14 April 2011

Con Đường Văn Hóa Việt


Hòa thời qua ca dao

(Trong "Con Đường Văn Hóa Việt", sắp xuất bản)
 Nguyễn Văn Nhiệm

Hòa thời là đặc trưng của tính lưỡng hợp, lưỡng nhất trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam, có thể được tóm lược qua đẳng thức:
Gian thời + Siêu thời = Hòa thời
Đẳng thức này cũng đã nói lên ý nghĩa của tính lưỡng hợp và quân bình. Đẳng thức lưỡng hợp tính về thời gian cũng đi song song với đẳng thức lưỡng hợp tính về tâm thức:
Ý thức + Tiềm thức = Thần thức
Hòa thời như vậy có tính tương đối. Đặc tính của Hòa thời là con người tuy sống trong Gian thời mà không hoàn toàn bị thời gian cuốn trôi, con người còn muốn thoát khỏi thời gian máy móc, lạnh lùng của chiếc đồng hồ bằng mối chung tình trước cũng như sau:
“Đồng hồ còn có khi sai,
Chung tình với bậu trước hoài như sau.”
Hai câu ca dao trên đã tóm tắt lộ trình của Hòa thời:
Ở Gian thời thì thời gian như chiếc đồng hồ cứ chạy “ tích ta tích tắc “ mãi, nếu có chính xác, ích dụng theo tinh thần khoa học thì cũng có lúc sai:
“ Đồng hồ liệt máy vì bởi sợi dây thiều.
Anh xa em vì bởi cuộn chỉ điều se lơi.”
Ý thức thời gian ở gian thời là cảm thấy nó cứ trôi chảy mãi:
“ Thời giờ thấm thoát thoi đưa,
Nó đi đi mãi không chờ đợi ai.”
Do ý thức về thời gian như vậy mà có những thái độ sống khác nhau:
Thái độ hoài nghi,thiếu tin tưởng:
“ Một năm một tuổi một già,
Ba năm một tuổi chi mà đợi anh.”
Thái độ sống vội vàng:
“ Ai ơi chơi lấy kẻo già,
Măng mọc có lứa, người ta có thì.
Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già sòng sọc nó thì theo sau.”
Thái độ lo âu, xao xuyến:
“ Một mình lo bảy lo ba,
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.”
Rồi người ta động lòng trắc ẩn:
“ Thương thay thân phận con tằm,
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.
Thương thay hạc lạnh đường mây,
Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.”
Do ý thức về thời gian như thế nào thì sẽ có quan niệm về hạnh phúc như thế ấy:
“ Cao cao, cao tít mù xanh,
Tuy cao mù tít vẫn quanh quẩn gần.
Dữ lành cân nhắc đồng cân,
Mà cơ hạnh phúc chuyển vần chẳng sai.
Hiện tiền, quá khứ, tương lai,
Như vòng vòng dính, như quay quay tròn.”
Tuy ở trong Gian thời có phân biệt “Hiện tiền, quá khứ, tương lai“, nhưng vẫn có luật tuần hoàn, luật nhân quả là những luật thường hằng, cho nên con người vẫn còn niềm tin và hy vọng, là suối nguồn của sự sống:
“ Hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai “
“ Có công mài sắt có ngày nên kim “
Từ niềm tin và hy vọng, con người quyết tâm thoát thời gian bằng tập trung nổ lực, chuyên chú vào từng hành động có ý nghĩa trong cuộc sống, Nho gia gọi là “đốc hành “ :
“ Thời gian vùn vụt qua nhanh,
Gắng công đèn sách đua tranh với người.”
“ Ví dầu ngày tháng thoi đưa,
Bao năm chinh chiến anh chưa thấy về.
Điểm tô son phấn, em thề đợi anh.”
Thông thường, người chinh phụ khi vắng chồng thì buồn bã, biếng ăn, biếng ngủ,còn nói chi đến việc trang điểm. Nhưng ở đây việc “điểm tô son phấn “đi đôi với lời thề sắt son “em thề đợi anh“ là do niềm tin và hy vọng cao. Việc “điểm tô son phấn “ dĩ nhiên theo sau những công việc khác nhằm bảo đảm cho mọi sinh hoạt trong gia đình được ổn định, mà còn bảo vệ sức khỏe, dung nhan. Nỗ lực đó giúp quên thời gian.


