06 April 2011

VÀI SUY NGHĨ VỀ

THƯ KHÔNG NIÊM CỦA
NHÀ BÁO VÕ LONG TRIỀU VIẾT
GỬI TIẾN SĨ MAI THANH TRUYẾT.

Người Quan Sát Cali.

Nhật Báo Người Việt, ngày 23 tháng 3 năm 2001, có đăng bài “Thư Không Niêm, gửi Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết” với lời dẫn nhập như sau: 

“Trong một email mà Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết gởi cho thân hữu, với nội dung là bài viết của tác giả Nguyễn Chánh Trực, viết về cố tổng thống VNCH, Trần Văn Hương, Tiến Sĩ Truyết có đưa ra nhận định về những phát biểu chỉ trích cụ Hương của ông Võ Long Triều, cựu tổng trưởng Thanh Niên trước đây. Lời nhận định của Tiến Sĩ Truyết, nguyên văn: “Kẻ hậu sanh nào phê phán cụ (Trần Văn Hương), một lãnh tụ hiếm hoi của miền Nam, đại diện cho sĩ khí Nam Kỳ, nên suy nghĩ lại về tư cách của chính mình...”

Từ lời nhận định của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, ông Võ Long Triều đã viết một thư phản hồi đăng nguyên một trang báo với nhiều dẫn chứng cho rằng Cố Tổng Thống Trần Văn Hương không phải là một người đại diện cho sĩ khí Nam Kỳ. Trái lại, Cố Tổng Thống Trần Văn Hương, theo ông Võ Long Triều, trong “tư cách một bộ trưởng, một dân biểu, một chủ báo thời đó, một nhân vật chính trị quốc gia” thì cụ Hương là một mẫu “người Việt xấu xí”:

-Là một con người muối mặt ở lại Nội Các sau khi chúng tôi đặt vấn đề có tính cách quan trọng đối với sự đoàn kết quốc gia Nam Trung Bắc cần thiết để chống cộng sản.
-Làm chính trị mà không am hiểu tình hình chính trị.
-Một nhân vật dối gạt những người thân cận, người ơn của mình.
-Thiếu đạo đức. Không có chữ tín!
-Ngoài ra suốt đời “làm lãnh tụ hiếm hoi của miền Nam” ông không để lại một cái gì cho dân tộc đất nước ngoài sự đồng lõa với nguyễn Văn Thiệu chiều theo ý người Mỹ mưu đồ bán đứng Việt Nam Cộng Hòa cho Mao Trạch Ðộng và Chu Ân Lai.
-Không có khí khái (Lòng khí khái của kẻ sĩ Trần Văn Hương đâu rồi?)
-“Ông già này vô ơn bạc nghĩa”. 

Trong bài viết này, Người Quan Sát không đặt vấn đề đúng hay sai của Ông Võ Long Triều cũng như của ông Mai Thanh Truyết, vì Người Quan Sát không có khả năng phê phán một người khác về quan điểm chính trị. Người Quan Sát cũng “suy nghĩ” rằng, thường thì không ai có quyền phê phán người khác một cách mạnh mẽ và công khai, nếu người phê phán không phải là Thầy, Huynh Trưởng của người bị phê phán, hay là một chuyên viên có kinh nghiệm và được chính giới kính trọng. Nhất là trong lãnh vực chính trị, việc phê phán người khác, không những đã không đem lại bình yên hay tốt đẹp nào cho bất cứ một ai, mà còn gây thêm chia rẽ trầm trọng, nếu không nói là có thể tạo nên một cuộc nội chiến (hoặc khẩu chiến) hoàn toàn vô ích. Thông thường, các sử gia đứng đắn chỉ đưa ra các sự kiện mà không kèm theo lời bình theo ý chủ quan của mình, trừ trường hợp cuốn Tam Quốc Chí của Trung Hoa có kèm theo lời bình của Thánh Thán, vì cuốn sách đó chỉ dựa vào sự kiện 10% còn lại là hư cấu tới 90%, cho nên cần có lời bàn để khỏi ngộ nhận.

