em của ngoại. Sau hơn nửa tháng, nguôi ngoai và nhớ nhà, nhớ biển, nhớ cả đôi gánh tần tảo của mình, bà cháu lại dắt díu trở về làng cũ. Đó là kỷ niệm một lần đi xa độc nhất trong tuổi thơ của Hưng.

Thơ Tết Nhâm Thìn

Tin ngắn đáng chú ý

RIM Canada

Trong một cuộc sắp xếp lại hội đồng quản trị của mình, Reseach in Motion (RIM), công ty chế xuất cell phone Blackberry nổi tiếng, đã cho về vườn cả hai đồng Tổng Quản Trị Viên, một hành động mà giới quan sát cho là một việc làm thiếu cẩn trọng lạ lùng.

RIM là công ty viễn liên đa quốc gia của Canada đặt tổng hành dinh ở thành phố Waterloo, thuộc tỉnh bang Ontario. Công ty thiết kế, chế xuất và bán các sản phẩm trong lãnh vực vô tuyến (wireless) và viễn liên (telecommucation). Thu nhập 20 tỉ MK, lợi tức 4.6 tỉ (năm 2011). (RIM provides platforms and solutions for access to information, including e-mail, voice, instant messaging, short message service (SMS), Internet and intranet-based applications and browsing.)

APPLE Mỹ

Công ty điện tử Apple công bố 13 tỉ tiền lời cho quí chót năm 2011, tăng 118% so với cùng thời gian năm trước. Số bán iPhone, iPads và máy vi tính tiếp tục viết nên lịch sử của công ty.

Tổng quản trị viên Tim Kook nói rằng "Sức bật của Apple hiện rất mạnh mẽ khó tin, và chúng tôi hiện có một số sản phẩm mới kỳ thú sắp ra lò."

Cộng Đồng Âu Châu

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, kêu gọi Cộng Đồng Âu Châu hãy dựng "Bức Tường Lửa" để ngăn chặn khủng hoảng tài chánh không lan rộng. Đừng để khủng hoảng tài chánh hiện nay của Hy Lạp lây lan sang các nước lân cận như Y và Tây Ban Nha. Bà nói: "Chúng ta phải thực tế".

Nhật Bản

Lần đầu tiên sau 30 năm mậu dịch (hàng năm) Nhật Bản bị thâm thủng.  Theo Takuji Okubo của Societe Generale ở Tokyo thì Nhật Bản sẽ bị thâm thủng mậu dịch cho tới năm 2014. Năm 2011 nhập cảng tăng 12% trong khi xuất cảng giảm 2.7% so với năm trước.

Tuy nhiên cân ngoại thương bị thẩm thủng là do hệ quả của thiên tai nhị trùng động đất sóng thần xẩy ra ngày 11 tháng Ba năm 2011.

Tứ Xuyên - Tây Tạng

Hoa Lục xác nhận một người Tây Tạng đã bị bắn chết trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát với những người chống đối hôm Thứ Ba ở tỉnh Tứ Xuyên, là tỉnh có những cộng đồng lớn dân Tây Tạng và là tỉnh kế bên với vùng tự trị Tây Tạng. Một phần to lớn lãnh thồ Tứ Xuyên nguyên thuộc xứ Tây Tạng hiện bị cắt để lập thành một tỉnh khác.

Thông tấn xã nhà nước Hoa Lục nói rằng đám người chống đối đã tấn công đồn cảnh sát ở quận Sedan. Đây là cuộc bạo động thứ hai trong tuần. Tin từ những nhóm nhân quyền nói rằng ít nhất đã có hai người biểu tình bị bắn chết trong cuộc biểu tình hôm Thứ Hai ở quân kế cận Draggo.

24 January 2012

Cười tí tỉnh đầu năm Con Rồng

Tôi biết mà!

Một người đàn ông Hoa Lục lấy một phụ nữ Phi Châu sanh hạ được một đứa con. Hai năm sau đứa con chết. Tại nhà quàn một thân nhân của người vợ cứ khóc nức khóc nở và kể lể: "Tôi đã biết mà!"

Một người lớn tuổi trong gia đình kéo bà ta ra ngoài hỏi bà ta đã biết là biết cái gì?

Bà ta trả lời:

"Hàng Hoa Lục sản xuất đâu có bền!"

Đón xuân

CHIẾC BÁNH CHƯNG


Sáng nay, khi ăn điểm tâm, mẹ đã phân công cho chị em con bé việc thu dọn nhà cửa để ăn tết. "Hôm nay đã là hăm chín. Các cô phải nhanh nhanh lên thôi", mẹ vừa và vội miếng xôi bắp vào miệng vừa nói. Bình thường mẹ vẫn từ tốn. Chỉ khi gần tết con bé mới thấy mẹ "hấp tấp" như thế này.

Năm nào con bé cũng được chia việc lau chùi bàn thờ và đánh bóng bô chân đèn. Bố đã mua lọ thuốc đánh đồ đồng để sẵn dưới chân bàn thờ. Con bé vốn nổi tiếng trong nhà là "khéo tay khéo chân". Chị Y vẫn trầm trồ khi đếm những cái hoa tay trên đầu ngón tay con bé. Con bé lại thích những đồ vật trang trí, như cái bộ chân đèn này chẳng hạn. Không có bộ chân đèn thì cái bàn thờ không giống cái bàn thờ. Nhưng con bé chỉ thấy bộ chân đèn được dùng làm bộ chân đèn, nghĩa là được cắm đèn cẩy vào có mỗi một lần, lần đám cưới anh V.

Chị Y được mẹ chia cho việc lau cửa sổ. Chị thay ra chiếc áo ngắn tay hở nách màu lá non. Chị búi mái tóc dài lên cao để lộ chiếc cổ cao và trắng như sữa. Con bé ngẩn người nhìn chị. Bình thường chị vẫn đẹp nhất nhà ...dưới. Hôm nay chị trông đẹp lồ lộ như một bông hoa đã nở "hết cỡ". Cứ mỗi lần thấy chị cầm chiếc rẻ đẵm nước đưa lên cao là con bé lại không dám chớp mắt. Có lần năm ngoái, mấy cặp mắt hàng xóm đã làm chị quýnh, chị quên luôn cái rẻ ướt. Những giọt nước lợi dụng "cơ hội bằng vàng" rủ nhau chảy thật nhanh xuống cánh tay chị rồi chui tọt vào nách.