Bên cạnh phương pháp “đốc hành “ còn có phương pháp “xả“ là bớt dần những ràng buộc quá đáng của ý hệ, tâp quán xấu, gột rửa những tham dục cho đến Tâm không:
“Anh về bớt công bớt việc
Bớt hoa bớt nguyệt
Bớt điếm bớt đàng
Thảnh thơi có thuở
Thanh nhàn có khi.”
Thảnh thơi, thanh nhàn là biểu hiện của cuộc sống an nhiên, tự tại, là vượt thoát thời gian, đó là chân hạnh phúc.

Nguyện cầu:
Nguyện cầu là hình thức thể hiện lòng mong ước có sự trường tồn, nghĩa là thoát thời gian:
“ Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.”
“ Chí tâm niệm Phật đêm ngày,
Cầu cho Cha Mẹ sống tày non cao.”
“Ước gì nguyện được như nguyền,
Ước gì chỉ thắm se duyên tơ đào.”
“ Vái Trời cho đặng vuông tròn,
Trăm năm giữ vẹn lòng son cùng chàng.”
Thề nguyền:
Thề nguyền là hình thức nói lên quyết tâm của chính mình để giữ Đạo hằng:
“Đêm nằm bỏ tóc qua mình,
Thề cho bán mạng kẻo tình anh nghi.”
Lời thề được xem rất quan trọng để minh xác, khẳng định lòng thương yêu rất mực của mình, cho dầu ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện lời thề, giữ lời thề:
“ Con sông bên lở bên bồi,
Lở kia lở mãi, bên bồi bồi thêm.
Lúc bao giờ gió đứng sóng êm,
Con thuyền anh xuôi ngược qua đêm lại về.
Với em anh rất nặng lời thề.”
“ Tóc mai ngắn lắm không dài,
Lời thề nặng lắm, nhớ hoài không quên.”
“ Mình về sao đặng mà về,
Mặt trăng còn đó, lời thề còn đây.”
“ Ra về răng dứt mà về,
Câu ca bỏ dở, lời thề chưa trao.”
Chưa trao lời thề thì chưa thể ra về được, mà đã trao rồi thì vẫn còn bịn rịn, trì kéo, dặn dò:
“ Ai làm kẻ ở người về,
Anh đừng quên hết lời thề thâm say.
Anh về em nắm cổ tay,
Em dặn câu này anh chớ có quên.
Đôi ta đã trót lời nguyền,
Chớ xa xôi mặt mà quên mảng lòng.”
Những hình thức thế thốt phải trang nghiêm như cắt tóc thề nguyền và nhất là cần sự chứng giám của thế lực huyền năng như Trời, Đất, Nước, Non, Miếu linh thiêng:
“ Mình có thương mình cắt tóc mình thề,
Chỉ Trời vạch Đất chớ hề bỏ nhau.”
“ Một lời đã quyết tâm giao,
Dưới thề có Đất, trên cao có Trời.”
“ Cái Miếu linh thiêng có bốn cây cột kiềng kiềng,
Rui tre mè trắc, cắt tóc thề nguyền.
Lời thề nước biếc non xanh,
Nhện giăng sóng dợn sao đành bỏ nhau.”
Chung thủy:
Thề thốt chỉ mới là hình thức, mà nội dụng của nó mới là cứu cánh của Đạo hằng:
“ Ai về nhắn với người xưa,
Lời thề phai lạt nhưng chưa thay lòng.”
Không thay lòng đổi dạ là chung thủy, nghĩa là trước sau như một, là Đạo hằng. Nói về mối tình chung thủy hay chung tình thì ca dao Việt Nam rất phong phú, nó phản ảnh rất trung thực, sâu sắc cuộc sống của xã hội nông nghiệp xưa rất hài hòa theo như tinh thần của Hòa thời, đời sống tình cảm của gái trai tuy rất trữ tình mà lại hòa hợp với Đạo lý, nào là Thủy chung, nào là Nghĩa nhân, cho nên thay vì nói đến tình yêu đơn thuần, người Việt thường hay nói đến Tình nghĩa, Đạo nghĩa.

