31 July 2011

Thơ NT

Một cố vấn về thơ của Diễn Đàn
than phiền chữ bài thơ "Phải Lòng" (Như Thương)
nhỏ quá, mắt già kẻm nhẻm đọc không được.
Mời quý anh chị thưởng thức bài thơ đã trình bày lại ...


30 July 2011

Việt Nam: Hỏa hoạn tại hãng đóng giây

Ít nhất 17 người thiệt mạng

Một hãng đóng giầy ở Hải phòng đã bốc cháy vì một máy hàn đã phựt lửa khiến nóc xưởng bị phát hỏa. Đường thoát hiểm khẩn cấp không có. Cửa chính bị những đổ nát do đám cháy gây ra sụt xuống từ mái nhà đã chận lối ra phía trước và không có lối ra phía sau khiến ít nhất 17 người bị thiệt mạng và 21 người khác bị thưong. Chị Bùi Thi Thêm một chứng nhân may mắn thoát chết đã kể lại như thế.

Sáu người bị bắt giữ sau vụ hỏa hoạn này, trong đó có vợ chồng chủ hãng. (Nguồn: Theo BBC)

Nhưng đó là chuyện đã rồi. Người trách nhiệm chính phải là những quan chức thanh tra an toàn của nhà nước. Bọn này rõ ràng là bọn ăn hại đái nát và lẽ ra phải bị còng tay trước tiên.

Solitary: New A.C.La's painting



     Cô Đơn

       Cô đơn em đứng đợi ai,
Hàng lau vàng úa, dặm dài nhớ nhung,
       Một mình, biển vắng lạnh lùng,
Tóc dài, áo trắng, lau rừng gió lay,
       Biển xa, mây nước, sầu lây,
Về con dốc nhỏ, em gầy, hư hao!!

       MH

29 July 2011

Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Đường về tuổi dại xa xăm,
Một phen cách biệt, trăm năm lỗi thề.

Lối Về Tuổi Dại

Trăng Mường Mán buồn đan rêu cổ tháp,
Đường Phú Hài vấp váp tiếng ve kêu,
Nắng Bình Hưng tai tái loãng sương chiều,
Biển Thương Chánh đìu hiu đêm sóng vỡ.

Gót chân đất thơm thơm mùi sách vở,
Mắt trong xanh bỡ ngỡ tuổi học trò,
Má ửng hồng không một nét âu lo,
Bàn tay nhỏ bo bo ghì áo mẹ.

Vũng nước ruộng, cá con đùa lặng lẽ,
Thánh đường trưa, dế lẻ gáy vang rân.
Mảng vui chơi, trốn học cũng bao lần,
Thân mới lớn khéo quen dần roi vọt.

Tay lấm mực, chữ từng hàng nắn nót,
Tiếng trống đầu, vụt nhảy tót ra sân.
Rồi bỗng dưng đứng khựng lại tần ngần,
Nhìn phái khác, lòng phân vân vô lối.

Chiều thứ bảy, rụt rè tòa giải tội,
Chẳng biết mình có phạm lỗi gì không.
Vài ba kinh đọc qua quít cho xong,
Đoạn hấp tấp long nhong theo bè bạn.

Hè thơ ấu, nắng dường như chóng cạn,
Mải đi hoang, chạng vạng mới tìm chuồng,
Guốc khua dồn cố bắt kịp hồi chuông,
Miệng lẩm bẩm, in tuồng còn tiếc rẻ.

Mười ngón tay nhỏ bé,
Lặng lẽ đếm ngày qua.
Dạt dào nghĩa mẹ công cha,
Đứa trai nhỏ dần dà khôn lớn.

Tuổi thanh xuân vừa chớm,
Con tim khờ đà sớm biết mộng mơ.
Ngày nghếch ngác ngu ngơ,
Đêm hí hoáy ít vần thơ cóp nhặt.

Giờ tan học, mắt thẹn tìm ánh mắt,
Để ngại ngùng cúi mặt lúc gần nhau.
Đôi guốc mòn khập khiễng bước chân đau,
Gượng lếch thếch theo sau về sát ngõ.

Vô tình chạm bóng người con gái nhỏ,
Hồn trai làng như cưỡi gió lâng lâng,
Đêm gạo bài, nhìn vách tối bâng khuâng,
Mặc sách vở lạnh dần trong một xó.

Sân trưa vắng, nắng hâm mềm xác cỏ,
Dãy phòng bên, bầy trẻ nhỏ ê a.
Mắt nhìn thầy, mà lòng gửi mây xa,
Văng vẳng tiếng hàng quà rong thúc giục.

Chuỗi ngày hạnh phúc,
Vùn vụt vút qua mau.
Cánh phượng tàn chưa kịp khóc thương nhau,
Người đã vội lên tàu đi trọ học.

Nợ đèn sách, mấy năm dài khó nhọc,
Thêm nửa đời lăn lóc chốn bể dâu.
Phút bình tâm khi tạm lắng cơn sầu,
Thấy mình đã bạc đầu trên xứ lạ.

Trong tấm thân tàn tạ,
Mảnh hồn xưa cũng tơi tả khô cằn.
Hành trang quá khứ nhọc nhằn,
Giọt lệ hẩm mặn chằng như nước biển.

Tuổi thơ ấu, thời gian đà trót liệm,
Có còn chăng vài kỷ niệm vu vơ,
Theo tháng năm cũng đã chóng lu mờ,
Như ánh mắt đêm trông chờ khắc khoải.

Đường tuổi dại chưa một lần trở lại,
Cánh bèo xưa, sóng đánh mãi xa bờ.
Mộng ước về thăm mảnh đất ngày thơ,
Vĩnh viễn vẫn là giấc mơ không trọn.

Trần Văn Lương
Cali, 7/2011

Chính quyền CSVN nhất định phải chọn lựa: Dân Chủ hay bị bỏ rơi:

Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam thả tu sĩ Nguyễn Văn Lý

Linh mục Nguyễn Văn Lý - người mà công tố viện nhà nước cho rằng ông là một thành viên sáng lập của một nhóm kêu gọi dân chủ bị nhà nước cộng sản cấm hoạt động – đã bị bắt vào tù hôm thứ Hai ngày 25 tháng Bảy. Linh mục Lý đã được thả ra khỏi tù để chữa bệnh bướu não năm rồi.

Bày tỏ mối quan tâm về quyết định này, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bà Heide Bronke Fulton nói “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi nhà nước Việt Nam thả ông ta ngay lập tức.”

“Linh mục Lý bị bước não và nên tiếp tục được điều trị,” theo bà Fulton.

Bà nói thêm: “Không có ai đáng bị tù chỉ vì họ bày tỏ quyền tự do ngôn luận của họ.”

Dân biểu Ed Royce, đảng Cộng hoà, đại diện cho đơn vị có cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn, đã bày tỏ mối quan tâm về số phận của linh mục Nguyễn Văn Lý và cho hành động tái bắt giam ông Lý của Việt Nam là “tán tận lương tâm.”

Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo trên Thế giới – là ủy ban cố vấn cho chính phủ Hoa Kỳ, ông Leonard Leo no1i: “Chính phủ Obama không thể duy trì một chiến lược thúc đẩy lợi ích kinh tế và an ninh của Việt Nam mà không tìm kiếm một sự cải thiện cụ thể trong lãnh vực tự do tôn giáo và sự pháp quyền,” theo ông Leo.

Nguồn: DCV)

Truyện ngắn

Mặc dù Việt Nam đã thống nhất sau ngày 30-4-1975 nhưng cảnh sống của hai miền Nam Bắc vẫn còn nhiều khác biệt. Đối với người miền Nam, miền Bắc có nhiều giai thọai hãi hùng khó tin nhưng có thật.

Mẩu chuyện dưới đây qua lối văn tả chân hiện thực của Tâm Thanh đã phác họa bức tranh cuộc sống xã hội miền Bắc, nơi mà giới bần cùng kéo lê tấm thân tàn ma dại, thê thảm hơn con chó nhà giầu, nơi mà bọn thống trị ăn trên ngồi chốc, dân đen lầm than đói khốn khổ ... qua những giai thoại kinh hoàng ấy khiến ta có cảm tưởng như thấy trong thế giới của C.V. Gheorghiu, tác giả Giờ Thứ 25.
Trọng Đạt 
Chó và người giữa Hà Nội
Tâm Thanh