Con bé vừa thu xong cái bàn thờ thì mẹ bảo thay quần áo theo mẹ đi chợ. Thật ra mẹ đã cùng chị Y và chị người làm đi chợ từ cả tuần nay. Nhưng bao giờ cũng cận ngày tết mẹ mới rủ con bé đi để mua hoa và cây cảnh. Mẹ lại có tật không chịu mua hoa ở đâu ngoài chợ An Đông, tuốt trong Chợ Lớn. Chả là năm nào cũng có một cái chợ hoa nhỏ họp ở đây, ngay trên lề đường Hùng Vương, bên hông nhà hàng Nhật.

Con bé bình thường không thích đi chợ với mẹ, nhưng đi chợ hoa thì con bé thích ra mặt. Cái chợ hoa này thật dễ thương. Con đường Hùng Vương là một con đường con bé thích. Con đường thẳng như sợi chỉ. Con đường chỉ có hàng cây cao thật cao một bên đường. Bên kia để trống vì la đường rầy xe lửa. Cái trống trải của một bên đường lúc đầu đã làm con bé khó chịu, nhưng sau thì con bé lại thấy là lạ, rồi chuyển qua "mê" nó. Cứ mỗi lần đi tới khúc đường này là con bé lại nghĩ tới một con kinh đào. Con kinh thẳng như sợi chỉ. Con kinh có một hàng cây cao thât cao. Hàng cây soi bóng xuống mặt nước mỗi buổi sáng.

Chợ hoa họp ngay dưới bóng cây cao. Chợ cũng toàn người mua thiệt chứ không phải người đi ngắm hay đi "dung dăng dung dẻ". Chợ cũng không có ai đeo máy chụp hình. "Hoa ở đây tươi và họ đỡ nói thách", mẹ nói vậy.

Tới gần trưa thì hai mẹ con con bé về tới nhà. Như mọi năm, mẹ mua hai chậu quất hồng bì và môt chục hoa lay ơn. Mẹ cũng mua cho con bé môt cây hồng nhỏ. Cây hồng éo uột ra một bông bé tí xíu. Chắc người bán muốn "tống khứ" đi, nên khi mẹ ngần ngừ là giảm giá xuống còn một nửa. Con bé thấy tội nghiệp cho cây hồng gì đâu. Đã éo uột vậy mà vẫn còn cố cho ra một bông, mặc dù là cái bông "không giống ai". Mà nếu cây hoa hồng không ra hoa thì đâu phải là cây ...hoa hồng. Cái "éo le" ở đời là vậy.


Con bé lấy chiếc bật lửa của bố, mang bó hoa lay ơn ra sau nhà đốt sơ cuống, xong cắm vào bình. Con bé cũng bỏ vào bình vài cục đá lấy từ tủ lạnh để "hãm" cho hoa nở chậm hơn, đợi đón tết. Con bé cũng bỏ vào hai viên Aspirine theo lời bố dặn. Chiếc bàn thờ với bộ chân đèn sáng choang và bình lay ơn làm "mới" hơn căn phòng khách.

Khi con bé phụ chị Y khiêng hai chậu quất vào để hai bên cửa thì con bé thấy hơi lạ. Khuôn viên trường Hưng Đạo như nhộn nhịp hơn ngày thường. Mà hôm nay học trò đã nghỉ tết. Con bé nghe thấy những tiếng cười thật lớn bên trong bừc tường cao. Con bé thấy chiếc cổng lớn mở rộng. Và ...con bé trợn tròn mắt khi thấy chiếc xe jeep đầy bùn đất đậu trong con đường nhỏ bên hông trường.

Gã đã "bay" về từ khuya đêm qua. Khi xe vọt qua cầu Phú Lâm, gã thấy nôn nao, cái nôn nao của kẻ xa nhà thật lâu, mặc dù hắn mới đi có vài tuần. Gã không về thẳng nhà mà cắm đầu chạy về ngả chợ Thái Bình, rồi dừng xe bên đường Cống Quỳnh. Căn gác của con bé đã tắt đèn. Căn gác của con bé mở cửa sổ. Căn gác của con bé đang trong cơn mơ. Con bé đang trong cơn mơ. Gã mỉm cười đốt một điếu thuốc lá.

Gã đập cửa căn phòng nhỏ của T vào sau nửa đêm. T sống một mình ở đây. T mở cửa cho gã, kéo gã vào, đặt chiếc ấm nhỏ lên bếp, chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên. T cũng đã ra trường như gã, nhưng T vẫn không "chừa" cái tật "đàn đúm" với các cô chú sinh viên học sinh. T hở ra là không đi trại hè thì tổ chức "đêm không ngủ".

Tới gần sáng thì T nghe lời "xúi dại" của gã loay hoay làm chương trình tổ chức Đêm Gói Bánh Cho Chiến Sĩ vào hôm sau. Điạ điểm là trường Hưng Đạo...

Thật ra thì BH đã được gã nhờ chạy tới "rủ rê" con bé vụ gói bánh chưng này từ sáng nay. Nhưng con bé mắc đi chợ với mẹ. BH có nhắn chị Y. Chị Y lợi dụng "cơ hội bằng vàng" trả thù con bé. Chả là mỗi lần "anh chàng ở xa" của chị nhắn gì là con bé làm cao cứ úp úp mở mở đợi chị năn nỉ muốn gẫy lưỡi.


Con bé ăn vội miếng cơm trưa cho mẹ khỏi nghi, rồi đội mũ xin phép mẹ qua nhà VK. Chả là VK có ông anh giáo sư rất đứng đán. Anh lại tình nguyện dạy kèm toán cho VK và con bé. Cả nhà lại vẫn lo về cái "khả năng toán" của con bé. Con bé luôn luôn đứng đầu lớp về mọi môn , kể cả hạnh kiểm. Nhưng phải bỏ không kể cái môn toán, nhất là cái môn đại số toàn số là ...số. Thực ra con bé cũng chẳng ham tới nhà VK để học toán. Con bé muốn dùng cái điện thoại công cộng ở quầy bán báo ngay góc đường gần nhà VK. Con bé phải gọi cho anh Z. Con bé phải qua trường Hưng Đạo vào đêm nay. Mà chỉ có anh Z với đám em gái anh mới được phép đưa con bé ra khỏi nhà vào buổi tối. Con bé mỉm cười. "Gần mực thì đen, gần đèn thì ...nóng", gã vẫn nói vậy. Gần gã, con bé có "nóng" ra không thì không biết, nhưng con bé đã "lanh" ra nhiều, nhưng chỉ "lanh" những vụ liên quan tới gã.