Tình đi với Tự do cá nhân. Nghĩa đi với công ước xã hội, đoàn thể. Nếu Tự do quá trớn sẽ đưa tới cá nhân chủ nghĩa. Còn nếu công ước xã hội quá khắc khe thì sẽ mất Tự do cá nhân. Đạo Việt là Đạo Thái hòa lưỡng hợp, cho nên Tình luôn luôn đi với Nghĩa một cách hài hòa theo nguyên lý quân bình và đó chính là nền tảng bảo đảm cho Hạnh phúc gia đình:
“ Lời em nói ra bằng ba lời thề thốt,
Như đinh đóng cột, như rìu cốt vài cây.
Anh đừng ngại gió e mây,
Vàng cao ngất núi sao tày nghĩa nhân.”
“ Một lời đã quyết nói ra,
Dẫu là bốn ngựa khó mà đuổi theo.”
“ Thương là thương kẻ Trung, người Chánh
Ghét là ghét kẻ nịnh, người tà
Ăn rồi dụm miệng dèm pha
Dèm pha trối kệ đôi ta không lìa.”
Ý niệm Trung, Chánh gợi đến ý nghĩa của sự giao thoa dọc ngang tự căn cơ. Đôi ta không lìa tức là nói đến mối tình chung thủy keo sơn gắn bó.
“ Trăm năm ước hẹn chung tình,
Trên Trời dưới Đất, có mình với ta.”
“ Hôm nay xum họp trúc mai,
Tình chung buột khắc nghĩa dài trăm năm.”
“ Biên Hòa xứ bưởi thanh thanh,
Có cô bán bưởi xinh xinh trữ tình.
Anh đây lên thác xuống ghềnh,
Đá mòn sông cạn quyết chung tình với em“
“ Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.”
“ Năm ngoái em còn e còn ngại,
Năm nay em kêu đại bằng mình.
Áo bà ba nút ốc chung tình ai may?”
“ Ngó lên trời thấy trăng khi tròn khi khuyết,
Tôi thương anh chung tình, anh nào biết tôi thương.”
Chữ “chung tình“ trở thành người tình muôn thuở, người bạn đời, bạn trăm năm, tức người tình siêu vượt thời gian:
“ Cầu cao ván yếu gập ghềnh,
Chân lần tay dắt chung tình đi qua.”
“ Bởi nắng không mưa cho nên rau dừa dụm lại,
Anh có thương em, anh đừng bận bịu, bớ điệu chung tình.
Con nhạn bay cao anh khó bắn, con cá ở ao quỳnh anh lại khó câu.”
“ Dế ngậm sầu nhiều câu rỉ rả,
Nhớ bạn chung tình thức cả đêm thâu.”
“Đi qua cầu sắt
Nắm tay cho chắc
Miệng hỏi gắt chung tình
Ưng không ưng thì nói, chứ đừng cười đẩy đưa.”
“ Mặc cho cha đánh mẹ treo,
Đứt giây rớt xuống cũng theo chung tình.”
Những ý nghĩa của Trung, Chánh, Tình- nghĩa, Chung tình, điệu chung tình, bạn chung tình nói lên những đặc trưng của đời sống hôn nhân trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Như vậy gia đình là đơn vị, là hình thức trung gian tốt nhất để nối kết cá nhân với đoàn thể, xã hội, quốc gia một cách hợp qui luật tư nhiên và hợp với tiết điệu căn cơ âm Dương hòa hợp .