Hai đứa con gái ngồi chồm hổm trên vỉa hè quan sát đám ma giữa khu phố cổ Hà Nội. Chúng nó đếm số xích lô chở hoa để đo lường đám ma to cỡ nào.
Đếm tới 58 thì một con hét to (lúc đó dàn kèn tây đã gần):
“Ê! Chí Mén! Ê ê! Mày làm gì thế?” Để kéo chú ý, con bé đứng lên, vẫy tay rối rít một thằng bé trong đoàn xích lô chở hoa, một đứa con trai mười bốn mười lăm nhún nhảy trên bàn đạp, đôi mông lép vẹo qua vẹo lại. Thằng bé vênh váo trả lời:
“Mày mù à!” Nó chỉ vào vòng cườm đặt trên xe.
Biết đám ma to rồi, hai đứa con gái ngưng đếm vòng hoa, một đứa ra nhặt hai đồng tiền mã. Con bé giơ đồng tiền trước mặt một chú người lớn đứng gần, hỏi tiền gì. Chú trả lời đô-la Mỹ, và tử tế thêm:
“Chúng mày là cái giống gì mà ăn giành với quỷ ma?”
Ai khác nghe nói thế chắc ớn xương sống, nhưng hai con bé chẳng sợ, mỗi đứa nhét một đồng tiền giả vào túi. Chúng chờ phường kèn tây đi qua, đứng dậy, phủi đít. Lúc đó mới thấy một con cao một con thấp. Con thấp trông mặt già dặn hơn, chừng mười lăm; con cao (hơn nửa tấc là cùng) non hơn, chừng mười ba. Cả hai da bủng beo, quần áo, đầu tóc lôi thôi lếch thếch. Không có nét gì chứng tỏ chúng là hai chị em, trừ cái gầy ốm như nhau, và cử chỉ ăn khớp.
Chúng len lỏi vào một ngõ hẻm ở phố Hàng Ngang tới căn nhà hai tầng chiều ngang lọt lòng 1,8 mét, chiều sâu 9 mét. Bốn hộ gồm cả thảy 23 người lớn bé ở trong bốn
H
buồng, trên hai dưới hai. Hộ ông Cát may mắn chỉ có hai người, nhưng bù lại buồng nhỏ hơn và nằm sát cầu xí chung. Bà Cát đang bắc ghế đẩu ngồi canh quần áo phơi. Một quần đùi đen đàn ông, một áo cánh xanh đàn bà và cái khăn mặt đỏ, chiếm vừa vặn khoảnh nắng trước cửa nhà. Bà canh để nắng di chuyển tới đâu, xích quần áo tới đó; và canh để khỏi bị cầm nhầm, hoặc có người chiếm vạt nắng hình thoi. Chung cư đã có chia phiên đi cầu, phiên tắm, nhưng chưa chia phiên phơi quần áo. Chị phó tiến sĩ ở tầng trên đã đề xuất ‘Kế hoạch vận dụng năng lượng mặt trời tại hẻm số 17C phố Hàng Ngang’, nhưng chưa được bốn hộ nhất trí. Điểm bất đồng chính là có hộ 2 người, hộ 7 người, không thể chia đều được.
“Chúng mày đấy à?” bà Cát hỏi. “Khớ không?”
Con chị – tạm gọi vậy – chìa đồng tiền mã ra khoe. Bà dòm vào giật mình, tưởng đô-la thật. Nhưng chợt hiểu ngay là bây giờ Hà Nội đã bắt đầu in giấy trăm đô-la làm tiền mã. Bà nói:
“Ông đợi chúng mày từ sáng giờ đấy!”
Hai đứa chưa biết trên gác phân chia ra làm sao, nhưng ở dưới đất này, hai hộ phân cách bằng vách cạc-tông đàng hoàng và có cửa đẩy. Hộ ông bà Cát nằm phía trong, kê được một cái bàn hai ghế đẩu, một cái chạn và một cái giường sắt. Cái bàn vừa làm bếp, vừa làm bàn ăn, vừa là bàn uống trà, hút thuốc lào. Ông đang ngồi chân co chân duỗi trên cái ghế đẩu duy nhất. Mặt ông vàng như miếng thịt trâu ướp nghệ. Phớt lờ sự xuất hiện của hai đứa nhỏ trước mặt, ông từ từ vo một bi thuốc đút vào lõ điếu. Ông vừa vin cái xe điếu cong ngậm vào mồm thì con bé hết kiên nhẫn, nó chìa đồng tiền mã ra. Ông ta cầm tờ giấy, ngắm nghía lẩm bẩm:
“Dưới đấy người ta làm sớm hơn trên này.” Ông gấp tám đồng đô theo chiều dài, châm vào ngọn đèn trên bàn. “Chúng mày mang tiền này về đây, tối người ta đòi, chết tao. Vì vậy tao phải gửi lại cho người ta.”
Đốt tiền mã xong, ông mở chạn lấy hai bát cơm đưa cho hai đứa. Chờ chúng ăn xong, ông hỏi:
“Khấn xem!”
Hai đứa đồng thanh đọc bài khấn trước khi đào mả:

Công múa

Nó rụt cổ vào
Nó xòe cánh ra....
(NT giới thiệu)

28 July 2011

Suy nghi theo triết lý nhà Phật

Tám Ngọn Gió Đời

HỎI:
-Chúng tôi có biết một số giai thoại thú vị về Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Nhưng giai thoại về "Bát phong xuy bất động” thì chưa được tỏ tường, nhất là bài thơ của Tô Đông Pha. Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn đối diện với "Bát phong”, tức tám ngọn gió đời. Có cách nào để có thể đứng vững trước tám ngọn gió ấy không?

ĐÁP:
- “Bát phong xuy bất động” (tám gió thổi không động) là một giai thoại vui, thâm thúy và tràn đầy thiền vị về mối thâm giao giữa thi hào Tô Đông Pha (1037-1101) và Thiền sư Phật Ấn (1032-1098).
Chuyện kể rằng, một hôm Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ và ông rất hài lòng, bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn. Nguyên văn bài thơ của Tô Đông Pha như sau:
“Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên”.
Tạm dịch là:
“Đảnh lễ Bậc Giác ngộ
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng”.
Ngài Phật Ấn xem qua bài thơ xưng tán cảnh giới giải thoát của Bậc Giác ngộ, thấy chữ nghĩa và ý tứ rất hay nhưng biết quá rõ bạn mình nhờ văn hay, chữ tốt, dùng tâm thức bén nhạy để làm thơ chứ không phải là bậc thượng sĩ thâm nhập nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, đạt đến Thượng thừa “Tám gió thổi không động” nên thay vì khen ngợi ngài liền cầm bút phê vào hai chữ “phóng thí” (đánh rắm - hạ phong) và bảo gia nhân đem về trình lại cho Tô Đông Pha.

Quả như điều mà ngài Phật Ấn đã dự đoán. Tô Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của Phật Ấn xong liền đùng đùng nổi giận, lập lức bươn bả vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Phật Ấn.

Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: “Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rắm” kia”.

Thiền sư Phật Ấn liền cười xuề: “Ông nói “Tám gió thổi không động” mà chỉ một cái “đánh rắm” thôi đã bay sang sông rồi”.

Đến đây, Tô Đông Pha mới chợt hiểu ra mình chưa bất động.

Về bát phong hay bát thế phong, nghĩa là tám ngọn gió đời, tám pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, tập I, tr.414, tám ngọn gió ấy gồm:

1-Lợi (lợi lộc), 2-Suy (hao tổn), 3-Hủy (chê bai chỉ trích), 4-Dự (gián tiếp khen ngợi người), 5-Xưng (trực tiếp ca tụng người), 6-Cơ (dựng sự việc giả để nói xấu người), 7-Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não), 8-Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan).

Con người thường dao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống. Khi được lợi (lợi) thì vui mừng, hớn hở ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối. Khi bị chê bai, chỉ trích (hủy) cảm thấy rất khó chịu nhưng khi được khen ngợi (dự) thì vui thích, hài lòng. Khi được mọi người xưng tán, tung hô (xưng) thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế diễu, vu khống (cơ) thì hậm hực, bức xúc không yên. Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, thở than và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.

Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Do vậy, muốn thiết lập hạnh phúc và an vui trong đời sống chúng ta phải giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, đối điện với tám ngọn gió này. Đại thừa vô sanh phương tiện môn (Đại Chánh 85, 1247 hạ) chỉ rõ: “Nếu thân tâm vắng lặng an ổn thì tám gió thổi không động”. Cũng như chuyện “gió động hay phướn động”, thì ra tâm người động chứ gió và phướn chỉ là chuyện bên ngoài.

Những dao động của tâm thức như là sóng nhưng bên dưới sự ầm ào đó là yên lặng.
Phải quán sát liên tục để thấy rõ bản chất của tám ngọn gió đời ấy tuy thường xuyên thổi đến nhưng thực chất chỉ là ở bên ngoài, bởi vì mình đeo bám, bị dính mắc nên mới bị chúng chi phối. Mặt khác, bát phong vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó. Vì thế, được hay mất, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường cửu. Nhờ thường xuyên quán sát với trí tuệ như thế nên khi được cũng không quá mừng, lúc mất cũng không quá buồn, được khen không kiêu, bị chê không giận,v.v. thì có thể chế ngự được bát phong.

Sống vững chãi và thảnh thơi trong vô vàn biến động thuận nghịch của cuộc đời là điều có thể thực hiện được nhờ thực tập và thành tựu tuệ quán về ba sự thật Vô thường - Khổ - Vô ngã của vạn pháp.

(Phật Giáo Đại Chúng, Võ N. giới thiệu)

27 July 2011

Nam Hàn mưa lũ và bùn lở

Những cơn mưa như trút nước và liên tục tại thủ đô Hán Thành và phụ cận đã gây nạn đất sụt lở và lụt lội thảm khốc tại vùng này. Số người thiệt mạng đầu tiên ghi nhận là 32 người. (Theo BBC)




Tàu cao tốc bên Tàu: Con ếch phình bụng!




Có đền 4 toa tầu rơi xuống từ độ cao gần 20m, thế mà chỉ có 39 người chết! Truyền thông nhà nước Tàu Cộng đã giỏi huênh hoang lại giỏi dấu diếm!

Chỉ mới khai trương chưa đầy nửa năm (Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải khai trương cuối tháng 6, 2011) hệ thống tàu cao tốc của Tàu Cộng đã bị nhiều tai nạn vì mất điện, thời tiết, bộ phận tăng điện hư nay bị sét đánh (Thực ra tin mới nhất cho hay nguyên nhân gây tai nạn thảm khốc mới đây là do bộ phận tín hiệu đã đưa ra tín hiệu lầm). Có lẽ sau tai nạn này đám quan chức to nhỏ tổng cục đường sắt Hoa Lục bớt huênh hoang.

Muốn đi mau về cõi vĩnh hằng
xin mua vé đi tầu cao tốc của Hoa Lục!

Nhiếp ảnh

Mời quý anh chị thưởng lãm một số hình mới chụp của nhà nhiếp ảnh Hương Kiều Loan qua youtube dưới đây:

26 July 2011

Tìm hiểu sở thích người đọc trên Diễn Đàn TTR

Năm bài được nhiều người đọc nhất trong tuần
 (Thứ Ba 19/7 - Thứ Ba 26/7, 2011)

Bệnh Gan và Cây Chó Đẻ
Ngày post: Jun 27, 2010
147 Pageviews

Thơ Lê Thị Công Nhân
Ngày post: Jan 12, 2011, 2 comments
53 Pageviews

Cựu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ qua đời ...
Ngày post: Jul 22, 2011
37 Pageviews

Lời Tỏ Tình: Truyện ngắn Phạm Thành Châu
Ngày post: Jul 22, 2011
16 Pageviews

Câu chuyện Con Nhện và Phật Quan Âm
Ngày post: May 10, 2010
15 Pageviews

25 July 2011

Một lần rồi thôi!

Nghĩa Tử là Nghĩa Tận
Viết về cái chết của NCK

Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Như thế là mọi người đều đã biết, ông NCK đã về bên kia thế giới, hay nói văn hoa một chút, là đã tiêu diêu miền cực lạc, hay đã về Nước Chúa, hay nói một cách…không quân hơn, là đã cất cánh bay về một cõi trời vô định. Đây là lần đầu tiên tôi dùng tiếng “Ông” để gọi NCK kể từ khi ông ta về Việt Nam quỵ lụy và ăn mày bọn Việt Gian Cộng Sản. Tại sao tôi lại dùng tiếng ông như thế? Xin thưa, Nghĩa Tử là Nghĩa Tận. Ông Kỳ chết rồi, mình không nên làm nhục một cái thây ma, bôi nhục một xác chết, một đống thịt già … thầm lặng không còn khả năng để tự vệ cho mình. Người Quốc Gia mình hơn bọn Việt Gian Cộng Sản ở chỗ đó.

