28 December 2011

Paris có gì lạ không ai.....

Cách nay ít lâu, có lẽ thấy tôi «lặn» hơi kỹ, ông bạn hoạ sĩ bèn khều tôi một phát trên TTR bằng cách gởi tặng bài hát « Paris Có Gì Lạ Không Em » của Ngô Thuỵ Miên do Ngọc Hạ trình bày. Xin cám ơn muộn hoạ sĩ. Xin nói qua về cô ca sĩ với bản nhạc nầy.

Cách nay khoảng 7, 8 năm, khi cô ca sĩ nầy mới được trình làng trên sân khấu Thuý Nga Paris By Night, tôi thích giọng hát của cô qua bản « Mái Đình Làng Biển ». Lúc đó cô có một giọng kim khá lạ và tự nhiên, đặc biệt là lúc lên cao cô giữ được hơi, không bị bễ như một vài ca sĩ khác. Đến nay cô đã khá thành danh. Trong khi trình bày bản «Paris CGLKE» nầy, cô làm dáng và làm điệu hơi quá, thiếu tự nhiên. Tôi vốn không thích những ca sĩ cả nam lẫn nữ, lúc hát có dáng dấp và lối diễn tả kiểu cách . Thêm vào đó chiếc áo dài cô mặc cho bài hát nầy, thay vì diễn tả nét sang trọng của thời trang Paris như người tạo mẫu chiếc áo và cô ca sĩ muốn, tôi thấy nó hơi luộm thuộm và hơi «quê». Cảm giác khó chịu, vì phong cách diễn tả của ca sĩ cùng với chiếc áo dài không hợp, làm cho người nghe tiếc cho cái hồn của bản nhạc không đọng lại được trong lòng mình. Dù sao, tình của người tặng bản nhạc vẫn đẹp, nguyên vẹn.

Chuyện hội họa

Trước khi đưa bức tranh Yếm Thu lên TTR, hoạ sĩ có cho tôi xem chung với mấy vị trong «bang», với lời phụ đề: bức tranh bị sượng vì hoạ sĩ đang bị cơn đau răng hành hạ. Lúc đầu tôi đã có ý viết vài câu cảm tưởng, sau lại thôi. Tôi thích cách diễn tả mùa thu trong bức tranh của hoạ sĩ qua ba màu vàng cam, màu đỏ và màu tím. Nhứt là màu tím của chiếc yếm thiếu nữ mặc làm cho bức tranh sáng và rất nổi. Có điều tôi không hiểu, do tranh chụp lại và đưa qua internet nên bị biến đổi, hoặc do hoạ sĩ đã thực hiện như vậy, mà chân tóc ở trán của thiếu nữ hơi lạ, tôi muốn nói là nó có vẻ biến dạng, lệch và khô, khiến người xem nghĩ tới tóc của người bịnh lâu ngày mới khỏi. Theo cảm nghĩ của tôi, nếu nói bức tranh hơi sượng, có lẽ do ở chỗ nầy.

Sau khi đưa bức tranh Tuổi Ngọc lên TTR, hoạ sĩ có gởi riêng cho tôi với lời ghi chú «mình thương cô bé nầy ghê». Lại thêm một kỷ niệm ngày nào của hoạ sĩ ? Cái mới mẻ của bức tranh nầy dưới mắt tôi là, dù hoạ sĩ cho biết là vẽ bằng sơn dầu, thoạt nhìn tôi có cảm tưởng tranh được vẽ bằng phấn tiên (pastel), nhứt là chỗ cái phông gồm hai màu vàng cam lợt và màu xanh lục. Hai màu nầy hợp với màu trắng của chiếc băng vải giữ tóc, và chiếc áo bó vừa sát thân người mới bắt đầu căng tròn của em gái đang vào tuổi dậy thì, gây được cho người xem cảm giác đang nhìn một em gái ngây thơ, hồn nhiên. Người xem tranh Tuổi Ngọc thấy thích hơn nếu đôi mắt của em gái thay vì hạ xuống, hướng lên một chút với tia nhìn nhí nhảnh hay một chút nghịch ngợm, và đôi môi thay vì hơi se lại, thoáng mở trong niềm vui của tuổi trẻ. Nhưng phải theo cảm hứng và tâm tình của hoạ sĩ thôi.