Thời cơ:
Cơ là cái mầm, cái điềm vừa dấy động lên rất tế vi ở chỗ giao thoa dọc ngang của hai trục thời không chưa thành hình, chưa có chủ đề rõ rệt, những ai tinh tế cũng có thể thấy trước được. Hệ từ hạ viết: “ Quân tử kiến cơ nhi tác, bất sỉ chung nhật “: Bậc quân tử thấy Cơ vừa dấy động lên thì tức khắc hành động ngay, không chờ qua hết ngày.

Tuy Cơ là chỗ giao thoa dọc ngang, nhưng phần dọc quyết định vì dọc biểu thị lãnh vực tâm linh, tiềm thức sâu thẳm, dọc cũng là Thiên, nên gọi là Cơ Trời; dọc cũng chỉ thời gian, nên gọi là Thời cơ:
“ Biết được Cơ Trời việc đời chẳng khó.”
Ngược lại, nếu không biết thì mọi sự đều đa đoan:
“ Cơ Trời dâu bể đa đoan,
Tơ duyên vắn vỏi thiếp chàng xa nhau.”
Người nông dân là những người bình dân, họ không dễ gì nhận ra cái Cơ tế vi kia, nhưng qua kết quả được mùa thì họ kết luận rằng đó là Cô Trời thuận lợi. Rồi lâu dần tích lũy thành kinh nghiệm truyền dạy nhau:
“ Hễ mà hoa quả được mùa,
Chắc là nước bể nước mưa đầy trời.
Ai ơi nên nhớ lấy lời,
Trông Cơ Trời Đất liệu thời làm ăn.”
Ở thế gian, mặc dầu “ Thời giờ thấm thoát thoi đưa “, nhưng nó không phải cứ  tích ta tích tắc“ một cách máy móc, lạnh lùng như cái đồng hồ, mà đối với con người trong cuộc sống hiện thực, nó gợi ra những giai đoạn thích hợp cho từng sự việc:
“Ăn có thời, chơi có giờ. “
Nó cũng tiết lộ cho thấy mỗi chủng loại đều có một thời kỳ sung mãn nhất định:
“ Xuân kia xin chớ bỏ qua,
Hoa mọc có lứa, người ta có thì.”
Thời gian chẳng chờ đợi ai, nếu vụng suy tính sẽ có lúc phiền trách:
“ Bụi dâu khum cây chùm gởi đóng,
Lúc sang giàu dù võng thiếu chi.
Trách nàng cạn dạ hẹp suy,
Chẳng toan kết tóc kịp thì làm ăn.”
Hậu quả là “ lỡ chuyến đò ngang “, là “đôi đàng biệt ly “:
“ Bước xuống ruộng sâu lỡ sầu tấc dạ,
Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng.
Ai làm lỡ chuyến đò ngang,
Cho sông cạn nước đôi đàng biệt ly.”
Như vậy thì sẽ ” quá lứa lỡ thời “:
“ Nữa mai quá lứa lỡ thời,
Cao thì chẳng tới, thấp thì chẳng thông.”
“ Áo dài đứt nút còn khuy,
Gái kia quá lứa lỡ thì hết duyên.”
Cha mẹ kén dâu, kén rể quá đáng cũng là nguyên nhân đưa đến lỡ làng cho các con:
“ Nước trong xanh em để dành tưới hẹ,
Trai lỡ thời tại mẹ kén dâu.”
“ Nước trong veo bao giờ có cá,
Nàng lỡ thời tại mẹ tại cha.
Kén sui kén rể lọc lừa,
Nên em hiu quạnh cũng vừa phận duyên.”
Do truyền thống lễ giáo, con cái vâng lời cha mẹ, nhưng trong trong hoàn cảnh “ lỡ thì “, người con gái cũng phải thắc mắc:
“ Em là con gái lỡ thì,
Thầy Mẹ không gả để làm chi trong nhà.”
Về việc kính yêu Cha Mẹ cũng vậy, sự chăm nom, phụng dưỡng không được lơ là, trễ nải:
“ Mẹ già như trái chín cây,
Gió đưa trái rụng, con rày mồ côi.”
Đối với Cha Mẹ già mà quên yếu tố thời gian thì sẽ ân hận:
“ Rảo bước qua nhịp cầu tre,
Trở về nơi mái lá con mới hay Mẹ đã qua đời.”
Chú ý đến yếu tố thời gian là nắm bắt thời gian sao cho kịp thời:
“ Xin người hiếu tử gắng khuyên,
Kịp thời nuôi nấng cho tuyền đạo con.
Kẻo khi sông cạn đá mòn,
Thơ ngâm nga đọc, có còn thấy chi.”
Kịp thời là bám sát theo Thời hòa, mà chỗ hòa nhất là phải thời, nơi Triết lý nhân sinh muốn đạt tới:
“Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Ra công chẳng quản bao lâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.”
Làm thế nào để biết là phải thời, kịp thời ? Điều này do ánh sáng từ Tâm thức chỉ dẫn, chứ không phải mất công đi hỏi Ông Trời. Nếu có hỏi, Ông Trời cũng làm thinh và chỉ mỉm cười thôi:
“ Lên Sài Gòn phải qua cầu Mỹ Thuận,
Có thương không sao em lựng khựng không chịu trả lời,
Năm đợi năm, tháng đợi tháng, anh hỏi Ông Trời, Ổng làm thinh.”
Bởi Ông Trời cứ làm thinh, mà ánh sáng Tâm thức cũng chẳng thấy lóe lên, cho nên có những chàng trai nôn nóng xắn tay vạch vách, bẻ rào:
“ Anh ơi! Đừng vạch vách, bẻ rào,
Vườn quê mới lập, quả đào còn non.
- Anh muốn vô bẻ trái đào non,
Chờ cho đúng lúc, biết còn hay không?”
Lại cũng có những chàng trai lựng khựng mà thành ra lỡ làng:
“ Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay.
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lòng biết thuở nào ra...”
Nôn nóng thì bị trách, còn lựng khựng thì lỡ làng. Vậy phải làm sao đây? Ta hãy nghe thuyết lý
“ Cầm cần phải giựt “ của một cô gái như sau:
“ Cầm cần phải giựt,
Việc đến tay phải làm.
Thiếp hỏi chàng phải nói ra,
Đầu đuôi tự sự phân ra em tường.
Anh câu từ câu ếch, câu lươn,
Chờ khi cá đói phải thương miếng mồi.
Cá nuốt vô khỏi miệng thì rồi,
Cầm cần phải giựt, chớ ngồi chờ chi.”
Cơ hội là cách nói khác của thời cơ, không phải lúc nào cũng có, nó đến rất bất ngờ, cho nên phải tranh thủ cho kịp thời và xử sự hài hòa theo Đạo lưỡng hợp quân bình:
“ Trăm năm cơ hội tình cờ,
Đàn cầm anh gãy, câu thơ anh đề.
Muốn cho thuận nẽo đi về,
Anh sang làm rể, em về làm dâu.”
Thời thế:

Như đã nói về thuyết tương đối của Albert Einstein thì ánh sáng khi chiếu qua những khối vật nặng, tức qua hấp dẫn lực lớn sẽ chậm lại và cong đi: sự chậm lại này có liên hệ với sự chậm của thời gian và sự cong của ánh sáng có nghĩa là không gian biến dạng (Kết quả cuộc quan sát nhật thực ngày 29-05-1919 đã chứng minh). Hấp dẫn lực không phải là một lực, mà là trạng thái vũ trụ của thời không lưỡng hợp, nghĩa là vũ trụ bốn bề: một bề là thời gian, ba bề là không gian, trong đó sự vật vận động theo con đường ngắn nhất, là hấp dẫn lực tuyến. Ở mặt đất, nơi nào là bình nguyên thì đường ngắn nhất là đường thẳng, còn ở vùng núi (vật khối nặng) thì sự vật vận động qua núi cũng phải chọn đường ngắn nhất là hấp dẫn lực tuyến, nhưng không thẳng như ở đồng bằng. Phân tách trạng thái vũ trụ (xem lại định nghĩa của vũ và trụ) là để liên tưởng đến ý nghĩa của Thời thế. Có hai quan niệm về thời thế bổ túc cho nhau được lưu truyền trong dân gian:
“ Thời thế tạo anh hùng “
và:
“ Anh hùng tạo thời thế “
Nhà cách mạng Phan Bội Châu, trong bài thơ chữ Hán có hai câu được Đào Trinh Nhất dịch như sau:
“ Nếu phải đường đời bằng phẳng hết,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.”
(Giả sử tiền đồ tận di thản. Anh hùng hào kiệt giã dung thường.)