Nghe tin ông Kỳ chết, tôi chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Chẳng vui bởi vì tôi biết NCK, giống như bạn, như tôi, trước sau gì thì cũng phải ngủm củ tỏi mà thôi. Dĩ nhiên, nếu NCK chết cách đây chừng 20 năm thì đã là một cái chết bình thường, lịch sử ngàn năm sẽ ghi NCK là một cựu Thủ tướng, cựu phó Tổng Thống của VNCH, dù chẳng làm được con mẹ gì cho tổ quốc ngoài việc ăn nhậu và phá thối, nhưng ít nhất cũng đã không phản bội anh em, bạn bè, chiến hữu. Tôi chẳng buồn vì thế giới này thiếu đi một thằng Việt gian như NCK thì là một chuyện mừng chứ không phải chuyện buồn.

Nghe tin NCK ngủm củ tỏi, tôi ngồi thừ, như đã nói, chẳng vui chẳng buồn, làm chừng chục lon bia và tự hỏi lòng mình, tại sao tôi lại khinh ghét NCK đến thế. Tại sao trong cả cái Quân Chủng Không Quân của tôi, anh hùng đầy dẫy, chỉ có mình tôi, một anh Thiếu Úy quèn, một thằng út nhỏ bé của phi đoàn 114, đứng ra chửi NCK, đại diện quân chủng Không Quân to lớn của tôi đi xin lỗi mọi người về cái hành động ô nhục của NCK. Và cuối cùng, tại sao, có vài người lại còn bênh vực NCK như thằng chó đẻ ĐVA và vài thằng không quân khốn nạn khác. (chúng mày rồi sẽ biết tay tao.)

Trước hết, xin nói thật rằng, giống như bao nhiêu phi công trẻ của QLVNCH những ngày chưa mất nước, NCK ngày xưa là thần tượng của tôi. Tôi thích cái tính khí ngang tàng, hào phóng, có sao nói vậy của NCK. Dĩ nhiên, chúng tôi đều biết, NCK chẳng có đầu óc gì lắm, nói nhiều làm ít, nhưng tuổi trẻ là tuổi của tha thứ, hào hùng, chúng tôi chẳng để ý đến những chuyện này, thậm chí, còn nghĩ như thế mới là tốt, mới là… Không Quân.

Năm 1984, thành phố NEW ORLEANS tổ chức Lễ Thượng Kỳ, treo cờ Quốc Gia trước Tòa Thị Chánh thành phố, hội cựu quân nhân chúng tôi có mời NCK về tham dự. Chúng tôi đã tổ chức vô cùng chu đáo. Xuống phi cơ, Kỳ được mời vào phòng VIP và sau đó lên xe Limo, được cảnh sát với xe mô tô hộ tống chở về khách sạn sang trọng nhất thành phố nổi tiếng ăn chơi này. Ngày xưa Tào Tháo đãi Quan Công ba ngày một đại yến, mỗi ngày một tiểu yến, nhưng anh em chúng tôi đãi NCK mỗi ngày ba đại yến, luôn luôn có Cognac XO và sơn hào hải vị quý nhất của thành phố NEW ORLEANS do chính những anh em đi biển đem về.
Có lẽ kể từ khi sinh sống tại Mỹ, đây là lần đầu tiên Kỳ được tiếp đãi trang trọng như thế.
Dĩ nhiên, Kỳ chẳng bao giờ hiểu được rằng cảnh sát Mỹ chẳng bao giờ sách xe mô tô đi hộ tống cho ai nếu không được trả tiền, chẳng có khách sạn sang trọng nào cho người ở miễn phí, chẳng có nhà hàng nào cho chúng tôi ăn free vì sự có mặt của NCK.

Bịt miệng dân, lấy lòng Tàu Cộng

Linh mục Nguyễn Văn Lý bị đưa trở lại nhà tù.

Vào lúc 14g30 ngày 25-07-2011 (giờ VN), công an CSVN đã tới Nhà Chung, thuộc Tòa Tổng Giám Mục Huế, 69 Phan Đình Phùng, Huế, để đưa Linh mục Nguyễn Văn Lý vào lại nhà tù.

Trước khi tiến hành công việc, công an đã yêu cầu vị Quản lý Nhà Chung là Linh mục Lê Quang Viên ký giấy xác nhận sự việc. Linh mục Lê Quang Viên đã ký nhận, với điều kiện ghi rõ rằng: "Linh mục Nguyễn Văn Lý đang còn trong tình trạng bệnh tật, chưa bình phục gì". Sau một hồi đôi co, cuối cùng công an phải chấp nhận.

Sau khi được tạm ra ngoài, về lại Nhà Chung, Tòa TGM Huế, để chữa bệnh (15 tháng 3 năm 2010), nhất là từ đầu năm 2011 đến nay, Linh mục Lý đã liên tục báo động về hiểm họa mất nước vào tay của Tàu Cộng nhờ sự đồng lõa và hèn nhát của Việt cộng. Các sự việc xẩy ra tại VN trong tháng 6 và tháng 7 này ngày càng xác nhận chính điều đó.

Người ta lo ngạì có thể Linh mục Nguyễn Văn Lý sẽ là Nguyễn Văn Trại thứ hai (Ông Nguyễn Văn Trại là một tù nhân chính trị đang phải thọ bản án 15 năm tù thì đã chết trong nhà tù trại Z30A vào lúc 10.30g sáng ngày Thứ Hai 11/07/2011).

(Nguồn tin bán chính thức)

24 July 2011

Cười tí tỉnh


Tranh không lời!

Thơ




MỴ NƯƠNG

“Mê nàng bao nhiêu người làm thơ
Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Nguyễn Nhược Pháp

Ngây thơ em đứng giữa đời,
Người say mê để ngập trời cuồng điên.
Phong Châu sông lặng, núi hiền,
Tình oan nghiệt, hận triền miên, dập vùi.
*
Theo chồng, ngày tháng còn vui,
Năm năm nước lũ, ngậm ngùi không em?

LAN ĐÀM
7/11
 _________

Thiên Đàng

Nhớ người và nhớ mùi hương
Xa xôi dốc đá hạt sương vương đồi
Sóng xô bờ, cát đơn côi
Vạt rong nào lấp lánh trôi theo dòng
Rong về với cõi long đong
Người ôm mây tím gió hong chiều buồn.
*
Thiên đàng. Nhớ ngón tay thuôn.

Điền Thảo
7/7/11


23 July 2011

Tai nạn xe lửa ở bên Tàu

Hai chuyến xe lửa cao tốc đụng nhau ở tỉnh Zhejiang, miền đông Hoa Lục, gây thiệt mạng 32 người và hơn 100 người khác bị thương. (BBC)

Ảnh đẹp Hương Kiều Loan

Trưa nắng tại một tu viện

Tu viện này không xa lạ gì với giới nhiếp ảnh, những người ở CA, vì họ đã đến đây chụp khá thường xuyên. Mời quý bạn xem phong cảnh nơi đây qua góc nhìn của HKL.

Riêng HKL bị thu hút bởi sự đổ nát tại nơi này, chỉ tiếc là đến đó vào giữa trưa, trời quá nắng. Chị tâm sự: với giới chuyên nghiệp về nhiếp ảnh, thì họ sẽ chỉ chụp lúc sáng sớm hay hoàng hôn, nhưng... HKL không có được sự chọn lựa ! bởi phải tuỳ thuộc vào bạn bè, họ đưa đi giờ nào thì chịu giờ đó. Nên xoay sở với những gì mình có được.

Mời qúy bạn lang thang với HKL qua ít bức hình chị săn được tại tu viện San Juan Capistrano, California.





 Ảnh trích từ một PPS của Hương Kiều Loan vừa hoàn tất.
(Click to enlarge)

22 July 2011

Na-Uy

80 người trúng đạn thiệt mạng 

Ít nhất 80 người thiệt mạng khi một người đàn ông nã súng bắn vào một trại hè trên một hòn đảo. Trước đó vài giờ đã xẩy ra vụ đánh bom ở thủ đô Oslo làm thiệt mạng tám người khác.

Cảnh sát đang hỏi cung một người đàn ông Na Uy, 32 tuổi, là người có liên hệ với cả hai vụ tấn công. Người này bị bắt giữ ở Utoeya, một hòn đảo nhỏ nằm ngoài thủ đô Oslo, là nơi cảnh sát nói rằng anh ta đã nổ súng vào các thiếu niên.

Đây là những cuộc tấn công tệ hại nhất mà Na Uy phải chịu kể từ sau thế chiến thứ II. Nhiều trăm thanh thiếu niên đang tham dự trại hè do Đảng Lao Động cầm quyền tổ chức.

Thủ tướng Na Uy, Jens Stoltenberg, mà văn phòng bị hư hại nặng vì cuộc đánh bom, mô tả cuộc đánh bom là một hành động đẫm máu và hèn hạ. (Theo BBC)

Cựu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ qua đời tại Mã Lai

WESTMINSTER (NV) - Ít nhất hai nguồn tin trong công ty Thúy Nga Paris, nơi cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên hợp tác trong thời gian dài, cho biết cựu Phó tổng thống VNCH, tướng Nguyễn Cao Kỳ qua đời tại Malaysia vào khoảng 1 giờ sáng thứ Bảy ngày 23 tháng 7, giờ Việt Nam.

Một trong hai nguồn tin này là ca sĩ Thanh Hà, bạn thân của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, nói rằng cô được thông báo trực tiếp từ Kỳ Duyên. Theo lời ca sĩ Thanh Hà, tướng Kỳ mất vì bệnh phổi tại một bệnh viện ở Malaysia.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái ông Nguyễn Cao Kỳ, đang trên đường sang Malaysia mang thi hài thân phụ về Việt Nam an táng. (NV)

Lời Tỏ Tình: Truyện ngắn Phạm Thành Châu

Sau khi chiếm được nam Việt Nam, năm 1975, Cộng Sản miền Bắc lùa số lớn công chức, quân nhân, đảng viên các đảng phái quốc gia, các nhà tu hành của các tôn giáo miền Nam, ra Bắc "khổ sai biệt xứ". Liên Xô có Xi-bê-ri thì Việt Nam có vùng núi non Tây Bắc khắc nghiệt, tuy không lạnh bằng Xi-bê-ri nhưng cũng đủ cho tù chết dần. Chết vì lạnh, vì đói, vì lao động kiệt sức và vì bịnh mà không có thuốc chữa.