Trong tháng 11 vừa qua tôi có đi thăm phòng triển lãm tranh ở Paris của hoạ sĩ người Na Uy, Edvard Munch ( 1863-1944 ) – tên của ông có lẽ viết theo tiếng Na Uy nên viết với chư cái V chứ không phải W—E.Munch được xem cùng với Vincent Van Gogh ( 1853-1890 ), người Hoà Lan là những hoạ sĩ mở đường cho phái Biểu Hiện (xin dùng để tạm dịch chữ Expressionnisme) sẽ ra đời và thịnh hành ở Đức gần ba thập niên đầu của thế kỷ 20. Ở Pháp, phái Fauvisme (tôi chưa tìm được chữ tiếng Việt để tạm dịch, gợi được ý nghĩa của phái nầy – tôi thấy có người dịch là phái Dã Thú, dịch như vậy là dịch theo từ ngữ, chứ không diễn tả được ý nghĩa về chủ trương của phái nầy) có gần như cùng chủ trương và phong cách diễn tả của phái Biểu Hiện. Chỗ nầy xin được múa rìu qua mắt ... hoạ sĩ một chút. Phái Ấn Tượng (Impressionnisme), thịnh hành trong hai thập niên chót của thế kỷ 19 ở Pháp, cảm nhận một cách tinh tế màu sắc biến chuyển theo ánh sáng, làm biến đổi cảnh vật, đồng thời diễn tả tình cảm của hoạ sĩ ; chẳng hạn Claude Monet vẽ 5,6 bức về nhà thờ Chánh Toà Rouen vào những lúc khác nhau. Phái Biểu Hiện không chú ý diễn tả trung thực đường nét và hình dáng của đối tượng, có khi còn làm biến dạng thành méo mó, mà chú trọng việc dùng màu sắc, phần nhiều là những màu không có thực để biểu hiện một tình cảm hay một xúc động có tính cách bùng vỡ, mạnh mẽ.

Xin trở lại với phòng triển lãm tranh của hoạ sĩ E.Munch. Ngoài hội hoạ, ông cũng sử dụng nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhắc đến E.Munch, người ta thường nhắc tới bức tranh nổi tiếng Le Cri (Tiếng Thét) của ông, vẽ năm 1893, diễn tả một hình người đang đứng trên chiếc cầu cạnh bờ biển, hai tay ôm mặt ở hai bên thái dương, gương mặt méo mó, mắt trợn trừng, miệng mở to như đang thét lên, sợ hải, ở đầu kia của chiếc cầu, có hai người đang đi xa dần, bên cạnh chiếc cầu, sóng biển cuộn dâng lên, với một nền trời đỏ bầm. Nhưng trong số gần 100 bức tranh của ông được trưng bày ở phòng tranh Paris hôm đó, tiếc là không có bức tranh Tiếng Thét vừa kể, có lẽ vì không mượn được của Viện Bảo Tàng Munch ở Oslo. E.Munch có sang Pháp mấy lần, có tìm hiểu về phái Ấn Tượng. Trong phòng tranh, tôi thấy có một bức có nét hao hao giống tranh Ấn Tượng. Nhưng thực tình tôi không thấy thích phong cách tranh của Munch. Ông dùng nhiều màu tối, diễn tả nổi lo âu, kinh sợ, khắc khoải, tạo cho tranh của ông cái vẻ ray rứt, thê lương.