Khi ở nhà VK về thì con bé tươi như hoa. Tiếng đàn tiếng hát đã cất lên từ bên trong bức tường trường Hưng Đạo. Anh Z đã hứa sẽ dẫn tiểu đội em gái tới sau bữa cơm tối. Con bé lên lầu cúi xuống hôn lên đóa hồng nhỏ như cái nút áo. Chưa bao giờ con bé thấy vui như vậy. Chưa bao giờ con bé thấy nôn nao như vậy.

(6)
Gã vẫn có tài làm bánh chưng gia truyền. Ngày gã chưa đi xa, gã vẫn được đặt cọc mời đi gói bánh "chùa" từ đầu tháng chạp. Bánh gã gói vuông vức cái nào cái nấy giống nhau như đúc. Bánh gã nấu lại giữ được lá xanh tự nhiên. Đây là lần đầu tiên gã chịu tung ra "bí kíp". Cũng tại con bé. Cũng chỉ vì con bé.

Khi tiểu đội "tiền hô hậu ủng" của con bé qua tới trường thì bánh đã gói xong, đang được nấu trong mấy cái thùng phuy lớn trên đống củi đỏ rực. Bà con ngồi quanh đống lửa ca hát canh bánh. Con bé thấy T và gã trong một góc, gần đống lửa nhất. Thỉnh thoảng gã lại mở nắp thùng phuy, dùng cái muôi dài múc nước sôi trong chiếc nồi lớn châm thêm nước vào thùng. Gã như gầy hơn . Gã như đen hơn. Gã như già dặn hơn.

Rồi lại như mọi lần con bé bị "níu kéo" lên hát. Con bé cố tình đứng bên kia đống lửa để được gần gã hơn. Con bé vẫn phải giữ kẽ không cho anh Z và tiểu đội em gái của anh biết là con bé quen gã. Tiểu đội em gái anh Z mà biết là mẹ sẽ biết. Mẹ biết thì cũng có nghĩa là bố sẽ biết. Bố biết thì chỉ có ốm đòn. Gã mỉm cười với con bé. Gã ngửi thấy mùi bồ kết từ mái tóc con bé. Gã nghe giọng hát của con bé bay lên thật cao. Gã thấy tà áo lụa màu vàng nhạt của con bé phất phơ ở nơi thật cao. Gã không nghe tiếng vỗ tay vang rền khi con bé hát xong. Gã vẫn mải nhìn ánh lửa chập chờn trên khuôn mặt sáng như thiên thần của con bé.

Con bé phải về nhà vào 10 giờ đêm, nhưng Đêm Gói Bánh chỉ tàn vào sáng hôm sau khi bánh đã được nấu đủ 8 tiếng đồng hồ và vớt ra ép giữa những cánh cửa lớn cho ráo nước. BH gõ cửa nhà đưa cho con bé một chiếc bánh nhỏ và một cặp bánh lớn. Chiếc bánh nhỏ được buộc bằng một sợi lạt nhuộm hồng, khác với các bánh khác. BH cũng dặn con bé "ăn ngay cho nóng".

Con bé đóng cửa phòng bóc lớp lá xanh còn hơi ấm. Bên trong lớp lá, trên nền nếp xanh nhạt là hai chiếc lá phong đỏ màu rượu chát. Hai chiếc lá nhỏ nằm đè lên nhau như hai bàn tay. Cái bàn tay bên dưới to hơn cái bàn tay bên trên. Cái bàn tay bên dưới cũng đậm mầu hơn bàn tay bên trên.

Con bé nhìn qua cửa sổ. Con đường nhỏ bên hông trường vắng ngắt. Chiếc xe jeep của gã đã biến mất, để lại một khoảng đường không bị ướt sương.

Người Gọi Gió & HươngKiềuLoan
( Series: Cầu Gió )

21 January 2012

Nhạc sĩ Trần Nhật Ngân không còn nữa

Nhạc-sĩ TRẦN NHẬT NGÂN  vừa từ-trần lúc 0 giờ 45 ngày 22.01.2011 ( VN ) tức khoảng 9 :45 AM ngày 21.01.2012 (California, HK ).
**




Xuân Này Con Không Về
Nhạc sĩ: Trần Nhật Ngân
Ca sĩ: Quang Lê

Yếu tố Đài Loan trong

Tranh Chấp Biển Đông

Đào Văn Bình

 Trước đây cuộc tranh chấp tại Biển Đông vốn đã phức tạp, nay bỗng trở nên phức tạp hơn với sự xuất hiện của yếu tố Đài Loan.

Vào ngày 12/10/2011 Ủy Ban Quốc Phòng Quốc Hội Đài Loan tuyên bố các đơn vị tuần duyên của Đài Loan sẽ được trang bị hỏa tiễn Thiên Kích Chaparral là loại hỏa tiễn tối tân, đưa xe tăng bố phòng ở các cụm đảo còn trong vòng tranh chấp vì lo ngại hỏa lực của quân trú phòng ở đây kém các lực lượng tranh chấp khác. Đài Loan không nói rõ lực lượng tranh chấp đó là ai: Hoa Lục, Việt Nam hay Phi Luật Tân? Hay cả ba? Hiện nay Đài Loan đang chiếm giữ Đảo Itu Aba (Thái Bình) mà Việt Nam gọi là Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong Quần Đảo Hoàng Sa. Trước tình hình đó Hoa Kỳ hoảng quá vì nó liên quan tới đồng minh thân thiết là Phi Luật Tân và vì nó có thế đổ thêm dầu vào lửa cho nên vào ngày 14/10/2011 phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lên tiếng khuyến khích tất cả các bên tranh chấp giải quyết bất đồng bằng phương tiện ôn hòa trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, tránh xử dụng vũ lực hay đe dọa xử dụng vũ lực.

Vào ngày 16/10/2011 Phi Luật Tân phản ứng ngay. Bộ Quốc Phòng Phi Luật Tân cho rằng thái độ trên của Đài Loan có thể gây hiểu lầm từ các nước đang có tranh chấp và Đài Loan cần nói rõ thêm về kế hoạch đem hỏa tiễn vào Trường Sa. Phi Luật Tân tuyên bố sẵn sàng bảo vệ tới cùng các hòn đảo trong khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân. Còn Việt Nam và Hoa Lục thì hoàn toàn giữ im lặng.