Thông thường, tù phải tự đốn cây, cắt tranh làm lán cho mình ở, phải phá rừng, làm rẫy trồng trọt khoai củ nuôi thân. Nhà nước Cộng Sản không phải tốn phí nuôi tù cải tạo. Ban ngày tù vào rừng lao động, chiều về, vào lán, cán bộ coi tù khóa cửa lại, sáng hôm sau, mở cửa cho tù đi lao động tiếp.

Mấy năm đầu, tù chết quá nhiều nên chính quyền Cộng Sản Việt Nam cho thân nhân tù được gửi thuốc, áo quần (giới hạn) bằng đường bưu điện, về sau được thăm nuôi, nghĩa là được gặp mặt tù và tiếp tế lương thực, mùng mền, thuốc men...giúp tù chịu đựng, tiếp tục khai phá núi rừng và chết chậm hơn.

Trong chuyện nầy, tôi không kể về những sinh hoạt trong nhà tù mà kể về một anh bạn tù nằm cạnh tôi.
Anh Hùng, (nằm cạnh tôi) là người ít nói nhưng thường quan tâm đến người khác. Buổi tối, vào lán, thấy ai có vẻ trầm tư, suy nghĩ, là anh sà đến, nói huyên thiên những chuyện trên trời dưới đất, chuyện nào cũng khiến người nghe bật cười. Thế là người bạn đó bớt buồn. Khi quay về, anh bảo tôi 

- Khá rồi! Lo buồn làm mình suy sụp nhanh nhất. Nhanh hơn cả bịnh hoạn. Chỉ cần mất ngủ vài ba đêm là không đủ sức gượng dậy.

Ai cũng biết điều đó, nhưng rất khó vượt qua, nhất là những người không được thăm nuôi, thậm chí không nhận được thư của thân nhân gửi vào. Họ được gọi là "con bà xơ" (nữ tu), ý nói là con hoang trong trại mồ côi do các bà xơ (soeurs) nuôi dưỡng. Các tù nhân con bà xơ nầy, mỗi khi thấy người nào ra thăm thân nhân, đem đồ tiếp tế vào là họ tránh chỗ khác, tìm những người cùng hoàn cảnh (không có thăm nuôi) mà chuyện trò, ăn mấy củ khoai, củ sắn với nhau. Ðược tặng thức ăn (thăm nuôi) họ có thể nhận một lần, lần sau thì từ chối.

- Xin cám ơn anh, tôi nhận thì không có gì tặng lại. Anh thông cảm cho tôi. Xin giữ lấy.

Trong tù, chỉ nghĩ đến miếng thịt, cây kẹo cũng đủ chảy nước miếng, vì cơ thể quá cần, nhưng nhận chút thực phẩm của bạn cho, lấy gì trả lại?

Tôi với anh Hùng, may mắn, được vợ thăm nuôi, dù cả năm chỉ được một lần và chỉ được một xách nhỏ. Một gói đường tán đen, gói cá khô, ít đậu và gạo, ít thuốc men, chỉ vậy thôi, vì tiền xe cộ đi hàng nghìn cây số (từ miền Nam ra núi rừng tây bắc), ăn uống dọc đường... hết cả! Chúng tôi nghèo quá, nhưng vợ chồng gặp mặt nhau là may rồi. Tôi mừng, nhưng anh Hùng lại mừng hơn. Lần thăm nuôi nào anh cũng bảo.

- Ðây là lần chót!

Thế nên, mỗi khi được gọi tên ra gặp thân nhân thì anh ngạc nhiên.

- Ai thăm tôi? Bà cụ thì quá yếu, không đi nổi!

Tôi cười bảo.

- Không phải vợ thì ai vào đây? 

Theo vợ tôi kể, trong một lá thư gửi cho tôi, chỉ một lần vợ tôi cùng đi thăm nuôi với vợ anh Hùng mà hai người thành bạn thân. Cả hai đều ở trong một con hẻm vùng Ða Kao lại có chồng là bạn nằm cạnh nhau trong tù, cùng hoàn cảnh nên hai người đàn bà thương nhau, thường giúp đỡ nhau trong việc buôn bán mưu sinh. Vì thấy anh vui hơi quá đáng mỗi khi được thăm nuôi nên tôi tò mò, cố tìm hiểu vì sao? Ðúng ra, trong tù không nên biết chuyện gia đình người khác, nếu người đó không tự ý kể ra. Tôi không nhớ mình đã gợi ý cách nào khiến cho anh Hùng kể chuyện vợ con của anh. 

Anh kể như sau.

- Tôi là con trai độc nhất của bà cụ tôi. Ðúng hơn, tôi là độc đinh của cả giòng họ nhà tôi. Nếu mẹ tôi không sinh ra tôi thì coi như họ Hoàng Ðắc của tôi tuyệt tự. Mẹ tôi săn sóc, chăm lo cho tôi, vì tình thương mà cũng vì trách nhiệm bên nhà chồng giao phó, là phải có người thừa tự, lo nhang khói, cúng giỗ để vong linh ông bà, tổ tiên khỏi bơ vơ, thành ma đói, ma khát, vất vưỡng trong cõi u minh. Thế nên, khi tôi vừa xong tú tài là mẹ tôi lo tìm vợ cho tôi, vì bà sợ tôi vào quân đội, không biết chết lúc nào, sẽ không kịp có con trai để nối dõi tông đường. Tôi thì không để ý đến chuyện đó. Ngay trong thời đi học, bạn bè yêu cô nầy, cô kia, tôi chỉ biết bài vở và các môn thể thao như đá banh, học võ... Ðến khi thi xong tú tài một, tôi tình nguyện đi sĩ quan Thủ Ðức. Mẹ tôi, thời trẻ là đảng viên một đảng phái Quốc Gia, thông hiểu tình hình đất nước, bà cụ bảo tôi "Khi tổ quốc lâm nguy, làm con dân phải có bổn phận cùng với mọi người bảo vệ đất nước, bảo vệ đồng bào. Những tên trốn lính, sống chui, sống nhủi chỉ thêm nhục. Nhưng con phải lấy vợ, sinh con trai để sau nầy lo nhang khói cho ông bà, tổ tiên". Mẹ tôi hỏi tôi có để ý cô nào chưa? Tôi thưa rằng "Mẹ xem cô nào vừa ý mẹ thì cưới cho con chứ con không có người yêu". Mẹ tôi đến nhà các bà bạn, ngắm nghía cô nầy, dọ hỏi cô kia, cuối cùng bà chọn được một cô. Mẹ tôi nhờ người mai mối, gia đình cô ta đồng ý ngay. Ðể tôi được gặp cô gái, mẹ tôi mua một ít trái cây, sai tôi đem đến biếu gia đình cô ta. Hình như cô gái không biết có sự xếp đặt giữa hai gia đình nên cô ta tiếp tôi rất hồn nhiên, vô tư như với bạn bè. Tôi thấy cô cũng xinh, hiền lành, vui vẻ nên về thưa với mẹ tôi rằng "Mẹ thấy vừa ý thì con xin vâng lời". Quả thật, cô gái hoàn toàn không biết gì về việc cô sẽ là vợ tôi. Trước ngày tôi vào quân trường, hai gia đình muốn tổ chức lễ hỏi, cưới luôn một lần. Lúc đó, cô gái mới được thông báo. Cô ta phản đối quyết liệt. Hóa ra cô đã có người yêu.

Vui cuối tuần

Tạo ảo ảnh

21 July 2011

Download miễn phí sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho con em

Bộ sách Dậy Việt Ngữ biên soạn công phu

Nhằm đối phó với chương trình "xuất khẩu" dạy tiếng Việt của CSVN vào cộng đồng người Việt ở hải ngoại, bộ sách Việt Ngữ được biên soạn phù hợp với khả năng và nhu cầu của các em sinh trưởng hoặc lớn lên ở hải ngoại, những em chỉ sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai. Ngoài ra, bộ sách còn nhằm mục đích tạo ra sự thích thú cho các em trong việc học tiếng Việt với mong mỏi giữ gìn văn hóa Việt để khỏi bị mai một.

Tên của bộ sách là Tiếng Việt Thực Hành.

Bộ sách gồm có 6 cuốn: từ lớp Mẫu Giáo đến lớp 5. Bên trong mỗi cuốn sách gồm có:
1- Cờ và Quốc Ca VN
2- Lời mở đầu
3- Hướng dẫn sử dụng
4- Nội dung sách
5- Bản đồ VN
Các trường có thể tự design bìa cho phù hợp với từng trường. Có thể cho tên trường hoặc cộng đoàn nơi các em học Tiếng Việt vào.

Bộ sách này do thầy Trần Văn Minh - thuộc Liên trường Việt Ngữ Công giáo, GP Orange County - bỏ nhiều công sức và tâm huyết vào, biên soạn rất công phu, tỉ mỉ. Hiện tại thầy Trần Văn Minh, đã tài trợ chi phí in ấn 50 bộ, từ Mẫu Giáo đến Lớp 3 (đã gửi đi các trường trong và ngoài Cali khoảng 20 bộ). Các quyển sách này sẽ được ưu tiên tặng cho các trường Việt Ngữ mỗi trường 1 bộ. Sau khi 50 bộ đã được phân phát thì các trường tự in cho các em.

Các trường Việt Ngữ xài bộ sách này được sử dụng bản quyền, có thể in tên trường của mình vào bìa sách (Phật giáo, Công giáo, các hội đoàn...). Hiện có 2 version, một cho các trường Công giáo, một cho các trường không phải Công giáo.

Kính mời quý vị vào đây download. Các trường không phải Công Giáo thì download các files từ Mẫu Giáo đến lớp 5 có đuôi-KCG, riêng các files khác như "Lời mở đầu", "Hướng dẫn sử dụng"...đều như nhau. Các files còn lại dành cho các trường Công Giáo :
Nhờ quý vị giúp liên lạc với các trường nơi mình sinh sống, hoặc các trường Việt Ngữ khác trong và ngoài nước Mỹ để giúp phổ biến bộ sách đến các em kịp năm học mới.
Xin chân thành cám ơn.
Ngọc Thu

30 năm chương trình không gian con thoi chấm dứt

Phi thuyền con thoi Atlantis trên đường về lại trái đất để từ biệt


Con thuyền và phi hành đoàn gồm bốn người đã được dự liệu sẽ đáp xuống đường băng tại Trung Tâm Không Gian Kennedy, bang Florida, trước khi mặt trời mọc hôm nay thứ năm, 21 tháng 7, 2011.

Ngừng nghỉ trên bãi, con thuyền sẽ hoàn tất chuyến du hành 13 ngày làm việc trên trạm không gian và, quan trọng hơn, nó sẽ khép lại một một chương trình 30 năm của NASA.