Nhắc đến chữ nghĩa, xin trở lại với hai chữ «phản hồi» mà Blog Trưởng có biện hộ cho cách dùng nó cách đây không lâu trên TTR. Theo tôi, chữ phản hồi vừa cầu kỳ vừa không rõ nghĩa. Nhớ trước kia trên DĐ/ĐS14 có lần tôi sửa lưng Hùng khi Hùng dùng hai chữ «thời điểm» để chỉ một quãng thời gian dài. Tôi đã phân tich: điểm, tiếng Hán Việt chỉ một dấu chấm. Vậy thời điểm phải dùng để chỉ một thời gian rất ngắn ngủi, một lúc chính xác nào đó. Trong ý nghĩ đó, để nói về một khoảng thời gian ngắn, chúng ta đã có cách nói: vào đúng lúc đó, chính lúc đó, còn để nhắc đến một quãng thời gian dài, có cách nó : trong khoảng thời gian đó, vào thời kỳ, vào giai đoạn đó , ý nghĩa về thời gian muốn diễn tả rất rõ ràng, chính xác. Còn chữ thời điểm, tuy có vẻ «kêu» cho những người sính dùng chữ Hán Việt, nhưng mơ hồ, không xác định được thời gian muốn diễn tả. Vì vậy tôi cho rằng nhiều người dùng chữ thời điểm như một thứ thời trang chữ nghĩa, cũng như những chữ: chất lượng, kịch bản, hoành tráng, bức xúc ... ráng đưa vào câu viết cho nó kêu, chứ thực ra không đúng, hoặc không hợp với văn mạch hoặc không rõ nghĩa.

Về hai chữ phản hồi, là hai chữ Hán Việt, phản có nghĩa là chống lại, ngược lại, trả lại, như trong nghĩa của những chữ: phản đối, phản bội, phản gián, phản pháo, phản nghịch, phản cung ... , hồi là trở về, trở lại. Chữ phản cũng có nghĩa là trở về, như trong Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, hai chữ phản hồi có nghĩa là trở về. Chúng ta đã có cách nói rất gọn và rõ nghĩa: phần trả lời, góp ý, thảo luận. Tôi cho rằng dùng hai chữ phản hồi để nói cái ý đáp lại, trả lời, tuy mới, kêu, có tính cách thời thượng, nhưng không làm giàu gì cho tiếng Việt, trái lại còn làm cho tối nghĩa vì tạo và dùng chữ Hán Việt không đúng.

Paris có gì lạ không em? Thưa có, nhiều lắm. Nhưng chỉ xin kể một chuyện thành hai.

Câu chuyện yếu lòng

Báo chí và giới truyền thông Pháp từ lâu vẫn gọi Ông Dominique Strauss-Kaln tắt là DSK – cựu Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI. Câu chuyện tuy xảy ra ở thành phố New York, Hoa Kỳ, nhưng có liên quan tới Paris, vì ông DSK là một người Pháp. DSK, 62 tuổi, là chính khách thuộc đảng Xã Hội Pháp, từng giữ chức Bộ Trưởng liên quan đến kinh tế, tài chánh vào những năm 1991-1993 và 1997-1999 và được chọn làm Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế từ tháng 11-2007. Ông là một người được dư luận Pháp coi là sáng giá, nếu ra tranh cử Tổng Thống Pháp vào tháng 5.2012, sẽ đánh bại được ông Sarkozy, Tổng Thống đương nhiệm. Nhiều người thân cận đều tin là DSK sẽ từ chức TGĐ/FMI trở về Pháp chuẩn bị ra tranh cử Tổng Thống với danh nghĩa đảng Xã Hội.

Nhiều người đang chuẩn bị và chờ ông thì đột nhiên một biến cố lớn xảy ra cho ông. Vào lúc 4:30 pm ngày 14.5.2011 tại phi trường J F Kennedy, New York, ngay trước lúc chiếc máy bay Air France cất cánh bay về Paris, DSK bị cảnh sát Hoa Kỳ lên máy bay bắt ông và đưa về cơ quan cảnh sát. Lý do là một phụ nữ da đen tên Nafissatou Diallo, 32 tuổi, người gốc xứ Guinée, Phi Châu, nhân viên dọn phòng ở khách sạn Sofitel, NY báo với cảnh sát là trưa hôm đó bà bị DSK cưỡng hiếp trong phòng của ông. Hai tờ báo lớn New York Times và New York Post đưa lên trang nhứt những tin tức có tính cách cáo buộc DSK. Ông biện lý Cyrus Vance Jr. Cũng có những lời lẽ nặng nề đối với DSK.

