31 May 2011

Thơ Như Thương

Dưới lá cờ máu...

Tôi không có dịp đi nước ngoài nhiều, nên không biết ở ngoài người ta có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo hay không. Nhưng nhìn từ góc độ y đức tôi thấy chuyện dành ra một tài khoản và ban bệ chỉ để lo chuyện sức khỏe cho lãnh đạo thật là vô minh.

Thời còn làm trong bệnh viện nhà nước tôi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Thường dân không có thuốc phải nằm chờ chết. Cán bộ cao cấp thì được lệnh mua thuốc ngoại, giá bao nhiêu cũng được duyệt. Thường dân nằm la liệt hành lang bệnh viện. Cán bộ nằm phòng có máy lạnh. Đó là thời 79-85. Nhưng thời nay cũng chẳng có gì khác. Cũng như giữa giàu và nghèo, khoảng cách giữa dân và quan càng ngày càng lớn. Quan thì giàu, dân thì nghèo.

Người ta nói một chuyện làm một chuyện khác. Nói xóa bỏ giai cấp, nhưng lại tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trước. Nói là đầy tờ nhân dân, nhưng trong thực tế là cha mẹ nhân dân. Ngôn ngữ dưới thời XHCNVN không còn ý nghĩa thật của nó nữa.

Sài Gòn có bệnh viện Thống Nhất dành cho lãnh đạo. Nhưng ít ai biết rằng bất cứ tỉnh nào cũng có một khu trong bệnh viện chỉ dành cho lãnh đạo. Phải bao nhiêu tuổi đảng mới được nằm ở các khu đặc trị đó. Tôi không có vinh dự điều trị cho các vị lãnh đạo vì tôi đoán lý lịch của mình không “sạch” mấy (do học y thời trước 75). Nhưng tôi được biết đồng nghiệp điều trị cho các lãnh đạo than trời lắm. Họ nói các vị lãnh đạo coi bác sĩ chẳng ra gì, đối xử với bác sĩ như là cấp trên và cấp dưới. Chán lắm. Bực tức lắm. Nhưng nhiệm vụ và y đức thì phải làm, chứ chẳng ai ham làm trong các khu đặc trị cho lãnh đạo cả.

Thật ra, mấy khu đặc trị là những khu nguy hiểm trong bệnh viện. Dù trang bị tốt hơn các khu khác, nhưng tử vong vẫn cao trong mấy khu đặc trị. Lý do đơn giản là bác sĩ chẳng dám quyết định gì cả. Cái gì cũng hỏi cấp trên. Có lẽ nhiều người không biết, nhưng có ca phải hỏi ý kiến … cấp ủy. Không có hệ thống y khoa nước nào quái đản như nước ta, bác sĩ xin ý kiến cấp ủy để điều trị! Có cụ bị để nằm cho đến chết vì chẳng ai dám quyết định, ai cũng sợ trách nhiệm. Có lần tôi tham dự hội chẩn về một trường hợp và bị ám ảnh lâu dài về hệ thống y tế dưới thời XHCN. Ông cụ không phải là cán bộ cao cấp, nhưng là bố của một ông thứ trưởng, nên cũng được nằm khu dành cho lãnh đạo. Ông cụ bị cao huyết áp và tiểu đường, bệnh rất hay gặp. Người ta hội chẩn mãi, xin ý kiến mãi, thậm chí ông thứ trưởng bay vào Sài Gòn thăm bố. Chẳng ai dám làm gì! Ba tuần sau, ông cụ qua đời. Chính cái hệ thống phân biệt đối xử và giai cấp làm cho ông cụ chết.

http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/anhtu1/nguoi-ngheo1294_400.jpgChính cái hệ thống đó đang giết người dân nữa. Đọc blog thấy có tin Thanh Hóa “đầu tư xây dựng trụ sở Ban Bảo vệ – Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Thanh Hóa“. Có cái gì ghê tởm ở đây. Chúng ta biết rằng người dân Thanh Hóa đang đói. Gần 250.000 người đói. Vậy mà người ta thản nhiên xây tập trung tiền bạc vào việc chăm sóc sức khỏe cán bộ!

Thử nhìn qua hai hình dưới đây để thấy bản chất của chế độ:
[Thanh Hóa ]
http://www.mof.gov.vn/portal/pls/portal/docs/1216282.JPG

Đâu chỉ Thanh Hóa mới lo chăm sóc sức khỏe cán bộ. Trung ương cũng thế. Chẳng những huy động, mà còn huy động toàn hệ thống. Thử đọc bản tin Huy động sức mạnh của toàn hệ thống trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thì biết người ta muốn gì. Đọc bản tin đó gần chục lần tôi vẫn không giải thích được tại sao người ta lại vô cảm, ngạo mạn, ngang nhiên, trắng trợn như thế.

Trong khi bệnh viện các cấp quá tải, trong khi hai ba bệnh nhân phải nằm chung giường, trong khi bệnh nhân nằm ghế bố la liệt ngoài hành lang, mà có một giai cấp ngang nhiên huy động toàn hệ thống để chăm sóc cho một nhúm cán bộ đảng viên. Họ xem bệnh viện, bác sĩ, y tá, chuyên gia như là tài sản của riêng họ, muốn làm gì thì làm. Không hiểu trong lịch sử nước nhà, đã có một giai cấp thống trị nào chẳng những bất tài mà còn tàn nhẫn với người dân như hiện nay. Tìm hoài trong cổ sử mà chưa thấy. Tạm thời có thể nói đảng viên là giai cấp tàn nhẫn nhất với người dân trong lịch sử Việt Nam?

BS NGỌC

http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/anhtu1/nguoi-ngheo1294_400.jpg
(Lê Minh giới thiệu)

ĐS 14


Tứ Nhân Bang Đốc Sự 14, Bắc California
Từ trái: Nguyễn Đăng Độ, Nguyễn Thái Hùng, Hà Hải Sơn, Đinh Ngọc Tề
(Nhân đám hỏi thứ nam của NTH - Hình do TeHong)

30 May 2011

Để suy gẫm


Cần dọn dẹp cho trống để những tươi mới có chỗ đến với đời bạn

29 May 2011

Tin đặc biệt

Giặc Tàu xâm phạm lãnh hải Nước Việt

Mai Thanh Hải Blog - "Sáng hôm qua (26-5-2011), Tàu Hải giám của Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Việt Nam, sâu vào lãnh hải gần vùng biển Khánh Hòa - Phú Yên. Những tàu Trung Quốc này đã tấn công và phá hoại các thiết bị thăm dò dầu khí của PetroVietNam, gây thiệt hại rất lớn" - Đó là nội dung vừa được phát trên Bản tin Thời sự, VTV1 buổi trưa ngày hôm nay (27-5-2011).

Bản tin này còn có phần trả lời phỏng vấn của 1 Phó Tổng Giám đốc PetroVietNam về nội dung sự việc và cực lực phản đối hành động nghiêm trọng của Hoa Lục.

VTV1 tuyên bố: "Đây là hành động ngang ngược nhất của Trung Quốc, từ trước đến nay"

**

VTV - Sáng nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ra tuyên bố lên án và phản đối mạnh mẽ hành động của phía Hoa Lục phá hoại thiết bị khảo sát địa chất trên tàu Bình Minh 02 và xâm phạm vùng lãnh hải của Nước Việt  trên biển Đông.

Theo ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, vào hồi 5h58 sáng qua (26/5), ba tàu Hải giám của Hoa Lục đã xâm phạm vào sâu trong vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của Nước Việt 84 hải lý để phá hoại thiết bị thu sóng siêu âm của tàu Bình Minh 02.

Kể từ ngày 17/3 vừa qua, tàu Bình Minh 02 bắt đầu thực hiện việc thăm dò địa chất để tìm kiếm dầu khí tại lô 125, 126, 148 và 149 thuộc bể Phú Khánh, cách Mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 146 hải lý. Vào hồi 5h sáng qua, ba tàu Hải giám của Hoa Lục đã chạy với tốc độ lớn vào thẳng khu vực tàu Bình Minh 02 đang hoạt động, mặc dù được các tàu của Nước Việt cảnh báo và Tàu Bình Minh 02 đã hạ thấp thiết bị là một đoạn cáp dài 10 km từ 8m cách mặt nước xuống sâu hơn 30m. Tuy nhiên, tàu Hải Giám của Hoa Lục đã dùng thiết bị chuyên dụng và có chuẩn bị sẵn để cắt đứt đường cáp này của tàu Bình Minh 02 ở đoạn cách tàu khoảng 3 km.

Vị trí tàu địa chấn Bình Minh 02 bị ba tàu Hải giám Hoa Lục phá hoại. (Ảnh: TTXVN)

Công sản vùi dập, chúng ta tôn kính

Một đại tá VNCH chôn dưới cột cờ

Thêm một mộ tập thể 47 tử sĩ VNCH những ngày cuối cuộc chiến.



Đại-tá Nguyễn Hữu Thông
Trung Đoàn Trưởng 42 BB – SĐ 22 BB
Tự sát 31-3-1975 tại Qui Nhơn.

QUY NHƠN - Trong những ngày cuối của cuộc chiến, có một vị đại tá trung đoàn trưởng đã không chịu xuống tàu chạy loạn mà chịu ở lại với lính, và dùng súng tự sát. Xác ông được chôn trong một ngôi mộ tập thể khổng lồ, dưới chân cột cờ bên ngoài Quân Y Viện Quy Nhơn, trong đó có 47 thi hài tử sĩ. Câu chuyện này được một hạ sĩ quan pháo binh kể lại, đồng thời gợi lại ký ức đau buồn nơi một vị bác sĩ hiện đang hành nghề ở New York.

Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng TrÐ 42/SÐ 22BB, tự sát vào cuối tháng 3, 1975 bị chôn trong nấm mộ tập thể tại Quy Nhơn.

Vào đầu năm 1975, anh Dương Công An nguyên là một hạ sĩ quan Pháo Binh thuộc tiểu đoàn 223 Pháo Binh, nay anh đang sống tại Ðức. Anh An cho biết, vào những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1975, đơn vị của anh bị tan hàng trên bờ biển Quy Nhơn, anh và một số anh em binh sĩ khác đã lẩn trốn nhiều ngày trong Quân Y Viện Quy Nhơn.

Ở đấy, khi đó chỉ còn có một bác sĩ duy nhất, là Trung Úy Nguyễn Công Trứ. Ông Trứ hiện là bác sĩ quang tuyến tại một trường đại học ở New York. Khi tin về nấm mộ tập thể tại Quân Y Viện Quy Nhơn được tôi đưa lên net, nhiều người đã điện thoại cho Bác Sĩ Trứ. Những cú điện thoại này nhắc nhở cho ông quá nhiều chuyện kinh hoàng trong quá khứ, khiến ông nhiều đêm mất ngủ.

Sau nhiều lần gọi và nhắn trong máy là chúng tôi sẽ gọi lại, Bác Sĩ Trứ mới bốc máy. Ông kể, vào những ngày sau cùng, một buổi sáng ông được tiếp Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 42 đi trực thăng đến thăm Quân Y Viện. Thấy tình cảnh y chỉ còn một bác sĩ và hằng trăm thương binh trong tình trạng thiếu ăn, thiếu thuốc, cũng như nhiều thương binh chết chưa được chôn cất, Ðại Tá Thông đã khóc trước mặt Bác Sĩ Trứ.

Và chỉ một ngày sau đó, Quân Y Viện tiếp nhận một tử thi nữa, và đó chính là tử thi Ðại Tá Thông. Binh sĩ đưa xác ông tới, và cho biết ông đã tự sát. Nhiều nguồn tin sau này cho biết, Ðại Tá Thông đã từ chối xuống tàu vì binh sĩ dưới quyền ông còn kẹt lại quá nhiều, không di tản được.

Khi đó, tại quân y viện này, có cả hàng trăm bệnh nhân cho một mình Bác Sĩ Trứ. Ðồng thời cũng có rất nhiều binh sĩ tử trận được mang về nằm từ trong nhà xác và rải rác ra khắp hành lang. Các thi hài tại nhà xác QYV đã bốc mùi, và chó đã vào nhà xác ăn, gặm các tử thi này, nên Bác Sĩ Trứ đã nhờ khoảng 20 anh em quân nhân còn sức khỏe phụ với Bác Sĩ Trứ đào một huyệt mộ rất lớn dưới cột cờ, gần khu quân xa của Quân Y Viện.

Ở đây gần biển các nên việc đào đất tương đối dễ dàng. Ðầu tiên là những tử sĩ đã được khâm liệm trong quan tài có phủ quốc kỳ được sắp xuống trước, tiếp theo là những người chết nằm trên băng ca được đặt lên trên những quan tài, cứ thế mà sắp xếp. Tất cả là 47 thi hài tử sĩ, trong số này có Ðại Tá Thông, là cấp chỉ huy trực tiếp của anh An.

Lúc bấy giờ Saigòn chưa thất thủ, ngay cả sinh mạng của anh em binh sĩ bại trận cũng không biết sẽ ra sao nên sự việc chôn cất anh em tử sĩ lúc đó chỉ được thực hiện rất sơ sài hầu như là lén lút và vội vàng. Sau đó vài ngày tất cả bị bắt làm tù binh.

Anh An cho biết câu chuyện đã đeo đuổi theo anh suốt bao nhiêu năm nay, tâm nguyện của anh là ước sao, có ai đó, có khả năng để cải táng được ngôi mộ tập thể này, đó cũng là dịp mà mình an ủi được phần nào linh hồn của những tử sĩ này, nhưng những hy vọng càng ngày càng bị thu nhỏ lại, vì qua tin tức báo chí đất đai ở Việt Nam đã bị lạm dụng xây cất bừa bãi, hay khu đất này thuộc phạm vi của bộ đội Cộng Sản thì không thể làm gì được.

Khi VC vào Quy Nhơn, họ bắt Bác Sĩ Trứ. Nhưng ông không chỉ bị bắt làm tù binh, mà còn bị buộc tội làm việc cho CIA vì mọi người đi hết sao chỉ còn một mình Bác Sĩ Trứ ở lại. Trong Quân Y Viện lúc ấy, có một lính Việt Cộng bị thương được một đơn vị đem gởi điều trị, nhưng lại bị khóa tay vào thành giường, Bác Sĩ Trứ không có chìa khóa mở còng nên nhóm vc càng căm thù Bác Sĩ Trứ. Ông bị tù 4 năm 11 tháng, ra tù ông vượt biển đến Mỹ từ năm 1981, lúc còn độc thân, hiện nay đã có ba con theo học đại học....

Trong những ngày qua, có nhiều điện thoại hỏi đến ông về câu chuyện cũ gần 36 năm về trước khiến cho ông có nhiều đêm bị mất ngủ vì những cơn ác mộng. Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ nói rằng ông đã làm theo lương tâm và với tình đồng đội, đã chôn 47 tử sĩ dưới chân cột cờ của Quân Y Viện. Ông đã nhiều lần về lại Quy Nhơn, qua lại trước khu Quân Y Viện cũ, ngày nay đã là doanh trại của bộ đội Cộng Sản, mà không thể làm gì hơn.

Tin về ngôi mộ tập thể cũng đến tai bà quả phụ cố Ðại Tá Thông, nhũ danh Phùng Ngọc Hiếu. Liên lạc được qua điện thoại hôm Thứ Năm, bà cho biết mấy ngày hôm nay, nhiều bạn bè đã chuyển cho bà về tin tức ngôi mộ tại Quân Y Viện Quy Nhơn, cũng là nơi yên nghỉ của Ðại Tá Thông.

Từ 35 năm nay, bà cũng nghe nhiều tin tức về chồng và bà cũng có nghe tin ông tự sát. Bà cũng đã về Quy Nhơn tìm kiếm nhưng không có tin tức, và không biết xác ông được chôn cất ở đâu. Bà kể, trước khi mất liên lạc, Ðại Tá Thông có liên lạc với vợ và than phiền rằng trung đoàn của ông đang chiến thắng, vì sao lại có lệnh rút bỏ Pleiku.

Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông sinh năm 1937, nguyên quán tại Thạch Hãn, Quảng Trị, tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Ông được vinh thăng đại tá năm 1972. Hiện nay bà quả phụ cố Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông cư ngụ tại Sacramento và ông bà có 5 người con đã thành đạt.

(Nguồn:  Diễn Đàn Tị Nạn Việt Nam)
(TĐ giới thiệu)

28 May 2011

Hải tặc bị xét xử

Tòa án Nam Hàn tuyên án tù 4 hải tặc Somali

Một hải tặc Somali đã bị một tòa án Nam Hàn phạt tù chung thân sau khi bị tuyên án mưu sát thuyền trưởng chiếc tầu hàng bị cướp.

Mahomed Araye là một trong nhiều người đàn ông Somali đã bị bắt giữ vào tháng Giêng trong cuộc bố ráp do đội đặc nhiệm Nam Hàn thực hiện nhằm giải thoát chiếc tầu hàng bị hải tặc bắt giữ trên Biển Ả Rập.

Một người khác bị phạt 15 năm tù giam và hai người khác nữa bị 13 năm.

Vụ xử đánh dấu lỗ lực của Nam Hàn, một trong những nước có tầu qua lại trên biển nhiều nhất, nhằm trừng phạt cướp biến quốc tế. (TTR trích dịch từ BBC)
**

Lời bàn: Phải vậy mới được. Hải tặc mà lộng hành, đời sống mất vui. Bọn cầm quyền Bắc Kinh cũng đang chủ trương một thứ hải tặc ở Biển Đông chống đồng bào Việt chúng ta đánh cá ở đây. Hà Nội thì câm miệng như những con hến!

27 May 2011

Nhìếp ảnh

PPS dưới đây do Hương Kiều Loan thực hiện với những bức hình chụp do chị săn được, rất đẹp. Mời quý anh chị rỉ rả thưởng thức cuối tuần.

Thơ Dương Quân

Tôi nghe nói có người quả phụ khóc chồng 10 năm đã lòa đôi mắt.
Tôi viết vội bài thơ ngắn sau đây để ca tụng gương thủy chung. (DQ)

Thư ngỏ của Nhạc Sĩ Tô Hải

kính gửi Đại biểu Quốc hội Trương Tấn Sang

Trước tiên, cho phép tôi được chép nguyên văn câu nói này của ông, mà tôi đã ghi trong sổ tay như đã từng ghi những câu “Độc lập mà dân không có Tự Do thì Độc Lập cũng vô nghĩa”, hoặc “Tự do là phải cho dân được mở miệng”, hoặc “Dân bầu ra chính phủ thì dân cũng có quyền đuổi chính phủ”, hoặc “Tôi chỉ có một đảng là ĐẢNG VIỆT NAM”… (của ai chắc ông thừa biết). Đó là câu ông đã nói khi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử:

“Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi “canh. Nay thì nhiều con sâu lắm!Nghe mà thấy xấu hổ”! Không nhẽ cứ để mãi như vậy mai kia, người “ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết! Thế đâu “có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi! Một bầy “sâu là chết cái đất nước này!…

Thưa ông,

Những lời nói của ông dù chỉ là ứng khẩu trong cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đối với tôi là những lời thật thà, tâm huyết nhất mà tôi đã được nghe từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sinh thời… Từ đó đến nay, mặc cho các cuộc vận động “noi gương và làm theo” ông Cụ nhưng cho đến hôm nay, cả “bầy sâu” từ xã đến Tỉnh đến Trung ương ngày càng làm… ngược lại!