Thuyền Atlantis cũng như hai phi thuyền trước nó, Discovery và Endeavour, sẽ về hưu.

Cơ quan không gian Hoa Kỳ đang nhắm tới chuyện phục vụ chuyên chở các phi hành gia tư nhân trong tương lai, hy vọng rằng trong những năm tới sẽ có nhiều khởi xướng thương mại để đưa người lên xuống ở mức quỹ đạo thấp trong không gian.

Dân chúng sẽ tụ tập đón thuyền trở về và cảnh tượng sẽ gây nên nhiều xúc động, và không kém xúc động vì chương trình này chấm dứt sẽ dẫn đến hơn 3000 chuyên viên thượng thặng rời bỏ đi kiếm việc mới.

Thực ra thì chương trình chưa chính thức chấm dứt vì còn nhiều việc chót phải làm chẳng hạn việc sắp xếp hồ sơ các dữ kiện kỹ thuật của một chương trình kéo dài 30 năm. Rồi thì chính phi thuyền Atlantis sẽ được đưa đến nơi trưng bày trong Trung Tâm Không Gian Kennedy để công chúng tới thăm viếng.

Có hai phương án đáp xuống trước khi mặt trời mọc hay sau khi mặt trời mọc. Nếu như sau khi phi thuyền đáp xuống theo phương án thứ nhất, những con số sau đây sẽ vào thống kê: Atlantis đã bay 33 chuyến, ở trên không trung 307 ngày, móc vào 4848 quỹ đạo và đã bay tổng cộng trên 202 triệu km (hay gần 126 triệu miles)

Sau ba tới bốn năm nữa các chương trình không gian Hoa Kỳ mới đưa người lên không gian trở lại.

(TTR tổng hợp)

20 July 2011

Thơ Đỗ Trung Quân

Nếu trên đầu mình đã mọc đuôi sam*
Đỗ Trung Quân

Tháng này Sài Gòn mưa ngâu
Nhưng thôi, miễn bàn vể thơ thẩn
Tôi nói thẳng
Cho mau
Đồng bào tôi ngoài biển vẫn bị nó cướp tàu
Đồng bào tôi ngoài biển vẫn bị nó túm đầu
Cướp cơm chim
Tôi nói thẳng
Thôi đi mấy cha, mấy anh cà vạt phòng lạnh cách xa biển Đông ngàn dặm
Nhà anh chả ai cướp
Con anh chả ai đánh [đánh sao được, nó ở nước ngoài ráo cả]
Vợ anh chả ai hiếp [hiếp sao được, nhà anh có công an bồng súng đố thằng nào…]
Chỉ tủi thân cho đồng bào
Tàu thuyền rách nát.
Kiếm sống ở khu vực nhà mình vẫn bị ăn tát
Ăn bạt tai – đá đít
Ăn đạn AK
Bọn hải tặc đuôi sam làm cha
Thậm chí làm ông nội.
Thơ không được chửi bậy
nhưng thôi đành
Tiên sư bố chúng mày bọn lưu manh!
Bạn bè gì ngữ ấy.
Thơ không được chửi bậy
Xin tha thứ cho thằng làm thơ này. Đọc tin đồng bào bị cướp trên biển thì mắt nó cay cay …

Cứ đàn áp đi…
Cứ bóp cổ đi…
Cứ kung-fu đi…
Cứ triệu tập đi…
Cứ lo hữu nghị đi…

Hỡi những người anh em máu đỏ da vàng
Hãy thử sờ lên đầu mình.Xem…
Đã mọc đuôi sam ?…*

ĐTQ

Đỗ Trung Quân là một nhà thơ trẻ hiện sống tại Sài Gòn
**
(*) Xin nhắc những bạn trẻ: Đuôi sam là cái đuôi tóc đan lại thả phía sau lưng của bọn cầm quyền đời Mãn Thanh, bên Tàu. Quân xâm lược Hán Mãn đã bị đạo quân của hoàng đế Quang Trung đánh cho dập mỏ tháo chạy về nước hết dám ngo ngoe vào năm 1789. (TTR) 
_______________________



Người Hà Nội thơ ơ với cảnh công an cộng sản đàn áp dân biểu tình chống Tàu Cộng xâm lược mới đây:

Người bị CA khiêng như khiêng lợn này là bloger Đông Hải Long Vương viết trên blog Nguyễn Xuân Diện rằng: "Tôi đã bị khống chế như con lợn... mấy đồng chí công an còn đạp (sút) tổng cộng 4 phát. Đạp từ trên đạp xuống trong lúc mình đang còng queo. Trong đó có 2 phát được ăn bánh "giầy" vào mồm. Một phát trượt qua cổ. Một phát vào ngực. (Hình trích từ Web Phù Sa)

Cao điểm mới



 Thường trong cùng một lúc - cùng một giờ, số người vào thăm TTR không vượt quá 34 người, con số cao nhất ghi nhận được cách đây ba tháng, Nhưng đột nhiên vào lúc 2 giờ sáng Toronto (19/7), hay 11 giờ tối California (18/7), tức 2 giờ trưa Sài gòn (19/7), con số người có mặt trong diễn đàn Tiếng Thông Reo lên tới 73 người. Thực sự không hiểu được lý do tại sao. Lúc đó chẳng có biến cố gì đặc biệt xẩy ra để người ta ùa vào các web để biết tin. Số bài hay tranh ảnh post trên TTR vào lúc đó hay trước đó thống kê cho thấy cũng không phải là những bài được nhiều người đọc nhất. Bài "Bệnh Gan và Cây Chó Đẻ" vẫn được nhiều người đọc nhất. Mãi sau này có bài thơ của LS Lê Thị Công Nhận, thì hai bài thay nhau chiếm hàng đầu được nhiều người chiếu cố.

Con số 73 người vào thăm Diễn Đàn cùng một lúc cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. (TTR)


Bên cạnh là biểu đồ cho thấy những bài được đọc nhiều nhất trong tuần: Thơ Lê Thị Công Nhân (107) và Bệnh Gan và Cây Chó Đẻ (106)





18 July 2011

Chơi với Tàu Cộng có ngày hết váy!


"Song phương với tên cờ gian bạc lận nổi tiếng!
(Qua internet. Chưa rõ xuất xứ)

Thơ tình Á Nghi

Giải bóng tròn phụ nữ thế giới

Trận chung kết Nhật - Mỹ

Tường thuật của phóng…đại viên Nguyên Trần

Oh! Wow! Sau cùng rồi trận cầu mà cả thế giới mong đợi cũng tới: trân chung kết giải bóng tròn phụ nữ thế giới đã diễn ra tại vận động trường Frankfurt (Đức Quốc) lúc 20:45 giờ địa phương giữa hai đội Mỹ ( seed #1) và Nhật (seed #4).

Trái với thông lệ, tôi thấy về phía đội Mỹ có hai điểm đặc biệt là thứ nhất hôm nay thủ môn Hope Solo với bộ áo màu vàng trông đẹp và quyến rũ hơn bình thường.Không biết là sau giải Women,s World Cup nầy sẽ có bao đàn ông trên thế giới trồng cây si nhà nàng đây nữa? Và điểm thứ hai là huấn luyện viên Sundhage cho nàng tóc vàng Rapinoe ra quân ngay hiệp đầu chứ không dấu nàng tới hiệp thứ hai như thường khi, có lẽ đây là trận đấu quan trọng cuối cùng nên “ em phải rán chịu cực một chút” rồi sau đó sẽ dưỡng sức lâu dài.
Thế nên đội hình của Mỹ là:

Solo
O’Reilly Boxx LePeibet Rampone
Kreiger Lloyd Cheney Rapinoe
Wambach Buehler

Và Nhật ra quân với thành phần:

Sameshima Sawa Ohno
Kawasumi Myama Ando
Sakaguchi Iwashimizu Kumagai Kinga
Kaihori

Vừa khởi trận đấu Cheney đã đưa banh qua hàng hậu vệ Nhật đá mạnh vào góc phải khung thành nhưng thủ môn Kaihori phóng người tới đấm banh ra ngoài chịu quả phạt góc đầu tiên ngay phút thứ nhất.

Truyện kỳ bí

Trải nghiệm kỳ lạ của một bác sỹ sau khi chết

Thuy Nguyen

Trải nghiệm ở bên ngoài thân xác (OBE) và trải nghiệm cận tử (NDE) đã được biết đến từ lâu và vẫn bị tranh cãi, đơn giản bởi giới khoa học chủ lưu không tin là có linh hồn. Tuy nhiên, thật thú vị khi nghe một bác sỹ hàng đầu thế giới nói về trải nghiệm OBE và NDE của chính mình.

Giáo sư Bác sỹ George G. Ritchie (25/9/1923 – 29/10/2007) từng là chủ tịch của Học viện Trị liệu đa khoa Richmond, từng là trưởng khoa Tâm thần học của Bệnh viện Towers, người sáng lập và và chủ tịch Liên Đoàn Thanh niên Thế giới (Universal Youth Corps, inc) trong gần 20 năm. Năm 1967, ông làm bác sỹ tư ở Richmond, và vào năm 1983 ông chuyển đến Anniston, Alabama làm trưởng khoa Tâm thần học tại Trung tâm y tế khu vực Đông Bắc Alabama, Hoa Kỳ. Ông trở về Richmond vào năm 1986 để tiếp tục làm bác sỹ tư cho đến khi nghỉ ngơi vào năm 1992.

Vào tháng 12/1943, George Ritchie đã chết trong một bệnh viện quân đội ở tuổi 20 vì bệnh viêm phổi và đã được đưa vào nhà xác. Nhưng kỳ diệu thay, 9 phút sau ông sống trở lại, và kể về những điều đáng kinh ngạc mà ông đã chứng kiến khi trong trạng thái ở bên ngoài thân xác. Ritchie đã viết về Trải nghiệm cận tử (NDE) của ông trong cuốn sách “Trở lại từ ngày mai”, đồng tác giả với Elizabeth Sherrill, xuất bản lần đầu năm 1978. Cuốn sách đã được dịch sang 9 thứ tiếng khác nhau.

Bác sỹ George G. Ritchievà cuốn sách “Được lệnh trở về: Cuộc đời tôi sau khi chết”

Bác sĩ George Ritchie đã kể lại rất chi tiết những gì mà mình đã trải qua trong suốt khoảng thời gian ông chết.