Từ 17/10 tới 28/10/2011 để tiếp sức thêm cho Phi Luật Tân, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc tập trận đổ bộ lên một bãi biển gần Trường Sa với Phi Luật Tân (BBC) nhằm “tăng cường an ninh khu vực chứ không không nhắm vào bất cứ nước nào.” Việt Nam và Đài Loan giữ im lặng, trong khi Bắc Kinh phản đối và cho rằng các cuộc tập trận này “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.” Không biết Hoa Lục có thiên vị “người anh em” không vì Đài Loan đưa hỏa tiễn và xe tăng tới đây thì ông nín khe, còn Hoa Kỳ và Phi Luật Tân tập trận thì ông phản đối. Trong thời gian này, tin tức xì ra là Tổng Thống Đài Loan là Mã Anh Cửu đã úp mở cho biết là sẽ ký kết hòa ước với Hoa Lục và nhường Đảo Ba Bình để đổi lấy sự yên thân là Hoa Lục sẽ không tấn chiếm Đài Loan.

Ngày 26/10/2011 Ô. Trương Tấn Sang thăm Phi Luật Tân và cùng Tổng Thống Phi Luật Tân kêu gọi thành lập một khu vực hòa bình tại Biển Đông. Và theo Đài VOA, Việt-Phi đồng ý đối thoại đa phương để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Qua cuộc gặp gỡ này, mọi người đều thấy Phi Luật Tân và Việt Nam chủ trương nhường nhịn và hợp tác với nhau để đối phó với kẻ thù nguy hiểm hơn là Hoa Lục và ngày nay thêm Đài Loan.

Vào ngày 07/11/2011 Tư Lệnh Hải Quân Đài Loan tuyên bố nếu có chiến tranh ở Biển Đông thì Đài Loan sẽ hỗ trợ cho Hoa Lục, nhất định không giúp cho Phi Luật Tân và không đứng yên để nhìn. Xin nhớ cho Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) và Phi Luật Tân trước đây là đàn em dưới trướng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nay vì “ máu chảy ruột mềm” và “một giọt máu đào hơn ao nước lã ”, Đài Loan quên “tình xưa nghĩa cũ” và “chơi” luôn Phi Luật Tân- ông bạn đồng minh cũ của mình. Nếu như một hòa ước được ký kết giữa Hoa Lục và Đài Loan thì người dở khóc dở cười chính là Hoa Kỳ. Trước đây cứ mỗi lần Đài Loan tuyên bố đòi độc lập thì Hoa Lục lại hăm dọa dùng vũ lực để tấn chiếm Đài Loan. Hoa Kỳ vội vã đem tàu chiến tới đứng chặn ở giữa khiến Hoa Lục hậm hực rút lui. Nhưng nay anh em nhà người ta đã làm lành với nhau thì sự hiện diện của Hoa Kỳ trở nên vô nghĩa, mời ông đi chỗ khác chơi, ông sớ rớ ở đây làm gì? Và chính sách “Một Nước Trung Hoa” của Hoa Kỳ cũng sẽ trở nên lỗi thời vì nếu có một hòa ước như vậy thì nhà ai nấy ở, rõ ràng có hai nước Trung Hoa chứ đâu phải một nước Trung Hoa? Ngoài ra nếu một cuộc đọ sức giữa Đài Loan và Phi Luật Tân xảy ra ở Biển Đông thì Hoa Kỳ bênh ai, bỏ ai bây giờ? Cả hai đều là đàn em và đồng minh của mình cả. Thật đau đầu! Cuộc cờ thế giới biến chuyển rối bời như canh hẹ.

Mới đây nhất, theo hãng thông tấn Đài Loan CNA, vào ngày 13/12/2011 Đài Bắc đã cho khánh thành một hệ thống năng lượng mặt trời trên hòn đảo đang có tranh chấp với Việt Nam, Phi Luật Tân và Hoa Lục và xem đây như là một hành động để củng cố thêm chủ quyền của mình.

Ngày 16/12/2011 Dân Biểu Ben Evardone- Chủ Tịch Ủy Ban Thông Tin của Hạ Viện Phi Luật Tân yêu cầu Bộ Ngoại Giao Phi là phải có văn thư phản đối chính thức và đòi hỏi chính quyền phải đưa vấn đề này ra trước ASEAN và Liên Hiệp Quốc và Phi Luật Tân “không thể thụ động trước hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của đất nước.” Còn hai dân biểu khác trong ủy ban quốc phòng thì kêu gọi Tổng Thống Aquino phải lên tiếng phản đối Đài Loan. Trong khi đó Việt Nam có thể đang âm thầm chuẩn bị nhưng không bày tỏ phản ứng gì.

Ngày 27/12/2011 Đài BBC dẫn lời báo chí Philippines đưa tin nước này đã điều tàu chiến lớn nhất của mình ra Biển Đông hướng về khu vực có dự án khai thác khí đốt.

Ngày 3/1/2012 tin tức cho biết Bộ Quốc Phòng Philippines đang xem xét khả năng mua các loại hỏa tiễn đất-đối-hải và tăng cường năng lực giám sát hàng hải vì Phi Luật Tân cho rằng các thiết bị quân sự do Mỹ hỗ trợ là không đáp ứng được yêu cầu (cũ quá).

Ngày 17/01/2012 một phái đoàn bao gồm 4 thượng nghĩ sĩ Hoa Kỳ trong đó có các thượng nghĩ sĩ nặng ký như John McCain, Joe Lieberman đã tới thăm Phi Luật Tân và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Phi Luật Tân trong tranh chấp biển đông bằng hai cách: Tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở vùng này và trợ giúp quốc phòng cho Phi Luật Tân. Chắc chắn thế giới sẽ chứng kiến những diễn biến căng thẳng hơn nữa trong những ngày tháng sắp tới.