Những con số vụ dân oan về đất đai ở nông thôn, những vụ đình công liên tiếp của công nhân ở các khu công nghiệp, những vụ tham ô, lãng phí đến trăm, ngàn tỷ của các tập đoàn nhà nước, những vụ tham ô, lừa đảo ngay ở các ngân hàng và gần đây ở ngay thị trường chứng khoán, những vụ công an đánh chết người… dù sâu sát mấy đi nữa, cũng không chỉ là một bầy sâu như ông nói đâu, thưa ông! Theo tôi, tất cả bọn này đã trở thành những con vi-rút đang gieo dịch bệnh chết người cho mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống cho cái đất nước này! Vậy thì, đã nhìn nhận ra, đã nói ra trước cử tri; cả nước, cả thế giới đã nghe, đã bình luận, thậm chí đề cao ông là “tuyệt vời”…

Không những thế, ngay trước bầu cử, các ông đã cho phép mở ra ngay tại Trung tâm lý luận của Đảng một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề xưa nay rất tế nhị “Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”với sự tham gia của rất nhiều các nhà lý luận đầu ngành, có tiếng nói khá “nặng cân”mà nhiều cái tên như Bùi Tất Thắng, Dương Văn Ngọc, Vũ Văn Phúc, Dương Phú Hiệp, thiếu tướng Lê Văn Cương… không phải chỉ được mời đến để…”4 kiên trì”

Tiếp theo, lại là hội nghị mổ xẻ các Tập đoàn kinh tế, các “quả đấm thép”của Kinh Tế Nhà nước ngày 20 tháng 5 vừa qua ở Hà Nội, một dịp để nhiều nhà lý luận chỉ muốn nói lên một câu rất cơ bản như của mấy vị giáo sư, tiến sỹ… đã được đưa công khai lên báo cũng đủ trả lời cho câu hỏi “TĐKTNN (tập đoàn kinh tế nhà nước) – Tồn tại hay không nên tồn tại?”

Hai cái hội nghị khoa học này lẽ nào lại “tự phát” nếu không có sự đồng ý của ông cùng một số nào đó trong Bộ Chính trị?

Chưa có những kết luận chính thức nhưng chỉ riêng các lời hứa hẹn và tuyên bố của một số ông khi tiếp xúc với cử tri vừa qua cùng hai hội nghị cực kỳ quan trọng và tế nhị xưa nay chưa từng có này đã làm tôi thấy nhen lên trong lòng một đốm lửa của lòng tin ở “thế hệ trẻ” trong chính trường mà ông có thể là người đại diện.

Bởi thế tôi xin đề nghị ông:

Trên cương vị mới, nhỏ nhất là Đại biểu Quốc hội, to nhất là chủ tịch Quốc Hội hay Chủ tịch nước, ông hãy mạnh dạn đấu tranh để:

1-/ Trước tiên phát huy dân chủ ngay ở Quốc hội nghĩa là: TRẢ LẠI CHO QUỐC HỘI CÁI VỊ TRÍ LÀ CƠ QUAN QUYỀN LỰC CAO NHẤT NƯỚC.

Ở đó mọi đại biểu, thay mặt nhân dân đều có quyền không cho bất cứ ai, bất cứ tập thể nào được phép trở thành “sâu”, thành “đàn sâu” mà không bị trừng trị! Lập pháp phải có quyền “bãi nhiệm” bất cứ ai. Tư pháp phải có quyền từ bỏ tù đến xử tử bất cứ ai!

Không có một lực lượng nào có thể đứng trên Quốc hội!
Không có một vấn đề gì của quốc gia mà đại biểu nhân dân nêu ra lại bị gạt phắt đi với câu trả lời “Đây là chủ trương lớn của Đảng!”.

Không có một ai sai lầm trong quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng mà lại được trả lời trước Quốc hội là “Bộ Chính trị không chủ trương thi hành kỷ luật ai”!?… Phải chấm dứt tình trạng nhiều vị vẫn cố tình vận dụng câu “Đảng ta là Đảng cầm quyền” nên dựa vào Đảng để chối tội là “Việc này, việc kia chúng tôi đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư…”, để rồi từ con sâu trở thành “bầy sâu” như trong mấy vụ động trời toàn thế giới mấy năm qua.

2-/ Đẩy mạnh nhiều hơn nữa vai trò Quốc hội giám sát chính quyền. Quyết không giao chính quyền cho những tên vô tài bất tướng. Không thể giao nhà máy sản xuất ô-tô cho một anh thợ rèn, bệnh viện cho một anh thợ may… làm Giám đốc, cũng như giao một Bộ Tài chính, một Ngân hàng Nhà Nước cho một ông… tiến sỹ lý luận Mác Lênin suông! Quốc hội cần phải nắm vững trình độ nghề nghiệp, đạo đức, thực lực tài sản, khả năng nào mà giàu có khác thường, bằng cấp, học vị thật hay giả… trước khi thông qua nhân sự của chính phủ… Không thể để tình trạng biết mình chỉ là công cụ “đến Quốc hội chỉ để thông qua, đồng ý những gì Đảng đã quyết định”, nhưng “biết thế mà không thể làm gì được” mà đại biểu Quốc hội 3 khóa 7, 8, 9, Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, mới đây đã thẳng thắn phát biểu trên mạng Bauxite.

3-Do Quốc hội nước ta không phải là Quốc hội chuyên nghiệp, mỗi năm chỉ họp tối đa có 4 lần, thời gian này cần dành toàn bộ cho lập pháp (làm luật, tu chính luật) và chất vấn chính phủ, cho nên, cả chương trình làm việc, thông qua luật nào, bổ sung luật nào, cái gì làm trước, cái gì làm sau… cũng phải được biểu quyết dân chủ, công khai. Không để tình trạng những vấn đề cần bàn ngay như “sửa đổi hiến pháp” như “luật đất đai” thì cứ luôn hoãn (vì Ban Bí thư chưa thông qua!?). Còn các luật “có càng hay mà chưa có chưa chết ai” thì kéo dài cả ngày này qua ngày khác đến nỗi không ít nghị sỹ phải kiếm cớ “đi công tác” hoặc đành ngồi ngáp dài rồi… ngủ luôn tại chỗ!

Thưa ông,

Gần đây, rất nhiều nhà lão thành cách mạng tên tuổi mà tôi biết chắc chắn, với trình độ, với kinh nghiệm đấu tranh, với quá trình sống với dân, hiểu dân lâu năm, không hề “tự diễn biến”, không hề là “lực lượng thù địch” đã phát biểu những lời tâm huyết trăn trở về sự trì trệ của đất nước, của sự xuống cấp trầm trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, về sự chậm đổi mới trong tư duy của lãnh đạo, về sự bảo thủ vô lối của một số ít con người, nhắm mắt, bịt tai trước mọi tình hình trong và ngoài nước, thậm chí học tập được đôi điều hay của ngay nước bạn láng giềng 4 tốt cũng…. không! không!không! chứ chưa nói đến học tập các nền dân chủ của các nước đế quốc!

Tôi thật là mừng khi được đọc và nghe những gì mà ông Lê Hiếu Đằng, đồng chí, bạn chiến đấu của ông xưa tại Sài Gòn đã phát biểu với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ngày 19 tháng 5 vừa qua! Xin tóm tắt những ý chính sau đây:
“Kinh tế Việt Nam có tiến bộ nhưng Dân Chủ thì… thụt lùi!”
“Kết quả của tiến bộ kinh tế lại rơi vào tay bọn tham nhũng, bọn…”
“Quốc hội, Mặt trận (mà ông Đằng từng làm Phó Chủ tịch [Mặt trận Tổ quốc TP HCM – BVN]) chỉ là… hình thức!…
“Đổi mới” vừa qua là “không tự giác”. Đổi mới do tình hình phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ… Và khá thẳng thắn, ông ta kết luận: Đổi mới phải là nhân dân đổi mới…
Rồi ông đề nghị: Hãy trở lại Hiến pháp 1946 với các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí! Đặc biệt là ông nhấn mạnh đến câu “Chủ tịch Hồ Chí Minh đâu có nói gì đến Chủ nghĩa xã hội” và để kêu gọi mọi người hãy từ bỏ chữ “Sợ” và phải học tập chủ trương “chấn hưng dân khí” của cụ Phan Bội Châu để “xương máu bao thế hệ không bị đổ xuống sông, xuống bể”.
Tôi thực sự vui mừng khi các lớp mà tôi gọi là “trẻ” vì “đi cách mạng” sau tôi và thua tôi cả gần 20- 30 tuổi nay ở những cương vị cao hơn tôi, có tiếng nói nặng kí hơn tôi nhiều đã nhìn ra vấn đề đã có những phát biểu làm chúng tôi, những người không còn nhiều thời gian để mà hy vọng, nay bỗng dưng thấy lóe lên chút niềm tin ở trong lòng… Tin ở những gì các ông đã nói và đang chờ đợi cái gì các ông sẽ làm.
Tôi lại thắp lên niềm hy vọng:
[...]