Đó là đầu tháng 12/1943, khi Ritchie được chuyển tới một bệnh viện tại trại Barkeley, Texas, Hoa Kỳ để điều trị bệnh viêm phổi. Ông không biết là mình bệnh nặng tới mức nào. Ông luôn chỉ nghĩ tới việc bình phục cho mau mà lên xe lửa tới Richmond, Virginia để nhập học trường y trong chương trình đào tạo bác sỹ quân y của quân đội. Theo hẹn, vào lúc 4 giờ sáng ngày 20/12, xe quân đội sẽ đến đưa ông ra nhà ga để tới trường.

Trái với mong muốn của ông, bệnh tình của ông không thuyên giảm.

Vào đêm 19/12/1943, bệnh của Ritchie trở nặng. Ông bắt đầu sốt và ho liên tục. Ông lấy gối bịt miệng lại để đỡ làm ồn. 3 giờ sáng ngày 20, Ritchie cố gắng đứng dậy và thay quần áo đợi xe đến. Nhưng ông đã không thể làm được, và bất tỉnh sau đó.

“Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trong một căn phòng mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Một ngọn lửa nhỏ cháy trong một ngọn đèn ở bên cạnh. Tôi nằm đó một lúc, cố gắng nhớ lại là mình đang ở đâu. Thình lình tôi ngồi bật dậy. Xe lửa! Mình trễ chuyến tàu mất.

Giờ đây tôi biết rằng những gì mình sắp mô tả sẽ nghe rất lạ thường… tất cả những gì tôi có thể làm là kể lại những sự kiện đêm đó đúng như chúng đã xảy ra. Tôi nhảy ra khỏi giường và tìm bộ đồng phục của tôi khắp phòng. Không có trên thành giường: tôi dừng lại, nhìn chằm chằm. Một người nào đó đang nằm trên cái giường mà tôi vừa mới rời khỏi.

Tôi bước lại gần gường trong ánh sáng lờ mờ, rồi lùi lại. Anh ta đã chết. Hàm răng khép hờ, làn da màu xám thật kinh khủng. Rồi tôi nhìn thấy chiếc nhẫn. Trên bàn tay trái của anh ta là chiếc nhẫn của hội sinh viên Phi Gamma Delta mà tôi đã đeo trong suốt hai năm qua.

Tôi chạy vào đại sảnh, mong muốn thoát khỏi căn phòng bí ẩn đó. Richmond, đó là điều quan trọng nhất – tới Richmond. Tôi bắt đầu xuống đại sảnh để ra cửa bên ngoài.

“Coi chừng!” Tôi hét lên với một người phục vụ trong bệnh viện mà đang rẽ quay sang chỗ tôi. Anh ta dường như không nghe thấy, và một giây sau anh ta đã đi ngang qua chỗ tôi đứng như thể tôi không có ở đó.

Thật lạ lùng. Tôi tới chỗ cánh cửa, đi xuyên qua và phát hiện ra là mình đang tiến về Richmond rất nhanh trong bóng tối bên ngoài. Đang chạy ư? Đang bay ư? Tôi chỉ biết rằng mặt đất tối tăm đang trượt qua trong khi những ý nghĩ khác chiếm lấy tâm trí tôi, những suy nghĩ đáng sợ và khó hiểu. Người phục vụ đã không nhìn thấy mình. Nếu mọi người tại trường y cũng không thể nhìn thấy mình thì sao?

Tôi thấy một con sông rộng, rồi thấy cây cầu dài bắc qua sông để vào một thành phố. Tôi thấy một tiệm giải khát, quán bia và một quán cà phê. Tại đây tôi đã gặp một vài người và hỏi họ tên đường và tên thành phố nhưng chẳng có ai thấy và đáp lời tôi cả. Tôi nhiều lần đập tay lên vai một người khi hỏi nhưng tay tôi như chạm vào khoảng không. Đó là một người có gương mặt tròn và cằm có sợi râu dài. Sau đó tôi đi đến bên một người thợ điện đang loay hoay quấn dây điện thoại vào một bánh xe lớn.

Vô cùng bối rối, tôi dừng lại bên một buồng điện thoại và đặt tay tôi lên sợi dây điện thoại. Ít ra thì sợi dây nằm đó, nhưng bàn tay tôi không thể chạm vào nó. Tôi nhận thấy một điều rõ ràng: tôi đã mất đi xác thân của mình, cái bàn tay mà có thể cầm được sợi dây kia, cái thân thể mà người ta nhìn thấy.

Tôi cũng bắt đầu hiểu ra rằng cái xác trên chiếc giường đó chính là của tôi, không thể hiểu sao lại tách ra khỏi tôi, và việc mà tôi phải làm là phải trở về nhập lại vào nó càng nhanh càng tốt.

Việc tìm đường quay lại khu căn cứ và bệnh viện không có gì khó khăn. Thực sự tôi hầu như trở lại đó ngay tức khắc khi tôi nghĩ đến nó. Nhưng căn phòng nhỏ mà tôi đã rời đi thì ở đâu? Thế là tôi bắt đầu một trong những cuộc tìm kiếm kỳ lạ nhất đời: cuộc tìm kiếm chính mình. Khi tôi chạy từ khu này sang khu khác, đi qua hết phòng này sang phòng khác lúc các bệnh binh đang ngủ – những người lính đều trạc tuổi tôi, tôi nhận ra rằng chúng ta lạ lẫm với chính khuôn mặt của mình như thế nào. Mấy lần tôi dừng lại bên một người mà tôi cứ ngỡ là mình. Nhưng chiếc nhẫn Hội sinh viên không có, và tôi lại vội tìm.

Cuối cùng tôi đi vào một gian phòng nhỏ với ánh sáng lờ mờ. Một tấm khăn trải đã được kéo phủ lên xác người trên giường, nhưng đôi cánh tay của người đó nằm dọc ở bên ngoài. Chiếc nhẫn tôi tìm nằm trên bàn tay trái của thân xác ấy.

Tôi đã cố kéo tấm vải ra nhưng không thể nắm được nó. Và lúc đó là lần đầu tiên tôi nghĩ điều mà đã xảy ra với mình, chính là cái mà nhân loại vẫn gọi là “cái chết”.

Trong thời khắc tuyệt vọng nhất ấy, căn phòng bỗng sáng rực rỡ, một thứ ánh sáng lạ lùng tôi chưa từng thấy bao giờ, và tôi như bị lôi cuốn theo nguồn ánh sáng ấy. Tôi đã trông thấy những quang cảnh mà từ khi sinh ra cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ được thấy, những cảnh trí mà tôi nghĩ rằng chỉ có ở thế giới bên kia, và tôi không nhìn được rõ các sinh linh ở đó. Có vùng tối tăm u ám, có vùng lại chan hòa ánh sáng vô cùng tươi đẹp với các sinh linh trông như những thiên thần.

Sau đó đột ngột vầng sáng giảm dần, tôi muốn quay về. Trong phút chốc tôi lại thấy những căn phòng, những thân xác bất động trên giường. Tôi tiến tới chiếc giường của thân xác mình. Tôi như bị cuốn hút vào cái thân xác đó. Rồi, từ từ cử động các ngón tay, cuối cùng tôi mở mắt ra. Một lúc sau, một bác sĩ và cô y tá đã ở trước mắt tôi, nét mặt rạng rỡ. Vậy là tôi đã sống lại, đã thật sự hồi sinh…”

Thời đó, thuốc penicilline chưa được phát minh nên việc chữa trị bệnh sưng phổi vô cùng khó khăn, 90 phần trăm người bệnh khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Vào buổi sáng ngày 20/12/1943 các bác sĩ ở bệnh viện đã xác nhận rằng George Ritchie đã chết nên người ta chuyển xác ông đến nhà quàn. Tại đây một số thủ tục giấy tờ, giấy khai tử và thủ tục chuẩn bị đưa người chết vào quan tài đã được tiến hành, và người ta chuẩn bị thông báo đi các nơi rằng George Ritchie đã chết. Không ai có thể tưởng tượng được, Ritchie sống lại và mang theo câu chuyện diệu kỳ mà ông trải nghiệm trong giây phút trái tim đã ngừng đập, khi mà mọi dấu hiệu của sự sống không còn.

Những điều George Ritchie kể lại sau khi sống dậy đã làm các bác sĩ trong bệnh viện kinh ngạc. Điều kỳ lạ đáng lưu ý là những gì Ritchie đã kể và ghi chép lại trong tập nhật ký trong 9 phút chết đó về sau đều được chứng minh là có thực.

Một năm sau, Ritchie trở về trại Barkeley và được gởi sang Âu Châu để phục vụ tại một bệnh viện quân y. Trên đường xe đã chở Ritchie đi ngang qua thành phố mà một năm trước trong khi bị coi là đã chết, Ritchie đã tới. Tiệm bán bia, tiệm cà phê, cây cầu dài bắc qua sông, những con đường, những bảng hiệu, cả cái buồng điện thoại năm xưa… tất cả đều có thật trong thực tế. Đó là thành phố Vicksburg thuộc tiểu bang Mississipi, nơi mà chưa bao giờ George Ritchie đặt chân đến.

George Ritchie sau này trở thành Viện trưởng Viện tâm thần học ở Charlotsville, bang Virginia Hoa Kỳ, và suốt đời ông không thể nào quên rằng mình đã có lần chết đi sống lại, cũng như không thể nào quên các cảnh giới lạ lùng ở bên kia cửa tử.

Giáo sư Bác sỹ George G. Ritchie mất vào ngày 29/10/2007 tại nhà riêng ở Irvington, Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 84 tuổi.

“Cái chết chẳng qua là một ô cửa, là một cái gì đó mà bạn bước qua” – George Ritchie

17 July 2011

Thơ Lãm Thuý


 
Có lần , LT đọc bài thơ " Bài Mỵ Nương " của thi sĩ Lan Đàm, mang máng nhớ rằng mình cũng có bài thơ nói về chuyện tình ảo vọng ấy , nhưng tìm chưa ra , nay tình cờ tìm thấy , xin được gửi tặng Nhà thơ Lan Đàm , như một tri ân . (LT)
Đàn xưa còn vọng


Mỵ Nương còn tiếc một đời
Giá lầu vọng nguyệt cứ ngồi chờ trăng
Cứ tương tư mãi giọng đàn
Gặp nhau chi để mộng tàn tình phai
Sông trăng lạnh, Trương Chi ơi !
Đàn chi thổn thức tim người lầu hoa
Ngưng đàn cho lệ người sa
Mong đàn,vóc liễu, thân ngà héo hon
Lòng xuân nữ, ước mơ cuồng
Sống không gặp được, chết còn tương tư
Mỵ Nương héo hắt, vật vờ
Hồn trên sóng nước, thân bờ tử sinh
Mơ đàn, tưởng bóng Tràng Khanh-

Tưởng ai Tống Ngọc mới đành dạ yêu
Trương Chi áo rách, đò nghèo
Tả tơi nón cũ, thân tiều tụy sang
Mỵ Nương trông thấy, ngỡ ngàng
Thôi mơ đàn cũ, mộng tàn, sầu nguôi
Trương Chi ơi ! Mộng tan rồi !
Giữ làm chi mãi bóng người thiên kim
Chi cho phách lạc, hồn chìm
Nặng cơn tâm bệnh, hồn thiên cổ về
Tiếng đàn đã bặt canh khuya
Lầu hoa thôi đợi, đường chia nẽo trần
Tâm sầu, một khối không tan
Chén xưa in bóng ai đàn, thuyền trôi…
Lệ rơi vỡ chén tiên rồi
Đàn xưa còn vọng nghìn đời dư âm.