Sau đây là một số nhận định:

1) Là cường quốc hải quân hàng đầu và đang ở tư thế lãnh đạo thế giới và có liên hệ mật thiết với Đài Loan, trách nhiệm của Hoa Kỳ tới đâu? Hoa Kỳ phải làm gì để kiềm chế Đài Loan trong bối cảnh vô cùng phức tạp và ngày càng trở nên nguy hiểm ở Biển Đông? Rõ ràng Hòa Kỳ phải quyết tâm trong vấn đề này. Chỉ Hoa Kỳ mới đủ sức ép để ngăn chặn Đài Loan gây thêm những biến động không lường trước được ở Biển Đông. Mục tiêu chính của Hoa Kỳ và cũng là mong đợi của thế giới là “hòa bình và ổn định” cho khu vực. Nếu Đài Loan phớt lờ khuyến cáo của Hoa Kỳ và động thủ thì kẻ hưởng lợi là Hoa Lục, kẻ thiệt thòi là Phi Luật Tân và Việt Nam. Phi Luật Tân chắc chắn sẽ chống trả. Còn Việt Nam có liên kết với Phi Luật Tân để cùng chống trả Đài Loan? Và khi đó liệu Hoa Lục có lợi dụng cơ hội để tiến chiếm luôn phần còn lại của Quần Đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam? Nếu vậy, chắc chắn cuộc chiến sẽ nổ lớn ở Biển Đông.

2) Nói về giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan, tính đến 21/12/2010 Đài Loan dẫn đầu trong tổng số 92 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với 2146 dự án (số liệu lũy kế), tổng vốn đầu tư lên đến gần 23 tỉ USD. Năm 2010 có 95 dự án đầu tư mới với tổng số vốn 1.2 tỉ USD và trong 5 tháng đầu năm 2011 là 19 dự án với tổng số vốn 171.7 triệu USD. ( Internet) Nếu một cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Đài Loan xảy ra ở Biển Đông, chắc chắc quan hệ thương mại gãy đổ và gây tổn thương cho cả hai nước, chưa kể bộ mặt của Đài Loan sẽ xấu đi đối với các quốc gia Đông Nam Á. Không biết Đài Loan, dám hy sinh quyền lợi trước mắt vì lợi ích lâu dài của dân tộc?

3) Cuộc liên kết giữa Đài Loan và Hoa Lục đầy thủ đoạn ngày hôm nay khiến chúng ta nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn của Trung Hoa: Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà nọ, sau khi người cha chết đi đã để lại một gia tài kếch xù. Vì không di chúc cho nên hai anh em tranh giành nhau. Ai cũng bảo gia tài thuộc về mình. Bọn cướp thấy hai anh em cãi nhau như vậy bèn kéo đến. Người em vì căm thù người anh cho nên nói rằng thà để ăn cướp lấy còn hơn để cho thằng anh bất nhân ăn cả. Còn người anh cũng nghĩ rằng thà cho bọn cướp ăn còn hơn để cho thằng em hỗn láo. Thế là gia tài kếch xù kia không ai bảo vệ cho nên bọn cướp ung dung cuỗm đi. Sau khi bọn cướp đi rồi, hai anh em thấy mình tay trắng, rầu rĩ nhìn nhau. Một ông già đi ngang qua hỏi chuyện gì vậy? Hai anh em thành thực thưa lại mọi chuyện. Nghe xong ông già tức giận nói: “Chúng mày ngu quá! Tại sao chúng mày không đoàn kết chống bọn cướp? Đuổi được bọn cướp đi rồi chúng mày có quay sang giết nhau cũng được. Lúc đó gia tài dù thuộc thằng nào thì cũng là dòng họ, cũng là anh em. Nay cướp lấy rồi làm sao đòi được nữa?” Có thể người Tàu - mà chúng ta thường gọi họ là “Tàu phù”, “Hán chệt” v.v.. và phê phán họ đủ điều thì lại làm đúng như lời ông già. Tức là - dù thù nhau đến tận xương tận tủy, nhưng khi có ngoại thù thì tạm dẹp nội thù, đoàn kết chống giặc trước đã. Bằng cớ là khi Nhật xâm lăng Trung Hoa (1937-1945), Quốc (Tưởng Giới Thạch) đã liên minh với Cộng (Mao Trạch Đông) để chống Nhật. Đuổi được Nhật rồi họ mới quay sang giết nhau. Ngày nay, Đài Loan và Hoa Lục dù là kẻ thù - nhưng trước quyền lợi lâu dài của tổ quốc, họ đoàn kết lại để giành giựt đất đai ở Biển Đông cho con cháu họ sau này. Hậu duệ Mã Anh Cửu và Hồ Cẩm Đào đã theo đúng lời khuyên của tổ tiên là ông già quê mùa năm xưa… làm thế giới đau đầu.

Vừa qua, vào ngày 14/01/2012 Ô. Mã Anh Cửu tái đắc cử tổng thống Đài Loan trước sự vui mừng của Ô. Obama và Ô. Hồ Cẩm Đào vì ông Mã Anh Cửu theo chủ trương mới của Quốc Dân Đảng Trung Hoa là hòa hoãn, hợp tác trong tinh thần anh em một nhà với Hoa Lục chứ không đòi độc lập hoặc “Quang Phục Lục Địa” như thời Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc. Vậy thì chuyện Hoa Lục và Đài Loan hợp tác với nhau trong tranh chấp Biển Đông là chuyện đương nhiên. Để bổ túc thêm tinh thần đoàn kết của người Tàu chúng ta nhớ lại một câu đối khá hắc búa trước đây của làng văn Việt Nam mà chưa thấy ai đối lại: “Vợ cả vợ hai đều là vợ cả.” Nay thì chúng ta có thể đối “Mèo nhớn mèo con đều là mèo cả”. Theo tinh thần đó thì “Hoa Lục hay Đài Loan đều là Tàu cả”. Thế mới biết người Tàu nghĩ xa và thâm hiểm thật!

Đào Văn Bình

20 January 2012

Tết ngậm ngùi


Dạo:
Xuân sang thiếu cánh mai vàng,
Xanh xao mắt trọ, mênh mang giấc sầu.

Mơ Một Cành Mai

Đèn mờ như ảo giác,
Nhếch nhác vách tường câm,
Khu dưỡng lão tối sầm,
Già âm thầm ngóng Tết.

Bao năm dài đợi chết,
Sống cách biệt người thân,
Ao ước được một lần,
Đầu Xuân nhìn mai nở.

Con từ lâu đã hứa,
Dù cách trở đường xa,
Sẽ mang đến tặng cha,
Cành hoa hằng mong mỏi.

Ngày ngày không dám hỏi,
Vẫn gắng gỏi trông chờ,
Đêm đến lại thẫn thờ,
Mắt khờ căng giọt tủi.