Những người nằm trong chăn đầy sâu, đầy rận sẽ anh dũng vùng lên vứt bỏ chiếc chăn vá chằng vá đụp, sắm một chiếc chăn mới thơm mùi Tự Do, mùi Dân Chủ. Các ông sẽ có cả triệu triệu người ủng hộ vì các ông sẽ là người tạo cái thời cơ chín mùi cho quần chúng đi lên đòi tự do như tự do hội họp, được tự do biểu tình, tự do bầu cử, tự do sáng tác, tự do viết báo, phát biểu, được tự do… viết blog mà không sợ… bị bắt bất cứ lúc nào! Mà có tự do đích thực thì sẽ có tất cả sau này.

Xin gửi ông và những người suy nghĩ như ông lời chào trân trọng.

Blogger Tô Hải

26 May 2011

Nhớ Lâm Thành Hổ


Một tấm lòng

Đời người chẳng phải là cuộc thử thách. Cuộc đời cũng không phải là bể khổ. Người vẫn tha thiết yêu đời. Trong hoàn cảnh khó khăn cứ tưởng là lầm than nhưng người vẫn tìm được hạnh phúc. Tuổi chiều bóng xế người càng yêu đời tha thiết hơn. Yêu mọi người, thương mọi sinh vật, yêu cả đất đá và cỏ cây. Người luôn thầm kín ấp ủ biết bao nhiêu hoài bão. Thiên Đàng hay Niết Bàn chính là cõi đời này. Cho nên người ước rằng, nếu có luân hồi tái sinh trở lại, xin được tiếp tục làm người. Cụ thể hơn, nếu quê hương được thật sự yên bình, người muốn sống lại cuộc sống của một người Việt Nam chân quê vùng sông nước nào đó để bù lại những ngày xa xứ hôm nay. Nhưng mà...
Người sẽ thành mây qua khỏi núi,
Im lìm sao rụng giữa trời không!
Có ai nghe tiếng hồn ru gió,
Hạt cát ủ lòng một núi thương!!

Sương bấu đầu non thương nhớ cội
Âm thầm ôm mộng kiếp hồi sinh,
Bỗng rồi sương hóa thân mây khói
Bỏ lại sau lưng cả biển tình!!
Mỗi người là một vũ trụ, là một thế giới bao la. Hãy tin đi. Cứ tin đi. Tin “những người khóc lẻ loi một mình”.

Lâm Thanh (Lâm Thành Hổ)
Apr. 2008, Central Coast OZ
**
Trên đây là những dòng tâm sự sau cùng của LTH gửi tới Diễn Đàn trước khi anh bị mệt đi vì chứng bệnh lâu ngày. Một hai bài gửi sau đó anh đã viết trước và chỉ sửa chữa đôi chút.  (TTR)

24 May 2011

Thơ Lan Đàm



Lời bàn:

Người đời kẹt xe thì vã mồ hôi, bực bội và càm ràm với vợ con ngồi trong xe, hay lườm ngút người đi đường "chướng mắt" vô tội vạ. Bị kẹt xe, người ghiền thuốc bèn kéo kính xe xuống châm một điếu, hít một hơi, nhả khói vào quãng không, mắt lim dim khinh bạc. Cũng có khi kẹt xe mà người đời đâm ra ước mơ mộng mị " Giả như mình nhiều tiền chắc sẽ mua chiếc trực thăng di chuyển cho tiện". 

Đối với thi nhân thì lại khác. Kẹt xe à! Cứ kẹt đi, ta tha hồ làm thơ.  Cuộc đời nhiều bận rộn, đâu có nhiều rảnh rỗi để  làm thơ. Cuộc đời đua chen, hoặc bị cuốn hút hụt hơi ngộp thở, nhiều khi biết vậy mà dứt chẳng ra. Rồi "Chợt một chiều tóc trắng như vôi" nhắc nhở mọi sự chẳng ra chi cả!

Thế nên kẹt xe còn là một giải thoát, ít ra đối cho thi nhân. Mong thi sĩ Lan Đàm cứ được kẹt xe dài dài để tìm lại sinh thú tao nhã thuở nào.

A-Xê-La

Nghĩ về lòng từ bi

TẶNG MỘT VẦNG TRĂNG

Tác giả: Lâm Thanh Huyền

Dịch giả: Phạm Huê

Một vị thiền sư nọ cất túp lều tranh trong rừng sâu sống ẩn dật tu luyện không tranh đua với đời. Thiền sư tiếp xúc với cỏ cây nhiều hơn con người cho nên tâm hồn ông rất thanh thản vô vi. Một đêm trăng sáng vằng vặc, ông đi dạo chơi trong núi, giữa khung cảnh thanh tịnh huyền ảo đó, ông đột nhiên khai ngộ ra tự tính bát nhã đã tiềm ẩn từ lâu trong người.

Nhà sư vui mừng rảo bước ra về, không ngờ nơi ông tu hành đang có sự viếng thăm của một kẻ trộm. Tội nghiệp cho tên trộm, hắn không tìm thấy được vật gì quí giá trong túp lều tranh đành thất thểu bước ra thì chạm mặt nhà sư. Thật ra thì nhà sư đã về đến nhà từ lâu nhưng ông ngại sẽ làm cho tên trộm giật mình, vì vậy ông đã nấn ná phía bên ngoài đợi cho tên trộm bước ra, tay ông cầm sẵn chiếc cà sa bạc màu mà ông đã mặc nhiều năm trên người. Tên trộm hơi bỡ ngỡ chưa biết phải làm sao thì nhà sư đã lên tiếng:

- Con lặn lội đường xa đến thăm, ta không nỡ để con ra về tay không. Trời về khuya gió lạnh, con hãy cầm đỡ tấm cà sa này xem đó như một món quà nhỏ của ta tặng.

Nói xong ông khoác chiếc áo cũ lên người tên trộm, con người đáng thương cảm thấy ngỡ ngàng, hắn lầm lũi ra đi mà không nói được một lời.

Nhìn theo kẻ trộm dần dần khuất vào bóng đêm, nhà sư thở dài lẩm bẩm:

- Hỡi kẻ đáng thương, ta ước gì có thể tặng cho con một vầng trăng sáng vằng vặc của đêm nay.

Nhà sư không tặng được vầng trăng cho tên trộm cho nên ông cảm thấy xốn xang. Trong đêm sáng trăng thanh tịnh này, không có gì đẹp và thanh khiết cho bằng ánh trăng. Khi ông muốn mang ánh trăng tặng cho người khác, ngoài cái đẹp của sự vật, còn có một ý nghĩa trong sạch và thanh thoát cho tâm hồn. Từ ngàn xưa, những vị Đại Đức của Thiền Tông thường dùng ánh trăng để tượng trưng cho tự tính của con người, lý do là vầng trăng đêm mang ánh sáng dịu dàng, bình đẳng chiếu sáng khắp nơi. Làm thế nào để tìm cho được một ánh trăng sáng trong tâm hồn thường là mục tiêu của người theo đạo Thiền. Dưới mắt của nhà sư, kẻ trộm kia bị dục vọng làm mờ đôi mắt, cũng như vầng trăng sáng bị mây đen che phủ. Một con người không tìm được hướng đi, không tự chiếu sáng lấy mình, chính là một điều vô cùng bất hạnh.

Sáng hôm sau, khi ánh bình minh đánh thức ông dậy, nhà sư mở mắt ra thì thấy tấm áo cà sa đã được xếp ngay ngắn đặt bên cạnh từ lúc nào. Nhà sư cảm thấy vui mừng hơn bao giờ hết, ông lẩm bẩm nói rằng:

- Cuối cùng thì ta cũng tặng được cho con người đáng thương kia một vầng trăng sáng rồi.

Chắc là bạn không thể ngờ là vầng trăng cũng có thể trở thành một món quà tặng. Điều này kể ra cũng lý thú lắm nhỉ. Trong cuộc sống thực tế của chúng ta, có những sự vật vô hình không thể nào làm quà tặng được. Dĩ nhiên là bạn không thể nào nói với người ăn mày ngoài đường như thế này: "Tôi tặng cho ông một chút từ bi". Chúng ta chỉ có thể dùng số lượng tiền bạc hoặc hiện vật nhiều hay ít để đo lường tấm lòng từ bi đó. Cũng như bạn không thể nào nói với người yêu của bạn rằng: "Anh tặng cho em 100 cái tình yêu", bạn chỉ có thể tặng cho nàng 100 đóa hoa hồng. Cũng từ số lượng hoa hồng, người ta có thể đo lường được mức độ say đắm và tấm lòng trung kiên với người yêu. Tuy rằng lối tính toán và đo lường này không phải lúc nào cũng chính xác. Đôi khi người tặng hoa hồng có thể lại là người thật lòng thương yêu và tình yêu của họ lại còn nồng nàn và chín chắn hơn cả những người tặng hột xoàn cho người đẹp nữa, bạn ạ.

