04 December 2011

Câu Chuyện Cuối Năm

Bắc kinh dự kiến không xa như người ta nghĩ

Điền Thảo

Nếu như hiểu theo nguyên lý âm dương thì hiện tượng một thế giới phân cực là điều tự nhiên. Một thế giới phân cực có khi lại là một điều hay miễn là sự quy tụ dựa trên sự tự do và đồng thuận - hiểu một cách tương đối - và khi ấy chúng ta có ổn định và an vui. Mạng thông tin rộng lớn nhanh chóng hôm nay giúp những nước nhỏ - chính quyền và dân chúng - hiểu được những thế lực nào đang dựa vào tự do và đồng thưận, những thế lực nào còn đang mơ tạo lập một đế quốc kiểu thời Trung Cổ.

Nhiều người không ngờ năm 2011 lại là năm chứng kiến nhiều biến cố ngoạn mục. Từ việc Bắc Kinh lộ rõ ý đồ bành trướng  khiến các nước quanh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương phải lo ngại và cẩn trọng, đến việc các nhóm đối kháng vùng lên đánh đổ chế độ độc tài tại một loạt các nước Bắc Phi, rồi việc Hoa Kỳ trừ khử được đầu não nhóm khủng bố bin Laden và chuyển trọng tâm phòng ngự sang vùng Á Châu. Những sự kiện diễn biến hôm nay khiến người ta nghĩ đến sự phân cực sẽ rõ ràng hơn vào năm tới. Tuy thế đối đầu giữa Hoa Kỳ và Hoa Lục đã thành hình nhưng chặng đường đi tới kết cục là một ẩn số lớn.

Hoa Kỳ quyết liệt trở lại Á Châu là một bất ngờ. Ấn Độ có mặt tại Biển Đông tạo một bất ngờ lớn hơn. Không phải chỉ có dư luận bất ngờ mà chính Bắc Kinh cũng bị bất ngờ. Sự hung hãn của Bắc Kinh vào những ngày chót trước khi Hoa Kỳ và Ấn Độ có thái độ đột phá chắc hẳn đã phát sinh từ thái độ không hiểu mình và không hiểu địch của đám tạo chính sách ở Trung Nam Hải. Một chi tiết lý thú không nhiều người để ý là Ngoại Trưởng Hoa Lục Dương Khiết Trì không biết xử trí ra sao phải tạm rời phòng họp để điện thoại về Bắc Kinh khi ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố rằng an ninh Biển Đông là "quyền lợi quốc gia" của Mỹ *.

Cứ đem quân đánh chiếm phứa phừa  rồi ra nơi chiếm được dần dần trở thành của mình. Cái tư tưởng cổ xưa này xem ra vẫn còn đang khống chế báo chí Hoa Lục đại đa số là miệng lưỡi của Trung Nam Hải. Cuồng vọng của Bắc Kinh đã biến nó thành một kẻ bất trí. Được Mỹ hứa cung cấp thông tin không ảnh về sự chuyển quân của Liên Xô, Đặng Tử Bình đã hí hửng "dậy Việt Nam một bài học". Khi nước Mỹ chán nản không muốn dính dấp gì đến Đông Dương, năm 1974  tầu chiến Hoa Lục đánh chiếm Hoàng Sa. Vừa mở rộng lãnh hải, vừa trả thù được sự vô ơn của CSVN, Bắc Kinh vươn vai khhoái trá.

Khoái trá đến độ Bắc Kinh quên mất cả câu tiền nhân để lại "Tiểu nhân đắc chí tiếu ha ha" (Thỏa lòng tiểu nhân cười hả hê) mà không biết rằng đó là cái bẫy. Nếu không thì làm sao Mỹ đã được hoan nghênh đều khắp để trở lại Đông Nam Á hôm nay!

Nói chung dự kiến của những người hoạch định chính sách của Bắc Kinh không xa và tệ hại hơn kích động lòng tự ái dân tộc nhiều hơn là điều nghiên nghiêm chỉnh. Chỉ trong vòng nửa năm cái tinh thần thừa thắng xông lên ở Hoa Lục bỗng tan loãng một sớm một chiều. Những trí thức Hoa Lục chợt nhận ra rằng nước mình to lớn có ranh giới chung với 16 quốc gia khác, thì ngày nay đều là những nước thù địch hay may mắn hơn là những nước "khó trị". Họ than rằng tương lai Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa "điểm sáng không nhiều".**

Điểm sáng đã ít, lại càng ngày càng mất đi nổi bật nhất là Miến Điện hiện nay.

Những gì đang xẩy ra tại Miến Điện đang tạo ra những thuận lợi cho mặt trận dân chủ. Nếu thành công hiện tượng Miến Điện sẽ ảnh hưởng lớn đến những suy nghĩ trong các nước độc tài cộng sản còn lại tại Á Châu trong đó có ba nước Động Dương.

Người ta khó lòng nghĩ rằng một nước độc tài lại có thể tự chuyển biến từ thể chế cũ sang một thể chế dựa trên những nguyên tắc hoàn toàn khác biệt. Thế cho nên đây lại là một bất ngờ khác cho Bắc Kinh.

Khởi đầu là một cuộc tổng tuyển cử tự do để thiết lập một chính quyền dân cử vào tháng Mười năm ngoái. Sau đó là một loạt những hành động chính trị và ngoại giao do chính quyền dân cử thực hiện để đưa Miến Điện trở về nếp sinh hoạt dân chủ xưa kia và từ từ hội nhập trở lại với cộng đồng thế giới.