Ở đồng bằng, con đường ngắn nhất là đường thẳng thì dễ xác định, còn như gặp nơi núi non trùng điệp, hiểm trở mà tìm ra con đường ngắn nhất để vượt qua mới là khó, mới đáng mặt anh hùng.

Về thời Tây Sơn có câu đối của Nguyễn Hữu Chỉnh có liên hệ đến chữ thời thế như sau:
“ Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu.
Gặp thời thế, thế thời phải thế.”
(Để đối lại câu sau đây của Vũ Văn Nhậm:
Ai công hầu, ai khanh tướng.
Trong trần ai, ai dễ biết ai.)
Ca dao, tục ngữ nói về các hình thái khác nhau của thời thế lên xuống như đường biểu diễn hình sinnus như được thời, gặp thời, hết thời, thất thời:
“Được thời ngồi ghế, thất thế ngồi trệt.”
“ Hùm giết người rồi hùm nằm ngủ,
Người giết người thức đủ năm canh.
Gặp thời thì cứ hoang huyênh,
Hết thời thì chỉ lênh đênh như bèo.”
“ Trời cao đất rộng thênh thênh,
Công danh phú quý còn dành cho ta.
Có công mài sắt diệt tà,
Gặp thời lộc sẽ vào ra dồi dào.
Công của cũng chẳng là bao,
Ra tay tháo vát thế nào cũng nên.”
Giữa cái nhất thời và trường cửu, tục ngữ có câu:
“ Quan nhất thời, dân vạn đại.”
Thời quân chủ phong kiến mà đã có câu nói rất tiến bộ như trên rồi . Điều này cũng không có gì lạ cả, vì một khi nền văn hóa đạt nhân chủ ở đợt tâm linh thì đương nhiên có tinh thần dân chủ ở lãnh vực xã hội, chánh trị hạ tầng, tức ở làng xã mặc dầu ở trung ương là quân chủ. Nói là tinh thần dân chủ, vì nó bắt rễ từ tiềm thức cộng thông của nền văn hóa đạt nhân chủ nên có sức mạnh tiềm tàng mà quyền lực vương triều không thể áp chế được.Tục ngữ từ xưa đã có câu:
“ Phép vua còn thua lệ làng “
Dân có cái thế “ vạn đại “ của dân, trong khi quan chức chỉ là cái thế “ nhất thời “ khi còn khi mất, cho nên trong dân gian từ lâu đã xuất hiện hai câu sau đây nói lên cái thế lực thật sự muôn đời của dân:
“ Quan có cần nhưng dân chưa vội,
Quan có vội, quan lội quan sang.”
Thời gian đi vào đời sống trong dân gian:
Khi xưa, lúc chưa có đồng hồ thì tiếng gà trống gáy vào buổi sáng như phương tiện tự nhiên để báo thức, báo cho biết là trời đã sáng, một ngày mới bắt đầu:
“ Chó giữ nhà, gà gáy sáng “
Mỗi con vật đều có bản năng riêng, đều có ích cho con người. Gà gáy có liên hệ với thời gian nhất định, thông thường vào lúc hừng sáng, nhưng nếu bất thường là điềm chẳng lành:
“ Gà gáy canh một hỏa tai,
Gà gáy canh hai đạo tặc.”
Điều này không hoàn toàn do mê tín, mà có thể giải thích rất khoa học là vì những biến cố, sự kiện bất thường kia gây tác động tạo phản ứng nơi con gà, cũng tương tự như chuyện tiếng gà gáy bất thường cứu cả một dân tộc thoát nạn ngoại xâm (chuyện tích xứ Gaulois).