Thân khuya giờ thui thủi,
Biết tàn lụi giấc mơ.
Nhưng giây phút không ngờ,
Pháo giao thừa chợt vẳng.

Mở choàng đôi mắt trắng,
Hồn tím lặng ngỡ ngàng:
Chiếc bình cũ trên bàn,
Mai vàng ai đã cắm!

Nhìn màu hoa rực thắm,
Môi ướt đẫm quên lời.
Nỗi đau đớn một đời,
Dần vơi theo tiếng nấc.

Thầm trách mình say giấc,
Lỡ mất dịp gặp con,
Chốn ngàn dặm nước non,
Đến giữ tròn câu hứa.

Run run lần chỗ dựa,
Lẩy bẩy ngửa vòng tay,
Ôm cứng lấy bình mai,
Cửa tuyền đài vụt hé.
*
**
Nhá nhem căn phòng bé,
Tia nắng lẻ đầu Xuân,
Lúng túng chậm thay dần,
Ánh đèn sân mới tắt.

Xác người già lạnh ngắt,
Nằm co quắp giữa phòng,
Tay siết chặt vào lòng,
Chiếc bình bông trống rỗng.

Trần Văn Lương
Cali, 1/2012

19 January 2012

Cần một lời Xin Lỗi

OAN KHUẤT MẬU THÂN

Biến cố Tết Mậu Thân 1968 là một quá khứ đã 44 năm nhưng ảnh hưởng và tác động tâm lý vẫn còn kéo dài đến hiện tại và thế hệ tương lai đối với con người và lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt đối với Huế – một mảnh quê hương vốn gánh chịu triền miên những tai trời ách nước từ buổi đầu tiến về Nam dựng nước – thì biến cố chiến tranh Mậu Thân không dừng lại ở sự kiện quân sự hay chính trị thuần túy vì trong cuộc chiến Mậu Thân đã xẩy ra cuộc tàn sát Mậu Thân. Cuộc tàn sát ấy đã được (hay bị) nhìn và lý giải dưới nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, Ta cũng như Tây, nhưng cho đến hôm nay vẫn còn là nỗi oan khuất. Khi “sự cố đã thành cố sự”, chứng tích lịch sử đã trả về cho sự phán xét công bằng của lịch sử như Lò Giết Người Holocaust của Đức, Ngục Tù Lao Động Tàn Sát Gulag của Nga, Trại Tập Trung Internment Camps của Mỹ… thì một khi biến cố kinh hoàng ấy đi qua, thế hệ kế thừa quyền lực lãnh đạo quốc gia đời sau chỉ còn cách hành xử tương đối nhân bản – như lối hành xử mà hầu hết giới lãnh đạo của các nước văn minh trên thế giới đã làm – là nhân vật hay thế lực lãnh đạo quốc gia đương quyền cần lên tiếng Chính Thức Xin Lỗi (Official Apology) để hóa giải oan khiên và giảm thiểu hận thù.

Nếm trải cá nhân Tết Mậu Thân 1968.

Chiều ngày Mồng Một Tết Nguyên Đán năm Mậu Thân, sau gần trọn ngày đầu năm đi lễ đình, lễ chùa, lễ nhà thờ họ, lễ chi phái nuốm, nhánh và thăm viếng chúc Tết bà con ở làng Liễu Cốc Hạ, tôi đi xe Honda lên Huế một mình. Là một thanh niên 22 tuổi, đang theo học ở trường đại học Sư phạm Huế, tôi tập tễnh làm theo nếp cũ của đất lề quê thói: “Mồng Một ăn Tết nhà cha, mồng Hai nhà vợ, mồng Ba nhà thầy.” Tôi chưa có vợ nhưng đã có “bồ”. Một gã con trai có chút xíu hứa hẹn tương lai, xuất thân từ làng quê, hiền khô đất ruộng như tôi mà có “bồ” là cô học trò xinh xinh ở Huế thì bóng dáng… nhà vợ cũng loanh quanh đâu đó, trước ngõ sau hè.

Cười tí tỉnh đón xuân Con Rồng

TÌNH GIÀ ( Rô-man-tịt)

Tối kia, một cặp vợ chồng có tuổi đang nằm trên giường. Ông chồng rơi vào giấc ngủ nhưng người vợ cảm thấy tình cảm dâng trong lòng và muốn nói chuyện.

Bà vợ nói:
-  Anh thường cầm tay em khi chúng ta yêu nhau.

Một cách mệt mỏi, ông vươn ngang tay, cầm tay bà trong một giây, sau đó cố quay lại dỗ giấc ngủ.

Một lát sau bà nói:
- Sau đó anh thường hôn em.

Hơi bực dọc, ông vươn người qua, hôn vội một cái trên má và nằm xuống ngủ.
Ba mươi giây sau, bà nói:
-  Sau đó anh thường cắn cổ em.

Điên tiết, ông tung chăn và nhảy ra khỏi giường.
- Anh đi đâu vậy?- Bà hỏi.

Ông quay lại và quát lên:
-  Lấy hàm răng chứ đi đâu!

(NCKN)

18 January 2012

Giữa nỗi khổ vẫn có niềm vui với người có tâm hồn

XUÂN TRÊN NÚI HOÀNG LIÊN

Những mùa xuân tù đày trên đất Bắc

Đầu Đông năm 76, hai ngàn tù nhân bị cộng sản tập trung từ Miền Nam lênh đênh trên chiếc tàu Hồng Hà trên đường ra Bắc. Đổ bộ lên Bãi Cháy, Hải Phòng.Đoàn tù chia thành hai nhóm. Một hướng về Cao Bằng - Lạng Sơn tiến phát. Một quẹo trái thẳng về Hoàng Liên Sơn. Sau một ngày và gần một đêm rong ruổi, đoàn tù nhóm tôi đặt chân xuống "Trại Cải Tạo Trung Ương Số 1", Lào Cai lúc 3 giờ sáng. Đường vào các phòng giam chật hẹp, đèn đóm lập lòe, chốc chốc hiện ra khung cửa hẹp, trông giống hệt cảnh Địa ngục A Tỳ, vẽ trên vách các ngôi chùa cổ Miền Nam.