Thế nhưng trên cõi đời này, có nhiều sự việc như tình bạn, tình yêu, chính nghĩa, hạnh phúc, bình an, trí tuệ đều là những thứ vô giá mà chúng ta không thể nào dùng những sự vật hữu hình để đo lường. Đây cũng là một điều làm cho giữa con người và con người có những sự hiểu lầm nhau trên giá trị của những sự việc vô hình trừu tượng. Con người thường dùng những vật hữu hình để diễn đạt những tín hiệu của tâm linh, như là tình yêu thương, lòng hiếu thảo, sự biết ơn chẳng hạn. Thế nhưng trong quá trình để đo lường những sự việc vô hình đó chắc chắn thế nào cũng có những chênh lệch, mà sự chênh lệch này thường khiến cho bạn bè hiểu lầm, tình ruột thịt trở thành thù nghịch, kẻ yêu nhau trở thành nghi kỵ, thù ghét nhau.

Những tình cảm vô hình giá trị đó có một sự tiếp cận với triết lý của Phật Học: "chỉ có thể lãnh hội mà không thể nào truyền đạt". Thí dụ như một cái siết tay thân mật giữa đôi bạn thân, một nụ hôn nồng cháy của đôi tình nhân, một nụ cười âu yếm giữa vợ và chồng, một tiếng kêu mẹ thân yêu thắm thiết, hoặc một lời cầu chúc đẹp đều là những món quà tặng cho nhau quí giá nhất mà không có một khối lượng tiền của nào có thể mua được.

Trên thế gian không có một phương thức cố định nào có thể huấn luyện cho con người biểu lộ những tình cảm vô hình đó. Thế nhưng theo tôi nghĩ, phương pháp duy nhất để huấn luyện cho bản ngã có thể diễn đạt được những tình cảm này là chúng ta hãy quay lại phán xét về chính bản thân, tìm nhiều phương thức để làm giàu nhân cách, khiến cho bản thân chúng ta trở thành thuần thiện, nhiệt tình, vô tư thì tự nhiên những tình cảm vô hình bạn dành cho kẻ khác sẽ biểu hiện một cách rõ ràng trên sắc diện.

Khi sự chân thành của bạn có thể lộ ra trên sắc diện thì lúc đó bạn có thể tặng một vầng trăng cho kẻ khác mà chắc chắn đối phương sẽ dễ dàng nhận được món quà quí giá này.

Nếu lúc nào chúng ta cũng giữ được tấm lòng trong sạch, tính tình khoan dung, tự tâm yên tĩnh, lục căn thanh tịnh thì đừng nói một ánh trăng mà nhiều ánh trăng cũng có thể làm quà tặng cho kẻ khác được. ánh trăng không chỉ đơn thuần dùng để tặng cho nhau mà còn có thể chiếu sáng lẫn nhau, soi đường cho nhau, hồi hướng cho nhau.

Vì vậy khi nhà sư nói với tên trộm: "Ước gì ta có thể tặng cho con một vầng trăng sáng", đó chính là tiếng nói của một tấm lòng từ bi, trong sạch. Tấm lòng từ bi đã khiến cho kẻ trộm cảm nhận được và xấu hổ vì hành động bất lương. Hắn đã ngộ đạo và quay lại con đường phúc thiện tràn đầy ánh sáng.

Lâm Thanh Huyền
Phạm Huê

Ảnh nghệ thuật HKL


"Rong Rêu Một Đời"
by Hương Kiều Loan

23 May 2011

Mùa hè và giông bão

Cuồng phong dữ dội ở vùng trung Hoa Kỳ

Ít nhất 89 người thiệt mạng trong một trận cuồng phong dữ dội ở Missouri, thuộc vùng trung Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng Năm hôm nay.

Dưới đây là một đoạn video do những người đuổi theo cuồng phong ghi nhận được.

Thơ Phan Nghĩa

22 May 2011

Nhân xem tranh "Vũ Điệu Của Sếu"


Vũ Khúc

Vũ khúc ‘Mây Mưa’ đồi nhạt nắng

Điệu khoan bóng nhặt chim múa đôi

Tình sâu biển rộng xòe cánh trắng

Yêu nhau một thuở bóng chim trời !

VLH


21 May 2011

Cranes' Dance: Tranh A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

Vũ Điệu Của Sếu

Từ rất sớm, Âu Châu đã dùng sơn dầu để tô vẽ tượng và chắc hẳn cũng dùng để vẽ. Nhưng phải đợi đến thế kỷ 15 khi Jan van Eyck, người được công nhận là họa sĩ số một của thế kỷ nơi trời Âu, đã sử dụng sơn dầu để vẽ rất chi tiết các bức họa của ông. Sau đó trong thời Phục Hưng tranh sơn dầu nở rộ.

Bên Á Đông chúng ta có lối vẽ màu nước có khi chỉ là đen trắng nhưng gọi chung là thủy mặc. Kỹ thuật này cũng sản sinh nhiều tác phẩm rất đẹp được nhiều người ưa chuộng.

Mỗi lối vẽ có một sắc thái riêng, nhưng sơn dầu thì đặc biệt rất bền. Bây giờ dùng sơn dầu (medium) và kỹ thuật sơn dầu (technique) để diễn tả theo lối thủy mặc xem sao.

Mời quý anh chị coi cho vui bức tranh vừa mới hoàn tất trong tháng Năm này.

Kính chúc cuối tuần an vui.

A.C.La






Vũ Điệu Của Sếu
(Cranes' Dance)

Oil on canvas
20x30 inch (51x76cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh 
**
All rights reserved



Luân Vũ

Vũ điệu ngập ngừng, vũ điệu yêu,
Uyên ương Sếu Trắng dáng thanh, kiêu,
Tung đôi cánh mỏng cùng luân vũ,
Dịu dàng, e ấp chuyện dấu yêu...

Giáng-Hương.

Nhạc Enigma

Ngôi Đền Tình

Enigma là một phương án nhạc điện tử được sáng lập tại Đức Quốc do Michael Cretu và vài người bạn vào năm 1990. Cretu gốc gác Lỗ Mã Ni đã hoài bão chương trình nhạc Enigma khi làm việc tại Đức nhưng studio dùng thu âm lại ở bên Tây Ban Nha từ đầu thập niên 1990 cho đến tháng Năm 2009. Cretu vừa là người soạn nhạc vừa là người sản xuất các chương trình Enigma. Người vợ cũ Sandra của Cretu hát và Jens Gad, đồng sáng lập viên các chương trình Enigma, chơi guitar.

Âm hưởng nhạc Enigma nghe như vang vọng từ một thời xa xưa hoang dã, như của những dân tộc đã bị nền văn minh kỹ thuật đẩy đến tình trang đơn độc nuối tiếc quá khứ.

Dưới đây xin gìới thiệu với quý anh chị hai bản tiêu biểu: Ngôi Đền TìnhTrở Về Với Hoang Sơ

(Điền Thảo)



Ba Mươi Sáu Năm Qua

BA MƯƠI SÁU NĂM QUA

Trọng Đạt

Ngày 30-4-1975, một ngày kinh hoàng nhất đối với người dân miền nam nước Việt khi họ thấy xe tăng và bộ đội Cộng Sản tràn vào tiếp thu Sài gòn, ai nay mường tượng ra một tương lai đen tối mù mịt sẽ diễn ra tại mảnh đất này: đói khổ, thóc cao gạo kém, mất tự do, sưu cao thuế nặng, bị trả thù, lưu đầy….Mặc dù cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng nhưng người Sài gòn chỉ biết đây là những người ngọai lai, xâm lược, họ biết rằng đất nước của mình đã bị đạo quân từ bên ngoài tới chiếm đóng.

Từ sau 1954, Việt Nam chia ra làm hai nước, một nước ở phía trên vĩ tuyến 17, hay trên sông Bến Hải và một nước ở dưới vĩ tuyến và dòng sông nhỏ này. Từ những năm đầu thập niên đã diễn ra cuộc chiến tranh giữa hai nước: miền Bắc được Cộng sản quốc tế trợ giúp vũ khí đạn dược đã mở cuộc chiến tranh dưới danh nghĩa “giải phóng” chiếm cho được vựa lúa miền Nam để cứu đói miền Bắc đã và đang thiếu thốn thực phẩm, lúa gạo trầm trọng. Cuộc chiến mở rộng bắt đầu từ 1964, 1965 khi miền Bắc công khai đưa quân vào miền Nam để chiếm cho được mảnh đất phì nhiêu béo bở này. Tình hình chiến sự trở nên tàn khốc trong khoảng 10 năm từ 1965 cho tới 1975, đó là cuộc chiến giữa một nước nghèo đói lạc hậu miền Bắc VN và một nước sung túc tiến bộ ở miền Nam VN. Miền Bắc có ưu thế ở chỗ họ được CS quốc tế viện trợ vũ khí dồi dào, vô hạn định và một dân số đông đúc, họ có cơ hội thuận tiện để đẩy hàng triệu thanh niên vào cuộc chiến.

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề nhiều trăm ngàn người trong những năm giữa và cuối thập niên 60, nhưng miền Bắc vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu, họ có ưu thế của kẻ nghèo đói không sợ chết, dù tổn thất bao nhiêu cũng không đáng kể miễn là chiếm được vựa lúa miền Nam VN. Sau khi nướng hơn một triệu thanh niên họ đã đạt được mục tiêu, chinh phục được miền Nam sung túc.