Ngày thứ hai 16.5, DSK bị giải ra trước tòa án quận hạt Manhattan NY. Mặc dù luật sư của ông DSK xin đóng tiền ký quỹ một triệu đô la, xin giao hộ chiếu, để xin cho ông được tại ngoại hầu tra, nhưng bà chánh án M.C. Jackson từ chối, cho biết DSK bị cáo buộc về 7 tội danh và cho lệnh tạm giam DSK ở nhà tù Rikers Island NY. Công luận Pháp xúc động trước cảnh ông DSK bị còng tay với bộ mặt phờ phạc, râu lởm chởm, trước công chúng và ống kính của các ký giả Mỹ, và cho rằng luật pháp Hoa Kỳ không tôn trọng quyền được coi là vô tội của một người mới chỉ bị nghi ngờ phạm tội, nhưng chưa có án xử.

Ngày 18.5, đại bồi thẩm đoàn gồm 23 người họp kín để nghe nguyên cáo N. Diallo kể lại nội vụ. Cũng hôm nay, ông DSK gởi thư xin từ chức TGĐ cơ quan FMI.

Ngày 19.5, DSK ra trước Toán Án Tối Cao của Liên Bang NYork, các luật sư lại xin cho ông được tại ngoại hầu tra. Ông chánh án M. Obus chấp thuận với điều kiện đương sự phải đóng số tiền thế chân một triệu đô la, cộng với số tiền ký quỹ bảo đảm 5 triệu đô la, bị chỉ định cư trú, phải mang vòng kiểm soát bằng điện tử, phải tự trả tiền thuê một nhân viên an ninh trông chừng thường trực có võ trang. DSK được đưa ra khỏi nhà tù Rikers Island ngày 20.5.

DSK trước sau đều không nhận tội cưỡng hiếp N. Diallo, chỉ nhận có sự giao hợp nhưng với sự thuận tình của nguyên cáo.

Văn phòng biện lý Cyrus Vance Jr vẫn tiếp tục cuộc điều tra. Mỗi lần DSK xuất hiện ngoài đường, những phụ nữ trong Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ, những nữ nhân viên trong công đoàn về khách sạn dàn chào và đả đảo ông ta.

Sau khi thu thập những tin tức điểu tra, báo NYTimes bắt đầu dịu giọng với DSK và đưa ra những bằng chứng bất lợi cho bà N.Diallo.

Để phản ứng, bà N.Diallo mở cuộc họp báo, chắc hẳn là theo lời cố vấn của các luật sư của mình, diễn tả lại với cử chỉ lúc mà bà cho là bị ông DSK cưỡng hiếp trong phòng số 2806, khách sạn Sofitel. Nhưng người ta thấy sự xúc động của bà có nét giả tạo, cách diễn tả của bà như đóng kịch, nên không có hiệu quả thuyết phục.

Ngày 22.8, ông biện lý C.Vance Jr gọi bà N.Diallo tới văn phòng thông báo, theo kết quả điều tra, bà đã nói láo trong những lần cung khai bất nhứt về việc tố cáo ông DSK cưỡng hiếp bà, bà đã khai gian trong lý lịch để xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ, bà có tới 6 đường dây điện thoại chứ không phải một như bà đã khai, có bằng chứng cho thấy bà là thành phần trong một đường dây buôn ma tuý. Do những lẽ đó, văn phòng biện lý của ông sẽ đề nghị toà án huỷ bỏ lệnh truy tố ông DSK.

Ngày 23.8, toà án New York triệu tập phiên họp, có mặt hai bên nguyên và bị cáo cùng luật sư của hai phía. Sau khi nghe phó biện lý trình bày kết quả điều tra, ông chánh án M.Obus đã tuyên bố chấp thuận lời yêu cầu của công tố viện, huỷ bỏ lệnh truy tố hình sự ông DSK về 7 tội danh đã báo cho ông trước đây và tha bổng ông.