5/9/01
LÃM THÚY


Truong Chi
(Oil on canvas by A.C.La)

Nhớ Lâm Thành Hổ đọc chuyện đồng quê của anh

Cá Kèo

Để đợi cơm chiều, vài người ở trần bận quần xà lõn ngồi trên giường tre cùng nhau đưa cay bằng dĩa khô cá kèo nướng. Loại khô muối lạt lạt, phơi dốt dốt vừa một hai nắng, đem nướng thấy nó tươm mỡ mướt rượt bắt thèm. Hay là bắt mấy con cá kèo tươi nhảy soi sói rồi lấy cọng lạt dừa lụi từ trên miệng xuống giữ cho nó thẳng, để khi nướng chín hông bị gãy, đem cập gắp nướng than hồng hay nướng rượu đế, xoay qua xoay lại, nó cũng tươm mỡ nhễu xèo xèo, nhìn thấy đố ai mà hổng muốn “vô” một chút cho ấm lòng.

Đó là vài cách ăn uống bình dân của những con người bình dị ở quê tui.

Cá kèo? Thuở giờ có ai siêng mà nói tới nó. Nó thấp kém và bị chê là “hạng cá kèo” trong nhiều trường hợp.Vậy mà sau này, nhờ cuộc cách mạng toàn diện biến quỉ thành người người thành quỉ, bo bo thành cao lương, đuôn dế cào cào châu chấu thành mỹ vị, thì bà con nghĩ coi, con cá kèo của quê tui cũng có giá lắm chớ? Nhứt là khi cần đi xóa đói làm giàu trong quán ăn, người ta cứ nhắc tới “Cá kèo kho gợt”. Vậy nên tui cần phải đem con cá kèo quê mùa đi đọ sức với dế cao cào mới được. Đại khái có mấy chuyện lặt vặt như sau đây.

Trước hết là:

1. Cá Kèo sống ở đâu:

Nhiều người cứ tưởng ở vùng Bạc Liêu Cà Mau mới có cá kèo. Thiệt sự thì cá kèo sống trong vùng đất liền nước lợ dọc bờ biển Nam Phần VN, nên Trà Vinh cũng là xứ của cá kèo. Bà con tui đôi khi gọi nó là cá bóng kèo. Bởi vì thấy nó sống chung hòa bình với các loại cá bóng khác như: bóng cát, bóng sao, bóng dừa, bóng trứng. Chúng sống trong vùng phù sa non quanh đám dừa nước, gốc đước, buôi tràm,vũng nước, thửa ruộng ven sông, v.v.., nhưng đông nhứt là trong mấy cái trãng cạn, trong láng nước vắng vẻ ít cây cối. Chỗ nào bùn cứng và đầy rể cây thì nó né xa. Nó thích phù sa mỡ gà, mềm uồi, cho dễ đào hang, và dường như nó cũng ăn luôn lớp phù sa mịn và bổ như kem hay bột sắn này được lắng lọc nhiều lần qua mấy ngàn cây số đường trường của nước sông Cữu Long ngọt lịm. Cứ lội xuống cái láng mênh mông, khi nước đứng trong veo, sẽ thấy rỏ mồn một nó ùa nhau chạy lẹ như tên, đen nước, để lại từng sợi bùn phía sau như máy bay phản lực phun khói. Nhưng bước chân mình đặt tới đâu thì chúng biến mất tới đó. Chúng chui hang rất nhanh. Nhìn kỹ sẽ thấy muôn ngàn cái lỗ nhỏ bằng ngón tay. Muốn bắt phải có tay nghề khá vững, phải biết thụt hang chận ngách và lanh tay. Lạ một cái là trong bầy cả ngàn con như vậy, con nào cũng bằng con nấy, hổng biết chúng nó được sanh ra ở vùng giao trời giáp nước nào mà khi nó vô đất liền định cư thì y như là chung một mẹ cùng một lứa. Còn điều nữa là, trong khi các loại cá bóng trứng, bóng cát, bóng dừa đều có trứng thì đố ai nhìn thấy trứng cá kèo ra sao. Bù lại cá kèo có bộ đồ lòng với cái gan vàng lườm, khỏi chê. Chúng di chuyển lên đất dường như vào đầu mùa mưa, cho tới lúc mùa rong thì đã thấy hằng hà sa số.

Chắc có vị thắc mắc tại sao kêu nó là cá kèo, bộ nó giống cây kèo nhà? Hổng phải vậy đâu. Cột, kèo, đòn giông, đòn tay, rui, mè trong cái sườn nhà hổng có cái nào nói lên hình dáng con cá kèo hết. Chỉ có con sẻ là giống y chang. Con sẻ là cái cây tròn lớn hơn ngón tay, dài hơn gang để khóa đầu cột với đầu kèo với nhau. Bởi vậy, hổng có con cá nào có hinh hài gọn hơ, trụi lũi, trơn lùi, hiền hậu như con cá kèo. Kỳ, vi, mang, vảy của nó rất mịn rất mềm, muốn chụp nó đầu nào hay muốn hốt cách nào cũng hông sợ đâm tay.

2. Bắt cá kèo:

Bắt cá kèo bằng tay thì thiệt là trần thân. Vì đất mềm quá, thụt ngón tay vô hang thì bị mất cảm giác, thấy chỗ nào cũng là hang, ngón tay đi ngọt sớt cả thước mà chưa đụng nó. Cho nên cách bắt thông thường là đặt lọp hay chà-ngôm đón khe nước từ đám rừng dừa nước, từ trên ruông hay trãng chảy ra, lúc trời mưa hay nước ròng. Ngày giở nhiều lần, dư ăn, dư bán. Nhưng có lối bắt cá kèo qui mô nhứt là đặt nò. Nò dùng để bắt nhiều loại cá, nhưng khi tép bạc và cá kèo chạy thì cái nò bị tràn ngập bởi hai thứ này.

Đất rừng vùng duyên hải quê tui như nằm trong lưới sông rạch do những nhánh sông từ Cổ Chiên, Hậu Giang đổ vô, phân ra không biết là bao nhiêu rạch, ngòi, xẻo và kinh đào đan nhau chằng chịt. Như giữa sông cái Cổ Chiên mênh mông, rộng đôi ba cây số, người ta đóng đáy giăng hàng ngang từng 5, 7 miệng, rồi tới hàng khác rải dài ra tới biển. Đáy ở biển gọi là đáy hàng khơi. Đóng dáy chỉ cần hai cột chánh. Miệng đáy và bọng đáy đều làm bằng lưới. Nò thì ngược lại, tất cả làm bằng cây. Trong các rạch nhỏ, người ta thấy toàn là nò. Còn cái vó thì có vẽ bắt mắt với khách bàng quan, đi du lịch, thích chụp hình, làm cảnh, nhưng nó hấu như vô tích sự ở đây. Cái vó thích hợp cho dòng chảy lờ đờ, lâu lâu kéo lên được chút ít cá tôm. Đặt nò, công phu hơn, nhưng cũng dễ ăn hơn.

Nò là gì?

Trong rạch rộng chừng 10 thước trở lên người ta có thể đóng giàn nò. Tùy chỗ có mương xẻo nhiều hay ít mà đóng nò, có khi 5, 7 trăm thước hay cả cây số có một cái. Nò có 2 phần chánh: miệng nò hình chữ V, hướng vìa phía thượng lưu để hứng cá. Nhưng chính yếu là số lượng cá tôm từ mương xẻo trút ra ở từng đoạn song. Miệng nò không thể bít hết sông, phải nép một bên, chừa khoảng trống cho ghe xuồng người khác qua lại. Cái nò chính có hình ống bự cỡ 2 ôm và cao đôi ba thước, bện bằng tre cật, như bộ giạc giường cuốn tròn. Dọc theo chiều dài là hom. Một cái nò có thể chứa đôi ba giạ cá, tép. Tùy con nước, người ta cần ngủ giữ hay không. Phía trên nò có sàn nò và cái chòi đục mưa.

Cũng như tép bạc, mùa cá kèo chạy là mùa mưa. Bình thường mùa khô mấy cái nò chỉ hứng được cá tạp như cá đối, cá ngác, cá út, cá lăng, cá bóng, cá xạo, cá mao, cua, lịch, tép và một ít cá kèo. Còn tép hay cá kèo chạy là gì? Hầu hết người làm nò thường có một lãnh địa nho nhỏ: vạt rừng, thửa ruộng, miếng láng, v.v.nằm phía trên miệng nò. Vào mùa mưa người ta đóng bao ngạn để giữ nước và cá tôm lại trong đó. Dân quê tui kêu đó là đập. Đó cách nuôi tôm, nuôi cá nương theo môi trường thiên nhiên. Thỉnh thoảng có mưa lớn, người ta xả nước từ từ, dùng cha-ngôm bắt số lượng nhỏ, bán lai rai. Rồi tới cuối mùa rong, cá tới lứa, đợi khi có mưa lớn thì coi như tổng càng quét. Bờ bao ngạn được phá ra, nước tuôn ào ào ra rạch mang từng luồng cá kèo ra theo. Bà con tui kêu là “chắt đập” Cả gia đình phải tham chiến. Ghe lớn ghe con được trưng dụng. Một dịp có thêm chút tiền.Rồi lâu lâu chắt đập lần nữa.