Khi mới vào tiếp thu Sài gòn họ nói “Đế quốc Mỹ bại trận, dân tộc ta là kẻ chiến thắng”, miệng nói hòa giải dân tộc nhưng trên thực tế sau khi thắng trận họ đã thỏa thuê mãn nguyện tha hồ mà vơ vét, chiếm đoạt nhà cửa, ruộng đất, quí kim, hàng hóa… Cựu đảng viên Cộng Sản Bùi Tín đã gọi đây là một cuộc ăn cướp vĩ đại. Nhà cửa, tài sản của dân di tản đương nhiên thuộc về quân chiếm đóng dù họ còn thân nhân ruột thịt, tất cả những nhà lớn đều thuộc về quân chiếm đóng, chủ nhà phải dọn đi ở những căn nhà nhỏ lý do phó thường dân không được quyền ở những nhà rộng lớn, cao tầng.

18 May 2011

Thơ Như Thương

Truyện ngắn

Bạn Cũ

Tác giả: Vũ Thư Hiên


Một hồi chuông réo lên giữa đêm khuya, phang thẳng vào hộp sọ. Như một cú đấm. Tôi vùng dậy, đầu óc tôi mụ mị, tôi không biết mình đang ở đâu, có chuyện gì xảy ra. Đến lúc hiểu ra rằng đó chỉ là cái điện thoại cổ lỗ đang rống, tôi mới sờ soạng trong bóng tối tìm ống nói.

- Ai đó?

- Hề hề. Tớ đây, tớ đây! – từ đầu dây đàng kia vẳng tới một tràng cười khoái trá và một giọng nói ồ ề – Đang ngủ hả?

- Ngủ.

- Tỉnh dậy đi. Hề hề, cuối cùng rồi tớ cũng vẫn cứ tóm được cậu. Hề hề, đéo nhận ra hả?

- Nhưng “tớ” là ai mới được chứ? – tôi tuyệt vọng gắt lên.

Trên tường, một dẻo sáng hình bình hành. Đó là ánh đèn của căn phòng đối diện, ở tầng thấp hơn, chỗ ở của hai sinh viên người Ả Rập. Thấp thoáng một điệu nhạc vùng sa mạc. Họ bao giờ cũng thức khuya.

- Cậu không nhận ra giọng tớ thật? Hay cậu giả vờ?

Tôi tỉnh hẳn. Tôi nổi quạu. Có những người như vậy đấy. Họ tưởng tượng, họ còn đinh ninh nữa kia, rằng họ là người rất quan trọng, rất quý hoá, và thiên hạ ắt phải nhận ra họ từ xa, trong đám đông, phải nhận ra tiếng họ trong điện thoại, và tất nhiên, phải cảm thấy sung sướng và tự hào được họ hân hạnh cho bắt tay.

- Này này, bắt cái đầu lười biếng của cậu làm việc tí đi – giọng ồ ề nọ lại cất lên, không ngớt vui vẻ, nó vang lên trong đêm như ở một ngã ba hoang vắng – Chẳng có lẽ cậu hoàn toàn không nhận ra thằng bạn năm xửa năm xưa là tớ?

Tôi muốn dập mạnh ống nói xuống cho cái anh chàng quan trọng nhưng bất lịch sự bên kia nghe thấy. Mà hắn có nghe thấy không nhỉ? Có lẽ không. Tôi phải làm gì cho hắn hiểu tôi bực đến thế nào. Hắn đang đợi câu trả lời cho câu đố. Tôi thì cóc cần bất cứ câu đố nào được ra cho tôi vào lúc đêm hôm khuya khoắt này.

- Thì nói ngay đi: “tớ” thằng chó nào? – tôi gắt.

Một tràng cười rộ lên ở bên kia đầu dây.

- Cậu đoán không sai – tớ là thằng có tên hiệu của loài chó, nhưng lại từng là bạn của cậu. Bây giờ cậu chỉ còn có việc gọi tên nó ra thôi.

- Này ông bạn vớ vẩn, - tôi tuyệt vọng kêu lên – Kết thúc ngay lập tức cái chuyện ba lăng nhăng chi khươn của ông đi! Tôi đang ngủ. Tôi muốn ngủ. Tôi cần được ngủ. Tôi nhắc lại: tôi không biết ông là ai, mà tôi cũng cóc cần nhận ra ông là ai. Chấm hết.

Cuối cùng thì anh chàng đùa dai cũng thôi cười. Giọng trịnh trọng, trầm hẳn xuống, hắn tuyên bố:

- Tôtô đây!

- Tôtô?!

Tôi sửng sốt kêu lên.

17 May 2011

Hình ảnh Lễ Phật Đản 2011 trên thế giới





Nhân kỷ niệm Phật Đàn

PHẬT PHÁP : CÁI CHẾT

Tác giả : ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA 14

Đức Phật đã nói rằng trong tất cả những mùa khác nhau để cày cấy, mùa thu là mùa tốt nhất, trong tất cả những loại nhiên liệu để đốt, thì phân bò là tốt nhất, và trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất.

Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất định. Nếu chúng ta thực sự đương đầu với sự việc, chúng ta không biết được cái gì sẽ tới trước – ngày mai hay cái chết. Chúng ta không thể hoàn toàn quả quyết rằng người già sẽ chết trước và người trẻ còn ở lại phía sau.

Thái độ thực tế nhất mà ta có thể nuôi dưỡng là hy vọng điều tốt đẹp nhất nhưng chuẩn bị điều tồi tệ nhất. Nếu điều xấu nhất không xảy ra thì mọi sự đều tốt đẹp, nhưng nếu nó xảy ra, nó sẽ không tấn công chúng ta bất ngờ.

Điều này cũng ứng dụng cho sự thực hành Pháp: chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất vì không ai trong chúng ta biết được khi nào mình chết. Mỗi ngày chúng ta biết tin về cái chết trong báo chí hay cái chết của một người bạn, của người nào đó mà ta biết mang máng, hay của một người thân. Đôi khi chúng ta cảm thấy mất mát, đôi lúc chúng ta hầu như vui sướng, nhưng một cách nào đó, chúng ta vẫn còn bám chặt vào ý tưởng rằng điều đó sẽ không xảy ra cho ta.

Chúng ta nghĩ rằng mình được miễn trừ đối với sự vô thường, và vì thế chúng ta trì hoãn sự tu hành tâm linh (nó có thể chuẩn bị cho chúng ta trước cái chết), và cho rằng ta sẽ còn thời gian trong tương lai. Khi thời điểm không thể tránh khỏi xảy tới, điều duy nhất chúng ta phải mang đi là niềm hối tiếc. Chúng ta cần phải đi vào sự thực hành ngay lập tức để dù cái chết có tới sớm thế nào chăng nữa, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng.

Khi cái chết đến, không điều gì có thể ngăn cản nó. Dù bạn có loại thân thể nào, dù bạn có thể trơ trơ đối với bệnh tật thế nào chăng nữa, cái chết chắc chắn giáng xuống. Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời của chư Phật và Bồ-tát trong quá khứ thì nay các Ngài chỉ còn là một ký ức. Các Đạo sư Ấn Độ vĩ đại như ngài Nagarjuna (Long Thọ) và Asanga (Vô Trước) đã có những đóng góp to lớn cho Pháp và làm việc vì lợi lạc của chúng sinh, nhưng giờ đây tất cả những gì còn lại của các ngài chỉ là những cái tên.

Tiểu sử của các vị sống động đến nỗi hầu như họ vẫn còn sống. Khi chúng ta đi hành hương Ấn Độ, ta thấy những nơi như Đại Tu viện Nalanda, là nơi các bậc Thầy vĩ đại như Nagarjuna và Asanga đã học tập và dạy dỗ. Ngày nay Nalanda đã đổ nát. Khi nhìn những dấu tích để lại của những nhân vật vĩ đại trong lịch sử, cảnh điêu tàn chỉ cho ta thấy bản chất của sự vô thường.

Thắng cảnh trên biên giới Canada-Hoa Kỳ

Vẻ đẹp lung linh của thác Niagara

Thác Niagara là đường biên giới tự nhiên tuyệt đẹp nằm giữa hai quốc gia Mỹ và Canada. Thác cao 50m, là một trong hai ngọn thác lớn nhất thế giới. Tới đây, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi khung cảnh hùng vĩ lẫn vẻ đẹp quyến rũ trong suốt cả ngày và đêm.


Thác Niagara cao khoảng 50m, du khách có thể nhìn thấy thác từ khoảng cách xa vài chục mét.



Cầu vồng lúc ẩn lúc hiện bên thác.



Nhiều người lựa chọn cách đi tàu lớn để ngắm cận cảnh dòng thác.



Dòng thác lung linh khi đêm xuống.



Thác Niagara là nơi tổ chức nhiều lễ hội, buổi bắn pháo hoa.

Hệ quả của chuyên chính, tham nhũng khi xây cất

Phi trường quốc tế Nội Bài:
bể bồn, hầm cầu, phân trôi lênh láng

Cơn mưa lớn xảy ra chiều nay (11/5) khiến cho những bể phốt,(hầm cầu) trên sân bay Nội Bài (Hà Nội) bật nắp, các chất thải,phân ở đây phun trào và chảy lênh láng ra bãi đỗ máy bay, thậm chí cả bánh xe máy bay cũng dính phân,hành khách quốc tế bịt mũi chạy lẹ vào nhà ga với đôi chân dính phân.
( Ảnh do hành khách cung cấp)

Một độc giả phản ánh qua đường dây nóng, sân bay Nội Bài lúc 5h chiều chứng kiến cảnh kinh hoàng. Cơn mưa lớn xảy ra trong vòng 20 phút đã khiến bể phốt đặt tại sân bay bật nắp. Các loại chất thải chảy ra khiến cho mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khắp nơi trong và ngoài sân bay

Các chất thải và phân này tràn ra sân sát chỗ máy bay đỗ tại Nội Bài, lúc chiều ngày 11/5. Ảnh do độc giả cung cấp.
Một độc giả cho biết một chiếc máy bay chưa đến giờ cất cánh đã phải đóng cửa khoang sớm hơn thường lệ để tránh mùi hôi thối ở sân bay. Chiếc bể phốt này đặt ở vị trí cầu 9 của sân bay. Khi nắp bể phốt bị bục, các loại chất thải, gồm cả phân người đã bị nước mưa cuốn trôi chảy ra tận vị trí của cầu 7, cầu 19 và cầu 20.