Mùa Đông năm đó thời tiết thật là khắc nghiệt, đó là lời của bọn cai tù nhận định như vậy. Ban ngày còn được 5-7 độ C, ban đêm dưới 0 độ. Đội 11 chúng tôi khi đó chưa được phân công chẻ tăm mành xuất cảng nên được xua đi, xa cách trại 5-3 cây số, cuốc đất trồng mì (sắn). Theo "kỹ thuật thâm canh tăng vụ xã nghĩa hiện đại" thì ... hốc mì phải vuông vức 4 tấc, sâu 3 tấc, rồi bỏ phân xanh xuống, tức là quơ lá cây rừng bỏ xuống đầy hốc, lấp đất lại, ủ năm ba bữa mới bỏ hom mì xuống. Trong Nam, chỉ cần cuốc một cuốc, bỏ hom mì xuống, lấy chân gạt đất lắp lại là xong. Còn ở đây, đồi núi toàn sỏi đá, không làm như trên thì hom mì không làm sao bắt rễ nổi. Cho nên phải làm như vậy chớ chẳng phải kỹ thuật xã nghĩa cái mụ nội gì! Đội 11 triển khai đội hình, tức là dàn hàng một vòng quanh ngọn đồi trọc, vì trước đó tù hình sự đã phát xong lùm bụi rồi, bắt đầu cuốc dần lên đỉnh. Sức tôi lúc đó cầm cuốc còn không vững, lại thêm trời lạnh như cắt, tay chưn run lập cập, dẫu cho có dùng hết "tinh thần cách miệng tiến công", ra sức cố cù lừ cuốc xuống thì chỉ thấy sỏi đá văng tứ tung mà lưỡi cuốc không ăn xuống được bao nhiêu! Tên cai tù trẻ nhìn tôi, lắc đầu ngán ngẩm, bèn bảo tôi chạy đi gom chà, đốt một đống lửa to cho nó ngồi sưởi ấm.

Nghỉ giữa buổi, chúng cho phép anh em xúm quanh đống lửa, sưởi ấm một lúc. Nhìn anh em mặt mày tái xanh, tái xám, ngồi ủ rủ giống như một lũ u hồn, oan khuất. Lại thêm gió giật từng cơn, đã lạnh càng thêm giá buốt, tôi cám cảnh sanh tình, đặt tên cho ngọn đồi đó là "Đỉnh Gió Hú" cho nó văn chương, thơ mộng.

17 January 2012

Ngày xuân

Đọc  truyện cổ tích Phạm Duy Khiêm

Trọng Đạt

Xin giới thiệu quí độc giả vài truyện cổ tích xa xưa trong tập truyện ngắn nổi tiếng Légendes des Terres Sereines của Phạm Duy Khiêm viết bằng tiếng Pháp năm 1941.

Phạm Duy Khiêm sinh năm 1908 tại Sài Gòn, mất năm 1974 tại Pháp. Là con nhà văn Phạm duy Tốn, ông cũng trở thành nhà văn nổi tiếng viết bằng tiếng Pháp trong giới người cũ chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp.  
Sau khi xong tú tài tại Việt Nam ông sang Pháp du học, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm và Thạc Sĩ về văn phạm năm 1935.

Tác phẩm chính

- Việt Nam Văn Phạm soạn chung với Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ năm 1941.

- De Hanoi à la Courtine, tự truyện, năm 1941. Năm 1958 in lại đổi tên là La Place d'un Homme, Plon, Paris

- Légendes des Terres Sereines, Paris: Mercure de France, 1942

- La Jeunes Femme de Nam Xuong, truyện dài 1944.

- Nam et Sylvie, truyện dài Plon, Paris, 1957.

Légendes des Terres Sereines, Huyền Thoại Miền Đất Thanh Bình là tập truyện cổ tích gồm 30 huyền thoại, giai thoại đời xưa, đoạt giải thưởng Văn chương Đông Dương 1943, được đón nhận nồng nhiệt. Năm 2009 được Harry Aveling dịch ra tiếng Anh (Legends from Serene Lands: Classical Vietnamese Stories by Pham Duy Khiem, translated from the French by Harry Aveling, Prestige, New Delhi, nd, ca 2009).

Viết tập truyện này, Phạm Duy Khiêm muốn giới thiệu những giá trị tinh thần của người Việt Nam với Tây phương, tác phẩm cho thấy Phạm Duy Khiêm rất am tường về phong tục và văn hóa cổ nước nhà, văn chương của ông bay bướm và sâu sắc.

Những truyện cổ dân gian đơn sơ giản dị đã được cây bút tuyệt vời của Phạm Duy Khiêm biến thành những áng văn chương tuyệt tác để đời.

Tôi lựa bốn đề tài được nhiều người ưa chuộng: Khối Tình Trương Chi, Hòn Vọng Phu, Mỵ Châu Hay Chiếc Nỏ Thần, Truyện Trầu Cau và dịch theo nguyên bản tiếng Pháp do nhà Editions Philippe Picquier tái bản năm 2003.


Khối Tình Trương Chi

Ngày Xưa có anh Trương Chi, Người thì thậm xấu hát thì thậm hay.

Ngày xửa ngày xưa đã lâu lắm rồi, một tiểu thư con quan thượng thư yêu kiều diễm lệ sống cấm cung trên lầu son gác tía. Tiểu thư thường tựa cửa đọc sách, thêu thùa, đôi khi nàng đưa mắt nhìn xuống con sông lững lờ trôi bên dưới rồi thả hồn mơ mộng trông theo dòng nước uốn mình khuất vào đồng ruộng xa xăm.

Có lúc tiểu thư liếc nhìn chiếc thuyền đánh cá cỏn con. Anh thuyền chài nghèo hay hát. Từ xa nàng không thấy mặt mũi, cử chỉ anh ta nhưng tiếng hát vọng tới tai nàng, giọng hát hay, bài ca não nuột. Không ai biết bài ca, tiếng hát của anh có gợi lại trong lòng cô nàng cảm xúc, mơ mộng gì không nhưng hôm nào vắng bóng chàng bên dưới dòng sông thì lạ thay, nàng lại ngóng chờ anh cho tới tận chiều.

Tiểu thư mỏi mòn trông chờ anh thuyền chài hết ngày này sang ngày khác cũng chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Nàng ngả bệnh, các thầy lang không tìm được nguyên nhân nào đã khiến tiểu thư đau yếu, song thân lo lắng, thế rồi tự nhiên nàng hết bệnh: Tiếng hát trở lại dưới sông.

Nghe người hầu trình lên sự việc, quan lớn bèn cho gọi người thuyền chài tới gặp tiểu thư. Vừa thấy mặt anh, nàng như tỉnh cơn mê, không còn muốn nghe tiếng hát.