Người Quan Sát cũng không thấy cần một sự nghiên cứu, tìm hiểu về những điều mà ông Võ Long Triều đã tường thuật liên quan đến những sự việc quan trọng như: “mạo hiểm đi tìm “minh chúa” là ông Hương trong lúc ông bị giam lỏng trong một biệt thư có trung đội lính canh gác”, “đã tìm mọi cách đưa ông Hương trở lại chính trường và xả thân cùng với nhiều bạn bè khác”, và “thu xếp cho ông Hương gặp thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, ông Katzenback, trong một bữa cơm tại tư gia đại sứ Hoa Kỳ”... Tất cả những sự việc đó, ai làm người ấy biết, nhân chứng biết, và lịch sử đời sau sẽ tường thuật lại, nếu thật sự là những mắt xích quan trọng trong việc hình thành một quốc gia . 

Như vậy, mục đích của bài viết này chỉ để góp vài suy nghĩ với đề nghị “nên suy nghĩ lại” của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết và lời khuyên của cựu Bộ Trưởng Võ Long Triều là “nên tìm hiểu tường tận một vấn đề trước khi lên bục giảng dậy”.

Vậy, “suy nghĩ” của con người có giống nhau không?

1-Suy nghĩ của người đang làm chính trị thường khác với người đã ngưng làm chính trị. Một điều thường thấy là khi một người còn đang làm chính trị thì say mê với công việc và mưu đồ chính trị của mình sẽ không suy nghĩ rõ ràng và chín chắn như sau khi mình đã về hưu hoặc phải bỏ cuộc chơi giữa chừng. Kẻ đang làm chính trị “thứ thiệt” thì phải vận dụng hết mọi tim óc và khả năng tay chân, phải xử dụng mọi phương tiện sẵn có và mọi thủ đoạn để đạt thành kế hoạch của mình. Lúc đó, hầu như mọi người làm chính trị “thứ thiệt” đều u mê, tối tăm, chỉ biết tiến tới như con ngựa đã bị bịt mắt, không còn nhìn thấy gì, nghe thấy gì ngoài cái ngai vàng, hoặc chiếc ghế ngồi mà mình đã nhắm tới. Ngay cả những kẻ làm chính trị “xìu xìu, ển ển”, lựa gió mà theo, cũng phải tính toán hơn thiệt căng thẳng vô cùng. Đến khi vì tình thế mà phải lui về hậu trường sân khấu, lúc ấy, mới có thời gian suy nghĩ chín chắn hơn và sâu sắc hơn. 

Trường hợp ông Võ Long Triều, sau nhiều năm không còn là “bộ trưởng, dân biểu, chủ báo, một nhân vật chính trị quốc gia” nữa mà vẫn duy trì những suy nghĩ và phê phán nặng lời như thế về một nhân vật vẫn được dư luận kính nể, thì chắc hẳn suy nghĩ của ông đã dứt khoát và đã thành hình trên một căn bản duy lý nào đó. Như vậy, cụ Trần Văn Hương, theo ông Võ Long Triều, dứt khoát không phải là một kẻ sĩ miền Nam đáng kính trọng mà chỉ là một người Việt với tất cả những tính xấu như đã nêu trên. Nói một cách khác, cụ Trần Văn Hương, theo ông Võ Long Triều, nếu không bị xử tội trước quốc dân, thì cũng là một điều may mắn cho người từng chấp nhận ở lại quê hương cho đến chết này. Ông Võ Long Triều đã thật sự suy nghĩ chín chắn rồi, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết ạ!