Ngay sau đó luật sư của bà Diallo đưa đơn lên tòa Thượng Thẩm xin huỷ đề nghị tha DSK của biện lý, nhưng tòa Thượng Thẩm bác đơn.

Trước đó, qua những tin tức điều tra về nội vụ, luật sư của bà N.Diallo biết là vụ án về phần hình sự sẽ bị huỷ bỏ, ngày 4.8 đã đưa đơn kiện ông DSK về phần dân sự để đòi bồi thường thiệt hại. Theo luật pháp của Hoa Kỳ, một vụ án có thể đem kiện về hai phần hính sự và dân sự riêng biệt. Toà đã nhận đơn. Nhưng vụ kiện về dân sự thường kéo dài một hai năm.

Được trả tự do, ông DSK cùng bà vợ đã về Pháp ngày 4.9.

Nhưng cái nạn của ông DSK vẫn chưa dứt. Song song và cùng thời với vụ án Diallo ở Mỹ, bên Pháp cô Tristane Banon, một nữ ký giả và văn sĩ, đâm đơn kiện ông DSK ở Pháp đã toan cưỡng hiếp cô trong một buổi phỏng vấn DSK dành cho cô năm 2003. Thẩm phán đã đòi và nghe lời khai của cả hai bên và đã cho đối chất, sau đó đã tuyên bố không có bằng chứng rõ rệt về việc DSK toan cưỡng hiếp, nhưng xác nhận ông DSK có xâm phạm tình dục cô T.Banon; tuy nhiên theo luật của Pháp sự việc xảy ra đã 8 năm, tội danh nầy đã bị thời tiêu, và tuyên bố xếp hồ sơ.

Vẫn chưa hết. Theo tin tức gần đây, ông DSK bị nghi ngờ, trong thời gian một, hai năm gần đây, có dính líu vào một đường dây cung cấp gái mại dâm hạng sang ở một khách sạn ở Lille, một thành phố miền bắc nước Pháp, với tư cách của một người thụ hưởng. Nhiều người trong đó có một số giới chức công quyền đã bị bắt giữ để điều tra. Có lẽ ông DSK cũng sẽ được cảnh sát mời để lấy lời khai.

Sau vụ Diallo bên Mỹ, tuy DSK được tha bổng về phần hình sự, nhưng qua tin tức báo chi về đời sống tình dục của DSK (cũng nên biết bà vợ hiện tại của ông là người thứ ba, sau khi ông đã lần lượt ly dị với hai người vợ trước), uy tín chính trị của ông xuống rất thấp, có người còn cho là sự nghiệp chính trị của ông coi như tiêu tan. Chính DSK có lần đã tự nhận ông có một điểm yếu về phía phụ nữ.

Câu chuyện bổn phận vợ chồng

Tháng 5.2011 vừa qua, Toà Thượng Thẩm Aix-en-Provence ở miền nam nước Pháp đã xử y án của Toà Sơ Thẩm cho ly dị một cặp vợ chồng và buộc người chồng phải bồi thường thiệt hại cho người vợ 10.000 euros. Lý do là hai người đã cưới và ăn ở với nhau đã 21 năm, có hai đứa con, nhưng người chồng không mặn mòi lắm với chuyện chăn gối. Mặc cho những cố gắng hâm nóng của chị vợ, anh chồng vẫn không tha thiết, không tích cực và thú nhận lửa tình trong anh đã nguội với thời gian, vì sức khoẻ, vì công việc, vì mệt nhọc... Nhưng luật về hôn nhân lại qui định chuyện tình dục là một yếu tố quan trọng, một bổn phận để duy trì đời sống chung của vợ chồng.

Thế mới biết, trong chuyện đó, các đấng mày râu thuộc hạng tả xung hữu đột hoặc ngược lại xuội lơ đều dể mắc nạn thằng nhỏ hại thằng lớn.

NQMinh

No comments:

Post a Comment