Trao đổi với VnExpress.net, đơn vị quản lý sân bay Nội Bài thừa nhận có sự cố bật nắp bể phốt xảy ra chiều nay do mưa lớn.

Ông cho biết cơn mưa xảy ra chỉ trong vòng 20 phút nhưng khá lớn khiến cho áp lực nước mạnh. Hệ thống đường cống bị bục, kèm theo nắp bể phốt cũng bị bật, khiến các chất thải,phân tràn ra ngoài. Các nhân viên môi trường đang sử dụng máy để hút cạn nước và đậy tất cả nắp hầm cầu lại.

Vị lãnh đạo này cho biết rất nhiều trận mưa lớn xảy ra nhưng đây là lần đầu tiên, bể phốt bị bục. "Chúng tôi rất ngạc nhiên về điều này, có thể là hệ thống đường ống xuống cấp và đã đến lúc cần sửa chữa", vị lãnh đạo này nói.

Đây không phải là lần đầu tiên sân bay Nội Bài chứng kiến cảnh chất thải bị trào ra khi mưa. Theo phản ánh của một số nhân viên làm việc tại đây rất nhiều lần họ phải chịu cảnh cả sân bay bốc mùi hôi thối. "Mỗi lần mưa đến là chúng tôi lại chịu trận. Thậm chí cả những ngày nắng thì mùi hôi cũng bốc ra từ hệ thống đường ống và bể phốt", nhân viên ở đây phản ánh.

Cứ mỗi lần trời mưa, nhà ga, sảnh trước khu ăn uống và nhiều địa điểm khác tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) lại xuất hiện những chiếc xô, chậu đủ các màu làm nhiệm vụ... hứng nước.

Nhiều hành khách cho rằng, việc một sân bay quốc tế có tầm cỡ trong khu vực bị dột là điều khó chấp nhận.

Một hành khách tên Cương ở Hà Nội kể: "Tuần trước tôi đưa khách ra sân bay Nội Bài, một hình ảnh chướng mắt đập vào mắt là cảnh nhà ga bị dột mặc dù trời mưa không lớn. Các nhân viên đã sử dụng một loạt xô, chậu ra để hứng nước".

Hình ảnh xô chậu xuất hiện ở nhiều nơi trong sân bay Nội Bài. Ảnh: Quốc Cương.
Nhiều người có mặt ở sân bay lúc bấy giờ gồm cả khách nước ngoài đều cảm thấy khó chịu. "Tôi không hiểu nổi một sân bay mang tầm cỡ như Nội Bài là điểm dừng chân đầu tiên của khách quốc tế đến Hà Nội lại để tình trạng này xảy ra", anh Cương nói.

Trời không mưa, những chiếc xô này vẫn nằm ở vị trí sẵn sàng hứng nước,hành khách bị vấp nhiều lần

Nhiều hành khách đứng chờ hơn một giờ liền cũng không thấy đồ của mình ra vì mưa nhân viên không đem vào được.

16 May 2011

Thơ lãm Thúy

Như Thương xem tranh Tứ Quý

Xuân Hạ Thu Đông

Thật quý hóa khi Út Như Thương được xem bộ tranh Tứ Quý : XUÂN LAN BIỀN BIỆT - KHÚC CA NẮNG HẠ - RỪNG THU NGẠI NGÙNG - TUYẾT ĐỔ HƯƠNG XƯA của họa sĩ A.C.La nhà ta, lại còn được một quẻ tướng số tính tình "miễn phí" nữa!

Vâng, Út NT ngồi ngắm tranh đây và sẽ xin thưa với họa sĩ nếu Út chỉ được đem một bức tranh trong số 4 bức trên, thì Út sẽ chấm bức họa nào ...

Trong Xuân Lan Biền Biệt, Út thích ánh mắt của nàng trong tranh nhất. Bên cạnh nàng là màu xanh biếc thẫm của rừng hòa lẫn với sắc lan trong trắng, thế nhưng nàng vẫn ... xa xăm. Thế nào là Xa Biền Biệt, hỡi người cầm cọ vẽ? Sẽ mất hút bóng dáng nghìn trùng chăng? Sẽ biệt tăm duyên may hội ngộ lần cuối cùng? Ai biết được lần gặp gỡ nào sẽ là lần cuối cùng trong đời đâu ... mãi cho đến khi không còn gặp lại nhau nữa thì mới ngộ ra rằng "thế đã là lần cuối cùng gặp nhau"?
Tất cả câu hỏi đều đọng lại trong mắt nàng để mỗi người sẽ có một câu trả lời rất riêng ... Xin cho Út được tò mò hỏi người cầm cọ về câu trả lời ấy ...

Ngắm đến bức tranh Khúc Ca Nắng Hạ thì tưởng chừng như họa sĩ đang ... hồi xuân! Chết chửa ?! Sao thế nhỉ? Màu sắc trong bức họa ấy là sắc màu của thanh xuân: rực rỡ, kiêu kỳ, rộn rã ... Khuôn mặt của nhân vật nữ trong tranh có một bố cục thật đặc biệt, đây là điều Út NT thích bức tranh này. Một phá cách mới về bố cục cho tranh sơn dầu của họa sĩ chăng? Nếu thế, xin chúc mừng vì nó bắt mắt người thưởng ngoạn đấy (theo Út nghĩ, không biết quý khán giả có đồng ý thế không nhỉ?)

Thế rồi sang thu... với tranh Rừng Thu Ngại Ngùng ... điểm dừng của một người nghệ sĩ sáng tạo chưa đến cuối đường mà chỉ là một ngã rẽ, nên vẫn còn vung cọ với sắc màu, nhưng trong rừng thu, người vung tay dịu dàng hơn, đằm thắm hơn và ngây thơ hơn!

Có lẽ giữa ánh vàng rực của bức họa Khúc Ca Nắng Hạ và màu vàng của lá rụng sang thu, họa sĩ đã chùn tay giảm độ nóng?! Để sắc lá vàng chỉ còn lại phơn phớt màu thu ... Đôi mắt sắc sảo, tinh nghịch của nàng trong Khúc Ca Mùa Hạ, nay hóa thành đôi mắt nai trong Rừng Thu Ngại Ngùng ... Mà sao lại Ngại Ngùng nhỉ? Nàng ngại ngùng điều gì chắc chỉ có người sáng tạo bức họa mới biết?

Và cuối cùng Út dừng chân với Tuyết Đổ Hương Xưa, nhưng chưa dừng suy nghĩ đâu nhé! Đúng thật là mùa Đông ! Nền màu dẫu pha lẫn tím nhạt, xanh biếc, hồng, nâu ... nhưng một cảm giác lạnh khi Út xem bức họa này. Điều gì đã làm cho một khán giả dám nói thế? Những mảng màu trong suốt điểm vài nét cọ tim tím trên nửa thân người đẹp trong tranh đã làm Út nghĩ thế. Nó như là những mảnh đá băng vỡ sắc cạnh!

Thế là đi qua hết những bức tranh của rộn ràng hoa lá rừng Xuân, của rực rỡ và líu lo mùa Hạ, của êm đềm sắc Thu và của lạnh buốt ngày Đông, Út chọn .... RỪNG THU NGẠI NGÙNG!

Vì sao ???
Thưa rằng ...
Rừng Thu pha sắc Ngại Ngùng
Vung tay cọ vẽ muôn trùng tóc bay
Vàng thu đổ lá ngất ngây
Rừng phong ngơ ngác mới hay yêu nàng
Người thưởng ngoạn có quyền "yêu người trong tranh" không họa sĩ A.C.La ? Mà tại sao lại không. Chắc được thôi ...

Và bây giờ Út NT nhìn xem chuyện bói toán, tướng số của mình vận vào chuyện xem tranh của mình thế nào? Mừng thiệt!!!

Cuối cùng, Út NT mạn phép hỏi ông họa sĩ nhà mình rằng: Thích bức tranh nào nhất?
Chớ bảo rằng: Thích cả 4 bức!

Thôi thì nói rằng: Lỡ may chỉ được chọn một bức, họa sĩ sẽ chọn bức nào vậy ?

Út Như Thương

15 May 2011

Orchids of The Spring, tranh Nguyễn Thế Vĩnh


Xuân Lan Biền Biệt!


Này Yêu Dấu, đã về chưa

Chiều lênh đênh trắng lan vừa mãn khai.

Mây bay nhớ tóc trang đài,

Mơ đêm môi mắt liêu trai xuân thì.

*
Thôi Yêu Dấu, nghẹn ngào chi,

Vòng tay xưa trống từ khi xa người.