2-Suy nghĩ của một “hậu bối” khác với suy nghĩ của người “tiền bối”. Đã 36 năm trôi qua, kể từ khi người Việt Quốc Gia phải bỏ nước ra đi. Thời gian này đủ dài để cho nhiều bí mật hậu trường được đưa ra trước ánh sáng. Nhưng cũng như tất cả mọi sự việc trên đời, trong sáng có tối, trong tốt có xấu, bên cạnh những lời tường thuật trung thực của người công chính cũng có những cuốn tự thuật “phịa”, những câu chuyện “nổ” không thể kiểm chứng vì nhân chứng chết hết cả rồi. Nhiều cuốn “Nhật Ký Đời Tôi” do các chính khách thời trước viết được đặt trên căn bản đề cao cá nhân, nếu không nói đến những thành tích tưởng tượng Kinh Bang Tế Thế thì ít nhất cũng nâng mình lên bậc nhân chứng quan trọng. Một chính khách có bề thế trong chế độ cũ, sau khi đọc nhật ký của một thuộc cấp, đã chửi thề: “Mẹ! Tao có bao giờ “toa toa moa moa” với nó đâu mà trong chuyện nào, nó cũng chuyện trò với tao bằng “toa toa moa moa” loạn xạ? Hồi đó, mỗi lần nó gặp tao là run như rẽ, kính thưa… um sùm, bây giờ coi như ngang ngửa với tao!”. Một sĩ quan cao cấp viết về nguyên nhân cái chết của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gán cây súng vào tay một Tướng Lãnh không hề liên can đến cái chết ấy. Sau khi vị Tướng kia phản ứng, thì vị sĩ quan tác giả kia mới lập cập trả lời là “tôi nghe thấy ông A. kia nói như vậy!” Một ông Tướng khác cho ra đời một cuốn sách khổng lồ, vừa để tâng công mình vừa để mạ lị chế độ cũ, vì quá say mê hạ nhục người chủ cũ của mình đã nhét vào những đoạn mà người đọc gọi là “dâm thư” hoàn toàn tưởng tượng, mà nếu có xẩy ra, thì ai có thể nhìn thấy những hành động dâm ô bại hoại xẩy ra trong một chốn kín đáo cao cấp như vậy? 

Vì thế, những giới trẻ sau này, khi đọc các tập gọi là “Nhật Ký Đời Tôi” ấy, đều có một “suy nghĩ”, băn khoăn rằng “không biết cuốn này “thật” được bao nhiêu phần trăm và “nổ” bao nhiêu phần trăm?” Liệu cuốn nhật ký này có thể được xử dụng như một tài liệu học tập cho đời sau không? Trước quá nhiều tài liệu khác biệt nhau, cùng một sự việc mà ông A. viết khác ông B., làm sao mà hoàn thành tập Lịch Sử của dân tộc được?
Về việc miền Nam thất thủ, tại sao lại chưa thấy vị lãnh tụ nào viết hồi ký nhận trách nhiệm cả mà chỉ thấy nói đến toàn những công lao? Làm mất một quốc gia không phải là việc xẩy ra trong một ngày, nhất định phải có những quyết định sai lầm ảnh hưởng đến đại cuộc, vậy ai là người chịu trách nhiệm? Không lẽ chỉ có Mỹ? Hoặc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu? Đã 36 năm qua, sao chưa thấy một Tổng, Bộ Trưởng, Tướng Lãnh nào lên tiếng nhận là mình đã là một phần tử trong toàn bộ những lãnh đạo sai lầm làm mất nước?
Một số trí thức “hậu bối” lại băn khoăn trước những sự kiện có thể làm ảnh hưởng đến Sự Vẻ Vang của Dân Tộc, mất đi sự đoàn kết cần thiết trong công cuộc chiến đấu chống Cộng Sản bán nước, khi làm mất đi những hình ảnh tốt đẹp của các bậc “Tiền Bối” đang được kính trọng. (Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết có lẽ trong số người này.) Ngược lại, có những bậc “tiền bối” hưu trí kia lại “suy nghĩ” căng thẳng làm sao để được nổi tiếng, làm sao để cho thiên hạ biết những công trạng to lớn của ta ngày trước, làm sao cho vị trí của ta nổi bật lên trong sử sách, cho dù có phải lật nhào vài thần tượng?

Với những cách biệt trong tầm suy nghĩ như thế, người Việt hải ngoại đang đứng trên một bờ vực thẳm chông chênh của sự đổ vỡ Ý Thức Hệ. 

Người Quan Sát thiết tưởng nếu không sớm thiết lập lại một hệ thống suy nghĩ có cùng tần số chung, trên căn bản một cuộc chiến Ý Thức Hệ rất mong manh giữa Chính và Tà; giữa Người Yêu Tổ Quốc và Kẻ Bán Nước; giữa người bảo vệ quê hương với kẻ tàn phá môi trường, môi sinh; giữa Dân Chủ và Độc Tài… thì nhất định thế hệ thứ Nhất- Thế Hệ Di Tản Buồn sẽ vĩnh viễn không có cơ hội nhìn thấy một đất nước Việt Nam Tự Do và Nhân Quyền, bởi vì họ sẽ ra đi trước khi mặt trời Dân Chủ mọc lên trên quê hương yêu quý.

(Chu T.T. giới thiệu)

No comments:

Post a Comment