Những chuyển biến tại Miến Điện hiện nay lại diễn tiến hoàn toàn trong trật tự và "giác ngộ". Một diễn tiến như thế có hai điều lợi to lớn: Tiêu cực thì tiết kiệm được đổ máu và một thời gian loạn lạc. Tích cực thì việc chuyển quyền êm ả có nghĩa là có sự kế tục, những bí mật quốc gia được giao và nhận đồng thời tài sản quốc gia còn nguyên vẹn, không bị những kẻ manh tâm nhân nước đục thoán đoạt làm của riêng.

Kể từ ngày đám quân phiệt lật đổ chính quyền dân sự và lên nắm chính quyền vào năm 1962, Miến Điện trở thành một quốc gia từ từ bị thoái hóa về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Thế giới lên tiếng chê bai và gọi nhóm cầm quyền là Junta ngoại trừ Bắc Kinh. Junta bỏ tù những chính khách đối lập, đàn áp bắn giết dân chúng và sư sãi biểu tình.

Lịch sử khó quên khoảng 3000 người chết khi junta thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình của dân chúng và sư sãi Miến Điện xẩy ra năm 1988 và khoảng 1000 người khác bị cầm tù.

Nhưng một loạt những biến cố xẩy ra từ cuối năm 2010 đến nay đang làm thay đổi hướng đi của Miến Điện. Dưới đây là những mốc chính:

- Sau 20 năm, lần đầu tiên tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 7 tháng 10 năm 2010 và junta bị quần chúng loại bỏ.
- Ngày 13 tháng 11, 2010: Bà Aung San Suu Kyi, thủ lãnh đảng đối lập và là nhà hoạt động vì dân chủ được tự do không bị quản chế tại gia nữa.
- 30 tháng 3 năm 2011 việc chuyển quyền sang chính phủ dân cử được hoàn tất.
- Ngày 14 tháng 8, Aung San Suu Kyi được quyền rời thủ đô Rangoon đi tiếp xúc chính trị.
- Ngày 19 tháng 8 Aung San Suu Kyi gặp tồng thống Thein Sein
- Ngày 6 tháng 10 Ủy Ban Nhân Quyền được thiết lập.
- 12 tháng 10 hơn 200 tù nhân chính trị được trả tự do.
- Ngày 12 tháng 10 Tổng thống dân cử Miến Điện sang thăm Ấn Độ cùng với 13 bộ trưởng trong nội các. Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên kể từ cuộc viếng thăm Ấn lần chot của ông Unu.
- 13 tháng 10 Đạo luật lao động mới được thông qua đặc biệt cho thành lập công đoàn.
- 18 tháng 11 Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ*** tuyên bố sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội trong tương lai.

Tất cả những biến cố này đang đưa Miến Điện trở về cuộc sống bình thường của một nước tự do dân chủ đang thực sự muốn rũ bỏ những tai ách của đám junta quàng lên cổ người dân. Tây Phương đặc biệt là Hoa kỳ rất hoan hỷ.

Đối với Bắc Kinh thì lại khác. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Hoa Lục lên tiếng hoan hỉ thấy bang giao Mỹ-Miến được tái lập, nhưng thâm tâm họ lo ngại. "Hoa Lục sẽ không để cho quyền lợi của mình tại Miến Điện bị 'chà đạp'". Lời cảnh cáo trên đây của tờ Global Times, một tờ báo của Đảng CS bằng Anh ngữ xuất bản tại Bắc Kinh ngày 30/11/2011 nêu bật thái độ hậm hực của Bắc Kinh trước việc đồng minh thiết thân của họ trong hàng chục năm qua lại hân hoan đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ.

Nhưng với cái thế chưa quá lún sâu với nước láng giềng phương bắc và với thanh thế quốc tế trước kia, Miến Điện không cần đề phòng một bài học kiểu như Hoa Lục đã dậy cho đảng CSVN.

Trong tình thế hiện nay điều có thể thấy được về thái độ của Bắc Kinh đối với Miến chỉ là chuyện một con cọp nuốt nước miếng đã để sẩy một con mồi. Rồi một cuộc tổng tuyển cử mới, một chính phủ dân cử thứ hai được thành lập giữa một sinh khí hào hứng mới, Bắc kinh càng để lộ sự hậm hực sẽ càng khó ăn nói sau này với chính quyền dân sự của một nước Miến tự do dân chủ.

Một chính quyền có truyền thống đi đêm ru ngủ hay hăm dọa chính quyền các các nước khác như Bắc Kinh, sẽ rất kỵ với chế độ trong đó người dân có quyền được hiểu biết về đời sống chính trị của nước mình. Lề lối hành xử của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh trước tiên thích hợp với nhóm cầm quyền độc tài vì dễ khuynh loát.

Hãy chờ xem mức độ thức thời của Bắc Kinh đi xa được cỡ nào trước tình thế xoay chuyển ở Miến.

Diền Thảo
12/2011
__________________

(*) Ngày 23/07/2010, tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xác định rằng Hoa Kỳ xem việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của mình. Mãi hai ngày sau, trên trang web bộ Ngoại giao Hoa Lục, Bắc Kinh mới công bố lời phản đối của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, cho rằng Washington không nên "quốc tế hóa"’ tranh chấp Biển Đông.

(**) Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế-Đại học Bắc Kinh Vương Dật Đơn đã công bố bài viết trên báo chí, nhìn lại tình hình ngoại giao trong năm, cho biết “điểm sáng không nhiều”. Theo Báo “Thanh niên Trung Quốc” số ra 10/11/2011

 (***) The NLD: The National League for Democracy.

No comments:

Post a Comment