3. Biến chế thức ăn:

Cá kèo làm được nhiều món ăn lắm. Đơn giản nhứt là đem nướng như đã nói ở trên. Dân chợ có vỉ sắt đặt cá lên nướng. Ở quê, suốt ngày có bếp lửa của chão cháo heo hay kháp rượu, chỉ cần cái nhánh tre tươi chẻ đôi, bắt cá kèo lụi lạt cà-bắp đem cặp gấp nướng than. Đặc biệt hông có ai làm mắm cá kèo bao giờ. Cách nấu thì nhờ thịt hông xương và rất ngọt nên có vô số cách, tùy ý từng người. Hoặc nấu canh bí, canh bầu. Hoặc nấu canh rau tập tàng bỏ vô sả ớt và nêm mắm mà đồng bào Khmer của tui kêu là canh xim-lo. Hoặc kho mắm ăn và rau hay nấu nước lèo bún. Bà con thiệt thà lắm, thường chỉ biết nước lèo bún nấu bằng cá lóc, nếu dì nào nấu bằng cá biển hay cá kèo thì dì cho hay trước, để cho người ăn tránh được bịnh…ngứa do chất “phong” của cá biển gây ra. Nếu kể ra hết cách nấu cá kèo thì tốn giấy lắm. Nhưng tôi phải kể ra một chút mẹo vặt vìa cách mần cá kèo.

Mẹo vặt làm cá kèo:

Con cá kèo nhớt nhiều, rất trơn khó bắt, khó làm. Có người hốt bụm tro hay mạc cưa bỏ vô chà sát. Có người mài từng con trên nền cát cứng hay nền xi măng. Có người dùng lá duối, lá tre. Mọi cách dở ẹt. Chỉ có lá chuối là độc chiêu trị nhớt cá kèo. Tuốt một nắm lá chuối tươi, đem vô xé nhuyễn rồi vò cho dập nát, bỏ vô thau trộn chung với cá kèo, hông cần mạnh tay, chà sát cho đều chừng 5 phút, xong lựa cá ra rửa. Như một phép mầu, con cá sạch trơn, rít trịt, còn nguyên kỳ vảy. Đã vậy chớ. Rối mặc sức kho hay nấu.

Trở lại món ăn cá kèo, tui muốn nói tới món ruột mà tui nhớ muôn đời, thèm muôn thuở, đó là:

Cá kèo kho tộ

Kho tộ hay kho bằng cái ơ cũng vậy. Cá làm sạch chỉ cần cắt bỏ cái mỏ va đuôi, hông cần móc ruột, ai ăn cá kèo bỏ ruột là quá thiệt, rồi khứa đôi, khứa làm sao cho cái bụng còn nguyên. Kho cho thiệt già lửa. Kho lửa thứ hai càng ngon hơn. Thịt cá cứng còng. Bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm. Có khi thêm ít tóp mỡ. Ăn với cơm thật nóng, một món thôi, thêm chút ớt hiểm, ăn cũng đổ mồ hôi trán. Nếu có nồi canh chua ca ngác, ca lóc hay cá trê trắng v.v. thì xin miễn mô tả thêm, nhớ quá! Hoặc nấu cháo trắng gạo lúa mới cho đặc đặc, vừa quẹt vừa lua, cũng xuất hạn luôn. Người thành thị kỹ lưỡng, ăn cá kèo lừa bỏ xương. Tui chuyên môn nhai nguyên khúc, như kiểu ăn tép hông bao giờ lột vỏ. Còn cái bụng cá, tức là khúc đầu, phải lũm nguyên khúc. Ai mà chê bộ lòng cá kèo thì coi như chưa biết thưởng thức. Còn cái ơ kho, sau khi múc cá ra hết, phải đổ một tô cơm trắng vô ngào trộn thì cơm rang dương châu cũng thua.

4. Cá Kèo Kho Gợt:

Kho Gợt là gì?

Bắt nồi nước lên, nấu cho thật sôi, bỏ vô chút muối, đổ nguyên rổ cá kèo sống vô, cá nhảy rô rô rồi nằm yên, đợi nước sôi lại, vớt cho hết bọt, nhắt xuống, truyệt đối không bỏ hanh ớt tiêu tỏi bột ngọt gì cả. Đó là Kho Gợt.

Có nhiều người tưởng lầm cá kèo nấu canh mẳn với cá kèo kho gợt. Cá biển có 2 loại cá chuyên để nấu mẳn, thật ngon, đó là cá khoai và cá rựa. Cá khoai thịt mền, xương mềm, múp một cái lạ di tuốt. Cá rựa màu trắng giống cá hố, nhưng ngắn lắm, thịt toàn là xương, dầm cho nó nát ra, chan nước làm canh ngọt chưa từng. Gia vị nấu mẳn thường là muối, ớt và hành lá đâm nhuyễn. Hông có cà chua rau thơm gì ráo. Khi ăn nặn thêm chanh. Ăn luôn nước. Cá kèo nấu mẳn có thể làm sạch hay để luôn nhớt.

Nhưng cá kèo kho gợt lại là món đặc biệt của dân duyên hải. Nguyên thủy có thể là món ăn liền tại chỗ giữa rừng, như cá lóc nướng trui trên đồng. Nếu gọi là cá kèo luột cũng hổng trật. Bắt nồi nước cho thật sôi, nêm chút muối để tẩy nhớt tẩy bọt, đổ ụp nguyên rổ cá kèo sống vô, 2 phút sau là có món ăn tại “hiện trường”.

Nhưng coi chừng, thấy vậy mà chưa chắc vậy. Phải có chút ít ăn ý, như sau: Cá kho gợt phải là loại cá sống và sạch. Sạch là cái bụng nó sạch. Cá chạy nò là sạch nhứt, vì trong bụng nó hổng còn phân hay cát lảm xảm. Trong khi cá thụt hang thì dơ, phải rọng một hai ngày mới sạch. Thứ hai là nồi nước sôi phải bự, lượng nước nhiều gấp 3, 4 lần cá, để nó có sức nóng không giảm khi trút cá vô. Dĩ nhiên là lửa phải thật lớn. Thứ 3 là, phải đợi nước thật sôi mới đổ cá vô. (Chớ hổng phải có nhiều tay nói rằng đổ cá vô nồi nước lạnh rồi nấu từ từ cho sôi, trớt quơt). Thứ tư là không được nấu lâu quá 2 phút cho cá ra nước ngọt.

Như vậy, đổ cá vô nước đang sôi mạnh, ụp cái rổ lên liền, cá quậy nghe cái rồ rồi nằm yên, bọt nổi lên phập phều, vớt bỏ ngay, chừng một phút thì nhắt xuống. Nấu lâu cá bị lạt và mềm. Rồi ăn làm sao? Đổ bỏ bớt nước, còn lại sệt sệt để húp thay canh, vẫn không nêm nếm gì thêm, hoặc đổ cá chín vô cái rổ cho ráo, chỉ ăn cá không.Thịt cá vừa chín, giòn, ngọt, hết sức nguyên chất. Có thể ăn không trừ cơm hay độn chút cơm cho vui. Làm thêm ba sợi cho thơm râu. Gấp nguyên con, cắn cái đầu múp múp nhả bỏ, còn nguyên con ngốm một cái luôn xương. Hoặc lấy tay nắm cái đầu, dùng đôi đủa kẹp cổ hai bên, tuốt xuống, bỏ xương, khi đầy chén, nhỏ vài giọt nước mắm ròng, chút chanh ớt, lua nguyên chén cho nó vô tận óc o. Đó là cách ăn cá kèo kho gợt nguyên gốc bản quyền Trà Vinh.

Sau này, nhứt là hiện nay, cách “ẩm thực” quái đản này đã được xã hội hóa, văn minh hóa nhiều lắm. Người ta tẩy nhớt ca kèo bằng cách kho gợt, rồi muốn nấu canh chua hay nấu lẩu, thì thêm rau bổi vô tùy thích. Hoặc biến nó thanh lẫu, thành canh chua, mà nêm me, đường, nước mắm hay bột ngọt thật nhiều kiểu người Hà Nội tùy thích..

Khô cá kèo:

Khô cá kèo là món chiến lược, để dành được nhiều tháng và xuất cảng theo qua xứ tỵ nạn của người Việt. Cách làm khô cá kèo thì dễ như làm phân cá. Cá sống đang nhảy tưng tưng đem trút vô khạp nước muối, cá uống muối chết, rồi vớt đem phơi. Cá ít thì phơi trên liếp. Cá nhiều thì phơi bằng đệm. Con tôm khô, muối lạt phơi thật ráo thì mới ngon. Cá kèo hổng cần phơi khô quá, vì đem chiên nó cứng như củi. Để lâu quá sẽ hôi dầu.

Khô cá kèo nướng hay chiên chấm nước mắm me, nhâm nhi hay ăn với cơm đều tuyệt.

Vài lời kết:

Bị cuốn theo dòng thác văn hóa ăn tạp cào cào châu chấu hiện nay của đất nước ta anh hùng, tui mới mạo muội ghi lại mấy điều trên đây, theo sát kinh nghiệm bản thân tui.

Thứ nhứt tui muốn nói cách ăn uống như vậy đã có từ nhiều thế kỷ ở miền Nam. Nó thể hiện tính tình đơn giản mộc mạc của đồng bào tui. Tui muốn đính chánh lời phát biểu trịch thượng của những người mỗi tháng chỉ mua được một lần thịt theo tem phiếu, mỗi bữa cơm phải đặt dĩa bột ngọt làm chuẩn giữa bàn ăn, ngay giữa lòng đất ngàn năm văn vật, mà dám biểu rắng những món ăn như cá kèo kho gợt, cá lóc nướng trui, rùa hấp muối, gà nướng đất sét…là thức ăn “KHAI HOANG NAM BỘ”. Dĩa bột ngọt giữa mâm cơm có phải là thức ăn văn minh của vùng đã khai hoang? Hoang hổng hoang gì ở quê tui cũng còn giữ cách ăn uống đó.

Thứ hai là khi đọc hay xem phim quảng bá về tiến bộ của đất nước VN, tui thấy có trên 90% nói vìa ăn, ăn, ăn. Người ta bị ám ảnh vìa đói ăn gần nửa thế kỷ rồi (1954-1984). Bây giờ ăn bù. Ăn thế cho thế hệ đói khát của cha ông. Ăn tới mướt môi như nhà hàng Quảng Đông. Việt Nam nhờ mấy chú mấy bác mà đẻ ra được một “bản sắc văn hóa dân tộc” mới tinh, văn hóa ăn, mà con cháu của mấy chú trịnh trong kêu là “VĂN HÓA ẨM THỰC’ chưa từng có trong lịch sử nước nhà.

Như vậy tui viết lại cách ăn cá kèo cũng chưa phải là nói lên những ẩn ức của cái đói. Hy vọng đây cũng là một trong hàng ngàn chuyện giải khuây. Vây thì dứt ngheo./.

Hai Quẹo Lâm Thành Hổ
Những ngày phục sinh, 8/2008