LAN ĐÀM
5/11


**

 Xuân Lan Biền Biệt

Với Xuân Lan Biền Biệt, bộ tranh tứ quý Xuân Hạ Thu Đông bắt đầu vẽ từ mùa hè năm ngoái nay đã hoàn tất. Để quý anh chị khỏi mất thì giờ tìm lại, xin post lại cả ba bức tranh kia để xem lại trọn bộ. Tất cả được thực hiện bằng sơn dầu trên canvas và cùng có kích cỡ 24x24 inch (61x61cm)

**

"Bói Tranh" của thầy tướng số dổm

Khi có chuyện vui buồn, người ta hay đi xem chỉ tay, đi coi bói bài, xin xăm bói quẻ, đôi khi bói sách như lật một trang Truyên Kiều...chứ chưa nghe nói có chuyện bói tranh bao giờ. Nhưng nay nhân có bộ tứ quý,  mỗ tôi thử "coi tướng bằng tranh" cho quý anh chị xem sao. 

Hãy chọn một bức tranh thích nhất trong bộ tứ quý này và mời đọc lời giải ở cuối post.



Xuân Lan (Orchids Of The Spring
All rights reserved

 Khúc Ca Nắng Hạ
All rights reserved

Rừng Thu Ngại Ngùng
All rights reserved

Tuyết Đổ Hương Xưa
All rights reserved


Xuân Lan Biền Biệt:
Thích bức mùa xuân, quý bạn là người yêu mến cảnh thiên nhiên, thích hoa thơm cỏ lạ, thú vui tao nhã. Cuộc sống chắc hẳn có một chút gì khuê các. Mọi thứ cần được chọn lọc dù là những thứ nhỏ nhặt để tạo một không khí nhất quán, một vẻ đẹp hài hòa.

Khúc Ca Nắng Hạ:
Nếu quý bạn thích bức mùa hạ, bạn thuộc nhóm người vui tươi, ham hoạt  động. Tinh thần lạc quan bao trùm cuộc sống. Không thích mơ mộng. Thực tế chủ nghĩa khiến bạn nhìn và đặt vấn đề dưới lăng kính cụ thể. Mọi việc phải rõ ràng, minh bạch. Cuộc chơi phải rộn ràng, công việc nếu hoàn tất phải đưa đến thành quả rực rỡ.

Rừng Thu Ngại Ngùng:
Thích bức mùa thu, bạn là người hay đắn đo suy nghĩ trước khi lên đường. Trầm tư nhưng cũng mơ mộng. Nuối tiếc tuổi ngọc và dường như lúc nào cũng cho rằng chuyện đã quá tầm tay với. Chẳng đặng đừng phải đóng cho đúng vai trò bậc trưởng thượng, nhưng kín đáo dấu thèm khát vào văn chương thi phú hội họa âm nhạc vì bạn có tư chất của một người nghệ sĩ.

Tuyết Đổ Hương Xưa:
Thích bức mùa đông, bạn là người chung thủy. Trong cảnh hạnh phúc, tối lửa tắt đèn luôn nhớ đến người trong thuở tấm cám. Rủi ro xẩy chuyện chẳng lành,  hương xưa chẳng dễ phôi pha khi nửa kia không còn nữa. Trong môi trường lớn hơn, bạn có những người bạn chân tình, khi cần họ sẵn sàng giúp bạn một tay, hay ngỏ một lời an ủi. Vòng quanh bạn là những người đon sơ và trong sáng.

Thích cả bốn bức:
Nếu chẳng may thích cả bốn bức như nhau, bạn là người rất rộng lượng, có tấm lòng bao dung và hơi...    ba phải!

Chẳng thích bức nào cả:
Cũng có thể chẳng thích bức nào ráo trọi. Bạn là người khó tính đấy, hoặc đang xa rời thế giới hữu hình để chuẩn bị ...tiêu diêu miền cực lạc.

Viết theo lới bình của một nhà tướng số kiệt xuất đại dổm
A.C.La

13 May 2011

Thơ tình Á NGHI

MÈN ƠI LÀ LẮM BỆNH!

Anh đang mạnh khỏe hơn người
Gặp em một bữa… mèn ơi!
Mắt bị giãn nở đồng tử,
Xáo trộn thị giác tơi bời.

Thị lực bắt đầu… kèm nhèm
Trông ai cũng hóa ra… Em.
Suốt ngày ra… vào… rối rắm,
Nhìn cơm như người… kiêng khem.

Với những nụ cười hớp hồn,
Em “Dạ” như chim véo von
Làm tai anh… mất thính giác
Chỉ mỗi tiếng “Dạ!” là còn!

Sao tự nhiên anh bần thần?
Thông minh biến thành… “Ngu Nhân”
Anh giống học trò ngớ ngẩn
Ngồi thi Bài Toán… Bất Thần.

Chén đũa lười lĩnh nằm im
Ban đêm mất ngủ, nhức tim
Bởi hình ảnh Em kiều diễm
Sao mà nghe nặng… nỗi niềm!

Trí nhớ mọi chuyện lờ mờ,
Chỉ còn duy nhất… mộng mơ
Đôi mắt Em sáng rực rỡ
Trong tà áo trắng đơn sơ.

Gặp Em, anh chẳng hé răng,
Hình như áp huyết anh tăng?
Hình như anh bắt đầu… ngọng?
Miệng lưỡi phát âm… dùng dằng!

Tên Em, gọi đến mềm môi.
Nguy cơ bệnh bất phục hồi
Bệnh chi sao mà rắc rối?
Đời anh thấy… vất vả rồi!

Mọi cảm giác đều…chơi vơi
Tất cả đều chỉ nửa vời
Chỉ còn một Em Diệu Vợi
Mèn ơi! Em… à! Em… ơi!

Á Nghi, 24.4.2010.
Thần thánh ganh ghét con người
Tác giả được điều động từ một đơn vị tác chiến ở Miền Trung về Sài Gòn và được gửi sang Cam Bốt làm việc như một thông dịch viên trong  Phái Đoàn Liên Lạc Quân Sự của VNCH. Bài hồi ký khá dài, chỉ xin trích hai đoạn chót như dưới đây. Đầu đề do TTR.

Soriya:

Tòa đại sứ VNCH gần Phái Đoàn Liên Lạc Quân Sự, trên đường Norodom, nếu tôi nhớ không lầm. Tôi chỉ đến hai lần. Lần đầu vào đầu tháng tám, 1971, khi ông Đại sứ Trần Văn Phước mở một tối tiếp tân, tôi không nhớ nhân dịp lễ nào. Cả Phái Đoàn được mời tham dự. Đèn hoa treo rực rỡ, sáng trưng. Có một số đại diện đồng minh, như Mỹ, hay Lào, Nhật, Thái Lan, Miến Điện... Ăn theo kiểu self-service, rượu vang và champagne uống thả giàn. Một cô Cam Bốt, tay cầm ly rượu, tay cầm đĩa thức ăn, đến bàn tôi, xin ngồi cùng. Và tự giới thiệu, Soriya, thư ký đả tự của Tòa đại sứ Việt Nam. Cô nói tiếng Pháp lưu loát, giọng trong vắt. Trong câu chuyện, cô hỏi tôi có phải là Trung úy thông dịch viên, nghe danh Trung úy lâu rồi, hôm nay mới được làm quen, v.v... Cô dáng cao gầy, nước da bánh mật, có chiếc răng khểnh xinh xinh, nhưng lúc ấy rượu vào, lại được ngồi cạnh người đẹp, tôi thấy cô quyến rũ khác thường, còn hơn cả tiên nữ giáng trần. Lòng lâng lâng yêu đời, tôi bắt đầu trổ tài tán dóc, nghĩa là nói nhiều, nói dai, nói giễu hơn thường lệ. Cô kể, em quê ở Battambang, học tới Bac II, rồi đi làm, hôm nào mời anh đi về quê em chơi... C’est promis? –C’est promis. Tôi hứa đại.

Lần thứ hai tôi đến Tòa đại sứ, mười ngày sau. Tìm gặp Soriya, một buổi trưa, không hẹn trước. Cô đang đánh máy, thấy tôi, vội vàng chạy ra cửa, ôm hôn theo kiểu Đầm, mỗi má hai chiếc. Tôi mời cô tối ra phố ăn cơm. Trong tiệm, một lúc nào đó, tôi nói:

- Tên em đẹp quá. Soriya có nghĩa gì vậy?

- Mặt trời. Mặt trời sưởi ấm những trái tim lẻ loi. Anh có tin là em cô đơn?

Tôi siết nhẹ tay cô:

- Có. Bien sûr. Người ta không nói dối khi nói mình cô đơn. On ne ment pas quand on dit qu’on est seul. Hình như câu đó của James Jones trong Tant qu’il y aura des hommes.

Rồi bỗng cô ngập ngừng, hỏi:

- Sao anh lại chọn nghề này, em muốn nói, nghề lính, bắn giết nhau, hay ho gì?

Tôi nhìn sâu vào mắt cô, để tìm xem có ẩn ý nào không, rồi chậm rãi trả lời:

- Trong lúc đất nước chiến tranh, tôi không có sự chọn lựa. Đi lính càng không phải là một chọn lựa. Có lẽ tại số. Trước khi biệt phái sang đây, tôi là lính chiến, đã bắn và bị bắn trả. Huề. Có một điều bí mật tôi muốn chia sẻ với em mà em chưa được học từ bài học philo hay littérature nào. Đó là loài người chúng ta thường bị ganh tị bởi những vị thần linh bất tử...

Cô im lặng, chưa hiểu. Sau một hớp rượu, tôi tiếp: