11 March 2011

Trân trọng giới thiệu

Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân
Tập truyện mới của Phạm Tín An Ninh


Đối với người lính chiến miền Nam Việt Nam, chỉ cần nhắc tên một ngọn núi, như Núi Tà Dôm hay Chu Pao, một con đường, như Quốc Lộ 14, Tỉnh Lộ 7 B; một đồ vật như đôi giầy “xô”, cái nón sắt… là có thể tâm hồn òa vỡ. Vết thương lính có thể lành nhưng ký ức không bao giờ phai nhạt. Nó bừng lên nếu có ai bật nút. Phạm Tín An Ninh là một trong số người bật nút tài tình vào bậc nhất hiện nay. Năm ngàn (5. 000) cuốn Ở Cuối Hai Con Đường được bán sạch trong vòng một năm chứng tỏ sau 35 năm kết thúc cuộc chiến, truyện lính vẫn hấp dẫn, không riêng đối với lính mà với mọi người ít nhiều có liên hệ tới cuộc chiến. Nếu đặt Ở Cuối Hai Con Đường trong hoàn cảnh thị trường sách và tình hình đọc ở hải ngoại ngày nay, thì tập truyện này là một hiện tượng. Tôi là người ngán đến mang tai truyện chiến tranh (dù hay như Platoon hay buồn nôn như Deer hunter, thấy trên TV là tôi bật đài khác liền, bởi vì trong những phim ấy tôi chỉ thấy Mỹ và Việt Cộng, không có “Ta” trong đó, “Ta” đã bị loại ra khỏi vòng chiến ngay từ đầu; (nếu có “Ta” là đi đôi với những tướng tá lệ thuộc, ươn hèn). Nhưng tôi thích truyện PTAN. Bạn bè tôi cũng thích và chúng tôi hỏi nhau tại sao chán phim chiến tranh mà độc giả - cả lính lẫn dân - lại thích truyện PTAN? Câu trả lời đơn giản là vì PTAN không kể chuyện chiến tranh (thản hoặc chỉ lấy chiến tranh là m bối cảnh). Anh kể chuyện lính, tức là kể về những con người, trong đó “đánh đấm” chỉ là một khía cạnh. Và không phải người lính đơn độc, mà người lính gắn liền với người dân, với một mối tình. Người lính không chỉ có kiêu hùng mà còn lãng mạn, nhân bản, vị tha. Hình ảnh người lính của PTAN không phải đẹp với bộ quân phục mà đẹp trong suy nghĩ, trong tâm hồn.

Độc giả sẽ thấy những nét đặc thù đó nổi bật hơn nữa trong tập truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân.

Hai anh lính trẻ nhận được hai tấm khăn thêu và hai lá thư ‘sao y chánh bản’ tới tận trường tìm cô em gái hậu phương, để sau đó một người thành người tình bạc mệnh, một người thành nhà sư canh mộ cho bạn mình (Gói quà đầu năm). Anh lính Biệt Động Quân gùi đứa con trai bốn tuổi sau lưng, mở đường máu cho đồng đội, để cuối cùng bỏ xác, bỏ con trên rừng thẳm (Rừng khóc giữa mùa xuân). Cô gái cán bộ lâm trường người Hà Giang yêu anh lính tù cải tạo, giúp anh bản đồ, địa bàn và lương khô để vượt ngục; cuộc đào thoát thất bại, cô tưởng anh đã chết, sáu năm mới đi lấy chồng, nhưng anh vẫn còn sống và trở thành một vị thầy tu.. (Nghỉ hè ở Mallorca). Những anh lính trẻ hành quân tại Ngân Sơn không bao lâu, ngày lên đường, trên đoàn xe GMC của tiểu đoàn, thấp thoáng những cô dâu mới trong bộ đồ lính trận (Người lính trinh sát). Sau cuộc chiến, dù là người bại trận, họ vẫn luôn dang hai tay ôm lấy cái tình huynh đệ, cố giữ hào khí, tư cách của ngày xưa ( Những cánh đại bàng sau cơn bão lửa). Nhiều năm khốn khổ trong lao tù, trở về với một gia đình tan nát, người lính vẫn chịu đưng bao dung, bao nhiêu nỗi oan khiên gởi theo hồn tiếng sáo (Tiếng Sáo).Về già, ngồi “điểm danh”, nhớ thương từng đồng đội cũ, tiếc nuối bao kinh nghiệm chiến trường giờ không biết còn truyền lại cho ai (Lá rụng không về cội)...
Đó là những hình ảnh tưởng chỉ có trong phim về chiến tranh Nam-Bắc Mỹ hoặc Chiến tranh và Hòa bình tại Nga. Nhưng đó là những hình ảnh con người trong chiến tranh Việt Nam. PTAN thu được những hình ảnh đó nhờ anh là lính chiến; anh kể lại chi tiết từng địa danh, năm tháng, không hẳn vì nhờ có trí nhớ tuyệt vời, mà chính vì anh không thể nào quên. Nhưng yếu tố quan trọng không kém khiến cho truyện PTAN có giá trị đặc biệt, là anh có một triết lý riêng để lý giải tất cả mọi việc trên đời - thái độ trước định mệnh.

Cuộc đời trong thế giới PTAN đầy oan trái, và đầy tính định mệnh. Nhưng các nhân vật không thúc thủ trước định mệnh. PTAN tin”xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Truyện PTAN thường cực kỳ éo le, chằng chịt khúc mắc, dàn dựng khác với phép dựng kịch (dramaturgy) của truyện ngắn cổ điển (vả lại, có bao nhiêu nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn theo sách vở?). PTAN dàn dựng truyện như thế này:
Tình cờ - hạnh ngộ - chia ly - đi tìm - thấy - xử trí theo tình nghĩa.
Các truyện trong Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, vì thế, phần nhiều là bi kịch, nhưng luôn luôn có hậu, khuynh hướng mà đa số độc giả trông đợi. Nhờ thế, đọc truyện Phạm Tín An Ninh, dù chảy nước mắt nhưng ai cũng phải hài lòng

Tâm Thanh
____________________________
(Nguyễn Đắc Điều, Nguyễn Văn Sanh)

No comments:

Post a Comment