Gà gáy báo thức để kịp thời ra đồng cày cấy:
“ Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?”
Gà gáy báo thức để học hành, chuẩn bị vốn học vấn để chờ khoa thi:
“ Tiếng gà gáy giục năm canh,
Chàng ơi dậy học còn nằm làm chi.
Sang năm Chúa mở khoa thi,
Tàn vàng choi chói rỡ thì tên anh.”
Tiếng gà gáy báo hiệu thời gian còn có tác động sâu đậm đến tâm tư của con người trong cuộc sống ở nông thôn:
“Đêm khuya gió quạt trăng tàn,
Trách con gà trống gáy tan tình cờ.”
“ Đèn Bạc Liêu sáng rỡ, đèn Chợ Sở sáng lòa,
Anh gặp mặt em đây chưa kịp giao hòa,
Gà kia vội gáy chân trời hừng đông.”
“ Trách con gà gáy vô tình,
Chưa vui sum họp, đã đành chia phôi.”
“ Trăng lên khỏi núi
Con gà trống đứng bụi chuối
Nó gáy tiếng đôi
Tôi với anh duyên nợ hết rồi
Anh phủi tay đứng dậy, đừng ngồi chờ uổng công.”
“ Chim bay về Núi Một
Gà gáy ngõ Cống Đôi
Anh không thương nữa thì thôi
Cứ đường cái cũ, cây Da Đôi em về.”
Ngoài tiếng gà gáy sáng, tiếng thời gian còn biểu hiện qua tiếng vạc trong đêm như ở phần giới thiệu ”Tiếng ca dao trong đêm“:
“Đêm nằm nghe vạc trở canh,
Nghe sư gõ mõ, nghe anh vỗ nàng.”
Bên cạnh đó còn có tiếng thằn lằn tắc lưỡi nữa, cũng đều nói lên tiếng thời gian:
“Đêm nằm nghe vạc tác canh,
Con thằn lằn điểm khắc, em thương anh nhiều bề.”
Đôi khi người ta còn đếm thời gian bằng lóng ngón tay:
“ Thương chàng từng lóng ngón tay,
Chẳng qua duyên nợ, Ông Trời rày biểu thương.”
Ngắm nhìn sao trên trời để biết thời tiết mà lo liệu công việc làm ăn:
“ Nửa đêm sao sáng mây cao,
Điềm trời nắng gắt, nắng gào chẳng sai.
Ruộng khô nước cạn ai ơi!
Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu.
Đêm âm u trăng sao không tỏ,
Ấy là điềm mưa gió tới nơi.
Đêm nào sao sáng rực trời,
Ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày.
Những ai chăm lo cấy cày,
Điềm trời coi đó, liệu xoay việc làm.”
Ngắm trăng sao để biết thời giờ và giãi bày tâm sự và chiêm nghiệm mối lẽ huyền vi của mối tơ duyên, chuyện họa phước:
“ Dưới trăng em viết thư này,
Sao Mai ló dạng thơ này viết xong.
Trăm năm một mối chỉ hồng,
Một đôi cánh nhạn, một lòng thương anh.”
“Trèo lên cây trắc ngắt lá đinh lăng,
Dòm xuống thấy có chữ rằng:
“ Họa phước vô môn “
Trai khôn khó kiếm, gái khôn khó tìm.
Ngó lên trăng khuyết lưỡi liềm*,
Muốn vô gá nghĩa, sợ nỗi niềm mẹ cha.”
 ( * Mồng một lá trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm...)

Nguyễn Văn Nhiệm

No comments:

Post a Comment