Thơ Luân Tâm


CÒ CON GÁNH TẾT
THƯƠNG ĐAU

Người ơi...
Dư cơm thừa áo quê người
Tự do ăn học đổi đời gió sương
Nhớ câu vọng cổ lệ tuôn
Hai mùa mưa nắng ễnh ương qua cầu

Xuân không áo mới cô dâu
Xuân không nhang khói hồn đau ngậm cười
Xuân không thịt mỡ kiến ruồi
Xuân không quê mẹ ngược xuôi chèo xuồng

Cò con gánh Tết đau thương
Âm thầm lủi thủi ao buồn ngăn sông
Bóng tép riu tăm cua còng
Trên đe dưới búa ròng ròng chết khô

Ngục tù oan ức đội mồ
Oan hồn đói lạnh đợi chờ trả vay
Anh hùng tử sĩ trắng tay
Bể đông sóng dậy ăn mày rước voi

Đạn bom im tiếng lâu rồi
Vì sao vận nước nổi trôi nhục nhằn
Kẻ giàu nứt trứng tham quan
Được vua thua giặc ác gian chín từng

Người nghèo buôn thúng bán bưng
Bán trôn nuôi miệng muối gừng đắng cay
Xuân khóc mướn Tết thương vay
Vịt gà trả nợ kéo cày thay trâu

Miền Tây vựa lúa trời trao
Tiền rừng bạc bể vì sao đói nghèo
Bán con đợ vợ cạn tàu
Nhà tan cửa nát chiêm bao kinh hoàng

Tàn đêm huyết lệ xe tang
Tàn năm ray rứt thở than vô thường
Địa linh nhân kiệt đoạn trường
Ngựa xe áo mão hề tuồng mặt mo

Tết mây Tết khói Tết tro
Tết đất Tết nước Tết đo Tết đòi
Táo gian kiệt sức hụt hơi
Trường giang đại hải kiếm lời láo liên

Cõi yêu cõi quỷ cõi tiên
Cõi đau cõi khổ cõi điên cõi khùng
Dư khói nhang thiếu tình chung
Vì sao lệ đá đông xuân ngập đồng

Lúa non nước lụt trôi sông
Trắng tay trắng mộng bụi hồng chìm châu
Cầu trời thấp xin đất cao
Qua xuân tạm bợ mai đào hoa tiên

Lễ chùa cúng miễu cầu yên
Hát đình đưa đám còn nguyên tình người
Tết vui khóc Tết buồn cười...
Người ơi...

MD.01/20/12
(Tức 20 tháng Chạp Tân Mão)
LuânTâm


16 January 2012

Tếng Việt hay thật!


Chẳng lẽ bó tay?

Xin giới thiệu một bài phân tách có những lý lẽ rất thuyết phục...

"Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn"
(Lời: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)
*
Bài có nguồn gốc từ Hoàng Sa.Org Forum
**

Đây là bài đầu tiên tôi viết trong diễn đàn này.

Khỏi mất thời gian của quý vị, xin nói mấy lời chân tình.

Quý vị có biết vụ tẩy trứng gà Tàu thành trứng gà ta không? Quý vị có suy nghĩ như thế nào?

Nếu hỏi quý vị một câu rằng nếu quý vị là một người dân thuộc làng Đông Ngàn, quý vị có tham gia vào cái việc tẩy trứng rồi đem đầu độc lại đồng bào của các vị không, thì chắc 100% quý vị ở đây trả lời là không !

Nhưng kỳ thực là quý vị đang làm những việc tệ hại hơn nhiều so với việc ấy.

Quý vị có bao giờ thấy người dân các nước "tư bản thối nát" "theo đuôi Mỹ" như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc người ta làm những cái trò đồi bại như tẩy trứng bằng axit, trộn melamin vào sữa, bơm hoá chất vào rau quả, quết mật ong giả vào chân gà thối.... để đem đầu độc chính giòng giống của họ không? Tuyệt nhiên là không.

Những vị nào đọc đến đây mà bảo tôi là "rân chủ", "ăn phải bả của tư bản", thì mời quý vị khỏi đọc nữa, đỡ mất thời gian của quý vị.

Quý vị có bao giờ nói hàng Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn, Thái là rởm, là đểu, là lừa đảo, là chạy theo đồng tiền... không? Hay là quý vị lùng sục mua bằng được những món đồ sản xuất ở những nước "tư bản thối nát" ấy với giá đắt gấp đôi gấp ba so với hàng của Trung Quốc?

Quý vị có thể không tẩm chất độc vào trứng, vào rau như những người nông dân kém hiểu biết, nhưng quý vị lại tẩm chất độc vào đầu óc của những con người chung quanh quý vị bằng những lời dối trá, hối lộ, chạy chọt để được vinh thân phì gia. Dần dần, mọi người trong xã hội đều chạy theo quý vị với một suy nghĩ cực kỳ lệch lạc rằng "mình không làm ắt sẽ có người khác làm".

15 January 2012

Những tai nạn hàng hải và hàng không trước Tết Nguyên Đán

Du thuyền bị đá ngầm
Du thuyền Costa Concordia bị chìm gần đảo Tuscan Ý Đại Lợi. Một số hành khách thiệt mạng. Thuyền trưởng nhận đã có lầm lỗi.


Tai nạn không gian:
Phi thuyền Phobus Ground thăm dò của Nga dự tính đổ bộ Sao Hỏa nhưng bị trục trặc sau khi phóng đã không ra khỏi được quỹ đạo Trái Đất. Phi thuyền đã rơi ngược về bốc cháy khi chui vào khí quyển, Các mảnh vụn rơi xuống Thái Bình Dương ngoài khơi Chile. Hình do một họa sĩ minh họa.


Tầu đánh cá Nam Hàn bốc cháy
Chiếc tầu đánh cá bị phát hỏa gần căn cứ tiếp liệu McMurdo của Hoa Kỳ ở Nam Cực. Nếu không được các tầu bạn cứu, thiệt hại đã cao hơn nhiều.


Tầu chở hàng đụng đá ngầm
Tàu chở hàng Rena đụng đá ngầm trong cơn bão lớn ngoài khơi Tân Tây Lan. Tầu bị bể đôi, Phần đầu đứng vũng. Nửa đưôi bị sóng đánh trôi xa và bị lật nghiêng.



Vị trí tàu Rena cưỡi lên giải đá ngầm Astrolabe